Hãy Cười Lên Các Con
HỌ NHÀ GILBRETH
Ba tin là ngôn ngữ quốc tế Esperanto giúp đưa ra giải pháp cho các vấn đề toàn cầu nên ba cho chúng tôi học Esperanto.
Ba bảo một người có tính giản dị, không thổi phồng cường điệu, và không quá khích sẽ không bao giờ làm trò cười cho người khác. “Ít nhất theo ý ba là vậy”. Và một người không bao giờ cảm thấy “quê” thì không bao giờ đánh mất phong thái “đĩnh đạc” của mình. Ba hiếm khi cảm thấy “quê” và không bao giờ chấp nhận để mất đi phong thái đĩnh đạc của mình.
Ba bảo khách ta mời đến nhà sẽ cảm thấy thoải mái như đang ở nhà họ nếu ta đối xử với họ như ta đối xử với người nhà. Đây là một trong những luận điểm của ba cần được xem xét lại. Bởi vì mẹ luôn nhắc ba, mà cuối cùng ba cũng phải chấp nhận lời mẹ nói là đúng rằng: người khách duy nhất mà có thể có cảm giác như đang ở nhà họ khi đang ở nhà chúng tôi chính là người cũng từng là thành viên cuả một gia đình có tới mười hai đứa con, với ông chủ gia đình là một chuyên gia nghiên cứu về quy trình sản xuất.
Khi nhà không mời khách dùng cơm, ba vẫn luôn ép chúng tôi vào khuôn khổ lịch sự trong giao tế. Khi có ai vừa ăn vừa nói nhồm nhoàm, hoặc hả miệng nhai chóp chép, hoặc ăn miếng to đầy mồm thì ba sẽ cốc cho một cái, nếu kẻ ấy ngồi gần ba. Cái cốc đầu to đến mức mẹ ngồi tận đầu này của bàn ăn phải giật mình và la lên phản đối:
– Đừng đánh vào đầu con như vậy, Frank.
Ba không hề để ý đến lời can gián này của mẹ trừ phi cái cốc rõ to. Khi ấy ba giả bộ xoa tay như bị đau rồi bảo:
– Mình nói đúng đấy, nên đánh chỗ khác đỡ đau tay hơn.
Nếu như kẻ có lỗi ngồi xa ba nhưng gần mẹ, thì ba sẽ ra hiệu cho mẹ trừng phạt. Mẹ chưa hề trừng phạt tụi tôi bao giờ, và cũng chưa hề đe dọa trừng phạt tụi tôi, nên giả ngơ. Khi ấy ba ra hiệu cho một đứa ngồi gần kẻ phạm tội thay ba ra tay trừng phạt. Khi kẻ phạm tội miệng hãy còn nhồm nhoàm tức tối quay sang kẻ thay ba hành đạo thì ba mới lên tiếng:
Cho đáng, con ạ! Ba đã bảo bao nhiêu lần là ăn từng miếng nhỏ thôi mà không nghe lời, đã thế thì chỉ còn cách đó mới đưa vào đầu con lời ba dạy.
Ai chống cùi chỏ lên bàn sẽ bị ba nắm cánh tay đập mạnh một cái xuống bàn, khiến cùi chỏ tê điếng còn chén dĩa thì nảy tưng lên.
Khi ấy mẹ sẽ lại la lên:
Không nên đánh vào cùi chỏ con, Frank à. Cùi chỏ là chỗ nhạy cảm nhất. Anh muốn đánh vào đâu cũng được nhưng không nên đánh vào cùi chỏ.
Mẹ không đồng ý với việc trừng phạt bằng đánh đòn. Tuy nhiên vì nể ba, mẹ không phản đối trực tiếp phương pháp đánh đòn, mà gián tiếp bằng cách phản đối vị trí bị ăn đòn. Ngay cả khi ba trừng trị chúng tôi về một tội đáng bị ăn đòn, vào một bộ phận cơ thể mà thường được mọi nền văn hóa dùng, vừa coi đó là an toàn cho sức khỏe, vừa là hiệu quả cho ngăn đe tái phạm, thì mẹ vẫn phản đối:
Đừng đánh vào nơi cuối cột sống như vậy! (mẹ cho là dùng từ “mông đít” nghe thô tục).
