Đừng Đợi Đến Khi Tốt Nghiệp Đại Học

5. Muốn viết bài luận cần học phương pháp tư duy



“Ngôn ngữ là y phục của tư duy.”

 Samuel Johnson

Học đại học là thời gian tốt nhất để bạn rèn luyện kiến thức nguồn. Bởi đó là lúc bạn đã hình thành khả năng tự học, lại có rất nhiều thời gian để đào sâu học tập.

Nhưng không phải bạn sinh viên nào cũng đầu tư thời gian đúng cách. Có bạn dành quá nhiều thời giờ cho các hoạt động Đoàn đội (kiến thức mềm) hay học thuộc từ vựng tiếng Anh (kiến thức cứng). Sau 4 năm miệt mài đèn sách, kết quả những kiến thức cơ bản về chuyên ngành đang học là gì bạn cũng không nắm rõ, chưa nói đến việc bạn ứng dụng kiến thức vào công việc sau này.

Phương pháp rèn luyện kiến thức nguồn có thể duy trì thường xuyên là viết bài luận.

Viết bài luận cần được làm quen ngay từ khi bạn còn là sinh viên năm thứ nhất. Đừng đợi đến năm thứ 4 mới học hỏi, cóp nhặt kinh nghiệm để viết ra một cái khóa luận tốt nghiệp vội vàng.

Hầu hết các bài luận như Báo cáo khoa học, Khóa luận tốt nghiệp đều có chung một kết cấu như: Phát hiện vấn đề → Tổng hợp lịch sử của vấn đề → Phân tích các nhân tố hạn chế khi giải quyết vấn đề →Đưa ra các phương án khả thi để giải quyết vấn đề → Bảo vệ phương án mà bạn lựa chọn trên cơ sở lý thuyết và thực nghiệm → Đưa ra quan điểm của bản thân.

Dĩ nhiên, nắm được kết cấu này không có nghĩa là bạn sẽ viết được một bài luận hay. Để viết được bài luận tốt, bạn không chỉ cần tư duy cụ thể về vấn đề mà còn phải nắm vững lối tư duy bao quát.

Có 6 phương pháp tư duy thường gặp khi viết bài luận:

1. Phương pháp quy nạp

Lựa chọn một mẫu nhỏ để nghiên cứu → quy loại và tổng quát hóa từ mẫu nhỏ → tiếp tục kiểm chứng các mẫu nhỏ khác.

2. Phương pháp diễn dịch

Đưa ra một giả thiết dựa trên lý thuyết → thu thập dữ liệu để kiểm định giả thiết → chấp nhận, sửa chữa hay bác bỏ giả thiết ban đầu.

Con đường tư duy này thường được sử dụng trong khoa học tự nhiên, nhất là các nghiên cứu vật lý.

3. Phương pháp đối chiếu và so sánh

Lựa chọn (một hoặc nhiều) góc độ quan sát → xác định chỉ tiêu đối chiếu, so sánh → so sánh để tìm ra điểm sai khác → giải thích các nguyên nhân tạo ra sự sai khác → tiến hành thực nghiệm chứng minh giả thiết của mình.

Khi làm các nghiên cứu trong ngành quản lý, chúng ta thường xuyên gặp phương pháp này.

4. Phương pháp kinh nghiệm

Lựa chọn một khung kinh nghiệm → đem những số liệu thu thập được phân tích dựa trên khung kinh nghiệm → đưa ra kết luận tương quan.

Trong ngành quản lý học và khoa thiết kế, rất nhiều nghiên cứu đều dựa trên những khung kinh nghiệm đáng tin cậy để phân tích một vấn đề cụ thể.

5. Phương pháp cực hạn

Đưa ra phạm vi cực đoan → dự đoán kết quả có thể xuất hiện → chứng minh sự đúng đắn hay sai lệch của giả thiết.

Trong các lĩnh vực như logic học, kinh tế học, phương pháp này thường được sử dụng. Ví dụ như khi thiết kế điện thoại, nhà khoa học phải đưa nó vào một môi trường cực đoan để chắc chắn rằng nó đảm bảo chất lượng và an toàn khi sử dụng.

6. Phương pháp “bóc măng”

Phương pháp “bóc măng” là một phương pháp đơn giản nhất của quá trình liên tục tư duy vấn đề theo chiều sâu. Một vấn đề sẽ được đào sâu nghiên cứu tỉ mỉ, bóc tách dần dần cho đến khi đưa ra được kết luận. Ví dụ như khi cần có một bài luận về quản lý một dự án, chúng ta sẽ phải đặt ra các câu hỏi:

  • Thế nào là dự án?
  • Tại sao dự án lại cần quản lý?
  • Trước kia chưa có dự án nào ư?
  • Các dự án trước kia không có phương pháp quản lý sao?
  • Tại sao phải phát triển một hệ thống quản lý dự án?
  • Làm thế nào để hệ thống này phát triển?
  • Có những phương pháp quản lý nào?
  • Sử dụng các phương pháp này có thực sự hiệu quả không?
  • Xu thế phát triển của lĩnh vực này ra sao?

Phương pháp “bóc măng” đòi hỏi ở chúng ta một nguyên tắc khi học hỏi một kiến thức mới: khi đã biết sự tồn tại của một sự vật thì phải biết tại sao nó tồn tại và tồn tại như thế nào. Không dùng thái độ nghi ngờ và tư duy phê phán trong học tập là bạn đã đánh mất cơ hội để làm chủ kiến thức.

Ví dụ như, sau khi đọc xong cuốn sách này, tôi đã biết thế nào là kiến thức nguồn nhưng tôi lại không định nghĩa được nó một cách rõ ràng. Thay vì phớt lờ nó, tôi phải đọc đến cùng xem tác giả định nghĩa nó thế nào, quan điểm về khái niệm đó có thống nhất từ đầu đến cuối không? Nếu hình thành được thói quen đọc sách như vậy nghĩa là bạn đã có tư duy phê phán trong tiếp nhận tri thức.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.