Giã từ vũ khí

Chương 41 – Phần 1



Một đêm tôi thức giấc quãng ba giờ và nghe Catherine trở mình trên giường.

– Em có bị ốm không, Catherine?

– Em thấy hơi đau, anh ạ.

– Đau liền liền hả em?

– Không, đau từng chập.

– Nếu đau liền liền thì phải đi bệnh viện.

Tôi buồn ngủ quá nên nằm ngủ lại. Một lát sau tôi lại thức giấc:

– Anh nên gọi bác sĩ thì hơn. Em nghĩ chắc là đúng rồi.

Tôi quay số gọi điện thoại cho bác sĩ.

– Có đau liên tục không Cat?

– Hình như độ mười lăm phút.

Vị bác sĩ nói:

– Vậy thì ông phải đưa bà đến bệnh viện ngay. Tôi sẽ mặc quần áo và đến đó bây giờ.

Tôi gác điện thoại rồi lại gọi cho nhà xe ở gần nhà ga để gọi một chiếc taxi. Một lúc lâu không có người trả lời. Mãi sau mới có người hứa cho xe tới liền. Catherine sửa soạn xong. Chiếc va li xếp đầy những thứ cần thiết cho nàng và quần áo trẻ sơ sinh. Ngoài hành lang, tôi bấm chuông gọi thang máy, không có ai trả lời, tôi phải xuống cầu thang gác. Không có ai ở dưới nhà cả ngoài người gác đêm. Tôi phải đích thân điều khiển thang máy và để chiếc va li vào trong đó. Catherine bước vào và chúng tôi xuống lầu. Người gác đêm mở cửa để chờ taxi. Trời đêm sáng tỏ và sao lấp lánh. Catherine rất bồn chồn. Nàng nói:

– Em rất hài lòng là việc đó bắt đầu. Một chút là xong chứ gì.

– Em là một phụ nữ thật can đảm.

– Em không lo sợ gì hết. Tuy nhiên em mong cho chiếc taxi tới.

Chúng tôi nghe tiếng xe chạy tới và thấy rõ ánh đèn pha. Xe rẽ vào lối đi. Tôi dìu Catherine vào trong xe và người tài xế đặt chiếc va li lên phía trước.

– Chạy tới bệnh viện – Tôi nói.

Xe ra khỏi lối đi và bắt đầu leo dốc. Tới bệnh viện chúng tôi bước vào. Tôi xách chiếc vali. Một bà ngồi tại bàn giấy vào sổ ghi tên tuổi của Catherine, địa chỉ và tôn giáo của nàng. Nàng khai không theo tôn giáo nào và thiếu phụ gạch một hàng trong ô tương ứng. Nàng khai tên là Catherine Henry.

– Tôi sẽ đưa bà lên phòng – Bà ta nói.

Chúng tôi đi lên thang máy và bước ra đi theo bà ta qua một hành lang.

– Phòng đây – Bà ấy nói – Mời bà thay quần áo và bước lên giường. Đây là chiếc áo ngủ của bà.

– Tôi có đem theo áo ngủ – Catherine nói.

– Nhưng bà cứ mặc chiếc áo này thì hơn – Bà ta nói.

Tôi bước ra ngoài và ngồi trên một chiếc ghế ở ngoài hành lang.

– Ông có thể vào được – Bà ta đứng ở ngưỡng cửa bảo tôi.

Catherine nằm trên một chiếc giường hẹp, mặc chiếc áo ngủ cổ vuông được may bằng vải thô. Nàng nhìn tôi mỉm cười.

– Bây giờ em đang đau thúc lên.

Bà ta cầm tay bắt mạch, tay cầm đồng hồ và đo khoảng cách giữa những cơn đau.

– Đau quá – Catherine nói. Tôi nhận ra những cơn đau ấy trên nét mặt của nàng.

– Bác sĩ đâu? – Tôi hỏi.

– Ông ta ngủ ở tầng dưới. Khi nào cần, ông ta sẽ lên.

– Bây giờ để tôi làm một vài thứ với bà – Bà y tá nói – Mời ông ra ngoài chờ.

