Giã từ vũ khí

Chương 7



Chiều hôm sau, từ một tiền đồn trên núi trở về, tôi đậu xe ở một trạm cấp cứu địa phương, mà các thương binh và bệnh nhân được xếp đặt theo những tâm thẻ ghi tên các bệnh viện khác nhau. Khi nãy tôi đã lái xe và bây giờ tôi ngồi trong xe để người lái xe mang giấy tờ bệnh nhân vào. Trời nóng và bầu trời sáng chói một màu xanh, con đường trắng xóa đầy bụi. Tôi ngồi ở chỗ tay lái trong chiếc Fiat, đầu óc nghĩ ngợi mông lung. Tôi ngắm nhìn một đoàn quân đi ngang qua đường. Những người lính nóng nực, mồ hôi nhễ nhại. Có vài người đội mũ sắt nhưng đa số treo mũ lủng lẳng ở ba lô. Hầu hết những chiếc mũ quá to và chụp xuống tận mang tai của những người đội. Tất cả các sĩ quan đều đội mũ sắt và trông có vẻ vừa vặn hơn. Đó chính là nửa quân số của lữ đoàn Basilicata. Tôi nhận ra họ nhờ huy hiệu ở cổ áo có sọc đỏ và trắng. Nhiều người đi lộn xộn, lết bết ở sau đoàn quân. Đó là những người không đi theo kịp tiểu đội của mình. Người họ ướt đẫm mồ hôi, bụi bặm và trông mệt nhọc. Một số người trông rất thảm hại. Một anh lính đi sau đám người đó. Anh ta đi tập tễnh rồi ngừng lại, ngồi bệt xuống bên vệ đường. Tôi xuống xe và hỏi:

– Sao đó?

Hắn nhìn tôi và đứng thẳng dậy.

– Tôi tiếp tục đi đây.

– Anh có sao không?

– … chiến tranh.

– Chân anh bị đau sao đó?

– Tôi không bị đau chân, tôi bị sa ruột.

– Thế tại sao anh không để xe cứu thương chở anh đi? Sao anh không vào bệnh viện?

– Họ không cho. Trung úy bảo tôi giả vờ, vì tôi đã tháo đai đỡ ra.

– Để tôi khám xem.

– Nó đã sa hoàn toàn rồi.

– Ở phía nào?

– Đây.

Tôi nắn xem và nói:

– Anh ho đi…

– Tôi sợ làm thế nó sẽ sa nhiều hơn. Bây giờ nó đã sưng to gấp đôi so với lúc sáng.

– Anh ngồi xuống đi. Khi nào lấy xong các giấy tờ cho thương binh, tôi sẽ chở anh đi và chuyển cho các thầy thuốc của anh.

– Họ sẽ bảo là tôi cố ý làm như thế.

– Họ không thể giúp gì cho anh cả vì đó không phải là một vết thương. Anh đã bị sa ruột như thế này trước chiến tranh phải không?

– Nhưng tôi đã làm mất đai đỡ rồi.

– Họ sẽ chuyển anh vào một bệnh viện.

– Tôi không thể ở đây được sao, thưa Trung úy?

– Không, tôi không có giấy tờ của anh.

Người lái xe ra với giấy tờ các thương binh trên xe của tôi.

– Bốn người đến bệnh viện 105. Hai người bệnh viện 132. Các bệnh viện ấy ở bên kia sông.

– Anh lái nhé.

Tôi dìu anh lính lên chỗ chúng tôi ngồi.

– Trung úy nói được tiếng Anh chứ? – Anh ta hỏi.

– Dĩ nhiên.

– Trung úy thấy cuộc chiến tranh chó chết này ra sao?

– Một vận đen.

– Chà, tôi tin như anh. Đó là một vận đen. Lạy Chúa! Đúng là một vận đen.

– Anh đã ở Hoa Kì phải không?

– Phải, tôi đã ở Pittsburg, tôi biết Trung úy là người Mỹ.

– Phải chăng tôi đã nói tiếng Ý không được khá lắm?

– Tôi đã biết rõ trước Trung úy là người Mỹ.

– Lại thêm một người Mỹ nữa – Anh lái xe nói bằng tiếng Ý và nhìn anh lính bị sa ruột.

– Thưa Trung úy, có phải trung úy cho tôi về lại trung đoàn của tôi không ạ?

