Hồi Ký Của Một Tay Súng Bắn Tỉa
Chương 5. Ngày duy nhất dễ thở là ngày hôm qua
Khi có mặt ở Trung tâm Chiến tranh Đặc biệt của Hải quân ở Coronado, California, tôi đi qua một con đường cát và lần đầu tiên tôi nhìn thấy Thái Bình Dương. Những con sóng khổng lồ lao mải miết vào bờ. Ôi Chúa tôi. Tôi nhảy vào dòng nước California thơm mát. Không, không thơm mát tý nào, nhất là so với nước ở vùng vịnh Florida nơi tôi từng được huấn luyện. Nó lạnh cóng. Tôi nhảy vọt lên khỏi mặt nước còn nhanh hơn cả khi nhảy xuống. Tôi tự hỏi chúng tôi sẽ phải bơi trong dòng nước đó bao lâu đây.
Trong những ngày chờ tới giai đoạn huấn luyện, thượng sĩ Rick Knepper thuộc SEAL giúp chúng tôi chuẩn bị bằng cách đi bơi vào sáng sớm ở bể bơi và tập các bài thể dục dẻo dai vào chiều muộn trên bãi biển. Ở độ tuổi 40, thượng sĩ có vẻ ngoài của một người trung niên bình thường. Ông lúc nào cũng bình tĩnh luyện tập trong khi chúng tôi thì cằn nhằn và kêu ca. Hình như ông không đổ giọt mồ hôi nào cả.
Thượng sĩ không kể cho chúng tôi nghe về trải nghiệm của ông ở Việt Nam nên chúng tôi phải tìm hiểu thông qua những người khác. Ông đã phục vụ trong Đội SEAL số 1, Trung đội Delta, Đại đội 2. Đại đội ông cho rằng họ hiểu biết về Hòn Tài, một đảo lớn ở vịnh Nha Trang. Nhìn từ xa, hòn đảo dường như chỉ là một hòn đá lớn trên biển làm nơi cho chim làm tổ mà thôi. Nhưng có hai VC, mệt mỏi vì phải chiến đấu và sống xa gia đình, đã đào ngũ, trốn khỏi hòn đảo này và báo cho tình báo Mỹ về cái trại đầy VC phía sau họ.
Được bóng tối che chở, nhóm 7 lính SEAL của thượng sĩ Knepper đi thuyền cập đảo. Bầu trời thậm chí không có một ánh trăng le lói. Cả nhóm leo tự do lên một vách đá cao 120m. Sau khi lên tới đỉnh, họ bò tiến vào một trại VC. Nhóm 7 người được chia thành hai tổ hỏa lực, tháo giày và đi chân trần để tìm bắt một chỉ huy của VC. Đi chân trần là nhằm để không lưu lại dấu giày Mỹ lộ liễu trên đất, giúp phát hiện các bẫy mìn dễ dàng hơn và dễ rút chân ra khỏi bùn hơn. Mặc dù vậy khi vào đến trại, lính VC đã khiến những người lính SEAL ngạc nhiên. Một quả lựu đạn lăn đến chân của trung úy Bob Kerrey và phát nổ, thổi tung ông về phía các tảng đá và phá nát nửa chân dưới của ông. Trung úy Kerrey liền thông báo qua điện đài cho tổ hỏa lực kia. Khi tổ này tiến đến, họ bắt được một lính VC trong một trận giao tranh ác liệt. 4 lính VC tìm cách trốn chạy nhưng lính SEAL đã hạ gục họ.
3 người khác chống cự và cũng bị tiêu diệt.
Một y tá SEAL bị hỏng một bên mắt. Một trong số những người lính SEAL băng bó chân cho Kerrey.
Nhóm SEAL bắt được một vài chỉ huy VC, thu được ba túi tài liệu lớn (bao gồm danh sách lính VC trong thành phố), vũ khí và các trang thiết bị khác. Trung úy Kerrey tiếp tục chỉ huy thượng sỹ Knepper và những người khác trong đại đội cho đến khi họ được giải tán. Tin tức thu thập được từ các tài liệu và các chỉ huy VC cung cấp những thông tin quan trọng cho các lực lượng Đồng minh ở Việt Nam. Trung úy Kerrey nhận Huân chương Danh dự. Sau đó ông trở thành Thống đốc và thượng nghị sĩ Nebraska.
Các thầy giáo của chúng tôi nằm trong số những người giỏi nhất trong sự kiện này.
Buổi sáng đầu tiên huấn luyện ở BUD/S, chúng tôi lại phải thực hiện bài kiểm tra thể lực. Sau khi tắm nước lạnh và thực hiện vài động tác hít đất, chúng tôi bắt đầu. Vì sợ trượt phần thi bơi nên tôi xuất phát và sải tay bơi hết tốc lực. Cuối cùng tôi hoàn thành phần thi vừa kịp thời gian. Tiếp theo chúng tôi thi phần hít đất, đứng lên nằm xuống, hít xà đơn và chạy. Một người bị trượt; cậu ta cúi gằm mặt khi giáo viên đề nghị cậu ta đi gói ghém hành lý.
Tối hôm đó, các huấn luyện viên SEAL đứng trước chúng tôi và tự giới thiệu. Cuối cùng, đại úy Moore cho chúng tôi biết rằng chúng tôi có thể bỏ cuộc (nếu muốn) bằng cách đứng sang một bên và rung chuông ba lần.
“Tôi sẽ chờ”, đại úy Moore nói.
Tôi nghĩ đại úy đang đùa nhưng một số bạn học của tôi bắt đầu rung chuông.
Một số bạn học còn lại của tôi là những người thật ấn tượng: một vận động viên ba môn phối hợp có biệt danh là Người Sắt, một cầu thủ bóng bầu dục ở trường đại học Alabama và vài người khác. Một buổi tối nọ khi ở trong doanh trại, tôi soi gương và nghĩ: Những gã này như thể ngựa đua ấy. Mình đang làm cái quái gì ở đây vậy?
Ngày hôm sau, Người Sắt rung chuông. Tôi không thể hiểu tại sao.
Một trong những nội dung huấn luyện tăng cường đầu tiên của chúng tôi là Khóa vượt chướng ngại vật. Một đêm, một lính SEAL phải thoát ra khỏi một chiếc tàu ngầm bị chìm, bám chặt lấy phao cứu sinh vượt qua các con sóng, leo lên vách đá, vượt qua lãnh thổ địch để tới mục tiêu, leo lên một tòa nhà ba tầng, thực hiện nhiệm vụ và thoát ra ngoài. Khóa vượt chướng ngại vật nhằm giúp chuẩn bị cho loại nhiệm vụ đó. Ít nhất một học viên đã bị gãy cổ hoặc lưng trong khi tập luyện − leo lên đỉnh một con tàu chở hàng cao hơn 20m cũng là lúc bạn kiệt sức. Nhiều hoạt động huấn luyện của chúng tôi rất nguy hiểm, việc bị thương là chuyện cơm bữa.
Chúng tôi xếp hàng theo thứ tự họ tên trên bảng chữ cái. Tôi đứng gần cuối hàng, quan sát mọi người xuất phát trước tôi. Khi đến lượt tôi, tôi lao đi như một tên lửa hành trình. Tôi không thể hiểu nổi tại sao tôi lại vượt qua được nhiều người như vậy.
Chạy được một đoạn đường, tôi tới chân một tháp 3 tầng. Tôi nhảy lên, bám theo gờ tường để lên tầng 2 rồi tung hai chân lên.
Tôi nhảy lên, bám vào gờ tường để lên tầng 3 rồi lại tung hai chân lên. Sau đó tôi trở xuống. Khi tôi tiếp tục hành trình tới các chướng ngại vật khác, tôi nhận ra có người đang bị kẹt lại trong cái tháp 3 tầng đó. Mike W., cầu thủ bóng bầu dục của trường Đại học Alabama đứng ở đó. Những giọt nước mắt thất vọng chảy tràn trên khuôn mặt vì cậu ấy không thể lên được tầng 3.
Với chất giọng vùng Georgia, huấn luyện viên Stoneclam hét lên: “Cậu có thể chạy đi chạy lại ở sân bóng của trường đại học, nhưng lại không thể vượt lên đỉnh của một chướng ngại vật. Đồ ẻo lả!”
Tôi băn khoăn không biết Mike W. gặp vấn đề gì. Cậu ấy thường sung sức hơn tôi. Đúng thế mà? (Lưng của Mike đã bị chấn thương nặng, nhưng đại úy Bailey vẫn giữ cậu ở lại điều trị trong gần một năm. Sau này cậu trở thành một sĩ quan SEAL xuất sắc).
Một số chàng vốn như ngựa đua lại là những người khóc to nhất. Họ có lẽ đã luôn là số một trong phần lớn cuộc đời, nhưng lúc này, khi lần đầu tiên nếm trải nghịch cảnh – kiểu của BUD/S – thì họ không thể kiểm soát được nữa.
Những con người tự phụ này gặp vấn đề quái quỷ gì vậy nhỉ?
Mặc dù tôi luôn thấy chạy và bơi thật khó khăn, nhưng khóa vượt chướng ngại vật hoá ra lại là một trong những môn tôi ưa thích. Bobby H. và tôi thay nhau chiếm vị trí số một. Huấn luyện viên Stoneclam khuyên một học viên: “Cậu hãy xem Wasdin hạ gục các chướng ngại vật như thế nào đi.”
Tôi thà làm những việc này còn hơn là đi thu hoạch dưa hấu.
Nguy hiểm đã trở thành bạn đồng hành trung thành của chúng tôi. Dù nguy hiểm hay không, các huấn luyện viên của chúng tôi vẫn cất giọng đều đều giảng bài. Tại một lớp học ở Trung tâm Chiến tranh Đặc biệt Hải quân, huấn luyện viên Blah bước lên một chiếc thuyền cao su màu đen dài gần 5m đặt trước lớp tôi: “Hôm nay, tôi sẽ giới thiệu với các anh về bài vượt sóng. Đây là IBS. Một số người gọi đó là Tàu thủy Tí hon (Itty-Bitty Ship), còn các anh có lẽ sẽ đặt biệt danh khác, nhưng Hải quân gọi đó là Thuyền Hơi Nhỏ. 6 đến 8 người các anh có cùng chiều cao sẽ lên một chiếc thuyền. Nhóm cùng thuyền sẽ thành một đội thủy thủ.”
Ông phác lên bảng một bức vẽ đơn giản về bãi biển, đại đương và một vài thủy thủ rải rác quanh chiếc IBS: “Đây là các anh ngay sau khi bị một con sóng tấn công.”
Ông vẽ một thủy thủ trên bãi biển. “Đây là một trong số các anh sau khi bị sóng xô vào bờ. Hãy đoán xem còn gì nữa? Vật tiếp theo sẽ bị xô vào bờ chính là con thuyền.”