Tôi bước ra ngoài dãy hàng lang trống trải với hai cửa sổ và những cánh cửa đóng kín, phảng phất mùi nhà thương. Tôi ngồi trên ghế, đầu cúi xuống và cầu nguyện cho Catherine.

– Ông có thể vào được rồi – Bà y tá nói. Tôi bước vào.

– Này anh yêu ơi – Catherine gọi.

– Sao, đỡ không em?

– Nó đau liền liền – Nàng nhăn mặt rồi lại mỉm cười.

– Sao mà đau quá vậy, đau thật là đau. Bà y tá ơi, bà làm ơn đấm thêm giùm sau lưng cho tôi chút đi.

– Nếu làm thế có thể giúp bà bớt đau – Bà y tá nói.

– Anh đi ra ngoài một tí đi anh yêu. Anh hãy đi kiếm cái gì ăn đi. Bà y tá bảo sẽ còn lâu đấy.

– Sanh con so thì thường thường lâu lắm – Bà y tá nói.

– Anh hãy đi ăn uống tí gì đi. Em cảm thấy đỡ lắm rồi.

– Để anh nán lại một chút đã.

Những cơn đau nổi lên đều đều rồi lại dịu đi. Catherine bồn chồn. Mỗi khi đau thúc, nàng lại bảo đau thế là tốt. Nhưng khi cơn đau dịu đi thì nàng như thất vọng và mắc cỡ.

– Anh đi ra đi anh yêu – Nàng giục – Anh ở lại đây chỉ làm cho em thêm ngại ngùng thôi – Nàng nhăn nhó – Đó… Thế tốt. Em chỉ mong được làm một người vợ ngoan và sanh đẻ được mẹ tròn con vuông. Anh đi ăn điểm tâm đi anh yêu, rồi sẽ trở lại. Vắng anh cũng không hề gì đâu. Bà y tá tốt với em lắm.

– Ông còn nhiều thì giờ để ăn sáng mà – Bà y tá nói.

– Thì tôi đi vậy. Anh đi nhé, em yêu.

– Tạm biệt. Vâng, anh ăn sáng no đi, ăn luôn cả phần em nữa nhé.

Tôi hỏi bà y tá.

– Có thể ăn điểm tâm ở đâu được bà nhỉ?

– Có một quán cà phê ở gần quảng trường, cuối phố – Bà ta trả lời – Chắc bây giờ người ta mở cửa rồi đấy.

Bên ngoài ngày đã bắt đầu rạng. Tôi đi xuôi theo con phố vắng tới quán cà phê. Có ánh đèn ở cửa sổ. Tôi bước vào đứng bên cạnh quầy bọc thiếc. Một ông già dọn cho tôi một li rượu chát và một miếng bánh cũ hôm qua. Tôi nhúng bánh vào rượu ăn rồi uống cà phê.

Ông già hỏi tôi:

– Ông làm gì ở đây giờ này sớm quá vậy?

– Nhà tôi sanh ở bệnh viện.

– À, xin chúc ông bà may mắn.

– Cho tôi một li rượu chát nữa.

Ông ta nghiêng chai rượu, rót quá tay làm rượu rớt cả ra quầy. Tôi uống rượu xong, trả tiền và bước ra.

Bên ngoài, dọc theo đường phố, những thùng rác chờ được đổ. Một con chó hít hít vào một thùng rác.

– Chú mày muốn gì nào? – Tôi vừa hỏi vừa nhìn vào trong thùng rác xem có gì cho nó không, chẳng có gì hết ngoài bã cà phê, một ít bụi đất và vài cánh hoa héo.

– Chẳng có gì cả, chú khuyển ạ – Tôi nói.

Con chó qua đường. Tôi lên cầu thang bệnh viện, tới tầng của Catherine, đi dọc theo hành lang, tới phòng nàng và gõ cửa. Không có tiếng trả lời. Tôi mở cửa, phòng trống chỉ có chiếc va li của Catherine để trên ghế và chiếc áo ngủ của nàng treo trên tường. Tôi bước ra đi dọc theo hành lang kiếm người để hỏi thì gặp một cô y tá.

