Giã từ vũ khí

Chương 21



Vào đầu tháng Chín, đêm bắt đầu mát. Ngày cũng mát và trong công viên lá bắt đầu đổi màu. Ở mặt trận, cuộc chiến đấu không thu được kết quả gì. Chúng tôi không chiếm được San Gabrielle. Những trận đánh ở cao nguyên Bainsizza đã ngưng và giữa tháng cuộc tấn công San Gabrielle cũng ngưng nốt. Người ta không thể chiếm được nơi đó. Ettore đã trở lại mặt trận. Người ta cũng đã chở những con ngựa về La Mã cho nên không còn những cuộc đua ngựa nữa. Crowell cũng đi La Mã trước khi bị triệu hồi về Mỹ. Ở thành phố có hai cuộc biểu tình chống chiến tranh và ở Torino có một cuộc bạo động trầm trọng hơn. Tại câu lạc bộ, một thiếu tá người Anh đã nói với tôi rằng Ý đã mất một trăm năm chục ngàn người ở cao nguyên Bainsizza và ở San Gabrielle. Ông ta còn nói ngoài ra ở Carso họ còn mất thêm bốn chục ngàn người nữa. Chúng tôi cùng uống rượu và nói chuyện. Ông ta bảo “Năm nay thế là các trận đánh đã chấm dứt ở khu chúng tôi. Dân chúng đã có tham vọng quá lớn”. Ông lại thêm là cuộc tấn công ở Flanders đã thất bại. Nếu địch tiêu diệt quá nhiều như hồi đầu thì đến mùa thu sang năm quân đồng minh sẽ kiệt quệ. Ông ta lại bảo là “Chúng tôi đều kiệt quệ cả, nhưng điều đó không quan trọng, nếu chúng tôi không ngờ tới. Mà tất cả chúng tôi đều kiệt quệ thật”. Tôi hỏi ông về nước Nga. Ông ta bảo nước Nga kiệt quệ hoàn toàn, nước Áo và Ý cũng vậy. “Thôi tôi phải đi đây” – Tôi nói “Tôi phải trở về bệnh viện”. “Thôi chào anh” – Ông ta nói rồi vui vẻ tiếp “Chúc anh nhiều may mắn”.

Tôi ghé lại tiệm hớt tóc rồi mới về bệnh viện. Chân tôi đã lành hẳn. Tôi không ngờ chân tôi lành mau như vậy. Ba ngày trước tôi còn đi khám lại. Tôi cần phải điều trị thêm vài lần nữa. Dài theo lề đường, tôi đi trên hè phố, cố gắng không tập tễnh. Một ông lão đang ngồi cắt hình dưới cổng tò vò. Tôi dừng chân đứng ngắm ông. Hai thiếu nữ ngồi làm mẫu, ông ta cắt hình hai người chung nhau bằng kéo rất nhanh nhẹn, vừa cắt vừa nhìn họ, đầu nghiêng một bên. Hai cô gái cười khúc khích. Ông ta đưa cho tôi xem hai cái hình bóng rồi dán lên tờ giấy trắng rồi trao lại cho hai cô gái.

– Đẹp lắm – Ông ta bảo – Bây giờ đến lượt trung úy chứ?

Hai cô gái vừa đi vừa ngắm hình và cười. Trông họ rất đáng yêu. Một trong hai cô làm việc ở quán rượu trước cửa bệnh viện.

– Được rồi – Tôi bảo.

– Xin trung úy bỏ mũ ra cho.

– Không, tôi muốn đội mũ.

– Thế thì không được đẹp cho lắm – Ông ta bảo – Nhưng như thế có vẻ quân nhân hơn – Gương mặt ông rạng rỡ hẳn lên.

Ông cắt miếng giấy đen, tách ra làm đôi rồi dán hình nghiêng trên tờ bìa và đưa cho tôi.

– Bao nhiêu hả cụ?

– Không có chi cả – Ông khoát tay – Tôi tặng cho trung úy đấy.

– Xin ông vui lòng nhận cho – Tôi đưa cho ông tiền lẻ.

– Không, tôi thích cắt hình trung úy. Hãy đem về tặng cho cô bạn gái của trung úy đi.

– Cám ơn ông nhiều lắm, lần khác vậy.

– Tạm biệt.