Giọng mẹ nghe như đang bảo ba làm vậy có nguy cơ khiến tụi tôi phải tàn phế suốt đời.
Nghe em đi, đừng đánh vào chỗ đó! Ba tức quá la lên:
Vậy mình bảo anh phải đánh vào đâu chứ? Không vào đầu, không vào chân, không phía sau. Vậy đánh vào đâu? Hồi mình còn nhỏ mình bị cha đánh vào đâu? Không lẽ đánh vào lòng bàn chân như trong truyện Tàu người ta tra khảo các tội nhân vậy hả?
Mình tin em đi, không được đánh vào cuối cột sống.
Những cái cốc đầu và những cái đập cùi chỏ được mọi thành viên tham gia, dĩ nhiên là trừ mẹ, cho đến khi ba thấy mọi người đã biết phép lịch sự khi ngồi ở bàn ăn. Ngay cả em út cũng được phép chỉnh các anh chị lớn và chỉnh ngay cả .. ba. Chúng tôi không ngừng canh nhau để được làm kẻ thay ba hành đạo. Nếu lần nào bắt trúng ngay ba thì đúng là trúng số độc đắc.
Mỗi lần ba lỡ bị bắt lỗi thì ba làm bộ đau đớn lắm. Ba xít xoa, ba xoa xoa cùi chỏ, ba than ba sẽ không cử động được tay ít nhất cũng đến cuối bữa ăn.
Có khi ba giả bộ để cùi chỏ lên bàn, giả tảng không thấy có đứa đang rón rén đến bên chuẩn bị đập ba. Và đúng lúc kẻ kia định ra tay thì ba rụt phắt lại khiến kẻ thay ba hành đạo phải tẽn tò.
Ba phán:
– Ba có mắt để sau ót đó nghe!
Kẻ thay ba hành đạo tiu nghỉu về chỗ mình ngồi, lòng tự hỏi không biết ba nói có thật không.
Ba mẹ luôn cố nhồi vào đầu chúng tôi khái niệm: trách nhiệm của chủ nhà là giúp cho khách đến nhà cảm thấy thật thoải mái. Hầu như cứ cách một ngày nhà tôi lại mời khách ăn cơm tối một lần, nhất là những khách do ba tham vấn. Trung thành với sự giản dị, việc mời khách ăn tối chung với cả nhà không làm ba thay đổi gì trong bữa ăn tối thường lệ, ngoài việc thêm bát thêm đũa cho khách.
Ba dặn chúng tôi:
Khi có khách ngồi bên cạnh con, con có trách nhiệm tiếp khách, không để khách thiếu cái gì cả.
Một nhà văn người Gia Nã Đại, Georges Isles, đã khơi lòng trắc ẩn của Lilian. Ông ta lớn tuổi, lại luôn kể những chuyện lôi cuốn nhưng có kết thúc rất buồn.
Các chuyện ông kể đại loại như kiểu:
Ngày xưa, có một ông cụ gân cốt lỏng lẻo hết rồi, còn bị bác sĩ cấm hút xì gà, tệ hơn nữa ông cụ không có con cháu nào săn sóc cả…
Cứ thế ông văn sĩ này tuôn ra một loạt những chi tiết mô tả cảnh sống cô đơn cùng cực, sau cùng ông ta kết luận:
– Các cháu có biết ông cụ ấy là ai không?
Dĩ nhiên tụi tôi đoán ra ông cụ ấy là ai nhưng vẫn giả bộ lắc đầu không biết. Ông Isles bèn làm ra vẻ buồn thê thảm hơn bao giờ hết. Ông từ từ đưa tay lên, lấy ngón trỏ chỉ vô ngực mình và bảo:
– Là ông đó!