– Bà Henry đâu, thưa cô?

– Người ta mới đưa bà đến phòng sinh.

– Ở đâu?

– Để tôi dẫn ông tới.

Cô y tá đưa tôi đến cuối hành lang. Cửa phòng hé mở. Tôi ghé mắt thấy Catherine nằm dài trên một chiếc bàn, mình đắp một tấm chăn. Bà y tá đứng một bên, và vị bác sĩ đứng phía bên kia, cạnh những ống tròn. Bác sĩ cầm trong tay một chiếc mặt nạ cao su gắn vào một cái ống.

– Để tôi đưa cho ông một chiếc áo choàng thì ông có thể vào được – Cô y tá nói – Mời ông lại đây.

Cô đưa cho tôi một chiếc áo choàng trắng và cài áo cho tôi.

– Bây giờ thì ông có thể vào được.

Tôi bước vào phòng.

– Này anh yêu – Catherine nói với một giọng mệt mỏi – Nó không tiến triển bao nhiêu.

– Ông là ông Henry à? – Bác sĩ hỏi.

– Vâng, công việc ra sao rồi thưa bác sĩ?

– Khá lắm. Chúng tôi đến đây cho tiện việc cho thuốc mê mỗi khi đau.

– Cho tôi thuốc đi – Catherine nói.

Bác sĩ chụp mặt nạ lên mặt nàng và vặn chiếc tay quay. Tôi nhìn Catherine. Nàng thở mạnh và sâu. Tiếp đó nàng đẩy chiếc mặt nạ ra và bác sĩ tắt vòi hơi.

– Cơn đau này không dữ lắm. Lúc nãy em đau mới nhiều. Thế mà bác sĩ cũng làm cho hết đau, phải không thưa bác sĩ?

Giọng nàng nói hơi lạ, nàng nói lớn tiếng “bác sĩ”.

Ông bác sĩ mỉm cười.

– Tôi lại cần nữa đấy – Catherine nói rồi nàng chụp chiếc mặt nạ úp lên mặt và thở dồn dập. Tôi nghe nàng rên khe khẽ rồi nàng lại đẩy chiếc mặt nạ ra và mỉm cười.

– Cơn đau này dữ thật, đau lắm. Đừng lo lắng gì hết anh yêu. Anh đi đi. Anh đi ăn sáng nữa đi.

– Không, anh muốn ở lại đây – Tôi đáp.

Chúng tôi đến bệnh viện lúc ba giờ sáng mà đến trưa Catherine vẫn còn nằm trong phòng sanh. Những cơn đau chậm lại. Nàng có vẻ bải hoải nhưng vẫn vui vẻ.

– Em không được khỏe anh yêu. Buồn quá, thế mà em tưởng em sẽ sanh dễ dàng đấy. Ôi.. lại đau nữa.

Nàng với tay chụp chiếc mặt nạ úp lên mặt. Vị bác sĩ mở khóa hơi và chăm chú nhìn nàng. Độ một lát, cơn đau lại hết. Catherine mỉm cười.

– Không đau lắm. Em thích thứ hơi thuốc đó quá. Thật là kì diệu.

– Để mua một ít về nhà – Tôi nói.

– Đó, bắt đầu đang trở lại nữa – Catherine nói hấp tấp. Vị bác sĩ mở khóa hơi và nhìn đồng hồ.

Tôi hỏi ông bác sĩ:

– Bây giờ khoảng cách là bao lâu?

– Độ chừng một phút.

– Bác sĩ không đi dùng điểm tâm à?

– Lát nữa tôi sẽ đi ăn một chút.

– Bác sĩ đi ăn đi – Catherine nói – Buồn quá, sao mà lâu dữ vậy. Không biết nhà tôi có cho thuốc cho tôi được không ạ?

– Nếu bà muốn – Ông ta nói – Ông chỉ cần vặn tới số hai là được.

– Tôi hiểu.

Trên mặt đồng hồ có một kim quay theo sự điều khiển của tay quay.

– Em cần ngay bây giờ đấy – Catherine nói.

