Giã từ vũ khí
Chương 18
Mùa hè thật kì diệu. Khi tôi đi được, chúng tôi cùng đi dạo bằng xe ngựa trong công viên. Tôi còn nhớ rõ cỗ xe ngựa đi chậm chạp, phía trước là lưng người đánh xe với chiếc mũ cao bóng loáng và bên cạnh tôi là Catherine. Nếu tay chúng tôi có chạm vào nhau thì chỉ cần mấy đầu ngón tay tôi chạm vào nàng cũng đủ làm cho chúng tôi ngây ngất. Sau đó, lúc tôi có thể dùng nạng để đi lại, chúng tôi dều dùng cơm ở Biffi hay ở Gran Italia và ngồi ở dãy bàn phía ngoài trên bao lơn. Những người hầu bàn tiến lại ra vào. Người qua lại tấp nập. Trên bàn, những ngọn bạch lạp cháy có chụp đèn. Về sau, chúng tôi ăn hẳn ở Gran Italia và George, chủ tiệm ăn dành cho chúng tôi một bàn riêng. Anh là một người dễ thương và chúng tôi để mặc anh lựa món ăn trong khi chúng tôi nhìn thiên hạ, nhìn dãy hành lang dài chìm trong bóng hoàng hôn và nhìn nhau. Chúng tôi uống rượu Capri ướp lạnh cùng nhiều thứ rượu khác. Ở đây họ không có bồi rượu vì lí do chiến tranh và George mỉm cười bối rối mỗi khi chúng tôi hỏi những thứ rượu thuộc loại Fresa.
– Ông thử nghĩ xem một xứ sản xuất rượu gì mà chỉ có mùi như mùi dâu! – Ông bảo chúng tôi.
– Không được sao? – Catherine hỏi – Như thế hẳn là tuyệt lắm chứ.
– Xin bà cứ nếm thử nếu bà thấy thích. Nhưng hãy để cho tôi mang một chai Margaux cho trung úy.
– Để tôi nếm thử xem đã, anh George.
– Thưa trung úy, tôi không bảo đảm thứ rượu đó. Vì nó không có mùi gì, ngay cả mùi dâu cũng không.
– Biết đâu đấy – Catherine bảo – Nếu có mùi dâu thì tuyệt.
– Tôi sẽ đem lại – George bảo – Và khi bà nếm thử xong tôi sẽ cất đi ngay.
Thứ rượu đó không ngon như George bảo, nó cũng không giống mùi dâu nữa. Chúng tôi đành uống lại Capri. Một buổi tối tôi hụt tiền, George cho tôi vay một trăm đồng “lia”. – Trung úy đừng bận tâm. Tôi rất thông cảm. Nếu trung úy hoặc bà cần tiền, tôi bao giờ cũng sẵn sàng.
Sau bữa cơm, chúng tôi đi bộ qua hành lang, qua những nhà hàng và những tiệm khác đã đóng cửa. Chúng tôi ngừng lại một tiệm nhỏ bán bánh mì thịt, lẫn cá thu và rau cải thái nhỏ và dài bằng ngón tay. Chúng tôi mua về để phòng khi đêm đói sẽ ăn. Chúng tôi gọi một cỗ xe ở ngoài hành lang, trước nhà thờ, rồi trở về bệnh viện. Đến cửa bệnh viện, ông thường trực đến đỡ tôi và cặp nạng xuống. Tôi trả tiền xe, và chúng tôi cùng lên thang máy. Catherine dừng lại ở tầng một nơi các y tá ở, còn tôi đi lên trên rồi chống nạng về phòng. Đôi khi tôi thay quần áo đi ngủ, đôi khi tôi ngồi ở bao lơn, chân gác lên ghế nhìn đàn chim én lượn trên mái nhà, để chờ Catherine đến. Khi nàng đến, tôi có cảm tưởng như nàng mới đi xa về. Tôi chống nạng theo nàng. Tôi mang hộ các dụng cụ và đứng ngoài cửa chờ nàng hoặc vào cùng phòng với nàng. Điều đó tùy bệnh nhân có là bạn quen hay không. Khi nàng xong việc, chúng tôi trở ra ngồi ở bao lơn trước phòng. Sau đó, tôi vào giường nằm. Khi ai nấy đều ngủ và tin rằng sẽ không còn ai gọi nàng nữa, thì nàng đến phòng tôi. Tôi thích xổ tung tóc nàng ra. Nàng ngồi trên giường không cử động chỉ trừ lúc bất thình lình cuối xuống hôn tôi, trong khi tôi xổ tóc nàng. Tôi tháo mấy cây kẹp tóc để trên giường, tóc nàng xõa ra và tôi ngắm nàng ngồi yên ở mép giường. Tôi liền tháo nốt hai chiếc kẹp cuối cùng và tóc nàng hoàn toàn xõa ra. Và khi nàng cúi đầu thì cả hai chúng tôi nằm kín dưới mái tóc nàng, làm tôi có cảm giác nằm dưới căn lều hoặc một thác nước.