Lúc đó Lilian mới lên sáu và ngồi cạnh ông ấy. Vì lãnh trọng trách chăm lo cho ông khách nên Lilian cho là em đã có phần nào không tròn trách nhiệm. Em đưa tay bá cổ ông nhà văn, hôn lên gò má nhăn nheo, rồi nghẹn ngào nước mắt nói:
Ông có những đứa cháu thương yêu ông mà, đó là tụi cháu đó!
Sau lần đó, mỗi lần đến chơi nhà chúng tôi, ngoài hộp kẹo tặng mẹ, ông Isles đều mang theo một hộp kẹo nữa dành riêng cho Lilian. Ernestine bảo Lilian là người đi tìm vàng nhỏ tuổi nhất trong lịch sử của nước Mỹ, hay chí ít là cũng trong bang New Jersey, và đã ít tốn công nhất để tìm ra mỏ vàng.
Ba là một ông chủ nhà vui tính, không khách sáo nên chúng tôi cố nói theo gương ba.
Ba hỏi mẹ:
– Hết rau rồi hả bà chủ? Hết rồi! Không sao! Thế còn khoai tây hầm? Còn nhiều lắm à. Thịt cừu? Cũng còn nhiều lắm. Tốt. Vậy nhé, tôi không còn rau để mời ông dùng, nhưng ông có muốn dùng thêm thịt cừu và…
Frank cũng bắt chước ba mời ông khách kỹ sư người Đức:
Nào, mời ông dùng thêm một ít thịt bò nhé. Dẫu sao ông mới ăn có ba lần thôi mà…
Fred thì can bà giáo sư Đại học Columbia đang cố ăn nhanh cho kịp với người khác bởi vì bà ấy đến trễ nên ngại ăn chậm làm người khác phải chờ mình:
Bà không cần phải ăn vội như vậy. Mọi người sẽ chờ bà ăn xong mà…
Dan nói với một vị khách khác:
Cháu rất tiếc không thể đưa món tráng miệng cho ông được nếu ông không ăn hết các hạt đậu trong dĩa của ông. Ba cháu không cho phép ai ăn bỏ mứa hết và cháu chịu trách nhiệm về ông. Ba cháu bảo thức ăn nhà này bỏ phí trong một ngày đủ nuôi một gia đình người Bỉ trong cả tháng.
Ba mẹ và cả khách mời thường vui vẻ phì cười với những câu đại loại như vậy. Ba sẽ xin lỗi và giải thích đó là gia quy và tại sao lại có gia quy như vậy. Sau khi khách ra về rồi, mẹ mới gọi tất cả tụi tôi lại giảng giải rằng tuy gia quy quan trọng nhưng chuyện quan trọng hơn là phải biết nói sao cho tế nhị để khách khỏi bị khó xử.
Sau bữa ăn có khi ba bị sôi bụng. Khi ấy ba giả bộ đổ thừa cho kẻ khác:
Có ai chơi đàn organ vậy? Ba không muốn nghe đâu nghe!
Các con cũng bắt chước mỗi khi sôi bụng lại đổ thừa. Những lúc ấy mẹ sẽ nhăn, bảo trong nhà có những kẻ “man di”.
Một hôm nọ, trong bữa ăn tối có khách mời là một kỹ sư trẻ, ông Russel Allen. Jack lúc đó còn là em bé phải ngồi trên ghế cao của trẻ ngay trước mặt ông khách. Không hiểu Jack nuốt phải không khí ra sao mà ợ một tiếng rõ to (sau này bà Cunningham kể lại là tận trong nhà bếp bà ấy cũng nghe thấy). Mọi người đều bị bất ngờ, Jack còn bất ngờ hơn ai hết. Để chữa thẹn Jack giơ ngón tay nhỏ xíu chỉ thẳng vào ông Allen, ra vẻ giận dữ kết tội:
Thưa ông Allen, cháu không muốn nghe ông đàn organ đâu nghe!
Mẹ ngân ngấn nước mắt la lên:
Jackie, sao con hỗn quá vậy! Ba cũng quát lên:
Jackie, ra khỏi bàn ăn mau! Vô bếp nói bà Cunningham dọn cho con ăn trong đó. Ba sẽ phạt con sau.
