Hồi Ký Của Một Tay Súng Bắn Tỉa
Chương 4. Chiếc tàu ngầm Nga và người anh hùng mặt xanh
Đến tuổi 20, sau khi học một năm rưỡi đại học, tôi đã sử dụng hết những đồng tiền cuối cùng mà khó khăn lắm tôi mới kiếm được và không còn khả năng để tiếp tục theo học. Thời điểm đó không có sẵn nhiều sự trợ giúp tài chính trong khi tôi đã cảm thấy mệt mỏi với việc giặt quần áo bằng các mẩu xà phòng thừa và không còn muốn phải tìm kiếm những đồng tiền lẻ vương vãi để có thể mua một bữa tối là món xúc xích với giá 1 đô-la 3 chiếc ở một cửa hàng gần đó. Tôi quyết định tìm đến các nhà tuyển quân tại một trung tâm mua sắm ở Brunswick, Georgia, với hy vọng có thể gia nhập quân đội để tiết kiệm đủ tiền và quay trở lại trường học. Treo bên ngoài văn phòng tuyển lính hải quân là một tấm áp phích in hình một lính thủy trong bộ đồ ướt nhẹp của lực lượng Tìm kiếm và Cứu nạn (SAR). Sau đó, tôi đăng ký dự tuyển vào lực lượng Tìm kiếm và Cứu nạn của Hải quân.
Trước khi bước chân xuống tàu, tôi quyết định cưới Laura.
Mẹ bảo tôi: “Con hãy nói với Cha Ron trước đã”.
Tôi biết Cha thuyết giáo của chúng tôi không thích Laura. Tôi biết Cha không đồng tình với tôn giáo Đa thê (Mormon) của cô ấy. “Không đâu mẹ ạ, con sẽ không làm vậy đâu. Con sẽ không nói chuyện với Cha Ron. Con yêu Laura và con sẽ cưới cô ấy.”
Dượng bước vào phòng tôi, dùng hai tay đẩy vai làm tôi lùi lại vài bước. Ông thường thích chứng tỏ sự uy quyền bằng những cử chỉ mạnh mẽ như vậy. Nếu tôi nhìn vào ông hay bước lên phía trước, ông sẽ cho rằng đó là dấu hiệu khiêu khích. Tôi đã học được cách cúi đầu và đứng yên tại chỗ. “Nếu mày không nghe lời mẹ về mỗi chuyện cỏn con ấy, mày hãy gói ghém đồ đạc và bước ra khỏi nhà tao”.
Tôi không tin vào tai mình.
“Cái gì, mày nhìn tao hả,” ông nói. “Mày muốn thách thức tao à?, thử xem. Tao sẽ bước qua mày như là bước qua liều thuốc tẩy!” Thuốc tẩy được sử dụng để chống táo bón và đó là cách người miền Nam Georgia muốn nói là: “Tao sẽ bước qua mày như bước qua đống phân ngỗng ấy.” Đó là lần cuối cùng ông ấy đe dọa tôi.
Tôi gói ghém đồ đạc vừa một chiếc va li nhỏ, bước ra cửa, xuống đường và đi đến máy điện thoại công cộng. Khi tôi gọi đến nhà Laura, bố mẹ em bảo em ra đón tôi.
Gia đình Laura cư xử rất khác gia đình tôi. Con cái và bố mẹ cùng trò chuyện cởi mở. Bố mẹ em rất chu đáo với con cái. Ông bố thậm chí còn chúc các con một buổi sáng tốt lành. Điều đó làm tôi rất xúc động. Tôi yêu những gì gia đình họ có cũng như là tôi yêu Laura vậy.
Bố mẹ Laura để tôi sống cùng gia đình họ cho đến khi tôi tìm được một công việc tạm thời trong ngành xây dựng và có một căn hộ nhỏ. Nhiều tháng sau khi tôi bỏ nhà đi, ngày 16 tháng Tư năm 1983, Laura và tôi làm lễ cưới tại nhà thờ. Bố mẹ tôi bất đắc dĩ tham dự đám cưới nhỏ ấy bởi vì ở thị trấn nơi chúng tôi sinh sống, mọi người sẽ coi thường nếu họ không đến dự. Sau khi Laura và tôi thề nguyện, bố tôi trao cho tôi một tờ 100 đô-la và bắt tay tôi mà không nói lời nào, không “Chúc mừng” cũng chẳng “Quỷ tha ma mắt mày đi”. Không cần nói bạn cũng biết, bố mẹ tôi không ở lại để chờ đến màn cắt bánh.
Chuyện gần gũi yêu đương Laura đến với tôi một cách tự nhiên như bản năng, nhưng việc nói lời yêu và nắm tay cô ấy thật là khó khăn. Tôi cứ từ thái cực này chuyển sang thái cực khác, chẳng tìm được gì dung hòa cả. Tôi thiếu hình mẫu về vai trò một người chồng và một người cha. Bố tôi không bao giờ ôm mẹ tôi hay nắm tay bà cả. Có thể là ông có làm điều đó khi tôi không ở gần, nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy. Phần lớn câu chuyện của họ chỉ là về công việc hay bọn trẻ chúng tôi mà thôi.
Ngày 6 tháng Mười một năm 1983, tôi đến một doanh trại huấn luyện tân binh của Hải quân ở Orlando, Florida. Hai ngày sau, tất cả chúng tôi đều cạo trọc đầu và người thì sặc mùi vải bông mới hồ. Khi tắt đèn đi ngủ, tôi bảo cậu bạn ở chiếc giường phía sau: “Này cậu, hôm này là sinh nhật tớ đấy.”