Tôi tiếp tục đi về bệnh viện. Tôi nhận được một công văn và vài bức thư khác. Tôi còn ba tuần nghỉ phép dưỡng bệnh rồi lại phải trở ra mặt trận. Tôi cẩn thận đọc đi đọc lại bức công văn đó. Phải, đúng thế, giấy phép nghỉ dưỡng bệnh bắt đầu từ hôm mùng bốn tháng Mười. Khi tôi trị xong vết thương là ba tuần lễ, đi hai mốt ngày, vậy là tôi được nghỉ đến hai lăm tháng Mười. Tôi báo là tôi không về bệnh viện, tôi đi đến một nhà hàng hơi xa bệnh viện một tí, dùng cơm tại đó, đọc thư và báo. Có một bức thư của ông nội tôi gởi, gồm tin tức gia đình, những lời động viên yêu nước, một ngân phiếu hai trăm đô la, vài mẩu báo cắt. Một bức thư buồn bã của cha tuyên úy, một bức thư khác của người bạn phi công giúp việc cho Pháp kể chuyện đã gia nhập với một bọn hung dữ và một bức thư của Rinaldi hỏi tôi còn định chôn chân ở Milan bao nhiêu lâu nữa và hỏi thăm tin tức. Anh nhờ tôi mang cho anh mấy cái đĩa hát và kèm theo đó là một danh sách những đĩa hát anh thích. Tôi uống một chai Chianti nhỏ trong bữa ăn, sau đó lại uống cà phê và một li cô nhắc. Tôi gấp tờ báo lại, cho mấy bức thư vào túi, để tiền thù lao và tờ báo ở trên bàn và đi ra. Về đến phòng riêng ở bệnh viện, tôi thay quần áo ngủ, khoác áo choàng ra bên ngoài. Tôi thả tấm màn che cửa nhìn ra bao lớn xuống, rồi ngồi trên giường đọc tờ báo Boston của bà Meyers mang đến cho các cậu con trai yêu quý trong bệnh viện này. Catherine mãi đến chín giờ mới phải làm việc. Tôi nghe thấy tiếng chân nàng bước và có lần thấy nàng đi qua hành lang. Nàng đến thăm mấy phòng kia và sau cùng bước vào phòng tôi.

– Em đến trễ quá anh nhỉ? – Nàng bảo – Hôm nay có nhiều việc phải làm. Anh có khỏe không?

Tôi kể cho nàng nghe về báo chí và giấy phép.

– Tuyệt quá – Nàng bảo – Thế anh muốn đi đâu nào?

– Không muốn đi đâu cả. Anh chỉ muốn ở lại đây.

– Dại lắm, anh chọn một nơi nào đi, em sẽ đi với anh.

– Em làm cách nào?

– Không biết. Nhưng thế nào em sẽ tìm được cách.

– Em tài thật.

– Không đâu. Nhưng nếu mình không mất mát gì cả thì đời mình sẽ không khổ.

– Em muốn nói gì thế?

– Không có gì cả. Em chỉ nghĩ có những trở ngại không đáng kể trước đây mà mình lại cho là lớn lao.

– Anh nghĩ em khó mà đi được với anh.

– Ồ không đâu anh ạ, nếu cần em chỉ việc xin thôi việc, nhưng sẽ không đến nỗi thế đâu.

– Chúng ta sẽ đi đâu em?

– Em không cần. Anh muốn đi đâu cũng được. Đến nơi nào mà chúng ta không quen biết ai cả.

– Chúng ta đi đến đâu cũng được phải không?

– Vâng, bất cứ nơi nào mà anh thích.

Nàng trông có vẻ bồn chồn và bứt rứt.

– Có chuyện gì thế, Catherine?

– Không, không có chuyện gì cả.

– Có, em có chuyện gì.

– Không, không có gì. Thật không có chuyện gì cả mà.

– Anh biết là có. Em yêu, hãy nói cho anh nghe đi. Em hãy nói cho anh nghe mà.

– Chẳng có chuyện gì cả.

– Nói cho anh nghe đi.

– Em không muốn. Em sợ sẽ làm cho anh mất vui và lo lắng.

– Không, anh sẽ không lo lắng.

– Thật thế ư? Chuyện này không làm cho em lo lắng nhưng em e nó sẽ làm cho anh lo.

– Không, điều đó sẽ không làm cho anh lo lắng.

– Em không muốn nói cho anh nghe.

– Có. Nói anh nghe đi.

– Phải nói à?

– Ừ.

– Em sắp có con anh ạ, gần ba tháng rồi. Anh không lo chứ? Nói cho em biết đi anh. Em van anh đấy. Anh không nên lo lắng về chuyện đó.

– Có gì đâu.

– Thật ư?

– Thật thế chứ sao?

– Em đã làm đủ mọi cách. Em uống đủ mọi thứ nhưng vô ích.

– Có gì đâu mà phải lo lắng thế.

– Em không thể không lo được anh ạ. Em không bao giờ lo về chuyện đó. Anh cũng thế. Anh không nên khổ sở hay lo lắng về chuyện đó anh nhé.

– Anh chỉ lo cho em mà thôi.

– Đấy, đó chính là điều em không muốn. Hàng ngày biết bao nhiêu trẻ con ra đời. Ai cũng có thể có con cả. Đó là tự nhiên mà.

– Em đáng yêu quá.

– Không, không, anh đừng quan tâm được việc đó nữa anh yêu. Em cố làm cho anh không buồn. Em biết em vừa làm cho anh buồn. Nhưng từ trước đến giờ em vẫn là một thiếu nữ đứng đắn chứ? Anh không bao giờ nghi ngờ gì về điều đó phải không anh?