Jackie vừa khóc nức nở vừa đi ra nhà bếp:
Nhưng mọi khi ba vẫn nói vậy mỗi khi ba bị sôi bụng mà!
Ba đỏ mặt. Sự đĩnh đạc thường ngày của ba tan biến. Ba ngồi không yên trên ghế, tay vò nát cái khăn ăn của mình. Chẳng ai biết làm cách nào phá tan bầu không khí nặng nề. Ba hắng giọng. Không khí vẫn tiếp tục nặng nề.
Chúng tôi tội nghiệp cho cả ba lẫn mẹ, và cả ông Allen nữa, ông ta cũng đỏ mặt không kém gì ba. Nhưng không ai biết làm sao cho không khí quanh bàn ăn hết nặng nề.
Thình lình ba đứng lên, bỏ khăn ăn xuống bàn và ra bếp. Ba quay lại tay dắt Jackie. Một Jackie vẫn còn đang khóc tức tưởi.
Ba xin lỗi Jackie:
Ba xin lỗi con, tại ba không phải. Con nói đúng, tại ba vẫn làm vậy nên con bắt chước theo. Lỗi tại ba, giống như mẹ vẫn kêu trong nhà mình có những kẻ “man di”. Bây giờ con xin lỗi ông Allen nghe rồi ngồi xuống đây ăn tiếp nhé, trong khi ba kể cho ông Allen nghe đầu đuôi tại sao con nói vậy. Sau này cha con mình sẽ không bao giờ tái phạm nữa nghen.
*
Bác Anne, chị hai của ba, là một quý bà cao lớn đầy tự tin giống như nữ hoàng Victoria của nước Anh. Hai chị em ba rất giống nhau và rất quý nhau. Không có một ly nào trên người bác Anne kém phần quý phái sang trọng. Gia đình bác Anne gồm bác gái, bác trai, cùng các anh chị họ ở Providence, gần nhà chúng tôi. Chúng tôi rất hợp nhau dù các anh chị ấy lớn tuổi hơn tụi tôi nhiều.
Bác Anne rất thương tụi tôi và tụi tôi cũng quý mọi người trong gia đình bác. Là chị hai của ba, bác Anne cũng có cá tính mạnh và độc tài như ba vậy. Dĩ nhiên tụi tôi phải chịu phép với ba vì ba là chủ gia đình. Nhưng chịu phép với bất kỳ một ai khác, cho dù đó là chị hai của ba thì tụi tôi chưa sẵn sàng.
Lúc ấy chúng tôi đang ở Montclair thì ba mẹ phải đi xa một thời gian dài làm tua diễn thuyết ở nhiều nơi. Để thay ba mẹ trông nom tụi tôi, bác Anne phải dọn sang ở nhà chúng tôi trong suốt thời gian ấy. Ngay khi vừa đặt chân đến nhà, bác đã tuyên bố rõ ràng: bác đến ở không phải với tư cách là khách mà là chủ gia đình tạm thời trong thời gian ba mẹ vắng nhà. Bác còn dùng cả cầu thang chính thay vì dùng cầu thang phụ dẫn từ bếp lên phòng tắm của con gái. Ba cấm không cho ai di cầu thang lớn vì ba e làm trầy lớp véc-ni.
Chúng tôi can bác Anne:
Ba sẽ la khi biết bác đi cầu thang lớn đó! Bác bảo:
Nói bậy không! Ba các cháu làm sao dám la bác? Cầu thang phụ phía sau vừa hẹp, vừa dốc, nên bác hoàn toàn không muốn dùng nó. Chừng nào bác còn ở đây, chừng đó bác sẽ đi cầu thang nào bác thích. Các cháu không cần phải lo cho bác, hãy lo chuyện của các cháu đi!