“Thế à, chúc mừng sinh nhật.” Rồi anh ta chẳng nói thêm lời nào. Cũng không có ai khác lên tiếng cả. Có vẻ như là mọi người còn thăm dò thái độ của nhau.
Việc thiếu tính kỷ luật và thiếu thái độ tôn trọng của các tân binh làm tôi ngạc nhiên. Vì thế nhiều người gặp rắc rối vì quên nói “Vâng, thưa Ngài” hoặc “Không, thưa Ngài”. Tôi thì đã được dạy dỗ là không được quên phép cư xử và phải để tâm vào từng hành động nhỏ. Những anh chàng đó được giao thêm một số việc (hít đất, lau và đánh sàn) và trông họ làm như những kẻ có trí tuệ chậm phát triển ấy. Sửa soạn giường ngủ và gấp gọn đồ lót không phải là một hoạt động đòi hỏi kiến thức và sự phối hợp. Tôi đã được dạy cách sửa soạn giường ngủ và gấp đồ lót của mình.
Người chỉ huy và tôi trở nên gắn bó bởi vì anh đã từng đảm nhiệm công tác Tìm kiếm và Cứu nạn với tư cách là một thành viên đội bay − một công việc mà tôi mơ ước. Anh giao cho tôi phụ trách một nửa doanh trại. Sau khi kết thúc gần 4 tuần ở trại huấn luyện, ¼ số tân binh vẫn chưa đạt. Tôi không hiểu lý do tại sao nữa.
Những tân binh còn quá yếu kém sẽ phải trải qua kỳ Huấn luyện Tăng cường (IT). Tôi trình bày với Đại đội trưởng: “Thưa anh, tôi muốn được tham gia kỳ IT để chuẩn bị cho bài kiểm tra sức khỏe Tìm kiếm và Cứu nạn của mình.” Tôi không còn nhớ chính xác những yêu cầu của bài thi SAR thời kỳ đó, nhưng bài thi hiện nay đòi hỏi các thí sinh phải bơi 500m trong vòng 13 phút, chạy 2,5 km trong 12,5 phút, hít đất 35 lần trong 2 phút, thực hiện đứng lên − ngồi xuống 50 lần trong 2 phút và lên xuống xà 2 lần. Nếu trượt phần kiểm tra này, tôi sẽ khó có khả năng gia nhập lực lượng Tìm kiếm và Cứu nạn của Hải quân.
Đại đội trưởng nhìn tôi cứ như là đầu tôi đang mọc sừng vậy. “Wasdin, cậu có biết họ làm gì ở IT không?”
“Những tân binh chưa đạt chuẩn nói với tôi là ở đó họ luyện tập rất căng thẳng.” Anh ta cười to.
Sau bữa tối, tôi đến tham gia IT và chợt hiểu tại sao anh ấy lại cười. Kỳ IT thúc giục chúng tôi năng động hơn. Chúng tôi tập hít đất, đứng lên − ngồi xuống, giơ súng trên đầu và rất nhiều bài tập nữa. Tôi nhìn sang bên trái rồi lại quay sang bên phải và thấy những anh chàng ở cả hai bên đều đang khóc. Luyện tập khắc nghiệt thật đấy, nhưng tại sao bạn lại khóc? Tôi đã trải qua những chuyện tồi tệ hơn nhiều. Mồ hôi và nước mắt rớt xuống sàn phòng tập. Mồ hôi tôi đổ xuống, nhưng tôi không khóc. Những học viên IT khác không biết rằng tôi tình nguyện luyện tập. Sau khi xuất hiện ở đó khoảng 7, 8 hoặc 9 buổi tối, mỗi buổi một tiếng đồng hồ, họ muốn tôi thay đổi kiểu cách quái quỷ đó. Nhưng tôi không bao giờ nói điều gì khác với họ. Khi tôi rời trại huấn luyện, chắc họ cho rằng Wasdin là học viên kỳ dị nhất từng đến đây.
Tôi tham gia bài kiểm tra Tìm kiếm và Cứu nạn. Ở bể bơi, tôi gặp một người đeo một phù hiệu lạ trên ngực. Lúc đó, tôi không biết ông ấy là người thuộc Đội SEAL của Hải quân và cũng không biết một người lính SEAL là thế nào cả. Nhiều người khác cũng không biết. Khóa IT có lẽ đã giúp tôi chuẩn bị cho bài thi này, nếu không phải là về thể chất thì cũng về tinh thần. Tôi đã vượt qua.
Tuy nhiên, tôi chỉ tự tin 70% là mình sẽ được chọn đi học ở trường đào tạo lính bay. Số phận của tôi nằm trong tay của Hải quân. Họ sẽ giao cho tôi việc gì đây nếu tôi không đậu kỳ thi này?
Cho đến cuối kỳ huấn luyện ba tháng tại trại huấn luyện hải quân, Đại đội trưởng mỉm cười và trao cho tôi quyết định nhập học trường đào tạo lính bay. “Hẹn gặp cậu trong lực lượng hải quân” − anh nói. Vậy là tôi đã thành công. Đó là ngày tươi đẹp nhất trong đời tôi. Laura đến Florida khi tôi tốt nghiệp khóa huấn luyện và ở lại với tôi suốt mấy ngày cuối tuần. Tôi vẫn phải mặc quân phục ngay cả khi chúng tôi ra ngoài căn cứ. Khi chúng tôi đang ăn tối trong một nhà hàng, một cặp đôi tặng chúng tôi đôi vé thăm quan Disney World và thanh toán luôn hoá đơn của chúng tôi khi họ ra về. Ngày hôm sau, chúng tôi liền chớp cơ hội khám phá Vương quốc diệu kỳ này.