Nàng ụp sát chiếc mặt nạ lên mặt. Tôi vặn cho kim quay đến số hai và khi Catherine lấy chiếc mặt nạ ra thì tôi khóa máy lại. Vị bác sĩ đáng yêu đã để tôi làm vài việc.

– Chính anh đã để cho máy chạy đấy à anh yêu? – Catherine vừa hỏi vừa vuốt cổ tay tôi.

– Phải đấy anh ạ.

– Anh đáng yêu biết bao.

Chất thuốc làm cho nàng hơi say.

– Tôi sẽ đi ăn ở phòng bên cạnh đây. Có gì cứ gọi tôi – Ông bác sĩ nói.

Thời gian trôi đi. Tôi nhìn thấy ông ăn và một lúc sau ông ngả lưng và châm thuốc lá.

Catherine bắt đầu lả.

– Anh có tin rằng mẹ con em sẽ vuông tròn không?

– Thì chắc chắn là như thế chứ còn gì nữa.

– Em cố hết sức mình, em rặn mà nó không ra. Ôi lại bắt đầu đau nữa… cho em… thuốc đi…

Đến hai giờ trưa, tôi ra ngoài đi ăn. Có một ít người ngồi trong quán, và trên bàn là những tách cà phê, những li rượu Kirsch hoặc rượu Marc. Tôi ngồi vào bàn.

– Có gì ăn không? – Tôi hỏi người hầu bàn.

– Ăn trưa thì quá muộn rồi ạ.

– Không có món gì ăn thường ngày à?

– Có. Ông có thể dùng món dưa cải bắp thái nhỏ.

– Vậy cho tôi một đĩa và rượu bia.

– Một nửa hay cả vại ạ?

– Nửa vại.

Người bồi bàn dọn đĩa cải bắp thái nhỏ có thêm miếng dăm bông xúc xích trộn với cải bắp nóng bỏng tẩm rượu chát. Tôi ăn và uống rượu bia. Tôi rất đói. Tôi nhìn thiên hạ ăn uống trong quán cà phê. Vài người đánh bài tại bàn. Hai người kế bên tôi vừa hút thuốc lá vừa nói chuyện. Tiệm cà phê đầy khói thuốc lá. Ở đàng sau quầy thiếc, chỗ tôi vừa ngồi ăn điểm tâm, có ba người, một ông già, một bà khỏe mạnh mặc đồ đen, ngồi chỗ thu tiền, ghi chép những thứ dọn ăn uống cho khách và một chú mang áo choàng. Tôi tự hỏi không biết bà ta có bao nhiêu con cái, và bà ta sinh đẻ ra làm sao.

Ăn xong tôi quay trở lại bệnh viện. Bây giờ thì đường phố rất sạch sẽ, không còn những thùng rác bên vệ đường nữa. Trời u ám nhưng cũng le lói ánh mặt trời. Tôi lên thang máy, theo hành lang đến phòng của Catherine nơi tôi để chiếc áo blouse. Tôi khóac áo, cài khuy cổ. Nhìn trong gương tôi có vẻ giống một bác sĩ già với bộ râu của tôi. Tôi đến phòng sanh. Cửa đóng. Tôi gõ cửa. Không có tiếng trả lời. Tôi vặn nắm đấm và bước vào. Vị bác sĩ đang ngồi cạnh Catherine. Cô y tá đang bận gì ở cuối phòng.

– Ông nhà đã trở lại kìa – Ông bác sĩ nói.

– Ồ anh yêu, bác sĩ thật tài tình – giọng của Catherine rất khác lạ – Ông kể cho em nghe một câu chuyện kì diệu và khi em quặn đau dữ dội, ông làm cho nó hết ngay. Ông ấy thật là bậc kì tài. Ông đúng là kì tài, bác sĩ ạ.

– Em say thuốc rồi – Tôi nói.

– Em biết mà, nhưng anh đừng nói như thế – rồi nàng tiếp – Cho tôi thuốc đi, cho tôi thuốc nữa đi.

