Đừng Đợi Đến Khi Tốt Nghiệp Đại Học

28. Chăm sóc cho cơ thể của bạn



“Người có sức khỏe, có hy vọng; và người có hy vọng, có tất cả mọi thứ.”

 Thomas Carlyle

Phải chăm chỉ rèn luyện thân thể, ăn ngủ điều độ, không nên thức đêm… những lời khuyên này hẳn bạn nào cũng từng được nghe từ bố mẹ. Đôi khi bạn cảm thấy những lời khuyên ấy thật phiền phức nhưng nếu kiên trì thực hiện, bạn sẽ dần cảm nhận được những thay đổi tích cực trong cơ thể mình.

Tôi phát hiện ra 4 điều mà các bạn sinh viên cần đặc biệt chú ý:

Thứ nhất, sinh hoạt điều độ

Thời khóa biểu đại học không đều đặn từ 7h sáng đến 12h trưa như thời trung học. Có nhiều buổi sáng bạn không phải lên giảng đường, hoặc không có tiết nào cần điểm danh, điều này dễ hình thành thói quen thức muộn ngủ nướng. Nhiều bạn có thể thức đến 4 – 5 giờ sáng chỉ để xem phim hoặc chơi điện tử, rồi ngủ một mạch tới trưa.

Thông thường, 9 giờ sáng là khoảng thời gian não bắt đầu tập trung làm việc cao độ. Nhưng giờ đó các bạn vẫn đang trên giường say ngủ, tạo thành thói quen xấu cho sự hoạt động của não bộ. Khi đi làm, bạn sẽ rất khó khăn để tỉnh táo vào khoảng thời gian này.

Với các bạn trẻ, thức đêm là chuyện thường tình, thi thoảng làm việc qua đêm để kịp bài vở thì có thể hiểu được, nhưng nếu thường xuyên thức đêm sẽ rất nguy hại đến sức khỏe.

Các bạn sinh viên nên tập thói quen dậy sớm và sinh hoạt điều độ. Dậy sớm có thể khiến đầu óc tỉnh táo, giúp chúng ta tận dụng khoảng thời gian yên tĩnh của buổi sáng để học tập và làm việc hiệu quả. Sinh hoạt điều độ giúp nhịp sinh học của cơ thể cũng ổn định theo.

Thứ hai, hãy ăn uống điều độ

Vì sinh hoạt không điều độ, nên việc ăn uống cũng khó mà điều độ được. Những bạn thích ngủ nướng thường hay bỏ bữa sáng, đến trưa tỉnh dậy mới ăn vừa tiện vừa tiết kiệm tiền. Cũng có những bạn vì mải mê chơi game nên tiếc thời gian nấu nướng hoặc ngại ra ngoài ăn quán nên sắm sẵn cả thùng mỳ ăn liền cho tiện.

Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho dạ dày bị rối loạn và rất dễ mắc các bệnh đường ruột. Đến lúc đó có muốn “tiết kiệm” tiền hay thời gian cũng không kịp nữa rồi!

Ăn uống điều độ còn liên quan mật thiết đến nhiều vấn đề khác. Theo nghiên cứu, một người có thói quen ăn uống điều độ và lành mạnh có khả năng tự khống chế bản thân tốt hơn. Đó là lý do tại sao một số công ty nước ngoài còn yêu cầu ứng viên điền đầy đủ thói quen ăn uống cũng như sinh hoạt hàng ngày của bản thân vào bản lý lịch cá nhân. Bởi qua những thông tin này, đơn vị tuyển dụng có thể phần nào đánh giá về khả năng tự quản lý bản thân và sắp xếp thời gian biểu của ứng viên.

Thứ ba, luyện tập một môn vận động mà mình thích

Những người không thích luyện tập thể thao thường là do họ không tìm được một phương thức vận động hấp dẫn và vừa sức. Tôi từng thấy nhiều bạn nam hăm hở mua tạ về tập nhưng chỉ được vài ba ngày đã kêu ca: “Mới tập đau người quá, khi nào khỏi thì tập lại!”, “Hôm nay bận đi chơi mất rồi, mai ngày kia tập tiếp!” hay “Tớ chỉ tập để có bụng 6 múi để đi bơi là dừng!”… Chưa nói đến chuyện họ lười biếng hay không, nhìn nhận một cách đơn giản thì họ chưa thực sự yêu thích môn thể thao này, bởi khi đã thích một thứ gì đó, người ta sẽ có lý do để kiên trì theo đuổi mà không cần người khác phải đốc thúc.

Thứ tư, hạn chế hút thuốc lá và uống bia rượu

Tụ tập nhậu nhẹt có thể khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ bất tận nhưng các bạn đâu biết chúng đang hủy hoại sức khỏe của bạn từng ngày. Các bạn cho rằng tuổi trẻ là phải hết mình, nâng cốc là phải uống cạn, rồi lại có tư tưởng không biết bia rượu châm thuốc thì hỏng, sau này không thể ngoại giao công sở được. Khi đi làm rồi các bạn mới hiểu ra rằng dù không giỏi bia rượu, bạn vẫn được quý mến, vẫn làm được thành tích tốt như thường. Tất nhiên khi giao thiệp, đôi khi chúng ta bắt buộc phải “hết mình” để công việc được suôn sẻ, nhưng hãy “hết mình” sao cho thật khéo léo, để vẫn đạt được hiệu quả công việc mà vẫn giữ gìn sức khỏe của bản thân.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.