Khi tôi học tại trường đạo tạo lính bay ở Pensacola, Florida, không có chỗ dành cho những người đã có gia đình để Laura có thể ở cùng tôi. Ở trường này, tôi phải mặc đồ bay, học cách triển khai các thiết bị cứu nạn ra khỏi máy bay, vượt qua chướng ngại vật và tập đấm bốc trong các trận đấu nghiệp dư của hải quân. Đến cuối khóa học 6 tuần này, tôi tham dự một tuần huấn luyện “sống còn”. Giảng viên giả định tình huống máy bay của chúng tôi bị bắn hạ và chúng tôi phải làm mọi việc để sống sót: nai nịt lại trang bị, vượt qua sông, dựng một chiếc lều bằng dù và sống chỉ với lượng thức ăn ít ỏi như vài hộp nước sốt và ít táo. Trong suốt ba ngày cuối, chúng tôi chỉ ăn những gì có thể tìm thấy và đưa vào miệng được. Tuy nhiên, tôi vẫn không ăn được những con sâu ấu trùng.
Trận đấm bốc đầu tiên diễn ra vào đêm chúng tôi trở về từ đợt huấn luyện sống còn. Tôi nói với huấn luyện viên, “Tôi vừa ở trong rừng ba ngày mà không ăn uống gì cả. Anh nghĩ tôi có ổn không?”
“Chết tiệt. Tay lính thủy đánh bộ này đang thắng đậm chúng ta. Chúng tôi cần cậu đến đó và đánh bại anh ta”.
Cám ơn nhiều nhé, bạn của tôi.
Các bạn của tôi là Todd Mock và Bobby Powell đến xem trận đấu và ủng hộ tinh thần cho tôi.
Todd đứng ở góc của tôi. Tôi bảo cậu ta: “Giá mà tôi có thêm thời gian chuẩn bị cho trận đấu này.”
“Cậu chỉ cần đánh anh ta nhiều hơn anh ta đánh cậu thôi.”
Lời khuyên hay đấy.
Mỗi trận đấu gồm 3 vòng, mỗi vòng 3 phút. Không di chuyển nhiều, chỉ cần đánh gục đối thủ ở mỗi vòng. Trong vòng đầu tiên, tôi chịu được tay lính thủy đánh bộ và thi đấu ngang cơ. Vòng thứ hai, tôi phản ứng không đủ nhanh và bị đánh hai lần. Anh ta đang thắng thế. Tôi cảm thấy cánh tay của mình yếu đi, chiếc găng tay nặng có 0,5 kg mà tôi cảm giác như 20 kg vậy.
Vòng thứ ba, tôi đến cọ găng với anh ta, một thủ tục xã giao lặng lẽ mà những đối thủ đấm bốc thực hiện khi bắt đầu vòng đấu cuối cùng. Tôi ra tay phải và anh ta bất ngờ thoi cho tôi một quả trời giáng. Đau quá. Ôi đau quá. Tôi khuỵu xuống. Khi tôi đứng lên được thì đã bị đếm đến 8.
Tôi không phải là Rocky – tôi rất sợ lại bị dính đòn. Khi bị đếm đến 8, tôi dồn hết sức tới tấp lao vào tấn công anh ta vì sợ đến chết rằng anh ta có thể lại làm đau tôi nữa. Cuối cùng, tôi thắng. Những người ủng hộ phe hải quân phát cuồng lên. Tôi ngồi trên một ghế đẩu ở góc của mình, cảm thấy kiệt sức. Tôi nhìn Todd nói: “Cậu và Bobby sẽ phải vác mình ra ngoài thôi.”
Họ bê tôi đến bãi gửi xe và đặt vào trong ô tô. Sau khi cởi găng tay, họ lau mồ hôi và đưa tôi đến ăn ở nhà hàng Wendy. Sau đó, họ đưa tôi về doanh trại và để tôi nằm xuống giường.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi nghĩ mình đã bị làm sao đó rồi.
Mặt sưng phồng lên, một bên mắt thì híp tịt lại. Con mắt kia cũng bị híp một phần. Quái quỷ gì thế này? Thế là tôi nằm bệt mấy ngày. May là lúc đó đã gần cuối khóa học nên tôi vẫn tốt nghiệp đúng hạn.
Mặc dù xa cách nhưng Laura và tôi vẫn viết thư cho nhau và thỉnh thoảng tôi gọi điện cho cô ấy. Laura đến thăm tôi vào kỳ nghỉ cuối tuần sau khi tôi tốt nghiệp. Mối quan hệ của chúng tôi có vẻ tốt đẹp.
Sau đó, Todd, Bobby và tôi lên đường để đến trường Tìm kiếm và Cứu nạn, bắt đầu khóa học 12 tuần. Nơi này thật đáng sợ: Những cái tên viết trên tường, bể bơi khổng lồ trong nhà, cánh cửa giả của chiếc trực thăng H-3 và những giảng viên SAR mặc quần đùi và áo phông xanh.
Ôi, những người này là Chúa trời đấy.
