Dạy Con Làm Giàu – Tập 4

CHƯƠNG 16 Thành công là tự do thể hiện chính mình



Hồi còn nhỏ, thầy cô của tôi thường nói: “Em cần có học vấn cao mới có thể kiếm được việc làm tốt.”

Người bố giàu của tôi lại khác, Người vẽ nên Kim Tứ Đồ. Thay vì bảo tôi kiếm việc làm, điều khiến tôi chỉ quanh quẩn ở nhóm L – làm công, thì Người đã cho tôi cơ hội lựa chọn trong Kim Tứ Đồ.

Khi tôi gặp rắc rối ở trường, người bố thông thái của tôi đã cho tôi cơ hội tìm kiếm cách học của riêng mình.

CÀNG NHIỀU LỰA CHỌN BẠN CÀNG CÓ NHIỀU CƠ HỘI THÀNH CÔNG

Thế giới ngày nay cho chúng ta nhiều lựa chọn hơn. Mỗi lần chúng ta có thêm một ngành mới, chẳng hạn công nghiệp hàng không hay công nghiệp máy tính, chúng ta có nhiều lựa chọn trong nghề nghiệp và sở thích hơn. Một trong những vấn đề đối với trẻ con ngày nay xuất phát từ việc có quá nhiều lựa chọn, như trong lĩnh vực giải trí. Tuy nhiên, càng có nhiều lựa chọn, chúng ta càng có nhiều cơ hội thành công hơn.

Nếu bố mẹ lấy đi quyền lựa chọn của con thì trong gia đình sẽ xảy ra bất hòa. Nếu với tư cách là bố, hay mẹ, bạn nói: “Đừng làm điều này,” hoặc “Đừng làm chuyện nọ,” thì thế nào con bạn cũng sẽ làm đúng điều bạn cấm, hoặc chúng đã làm xong chuyện đó rồi.

Một trong những điều làm tôi hạnh phúc là lúc còn nhỏ bố mẹ đã không hạn chế những chọn lựa của tôi mà đã tạo ra thêm nhiều chọn lựa cho tôi cân nhắc. Điều đó không có nghĩa là tôi không có kỷ luật, nhưng một trong những điều cả hai người bố của tôi đã làm là cho tôi nhiều cơ hội lựa chọn hơn thay vì bó buộc tôi với những điều tôi được phép và không được phép làm. Và như Kathy Kolbe, bạn tôi đã nói: “Thành công là tự do thể hiện chính mình.”

CON MUỐN LÀM GÌ KHI TRƯỞNG THÀNH?

Thay vì bảo tôi “Hãy đến trường để kiếm công ăn việc làm” thì người bố giàu dưa ra cho tôi những lựa chọn. Đó là Kim Tứ Đồ mà trong quyển 2 của bộ sách này đã nói đến.

Xin nhắc lại:

L – nhóm người làm công ăn lương

T – nhóm người làm tư

C – nhóm chủ doanh nghiệp

Đ – nhóm nhà đầu tư

Do được cho lựa chọn, tôi cảm thấy mình, làm chủ được số phận của mình và những gì mình muốn học hơn. Dần dà, tôi cũng phát hiện ra các luật thuế khác nhau đối với từng nhóm trong Kim Tứ Đồ, và thực tế đó cũng giúp tôi vẽ ra con đường đi trong tương lai của mình. Như nhiều người cũng biết, thuế là chi phí lớn nhất trong cả đời chúng ta. Mà rủi thay, những người trong nhóm L và T lại phải trả thuế nhiều hơn.

Khi nói chuyện với con bạn, bạn có thể đưa ra một lựa chọn trong Kim Tứ Đồ hơn là chỉ đơn giản nói: “Hãy đi học để sau này kiếm công ăn việc làm.”

Do có sự chọn lựa, tôi biết rằng môn học nào thích hợp nhất cho mình và môn học nào đưa tôi đến nhóm C và Đ trong Kim Tứ Đồ. Tôi biết mình sẽ làm gì khi trưởng thành. Ngày nay, mặc dù chúng ta đã thuộc nhóm L, T hay C trong Kim Tứ Đồ, thì tất cả chúng ta cũng cần phải đầu tư (nhóm Đ). Hy vọng là bạn sẽ không còn trông chờ vào chính phủ hoặc công ty của bạn khi bạn về hưu.

CÁC LỰA CHỌN VÀ HỆ QUẢ

Một sự khởi đầu vững chắc về tài chíah mà người bố giàu đã cho tôi là sự thông hiểu về các lựa chọn và các hệ quả đã tìm thấy trong các bản báo cáo tài chính.

Khi bạn nhìn vào toàn bộ bản báo cáo tài chính, bạn có thể hiểu được tầm quan trọng của việc học về tài chính.

Qua bài tập ở nhà về tài chính, Mike và tôi sớm nhận ra rằng với mỗi đôla chúng tôi nhận được, chúng tôi có một chọn lựa, và sự chọn lựa đó được tìm thấy trong cột chi phí. Chúng tôi nhận ra rằng mỗi khi chúng tôi kiếm được hoặc tiêu tốn một đôla là có một phản ứng dây chuyền, hoặc một hệ quả đối với hành động đó. Bằng cách rút ra một đôla và mua một tiêu sản như một chiếc xe hơi, chúng tôi biết hệ quả lâu dài là chúng tôi sẽ nghèo đi thay vì giàu lên.

Đưa ra các quyết định chi tiêu, hoặc những lựa chọn như sau, thì hệ quả về lâu dài sẽ khác nhau.

