Đừng Đợi Đến Khi Tốt Nghiệp Đại Học

9. Học cách tư duy độc lập



“Bạn có não trong đầu. Bạn có chân trong giày. Bạn có thể tự đưa mình về bất cứ hướng nào bạn chọn. Bạn độc lập, bạn biết điều mình biết và bạn là người quyết định mình sẽ đi đâu.”

 Dr Seuss

Đại đa số chúng ta không thiếu kỹ năng tư duy nhưng kỹ năng tư duy độc lập thì không phải ai cũng có. Tư duy là món quà mà tạo hóa ban tặng cho chúng ta, tôi có, bạn có, nhưng có người chỉ đạt ở mức thông thường, có người lại phát triển nó thành khả năng tư duy độc lập. Kết quả của tư duy độc lập là chúng ta có thể nắm bắt những phương hướng suy luận logic một cách chính xác nhất hay phát hiện ra mâu thuẫn đằng sau logic của người khác.

Có khả năng tư duy độc lập không có nghĩa là bạn dám phê bình tất cả. Xã hội ngày nay đánh giá rất cao những người có khả năng tư duy độc lập nhưng cũng có không ít quan điểm sai lầm về loại tư duy này. Có người nghĩ rằng người dám phê bình tất cả, nghi ngờ tất cả là người có tư duy độc lập. Chúng ta từng bắt gặp trên các trang mạng xã hội có những người thường xuyên tuôn ra những lời lẽ hết sức cực đoan, nhiều kẻ chưa hiểu rõ đã hùa theo ủng hộ. Những người như vậy chắc chắn không được coi là người có tư duy độc lập.

Người có tư duy độc lập cần có khả năng phán đoán dựa trên một nền tảng tri thức nào đó. Ví dụ khi đi theo một nền tảng giá trị kiên định “nhân tính bản thiện”, “nhân tính bản ác”, hay “nhân tính không có bản thiện hay bản ác”, chúng ta mới có thể đưa ra kết luận cho nhiều vấn đề. Tất cả những tư duy độc lập đều không độc lập hoàn toàn, mà phải xuất phát từ một phán đoán điểm.

Các bạn sinh viên không cần phải vội vã tìm cách chứng minh bản thân có khả năng tư duy độc lập, điều này là không cần thiết và cũng không thể. Cũng đừng ảo tưởng rằng chỉ cần đọc hết mấy cuốn sách “khủng”, nghiên cứu mấy bài báo chuyên ngành là bạn đã có thể đưa ra những kiến giải xuất chúng. Đây không phải là con đường của người tư duy độc lập, mà chỉ là tâm lý tự huyễn hoặc bản thân mà thôi.

Muốn có tư duy độc lập, chúng ta cần học cách đặt câu hỏi, nhưng để đặt được câu hỏi một cách thiết thực, điều quan trọng nhất là phải biết cách phân tích và dự đoán chứ không phải là ra sức phê bình người khác. Trước hết phải loại bỏ quan điểm đánh đồng giữa phê bình người khác với khả năng tư duy độc lập. Sự phê bình không căn cứ trên kết quả phân tích và dự đoán sẽ mang đến những điều tồi tệ và khiến người khác bị tổn thương.

Mục đích của tư duy độc lập là để tìm ra chân lý từ những điều chưa đúng, chứ không phải để đả kích, phê bình người khác. Tài sản lớn nhất mà tư duy độc lập mang lại chính là khả năng phán đoán. Có kỹ năng phán đoán độc lập mới có thể đặt ra câu hỏi, có được câu hỏi mới biết được lựa chọn nào là đúng, lựa chọn nào là sai, và dù hậu quả tốt hay xấu, chúng ta cũng phải tự chịu trách nhiệm, không được đổ lỗi cho người khác. Như vậy, chúng ta mới có thể nâng cao được khả năng tư duy của bản thân.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.