– Phải.

– Vị đại úy quân y biết tôi đau ruột. Tôi đã bỏ đai đỡ để bị sưng to hơn. Tôi cho là như thế người ta sẽ không bắt tôi ra trận.

– Tôi hiểu rồi.

– Trung úy có thể đưa tôi đi nơi khác được không?

– Nếu ở gần mặt trận hơn, tôi có thể đưa anh đến một trạm cấp cứu. Nhưng ở đây, ở hậu phương, thì phải có giấy tờ mới vào bệnh viện được.

– Nếu tôi trở lại, họ sẽ bắt tôi phải mổ, rồi sẽ đẩy tôi ra tiền duyên vĩnh viễn.

– Chuyện này làm tôi nghĩ ngợi.

– Chắc trung úy không thích ra tiền duyên vĩnh viễn chứ? – Anh ta hỏi.

– Không.

– Chúa ơi! Thật là một cuộc chiến tranh khốn nạn.

– Nghe này, bây giờ anh nhoài người ngã xuống đường và làm bị thương ở đầu. Khi nào quay trở về, tôi sẽ lượm anh và chở anh vào bệnh viện. Chúng ta dừng lại ở cạnh đường này đi, Aldo.

Chúng tôi dừng lại và tôi đỡ anh ta bước xuống xe.

– Trung úy đón tôi ở đây nhé. Ở đây được rồi Trung úy ạ.

– Lát nữa – Tôi đáp.

Chúng tôi tiếp tục đi và độ một kilômét thì vượt khỏi trung đoàn rồi băng qua sông phủ mờ hơi tuyết, chạy mau qua các thành câu, chạy dài theo đường, băng qua đồng bằng để tiếp đó sau khi băng qua sông nước đục ngầu vì tuyết tan, chảy xiết giữa các trụ cầu, chúng tôi theo đường qua cánh đồng tải thương binh vào hai bệnh viện. Tôi lái xe trở về và cho xe không chạy mau để tìm người lính ở Pittsburg khi nãy. Thoạt tiên chúng tôi gặp trung đoàn, chưa bao giờ thấy họ đẫm mồ hôi và chậm chạp như thế. Tiếp theo là những người đi không hàng ngũ. Rồi chúng tôi thấy một chiếc xe cứu thương do ngựa kéo dừng ở bên đường. Hai người đang đỡ tên lính bị đau ruột lên xe. Họ đã trở lại tìm anh. Anh lắc đầu nhìn về phía tôi. Chiếc mũ của anh đã rớt và trán anh rịn máu ở dưới chân tóc. Mũi anh trầy da, bụi bặm đất cát đầy trên tóc và trên vết thương đẫm máu.

– Trung úy xem cục u này – Hắn kêu lên – Không ăn thua gì cả, họ đã trở lại tìm tôi.