Ông Blah dùng tấm lau bảng để mô phỏng con thuyền: “Bây giờ chiếc IBS nặng 60 kg đã đầy nước và có trọng lượng tương đương một chiếc ô tô nhỏ đang tiến thẳng về phía anh trên bãi biển. Các anh sẽ làm gì? Nếu các anh đang đứng trên đường và một chiếc ô tô nhỏ lao ầm ầm về phía các anh, các anh sẽ làm gì? Cố gắng chạy nhanh hơn nó? Dĩ nhiên là không. Các anh sẽ chạy ra khỏi đường. Tương tự khi con thuyền lao về phía các anh, các anh sẽ phải thoát khỏi đường chạy của nó. Hãy chạy song song với nó đến bãi biển.”
“Một số người có vẻ buồn ngủ nhỉ. Tất cả các anh hãy nằm xuống và hít đất cho tỉnh táo đi.”
Sau khi hít đất và học thêm một chút nữa, chúng tôi đi ra ngoài khi ánh mặt trời đang nhạt dần. Chúng tôi nhanh chóng đến đứng cạnh các con thuyền của mình và hướng mặt ra biển. Những chiếc áo phao vàng to kềnh càng làm bằng sợi bông gòn bọc ngoài các bộ đồng phục chiến đấu (BDU) của chúng tôi. Chúng tôi buộc mũ vào khuyết áo trên cùng bằng một dây nhỏ màu vàng. Mỗi người chúng tôi giữ mái chèo giống như giữ súng trường trong tư thế đứng nghiêm và đợi nhóm trưởng quay lại sau khi nghe giáo viên tóm tắt nhiệm vụ.
Không lâu sau đó, nhóm trưởng quay trở lại và ra lệnh cho chúng tôi. Một tay giữ thuyền và một tay giữ mái chèo, tất cả các đội lao xuống nước. Người thua sẽ phải trả giá bằng chính tính mạng của mình – bạn phải trả giá để có thể trở thành người thắng cuộc.
“Mọi người lên thuyền!”, thuyền trưởng Mike H. của thuyền tôi hô.
Hai người hàng đầu nhảy lên thuyền và bắt đầu chèo. Tôi chạy xuống biển, nước gần ngập đến đầu gối.
“Hai người lên thuyền!”
Hai người nữa nhảy lên và bắt đầu chèo. “Ba người lên thuyền!”
Tôi và người bên cạnh nhảy lên chèo thuyền. Mike nhảy lên sau cùng, dùng mái chèo điều khiển phía đuôi thuyền: “Khoát chèo, khoát chèo!”, anh ra lệnh.
Trước mặt chúng tôi, một con sóng cao hơn 2m nổi lên. Tôi dận sâu mái chèo và lấy hết sức đẩy về phía sau.
“Dấn sâu xuống, dấn xuống, dấn xuống”, Mike ra lệnh.
Con thuyền của chúng tôi vượt lên con sóng. Tôi nhìn thấy một chiếc thuyền khác đã né được đỉnh sóng. Nhưng chúng tôi không may mắn như vậy. Con sóng nhấc tung chúng tôi lên và ném xuống, làm chúng tôi kẹt giữa thuyền và nước.
Khi biển nuốt gọn chúng tôi, tôi đụng phải những chiếc ủng, mái chèo và uống phải nước biển lạnh lẽo. Tôi nhận ra rằng, điều này có thể giết chết tôi.
Cuối cùng, sóng biển đẩy chúng tôi lên bãi biển cùng với phần lớn các thủy thủ khác. Những huấn luyện viên chào đón bằng cách bỏ mặc chúng tôi. Đặt chân đi ủng trên thuyền, đặt tay trên cát để cho trọng lực Trái đất hút lấy người, chúng tôi tập hít đất.
Sau đó chúng tôi tập trung trở lại tiếp tục tập luyện với quyết tâm cao hơn và phối hợp tốt hơn. Lần này, chúng tôi đã vượt qua được tất cả những con sóng lớn đó.
Trở lại bờ, có một học viên với khuôn mặt trẻ măng ở đội khác nhặt mái chèo của mình trên bãi biển. Khi cậu ta quay mặt về hướng biển, một con thuyền không ngập đầy nước biển đang lao vào cậu ta từ hướng bên cạnh.
Huấn luyện viên Blah hét vào loa: “Tránh khỏi đó ngay!”.
Anh chàng chạy trốn khỏi chiếc thuyền đúng như cách mà các huấn luyện viên khuyên chúng tôi không nên làm. Nỗi sợ hãi có thể biến những nhà thông thái thành thằng ngốc.
“Chạy song song vào bờ! Chạy song song vào bờ!”
Cậu học viên tiếp tục cố gắng chạy đọ sức với chiếc thuyền đang lao vùn vụt. Con thuyền lao ra khỏi nước và trượt như một chiếc tàu đệm khí trên nền cát ướt và cứng. Khi ra khỏi vùng cát đó, theo đà con thuyền lao sang vùng cát khô và mềm cho đến khi nó đâm mạnh vào cậu ta, khiến cậu ta gục xuống. Huấn luyện viên Blah, những huấn luyện viên khác và đội cứu thương lao về phía anh chàng bị thương.
Doc, một trong những huấn luyện viên của SEAL, bắt đầu sơ cứu. Không ai nghe thấy “mặt trẻ con” kêu la vì đau. Con thuyền đã làm gãy xương đùi của cậu ta.
Khi chương trình huấn luyện tiếp tục, các mối nguy hiểm càng tăng. Trong nội dung huấn luyện sau, thay vì đưa các con thuyền vào bờ cát khi trời còn sáng, chúng tôi đưa thuyền vào bãi đá cuội phía trước khách sạn del Coronado vào ban đêm, khi những tầng nước biển dội vào chúng tôi từ hai hướng. Có truyền thuyết rằng bãi đá này trước đây vốn chỉ là một tảng đá cho đến khi những cái đầu của các học viên BUD/S “ghè vụn” nó ra.
Mặt trời khuất sau phía chân trời khi chúng tôi hành quân cấp tốc qua Căn cứ Đổ bộ Hải quân bên kia đường. Trên mình là những bộ quân phục xanh giống nhau, chúng tôi hát theo nhịp chân đi, nhìn qua thì có vẻ tự tin nhưng thực ra hết sức căng thẳng. Nếu ai đó sắp phải chết thì quả thực thời khắc đó sắp điểm rồi.
Chúng tôi đến một bể bơi ở tòa nhà 164, cởi quần áo ngoài và để lại quần bơi UDT. Một huấn luyện viên nói: “Các anh sẽ thích nội dung này. Thử thách Đuối nước là một trong những nội dung ưa thích của tôi. Chìm hay bơi, tùy các bạn thân yêu.”
Tôi trói hai chân lại với nhau còn bạn bơi của tôi thì buộc quặt hai bàn tay của tôi ra sau lưng.
“Khi tôi phát lệnh, người bị trói sẽ nhảy xuống chỗ sâu nhất đáy bể”, huấn luyện viên Stoneclam nói. “Các anh phải nhô lên và chìm xuống 20 lần, nổi trong 5 phút, rồi bơi đến phần nông ở cuối bể đằng kia, quay lại mà không được chạm vào đáy, bơi trở lại phần sâu ở cuối bể đằng này, thực hiện một động tác nhào lộn tiến và lùi dưới nước và nhặt chiếc mặt nạ ở đáy bể bằng răng của mình”.
Phần khó nhất đối với tôi là bơi theo chiều dài của bể và quay trở lại khi hai chân bị trói và tay thì bị buộc quặt ra sau lưng. Tôi phải quẫy như một chú cá heo. Ngay cả như vậy thì tôi thà làm điều đó còn hơn là tỉnh dậy sau khi bị đuối nước và bị xung quanh dè bỉu.
Mặc dù tôi hoàn thành nhiệm vụ nhưng một số người khác thì không. Chúng tôi mất một học viên da đen vạm vỡ bởi vì thân thể của cậu ta nặng đến mức ngay lập tức chìm như một hòn đá xuống đáy bể. Một y tá gầy gò có mái tóc đỏ nhảy xuống nước, nhưng thay vì bơi thẳng, anh ta bơi theo hình móng ngựa. Một huấn luyện viên nhắc: “Bơi thẳng đi. Anh làm sao vậy?” Sau đó các huấn luyện viên phát hiện ra rằng Tóc đỏ gần như bị mù. Anh ta đã giả mạo chứng nhận sức khỏe để được nhận vào BUD/S.
Trong số những anh chàng nỗ lực hết sức để được vào đây, có người có tư tưởng bỏ cuộc. Tuy nhiên Stoneclam sẽ không để họ làm vậy.
“Các anh không thể bỏ cuộc lúc này!”, giảng viên Stoneclam kêu lên, “Đây mới chỉ là phần lý thuyết. Quá trình huấn luyện còn chưa bắt đầu đâu!” Chúng ta vẫn chỉ đang trong giai đoạn học lý thuyết mà thôi.
Sau 3 tuần học lý thuyết, chúng tôi bắt đầu bước vào Giai đoạn I − Thích nghi Cơ bản. Quân số lớp tôi tiếp tục giảm do có những người không hoàn thành được nội dung, bị thương và bỏ học. Tôi tự hỏi tôi có thể trụ được bao lâu nữa mà không bị loại vì không hoàn thành nội dung hoặc bị thương. Dĩ nhiên, hình phạt thông dụng nhất là đá đít. Đối với học viên để lộ sự đau đớn lên mặt khi nhận hình phạt, huấn luyện viên sẽ nói: “Anh không thích điều đó à? Được, vậy thêm vài cái nữa.” Đối với học viên không tỏ ra đau đớn cũng vậy: “Anh thích thế à? Thêm một cú nữa này.” Sự nhọc nhằn tiếp tục: hít đất, chạy, hít đất, thể dục mềm dẻo, hít đất, bơi, hít đất, vượt chướng ngại vật… ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác. Chúng tôi chạy liền 1,6 km chỉ để ăn một bữa cơm. Hai lượt đi và về nhân với 3 bữa là thành gần 10 km mỗi ngày chỉ để ăn! Chúng tôi dường như không bao giờ có đủ thời gian để hồi sức trước khi đến phần huấn luyện tiếp theo. Nặng nề nhất là việc các huấn luyện viên thường đổ thêm dầu vào lửa bằng những lời lẽ xúc phạm. Nhiều người trong số họ không cần phải cao giọng lên để nói với chúng tôi: “Bà ngoại lề mề nhưng vì bà già rồi.”
