Đừng Đợi Đến Khi Tốt Nghiệp Đại Học

6. Làm thế nào để viết được một bài văn dài?



“Viết là công việc nặng nhọc đáng sợ, nhưng không đáng sợ bằng Lười biếng.”

 Thomas Carlyle

Một phương pháp có thể nâng cao khả năng tư duy độc lập của bạn một cách nhanh chóng, đó là luyện viết những bài văn dài khoảng 10.000 – 20.000 chữ, mà nội dung phải có liên kết với nhau, không viết ngẫu hứng hay có những câu, đoạn vô nghĩa.

Muốn viết được một bài văn hay, bạn phải thường xuyên rèn luyện thói quen viết cho mình. Trong quá trình viết bài văn dài, bạn phải liên tục tư duy để đưa ra những luận chứng, luận cứ từ lớn đến nhỏ. Quá trình này đôi khi sẽ khiến bạn rất khổ sở.

Viết văn có phải là hành trình gian nan? Lúc bắt đầu cầm bút là giai đoạn vất vả nhất. Tôi thường có thói quen cứ cách một khoảng thời gian nhất định lại tự giao cho mình một chủ đề để viết. Duy trì thói quen ấy trong một thời gian dài bạn sẽ nhận thấy khả năng viết của mình được nâng cao và tư duy cũng thông suốt hơn trước.

Nếu thường xuyên lang thang trên blog, Facebook hay trang web cá nhân của ai đó, bạn dễ có cảm giác mình sẽ bị nhấn chìm giữa hằng hà sa số những người có thể viết hay. Nhưng nếu tinh ý bạn sẽ thấy số người viết hay thì nhiều nhưng viết hay và dài thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Bạn có thể đưa ra quan điểm của mình trong vài trăm từ và đăng trên Facebook nhưng để chứng minh được quan điểm đó là hợp lý là việc không dễ dàng. Tôi từng đọc ở đâu đó câu danh ngôn: “Biết mình đang phản đối thì dễ, nhưng biết tại sao mình lại phản đối nó thì khó.”

Cắt nghĩa ra tính hợp lý của một quan điểm nào đó buộc bạn phải viết ra thành văn. Khi viết những bài văn dài, trình bày những quan điểm rõ ràng và cắt nghĩa thấu đáo, bạn đừng sợ người khác tìm ra kẽ hở và phê bình. Chính những lời góp ý nghiêm túc đó sẽ là thứ dinh dưỡng tuyệt vời để ngòi bút của bạn sắc sảo hơn.

Tất cả những người có năng lực tư duy độc lập đều phải trải qua thời kỳ khổ luyện là biến suy nghĩ thành văn tự và “tiêu hóa” dần dần những lời phê bình thành bài học kinh nghiệm. Dưới đây là một vài kinh nghiệm viết lách, hy vọng sẽ giúp bạn rút ngắn thời gian khổ luyện của mình.

Bắt đầu viết những đoạn ngắn, với chủ đề quen thuộc.

Một số kiểu nội dung mà bạn có thể viết thành bài văn dài được như:

  • Miêu tả vấn đề trong quá khứ (văn tường thuật).
  • Giải thích tình hình hiện tại (văn giải thích).
  • Cung cấp kiến nghị trong tương lai (văn nghị luận).

Thể loại có thể nâng cao năng lực tư duy độc lập tốt nhất chính là văn nghị luận.

Ngay từ ban đầu, bạn đừng làm khó mình với những mục tiêu quá cao. Hãy bắt đầu từ đoạn văn ngắn khoảng 100 – 200 chữ, rồi tăng dần lên 500 – 1000 chữ, rồi 1.000 – 2.000 chữ. Những người có thể viết được văn bản 3000 chữ trở lên đã được đánh giá là vô cùng xuất sắc rồi.

Tạo thói quen viết nhật ký.

Các bạn nên kiên trì với thói quen viết nhật ký, trong sổ tay hoặc trên các trang mạng xã hội. Bạn hãy đem những điều vui buồn, tâm đắc trong ngày viết lên trang giấy, cố gắng viết theo những giọng văn hay mà bạn từng đọc. Dần dần, bạn sẽ viết được những tổng kết có chiều sâu, hình thành giọng văn riêng. Chắc chắn thành quả này sẽ không phải là vô ích với công việc của bạn sau này.

Viết những bài văn dài về điều bạn hứng thú.

Ví dụ như bạn rất hứng thú với các hoạt động xã hội. Hãy phân tích những nguyên nhân khiến một hoạt động xã hội nào đó thành công hay thất bại, đưa ra ý kiến cá nhân để giúp các hoạt động này tích cực hơn…

Bạn thích lượn Facebook hay các trang mạng xã hội Bạn để ý thấy có một hình ảnh hay một mẩu tin nào đó nhận được rất nhiều lượt “like” của mọi người. Tại sao bạn không thử phân tích nguyên nhân họ thành công, từ đó rút ra những kinh nghiệm cho bản thân?

Với những bạn thích đọc sách và xem phim, hãy viết một bài đánh giá về một bộ phim hay cuốn sách mới nhất bạn vừa đọc, sau đó đăng lên mạng xã hội, diễn đàn hoặc trao đổi cùng với bạn bè.

Giả dụ bạn thích viết nhật ký, hãy chú ý quan sát những điều bình thường nhất trong cuộc sống hàng ngày, viết về chúng một cách tự nhiên và sống động nhất – đó chắc chắn sẽ là kho báu của riêng bạn.

Nếu bạn thích suy ngẫm, tranh luận về một vài vấn đề nào đó, hãy lập ra một trang mạng xã hội hoặc diễn đàn để tạo nên một cộng đồng những người cùng sở thích giao lưu với nhau.

Nhưng cũng đừng vì mải chạy theo số lượng mà quên đi chất lượng của bài viết. Dù thế nào thì chất lượng mới là điều khẳng định sự trưởng thành của bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.