Đừng Đợi Đến Khi Tốt Nghiệp Đại Học

21. Làm thế nào để viết hồ sơ xin việc?



“Sự may mắn vì có được tài năng là không đủ, anh còn phải có tài năng tìm được may mắn”

 Hecto Berlioz

Hồ sơ xin việc cũng giống như một tấm danh thiếp, nó không bảo đảm cho sự thành công của bạn nhưng nếu không chăm chút cho nó thì hồ sơ xin việc của bạn sẽ dễ bị nhà tuyển dụng liếc qua rồi gạt sang một bên.

Điều cốt lõi của việc viết hồ sơ xin việc không phải là phải làm cho thật độc đáo mà là phải nêu bật được sở trường của mình, khiến nhà tuyển dụng bị thuyết phục rằng các kỹ năng của bạn thực sự phù hợp với vị trí tuyển dụng, bạn có đủ tự tin và đã chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình phỏng vấn trực tiếp.

Không nên quá đề cao bản thân mà làm một bộ hồ sơ dày cộp. Hầu hết các nhà tuyển dụng đều dị ứng với hồ sơ phức tạp và hơi có phần lộn xộn như vậy.

Nếu xin việc vào những ngành nghề khác nhau, hãy bỏ thời gian để viết những bản CV với nội dung tương ứng, chú trọng tới các kỹ năng khớp với yêu cầu tuyển dụng. Không ít bạn mắc cùng một lỗi là tìm hoặc sao chép CV của người khác rồi điền thông tin cá nhân của mình vào. Thực ra sao chép cũng không có vấn đề gì nhưng bạn nên nhớ rằng: mô phỏng để sáng tạo, chứ không nên rập khuôn làm theo người khác.

Sinh viên vừa ra trường thường gặp vấn đề về kinh nghiệm làm việc nên khó thuyết phục được nhà tuyển dụng. Nhưng càng như vậy, bạn càng phải nghĩ cách sao cho hồ sơ của mình lọt vào tầm ngắm của người tuyển dụng. Điều này không hề mâu thuẫn, bởi một người sáng tạo và dám làm cũng đang được đánh giá cao đấy chứ!

Nếu giỏi ngoại ngữ, bạn hoàn toàn có thể viết một bản CV tiếng Anh phụ kèm tiếng Việt (dù đơn vị đó có yêu cầu hay không). Nếu thành thục tin học văn phòng và có sở trường viết văn, bạn có thể sắp xếp bố cục hoặc câu chữ sao cho thu hút (nhưng cũng không nên quá lạm dụng). Nếu hiểu rõ về một lĩnh vực nào đó, bạn có thể sử dụng một số thuật ngữ chuyên ngành trong nội dung CV.

Trong hồ sơ xin việc, năng lực của một người không chỉ được dựa trên những giới thiệu mà còn qua những thông tin mà bạn lựa chọn. Nhiều bạn nhầm tưởng rằng viết CV là để “khoe” kinh nghiệm, bằng cấp để chứng minh khả năng của bản thân. Nhưng thực ra, những bạn sinh viên vừa mới tốt nghiệp ra trường chỉ cần viết rõ ràng rằng: mình có thể làm tốt vấn đề gì, đã có trải nghiệm nào thành công để chứng minh điều đó.

Những bạn không tốt nghiệp ở những trường nổi tiếng hoặc có bằng cấp trung bình thường có chung một nỗi lo: mình không có gì nổi trội, bằng cấp cũng tầm thường, công ty đó chắc sẽ chẳng để ý đến mình đâu. Vậy các bạn phải làm sao?