Khi tôi trở về biệt thự thì đã năm giờ. Tôi ra chỗ rửa xe để tắm cho mát. Xong tôi vào phòng lập bản tường trình. Tôi ngồi viết trước cửa sổ mở rộng, mặc chiếc quần đùi và chiếc áo lót. Trong vòng hai ngày nữa cuộc tấn công sẽ bắt đầu và tôi phải đi cùng với những chiếc xe đến Plava. Từ lâu rồi tôi không viết thư về Mỹ và tôi biết là trước sau gì tôi cũng phải viết nhưng vì bỏ lâu quá không viết cho nên bây giờ hầu như khó có thể viết được nữa. Hơn nữa không có chuyện gì đáng viết cả. Tôi gởi hai tấm bưu thiếp này có tác dụng lớn rất lạ lùng và huyền bí. Vùng này cũng lạ lùng và bí hiểm. Nhưng tôi cho là nó được chỉ huy khá tốt và nguy hiểm hơn so với những trận đánh bọn Áo trước đây. Quân đội Áo được thành lập để tạo những chiến thắng chống Napoléon, bất kì một Napoléon nào. Tôi ao ước có được một Napoléon nhưng thay vào đó chúng tôi có tướng Cardona béo mập, và Vitterio Emmanuele, người nhỏ, cổ dài với bộ râu dê. Bên kia, ở cánh phải, thì có bá tước Aosta. Có lẽ ông ta quá trẻ để làm một đại tướng cừ khôi, nhưng dù sao ông cũng có dáng dấp một người đàn ông. Biết bao người thích ông làm vua mà không được. Ông có vẻ như một hoàng đế. Ông là chú của vua và chỉ huy đoàn quân thứ ba. Còn chúng tôi ở đoàn quân thứ hai. Trong đoàn quân thứ ba có vài khẩu trọng pháo Anh. Lúc ở Milan tôi đã được gặp hai tay súng trong đoàn quân thứ ba. Họ rất dễ thương và chúng tôi đã cùng nhau chung sống một buổi tối đầy thú vị. Họ cao lớn, e thẹn bối rối và biết nhận định thời cuộc. Tôi ao ước được sống trong đoàn quân của họ. Nếu được như thế thì chuyện đã giản dị đi nhiều, và có thể là tôi đã bị giết rồi cũng nên. Không phải vì việc tải thương này, dù rằng ngay cả nghề tải thương cũng nguy hiểm. Đôi khi những người lái xe cứu thương Anh cũng bị giết. Nhưng tôi yên chí mình sẽ không bị chết trong cuộc chiến tranh này, vì cuộc chiến tranh này đối với tôi không có nghĩa lí gì cả. Với tôi nó không nguy hiểm gì hơn trên màn ảnh. Tuy thế tôi vẫn cầu mong Thượng Đế cho nó sớm chấm dứt. Cũng có thể là nó sẽ chấm dứt trong mùa hè này. Cũng có thể là bọn Áo thua trận. Bọn chúng đã từng thua nhiều trận trước. Cuộc chiến tranh này có nghĩa lí gì? Ai cũng bảo là dân Pháp đang ở trong tình trạng kiệt quệ. Rinaldi bảo là dân Pháp đang nổi loạn và nhiều đoàn quân đang diễu hành ở Paris. Tôi hỏi hắn đã xảy ra những gì thì hắn trả lời “Ồ người ta thí đoàn quân ngăn chặn dân chúng lại.” Thời bình tôi muốn đi thăm nước Áo. Tôi muốn đến vùng Rừng Đen. Tôi muốn đến dãy núi Hartz. Tuy nhiên núi Hartz ở đâu tôi không biết. Người ta đang đánh nhau ở núi Carpathes. Tôi không muốn đến đó một tí nào. Dù sao như thế cũng không khó chịu lắm. Tôi có thể đi Tây Ban Nha nếu không có chiến tranh. Vào giờ này mặt trời đang từ từ lặn và không khí mát mẻ. Sau bữa ăn tối tôi sẽ đến thăm Catherine Barkley. Ước gì bây giờ nàng có ở đây với tôi. Ước gì tôi ở Milan cùng nàng. Tôi rất thích ngồi ăn ở Cova rồi xuống Via Manizoni vào buổi tối nóng nôi, đi qua con kênh rồi quay trở về khách sạn với Catherine Barkley. Có thể nàng sẽ nhận lời. Có thể nàng xem tôi như người tình cũ của nàng đã mất. Chúng tôi sẽ đi vào cửa chính. Người bồi khách sạn sẽ giở mũ chào, tôi sẽ dừng lại ở bàn giấy để hỏi chìa khóa và nàng đứng chờ tôi bên thang máy để hai chúng tôi cùng bước vào và chiếc thang máy sẽ từ từ và kêu lách cách khi đến mỗi tầng. Người bồi sẽ mở cửa đứng chờ ngoài đó, và nàng sẽ nhẹ nhàng bước ra theo sau là tôi. Chúng tôi sẽ đi dọc theo hành lang. Tôi sẽ cho chìa khóa vào ổ khóa và mở cửa ra, đi vào gọi dây nói bảo họ mang đến một chai rượu Capri Bianca để trong một cái xô bạc đựng đầy nước đá. Bạn có thể nghe tiếng đá va chạm vào chiếc xô dài theo hành lang. Người bồi đến gõ cửa và tôi sẽ bảo cứ để ngoài ấy vì chúng tôi không mặc quần áo ngoài bởi trời quá nóng. Cửa sổ mở rộng, những con chim én bay lượn lượn trên mái nhà. Sau đó khi đêm xuống, đi ra cửa sổ, chúng tôi sẽ nhìn thấy những con dơi nhỏ xíu đang săn mồi trên mái nhà san sát các ngọn cây. Xong chúng tôi sẽ uống rượu Capri trong phòng cửa khóa lại, vì chỉ mặc một lượt áo mỏng suốt đêm do trời nóng. Và cả hai chúng tôi sẽ yêu nhau đắm đuối suốt đêm nồng nực tại Milan. Những việc đó sẽ phải xảy ra như thế. Tôi ăn vội vàng để đến thăm Catherine Barkley ngay.