Bàn ăn, bác ngồi vào chỗ của ba, điều này khiến chúng tôi sững sờ. Thường chỉ có Frank, con trai trưởng mới ngồi vào chỗ của ba, còn chị cả Anne thì ngồi vào chỗ của mẹ khi ba mẹ không có mặt trong bữa ăn. Chúng tôi cũng không chấp nhận những lời bác Anne phê bình về phòng ngủ của chúng tôi:
Các cháu làm gì ở đây vậy, Frank và Bill? Bừa bộn và dơ y như các cháu nuôi chim bồ câu vậy. Mười lăm phút nữa bác sẽ quay lại, lúc đó bác muốn thấy phòng này ngon như một cái bánh, các cháu nghe rõ chưa?
Và bác cũng sửa đổi các sinh hoạt của tụi tôi:
Bác không cần biết các cháu đi ngủ lúc mấy giờ, nhưng chừng nào bác còn ở đây, các cháu phải theo giờ của bác. Lên giường ngủ cho mau!
Kinh nghiệm cho thấy: bất kỳ ai quen ở trong một gia đình yên tĩnh mà dọn đến ở một gia đình có tới mười hai đứa trẻ, thì không chóng thì chầy cũng có ngày xảy ra một cuộc đối đầu nảy lửa. Chúng tôi đã kiểm định giả thuyết đó với các anh chị thư ký lần lượt đến rồi đành xin nghỉ sau một thời gian làm việc ở nhà này, với bà bếp cũng lần lượt đến rồi đi sau khi bà bếp Cunningham nghỉ làm. Nghiệm ra, để có thể sống chung được với một gia đình có đến mười hai đứa con. Người đó chí ít ra cũng:
Đã từng lớn lên trong một gia đình đông con.
Dễ thích ứng mỗi khi gia đình lại thêm một thành viên mới, như trường hợp của ba, mẹ và bác Tom.
Và thế là một tối nọ, đúng vào bữa ăn tối, “nồi súp de” đã nổ ra giữa bác Anne và Bill.
Trong suốt bữa ăn chúng tôi đã làm bác Anne bực mình rồi. Bill chui xuống dưới gầm bàn, và chúng tôi tuồn dĩa chén của Bill xuống để bác Anne không nhận ra là thiếu Bill trong bữa ăn. Trong khi chúng tôi tiếp tục ăn thì thỉnh thoảng Bill lại đập một cái vào chân bác Anne.
Bác la:
Ai đá vào chân bác vậy? Không ai hó hé.
Bác lại hỏi:
– Nhà này không có chó chớ?
Chúng tôi đáp là không có, con chó giống Colley của chúng tôi mới mất trước đó một thời gian ngắn.
Bác bèn bảo:
– Vậy chắc chắn có ai đó đá vào chân bác!
Bác bảo hai tên ngồi gần bác ngồi xích ra để không tên nào đụng vào chân bác.
Bill lại đập một cái nữa.
Bác lại la:
Đích thị có ai đó đá vào chân bác. Bác sẽ đi đến tận cùng, nhất là tận cùng mông quần các cháu với cây roi.
Bill lại đập cái nữa.
Bác Anne lùi ghế lại, giở khăn bàn lên nhìn xuống gầm bàn. Nhưng Bill đã dự trù việc đó nên lùi lại phía bên kia. Bàn thì dài nên muốn nhìn rõ phải chui xuống, nhưng bác Anne đĩnh đạc quá nên không thể làm chuyện ấy.
Khi bác Anne buông khăn bàn xuống như cũ thì Bill bò nhanh lại liếm tay bác.
Bác rầy:
Chắc chắn là các cháu có nuôi chó trong nhà. Bác lấy khăn lau tay:
– Khai ra mau! Ai mang chó vào trong nhà?
Bill lại đập một lần nữa rồi lùi lại. Bác Anne lại giở khăn trải bàn lên nhìn xuống. Bác lại buông khăn trải bàn xuống, Bill lại liếm tay bác. Bác lại nhìn một lần nữa, sau đó bác thả thõng tay giữa hai đầu gối của bác để nhử. Bill không tránh được cám dỗ ấy nhưng lần này bác Anne đã sẵn sàng. Khi Bill bắt đầu liếm tay thì bác dùng đầu gối kẹp đầu Bill lại, rồi đưa tay túm tóc Bill kéo lên.