Nàng giữ chặt chiếc mặt nạ và thở từng chặp, nàng hít mạnh và lâu, rồi nàng thở dài, và bác sĩ đưa tay trái gỡ chiếc mặt nạ ra cho nàng.

– Cơn đau vừa rồi dữ dội lắm – Giọng nàng thật khác lạ – Em không nguy hiểm gì đâu, anh yêu ạ. Em đã khỏi chết rồi, anh có bằng lòng không?

– Cầu cho em tai qua nạn khỏi.

– Không, em chuyện sợ đâu. Em sẽ không chết đâu, anh yêu dấu.

– Bà đừng nói dại thế – Ông bác sĩ nói – Bà đừng chết để cho ông cô độc.

– Ồ không, tôi không chết đâu, tôi không muốn chết. Ai lại điên mà đi chết như thế? Ồ, nó lại đến nữa đấy… cho tôi…

Một lát sau vị bác sĩ nói:

– Ông Henry, xin ông vui lòng ra ngoài một lát để tôi thăm thai cho bà.

– Bác sĩ muốn khám xem em như thế nào, rồi một lát nữa anh có thể trở lại, anh yêu. Phải thế không thưa bác sĩ? – Catherine nói.

– Phải, tôi sẽ cho gọi khi nào ông có thể trở lại được.

Tôi bước ra và theo hành lang tới căn phòng nơi Catherine sẽ nằm sau khi sanh. Tôi ngồi trên một chiếc ghế, nhìn quanh gian phòng. Trong túi tôi có tờ báo tôi mua lúc đi ăn trưa, tôi lấy ra đọc. Một lát sau tôi ngừng đọc, tắt đèn nhìn màn đêm phủ kín bên ngoài. Tôi tự hỏi là sao bác sĩ chưa cho gọi tôi. Có lẽ không có tôi ở đó thì có lợi hơn. Hẳn là ông ta muốn tôi lánh đi một lúc. Tôi nhìn đồng hồ. Trong mười phút nữa, nếu ông ta không cho gọi thì tôi vẫn cứ trở lại.

Tội nghiệp Catherine yêu quý, tội nghiệp! Đó là giá phải trả cho những buổi ân ái. Đó là kết thúc của cạm bẫy. Đó là kết tinh của tình ái. Ấy là nhờ trời còn có thuốc mê, không biết trước khi tìm ra được thuốc mê thì những chuyện gì đã xảy ra. Lúc mang bầu, Catherine rất khỏe khoắn, đâu có mệt nhọc gì, chỉ hơi khó ở một tí thôi. Thời gian cuối nàng mới thấy khó chịu. Và cuối cùng nàng mới chịu sự đau đớn, không cách gì thoát khỏi. Thoát ra ư? Giả sử chúng tôi có cưới nhau năm mười lần thì kết quả cũng chỉ thế thôi. Nhưng rủi nàng chết thì sao? Nàng sẽ không chết đâu. Ngày nay không ai chết vì sanh đẻ cả. Những ông chồng ai cũng nghĩ như thế cả. Nhưng nếu nàng chết thì sao? Nàng không chết đâu, nàng chỉ đau đớn một chút thôi. Đẻ con so thì thường lâu lắc hơn một chút. Đó là phút khó khăn phải trải qua. Sau này khi nhắc tới giây phút khó khăn ấy nàng sẽ bảo thật ra cũng chẳng có gì là ghê gớm cả. Nhưng nếu nàng chết thì sao? Nàng không thể chết được kia mà. Đừng có nghĩ dại. Đó chỉ là một phút khó khăn thôi. Đó chỉ là luật tự nhiên của tạo hóa bắt nàng phải như vậy. Sanh con so thì phải như vậy, bao giờ cũng lâu. Phải, nhưng rủi nếu nàng chết thì sao? Nàng không thể chết được. Tại sao lại chết? Có lí nào để chết được? Chỉ đơn giản là một đứa trẻ sắp chào đời, kết quả của những đêm thần tiên ở Milan. Nó tạo ra những phiền muộn, nhưng khi đã sanh ra rồi, nó sẽ được chăm sóc và thương mến. Nhưng nếu nàng chết thì sao? Nàng sẽ không chết đâu. Nhưng nếu rủi nàng chết thì sao? Nàng không sao đâu. Nàng mạnh khỏe lắm mà. Nhưng rủi nàng chết thì sao. Nàng không thể nào chết được. Nhưng nếu nàng chết thật thì sao? Hừ, làm thế nào đây nếu rủi nàng chết?

