Dạy Con Làm Giàu – Tập 4

PHẦN II: TIỀN BẠC KHÔNG LẦM CHO BẠN GIÀU. CHƯƠNG 08 Ngân hàng không bao giờ hỏi đến học bạ của tôi



Người bố giàu của tôi đã nói: “Tiền bạc không làm cho con giàu.” Người nói tiếp rằng tiền bạc vừa có sức mạnh làm cho bạn giàu hoặc vừa có thể làm cho bạn nghèo… và đối với nhiều người, càng kiếm được nhiều tiền thì họ càng nghèo đi. Sau này, khi Người thấy vé số phổ biến, Người nói: “Nếu tiền bạc làm cho con giàu thì tại sao nhiều người trúng độc đắc lại bị phá sản?”

Người bố thông thái cũng nói những điều tương tự về điểm số.

Nếu một đứa trẻ ra trường với điểm cao, thì có phải là nó sẽ thành công trong cuộc sống? Có phải thành công trong việc học hành sẽ đảm bảo cho sự thành công của con bạn trong cuộc đời? Phần I của sách này viết về sự chuẩn bị cơ bản về tinh thần cho con bạn trong việc học và cho những cơ hội nảy sinh vào lúc đầu đời. Phần II được viết nhằm chuẩn bị cho con bạn thành công trong cuộc sống.
Năm 15 tuổi, tôi thi rớt môn Anh văn. Điều đó có nghĩa là tôi phải học lại năm thứ hai trong trường. Đây là quy đinh của hệ thống giáo dục. Thật xấu hổ! Bố tôi là một lãnh đạo ngành giáo dục do dó sẽ có nhiều tiếng cười chê trong ngành khi biết con trai ông thi trượt. Tiếp theo, thi trượt có nghĩa là tôi bị rớt xuống học chung lớp với đứa em gái. Và thi trượt có nghĩa là tôi sẽ không được nhận thư mời chơi cho đội bóng đá của trường, môn thể thao yêu thích của tôi. Hôm nhận được học bạ với điểm F môn Anh văn, tôi lẻn ra phía sau tòa nhà thí nghiêm hóa học. Tôi ngồi ôm gối, dựa lưng vào tường, và bắt đầu lặng lẽ khóc. Tôi đã chuẩn bị tinh thần từ lâu, nhưng thấy nó trên giấy thế này làm tôi không thể chịu đựng được. Tôi ngồi đó có đến hơn cả tiếng đồng hồ.

Bạn thân nhất của tôi, Mike, con của người bố giàu, cũng nhận một diểm F. Cùng thi trượt chẳng hay ho gì, nhưng ít ra có bạn đồng hành trong cơn bĩ cực cũng đỡ. Tôi vẫy nó khi nó đi ra cổng để đón xe về nhà, nhưng nó chỉ lắc đầu và cứ đi tiếp về phía chiếc xe đang đợi.

Khi những đứa em tôi đã đi ngủ, tôi báo với bố mẹ tin tôi thi trượt môn Anh văn cũng như học lại năm thứ hai trung học. Trong khi bố mẹ kỳ vọng vào tôi, tin này là một thực tế phũ phàng. Bố tôi ngồi lặng người trên ghế, mặt không biểu lộ gì. Trái lại, mẹ tôi lại tiếp nhận tin này khó hơn. Tôi có thể thấy cảm xúc dâng trên khuôn mặt mẹ, chuyển từ buồn bã sang giận dữ. Quay sang bố, mẹ hỏi: “Chuyện gì vậy? Nó phải lưu ban một năm sao?”. Bố chỉ nói: “Đó là quy định. Nhưng trước khi anh đưa ra quyết định, anh sẽ xem xét cẩn thận.”

