Đừng Đợi Đến Khi Tốt Nghiệp Đại Học
18.Tại sao tôi không muốn đi làm?
– Jean Jacques Rousseau
Nếu như có thể lựa chọn, tôi chắc chắn rằng có không ít các bạn sinh viên muốn sống mãi những ngày tháng sinh viên vô ưu vô lo, không muốn đi làm. Không chỉ các bạn sinh viên, những người đi làm lâu năm muốn bỏ việc cũng rất nhiều. Chọn công việc cũng là chọn trách nhiệm, lý do khiến nhiều người không muốn tìm việc đa phần là vì lo sợ bản thân không thể cáng đáng được những thử thách và áp lực trong công việc.
Tôi hoàn toàn hiểu được tâm lý của các bạn sinh viên mới ra trường. Khi chưa có sự chuẩn bị về kiến thức và kỹ năng, nay đột nhiên bị “quẳng” vào một môi trường hoàn toàn xa lạ, câu chuyện trở nên thật khủng khiếp và đủ để khiến chúng ta gục ngã. Thực ra nguyên nhân gục ngã không phải do áp lực công việc mà do nỗi sợ hãi vô hình kia. Thất bại rồi thì sao chứ?
Không chỉ riêng bạn, ai cũng phải vượt qua cửa ải này! Khi sắp thi tốt nghiệp đại học, một hôm tôi chợt thẫn thờ suy nghĩ, không biết sau này mình sẽ làm gì và phải bắt đầu từ đâu. Nhưng một thời gian sau, tôi đã biết mình phải làm gì: viết một tập hồ sơ và dốc toàn lực để tìm việc, kể cả công việc “tép riu”, không đúng với sở trường, tôi cũng không bỏ qua.
Có một số bạn không muốn đi làm không phải vì không có công ty nào chịu nhận, mà vì họ không thích những công ty đó, tâm lý của họ là: “Không tìm được công việc tốt thì thà thi lên cao học còn hơn!” Với những bạn trẻ này, tôi có một lời khuyên: xã hội đang ngày càng mở cửa, chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội việc làm, nhưng những công việc thuộc nhóm ngành dịch vụ cao cấp, trong môi trường văn phòng lại rất ít. Cộng thêm tình trạng lạm phát đang lan rộng, tìm được một công việc hoàn toàn vừa ý lại càng khó.
Có hai con đường dẫn chúng ta đến với mục tiêu: một là nhảy vọt, hai là từng bước tiến lên. Thực tế thì hầu hết chúng ta chỉ có thể lựa chọn phương án hai khi chưa có một kỹ năng đặc biệt nào đó khiến người khác ngưỡng mộ, chưa hiểu biết thật rõ lĩnh vực hoặc công việc mà mình yêu thích.
Nếu như chúng ta chỉ dán mắt vào các công ty trong bảng xếp hạng Fortune và mơ tưởng thì khó mà tìm được công việc mơ ước. “Làm việc trước, chọn việc sau” là một kế sách không hề tồi. Bởi trước hết bạn phải học cách đối mặt với hoàn cảnh khó khăn, chứ không phải chờ đợi đến khi được đặt vào một môi trường mơ ước mới xuất phát. Chí tiến thủ phải được rèn luyện qua giông bão, chứ không phải qua những ngã rẽ khi gặp khó khăn.
Tôi từng nghe chuyện của một cậu sinh viên vừa ra trường kể lại rằng mẹ cậu có người quen làm tuyển dụng cho một công ty phần mềm nổi tiếng ở Hà Nội. Cậu chỉ cần đến phỏng vấn vài ba câu là chắc chắn được nhận vào làm với lương tháng xấp xỉ 15 triệu. Không ngờ cậu ấy nhất mực từ chối, còn nói với mẹ rằng sẽ tự thân vận động, không cần nhờ đến sự trợ giúp hay mối quan hệ nào. Mẹ cậu giận dữ, bạn bè chê cười nói cậu ngốc nghếch. Trong thị trường việc làm đang ngày càng khắc nghiệt như hiện nay, hành động như cậu bạn này thật hiếm hoi.
Khi nghe tôi kể lại câu chuyện này, mỗi người có một đánh giá khác nhau. Có người cho rằng cậu sinh viên nên nghe theo sự sắp xếp của mẹ, rồi sau này đủ lông đủ cánh muốn làm gì cũng được. Nhưng cũng có không ít người ngưỡng mộ cậu, cho rằng thanh niên nên tự xây dựng tương lai của chính mình, không nên nhờ vào các mối quan hệ.
Thực ra, việc nên hay không nên dựa vào các mối quan hệ không phải là vấn đề quá quan trọng. Điều cốt lõi nhất ở đây là: bạn có muốn làm công việc đó và có đủ khả năng để đảm đương hay không?
Tôi từng đọc hoặc nghe đâu đó những câu đại ý như: “Trong thời đại này, thôi thì cố làm lụng lấy một vài tỷ để con mình sau này sung sướng vậy!” Ngẫm kỹ câu nói này bạn sẽ thấy nó chứa đựng rất nhiều vấn đề. Hóa ra bố mẹ bán mồ hôi, sôi nước mắt chỉ để con cái của mình hưởng thụ cả đời hay sao? Khi cha mẹ có ý nghĩ như vậy thì con cái sẽ không thoát khỏi tâm lý dựa dẫm, không có ý chí vươn lên. Như vậy thật đáng tiếc biết bao.
Lý do lớn nhất để chúng ta chăm chỉ làm việc là để thể hiện giá trị của bản thân và đóng góp cho xã hội. Vì thế, các bạn trẻ đừng ngại tự chủ. Nếu bạn có khả năng, hãy tìm cơ hội để thể hiện khả năng của mình, đừng tự mình biến thành gánh nặng của gia đình và xã hội.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.