Trường SAR đã thử thách tôi. Sau khi lấy hết sức bình sinh nhảy xuống nước, chúng tôi cảm thấy dễ chịu. Chúng tôi bơi đến thang cứu nạn, gắn thiết bị hoa tiêu vào, giơ tay ra hiệu, bật pháo sáng Mark-13 và luyện tập cứu nạn.
Cho đến cuối khóa học, trong bài thi cuối cùng, tôi phải thực hành một kịch bản cứu nạn. Một viên phi công đang ngồi trên phao cứu sinh, còn một người khác đang nằm úp mặt xuống nước. Trong khu vực bể bơi khổng lồ, tôi nhảy ra khỏi cánh cửa giả của máy bay trực thăng và lao xuống bể bơi rồi hỗ trợ cho người đàn ông đang ở tư thế úp mặt xuống nước. Viên phi công trên phao hét lên với tôi: “Anh bạn, đưa tôi ra khỏi nơi quái quỷ này thôi. Ông ta chết rồi. Đừng lo cho ông ta nữa.”
Khi tôi bơi tới và chạm được tay vào viên phi công đang úp mặt xuống nước, ông ta giật mình tỉnh lại và tóm chặt lấy tôi. Tôi lặn xuống phía dưới – đối với người sắp chết đuối thì việc làm này chẳng khác nào đang đi xuống địa ngục. Sau khi xem xét quanh người viên phi công, tôi bắt đầu kiểm tra dọc sống lưng và không phát hiện dây dù quấn quanh người ông. Ông ta có vẻ ổn và tôi bắt đầu bơi, nhưng ông ta vẫn chẳng nhúc nhích. Tôi kiểm tra lại và nhận thấy cả hai chân của ông ta đều vướng dây dù. Sau khi gỡ dây ra, tôi bơi và đưa ông ta đến phao của viên phi công kia. Viên phi công ở trên phao lúc này lại bắt đầu hét lên với viên phi công ở dưới nước: “Đó là tại anh. Anh xử lý kém quá”.
Tôi không thể đặt viên phi công này vào cùng phao cứu nạn với gã phi công khó chịu kia. Sau khi mở thiết bị nổi cho ông ta, tôi buộc ông ta vào phao và để ông ta nổi trên mặt nước. Bước lên phao, tôi kiểm tra viên phi công khó tính. Tôi đặt ông ta lên thang của trực thăng và đưa ông ta lên trước. Ông ta đánh tôi, vì vậy tôi như phải đánh vật để đưa được ông ta lên. Sau đó tôi buộc mình với viên phi công ở dưới nước để đưa ông ta lên máy bay cùng.
Khi trở lại phòng gửi đồ, tôi thấy một số bạn cùng lớp tôi chưa trở lại. Mải suy nghĩ về bài thi cứu nạn của mình, tôi đã không nghĩ đến khả năng họ đã thi trượt. Có khoảng 5 hoặc 6 huấn luyện viên đứng quanh tôi và hỏi: “Wasdin, anh làm sai cái gì vậy?”
Quỷ thần ơi. Tôi trượt khóa SAR rồi, tôi không biết tại sao nữa.
Họ lấy ra một cái móc hình chữ J, vốn được sử dụng để cắt dây dù và cắt rời áo phông trắng của tôi.
Tôi cố gắng nghĩ xem mình đã sai sót điều gì. “Chúc mừng, Wasdin. Anh vừa tốt nghiệp trường SAR.”
Họ đưa cho tôi chiếc áo sơ mi màu xanh và ném tôi xuống bể bơi cùng với những người bạn đang bơi đứng dưới nước. Tất cả bọn họ cười sảng khoái trước vẻ mặt ngờ nghệch của tôi – bởi vì họ cũng đều vừa trải qua trạng thái tương tự.
Việc tốt nghiệp trường SAR có ý nghĩa đặc biệt hơn việc vượt qua được kỳ huấn luyện ở trại hoặc tốt nghiệp khóa huấn luyện lính bay bởi vì đào tạo SAR thực sự là thử thách đối với tôi, cả về mặt thể lực và tinh thần.
Sau khóa học SAR, thậm chí tôi còn phải học thêm nhiều hơn, với môn Chiến tranh chống tàu ngầm ở Millington,
Tennessee. Mặc dù ở đây cũng chẳng có nơi ở cho những người đã có gia đình, nhưng Laura và tôi đã quyết định thuê một căn hộ nhỏ ngoài căn cứ. Khi có bầu, Laura trở về sống với bố mẹ mình cho đến khi em bé ra đời.
Sau đó lực lượng Hải quân điều tôi đến một phi đội huấn luyện ở Jacksonville, Florida để thực hành tổng hợp những gì tôi đã học ở các khóa huấn luyện lính bay, khóa đào tạo SAR và khóa đào tạo Chiến tranh chống tàu ngầm. Khi còn đang ở Jacksonville, tôi nhận nhiệm vụ thực thụ đầu tiên ở Đội HS-7, hay thường được gọi là “Dusty Dogs”, thuộc biên chế của tàu sân bay USS John F.Kennedy (CV-67). Mặc dù căn cứ chính của Kennedy là ở Norfolk, Virginia, nhưng đội của tôi vẫn nằm tại Jacksonville ngoại trừ khi Kennedy được triển khai ra biển.
Sáng ngày 27 tháng Hai năm 1985, Bobby Powell đến phòng của tôi ở doanh trại và thông báo: “Vợ cậu sắp sinh đấy.”
“Trời ơi”, tôi kêu lên. Từ Jacksonville phải mất hai giờ lái xe mới đến được bệnh viện quân sự ở Fort Stewart, Georgia. Tôi gọi điện cho gia đình Laura.