Mỗi chúng tôi dường như đều có gót chân Asin và các huấn luyện viên rất giỏi phát hiện điều đó. Nội dung huấn luyện khó nhất đối với tôi là chạy bấm giờ 6,5 km trên bãi biển khi đang mặc quần dài và xỏ giày đi rừng. Tôi thấy khiếp sợ. Cát mềm hút hết năng lượng khỏi chân của tôi và những con sóng tấn công tôi khi tôi cố gắng chạy trên nền cát cứng. Một số người vượt lên trước, một số người chạy giữa và những người khác như tôi chạy đằng sau. Gần như lần nào cũng vậy, ở điểm đánh dấu 3,2 km ở hàng rào Đảo Bắc (North Island) sẽ có một huấn luyện viên cảnh cáo: “Wasdin, cậu đang bị tụt lại đấy. Cậu sẽ phải chạy bù trên đường về.” Sau mỗi lần, yêu cầu thời gian càng phải ngắn hơn.
Tôi trượt một vòng chạy 6,5 km, chỉ chậm một vài giây thôi. Trong khi những người khác quay trở lại doanh trại, khoảng 4 – 5 người cũng bị trượt cùng với tôi hợp thành một nhóm tội đồ. Sau khi đã cố gắng hết sức trên đường chạy, tôi biết rằng điều này sẽ vô cùng khó chịu. Chúng tôi chạy nước rút lên và xuống con đường cát, nhảy vào nước lạnh, rồi cuộn lên và lăn xuống con đường cát cho đến khi thân thể ướt đẫm của chúng tôi trông như những viên kẹo đường. Cát chui vào mắt, vào mũi, vào tai và vào mồm tôi. Chúng tôi tập thể dục mềm dẻo, thể dục thể hình và tất cả các động tác nhào lộn cho đến khi cát cào xước da, chảy máu và mọi cơ bắp đều rã rời. Đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất tôi phải làm tội đồ. Tôi có thể mệt đến chết trong vòng chạy tới nhưng nhất định không để điều đó xảy ra nữa. Một học viên có tài bơi như rái cá nhưng lại tham gia nhóm tội đồ hết lần này đến lần khác vì không hoàn thành được bài tập chạy này. Tôi băn khoăn không biết làm thế nào mà anh ấy trụ được tất cả những lần làm tội đồ.
Trong Giai đoạn I, có một nội dung còn kinh khủng hơn cả việc chạy bấm giờ trong 6,5 km, đó là Tuần Địa ngục (Hell Week) – phần huấn luyện tối ưu nhất trong huấn luyện những người tốt nhất, loại bỏ những người còn lại. Tuần Địa ngục bắt đầu từ đêm Chủ nhật với cái gọi là “thoát ra bằng vũ lực”. Các khẩu súng máy M-60 xé toạc không khí. Sau khi một huấn luyện viên truyền khẩu lệnh: “Di chuyển, di chuyển, di chuyển!”, chúng tôi bò ra khỏi doanh trại.
Ở bên ngoài, trên khoảng sân trải nhựa đường có diện tích tương đương một bãi đậu xe nhỏ, các khẩu pháo giả phát hỏa, tiếng kêu thét vang lên và sau đó là tiếng bom nổ. Các khẩu M-60 tiếp tục lên nòng. Chiếc máy phun khói tạo ra một màn khói bao phủ toàn khu vực. Những thanh nhựa phát quang xanh bừng sáng cả khu vực ngoài doanh trại. Vòi nước nhằm thẳng người chúng tôi. Mùi thuốc nổ ngột ngạt trong không khí. Loa phóng thanh phát bài “Con đường tới địa ngục” của nhóm nhạc AC/DC.
Nỗi khiếp sợ trùm lên khuôn mặt của nhiều người. Cặp mắt họ thật hốt hoảng. Chỉ khoảng vài phút sau, chuông bắt đầu kêu − có người bỏ cuộc. Bạn không thể nghiêm túc được. Có vấn đề gì đâu? À, các huấn luyện viên đang chạy vòng quanh bắn các khẩu súng máy và làm mọi thứ khác, nhưng không ai tát vào mặt hay dùng dây thắt lưng để đánh tôi cả. Tôi không thể hiểu tại sao có người đã bỏ cuộc rồi. Tất nhiên là tuổi thơ khắc nghiệt của tôi đã giúp tôi chuẩn bị cho thời điểm này. Không chỉ về thể chất, tôi biết rằng về tinh thần mình cũng chế ngự được nỗi đau và công việc nặng nhọc và tôi có thể làm được nhiều hơn thế. Việc bố tôi đặt kỳ vọng lớn vào tôi khiến tôi cũng phải đặt kỳ vọng cho chính mình. Trong tâm trí, tôi có niềm tin vững chắc mình sẽ không bỏ cuộc. Tôi không nhất thiết phải bày tỏ niềm tin đó bằng lời − lời nói rất rẻ mạt. Niềm tin của tôi là thực. Nếu không có niềm tin mạnh mẽ ấy, hẳn tôi đã thất bại rồi.
Tuần Địa ngục huyền thoại có một sự kiện đáng nhớ diễn ra trên một bến tàu − nơi neo đậu những con thuyền nhỏ của lực lượng Hải quân. Chúng tôi cởi giày rồi nhét tất và thắt lưng vào trong. Các ngón tay của tôi tê cóng và run rẩy đến mức vất vả lắm tôi mới cởi được giày ra.
Mặc bộ quân phục màu xanh xám ô liu, chúng tôi nhảy xuống vịnh mà không có áo phao, giày hay tất. Tôi nằm theo tư thế của một người chết trong khi tìm cách cởi cúc quần. Những lúc cần không khí tôi nhô mặt ra khỏi làn nước lạnh, nhanh chóng hít đầy oxy rồi lại úp mặt xuống nước. Khi bắt đầu chìm quá nhanh, tôi sải bơi hai nhịp và rút quần ra khỏi người. Sau đó tôi kéo khóa quần lại.
Tôi thắt một nút kép ở chiếc quần đã cởi để buộc hai gấu lại với nhau. Sau đó tôi dùng hai tay giữ hông và đạp nước cho đến khi toàn thân đứng thẳng lên. Tôi giơ chiếc quần lên, ném ra phía trước và để nó rơi xuống mặt nước cho không khí ập vào trong các ống quần.
Khi nửa người bên trên của tôi đã được giữ ở chỗ lõm của chiếc phao tự tạo bằng quần hình chữ V của mình, tôi thấy nhẹ nhõm. Tôi đã sợ bị đuối nước đến mức quên mất nước biển lạnh thế nào. Còn bây giờ, khi không còn sợ đuối nước nữa, tôi bắt đầu cảm nhận được cái lạnh.
Một vài người trong chúng tôi đang bơi trở lại bến tàu. Chúng tôi cố gọi họ quay trở lại, nhưng với họ như vậy đã đủ rồi! Rinh, rinh, rinh.
Huấn luyện viên Stoneclam nói: “Nếu có thêm một người nữa trong số các anh rung chuông thì số người còn lại cũng có thể lên bờ. Bên trong xe cấp cứu chúng tôi có chăn ấm và một bình café nóng đấy.”
Sau khi một người nữa rung chuông, Stoneclam nói: “Tất cả mọi người lên đi!”.
“Hu-a!”
Chúng tôi rời khỏi mặt nước và lên bến tàu. Huấn luyện viên Stoneclam nói: “Bây giờ hãy cởi hết đồ và nằm xuống bến tàu.
Nếu không có quần đùi, nằm khỏa thân cũng tốt.”
Tôi cởi hết quần áo và nằm xuống. Các huấn luyện viên đã xả nước làm sạch bến tàu. Còn Mẹ Thiên nhiên lại thổi những cơn gió lạnh buốt. Tôi cảm thấy như đang nằm trên một khối băng. Sau đó các huấn luyện viên xịt nước lạnh lên người chúng tôi. Cơ bắp của chúng tôi co cứng lại. Sự co thắt này không thể kiểm soát được. Chúng tôi đập người vào sàn thép như những chú cá mắc cạn.
Các huấn luyện viên đang giúp đưa chúng tôi đến những giai đoạn đầu của việc giảm thân nhiệt. Tôi sẽ làm bất cứ việc gì để thấy ấm hơn. Mike nói: “Xin lỗi anh bạn nhé, tôi sắp tè đây”.
“Được, anh tè đi.” Anh ta tè lên hai bàn tay tôi.
“Ôi, cảm ơn anh bạn”. Cảm giác ấm áp thật là tuyệt.
Nhiều người sẽ cho rằng điều đó thật là gớm ghiếc, bởi vì họ rõ ràng chưa bao giờ biết cái lạnh thực sự là như thế nào.
Đêm thứ Tư, khi đã đi qua được nửa Tuần Địa ngục, tôi nghĩ đến việc bỏ cuộc. Các huấn luyện viên không lãng phí thời gian mà bắt đầu cho chúng tôi bài tập Bước nhảy của Lyon (tên một người lính SEAL ở Việt Nam). Chúng tôi chèo con thuyền bơm hơi màu đen của mình khoảng 250m ra các tháp cao ở vịnh San Diego, lật úp thuyền lại, dựng sườn bên phải lên (gọi là “đổ thuyền”, chèo trở lại bờ, cầm mái chèo chạy 0,8 km, ném mái chèo vào thùng một chiếc xe tải, ngồi theo hình một con rết ở trên vịnh, chèo bằng tay không khoảng 400 m, chạy 600 m, nắm lấy mái chèo để chèo theo hình chân rết 400 m, lên thuyền và chèo ra các tháp cao rồi lại quay vào bờ. Tất cả chúng tôi đã trải qua nội dung Giảm thể nhiệt Giai đoạn II. Giai đoạn I là run rẩy từ mức nhẹ đến mạnh với những ngón tay tê cóng – nhiều người đã trải qua mức giảm thể nhiệt này. Giai đoạn II là run khủng khiếp với mức rối loạn nhẹ. Trong Giai đoạn III, thân nhiệt trung tâm giảm xuống dưới 90 độ F (tương đương khoảng 32,2o C), trạng thái run rẩy dừng lại và bạn trở thành một thằng ngốc lập cà lập cập.
Không có Giai đoạn IV – chỉ có cái chết mà thôi. Các huấn luyện viên tính toán nhiệt độ không khí và nước cùng với độ dài thời gian chúng tôi ở dưới nước để làm cho chúng tôi lạnh hết mức mà không gây ra tổn thương lâu dài hay giết chết chúng tôi.
Chúng tôi chỉ được vào phòng khi nhấn chuông. Những người cùng lớp tôi bấm chuông cứ như là Coronado bị hỏa hoạn vậy. Huấn luyện viên đến từ phía sau xe cứu thương và mở cửa. Ở bên trong, các bạn học cũ của tôi đang cuộn người trong những chiếc chăn len và uống socola nóng. Huấn luyện viên Stoneclam nói: “Đến đây, Wasdin. Cậu kết hôn rồi đúng không?”