Bác sĩ bước vào phòng.

– Thế nào, có khá hơn không thưa bác sĩ.

– Không khá – Ông ta nói.

– Bác sĩ nói sao?

– Thì như vậy đó, tôi đã khám – Ông ta kể chi tiết về vụ khám nghiệm – Tôi đã thử chờ xem, nhưng không khá.

– Thế bác sĩ khuyên tôi phải làm gì?

– Có hai cách, hoặc dùng kẹp gắp, làm thế có thể bị rách thịt nguy hiểm, gây thương tích cho đứa bé, hoặc mổ.

– Mổ thì nguy hiểm như thế nào? Rủi nàng chết thì sao?

– Mổ thì không nguy hiểm hơn lối sanh thông thường.

– Chính bác sĩ sẽ tự tay mổ phải không?

– Phải. Có lẽ mất một tiếng đồng hồ để sửa soạn và kiếm người phụ mổ. Hoặc có thể nhanh hơn.

– Bác sĩ khuyên tôi thế nào?

– Tôi thì tôi khuyên nên mổ. Nếu là vợ tôi thì tôi sẽ quyết định mổ.

– Hậu quả sau này sẽ là gì?

– Chẳng có gì ngoại trừ một vết sẹo là cùng.

– Có sợ bị nhiễm trùng không?

– Ít hơn là theo cách kẹp.

– Và nếu đợi, không làm gì cả?

– Thế nào thì rồi cũng phải tiến hành điều gì đó. Bà Henry đã mất sức rồi. Mổ sớm chừng nào hay chừng đó.

– Vậy nếu được bác sĩ mổ ngay đi cho – Tôi nói.

– Tôi sẽ đi cho chỉ dẫn.

Tôi đến phòng sanh. Cô y tá ở đó với Catherine. Nàng nằm bệt trên bàn, trông đẫy đà dưới lớp chăn, trông tái mét và mệt mỏi. Nàng hỏi tôi:

– Anh có nói với bác sĩ là ông ta có thể mổ được không? Không sao đâu, chỉ độ một giờ đồng hồ là sẽ xong cả mà. Em không chịu nổi nữa anh ạ, em kiệt sức rồi. Làm ơn cho em cái đó đi. Cái đó đối với em không sao đâu.

– Bà hít mạnh vào.

– Tôi hít mạnh vào rồi, không ăn thua gì nữa.

– Không thấy gì hết.

– Lấy ông khác thử coi – Tôi nói với cô y tá.

– Đó là ống mới đấy.

– Em thật ngốc anh yêu – Catherine nói – Nhưng sao nó không có kết quả gì hết vậy? – Nàng òa lên khóc – Ôi, em chỉ ước mong việc sinh nở sẽ không làm phiền đến ai, thế mà giờ đây hết rồi, em kiệt sức nhưng điều đó đối với em chẳng sao, hoàn toàn không có chuyện gì, anh yêu. Em có chết cũng chẳng tiếc gì miễn sao cho dừng các cơn đau. Ôi! Anh yêu! Làm sao cho nó dừng các cơn đau giùm em. Nó lại đau nữa đấy! Úi cha! Ôi! Ôi! – Nàng vừa thở vừa thổn thức trong mặt nạ – Không kết quả gì hết. Không kết quả gì hết. Không kết quả gì hết. Đừng kể gì đến em, anh yêu. Em van anh đừng khóc. Đừng chú ý gì đến em. Em kiệt sức quá rồi. Anh đau khổ, em yêu anh nhiều. Em sẽ biết điều. Lần này em sẽ biết điều. Người ta không thể cho tôi cái gì à?

– Để anh cho máy chạy. Anh mở hết số đây này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.