Bố vợ tôi nghe điện thoại: “Vợ con sinh cháu trai rồi”, ông báo.
Vẫn mặc đồng phục bay, tôi lên xe lái hết tốc lực. Mọi việc ổn cho đến khi chỉ còn 20 phút nữa là đến bệnh viện. Đèn cảnh sát chiếu phía sau xe của tôi, đó là đội tuần tra Đường cao tốc Georgia. Tôi táp xe vào lề đường và dừng lại.
Viên sĩ quan dừng lại phía sau, bước đến cửa xe của tôi: “Đi đâu mà nhanh vậy, con trai?”
Bồn chồn và lo lắng, tôi giải thích: “Thưa ông, vợ tôi vừa sinh con và tôi phải đến bệnh viện.”
“Bằng lái đâu?” Tôi trình bằng lái.
Ông xem qua nó và nói: “Thế này nhé, tôi sẽ đi cùng anh đến bệnh viện. Nếu chúng ta tới đó và vợ anh thực sự mới sinh con, tôi sẽ trả lại bằng lái cho anh.” Ông ta cho tấm bằng vào túi áo:
“Nếu không phải, mời anh về đồn làm việc.”
Ông ta đi cùng tôi đến khu đỗ xe của bệnh viện và cuốc bộ cùng tôi đến phòng của Laura. Trong số những người đến thăm có mẹ tôi. Mặc dù bà vẫn giận vì tôi bỏ nhà đi để cưới Laura nhưng lại rất háo hức với cháu trai của mình. Viên sĩ quan tuần tra dành thời gian trò chuyện cùng bà.
Tôi bế cậu con trai nhỏ đáng yêu của mình lần đầu tiên, tên cu cậu là Blake. Tôi rất tự hào vừa là một người cha vừa là một lính bơi SAR xuất sắc. Cuộc sống thật tốt đẹp. Một lúc sau, tôi phát hiện viên cảnh sát đã biến mất. “Ông cảnh sát đâu rồi mẹ?
Con cần lấy lại bằng lái xe”.
Mẹ đưa bằng lái xe cho tôi: “Ông ấy nhờ mẹ chuyển lời chúc mừng con đấy.”
Sau khi Blake đủ lớn, hai mẹ con chuyển xuống Jacksonville để ở cùng tôi.
Ngày 6 tháng Mười năm 1986, một chiếc tàu ngầm hạt nhân Yankee của Nga (K-219) hoạt động ngoài khơi Bermuda bị bục ở hầm chứa tên lửa. Nước biển lọt vào và phản ứng với chất thải nhiên liệu lỏng của tên lửa gây ra một vụ nổ làm ba thủy thủ thiệt mạng. Con tàu ì ạch chạy về hướng Cuba. Lực lượng đặc nhiệm của tàu John F.Kennedy điều đội trực thăng chúng tôi theo dõi con tàu. Thường thì chúng tôi chỉ bay cách tàu sân bay khoảng
48 km nhưng vẫn được phép bay xa hơn.
Tôi đi giày, mặc một áo bơi ngắn tay được gọi là “áo ngắn” và một quần đùi cotton màu trắng (quần bó trắng). Nhiều đồng đội của tôi mặc quần bơi, nhưng tôi dự trù khả năng có thể phải cứu nạn cho ai đó nên tôi quyết định mặc quần bó màu trắng này. Ở bên ngoài, tôi mặc đồng phục bay. Chúng tôi phát hiện tàu Nga bằng thiết bị định vị tàu ngầm kích hoạt. Chúng tôi liên tục sử dụng sóng siêu âm để theo sát con tàu.
Đột nhiên, phi công nói: “Nhìn nhiệt kế trên bộ truyền lực rôtô chính kìa.”
“Ôi trời…”. Hộp số nóng đến mức biến dạng.
Phi công cố giữ cho máy bay lơ lửng cho đến khi rơi xuống.
Chúng tôi không tiếp nước mạnh như tôi tưởng nhưng vẫn đủ mạnh: “Cấp cứu, cấp cứu…”
Là lính bơi đầu tiên, tôi lao tới viên phi công thứ hai để giúp anh gắn mỏ neo và đưa ra ngoài cửa sổ. Tiếp đó, tôi chờ cho hai viên phi công thoát khỏi máy bay qua cửa sổ thoát nạn phía trước rồi lao tới cuối buồng lái, nơi mà tôi thấy người lính bay đầu tiên đã thoát ra ngoài cửa sườn máy bay. Tôi cởi bộ đồ bay ra, đi chân vịt vào, đeo mặt nạ và ống thở. Cuối cùng, tôi đá tung cái phao ra, bơm căng nó lên và giúp hai viên phi công vào phao. Có một lính bơi cứu nạn khác khoảng 40 tuổi. Thay vì thổi phồng áo phao và bơi đến phao cứu nạn, ông ta lại bám chặt lấy một cái thùng ướp lạnh hòng sống sót và trôi dần ra biển. Vì vậy tôi phải bơi đến đưa ông ta trở lại phao. Một ý nghĩ lo âu xuất hiện: Tôi sẽ làm gì nếu chiếc tàu ngầm Nga nổi lên từ ngay phía dưới?