Tóc nàng đẹp vô cùng. Có đôi khi tôi nằm ngắm nàng vấn tóc trong ánh sáng mờ ảo của cánh cửa sổ mở rộng. Dù là trong bóng đêm tóc nàng vẫn ngời sáng như nước lóng lánh trước bình minh. Khuôn mặt và thân hình nàng rất đáng yêu, và cả làn da mịn màng của nàng cũng vậy. Nằm cạnh nàng, tôi mơn man khắp má, trán, cằm và cổ nàng rồi bảo “Da em mịn như phím dương cầm”. Nàng xoa vào cằm tôi rồi đùa “Nhẵn như giấy nhám và cứng như phím đàn”.
– Nhám lắm hả em?
– Không anh ạ, đùa đấy thôi.
Đêm thật tuyệt diệu. Chúng tôi chỉ cần nằm bên nhau như thế cũng đủ hạnh phúc rồi. Ngoài những lúc như thế, chúng tôi không ở bên nhau, chúng tôi cố đoán xem người kia đang nghĩ gì. Đôi khi chúng tôi đoán đúng vì có lẽ cả hai cùng lúc nghĩ đến một chuyện.
Chúng tôi thích tưởng tượng đã lấy nhau từ ngày nàng đến bệnh viện và chúng tôi tính từng ngày kể từ ngày cưới ấy. Thực ra, tôi muốn cưới nàng nhưng Catherine bảo nếu chúng tôi làm lễ cưới, họ sẽ đổi nàng đi nơi khác và chỉ một việc thi hành thủ tục cũng đủ làm cho họ để ý đến nàng ngay và điều đó sẽ làm đảo lộn cuộc sống. Chúng tôi phải làm lễ cưới theo luật pháp nước Ý và thủ tục sẽ rất phiền toái. Tôi muốn như đã cưới nhau rồi vì mỗi lần nghĩ đến việc này, tôi sợ có con, nhưng chúng tôi giả vờ như đã cưới nhau và không thèm quan tâm đến chuyện đó nữa. Thật ra, trong lòng tôi lại sung sướng vì chưa cưới nhau. Có một đêm chúng tôi bàn về chuyện đó thì Catherine bảo:
– Nhưng anh ơi, người ta sẽ đuổi em đi.
– Không chắc đâu.
– Ỗ, chắc vậy! Người ta sẽ đuổi em về nhà và lúc bấy giờ chúng ta sẽ xa nhau mãi mãi cho đến khi hết chiến tranh.
– Anh sẽ xin nghỉ phép.
– Anh không có đủ thì giờ đi Ireland rồi trở về trong thời gian nghỉ phép. Tuy nhiên em không xa anh đâu. Bây giờ chúng ta làm lễ cưới thì có lợi lộc gì đâu? Chúng ta đã cưới nhau thật rồi đấy. Thế này còn hơn là cưới nhau thật vậy.
– Anh muốn làm lễ cưới là chỉ vì em mà thôi.