Trong bữa ăn họ nói quá nhiều. Tôi uống rượu vì nếu tối nay không uống với họ một tí, họ sẽ không còn coi thân mật như anh em nữa. Tôi nói chuyện với cha tuyên úy về đức giám mục Ireland, một người cao cả mà tôi đã cố làm ngơ trước những lời đàm tiêu về ông. Rất có thể là vô lễ khi mình chẳng hề biết gì về những bất công mà người ta đã giải thích tỉ mỉ nguyên nhân cho mình nghe những nguyên nhân mà cuối cùng mình thấy có vẻ sai lầm. Ông có một cái tên hay, tên đọc lên nghe như đảo Ireland. Nhưng không, không phải chỉ có thế thôi. Có nhiều chuyện hay hơn thế nữa. Họ rót thêm rượu cho tôi. Uống được mấy li, tôi không còn muốn uống thêm nữa và nhớ ra là sắp sửa phải đi.

Rồi tôi nói:

– Thôi tôi phải đi đây.

– Đúng đấy. Cậu ấy phải đi vì có hẹn. Tôi biết cả – Rinaldi bảo.

– Tôi phải đi đây.

Trên bàn, những ngọn bạch lạp thắp sáng choang. Tất cả các sĩ quan đều có vẻ hân hoan. Tôi bảo:

– Thôi chào các ông.

Rinaldi đi ra ngoài với tôi. Chúng tôi đứng trên thảm cỏ và cậu ta nói:

– Anh không nên đến đó với bộ mặt say sưa như vậy.

– Tôi không say đâu, Rinaldi. Thật mà.

– Cậu nên nhai một vài hột cà phê.

– Lạ nhỉ?

– Anh sẽ lấy cho “em bé” vài hột nhé? Hãy dạo quanh đây chờ anh.

Cậu ta trở lại, tay đầy hột cà phê rang.

– Nhai đi nhé em bé, cầu xin Chúa ban phước lành cho em.

– Thánh Bacchus chứ – Tôi bảo.

– Để anh đi xuống phố với em.

– Tôi có sao đâu?

Chúng tôi đi qua thành phố. Tôi vừa đi vừa nhai hột cà phê. Tới cổng có đường chạy dài đến biệt thự bệnh viện Anh, Rinaldi từ giã tôi.

– Chào anh – Tôi đáp – Sao anh không vào?

Cậu ta lắc đầu trả lời.

– Không, tôi thích những thú vui giản dị hơn.

– Cám ơn anh đã cho tôi hột cà phê.

– Có gì đâu, em bé. Chả có gì cả.

Tôi bước theo lối đi. Hai bên đường những cây trắc bá vươn cao thẳng tắp và thanh thoát. Ngó lại phía sau, Rinaldi đứng nhìn theo, tôi bèn vẫy tay chào cậu ta.

Tôi ngồi ở phòng tiếp khách trong biệt thự để chờ Catherine Barkley. Có tiếng chân ai đi trong hành lang. Tôi vội đứng lên, nhưng không phải, không phải Catherine Barkley mà là cô Ferguson.

– A, anh mạnh giỏi? Catherine nhờ tôi xuống nói với anh rằng nàng rất lấy làm tiếc không tiếp đón anh tối nay được.

– Thật không may, tôi mong rằng nàng không bị ốm chứ?

– Nàng không được khỏe.

– Xin cô vui lòng nói lại là tôi rất lấy làm buồn.

– Vâng, tôi sẽ nói lại.

– Theo cô, tôi có nên tìm gặp nàng ngày mai không?

– Nên lắm chứ.

– Cám ơn cô nhiều lắm, chào cô.

Tôi đi ra cửa, lòng bỗng nhiên cảm thấy trống rỗng cô đơn. Tôi đã xem quá nhẹ việc đến thăm nàng. Tôi cũng có hơi say khi nãy và quên bẵng việc đến thăm, nhưng giờ đây khi không gặp được nàng, lòng tôi sao thấy cô đơn trơ trọi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.