“Vâng”. Các cơ bắp của tôi kiệt sức không thể di chuyển được nữa, nhưng chúng lại run rẩy khủng khiếp.
“Anh không cần cái này. Lại đây.”
Ông đi cùng tôi đến đuôi mấy xe cứu thương để tôi có thể cảm thấy hơi ấm của chúng phả vào mặt mình: “Hãy uống cốc socola nóng này đi.”
Tôi giữ nó trong tay. Quả là ấm áp.
“Nếu chúng tôi muốn cậu có vợ, chúng tôi sẽ cấp cho cậu một người.” Ông giải thích: “Hãy đi ra phía đằng kia và rung cái chuông quái quỷ đó đi. Hãy kết thúc chuyện này đi. Tôi sẽ để cho cậu uống chỗ socola nóng đó. Đặt cậu vào trong chiếc xe ấm áp này. Bọc cậu trong một chiếc chăn dày và cậu không phải chịu đựng điều này nữa”.
Tôi nhìn vào cái chuông. Điều đó dễ thôi mà. Tất cả những gì tôi cần làm là kéo cái dây đó 3 lần. Tôi nghĩ về những chiếc xe cứu thương ấm áp có chăn và socola nóng. Sau đó tôi chợt nhận ra. Đợi chút đã. Tôi suy nghĩ chưa kỹ càng. Đó chính là sự bỏ cuộc. “Hu-a, thầy Stoneclam!” Tôi trả lại cốc socola nóng cho ông.
“Trở lại lớp của cậu đi.”
Đưa trả lại cho ông cốc socola nóng đó quả là điều khó khăn nhất mà tôi từng làm. Hãy để tôi trở lại và rét cóng dù cho bộ hạ của tôi có bị sút thêm vài lần nữa.
Đội thủy thủ của Mike H. và tôi có 6 người, trước khi 4 người khác bỏ cuộc. Bây giờ chỉ còn có hai chúng tôi cố gắng kéo con thuyền nặng gần 100 kg trở về trại của BUD/S trong khi các huấn luyện viên la mắng chúng tôi vì quá chậm chạp. Chúng tôi chửi bới mấy người bỏ cuộc: “Các anh là đồ chết tiệt.” Sự tức giận của chúng tôi kéo dài ngay cả khi đã về tới trại.
Từ chỗ coi họ là bạn, Mike và tôi quay sang nguyền rủa họ vì đã bỏ mặc chúng tôi. Đó là lý do vì sao việc huấn luyện lại khắc nghiệt đến vậy. Để tìm ra ai sẽ là người trợ giúp bạn trong những điều kiện khắc nghiệt nhất. Sau đêm thứ Tư, tôi không nhớ có ai khác bỏ cuộc nữa không.
Sáng sớm thứ Năm, tôi ngồi trong phòng ăn. Họ sắp giết mình đây. Sau tất cả những gì mà tôi đã trải qua, họ sẽ cắt tôi thành từng mảnh và đóng gói gửi bưu chính về Hạt Wayne, Georgia bởi vì bây giờ tôi không bỏ cuộc nữa. Ở bên trong tôi, có gì đó như sự bừng tỉnh. Những gì chúng tôi làm tiếp theo không còn quan trọng nữa. Tôi không quan tâm. Chuyện này rồi cũng phải đến lúc kết thúc thôi.
Thiếu sự trợ giúp của những người xung quanh và sự đáp ứng của chính cơ thể mình, điều duy nhất nâng đỡ chúng tôi là niềm tin sẽ hoàn thành nhiệm vụ − hoàn tất Tuần Địa ngục. Trong tâm lý học, niềm tin này được gọi là “hiệu quả tự thân”. Ngay cả khi nhiệm vụ có vẻ bất khả thi nhưng chính sức mạnh niềm tin của chúng ta sẽ giúp chúng ta đạt được thành công. Nếu thiếu niềm tin đó, thất bại là tất yếu. Một niềm tin mạnh mẽ vào nhiệm vụ kích thích khả năng tập trung, tăng cường các nỗ lực, tính bền bỉ và sự quyết tâm. Sự tin tưởng giúp chúng ta nhận thức được mục tiêu (hoàn thành Tuần Địa ngục) và giảm mục tiêu đó xuống thành các mục tiêu khả thi hơn (hoàn thành từng nội dung). Nếu nội dung đó là một cuộc đua thuyền, có thể giảm thành các mục tiêu nhỏ hơn nữa, ví dụ như chèo được thuyền. Sự tin tưởng giúp chúng ta tìm ra cách thức để đạt được mục tiêu, ví dụ như dùng cơ vai to khỏe để chèo thuyền thay vì dùng các cơ cẳng tay bé nhỏ. Sau đó, khi cuộc đua đã xong, chuyển sang nội dung tiếp theo. Nghĩ ngợi quá nhiều về những gì đã và sẽ xảy ra chỉ làm bạn mòn mỏi. Hãy sống với hiện tại và tiến lên từng bước một.
Kể từ tối Chủ nhật cho đến đêm thứ Năm, chúng tôi chỉ ngủ tổng cộng khoảng 3 – 4 tiếng. Thế giới trong mơ bắt đầu lẫn lộn với thế giới thực và chúng tôi bị ảo giác. Tại phòng ăn, trong khi những cái đầu đang gật gù bên đồ ăn và mắt thì trũng sâu vì thiếu ngủ, một huấn luyện viên nói: “Wasdin, tôi muốn cậu cầm lấy con dao cắt bơ này, đi qua đằng kia và giết con hươu ở góc đó.”
Chậm chạp ngẩng đầu lên khỏi bát yến mạch, tôi nhìn sang phía đó và quái quỷ thật, có một chú hươu đứng trong phòng ăn. Tôi không thể nghĩ ra được tại sao con hươu lại ở đây hay là nó vào bằng cách nào nữa. Lúc này tôi được giao nhiệm vụ. Tôi bước đến bên nó với con dao Rambo trên tay và sẵn sàng thực hiện động tác chém giết của mình.
Huấn luyện viên Stoneclam hét lên: “Wasdin, anh làm gì vậy?” “Chuẩn bị giết chú hươu này, thưa thầy Stoneclam.”
“Nhìn xem, đó là bàn đựng khay thức ăn. Là dụng cụ để đưa và nhắc khay thức ăn ra khỏi bếp.”
“Cái…gì? Sao nó lại biến thành một cái bàn đựng khay thức ăn được nhỉ?”
“Hãy đặt cái mông ngu ngốc của cậu xuống và ăn cho xong đi” − huấn luyện viên Stoneclam nói.
Mọi người được một tràng cười lớn.
Sau đó, Mike H., Bobby H. và những người còn lại trong đội chúng tôi chèo thuyền từ Trung tâm Chiến tranh Đặc biệt Hải quân theo hướng Nam đến Công viên Silver Strand. Chặng đường chỉ gần 10 km mà như thể chúng tôi đang chèo tới Mexico vậy. Chèo, ngủ gục, chèo, ngủ gục… Đột nhiên, Bobby gõ vào đáy thuyền và hét lên: “A a a…”
“Cái quái gì vậy?” – Tôi hỏi. “Con rắn to quá!” − Bobby kêu lên.
Chúng tôi giúp cậu ta giết con rắn. “Rắn!”
Một người dừng lại: “Đó là cái nút thừng.” Chúng tôi đang đánh cái dây thừng dùng để giữ chặt mũi thuyền.
Tất cả chúng tôi nhìn vào chiếc dây thừng và trở lại bình thường.
Năm phút sau, Mike hét lên: “A a a..!” “Con rắn quay lại à?” − Tôi hỏi.
Ánh sáng từ thành phố chiếu sáng bầu trời.
“Tôi vừa nhìn thấy gương mặt của ba tôi trên những đám mây”, Mike nói.
Tôi ngước lên. Đúng là tôi nhìn thấy gương mặt của cha cậu ấy trên những đám mây. Tôi chưa bao giờ gặp cha cậu ấy và không biết ông trông thế nào, nhưng tôi nhìn thấy gương mặt người cha của Mike trên những đám mây.
Một người khác trong lớp chúng tôi, Randy Clendening, bị hói. Mọi chỗ: đầu, lông mày, lông mi, nách và cả bẹn nữa – đều nhẵn nhụi. Khi còn nhỏ, cậu ta ăn một vài quả dâu đỏ và sốt cao đến mức tất cả các nang lông đều bị triệt hẳn. (Khi cậu ta tới Đội SEAL 2, có người gọi cậu ta là Kemo − cách gọi tắt của Hoá trị.
Cái biệt danh ấy gắn mãi với cậu ta). Trong suốt Tuần Địa ngục, Randy thở khò khè và nói năng lắp bắp.
“Cậu có ổn không, Randy?” − Tôi hỏi.
“Các huấn luyện viên vừa bảo là ‘cái bộ chế hòa khí’ của tôi bị bẩn”.
“Ôi, có bộ chế hòa khí bẩn chắc khiếp lắm.” Tôi đã không nghĩ rằng Randy có dịch ở trong phổi. Các huấn luyện viên đã tính đến việc cho cậu ta tham gia khóa học sau để cậu ta có thể hồi phục nhưng điều đó có nghĩa là cậu ta sẽ lại phải tham gia Tuần Địa ngục từ đầu trong khi chúng tôi sắp xong đến nơi rồi.
Vào thứ Sáu, các huấn luyện viên đưa chúng tôi ra khu vực lướt sóng. Chúng tôi khoanh tay ngồi trong giá lạnh hướng ánh nhìn ra biển, cố gắng ở lại cùng nhau. Huấn luyện viên Stoneclam đứng trên bãi biển nói từ phía sau lưng chúng tôi. “Đây là lớp học đáng tiếc nhất mà chúng tôi từng biết. Lớp các anh thậm chí còn không giữ lại được một học viên sĩ quan nào”. Các sĩ quan và tân binh được huấn luyện cùng nhau. “Các anh không ủng hộ họ.
Các anh không hỗ trợ họ. Chính do các anh mà không còn sĩ quan nào ở lại. Bài tập cuối cùng này các anh làm chậm nhất từ trước tới giờ. Chúng tôi vừa nhận được chấp thuận của đại úy Bailey cho phép kéo dài Tuần Địa ngục thêm một ngày nữa.”
Tôi nhìn sang Rodney, bạn bơi của mình. Cậu ta dường như đang nghĩ giống tôi: Chết tiệt, chúng ta lại phải làm việc này thêm một ngày nữa. Được thôi, các ông đã quay chúng tôi lâu như vậy, vậy hãy cho chúng tôi làm cái trò ngu ngốc này thêm một ngày nữa đi.
Có một người, tôi không nhớ là ai, không định tham gia thêm một ngày nữa. Cậu ấy muốn bỏ cuộc. May mắn là cậu ấy đã không làm như vậy.