Một chiếc máy bay chống tàu ngầm S-3 Viking bay qua. Tiếng động cơ ầm ì của nó nghe như âm thanh của một cái máy hút bụi. Chiếc máy bay quay trở lại phía chúng tôi ở góc 90 độ, có lẽ là đã nhận ra vị trí của chúng tôi. Ba mươi phút sau, một chiếc trực thăng bay đến. Tôi lấy ra chất phát quang màu xanh, trông như những bánh xà phòng và thả nhanh xuống mặt nước xung quanh phao. Thế là chúng tôi trở thành một mục tiêu xanh khổng lồ phát sáng giúp máy bay phát hiện ra.
Khi chiếc trực thăng xuống thấp hơn, tôi ra dấu đề nghị họ không đưa lính bơi xuống. Tôi kéo tấm kính trên mũ sắt của các viên phi công xuống để những tia nước do cánh quạt trực thăng gây ra không làm đau họ. Sau đó tôi đưa mọi người tới thang cứu nạn và leo lên cùng với người cuối cùng.
Sau khi rơi khỏi máy bay, bơi tới những lính bơi khác và đưa họ đến thang cứu nạn, tôi đã kiệt sức. Bên trong chiếc trực thăng, bạn của tôi, Dan Rucker, cũng là một lính bơi SAR, chỉ ngón tay cái lên trời tỏ ý hoan nghênh.
Chiếc trực thăng cứu nạn của chúng tôi hạ cánh trên tàu sân bay. Chúng tôi bước lên boong tàu. Mọi người hoan nghênh, vỗ vai chúc mừng tôi về vụ cứu nạn đó. Đi bộ dọc theo boong tàu, tôi vẫn đeo bộ chân vịt, trông như một vị anh hùng ngoại trừ chiếc quần bó màu trắng. Bây giờ thì đồ lót của tôi đã là quần bó màu xanh có phát quang. Toàn thân tôi bừng sáng do chất phát quang màu xanh. Điều đó làm tôi lúng túng vô cùng. Tôi sẵn sàng bỏ cả triệu đô-la để có chiếc quần bơi khác. Sau đó, chúng tôi kinh hoàng xem lại toàn bộ cảnh tượng lúc trước được ghi lại trên băng ghi hình của con tàu.
Hai tuần trước khi hợp đồng làm việc của tôi với Hải quân hết hạn, tôi chợt chú ý đến một nhóm 5 người đến từ một đơn vị mà tôi chưa từng nghe đến tên: Lực lượng SEAL. Tôi nhớ là hôm đó họ không phải là một tiểu đội 7 hoặc 8 người theo tiêu chuẩn của SEAL. Họ có vẻ giống một đội lính laze: hai người tìm kiếm mục tiêu bằng laze, hai người nhận dạng mục tiêu và một viên đại úy phụ trách, có lẽ đồng thời đảm nhiệm cả khâu liên lạc. Họ ở trong khu vực bến tàu của lực lượng Tìm kiếm và Cứu nạn chúng tôi nên tôi được tiếp cận họ và hỏi chuyện về SEAL.
Trong Chiến tranh Thế giới II, những người nhái hải quân đầu tiên được huấn luyện kỹ năng trinh thám các bãi biển cho máy bay lưỡng dụng (sử dụng được cả trên bộ và dưới nước) hạ cánh. Không lâu sau đó họ học cách phá bỏ các vật cản dưới nước và họ đã được người ta biết đến với tên gọi là Đội phá hủy dưới nước (UDT). Trong Chiến tranh Triều Tiên, UDT phát triển và tiến sâu hơn vào đất liền với nhiệm vụ cho nổ tung cầu cống và hầm ngầm.
Vài năm sau đó, khi chứng kiến sự nổi dậy của Cộng sản ở khu vực Đông Nam Á, Tổng thống John F. Kennedy − người từng phục vụ trong Hải quân thời kỳ Chiến tranh Thế giới II, và một số vị quan chức khác trong quân đội nhận thấy nhu cầu phải có lực lượng lính chiến phi truyền thống. Hải quân liền thành lập một đơn vị có thể triển khai hoạt động cả trên biển, trên không và đất liền với nhân sự chủ yếu từ UDT. Ngày 1 tháng Một năm 1962, Đội SEAL 1 (Coronado, California) và Đội SEAL 2 (Little Creek, Virginia) ra đời.
Một trong những người lính SEAL đầu tiên là Rudy Boesch, một người New York và là đội trưởng UDT-21. Với mái tóc húi cua trọc lóc, ông hướng dẫn những người lính SEAL mới tại Đội 2 trong huấn luyện thể chất (PT). Trên tấm thẻ quân nhân của ông, phần viết về TÔN GIÁO có ghi PT. Để duy trì thể trạng, Rudy và các bạn cùng Đội chơi đá bóng trong nhiều giờ − 32 người mỗi đội. Gãy chân là chuyện thường xuyên xảy ra. Những người lính SEAL sử dụng nhiều mẹo để tránh né các hoạt động rèn luyện mà Rudy đưa ra, ví dụ như tìm lý do vắng mặt, đi vệ sinh mà không quay trở lại hay lẩn trốn vào các bụi rậm trong quá trình rèn luyện.
Rudy cũng từng đảm nhiệm chức vụ Trung đội trưởng Trung đội 10, đơn vị từng giải cứu cho Trung đội 7 ở Mỹ Tho, Việt Nam vào ngày 8 tháng Tư năm 1968.