Mấy ngày sau, bố tôi, người tôi thường gọi là người bố nghèo, đã xem xét vấn đề. Người phát hiện ra trong lớp tôi có 32 học sinh, thầy giáo đã đánh rớt 15 học sinh. Thấy tỉ lệ thi trượt cao như vậy, bố tôi với tư cách là thanh tra giáo dục đã yêu cầu thầy hiệu trưởng mở một cuộc điều tra chính thức! Cuộc điều tra bắt đầu bằng cách phỏng vấn nhiều học sinh trong lớp. Cuộc điều tra kết thúc với việc thầy tôi bị chuyển sang trường khác và một lớp học hè đặc biệt sẽ được mở dành cho những học sinh muốn có cơ hội cải thiện điểm. Tôi đã phải bỏ 3 tuần học lớp đó và đạt điểm D, và có thể lên lớp 11 cùng các bạn khác.

Cuối cùng, bố tôi quyết định rằng ai cũng có cái đúng và cái sai, cả học sinh cũng như giáo viên. Điều làm bố bực mình là hầu hết học sinh bị trượt là học sinh năm hai đứng đầu của lớp và trường. Nên thay vì nhìn phiến diện, Người về nhà nói với tôi: “Hãy xem thất bại trong học hành là bài học lớn trong đời con. Con có thế học được vài điều từ chuyện này. Con có thể tức giận, đổ lỗi cho thầy cô, hoặc căm thù. Hoặc con có thể xem lại hành vi của mình, và lớn lên từ những bài học kinh nghiệm. Ta không nghĩ thầy giáo nên cho nhiều điểm trượt. Nhưng ta nghĩ con và bạn con cần phải trở thành những học sinh tốt hơn. Ta hy vọng cả học sinh và thầy cô đều rút kinh nghiệm.”

Tôi nên thừa nhận là mình vẫn còn ác cảm. Tôi vẫn không ưa thầy cô giáo, và ghét đến trường. Tôi không bao giờ thích học những môn tôi không hứng thú hoặc những môn tôi biết là mình không bao giờ dùng đến khi ra trường. Mặc dù vết thương lòng sâu nặng, tôi đã phấn khởi hơn một chút và thay đổi thái độ, thói quen học tập được cải thiện, và tôi đã tốt nghiệp trung học theo đúng như dự kiến.

Điều quan trọng nhất là tôi đã đón nhận lời khuyên của bố và gắng hết sức thoát khỏi tình trạng tồi tệ đó. Vậy mà trong cái rủi có cái may. Sự việc đó đã khiến tôi thay đổi thái độ và nề nếp học tập của mình. Tôi nhận ra nếu tôi không sửa sai năm lớp mười, chắc hẳn tôi đã bị đuổi khỏi trường.

NHỮNG NHẬN XÉT CỦA NGƯỜI BỐ GIÀU

Điểm F môn Anh văn của con trai làm người bố giàu buồn lòng. Tuy nhiên, Người rất vui khi biết bố ruột tôi mở chương trình phụ đạo hè để chúng tôi có cơ hội cải thiện điểm. Cả hai người bố đều nhìn vào mặt lạc quan của vấn đề, cả hai đều cho chúng tôi thấy những bài học từ kinh nghiệm này, mặc dù những bài học của họ rất khác biệt. Người bố giàu không nhiều lời. Người chỉ quan sát hai đứa tôi để xem chúng tôi phản ứng lại hoàn cảnh thế nào. Người đọc được những suy nghĩ và cảm giác của chúng tôi về sự trì trệ của nền giáo dục, và cũng đến lúc Người phải lên tiếng. Ngồi xuống ghế, Người nói: “Điểm số cao rất quan trọng. Chuyện các con học hành như thế nào ở trường rất quan trọng. Các con học được bao nhiêu và thông minh đến đâu cũng rất quan trọng. Nhưng khi các con ra trường, điểm số cao không còn quan trọng nữa.”

Khi nghe Người nói đến đó, tôi ngả người trên ghế. Trong gia đình tôi, một gia đình mà hầu hết các thành viên đều làm việc trong ngành giáo dục, từ bố cho đến các anh chị, thì nói điểm số không quan trọng gần như một việc xúc phạm. “Nhưng điểm số của chúng con thì sao? Những điểm số này sẽ đi theo chúng con trong suốt cuộc đời,” tôi đệm thêm bằng một cái gật đầu và giọng than van.

