Hồi Ký Của Một Tay Súng Bắn Tỉa
Phụ lục
Seal Team 6: Biệt đội siêu bí mật
Vụ “hành thích” Osama bin Laden của SEAL Team 6 giúp soi rọi một chút ánh sáng vào biệt đội tinh nhuệ số 1 của quân đội Mỹ.
Có 79 biệt kích được giao nhiệm vụ tiêu diệt Osama bin Laden song vào phút cuối chỉ có khoảng hơn 20 người tiến vào dinh thự của thủ lĩnh Al Qaeda, xông vào phòng ngủ và bắn trùm khủng bố này ở cự ly gần.
Tất cả đều biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đang theo dõi trực tiếp hoạt động của họ tại Washington. Những người này được ca ngợi như những anh hùng tại Mỹ song sẽ không có cuộc diễu hành mừng chiến thắng nào dành cho họ.
Những biệt kích nói trên phục vụ trong một biệt đội có tên gọi không chính thức là SEAL Team 6 (Biệt đội SEAL số 6 – ST6), một đơn vị bí mật đến nỗi Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối thừa nhận trực tiếp sự hiện hữu của nó. Danh tính các thành viên của nó, dĩ nhiên, sẽ không được công bố vì lý do an ninh.
Nhân dạng của họ có thể sẽ được giữ bí mật vĩnh viễn.
Thành viên của biệt đội này từng săn lùng những tội phạm chiến tranh ở Bosnia, chiến đấu tại một vài chiến trường đẫm máu nhất ở Afghanistan và từng bắn chết 3 tên cướp biển Somalia trong chiến dịch giải cứu một con tin người Mỹ năm 2009.
Cuộc đột kích vào rạng sáng ngày 2 tháng 5 ở Pakistan cũng có thể xem là điểm son cho biệt đội từng can dự trong một số chiến dịch nguy hiểm nhất của quân đội Mỹ trong vài thập niên qua.
Leon Panetta, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nói các biệt kích SEAL lao vào nhiệm vụ với chỉ từ 60 đến 80% khả năng bin Laden có mặt trong ngôi nhà.
Ông Panetta nói các biệt kích phải thực hiện quyết định bắn bin Laden, người không mang vũ khí và có một khẩu súng trường trong tầm với, trong một phần giây, khi họ tìm thấy hắn ở phòng ngủ trên tầng ba.
Không hề có tranh luận giữa các thành viên của ST6 về việc họ có thực hiện quyết định đúng đắn khi bắn bin Laden hay không.
Don Shipley, một cựu thành viên của SEAL, nói: “Trong đêm tối, với đạn bay vèo vèo xung quanh và có nhiều người ngã xuống, nhiệm vụ của bạn là bắt sống hoặc giết chết bin Laden, ai biết được hắn ta giấu gì trong áo? Chuyện đó chỉ xảy ra trong một chớp mắt. Mục tiêu đang ở trước mắt và một cơ hội thứ hai sẽ phải trả giá bằng mạng sống”.
Lalo Roberti, một cựu thành viên SEAL khác từng tham gia vào một chiến dịch giải cứu nguy hiểm ở Afghanistan vào năm 2005, nói: “Với chúng tôi, để trúng đạn đã là dở, đặc biệt với những thành viên ST6”.
Trong hải quân Mỹ, các biệt đội SEAL bình thường được đánh số từ Đội số 1 đến Đội số 5 và Đội số 7 đến Đội số 10. Đội số 6 (ST6) được mô tả là đội “tinh nhuệ của tinh nhuệ” hay theo Roberti là “đội các ngôi sao”.
Tên gọi chính thức của ST6 là Nhóm triển khai chiến tranh đặc biệt của Hải quân Mỹ (US Naval Special Warfare Development Group) hay được gọi tắt là DEVGRU. Các thành viên của SEAL cho biết, ST6 được chọn thực hiện chiến dịch “hành thích” bin Laden, sứ mệnh đình đám nhất trong lịch sử của SEAL, bởi kỹ năng sát thương của họ trong các điều kiện phức tạp và mơ hồ.
Tất cả các thành viên của SEAL đều phải kinh qua những bước chuẩn bị khốc liệt, bao gồm 6 tháng huấn luyện tác chiến cơ bản dưới nước ở Coronado, California. Trong “tuần lễ địa ngục”, các tân binh chỉ được ngủ tổng cộng 4 tiếng trong suốt 5 ngày rưỡi chạy nhảy, bơi lội trong nước lạnh buốt và lội trong bùn lầy. Có khoảng 80% số ứng viên không vượt qua được vòng này và ít nhất có một người chết.