“Quay lại và nhìn vào tôi khi tôi đang nói chuyện với các anh!” − Huấn luyện viên Stoneclam nói.
Cứng đờ như những thây ma, chúng tôi quay lại.
Viên sĩ quan chỉ huy của chúng tôi đứng đó, đại úy Larry Bailey. Ông đã từng lãnh đạo một trong những trung đội đầu tiên của Đội SEAL 2 ở Việt Nam. Ông cũng từng hỗ trợ việc xây dựng Đội thuyền Đột kích của SEAL. “Chúc mừng các anh. Tôi tuyên bố các anh đã hoàn thành Tuần Địa ngục.”
Một vài người nhảy lên vì vui sướng, nhưng tôi cảm thấy tổn thương ghê gớm với kiểu chúc mừng như vậy. Randy Clendening trào nước mắt nhẹ nhõm; cậu ấy đã vượt qua mặc kệ căn bệnh viêm phổi thường trực trong người. Tôi đứng đó với một cái nhìn câm lặng. Tôi đang làm gì ở đây vậy? Tôi nhìn quanh. Mọi người đi đâu hết rồi? Chúng tôi khởi đầu với 10 hoặc 12 đội thuyền, 6 đến 8 người mỗi đội. Bây giờ chúng tôi chỉ còn 4 hoặc 5 đội thuyền. Tại sao những người đó bắt đầu Tuần Địa ngục nếu họ biết rằng họ không muốn nó? Họ không biết rằng họ không cần nó.
Các nhân viên y tế đưa Randy thẳng đến bệnh xá để kiểm tra sức khỏe. Họ cũng kiểm tra những người còn lại. Một vài người bị viêm da do nhiễm trùng từ các vết cắt ăn sâu vào trong da. Một số người khác thì bị giãn dây chằng ở khung xương chậu, trên hông, đầu gối, gây ra hội chứng đau buốt ở khớp (ITBS). Tất cả chúng tôi đều bị các vết sưng. Bác sĩ kiểm tra xuống bắp chân của tôi và bóp mạnh. Khi ông bỏ tay ra, tôi thấy vệt lõm hình bàn tay của ông hằn lên. Họ cũng kiểm tra “vi khuẩn ăn-thịt” (thật ra là vi khuẩn tiết độc tố hủy hoại da và cơ chứ không phải là vi khuẩn ăn thịt). Do chấn thương ở khắp người, từ đầu tới chân, nên chúng tôi là những món ăn ngon cho cái bọn vi khuẩn giết người ấy.
Tôi đi tắm, sau đó uống chút Gatorade. Trong doanh trại, trên đỉnh giá đựng đồ dùng cá nhân gắn với chiếc giường đôi có đặt chiếc áo phông màu nâu. Một người bạn đã tặng món quà đó cho tôi sau Tuần Địa ngục. Chúng tôi dùng tiền trợ cấp để tự mua đồ lót, nhưng chỉ những học viên đã hoàn thành Tuần Địa ngục mới được phép mặc áo phông màu nâu. Tôi vô cùng hạnh phúc khi có chiếc áo đó. Tôi nằm xuống và chìm vào giấc ngủ. Mọi người theo dõi chúng tôi trong khi chúng tôi ngủ để chúng tôi không bị ngạt thở, sặc nước bọt hay đơn giản là ngừng thở do quá mệt.
Ngày hôm sau, như mọi hôm, tôi lại trườn qua đỉnh cái giá đựng đồ dùng và nhảy ra khỏi giường, tuy nhiên những cái chân không nghe lời tôi. Tôi đập mặt vào bàn, máu từ mồm và mũi chảy ra. Tôi cố gắng gọi điện cho Laura (cuộc gọi do người nhận điện thoại trả tiền) để thông báo với cô ấy là tôi đã qua được Tuần Địa ngục nhưng khi người trực tổng đài bắt máy thì tôi nói không thành tiếng. Phải mấy giờ sau thì giọng nói của tôi mới hồi lại.
Một người lái xe đưa chúng tôi đến phòng ăn bằng một chiếc xe tải nhỏ. Mọi người giúp chúng tôi ra khỏi xe. Khi chúng tôi tập tễnh bước vào phòng, tất cả các con mắt dường như đổ dồn vào chúng tôi. Chúng tôi là những người vừa mới vượt qua “tuần đó”. Đó là tuần lễ lạnh nhất trong 23 năm: có những lúc mưa đá cứ rơi tới tấp xuống chúng tôi. Trong khi ăn, tôi nhìn sang bàn của những người đã bỏ cuộc trong Tuần Địa ngục. Họ tránh ánh mắt của chúng tôi.
Tôi đã van xin một trong số họ đừng rung chuông, nhưng cậu ta đã bỏ mặc Mike và tôi kéo chiếc thuyền đó. Ít nhất thì cậu ta cũng có thể chờ cho đến khi chúng tôi đã đưa được chiếc thuyền đó về doanh trại. Cậu ta bước đến bàn tôi và nói: “Mình xin lỗi.
Mình biết mình đã làm cậu thất vọng nhưng chỉ vì mình không thể chịu đựng thêm được một chút nào nữa.”
Tôi nhìn cậu ta: “Biến đi cho khuất mắt tôi.”
Việc huấn luyện tiếp tục một cách chậm chạp, bắt đầu bằng rất nhiều bài tập thể dục mềm dẻo. Sau đó tăng dần tốc độ, giới hạn thời gian chặt chẽ hơn, gia tăng các khoảng cách, bơi dài hơn, chạy xa hơn và thử nghiệm các bài tập vượt chướng ngại vật. Các bài kiểm tra lý thuyết cũng được tiếp tục. Trước Tuần Địa ngục, chúng tôi đã tập trung vào các chủ đề như sơ cứu và chèo thuyền. Bây giờ chúng tôi tập trung vào trinh sát thủy văn. Các tân binh như tôi phải đạt 70% trở lên. Mặc dù chúng tôi đã mất tất cả các sĩ quan, nhưng tiêu chuẩn với các sĩ quan là từ 80% trở lên.
Một bài tập mới mà chúng tôi phải đạt là bơi 50 mét dưới nước. Ở bể bơi, huấn luyện viên Stoneclam nói: “Tất cả các anh phải bơi 50m dưới nước. Các anh sẽ thực hiện một cú nhảy lộn nhào xuống bể, vì thế không được bắt đầu bằng việc lặn mà phải bơi ngang 25m. Chạm tay vào đích và bơi 25m quay trở lại. Nếu các anh nổi lên mặt nước dù chỉ một lần, các anh sẽ trượt. Đừng quên bơi dọc theo đáy bể. Áp lực gia tăng lên phổi sẽ giúp các anh nín thở được lâu hơn, nhờ đó có thể bơi được xa hơn.”
Tôi xếp hàng cùng với nhóm thứ hai gồm 4 học viên. Chúng tôi hoan hô khi nhóm thứ nhất bắt đầu. “Đạt đến sự vô thức tạm thời nhé”, một vài người chúng tôi nói. Đó là một cách tư duy mới ảnh hưởng đến các hoạt động trong tương lai – đẩy thân thể đến trạng thái vô thức.
Đến lượt mình, tôi thở nhanh để làm giảm lượng carbon dioxide trong người và làm thông mạch thở. Trong khi lộn nhào xuống bể, tôi mất vài hơi. Tôi tự định hướng và bơi chậm hết mức. Sau khi bơi 25 m, tôi đã gần tới phía bên kia. Khi quay lại, chân tôi chạm vào bức tường nhưng bị bật lại không mạnh lắm.
Cổ họng tôi bắt đầu co giật vì phổi cần thêm oxy. Đạt đến sự vô thức. Tôi bơi nhanh hết sức nhưng toàn thân chậm lại. Đường nhìn của tôi bắt đầu xám đi cho đến khi tôi nhận thấy mình đang nhìn về đích qua một đường hầm tối đen. Khi bản thân bắt đầu như mê đi, tôi thực sự cảm thấy thanh bình. Nếu tôi từng có ý nghĩ thoáng qua nào đó chuyện đuối nước thì chúng quả là đã biến mất rồi. Tôi cố gắng tập trung vào bức tường. Cuối cùng, tay tôi đã chạm vào nó. Huấn luyện viên Stoneclam chộp lấy dây thắt lưng của tôi và giúp tôi ra ngoài. Tôi đã đạt. Những người khác không may mắn như thế. Hai người đã bị trượt lần thứ hai và bị loại khỏi đợt huấn luyện. (Xin lưu ý là đừng thực hành bơi dưới nước hoặc nín thở ở nhà bởi vì nó sẽ giết chết bạn đấy).
Một bài tập quan trọng khác sau Tuần Địa ngục là thắt nút dây ở dưới nước. Chỉ mặc những chiếc quần soóc UDT, lớp tôi leo cầu thang bên ngoài lên đỉnh tháp lặn và bước vào trong. Ở bên trong, tôi đi xuống vùng nước ấm. Độ sâu là khoảng 20m. Tôi sẽ phải lặn xuống 5m và thắt 5 nút: nút thợ dệt, nút ghế đơn, nút cọc chèo, nút thắt góc vuông và nút kép đối xứng. Những nút thắt này nằm trong số những nút thắt mà chúng tôi phải sử dụng để thực hiện các hoạt động phá hoại. Ví dụ, nút thợ dệt và nút thắt góc vuông có thể dùng để nối phần đuôi của dây nổ. Chúng tôi đã thực hành những nút này vài tuần rồi, vì vậy tôi không thấy khó khăn, nhưng đây là lần đầu tiên tôi làm ở độ sâu 5m dưới nước.
Chúng tôi có thể buộc mỗi nút trong một lần lặn, nhưng tôi nghĩ lặn năm lần thì mệt quá. Chúng tôi cũng có thể lặn một lần để thắt 5 nút, tuy nhiên tôi không cho rằng phổi của tôi chịu được.
Chúng tôi có thể làm bất kỳ cách nào mình muốn. Tôi chào huấn viên Stoneclam, người đang đeo bình khí nén: “Xin phép thắt nút thợ dệt, nút ghế đơn và nút cọc chèo.” Ông chỉ ngón tay cái xuống đất, lệnh cho tôi lặn xuống. Tôi cũng chỉ ngón tay xuống, cho ông ấy biết rằng tôi đã hiểu. Stoneclam ra dấu một lần nữa và tôi đi xuống 5 m, nơi tôi phải buộc một đường dây điện vào tường. Tôi buộc 3 nút, sau đó ra dấu “xong” với huấn luyện viên.
Ông kiểm tra các nút thắt và ra dấu “được”. Tôi tháo chúng ra và ra dấu với ông. Ông xác nhận, chỉ ngón tay cái lên trời − cho phép tôi lên bờ.