Bác quát:
– Ra đây ngay, quỷ nhỏ! Lần này thì bác bắt quả tang…
Nói vậy chớ bác đã không để cho Bill tự chui ra mà bác vẫn nắm tóc Bill lôi ra.
Hồi ấy Bill không mấy quan tâm đến quần áo. Bill thích mặc lôi thôi lếch thếch, áo cài bằng kim băng thay nút bị đứt, quần thì dùng cà vạt thay dây lưng. Những lần hiếm hoi Bill bị bắt buộc đeo cà vạt thì Bill lấy kéo cắt cho hai đầu bằng nhau. Quần sọt của Bill không bao giờ được cài cúc trước- giống như đặc quyền mà các thủy thủ gọi là “đặc quyền của thuyền trưởng”. Vớ thì tụt dần xuống chân và kịp đến bữa tối thì chúng chui tọt vào trong giày. Chỉ có mẹ mới bắt Bill chịu mặc áo vét và mang dây lưng, cài cúc đàng hoàng. Nhưng mà khi mẹ vắng nhà thì chẳng ai bảo được Bill.
Khi bác Anne lôi tuột Bill ra, các mẩu dây cột khuy áo, khuy quần tuột ra, Bill vội đưa tay giữ cho quần khỏi bị tụt nhưng không còn kịp nữa.
Bác quát lên:
Cháu bị phạt về phòng ngay. Đợi ba cháu về tới thì cháu sẽ ăn đòn quắn đít lên.
Bill kéo quần lên và ngoan ngoãn theo lệnh bác Anne. Bill đã chịu phục tùng sau khi nếm mùi túm tóc của bác Anne.
Bác Anne đĩnh đạc ngồi xuống, mỉm cười với chúng tôi thật tươi như không có gì xảy ra. Sau đó bác bắt đầu nói:
Bác yêu cầu các cháu nghiêm chỉnh nghe bác nói. Bác chưa từng thấy trẻ con nhà nào được chiều như các cháu.
Tiếng bác Anne càng ngày càng lồng lộng khiến bác Tom phải hé cửa xem có chuyện gì:
Cháu nào nghĩ là chỉ có con một mới ích kỷ thì bác báo cho mà biết, các cháu đã lầm to rồi. Theo như bác thấy thì chính các cháu mới là những đứa trẻ ích kỷ chưa từng thấy.
Đến lúc này thì bác thiếu điều hét lên:
Kể từ bây giờ đứa nào quậy trong bữa ăn là bác tuốt da ra, cả tháng khỏi ngồi luôn. Các cháu hiểu rõ chưa? Nghe rõ chưa? Nếu chưa rõ thì nghe cho kỹ đây, bác bảo thế là đủ rồi đấy!
Nói tới đó, như để chứng minh bác không thèm để ý đến các trò nghịch tinh của trẻ con chúng tôi, bác tiếp tục ăn một miếng bánh kem to. Rủi thay bác mắc nghẹn. Chúng tôi hãi quá chỉ sợ bác chết và bắt đầu thấy hổ thẹn đã làm bác giận đến vậy. Bác Tom đang đứng theo dõi phía cửa vội đến đưa cho bác Anne ly nước.
Kể từ bữa đó, chúng tôi đều hiểu rõ ai hiện đang làm chủ gia đình.
Đến khi ba mẹ trở về, chúng tôi chờ đợi bị ăn đòn do bác Anne mách lại ba. Nhưng chúng tôi đã lầm.
Khi ba hỏi:
Ở nhà tụi nhỏ có quậy chị không? Em thấy hình như chị gầy đi?
Thì bác trả lời:
Không hề! Tụi nhỏ rất ngoan, ngay từ đầu bác cháu đã hiểu được ý nhau. Phải thế không các cháu?
Bác vui vẻ cúi xuống xoa cái đầu rối bù của Bill.
Bill vừa cười vừa nói nhỏ với bác Anne:
Ui da, cháu vẫn còn đau đó!… Cháu nói đùa thôi. Cảm ơn bác.
Bác Anne đã thật dễ thương khi không méc ba các tội vặt của chúng tôi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.