Đến cuối cuộc chiến tranh Việt Nam, Đội SEAL 1 và 2 được trao 3 Huân chương Danh dự, 2 Bội tinh Hải quân, 42 Anh dũng bội tinh với Ngôi sao Bạc, 402 Anh dũng bội tinh với Ngôi sao Đồng (một trong số đó là của Rudy) và nhiều phần thưởng khác. Khi một người lính SEAL bị giết thì 200 kẻ thù bị tiêu diệt. Vào cuối những năm 1970, Rudy giúp thành lập Đơn vị Cơ động 6 (MOB 6) và Đơn vị chống khủng bố của Đội SEAL 2.
Những người lính SEAL trên tàu John F.Kennedy chắc là phát chán lên với tôi, nhưng họ vẫn chia sẻ một vài câu chuyện đáng sợ về Huấn luyện Phá hoại Căn bản dưới nước của SEAL (BUD/S). Họ kể cho tôi nghe về nhảy dù rơi tự do, về lặn với bình dưỡng khí, về bắn súng, cho nổ tung mọi thứ và cả việc đi bắt tôm ở đồng bằng. Họ làm việc rất vất vả và chơi cũng thật nhiệt tình. Tình cảm giữa họ thật thân thiết. Một người nói với tôi rằng chính việc cho phép tham gia BUD/S đã tạo động cơ tái ngũ cho anh. Tôi mong được như họ.
Trong đợt ra quân 6 tháng, tàu John F.Kennedy dừng lại ở Toulon, Pháp, quê hương của tàu sân bay Pháp Charles de Gaulle. Tôi nghiêm túc hỏi chuyện viên đại úy SEAL về tiêu chuẩn để trở thành một người lính SEAL. Tái ngũ hay không tái ngũ – đó chính là lá bài quan trọng không thể bỏ qua để mặc cả với Hải quân. Tôi hy vọng một điều kỳ diệu – gặp đúng người đúng lúc.
Tôi đến phòng ngủ của viên chỉ huy của mình và gõ cửa.
Ông mở cánh cửa kêu răng rắc.
“Thưa Tư lệnh Christiansen, nếu được phép tham gia BUD/S trước khi hợp đồng của tôi hết hạn, tôi sẽ đăng ký tái ngũ, thưa ông.”
“Anh bạn ngốc nghếch vào đây”, ông mở to cửa và nói.
Tôi bước vào, đứng trước mặt ông. Tôi chợt nghĩ rằng có lẽ tôi đã làm ông khó chịu. Trước đó, tôi tưởng mình đã phục vụ trong một đơn vị tinh nhuệ, nhưng bây giờ tôi biết rằng có một đơn vị còn tinh nhuệ hơn thế. Tôi không thể thỏa mãn với vị trí hiện tại của mình được.
“Cậu không biết cậu đang đề nghị điều gì đâu. BUD/S không phải là điều mà cậu thật sự muốn đâu. Hãy nhận tiền, trở về nhà và học cho xong đi. Cậu không biết trở thành một người lính SEAL phải như thế nào đâu”. Ông mất hơn nửa giờ để nói với tôi rằng tôi đang đề nghị một việc điên rồ.
“Xin cám ơn ông.”
Tỗi vẫn ở lại Pháp, nhưng chỉ ba ngày trước khi tôi trở lại đời sống dân sự, viên sĩ quan điều hành (XO), người được coi là cánh tay phải của viên sĩ quan chỉ huy, cho gọi tôi vào và nói: “Anh là một thủy thủ tuyệt vời và chúng tôi muốn giữ anh lại. Chúng tôi cần làm gì để giữ anh lại trong lực lượng Hải quân?”
“Tôi đã nói với Tư lệnh Christiansen, thưa anh. Nếu anh có thể cho tôi tham gia BUD/S, tôi sẽ đăng ký tái ngũ.”
Tôi đến khách sạn, chuẩn bị bay về Mỹ quay lại cuộc sống thường dân. Hôm trước khi tôi lên chuyến bay của hãng Hàng không Pháp, anh bạn Tim xuất hiện trước cửa: “Sáng nay chúng tôi vừa nhận được một bức điện về quyết định cử cậu tham gia BUD/S.”
“Bịa đặt!”
“Nghiêm túc đấy, thuyền trưởng bảo tôi đưa cậu trở lại tàu để ông ấy nói chuyện với cậu.”
Họ đang lừa tôi đây. Đó chắc là một cách chia tay thú vị mà thôi.
Tôi trở lại tàu và bước vào phòng trực nơi các phi công, thủy thủ đoàn và nhiều người khác đang có mặt. Các sĩ quan cấp tá ngồi trên những chiếc ghế bành có kiểu thiết kế dành cho máy bay dân dụng lớn. Một máy pha cà phê và các tạp chí đặt ở trên bàn. Trên “Bàn Cầu cơ” có mô hình các máy bay thể hiện vị trí của các máy bay trên boong tàu. Một thiết bị giám sát màu đen − trắng hiển thị các điểm hạ cánh trên boong. Viên sĩ quan chỉ huy gọi tôi đến trước mặt. Ông trao cho tôi quyết định điều đến BUD/S. Mọi người vỗ tay và tiễn tôi đi.
Quyết định đó còn phụ thuộc vào việc tôi có vượt qua được bài kiểm tra thể lực cho BUD/S ở Jacksonville hay không. Tôi bay về nhà ở Georgia và Laura lái xe đưa tôi xuống Florida. Trong suốt gần 6 tháng phục vụ trên tàu sân bay, tôi không có nhiều thời gian bơi ngoại trừ khi giải cứu đội bay của chiếc trực thăng bị rơi.