Trong lần lặn thứ hai, tôi buộc hai nút cuối và ra dấu “xong”. Huấn luyện viên Stoneclam thậm chí không nhìn vào các nút thắt mà nhìn chằm chằm vào mắt tôi. Tôi nghĩ mình sắp gặp rắc rồi gì đây. Tôi chỉ ngón tay cái lên trời để đề nghị được đi lên, nhưng ông cứ nhìn chằm chằm. Độ sâu gây áp lực lên ngực tôi và cơ thể tôi thèm không khí. Tôi biết ông ấy đang chờ đợi điều gì và tôi sẽ không cho ông ấy thỏa mãn. Các huấn luyện viên SEAL đã dạy tôi rất rõ. Tôi có thể tự nổi lên hoặc là cơ thể tôi được kéo lên mặt nước khi tôi đã bất tỉnh. Cách nào cũng được. Ông mỉm cười và ra dấu “lên” trước khi tôi gần như sắp bất tỉnh. Tôi muốn phóng ngay lên trên, nhưng tôi không thể tỏ ra sợ hãi vì lao ngay lên mặt nước không phải là khôn ngoan. Tôi chậm chạp nhô lên. Đạt. Không phải tất cả các bạn lớp tôi đều may mắn nhưng họ sẽ có cơ hội thứ hai.
Trong Giai đoạn II, Chiến tranh Trên bộ, chúng tôi học chiến thuật thâm nhập bí mật, thủ tiêu lính gác, chỉ huy mật vụ/người dẫn đường, thu thập thông tin, bắt giữ địch, tìm kiếm, quản lý tù nhân, bắn súng, gây nổ… Khi còn nhỏ, tôi đã học cách chú ý tới các chi tiết để chắc chắn rằng không còn quả hồ đào nào dưới đất khi ba tôi về nhà để cái mông của tôi không bị quất roi. Lúc này cũng vậy, sự tập trung vào tiểu tiết sẽ giúp cái mông của tôi không bị bắn trúng hay nổ tung lên. Khả năng chú ý đến tiểu tiết đã giúp tôi chưa bao giờ gặp sự cố trong nhảy dù.
Chúng tôi trở thành những thành viên đầu tiên sống tại doanh trại mới ở ngay phía dưới bãi biển gần khu Coronado giàu có. Một chiều thứ Bảy, tôi ngồi trong phòng mình, đánh bóng đôi giày tác chiến trong rừng với Calisto, một trong hai sĩ quan Peru được huấn luyện BUD/S với lớp tôi. Họ cũng được huấn luyện theo lịch trình của chúng tôi, đúng theo ngày giờ. Cả hai người họ đều đã trải qua BUD/S của Peru, chương trình mô phỏng khóa huấn luyện của chúng tôi. Calisto và bạn mình đã phục vụ gần 10 năm với tư cách lính SEAL, trong đó có cả tác chiến thực. Qua họ, chúng tôi nắm được nhiều thông tin về chương trình huấn luyện.
Tôi hỏi anh ta: “Anh đã là một người lính SEAL của Peru rồi, tại sao anh vẫn tham gia lại khóa học này?”
“Phải đến đây mới trở thành một huấn luyện viên SEAL của Peru được.”
“Tôi hiểu anh sẽ được kính trọng hơn và tất cả…”
“Không phải kính trọng hơn. Nhiều tiền hơn.” Anh ta đi cùng gia đình và cuối tuần anh về với họ trong một căn hộ ở trung tâm. Họ mua nhiều quần Jean màu xanh và gửi về nhà. Anh ta giải thích rằng số tiền mà họ nhận được sẽ làm thay đổi cuộc sống của họ.
Họ là những sĩ quan duy nhất còn lại trong lớp tôi nhưng vì không phải là người Mỹ nên họ không thể chỉ huy chúng tôi. Mike H., binh sĩ hàm E-5, đứng đầu lớp tôi. Anh ấy và tôi cùng cấp hàm nhưng có thâm niên cao hơn. Chúng tôi không có “người ăn bánh” (sĩ quan từ cấp úy trở lên) nào. Các huấn luyện viên cấp hàm thấp có vẻ thích điều đó.
Ở Đảo San Clemente, tôi làm tổ trưởng và một lần đã dẫn tổ của tôi tấn công sai mục tiêu. Calisto chỉ huy chúng tôi lần tiếp theo. Anh ta quả là một hoa tiêu xuất sắc. Chúng tôi tấn công các huấn luyện viên trong khi họ vẫn đang ngồi quanh đám lửa trại mải mê trò chuyện. Tổ chúng tôi tấn công nhanh đến mức họ thậm chí còn chưa chuẩn bị được các khẩu M-60. Họ không vui. Họ thay đổi lộ trình thâm nhập của chúng tôi, bắt chúng tôi phải đi qua một cánh đồng xương rồng. Sau đó, các y tá phải cầm kìm đến để rút những cái gai ra khỏi chân chúng tôi.
Khi bị chất vấn, các huấn luyện viên giải thích: “Rất tiếc là chúng tôi phải phái các anh đi đường khác, nhưng lộ trình xâm nhập đã bị mất tác dụng”. Các huấn luyện viên luôn là người cười sau cùng.
Chúng tôi chạy trước khi ăn vào các ngày chẵn. Vào ngày lẻ, chúng tôi tập xà. Một hôm, số lần lên xà vừa thay đổi từ 19 lên 20. Tôi nghĩ mình mất trí rồi vì tụt khỏi xà sau khi đã đu được 19 lần.
“Wasdin, anh làm cái quái gì vậy?” – Một huấn luyện viên hỏi. “Mới có 19 thôi.”
Tôi không hiểu ông ấy đang hỏi tôi điều gì.
“Phải đạt 20 lần. Anh phải chắc chắn là anh biết đếm đến 20, nằm xuống và hít đất 20 lần cho tôi”.
Tôi hít đất 20 lần.
“Bây giờ lên lại xà và đu 20 lần.”
Điều đó đã không xảy ra. Ông có lẽ đã có thêm 3-4 lần đếm nữa trước khi cánh tay tôi rời khỏi xà.
“Nhận xuất MRE của anh và ra ngồi với sóng đi.”
Tôi ngồi trong nước biển lạnh giá và ăn một gói MRE (bữa ăn sẵn của quân nhân) lạnh ngắt. Randy Clendening và một vài người khác đến ngồi cùng tôi. Chúng tôi rét tím ngắt người lại.
Gương mặt của Randy vẫn tươi cười.
“Cậu cười cái quái gì vậy?” − Tôi hỏi. “Chúng ta đang ăn bữa MRE lạnh ngắt trong làn nước buốt giá ngập đến tận ngực.”
“Cố gắng làm như vậy mỗi ngày.” Randy luôn chạy kịp giờ nhưng lại trượt các bài tập đu xà. Mỗi ngày cậu ta đều ngồi trong nước biển ngập lên đến ngực và ăn món MRE lạnh ngắt vào mỗi bữa sáng, bữa trưa và bữa tối. Cậu ấy thích phương pháp huấn luyện này hơn tôi.
Sau đó, dù có thể gặp rắc rối với các huấn luyện viên nhưng tôi vẫn đánh liều đưa thức ăn vào doanh trại cho cậu ta vào những ngày lẻ. Những bạn khác cũng lén lấy thức ăn cho cậu ta. Tôi vô cùng kính trọng những người như Randy, người làm việc nghiêm túc hơn tất cả mọi người và bằng cách nào đó đã hoàn thành được BUD/S. Hơn cả những con linh dương đang chạy hàng đầu, hơn cả nhưng con cá đang bơi đầu đàn, hơn cả những chú khỉ đang đánh đu vượt qua chướng ngại vật – những người tưởng như yếm thế này lại tỏ ra rất cứng rắn.
Một trong những người yếm thế nổi tiếng nhất là Thomas Norris, lớp BUD/S 45. Norris muốn gia nhập FBI nhưng lại bị gọi đi quân dịch. Anh tham gia hải quân với mong muốn trở thành một hoa tiêu nhưng thị lực của anh không đạt. Vì vậy anh tự nguyện huấn luyện SEAL, nơi anh thường chạy và bơi ở nhóm chậm nhất. Các huấn luyện viên đã tính đến chuyện loại anh khỏi chương trình huấn luyện nhưng Norris không bỏ cuộc và đã trở thành một người lính SEAL ở Đội 2.
Tại Việt Nam, tháng Tư năm 1972, một máy bay do thám đi sâu vào vùng đối phương nơi có hơn 30 nghìn NVA (lính miền Bắc Việt Nam) đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công dịp lễ Phục sinh.
Chỉ có một thành viên phi hành đoàn còn sống sót. Nỗ lực giải cứu viên phi công này là phi vụ giải cứu tổn hại lớn nhất trong Chiến tranh Việt Nam với 14 người hy sinh, 8 máy bay bị bắn hạ, 2 người bị bắt và hai người khác bị kẹt lại trong vùng địch. Vì vậy người ta xác định rằng giải cứu đường không là không khả thi.
Trung úy Norris dẫn đầu một nhóm tuần tra SEAL Việt Nam Cộng hòa gồm 5 người, tìm được viên phi công trinh thám và đưa anh này trở về căn cứ tiền tiêu (FOB). NVA trả đũa bằng một cuộc tấn công bằng rocket vào FOB, giết hai lính SEAL Việt Nam Cộng hòa và một số người khác.
Norris và ba lính SEAL Việt Nam Cộng hòa còn lại thất bại trong nỗ lực giải cứu viên phi công thứ hai. Do tình hình bất đắc dĩ, hai người trong số họ không tình nguyện thực hiện nỗ lực giải cứu lần tiếp theo. Norris quyết định cùng người lính thứ ba tên Nguyễn Văn Kiệt. Họ làm điều đó nhưng thất bại.
Ngày 12 tháng Tư, khoảng 10 ngày sau khi máy bay đó bị bắn hạ, Norris nhận được một thông tin về địa điểm của viên phi công. Vào một đêm đầy sương, Norris và Kiệt cải trang thànhngư dân và chèo một chiếc thuyền tam bản trên sông. Bình minh lên, họ tìm thấy viên phi công bị giấu dưới những đám rau. Họ giúp anh ta lên thuyền, giấu anh ta dưới lượt lá tre và chuối. Một nhóm lính đối phương trên bờ phát hiện ra, nhưng họ không thể băng qua rừng rậm nhanh như việc di chuyển bằng thuyền trên sông của Norris và cộng sự. Khi ba người tới gần FOB, một nhóm tuần tra NVA phát hiện ra họ và trút những đợt súng máy hạng nặng xuống họ. Norris yêu cầu tiếp viện một cuộc tấn công đường không để chặn đứng kẻ thù và tạo màn khói che mắt họ.