Người bố giàu gật đầu rồi chồm người tới, và nói một cách nghiêm túc: “Nghe đây, Mike và Robert. Ta sẽ nói cho các con một bí mật quan trọng.” Người bố giàu ngưng một chút để chắc chắn chúng tôi thật chú ý. Rồi Người nói tiếp: “Ngân hàng của ta không bao giờ yêu cầu ta trình học bạ ra.”

Câu nói đó làm tôi giật mình. Mấy tháng nay tôi và Mike lo âu về điểm số của mình. Trong trường học điểm số là tất cả. Bố mẹ tôi, họ hàng và bạn bè đều nghĩ điểm số là tất cả. Bây giờ những lời của người bố giàu lôi tôi ra khỏi vòng xoáy của suy nghĩ đó… suy nghĩ cho rằng tôi sẽ tàn đời vì bị điểm kém. “Bố nói gì ạ?” tôi hỏi lại vì chưa hiểu hết ý của Người.

Người bố giàu giải thích: “Ngân hàng luôn hỏi bản báo cáo tài chính. Ngân hàng yêu cầu xem bản báo cáo tài chính của mọi người. Họ không quan tâm anh giàu hay anh nghèo, có học hay thất học. Bất kể anh là ai, họ cũng muốn xem bản báo cáo tài chính của anh. Con nghĩ xem tại sao họ làm vậy?”

Mike và tôi khẽ gật đầu và cố tìm câu trả lời. Bỗng Mike lên tiếng: “Con chưa từng nghĩ đến chuyện đó. Bố nói cho chúng con biết chứ?”

“Bởi vì bản báo cáo tài chính là học bạ của người ta khi họ ra trường,” người bố giàu nói bằng giọng trầm mạnh mẽ. “Vấn đề ở chỗ, hầu như ai cũng ra trường mà chẳng có ý niệm gì về bản báo cáo tài chính.”

“Bản báo cáo tài chính của con là học bạ của con khi con ra trường ư?” tôi nghi ngại hỏi lại. “Ý bố nói nó là học bạ của người lớn?”

Người bố giàu gật đầu. “Nó là học bạ của người lớn. Xin nhắc lại, vấn đề ở chỗ hầu hết người lớn lại không biết thực sự một bản báo cáo tài chính là gì.”

Tôi hỏi: “Có phải nó là học bạ duy nhất người lớn có không? Còn có loại học bạ nào nữa không ạ?”

“Ừ, cũng có những loại học bạ khác nữa. Bản báo cáo tài chính của con là học bạ quan trọng nhất, nhưng không phải là loại học bạ duy nhất. Trên đời có nhiều loại học bạ, và bản báo cáo tài chính cá nhân của một người là học bạ quan trọng nhất.”

“Cho nên mới có người có toàn điểm A trong học bạ ở trường và có toàn điểm F trong bản báo cáo tài chính ở trường đời phải không ạ?” tôi hỏi. “Có phải bố nói thế không ạ?”

Người bố giàu gật đầu: “Lúc nào cũng đúng.”

TRƯỜNG HỌC TRỌNG ĐlỂM SỐ, TRƯỜNG ĐỜI TRỌNG BẢN BÁO CÁO TÀI CHÍNH

Điểm trượt môn Anh văn năm 15 tuổi đã đem lại cho tôi một kinh nghiệm để đời, bởi vì tôi bắt đầu nhận thấy tôi ngày càng có thái độ tệ hại đối với trường học và chuyện học hành của mình. Điểm trượt đó đã thức tỉnh tôi, khiến tôi chỉnh đốn lại thái độ và nề nếp học tập của mình. Tôi cũng sớm nhận ra rằng trong khi điểm số quan trọng đối với trường học thì bản báo cáo tài chính sẽ là học bạ của tôi ở trường đời.