– Không.

– Sẽ mãi mãi như vậy. Chỉ có một điều thôi là đừng lo lắng gì cả. Em thấy rõ là anh lo lắng. Đừng, đừng như thế. Anh muốn uống một tí rượu không anh yêu? Em biết là khi anh uống rượu, anh sẽ vui vẻ lên ngay.

– Không, anh đang vui và em thì rất đáng yêu.

– Không đâu. Nnưng em sẽ thu xếp mọi việc để đi cùng với anh khi anh chọn được địa điểm. Vào độ tháng Mười này thật thú vị vô cùng. Chúng ta sẽ vui vẻ anh ạ, và khi nào anh trở ra mặt trận, mỗi ngày em sẽ viết thư cho anh.

– Lúc ấy em ở đâu?

– Em chưa biết được. Nhưng có thể ở một nơi danh lam thắng cảnh nào đó. Em sẽ lo chuyện đó.

Chúng tôi im lặng một lúc lâu không nói gì. Catherine ngồi trên giường. Tôi nhìn nàng nhưng chúng tôi không đụng vào nhau. Chúng tôi ngồi cách xa nhau như là có ai bất thình lình bước vào phòng. Catherine đưa tay nắm lấy tay tôi:

– Anh không giận gì chứ hả anh?

– Không.

– Và anh cũng không cảm thấy bị ràng buộc chứ?

– Có lẽ hơi hơi thôi. Nhưng không phải bị ràng buộc bởi em.

– Em không muốn nói là anh bị ràng buộc bởi em. Đừng nói bậy bạ, anh đừng giả vờ như thế. Em chỉ muốn nói là bị ràng buộc một cách tổng quát mà thôi.

– Người ta luôn luôn cảm thấy bị giam hãm, ràng buộc đứng về phương diện sinh lý.

Nàng không động đậy, cũng không rút tay lại, nhưng tôi cảm thấy nàng cách xa tôi quá.

– Tiếng luôn luôn nghe không được êm tai.

– Xin lỗi em.

– Không có gì cả. Nhưng có điều này anh như đã biết, em đã chưa hề có con cũng như chưa hề yêu ai cho đến bây giờ… Và em đã cố gắng để trở thành con người mà anh ao ước, thế mà bây giờ anh lại nói “luôn luôn”.

– Thế em có muốn anh cắt lưỡi đi không? – Tôi hỏi.

– Ồ anh yêu của em! (nàng trở lại từ thế giới xa xôi mà nàng vừa ở). – Anh đừng quan tâm đến lời em nói.

Chúng tôi lại cảm thấy gần gũi nhau. Mọi buồn bực đều tan biến.

– Thật ra chúng ta tuy hai mà một. Vậy chúng ta không nên hiểu lầm nhau.

– Đúng vậy.

– Tuy vậy điều đó vẫn xảy ra. Lắm người yêu nhau rồi chỉ vì hiểu lầm mà sinh ra cãi cọ rồi chia lìa.

– Chúng ta sẽ không bao giờ cãi cọ với nhau.

– Không, không nên cãi cọ. Bởi vì hai chúng ta là một và trên thế gian này còn có nhiều người khác nữa.

Nàng đến mở cánh cửa tủ rồi đem lại chai rượu và cái li.

– Anh uống một tí cô nhắc nhé? Anh ngoan lắm – Nàng nói.

– Không, anh cảm thấy không muốn uống.

– Một chút thôi.

– Thôi được rồi.

Tôi rót đầy ba phần li rồi uống cạn.

– Anh uống nhiều quá. Em biết rượu mạnh là đồ uống của người người anh hùng, nhưng cũng không nên quá chén.

– Sau chiến tranh chúng ta sẽ sống ở đâu nhỉ?

– Có lẽ ở nhà mấy ông già bà lão. Ba năm nay em ngây thơ chờ mong chiến tranh chấm dứt vào ngày lễ Giáng sinh. Nhưng bây giờ em cho là sẽ không trước khi con chúng ta làm đến chức tổng tư lệnh.

– Không, nó sẽ làm đến đại tướng.

– Nếu đó là chiến tranh một trăm năm, nó sẽ có đủ thì giờ chiếm được cả hai chức ấy.

– Em uống tí gì nhé?

– Không, anh uống vào thấy thích chứ em uống thì thấy chóng mặt lắm anh ạ.

– Em có bao giờ uống rượu mạnh không?

– Không anh ạ, em là một người vợ cổ lỗ.

Tôi với tay lấy chai rượu đã để dưới đất và rót thêm một li nữa.

– Em phải đi thăm các chiến hữu của anh một chút – Catherine bảo – Anh có thể đọc báo chờ em trở lại.

– Em phải đi thật à?

– Vâng, bây giờ hoặc tí nữa cũng được.

– Vậy thì đi bây giờ đi.

– Tí nữa em sẽ trở lại.

– Anh sẽ đọc xong tờ báo này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.