Norris và Kiệt đưa viên phi công vào FOB. Ở đó Norris sơ cứu cho đến khi anh ta có thể được chuyển đi. Trung úy Thomas Norris được nhận Huân chương Danh dự. Kiệt nhận được Bội tinh Hải quân, danh hiệu cao nhất mà Hải quân có thể trao cho một người quốc tịch nước ngoài. Tuy nhiên câu chuyện về Norris vẫn chưa kết thúc.
Khoảng 6 tháng sau, anh lâm vào một tình huống khó khăn khác. Trung úy Norris chọn hạ sĩ Michael Thornton (Đội SEAL 1) để thực hiện một nhiệm vụ. Thornton chọn hai người lính SEAL Việt Nam, Đăng và Quân. Một sĩ quan Nam Việt Nam ốm yếu tên là Tài cũng đang ký tham gia nhóm này. Họ mặc quần áo màu đen như VC và mang theo AK-47 với rất nhiều đạn. Cả đội lái một chiếc ghe của Hải quân Nam Việt Nam (không có tàu của Hải quân Mỹ) ra Biển Đông, mở một chiếc thuyền cao su từ chiếc ghe rồi đi vào đất liền để nghe ngóng tin tức. Norris đi đầu, Thornton bảo vệ phía sau và những người lính SEAL Nam Việt Nam đi giữa. Chiếc ghe đã đưa họ đi rất xa về phía Bắc và trong khi trinh thám, họ nhận ra mình đang ở miền Bắc Việt Nam. Đang ẩn nấp, viên sĩ quan người Việt không hỏi ý kiến Norris hay Thornton mà tự ý ra lệnh cho hai người lính SEAL Việt Nam Cộng hòa đánh úp và tóm hai lính VC trong khi chưa chuẩn bị thật tốt. Những người lính này vật lộn với hai lính Bắc Việt.
Thornton lao vào và hạ gục một người bằng báng súng để anh ta không thể báo động cho ngôi làng gần đó. Người thứ hai thoát được và báo cho khoảng 60 bộ đội NVA. Thornton kêu lên: “Chúng ta gặp rắc rối rồi”. Những người lính SEAL băng bó cho người lính Bắc Việt bị hạ gục, sau đó bảo Đăng thẩm vấn khi anh ta tỉnh lại.
Norris và Đăng nổ súng bắn vào đối phương đang tiến đến gần. Giữa những lần bắn, Norris sử dụng điện đài trên lưng Đăng để gọi yểm trợ hỏa lực hải quân: xác định tọa độ, định vị, phát hỏa khi cần… Người trực tổng đài hải quân ở đầu dây bên kia (tàu của anh cũng đang nằm dưới hỏa lực của địch trong một trận chiến khác) hình như mới nhận việc nên không quen xử lý tình huống yểm trợ hỏa lực cho các lực lượng mặt đất. Norris gác điện thoại để nổ súng tiêu diệt thêm đối phương. Khi anh quay lại điện đài, cuộc gọi của anh đã được chuyển cho một chiếc tàu khác cũng đang nằm dưới hỏa lực của địch và không thể giúp đỡ.
Norris và Đăng vừa rút lui vừa bắn về phía đối phương.
Thornton cử viên trung úy Việt Nam đi đằng sau trong khi anh và Quân bảo vệ hai bên sườn. Thornton bắn hạ thêm một vài NVA, ẩn nấp rồi di chuyển sang vị trí khác và bắn thêm vài phát súng nữa. Thornton biết đối phương ở đâu vì họ nhô ra từ cùng một địa điểm, tuy nhiên đối phương thì không đoán được Thornton sẽ xuất hiện từ đâu và có bao nhiêu người cùng chiến đấu với anh. Vừa di chuyển về phía sau, Thornton vừa nổ súng và tiêu diệt những lính Bắc Việt chúi đầu xuống sau những đụn cát.
Sau khoảng 5 giờ chiến đấu, Norris liên lạc được với một con tàu có thể giúp được họ: Tàu Newport News.
Đối phương ném một trái lựu đạn vào Thornton. Thornton ném lại. Đối phương cũng ném trở lại. Thornton lại ném trả. Khi trái lựu đạn quay lại lần tiếp theo, Thornton quay người tránh. Lựu đạn phát nổ. Sáu mảnh đạn cắm vào lưng của Thornton. Anh nghe thấy Norris gọi: “Mike, Mike ơi!” Thornton lăn xuống giả chết. Bốn lính Bắc Việt chạy đến chỗ Thornton. Anh nổ súng vào cả bốn – hai người ngã xuống trước mặt anh, hai người khác ngã rạp về phía sau. “Mình ổn,” Thornton kêu lên: “Chỉ là mấy mảnh đạn thôi mà!”
Những người lính Bắc Việt bỗng yên lặng. Phía họ có tiểu đoàn NVA 283 giúp đánh thọc sườn những người lính SEAL.
Những người lính SEAL bắt đầu nhảy ếch để yểm trợ lẫn nhau. Norris nằm xuống trút hỏa lực để Thornton, Quân và Tài rút lui. Sau đó, Thornton và đội của anh làm tương tự để Norris và Đăng lùi ra phía sau. Khi Norris vừa nâng một khẩu súng chống tăng LAW lên để bắn thì một khẩu AK-47 của NVA bắn trúng mặt anh, làm anh bật tung khỏi đụn cát. Norris cố đứng dậy để phát hỏa nhưng đã ngất đi.
Đăng chạy lại phía Thornton. Hai phát đạn bắn trúng vào chiếc điện đài mà Đăng đang đeo trên lưng.
“Tommy đâu?” − Thornton hỏi. “Anh ấy chết rồi.”
“Anh chắc không?” “Anh ấy bị bắn vào đầu.” “Có chắc không?”
“Nhìn thấy anh ấy gục xuống rồi.” “Hãy ở lại đây. Tôi sẽ trở lại chỗ Tommy”.
“Không, Mike. Anh ấy chết rồi. NVA đang đến đấy.”
“Tất cả các cậu ở đây.” Thornton chạy 500m dưới làn mưa đạn để đến chỗ Norris. Có một vài NVA đang ở gần thi thể của Norris. Thornton nổ súng tiêu diệt họ. Khi đến bên Norris, anh nhận thấy viên đạn đã xuyên qua trán của Norris. Anh ấy đã chết. Thornton vác thi thể của Norris lên vai và chộp lấy khẩu AK. Thornton đã dùng hết tám quả lựu đạn, tất cả số rocket LAW của mình và chỉ còn một hoặc hai ổ đạn. Có vẻ như với anh mọi chuyện cũng sắp kết thúc rồi.
Đột nhiên, một loạt đạn từ tàu Newport News xé toạc không khí và lao đến như một chiếc Volkswagen nhỏ. Khi phát nổ, nó thổi tung Thornton xuống một đụn cát cao hơn 10m. Người của Norris bay qua người Thornton. Thornton đứng dậy và bước tới để nhấc Norris lên.
“Mike, Mike à,” − Norris thì thào. “Đồ chết tiệt. Cậu vẫn sống à!”
Thornton cảm thấy luồng sinh lực mới bừng lên. Anh nhấc Norris, đặt lên vai và bắt đầu chạy. Đăng và Quân nổ súng yểm trợ.
Pháo của tàu Newport News cho họ chút thời gian, nhưng hết mất rồi. Những loạt đạn của đối phương lại dội xuống họ.
Thornton chạy tới chỗ của Đăng và Quân: “Tài đâu rồi?”
Khi Thornton quay trở lại để đón Norris, viên trung úy Việt Nam ốm yếu đã biến vào dòng nước.
Thornton nhìn 2 người lính SEAL Việt Nam Cộng hòa: “Khi tôi kêu một, Quân bắn một loạt đạn. Khi tôi kêu hai, Đăng bắn một loạt đạn. Ba, tôi sẽ nổ một loạt. Rồi chúng ta sẽ nhảy ếch để yểm trợ nhau rút ra biển.”
Vừa bắn vừa rút lui, khi Thornton đến bờ sông, anh ngã xuống mà không nhận thấy rằng bắp chân của mình đã bị trúng đạn. Anh nhấc Norris lên và đưa Norris theo dưới cánh tay của mình. Ở trong nước, anh cảm thấy Norris cử động loạng choạng, thì ra anh đã để đầu của Norris ở dưới nước. Thornton nhấc đầu bạn mình lên. Áo phao của Norris được buộc vào chân theo cách hoạt động của Đội 2. Vì vậy, Thornton cởi áo phao của mình ra và mặc cho Norris, để giữ cả hai người họ nổi lên.
Quân run rẩy trong nước, hông bên phải của cậu ta bị trúng đạn. Thornton túm lấy cậu ta. Quân bám vào áo phao của Norris. Đăng giúp họ đạp nước tiến ra biển. Thornton thấy những viên đạn xuyên qua làn nước. Anh cầu nguyện: Chúa ơi, đừng để viên nào trúng vào con.
Norris tỉnh dậy. Anh không nhìn thấy viên sĩ quan người Việt: “Chúng ta có đủ người không?”. Tì vào người Thornton, Norris nhỏm lên và thấy viên sĩ quan người Việt đang bơi phía xa ngoài biển. Anh lại ngất đi.
Sau khi bơi đủ xa thoát khỏi tầm đạn của địch, Thornton và hai người lính Việt Nam Cộng hòa nhìn thấy tàu Newport News nhưng nó đã lướt đi vì nghĩ rằng những người lính SEAL đã chết.
“Bơi về phía nam,” Thornton nói. Anh băng đầu cho Norris bằng băng 10×10 cm nhưng không băng được toàn bộ vết thương.
Norris đang bị sốc.
Một nhóm lính SEAL khác đi trên một chiếc ghe để tìm kiếm đồng đội. Họ đã tìm thấy viên trung úy người Việt và chất vấn anh ta. Sau đó họ tìm thấy Thornton, Norris, Đăng và Quân.
Thornton điện cho tàu Newport News đến đón.
Khi lên được tàu, Thornton đưa Norris tới phòng y tế. Đội y tế đã làm hết mình để cứu Norris, nhưng cuối cùng các bác sĩ nhận định: “Cậu ấy sẽ không thể hồi phục được nữa.”
Norris được đưa đi cấp cứu ở Đà Nẵng. Từ đó, anh ta được đưa sang Philippines bằng máy bay.
Với hành động đó, Thornton được trao Huân chương Danh dự. Đây là trường hợp duy nhất khi một người được thưởng Huân chương Danh dự vì đã cứu được một người được thưởng Huân chương Danh dự. Những năm sau đó, Thornton giúp thành lập Đội SEAL 6 và trở thành một trong số những người chỉ huy của Đội.