Khi còn bé, chúng tôi có thể hiểu rằng đưa ra lựa chọn tiêu tiền bằng cách đầu tư vào tài sản đã đưa đến hệ quả lâu dài thế này. Cả Mike và tôi từ lúc mới chín tuổi đều đã biết rằng chỉ chúng tôi có quyền năng với số phận tài chính của mình chứ không phải ai khác. Chúng tôi biết nếu chúng tôi có những chọn lựa suốt đời về tài chính, giống như bản báo cáo tài chính thứ hai, chúng tôi có thể giàu dù có học cao hay có công việc tốt hay không. Chúng tôi biết rằng sự thành công về tài chính không phụ thuộc vào sự thành công trong học tập.

Như đã trình bày ở đầu sách: “Trong thời đại Công nghệ Thông tin, giáo dục quan trọng hơn bao giờ hết. Và để chuẩn bị tốt nhất cho con bạn bước vào tương lai, những kỹ năng tài chính vững chắc là cực kỳ quan trọng.”

Bằng cách dạy cho con bạn kiến thức cơ bản về tài chính, bản báo cáo tài chính, bạn đã cho con mình sức mạnh để làm chủ số phận tài chính của bản thân chúng. Chúng sẽ có sức mạnh dù cho chúng có chọn nghề nghiệp gì, kiếm được bao nhiêu tiền, và học giỏi dở ra sao. Như người bố giàu thường nói: “Tiền bạc không nhất thiết làm cho con giàu lên. Sai lầm lớn nhất mà nhiều người mắc phải là họ nghĩ càng kiếm được nhiều tiền thì họ sẽ càng giàu. Đa số trường hợp, khi kiếm được càng nhiều tiền thì người ta càng lún sâu vào nợ nần. Đó là lý do tại sao tiền bạc thôi thì không làm cho con giàu được.” Và vì thế Người dạy Mike và tôi rằng với mỗi đôla chúng tôi tiêu xài, chúng tôi có một lựa chọn, và mỗi lựa chọn kéo theo một hệ quả lâu dài.

SỨC MẠNH CỦA SỐ BỐN

Ai cũng biết câu: “Không ai là một hòn đảo riêng biệt.” Hoặc “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”

Trong khi bản thân tôi nhất trí với những thành ngữ này thì hệ thống giáo dục lại có vẻ không đồng ý với lời dạy của cổ nhân. Trong quyển Dạy Con Làm Giàu tập 3, tôi đã bàn vế sức mạnh của một tứ diện. Sau đây là một tứ diện, hay một kim tự tháp:

Trong môn hình học không gian, tôi biết rằng tứ diện là cấu trúc không gian nhỏ nhất và vững chắc nhất trong những dạng cấu trúc, đó cũng là lý do kim tự tháp tồn tại được lâu đến vậy. Mấu chốt ở chỗ sự kỳ diệu tìm thấy trong con số 4.

Xem xét thế giới tiền bạc và kinh doanh, ta thấy ngay Kim Tứ Đồ. Một lần nữa lại là con số 4 kỳ ảo. Bốn cạnh là (L) làm công, (T) làm tư hoặc làm chủ doanh nghiệp nhỏ, (C) chủ doanh nghiệp lớn và (Đ) nhà đầu tư. Và, một tứ diện lại hiện ra.

Thầy thuốc Hy Lạp cổ đại Hippocrates (460 – 377 trước CN) thường được gọi là cha đẻ của ngành y, cũng sử dụng bốn dạng tính cách khác nhau để mô tả con người. Ông dùng các thuật ngữ nóng nảy, lạc quan, lạnh lùng và u sầu.

Vào thế kỷ Hai mươi, Tiến sĩ Carl Jung cũng phân loại bốn dạng người với các thuật ngữ suy tư, nhạy cảm, trực cảm và tình cảm.

Vào những năm 1950, Isabel Myers và mẹ bà đã phát triển chỉ thị dạng Myers-Briggs (MBTI). MBTI xác định 16 dạng người khác nhau, sau đó được giản lược xuông còn bốn dạng chính: Thống trị, Ảnh hưởng, Ủng hộ và Phục tùng.

Ngày nay, nhiều cách phân loại này vẫn có giá trị, và nhiều công ty dùng những phân loại này để đảm bảo họ đặt đúng người vào đúng việc.

VÀ SỨC MẠNH CỦA SỐ 12

Hầu như ai cũng biết rằng có mười hai tháng trong năm và có mười hai con giáp. Trong cuộc đời con người, con số 4 và 12 được lặp đi lặp lại như những con số đầy ý nghĩa. Khi chúng ta học hình học không gian, chúng ta sẽ hiểu được tại sao mối quan hệ này được nhắc đi nhắc lại. Vậy mà hệ thống giáo dục hiện hành chỉ phát hiện duy nhất một cách học và một dạng tài năng. Quyển sách này giúp bố mẹ nhận ra có bốn cách học và mười hai dạng tài năng khác nhau. Nói cách khác, hiện nay bạn có nhiều lựa chọn hơn trong việc nuôi con và phát huy tài năng của con. Như đã nói ở đầu sách, thông minh có nghĩa là khả năng phân biệt giỏi hơn, và giáo dục (education) có gốc Latin từ educe có nghĩa là “đem ra”, chứ không phải “nhồi nhét vào”.

Khi bạn nhìn vào mắt con mình, hãy luôn nhớ là trong con bạn luôn luôn tồn tại một “tài năng”. Mặc dù trường học không tìm kiếm tài năng đó nhưng bố mẹ hoặc thầy cô nên làm việc này. Bất cứ khi nào bạn nhìn vào mắt con mình và nhìn thấy tài năng của nó thì điều đó nhắc nhở tất cả chúng ta rằng chúng ta ai cũng có biệt tài thiên phú. Và chính những biệt tài này đã đem lại phép màu cho cuộc sống.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.