Đừng Đợi Đến Khi Tốt Nghiệp Đại Học

1.Tôi muốn chuyển sang chuyên ngành yêu thích



“Triết lý của một người không được thể hiện tốt nhất bằng ngôn từ mà thể hiện trong những lựa chọn. Và những lựa chọn của chúng ta rốt cuộc chính là trách nhiệm của chúng ta.”

– Eleanor Roosevelt

Gần đây, truyền hình xuất hiện vô số các cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ, như Việt Nam Idol, Nhân tố bí ẩn, Giọng hát Việt… Rất nhiều người đã thành danh từ các cuộc thi này, vì ngoài tài năng thiên phú ra, họ còn có một niềm khát khao cháy bỏng.

Hiện nay, không ít các bạn sinh viên đang trải qua những ngày tháng vô vị và tẻ nhạt, vì không còn cảm thấy hứng thú với chuyên ngành mình đang học, thậm chí, họ còn nói rằng: “Nếu bây giờ được làm lại từ đầu, chọn được đúng chuyên ngành mà mình thích, chắc chắn tôi sẽ chăm chỉ và cố gắng hơn.” Khi nghe những lời đó, lại chứng kiến thêm nhiều bạn sinh viên không chịu khó học hành, hoang phí tiền bạc và tuổi thanh xuân vào những trò vui vô bổ, tôi thực sự cảm thấy rất nuối tiếc.

Mơ ước đích thực là dù bị hiện thực đánh gục, bạn vẫn tin tưởng và duy trì nó trong tim. Những thần tượng với giọng hát lay động lòng người kia, có mấy ai bắt đầu một cách thuận buồm xuôi gió? Sở dĩ tài năng của họ lấy được cảm xúc của bạn, đó là vì họ đã kiên trì bước tiếp con đường đã chọn dù khó khăn đến mấy, còn một số người thì lựa chọn vứt bỏ.

Nếu như chỉ biết ngồi đó than vãn rằng mình chọn sai chuyên ngành như cái cớ cho sự lười biếng, thì tôi chỉ biết nói rằng: bạn thật sai lầm!

Thế nào là chuyên ngành? Chuyên ngành là một kỹ năng giúp chúng ta “sinh tồn” khi bước vào cuộc sống.

Chuyên ngành không phải là sở thích, cũng không phải chỉ là một tấm bằng. Dù thích hay không, bạn vẫn phải trải qua một đợt “huấn luyện” gian khổ để có được chữ “chuyên”, từ đó phát triển trong “ngành” của mình.

Có đến 99% các bạn trẻ cho rằng được làm công việc mình yêu thích là một mơ ước hão huyền. Lựa chọn thiết thực nhất là sau 4 năm đại học, cố gắng bồi dưỡng cho mình một “tuyệt chiêu” nào đó để đặt chân vào xã hội và tìm kiếm một môi trường có thể phát huy tối đa cá tính của mình.

Nhiều bạn lại than thở rằng dù đã học hành rất chăm chỉ nhưng kết quả lại không được như mong đợi, phải chăng vì họ không hợp với chuyên ngành hiện tại? Rất nhiều sách báo cường điệu rằng muốn thành công, bạn phải tận dụng ưu thế của bản thân. Giả như nếu không có khả năng đặc biệt với chuyên ngành đang học, liệu bạn có nên nhanh chóng đổi sang một chuyên ngành khác hay không?

Theo đuổi bất cứ một chuyên ngành đại học nào cũng giống như học nấu ăn, chỉ cần chăm chỉ là chắc chắn học được. Trừ phi, bạn muốn trở thành một “siêu đầu bếp” hàng đầu thế giới, lúc đó bạn mới cần đến tài năng thiên phú và những khả năng hiếm có khác.

Trừ những chuyên ngành đặc thù (số này chỉ đếm trên đầu ngón tay), hầu hết các chuyên ngành đều không đòi hỏi ở bạn một trí tuệ siêu việt hay một phẩm chất thiên tài.

Nếu bạn vẫn hay than vãn rằng dù mình đã nỗ lực rất nhiều nhưng không có hiệu quả thì bạn nên suy xét lại phương pháp học tập của mình. Vấn đề thực sự không phải là chuyên ngành mà do khả năng thích ứng và phương pháp học tập của bạn mà thôi.

Hầu hết các thiên tài phải trải qua một khoảng thời gian dài rèn luyện gian khổ mới bồi dưỡng được một khả năng đặc biệt nào đó cho mình. Kể cả những tài năng thiên bẩm cũng phải qua rèn giũa mới trở nên hữu dụng.

Chăm chỉ và kiên trì là công thức tạo nên thứ vũ khí mạnh nhất để đánh bại được “thiên bẩm”.

Một số bạn sinh viên lo lắng rằng chuyên ngành mình học không “hot”, ra trường khó xin việc, vậy có nên thay đổi chuyên ngành khác cho “hợp thời” không? Vấn đề khách quan này cũng có thể là cơ hội để chúng ta thay đổi chuyên ngành. Thế nhưng trước khi quyết định thay đổi, bạn đừng quên suy nghĩ và trả lời 3 câu hỏi sau:

1. Bạn có hiểu chuyên ngành hiện tại không?

2. Bạn đã hiểu gì về chuyên ngành mà mình muốn chuyển sang?

3. Bạn từng nghĩ về việc 10 năm sau xã hội cần những lao động như thế nào chưa?

Tất nhiên, tôi không có ý khuyên các bạn gò ép bản thân theo chuyên ngành mà mình không có chút hứng thú nào, nhưng tôi chỉ muốn nhắn nhủ rằng trước khi kết luận mình thích hay không thích một chuyên ngành nào đó, bạn phải nói ra được chuyên ngành đó học về cái gì, trong tương lai có thể làm những công việc nào, vị trí ra sao, khả năng phát triển thế nào… Nếu như bạn hoàn toàn mù tịt về chuyên ngành mình đang theo, vậy sao có thể khẳng định được nó phù hợp với bạn hay không?

Sau khi hiểu rõ chuyên ngành, hãy thử xem nó có thể bồi dưỡng cho bạn lòng nhiệt tình với việc học hành hay không. Khi làm bất cứ công việc gì với tâm thế hăng say, bạn sẽ không lo thất bại và tiến gần hơn tới thành công.

Thái độ mà tôi ưa thích đó là: Hãy làm việc hết mình, thành quả sẽ tự nhiên tìm đến!

Còn một lời khuyên nữa dành cho các bạn: chuyên ngành không “hot” đồng nghĩa với ít đối thủ cạnh tranh, hoặc trong tương lai nó có thể sẽ trở thành chuyên ngành “hot” của xã hội.

Lựa chọn một chuyên ngành tốt cũng cần cân nhắc tới việc làm sao có thể tận dụng tối đa nguồn lực của gia đình trong tương lai. Nếu điều kiện gia đình bạn không mấy khá giả, hãy lựa chọn một chuyên ngành mang tính kỹ thuật cao, cần đầu tư nhiều chất xám thay vì cần đến tiền bạc, như vậy chắc chắn bạn sẽ sống vững vàng hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.