Người bố giàu đã nói với tôi: “Trong trường học, các học sinh được cấp học bạ mỗi học kỳ. Nếu một đứa trẻ yếu môn nào đó thì ít ra nó cũng có thời gian để khắc phục. Trong cuộc đời, hầu hết mọi người không bao giờ nhận được học bạ, và đó là lý do tại sao nhiều người sa lầy về tài chính. Nhiều người đã không thực sự quan tâm đến hiện trạng tài chính của mình cho đến khi họ bị thất nghiệp, gặp tai nạn, nghĩ đến việc nghỉ hưu, hoặc cho đến khi đã quá muộn màng. Bởi vì hầu như không ai có học bạ định kỳ để biết mà điều chỉnh về mặt tài chính nhằm hướng đến một sự an toàn hơn. Họ có thể có một việc làm lương cao, một ngôi nhà lớn, một xe hơi đời mới, và đang xuôi chèo mát mái trong công việc, chưa hề có những điểm trượt về tài chính. Nhiều học sinh thông minh có điểm số cao ở trường học có thể sẽ có những điểm trượt tệ hại về tài chính trong cuộc đời. Đó là cái giá phải trả của việc không có một học bạ đinh kỳ. Bố muốn xem những bản báo cáo tài chính của mình để biết bố đang làm tôt ở chỗ nào, chỗ nào làm không tốt, và điều gì cần cải thiện.”

HỌC BẠ CHO BIẾT CHỖ CẦN PHẢI CẢI THIỆN

Đôi khi tôi nghĩ, nếu tôi không nhận điểm trượt năm 15 tuổi và không nhận được sự ủng hộ của gia đình trong những giai đoạn khó khăn đó thì tôi sẽ chẳng thể nào có được sự thay đổi trong đời và trở thành tác giả ăn khách được. Đó là lý do tại sao học bạ quan trọng đến vậy, đặc biệt nếu đó là học bạ ghi điểm số tệ hại.

Cuối cùng tôi nhận ra học bạ không chỉ đo lường những gì chúng ta biết mà còn những gì chúng ta cần cải thiện trong cuộc sống. Bản báo cáo tài chính cũng giống y như vậy. Đó là học bạ của bạn về những điều bạn làm tốt về tài chính. Đó là học bạ trường đời của bạn.

CON BẠN CẦN BẢN BÁO CÁO TÀI CHÍNH NGAY TỪ BÂY GIỜ

Tôi nhận được sự khởi đầu về tài chính năm lên 9. Đó là những năm tháng người bố giàu giới thiệu cho tôi về bản báo cáo tài chính.

Nhưng điều lớn hơn cả sự tự tin mà tôi có được khi hiểu bản báo cáo tài chính là “ba chữ T”, như người bố giàu của tôi thường gọi, là Tự tin, Tự chủ và Tự sửa sai.

Người thường nói với Mike và tôi: “Nếu con hiểu được cách bản báo cáo tài chính vận hành thì con sẽ tự tin hơn về khả năng tài chính của mình, con sẽ tự chủ hơn về tiền bạc và quan trọng nhất là con sẽ có thể tự sửa sai khi mọi thứ đi chệch ra khỏi quỹ đạo tài chính của con. Người ta thiếu sự hiểu biết về tài chính chỉ bởi vì thiếu tự tin về tài chính, nên họ mất tự chủ và hiếm khi tự sửa sai trước khi quá muộn.”

Lúc còn nhỏ, tôi đã bắt đầu học bằng tinh thần, bằng cảm xúc, bằng thể chất và bằng trí tuệ những đường ngang ngõ tắt của ba chữ T. Lúc đó, tôi không hiểu hết điều đó, và đến tận bây giờ tôi vẫn chưa hiểu hết được. Tuy nhiên, sự giáo dục cơ bản về tài chính đó là nền tảng cho kiến thức tài chính lâu dài, bất biến, nó giúp tôi có một sự khởi đầu tốt đẹp về tài chính trong cuộc đời… và tất cả đều bắt đầu với sự hiểu biết về bản báo cáo tài chính.