– Bây giờ không còn có em nữa. Em là anh. Đừng có tách rời em ra như thế.
– Anh tưởng rằng các thiếu nữ luôn mơ ước được lấy chồng.
– Đúng rồi. Nhưng còn em, anh yêu ạ, em đã có chồng rồi. Em đã lấy anh rồi cơ mà. Em không phải là vợ ngoan sao?
– Em là người vợ rất đáng yêu.
– Anh biết không, anh yêu, đã có lần em chờ đợi ngày cưới.
– Anh không muốn em nhắc đến chuyện đó nữa.
– Anh biết chắc là em chỉ yêu có một mình anh thôi. Có nghĩa lí gì nếu có một người khác yêu em trước anh?
– Quan trọng lắm chứ.
– Không nên ghen với một kẻ đã chết, trong khi anh đã được tất cả.
– Đúng thế, nhưng anh không muốn nghe những chuyện đó nữa.
– Anh ngốc ơi! Còn em, em biết, chắc anh có hàng tá phụ nữ vậy mà em có kể gì đâu?
– Liệu chúng ta có thể làm lễ cưới riêng bằng cách này hay cách khác không? Như thế phòng khi có chuyện gì xảy ra cho anh hoặc phòng khi em có con…
– Không có cách nào khác ngoài cách làm lễ cưới theo tôn giáo hoặc theo luật pháp. Chúng ta đã làm lễ cưới riêng với nhau rồi. Anh biết không, anh yêu, nếu em có đạo thì chuyện đó sẽ là một vấn đề quan trọng với em, nhưng em không theo đạo nào cả.
– Thế sao em đã cho anh tượng thánh Anthony?
– Vì tượng đó đem lại may mắn. Người ta đã cho em.
– Vậy là em chẳng lo buồn gì cả phải không?
– Chỉ trừ khả năng phải xa anh thôi. Anh là lí tưởng của em. Đời em chỉ có một mình anh thôi.
– Được rồi. Nhưng anh sẽ cưới em ngày nào em muốn.
– Đừng làm như là anh biến đổi em thành một phụ nữ đức hạnh, anh yêu ạ. Em vẫn là người đàn bà đoan chính. Không vì lẽ gì lại hổ thẹn khi người ta hạnh phúc và tự hào. Anh thấy có hạnh phúc không?
– Nhưng em đừng phụ anh nhé?
– Không đâu, anh yêu. Em sẽ không bao giờ phụ anh. Cứ cho là nhiều điều khủng khiếp sẽ đến với chúng ta, em đã nghĩ đến tất cả những gian nguy đang chờ chúng ta. Nhưng chuyện phụ anh, anh không phải lo.
– Anh chẳng lo gì cả. Anh yêu em tha thiết, nhưng anh chỉ là kẻ đến sau.
– Thế người đến trước ra sao?
– Người ấy chết rồi.
– Đúng. Nếu anh ấy không chết thì em đâu có gặp anh. Em không phản bội anh đâu, anh yêu. Em có nhiều khuyết điểm nhưng em rất thủy chung. Anh sẽ chóng chán vì sự thủy chung của em cho mà xem.
– Sớm muộn gì anh cũng sẽ trở lại mặt trận.
– Đừng nghĩ đến chuyện ấy trước. Anh thấy không, anh yêu, em rất hạnh phúc và chúng ta đã sống những giờ phút thần tiên. Lâu lắm rồi em không biết đến hạnh phúc và khi em thấy nó, em gần như điên lên. Có lẽ em đã điên thật. Nhưng bây giờ chúng ta hạnh phúc và chúng ta yêu nhau. Chúng ta hãy tận hưởng hạnh phúc đã. Anh có cảm thấy hạnh phúc không? Em phải làm gì để vừa ý anh bây giờ. Anh có thích em xõa tóc không? Anh có muốn chúng ta đùa không?
– Ừ, em đi ngủ đi.
– Được rồi, nhưng em còn phải đi thăm các bệnh nhân đã.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.