Không thể thay đổi được thực tế rằng đa số đơn vị tuyển dụng đều ưu tiên những ứng viên tốt nghiệp từ các trường danh tiếng hoặc có thành tích học tập xuất sắc. Nhưng bạn nên tự nhắc mình rằng, một người có năng lực sẽ không bao giờ phải lo sợ rằng bằng cấp của mình tầm thường, những người lo sợ bằng cấp của mình tầm thường đa phần là những người vì không có năng lực nên mới nhát gan như vậy. Nếu bạn không được hưởng chút hào quang danh tiếng nào từ trường của bạn thì hãy tìm cách để mang lại vinh dự cho trường. Hôm nay, nhà tuyển dụng nhận bạn vì bạn tốt nghiệp loại ưu từ trường nổi tiếng, nhưng nếu bạn không có thái độ cầu thị và kỹ năng mà công việc yêu cầu, vài ngày sau, họ sẽ loại bạn không thương tiếc. Tương lai nằm ở trong tay bạn, chứ không phải là chuyên ngành hay là bằng cấp.

Tôi tổng kết ra 4 lời khuyên để có một bộ hồ sơ xin việc tốt:

1. Viết CV ngay từ bây giờ

Đừng nên đợi đến năm cuối đại học mới bắt đầu viết CV, hay tích lũy và rèn luyện ngay từ năm thứ nhất. Đại đa số sinh viên không viết được một bản CV tốt không phải vì họ không có mẫu, mà đơn giản vì họ chưa từng viết bao giờ.

Bản CV nên được soạn ra trên word vì công cụ này phù hợp với thói quen làm việc của nhà tuyển dụng.

Nếu như bạn có thể dùng Power point hoặc các phần mềm trình bày khác thì cũng đừng ngại ngần áp dụng. Các công ty hiện đại hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, thiết kế hoặc có nhu cầu tìm ứng viên có khả năng sáng tạo mới thường thích những CV như vậy. Lựa chọn hình thức nào cũng cần xuất phát từ nhu cầu đòi hỏi của công ty ứng tuyển.

Ảnh gửi kèm trong hồ sơ cần có phong thái tự tin, thanh lịch, mỉm cười, như vậy mới để lại ấn tượng cho người nhận hồ sơ.

2. Tìm hiểu nghiêm túc

Trước khi nộp hồ sơ, hãy tìm hiểu thật kỹ yêu cầu tuyển dụng và các thông tin liên quan đến công ty, sắp xếp hồ sơ căn cứ theo nhu cầu tuyển dụng, không nên thêm thắt quá nhiều nội dung thừa.

Thông thường, các công ty tuyển dụng thường yêu cầu ứng viên: Ảnh phải có thần thái, độ tuổi và chuyên ngành phải phù hợp, nội dung CV rõ ràng mạch lạc. CV nên bắt đầu bằng những thông tin cá nhân của bạn, ảnh chụp và mục tiêu nghề nghiệp.

3. Nội dung thiết kế

Thiết kế các tiêu đề to nhỏ trong CV cho hợp lý. Chỉ viết những nội dung làm nổi bật lên cá tính, kỹ năng và sở trường của bản thân, không nên viết dài dòng lan man.

Cố gắng khiến cho người tuyển dụng thấy được những điểm bạn nổi trội và có ưu thế hơn người khác. Có thể dùng con số, biểu đồ hoặc phương thức hình ảnh nào đó để thể hiện kỹ năng của bạn.

Nếu muốn ứng tuyển vào các lĩnh vực khác nhau, nên viết những bản CV với nội dung khác nhau, sao cho phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, không nên chỉ sử dụng duy nhất một bản CV. Nếu có thành tích hoặc kinh nghiệm thành công trong quá khứ, hãy sử dụng font chữ nổi bật để giúp nhà tuyển dụng dễ nhận thấy.

4. Bố cục hợp lý

Một bản CV tốt không nên viết chi chít chữ – đó quả là một thử thách lớn cho sự kiên nhẫn của nhà tuyển dụng. Bản CV nhìn phải nên thanh thoát, ngắt đoạn rõ ràng và có khoảng trống vừa đủ. Hàng ngày, bạn có thể học hỏi cách trình bày và bố cục từ các bài báo hay tạp chí.

CV chỉ viết một lần không phải là bản tốt nhất. Bạn trưởng thành mỗi ngày vì thế hãy thể hiện chúng trong bản CV bằng cách thường xuyên sửa chữa và cập nhật các thông tin mới.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.