PHÁC HỌA ĐẨU TIÊN CỦA TÔI

Người bố giàu bắt đầu bằng những phác họa đơn giản.

Khi chúng tôi vẽ được những phác họa sơ bộ, Người muốn chúng tôi nắm vững các từ ngữ, các định nghĩa và các mối quan hệ. Tôi biết được cách các từ ngữ và các giản đồ quan hệ với nhau. Khi tôi nói với những người được tập huấn về tài chính, họ bảo rằng mặc dầu họ có một tài khoản lúc còn đi học, nhưng họ chẳng thể nào hiểu được mối quan hệ giữa các từ ngữ – và như người bố giàu đã nói: “Chính mối quan hệ mới là quan trọng.”

Thu nhập

Chi phí

Tài sản Tiêu sản

NHỮNG VẤN ĐỀ TÀI CHÍNH BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU

Người bố nghèo thường nói: “Ngôi nhà của chúng ta là một tài sản.” Và đó cũng là xuất phát điểm của hầu hết những vấn đề về tài chính của Người. Chính sự hiểu lầm này, hoặc sự tách bạch không mấy rõ ràng trong định nghĩa, đã gây nên những rắc rối về tài chính cho bố tôi và nhiều người khác trong cuộc sống. Khi bạn ném một hòn sỏi xuống hồ, bạn sẽ thấy những gợn sóng lan ra từ điểm đầu tiên hòn sỏi chạm mặt nước. Khi một người bước vào đời mà không hiểu nổi sự khác biệt giữa tài sản và tiêu sản thì những làn sóng lan ra từ việc đó có thể sẽ ảnh hưởng đến suốt cuộc đời của người đó. Và đó là lý do người bố giàu nói: “Chính mối quan hệ mới là quan trọng.”

Mặc dù tôi đã lặp lại vấn đề này trong một quyển sách khác, nhưng nhắc lại một lần nữa ở đây cũng không thừa. Đó là bước đầu tiên quan trọng đem lại cho con bạn sự khởi đầu tốt đẹp về tài chính, trong cuộc đời.

ĐIỀU GÌ XÁC ĐỊNH MỘT TÀI SẢN HAY MỘT TIÊU SẢN?

Điều gì xác định một tài sản và điều gì xác định một tiêu sản? Khi tôi tra từ điển, tôi càng thấy rối thêm. Đó là nhược điểm của cách học lý thuyết, không có gì cụ thể trong các định nghĩa. Giản đồ đơn giản của một bản báo cáo tài chính cho ta cách học cụ thể về các định nghĩa, dù cho nó chỉ là một vài dòng trên một mẩu giấy.

Để minh họa quan điểm của tôi, xin đưa ra một định nghĩa của từ tài sản trong một quyển từ điển:

Tài sản a: của cải của người đã chết, b: toàn bộ của cải của một cá nhân, công ty, đoàn thể. c: những mục trong bảng cân đối cho biết giá trị ghi sổ của của cải.

Đối với nhiều người có tài năng học tập và IQ cao, một định nghĩa như vậy có thể là thỏa đáng. Có lẽ họ có thể đọc những từ ngữ và liên tưởng đến một tài sản thực sự để hình dung. Nhưng đối với một đứa bé mới chín tuổi như tôi lúc bấy giờ, những từ ngữ đó thôi chẳng làm tôi hiểu. Đối với một thằng nhóc 9 tuổi ham làm giàu, định nghĩa trong từ điển thật rối rắm và vô lý. Nếu sự thông minh là để phân biệt giỏi dở tốt hơn, thì để làm giàu tôi cần phải biết định nghĩa rõ ràng hơn những gì viết trong từ điển, và tôi cần biết chúng thật hơn là chỉ qua từ ngữ.

