Đừng Đợi Đến Khi Tốt Nghiệp Đại Học
22. Ký hợp đồng lao động xong lại cảm thấy hối hận
– Frank Tyger
Tìm công việc khá khó khăn nên khi cơ hội đến, đa số các bạn sinh viên đều vội vã nắm lấy vì sợ sau này không có cơ hội nào tốt hơn. Nhưng khi bình tĩnh trở lại, các bạn mới phát hiện ra mình chưa xem xét kỹ các nhân tố quan trọng như mức lương, niềm yêu thích, địa điểm, cơ hội phát triển… và chưa hiểu rõ về công việc mình định làm. Hẳn các bạn sẽ cảm thấy hối hận vô cùng với quyết định của mình và muốn hủy hợp đồng lao động.
Có bạn thì lo xa hơn, biết là tìm ngay một công việc tốt là rất khó, các bạn liền tìm một công ty làng nhàng để lấy chỗ trước, chờ cơ hội tốt hơn tới sẽ hủy hợp đồng. Các bạn có biết việc đơn phương vi phạm hợp đồng sẽ phiền phức thế nào không?
Tốt nhất khi sắp tốt nghiệp, chúng ta nên làm một bản danh sách các công ty và vị trí mà mình mong muốn ứng tuyển. Chỉ cần lựa chọn được nơi phù hợp thì sau này bạn sẽ không hối hận khi ký hợp đồng lao động xong. Bạn hãy tưởng tượng quá trình phát triển của một nhân viên cũng giống như một cuộc thi maratong, bạn chỉ đạt đến được vị trí mà mình mong muốn khi nỗ lực kiên trì với sự lựa chọn của mình. Bạn nên hạn chế nhảy việc, trừ khi điều kiện làm việc ở đó quá tồi tệ.
Khi muốn hủy hợp đồng, các bạn nên chú ý một chút về những rủi ro mình có thể gặp phải. Để đề phòng hiện tượng nhân viên nhảy việc, đặc biệt là các sinh viên có tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”, rất nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các quy định phạt khi phá vỡ hợp đồng, thường là vài triệu hoặc tương ứng với một tháng lương.
Nếu như ký kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp trước khi tốt nghiệp, bạn cũng đừng vì thế mà từ bỏ quá trình chuẩn bị học cao học hoặc thi công chức nhà nước. Hãy chủ động kiến nghị với doanh nghiệp ghi chú thêm vào hợp đồng mục: “Nếu bên B trúng tuyển cao học hoặc thi đầu vào công chức nhà nước và xuất trình được giấy nhập học/giấy tuyển dụng, hợp đồng này sẽ không còn hiệu lực.” Trước khi đặt bút ký, bạn cần thương lượng về mức đãi ngộ cũng như mức phạt khi hủy hợp đồng để có những quyết định đúng đắn nhất.
Tất nhiên, khi tìm việc làm chúng ta không nhất thiết phải có hợp đồng lao động, rất nhiều công ty chỉ ký hợp đồng sau thời gian thử việc 1 – 3 tháng, thậm chí là 1 năm, sau đó nếu bạn tỏ ra phù hợp với công việc, công ty mới yêu cầu ký hợp đồng sử dụng lao động chính thức.
Nhìn chung, các bạn sinh viên cần suy xét thật kỹ trước khi ký hợp đồng lao động để không gặp phải những phiền phức không đáng có. Hãy xác định rõ ràng công việc mà mình muốn làm và kiên trì theo đuổi công việc đó đến cùng, bạn nhé!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.