Đừng Đợi Đến Khi Tốt Nghiệp Đại Học

8. Học cách đặt ra một vấn đề cụ thể



“Không rắc rối nào đứng vững được trước cuộc tấn công của suy nghĩ kiên trì.”

 Voltaire

Các bạn sinh viên chia sẻ họ thường gặp phải một vấn đề tương đối giống nhau: không biết cách đặt câu hỏi. Khả năng này không phải do tố chất mà là vì các bạn chưa được hướng dẫn và rèn luyện. Tôi có nghe ai đó nói: Một dân tộc không biết đặt câu hỏi thì không bao giờ xuất hiện nhân tài được. Quả đúng là như vậy!

Có một giảng viên đại học kể lại cho tôi câu chuyện về cách đặt câu hỏi của sinh viên: Ngay trong buổi học đầu tiên, thầy giáo đó cho sinh viên hòm thư và skype của mình để tiện giao tiếp. Thế nhưng chẳng bao lâu sau thầy đã hối hận vì có nhiều bạn đặt ra những câu hỏi không dễ trả lời chút nào.

Nhiều bạn chưa có một câu giới thiệu mình là ai đã đi thẳng vào vấn đề. Ngay cả khi biết đó là ai, thầy vẫn không thể trả lời được vì không nắm rõ sở thích, sở trường, sở đoản của bạn sinh viên đó ra sao. Để không làm phật lòng sinh viên, thầy đành giúp bằng cách gửi cho họ những tình huống chung chung mà có thể dễ dàng tham khảo được trên Internet.

Các bạn sinh viên không biết rằng đưa ra vấn đề càng cụ thể thì người khác càng dễ trả lời. Thậm chí có bạn còn không xác định được câu hỏi này nên dành cho ai. Họ thích hỏi những người mà mình tin tưởng, mà không quan tâm sở trường, sở đoản của người đó ra sao. Vị thầy giáo đó đã phải hứng chịu lời than thở: “Laptop của em bị hỏng, em không biết bây giờ phải làm sao.” trong khi thầy “mù tịt” về công nghệ!

Còn có những thắc mắc có thể dễ dàng tìm ra câu trả lời trên google hoặc các diễn đàn trên mạng nhưng sinh viên vẫn đem đi hỏi thầy. Lý do duy nhất để giải thích cho điều này là họ thích người khác tháo gỡ thắc mắc cho mình chứ không muốn tự mình động não tìm cách giải quyết vấn đề.

Từ câu chuyện của các “quân sư bất đắc dĩ”, tôi đã tổng hợp được ba vấn đề mà các bạn sinh viên thường vấp phải khi đặt câu hỏi:

Bệnh dựa dẫm: nhờ vả người khác để nhận được đáp án mà không nỗ lực tự tìm hiểu.

Thiếu tự tin: không phải không có đáp án, những nhất định muốn có được sự công nhận của một nhân vật quyền uy nào đó.

Thiếu tư duy: muốn tự mình tìm ra đáp án, nhưng lại không biết thực hiện bằng cách nào.

Tôi còn nhớ một đề tài mà thầy giáo giao cho chúng tôi: liệt kê ra bảng câu hỏi cần thiết để phục vụ cho việc thiết kế hệ thống chỉnh sửa răng 3D trên máy tính. Với một người chưa từng làm việc gì liên quan đến máy tính, ngoài tin học văn phòng như tôi, đây đúng là một “quả tạ”. Tôi không còn cách nào khác là phải vắt óc suy nghĩ. Sau gần một tuần mua sách về nghiên cứu, cuối cùng tôi đã cho ra được một bản tổng hợp các câu hỏi.

1. Mục đích của việc thiết kế hệ thống chỉnh sửa răng là gì?

2. Cách sử dụng của hệ thống như thế nào?

3. Khách hàng của hệ thống là những ai? Học vấn của họ ra sao?

4. Hệ thống cần bao gồm những mảng chức năng nào? Chức năng nào sẽ được sử dụng nhiều nhất? Chức năng nào hiệu quả nhất?

5. Để nghiên cứu và thiết kế hệ thống, cần những khái niệm và kiến thức chuyên ngành nào?

6. Lưu lượng dữ liệu trong hệ thống sẽ như thế nào?

7. Phần mềm có những tính năng nào? Yêu cầu ra sao?

8. Sử dụng giao diện điều chỉnh ra sao?

9. Yêu cầu về mặt sắp xếp nhân viên phát triển hệ thống?

10. Dự toán chi phí phát triển hệ thống?

Bây giờ nhìn lại, dân ngoại đạo về IT mà tự lập ra bảng câu hỏi như thế này cũng không đến nỗi tồi. Qua bảng câu hỏi này, tôi đã hiểu được thế nào là “đặt câu hỏi dạng đóng”, “đặt câu hỏi dạng mở”. Hai phương thức đặt câu hỏi này theo chúng ta mãi về sau này. (Nếu bạn nào chưa hiểu rõ về hai khái niệm này, có thể tự lên google tìm hiểu.)

Dưới đây là 8 lời khuyên giúp bạn đặt câu hỏi một cách chuẩn mực:

1. Trước khi đặt câu hỏi, hãy phán đoán xem người mà bạn hỏi có sở trường về lĩnh vực mà bạn định hỏi hay không. Nếu nhất định muốn hỏi người không có sở trường về lĩnh vực đó, hãy nói rõ lý do của bạn.

2. Dùng các từ khóa khác nhau để tự tìm kiếm câu trả lời trên mạng, nếu thực sự “bó tay” thì mới hỏi người khác.

3. Khi giao tiếp cùng người khác, cho dù rất muốn đặt câu hỏi ngay thì bạn cũng nên giới thiệu qua về bản thân trước.

4. Câu hỏi đặt ra càng cụ thể thì người khác càng dễ trả lời. Cố gắng đừng để người khác phải đoán già đoán non xem bạn muốn hỏi là gì trước khi đưa ra câu trả lời.

5. Nếu như hỏi về vấn đề không gấp gáp, bạn có thể tìm kiếm câu trả lời qua các diễn đàn trên mạng.

6. Đừng mong câu hỏi nào cũng có một câu trả lời toàn vẹn và đừng coi câu trả lời đó là ngọn lửa dẫn đường. Người khác chỉ có thể đưa ra góc nhìn và cách suy nghĩ của riêng họ, còn quyền quyết định thuộc về bạn.

7. Không được đòi hỏi câu trả lời bằng mọi giá. Dù người khác có trả lời bạn hay không, sau đó cũng nên cảm ơn một câu, vì dù sao họ cũng đã mất thời gian để tìm câu trả lời cho bạn.

8. Lời khuyên cuối cùng và quan trọng nhất: Mục đích lớn nhất của việc đặt câu hỏi là tham khảo suy nghĩ của người khác để nhanh chóng tìm ra câu trả lời độc lập cho mình. Nhất định không được có suy nghĩ dựa dẫm, mong chờ người khác chỉ đạo công việc và cuộc sống của mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.