Để tôi dễ hiểu hơn Người dùng một mẩu giấy và cho tôi thấy mối quan hệ giữa bảng kê thu nhập và bảng cân đối. Người nói: “Cái xác định một thứ có phải là tài sản hay không mà con liệt kê trong bảng cân đối, chính là sự lưu thông tiền tệ. Lưu thông tiền tệ có thể là từ quan trọng nhất trong thế giới tài chính, nhưng nó lại là từ được hiểu ít nhất. Con có thể thấy tiền, nhưng nhiều người không thể thấy được sự lưu thông. Do vậy, sự lưu thông tiền tệ mới xác định được một thứ có thực sự là tài sản hay không, hay là một tiêu sản, hay là một thứ bỏ di.”

MỐI QUAN HỆ

“Chính sự lưu thông tiền tệ giữa bảng kê thu nhập và bảng cân đối sẽ thực sự xác định cái gì là tài sản hay cái gì là tiêu sản,” người bố giàu lặp đi lặp lại.

Nếu bạn muốn cho con mình một sự khởi đầu tài chính trong đời, hãy ghi nhớ những dòng này và lặp đi lặp lại với con bạn. Con bạn cần phải thông suốt câu này. Nếu con bạn không hiểu, rất có thể nó sẽ ra ngoài, mua mấy cây gậy chơi golf, nhét chúng vào gara và đưa vào danh mục tài sản khi chúng kê khai báo cáo tài chính cho ngân hàng để vay tiền. Trong thế giới của bố tôi, những cây gậy chơi golf nằm trong gara không phải là tài sản. Nhưng trong rất nhiều hồ sơ vay ngân hàng, bạn có thể những cây gậy này – những món ve chai – là tài sản. Chúng được đưa vào danh sách trong cột tài sản ở mục gọi là “Vật Dụng Riêng.” Đó là nơi bạn có thể liệt kê ra giày dép, bàn ghế, quần ảo, chén bát, thậm chí cả những cái vợt tennis cũ như những tài sản trong cột tài sản – và đó là lý do nhiều người không ngóc đầu giàu lên nổi. Họ không biết mối liên hệ giữa bảng kê thu nhập và bảng cân đối.

Và đây là một mẫu lưu thông tiền tệ của một tài sản.

Nói cách khác, tài sản là tiền chảy vào cột thu nhập.

Còn đây là mẫu lưu thông tiền tệ của một tiêu sản.

Nói cách khác, tiêu sản là tiền chảy ra khỏi cột chi phí.

Bạn không cần phải là một chuyên gia mới biết được sự khác nhau giữa tiền vào và tiền ra. Để tôi và Mike hiểu rõ hơn ý tưởng này, người bố giàu thường hay nói: “Tài sản là thứ đưa tiền vào túi con, còn tiêu sản là thứ lấy tiền ra khỏi túi con.” Là một đứa

trẻ 9 tuổi tôi đã hiểu được điều dó. Nhiều người lớn lại không hiểu nổi!

Khi tôi lớn lên và hiểu rằng nhiều người cứ phải bám vào những công việc ổn định, người bố giàu còn triển khai thêm định nghĩa của Người. Người nói: “Nếu con mất việc, tài sản sẽ nuôi sống con, còn tiêu sản sẽ nuốt chửng con. Hầu hết nhân viên của bố không thể ngưng làm việc vì họ đã mua nhiều tiêu sản mà họ nghĩ là tài sản, và họ đang bị gặm nhấm hàng tháng bằng những hóa đơn phải trả để nuôi những tiêu sản này, những thứ mà họ nghĩ là tài sản.” Một lần nữa, lại là một định nghĩa khá phức tạp, nhưng có ở địa vị của họ, ngồi ở đầu bàn của người xin việc, khóc khi bị sa thải, tôi mới hiểu được tại sao việc biết rõ sự khác nhau giữa tài sản và tiêu sản lại quan trọng đến vậy. Tôi hiểu tầm quan trọng của việc biết rõ các định nghĩa từ lúc chưa đến 15 tuổi. Đó là một sự khởi đầu tài chính to tác trong đời đối với tôi.