Việc Norris sống sót chứng minh các bác sĩ đã sai. Anh được chuyển tới Bệnh viện Hải quân Bethesda, Maryland. Mấy năm sau đó, anh phải trải qua một vài cuộc đại phẫu khi đã mất một phần sọ và một mắt. Hải quân cho Norris nghỉ hưu, nhưng chỉ có ngày hôm qua là dễ thở thôi. Norris trở về với giấc mơ thời thơ ấu của mình: trở thành một nhân viên FBI. Năm 1979, anh đề nghị được cấp giấy chứng nhận không thương tật. Giám đốc FBI, William Webster nói: “Nếu anh vượt qua được bài kiểm tra như những người xin vào tổ chức này, tôi sẽ chứng nhận xóa hết thương tật cho anh.” Dĩ nhiên là Norris vượt qua. Sau đó, khi phục vụ trong FBI, Norris cố gắng trở thành một thành viên của Đội Giải cứu Con tin (HRT) mới được thành lập nhưng những viên công chức bàn giấy của FBI không muốn có một người một-mắt ở trong Đội. Danny Coulson, người thành lập HRT, nói: “Có lẽ chúng ta sẽ phải nhận thêm một người một-mắt được trao Huân chương Danh dự của Quốc hội nữa nếu cậu ấy xin vào nhưng tôi chấp nhận rủi ro.” Norris trở thành đội trưởng một đội đột kích. Sau 20 năm làm việc cho FBI, anh về hưu. Norris là người về đích cuối cùng khi tập chạy và tập bơi ở BUD/S, và chỉ có một mắt khi đến với FBI, nhưng anh luôn giữ lửa ở trong tim.
Những huyền thoại về Norris đã lan đến lớp học viên tham gia huấn luyện BUD/S, tuy nhiên tôi chỉ được biết anh khi tôi đã là một người lính SEAL. Trong một cộng đồng nhỏ và gắn bó như vậy thì tiếng tăm của một người lính SEAL, dù tốt hay xấu, cũng truyền đi rất nhanh. Danh tiếng đó bắt đầu ở BUD/S. Norris vẫn là một người yếm thế trong suốt quá trình phục vụ ở các đội SEAL và FBI. Bây giờ là lúc tôi phải gây dựng thanh danh của mình.
Trong một bài tập chạy đường dài, khi chương trình huấn luyện trên đảo của chúng tôi đã được nửa chặng đường, chúng tôi phải chạy sau một chiếc xe tải có mở nhạc. Tôi mường tượng thấy mình đang đeo phù hiệu SEAL. Hoặc là tôi về nhà trong một chiếc quan tài, hoặc là về nhà khi đeo phù hiệu ấy. Tôi sẽ vượt qua được đợt huấn luyện. Dường như hình ảnh đó đã giúp đầu óc tôi trở nên minh mẫn. Đó là lần đầu tiên và lần duy nhất tôi đạt điểm tối đa môn chạy. Có một số bạn thường xuyên nhận được mức điểm đó. Điều đó ám ảnh tôi mỗi lần tập chạy.
Trong Giai đoạn III, Giai đoạn Lặn, chúng tôi học định hướng dưới nước và các kỹ thuật phá hoại tàu. Một số bạn lớp tôi gặp khó khăn khi học lặn và các kỹ năng bơi ở bể. Tôi thì gặp khó khăn với kỹ thuật bơi đứng với két nước và giữ ngón tay nổi trên mặt nước trong 5 phút. Thế nào cũng sẽ có một huấn luyện viên ra lệnh: “Giơ ngón tay kia lên, Wasdin.” Và tôi sẽ làm theo.
BUD/S tạo cho chúng tôi niềm tin rằng chúng tôi có thể hoàn thành nhiệm vụ và không bao giờ được đầu hàng. Chưa có người lính SEAL nào từng bị bắt làm tù nhân chiến tranh cả. Thông điệp huấn luyện rõ ràng nhất mà chúng tôi nhận được từ BUD/S là phải quan tâm đến nhau − không được để đồng đội lại phía sau.
Chúng tôi được học nhiều nội dung huấn luyện chiến thuật liên quan đến rút lui, tẩu thoát và lấn trốn. Chúng tôi được dạy phải cứng rắn về tinh thần. Việc huấn luyện được lặp đi lặp lại cho đến khi các cơ bắp có thể tự động phản ứng. Bây giờ ngẫm lại, tôi nhận thấy chúng tôi được rèn luyện thần kinh thép ngay từ đầu giai đoạn huấn luyện. Kế hoạch huấn luyện của chúng tôi rất tỉ mỉ, thể hiện rõ trong các chỉ dẫn. Khi được tiếp xúc với lực lượng Lục quân, Hải quân, Không quân và Lính thủy đánh bộ, tôi nhận thấy chỉ có Lực lượng Delta là có chỉ dẫn tường tận như chúng tôi.
Niềm tin vào khả năng hoàn thành nhiệm vụ giúp người lính SEAL vượt qua được những rào cản về môi trường và thể chất, vốn có thể khiến anh thất bại. Chúng tôi thường nghĩ mình không thể bị tiêu diệt. Luôn lạc quan, ngay cả khi đối phương đông hơn và nhiều súng đạn hơn, chúng tôi vẫn tin rằng mình có cơ hội thoát ra, sống sót và trở về nhà để kịp dùng bữa tối.
Tuy nhiên, có những khi người lính SEAL không tìm được đường quay trở lại với Mẹ Đại dương và phải lựa chọn giữa việc chiến đấu tới cùng hoặc đầu hàng. Đối với nhiều chiến binh dũng cảm, tốt hơn là nên lựa chọn đầu hàng để được sống và chiến đấu tiếp − những người lính SEAL rất kính trọng các tù binh chiến tranh đó. Tuy nhiên, là lính SEAL, chúng tôi tin rằng đầu hàng sẽ là chịu thua, mà chịu thua thì không bao giờ là một lựa chọn cả. Tôi không muốn trở thành một dạng con bài mặc cả chính trị để chống lại nước Mỹ. Tôi không muốn chết đói trong trại giam hoặc bị chém và đưa hình lên Internet cho cả thế giới thấy. Quan điểm của tôi là nếu kẻ địch muốn giết tôi, họ sẽ phải giết tôi ngay.
Chúng tôi khinh bỉ những tên độc tài muốn điều khiển chúng tôi – những người lính SEAL tự quyết định số phận của mình. Thế giới của chúng tôi là chế độ nhân trị, nơi mà chúng tôi được tự do rời đi bất cứ lúc nào. Nhiệm vụ của chúng tôi là tự nguyện; tôi không thể nghĩ đến một nhiệm vụ nào khác không phải như vậy. Chúng tôi nguyện chiến đấu đến tận hơi thở cuối cùng và cố gắng tiêu diệt càng nhiều sinh lực địch càng tốt.
Laura và con trai Blake − giờ đã biết đi, đến dự lễ tốt nghiệp của tôi. Blake rung chuông cho tôi. Tôi bảo con: “Con sẽ không bao giờ phải tham gia BUD/S bởi vì con đã rung chuông rồi.” Khi đến tuổi thiếu niên, Blake có thể sẽ muốn trở thành một người lính SEAL, nhưng tôi khuyên con không nên làm như vậy. Hàng chục người trong thành phố quê hương tôi có thể sẽ có những đứa con muốn tham gia BUD/S nhưng tôi sẽ khuyên từng người một đừng chấp nhận điều đó. Nếu tôi khuyên được ai đó thì có nghĩa là tôi đã giúp họ tiết kiệm thời gian bởi vì họ không thực sự mong muốn điều đó. Còn nếu tôi không khuyên được họ đừng tham gia BUD/S thì có lẽ là họ thực sự mong muốn điều đó.
Sau BUD/S, chúng tôi lập tức tham gia huấn luyện đường không ở Fort Benning, Georgia, khu vực tập trung nhiều trường không quân và lục quân. Mùa hè nóng đến mức mà họ phải cho chúng tôi chạy qua vòi phun nước 3 lần mỗi ngày để làm mát người. Mặc dù vậy nhiều người vẫn gục xuống vì sốc nhiệt và mất nước. Một số người lính nói chuyện như thể khóa huấn luyện này là thứ khó khăn nhất thế giới. Họ nghĩ mình sẽ trở thành thành viên của lực lượng lính chiến tinh nhuệ nào đó. Tuy nhiên, với những người đến từ BUD/S thì khóa huấn luyện đường không này chỉ là chuyện nhỏ mà thôi.
“Việc này không khó đâu”, tôi nói, “Ở đây các anh được chị em động viên tinh thần vượt qua kỳ huấn luyện mà”. Tôi cảm thấy cứ như thể chúng tôi có thể hoàn thành hai tuần “huấn luyện tăng cường” của họ chỉ trong hai ngày.
Quy định của Lục quân không cho phép các huấn luyện viên để ai tập hít đất hơn 10 lần. Một huấn luyện viên đường không là một “anh già tốt bụng”, người luôn nhai thuốc lá Red Man trong miệng. Chúng tôi quây quần quanh ông, đề nghị ông cho tập hít đất nhiều hơn.
“Tập 10 cái, các anh hải quân”, ông nói. Chúng tôi hít đất mười lần rồi đứng dậy.
“Chết tiệt.” Ông nhổ miếng thuốc lá: “Quá dễ.” Chúng tôi nằm xuống và hít đất thêm mười lần nữa. “Chết tiệt. Quá dễ.”
Chúng tôi tập thêm 10 lần nữa.
Đến đêm, chúng tôi ra ngoài uống nước cho đến khuya. Đối với chúng tôi, huấn luyện không quân đúng là một kỳ nghỉ.
West Point cho phép các học viên sắp tốt nghiệp lựa chọn trường học trong mùa hè. Một số sĩ quan dự bị chọn trường Không quân. Có những người sẵn sàng đánh giày cho chúng tôi nếu chúng tôi kể cho họ nghe những câu chuyện về BUD/S. Tôi thấy mình như một người nổi tiếng vậy. Bây giờ nghĩ lại chuyện đó tôi thấy buồn cười. Họ là những sĩ quan dự bị từ một trường danh thế nhất của quân đội và họ đang đánh bóng đôi giày binh nhì E-5 của tôi để được nghe tôi kể về BUD/S. Tôi thậm chí còn chưa phải là lính SEAL và chưa từng tham gia trận chiến nào. Những người bạn ở West Point bị những câu chuyện của chúng tôi mê hoặc. Không lâu sau chúng tôi phải rời phòng để đến một nơi rộng rãi hơn bởi vì có quá nhiều người muốn nghe chuyện của chúng tôi.
Đến cuối kỳ huấn luyện không quân, chúng tôi đã hoàn thành năm lần nhảy “người treo trên dây” với dây mở dù tự động, nghĩa là dù tự động mở ra ngay sau khi chúng tôi rời khỏi máy bay mà không cần phải kéo dây dù. Đó là sự thật và còn rất vui nữa − nhưng niềm vui thật sự bây giờ mới bắt đầu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.