Trước đó, tôi chủ yếu tập bơi với chân vịt trong khi bài thi không cho sử dụng bộ đồ này. Tôi cũng không luyện tập kiểu bơi nghiêng và bơi ếch cần thiết cho việc huấn luyện của SEAL. Mặc dù tôi không nhớ chính xác tiêu chuẩn thể lực khi những người lính SEAL kiểm tra tôi trước đây nhưng có vẻ cũng không khác lắm với yêu cầu hiện nay: bơi 500m trong 12,5 phút, nghỉ 10 phút, hít đất 42 lần trong 2 phút, nghỉ 2 phút, nằm xuống đứng lên 50 lần trong 2 phút, nghỉ 2 phút, 6 lần lên xà trước khi bỏ tay, nghỉ 10 phút, chân đi ủng và mặc quần dài, chạy trên quãng đường 2,5 km trong 11,5 phút.
12 người chúng tôi trình căn cước và các giấy tờ khác. Sau đó chúng tôi cởi quần áo bên ngoài cho đến quần bơi. Tôi thấy hồi hộp. Khi tiếng còi cất lên, chúng tôi xuất phát. Khi tôi bơi gần đến cuối đường bơi 500 m, một lính SEAL thông báo thời gian còn lại: “30 giây”. Quyết tâm tranh thủ từng giây bơi thật nhanh, cuối cùng tôi chạm đích khi chỉ còn lại 15 giây. Tuy nhiên, một thí sinh khác đã không được may mắn như vậy.
Còn lại 11 người, chúng tôi mặc áo phông, quần dài và đi ủng. Chúng tôi thực hiện phần hít đất và đứng lên nằm xuống. Một lần nữa tôi lại vượt qua. Có hai thí sinh bị trượt.
Sau khi nghỉ 2 phút, tôi nhảy lên bám lấy xà. Áp lực thất bại đôi khi có thể khiến người ta muốn nổ tung. Tôi đạt và hai người khác trượt.
Chúng tôi chỉ còn lại 7 người. Từng phần kiểm tra không quá khó khăn, nhưng thực hiện liên tục, hết phần thi này lại đến phần khác thì quả là thách thức. Chúng tôi bước vào đường chạy. Người lính SEAL chúc chúng tôi may mắn. Một người khác lại trượt.
Vậy là 12 người lúc đầu giờ chỉ còn lại 6.
Con số giảm không dừng lại ở đó. Một số thí sinh không đạt đủ điểm cho bài kiểm tra Tổ hợp Kỹ năng Định hướng Quân sự (ASVAB) mà tất cả các ứng viên tiềm năng phải trải qua trước khi được tuyển vào quân đội. Qua các kỳ kiểm tra nha khoa, y tế, không gian bội áp, thêm một vài người nữa phải dừng lại. Một số người lại trượt vì mắt kém hoặc bị mù màu. Một số khác thì do không vượt qua phần kiểm tra tâm lý. Có một bảng câu hỏi tâm lý lặp đi lặp lại một số câu hỏi giống nhau. Tôi không dám chắc là họ đang lưu tâm đến tính tin cậy của bài thi hay là sự kiên nhẫn của tôi. Có một câu hỏi là: “Anh có muốn trở thành một nhà thiết kế thời trang không?” Tôi không biết những người thiết kế thời trang hay là tôi điên khùng nữa bởi vì tôi không muốn là một trong số họ. Một câu hỏi khác là: “Anh có bao giờ nghĩ đến việc tự sát không?” Tôi chưa bao giờ nghĩ đến cho đến khi tham gia phần thi này. “Anh có thích Alice ở xứ sở thần tiên không?” Làm sao tôi biết được? Tôi chưa bao giờ đọc nó cả. Các nhà tiên tri Do Thái cũng sẽ trượt phần thi tâm lý này: “Anh có bị hoang tưởng không?” “Anh có khả năng đặc biệt gì không?”. Sau phần thi viết, tôi gặp nhà tâm lý học và nói với bà những gì mà bà muốn nghe. Tôi đã đạt.
Về phần kiểm tra trong không gian bội áp, căn phòng trông như là một quả ngư lôi lớn vậy. Tôi nghe kể một số người bị ngất khi đang kiểm tra do cảm giác sợ hãi hay do tác động của khí áp hoặc do cả hai. Tôi bước vào bên trong, ngồi xuống và thư giãn: hơi thở chậm, nhịp tim đều. Người sĩ quan chuyên về môn lặn đóng chặt cửa lại. Tôi đi xuống 3 m, 6 m, cảm thấy khí áp gia tăng. Đến khoảng 10 m, tôi ngáp và nuốt khan để làm giảm đôi chút áp suất dồn vào tai. Áp suất trong phòng tương tự như là khi người ta đi vào vùng nước sâu 20m và đứng yên ở đó. Không có vấn đề gì xảy ra. Sau 10 phút ở trạng thái này, viên sĩ quan điều chỉnh giảm dần áp suất cho trở lại mức bình thường.
“Tốt lắm”, ông ta nói.
Trong số 100 thí sinh, tôi là người duy nhất vượt qua tất cả các bài kiểm tra. Tôi hết sức phấn khởi.
Laura và tôi về nhà vừa kịp Lễ Tạ ơn. Đầu tháng Giêng tôi mới đến nhận nhiệm vụ ở BUD/S. Tôi rất vui khi được ở nhà với Laura và Blake trong các ngày nghỉ, cười đùa, ăn món thịt gà tây ấm cùng với khoai tây nghiền nóng và nước xốt còn bốc khói.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.