NHỮNG BƯỚC KẾ TIẾP

Cho nên bước đầu tiên bắt đầu bằng những phác họa đơn giản và sự củng cố thường xuyên qua nhiều năm. Ngày nay, người ta vẫn tranh cãi rằng ngôi nhà là một tài sản. Một lần nữa, ở mức độ đầu tiên của sự ngụy biện về tài chính, điều đó có thể đúng. Tôi nghĩ một trong những lý do chỉ một trong số hàng trăm người giàu ở tuổi 65 là hầu hết người ta không biết sự khác biệt giữa tài sản và tiêu sản. Người ta làm việc cật lực vì sự ổn định của công việc và tích cóp tiêu sản mà họ nghĩ là tài sản.

Nếu con bạn mua một tiêu sản và nghĩ đó là tài sản thì con bạn chẳng thể nào nghỉ hưu trước tuổi 30. Nếu chúng cứ khăng khăng mua tiêu sản mà chúng nghĩ là tài sản, thì chúng chắc chắn sẽ phải làm việc cật lực suốt đời, không thể khá lên dù cho chúng tốt nghiệp từ trường nào, điểm cao thấp ra sao, hay chúng có siêng năng làm lụng đến đâu hoặc chúng kiếm được bao nhiêu tiền. Đó là lý do tại sao kiến thức căn bản về tài chính lại quan trọng đến thế. Chỉ cần biết đơn giản rằng sự khác biệt giữa tài sản và tiêu sản cũng giống như một hòn sỏi chạm vào mặt nước hồ. Những làn sóng lan ra sẽ tiếp tục lan truyền cho đến hết cuộc đời sau này của con bạn.

Tôi không nói là đừng mua nhà, và tôi cũng không nói hãy trả hết nợ của bạn. Tôi chỉ muốn nói rằng để giàu lên, người ta cần thông thạo hơn về kiến thức tài chính, đó là khả năng đưa ra những phân biệt giỏi hơn những người bình thường. Nếu bạn muốn tự phân biệt tốt hơn, hãy đọc qua những quyển Dạy Con Làm Giàu tập 1,2,3.

Mỗi quyển sách bàn về một lĩnh vực khác nhau hoặc đưa ra những phân biệt về những vấn đề cơ bản của tài chính, giúp bạn tăng kiến thức về tài chính của mình hơn nữa. Nếu bạn có được thông tin tốt hơn, bạn có cơ hội tốt hơn để ảnh hưởng đến tương lai tài chính của con bạn. Xét cho cùng, một trong những lý do người giàu càng giàu hơn; người nghèo càng nghèo đi; người bình bình thì sa lầy vào nợ nần và phải trả nhiều thuế hơn dự kiến vì tiền là một đề tài được dạy tại nhà, chứ không phải ở trường học. Giáo dục tài chính được truyền đạt từ bố mẹ qua con cái.

NGÂN HÀNG MUỐN BIẾT TÔI THÔNG MINH ĐẾN CỠ NÀO

Bước đầu tiên trong việc chuẩn bị bước vào cuộc sống thực tế là tự mình làm quen với học bạ của cuộc sống thực tế, đó là bản báo cáo tài chính, gồm có bảng kê thu nhập và bảng cân đối tài chính. Như người bố giàu của tôi đã nói: “Ngân hàng không bao giờ đòi học bạ của bố. Ngân hàng chỉ muốn xem bản báo cáo tài chính của bố thôi. Ngân hàng không cần quan tâm bố học tập xuất sắc cỡ nào. Họ chỉ muốn biết bố thông minh đến đâu trong lĩnh vực tài chính thôi.”

Những chương tiếp theo viết về những cách cụ thể để làm tăng cơ hội trở nên thông minh hơn về tài chính của con bạn trước khi nó bước vào đời.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.