Với những ai thành công, họ sẽ được huấn luyện thêm sau đó. Sau nhiều năm làm thành viên SEAL bình thường, các ứng viên của ST6 được huấn luyện nhảy dù từ độ cao 9.000m với mặt nạ và chiếm lại một tàu du lịch bị tấn công. Chỉ có một nửa số thành viên của SEAL hoàn thành được khóa huấn luyện này.
Ryan Zinke, một cựu thành viên của ST6 đang là nghị sĩ ở bang Montana, cho biết các thành viên của biệt đội này có một tính cách nhất định. “Tôi sẽ dùng từ tự phụ và kiêu căng”, Zinke nói.
SEAL là từ viết tắt của nhóm từ chỉ phạm vi hoạt động đa dạng của họ gồm Sea (Biển) – Air (Không) – Land (Đất). Đơn vị này được Tổng thống John F. Kenedy thành lập vào năm 1962 như một cách thức để mở rộng chiến tranh không quy ước.
Biệt đội ST6 về sau được thành lập nhằm phản ứng trước chiến dịch giải cứu con tin thất bại ở Iran vào năm 1980, khi Lầu Năm Góc cảm thấy có nhu cầu về một cơ quan mà ngày nay được gọi là Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt, cùng với một đơn vị đặc biệt của Hải quân chuyên trách chống khủng bố.
ST6 có lịch sử chuyên tác chiến trên biển song trong một thập niên kể từ vụ khủng bố 11.9, đội đã tăng cường chiến đấu trên bộ ở Iraq và Afghanistan. Quy mô của ST6 được giữ bí mật song đội được cho là đã gia tăng quân số gấp hai lần lên thành gần 300 người kể từ đó.
Hiện tại, SEAL có khoảng 3.000 thành viên đang hoạt động, trong đó các đội số lẻ đóng tại Coronado và số chẵn đóng tại Virginia. ST6 trú đóng tại một căn cứ độc lập với các đội khác, tại bờ biển Virginia. “Tôi thường gọi đó là câu lạc bộ của những ông già”, Zinke nói.
Với sự gia tăng mức độ quan trọng của các chiến dịch đặc biệt và kiểu chiến tranh du kích, các thành viên của SEAL cũng đã chiếm giữ nhiều vị trí nổi bật trong quân đội Mỹ.
Quan chức lên kế hoạch và giám sát chiến dịch tiêu diệt bin Laden – Phó đô đốc William H. McRaven, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt (US Special Operations Command), là một thành viên của SEAL.
Ngày 4 tháng 5, Lầu Năm góc cũng thông báo Phó đô đốc Robert S. Harward Jr., một thành viên SEAL khác, sẽ trở thành Phó tư lệnh của Bộ Tư lệnh Trung bộ Mỹ (USCENTCOM, phụ trách Trung Á và Trung Đông), giúp ông trở thành quan chức cao cấp thứ hai của quân đội Mỹ tại Trung Đông.
Eric Greitens, một cựu thành viên SEAL từng viết cuốn sách “Trái tim và quả đấm” về kinh nghiệm của mình, nói các thành viên của SEAL thường bị hiểu nhầm là các biệt kích chết chóc nhất của Mỹ.
Dù theo như mô tả của Nhà Trắng, mức độ bạo lực của những tấm ảnh về bin Laden với lỗ đạn trên đầu có vẻ như góp phần nhấn mạnh tai tiếng này, ông Greitens cho biết thành viên của SEAL là những biệt kích sáng tạo, những người biết cách “thu thập tối đa thông tin tình báo mà họ có thể”.
Bất chấp sự thành công của chiến dịch, các cựu thành viên của SEAL cũng thừa nhận tính hiểm nghèo của cuộc đột kích và mức độ may mắn trong đó. Ông Shipley nói với một phóng viên của tờ New York Times: “Nếu mọi chuyện diễn biến theo chiều hướng xấu, cuộc trò chuyện giữa tôi và anh sẽ hoàn toàn khác biệt. Chỉ có hai chiều hướng trong các chiến dịch như thế − số không hoặc người hùng”.
SƠN DUÂN
(Theo New York Times) thanhniennews.com
Bật mí về biệt đội siêu đẳng tiêu diệt Bin Laden
Tiêu diệt trùm khủng bố nhanh gọn trong khoảng 40 phút và không để xảy ra thương vong nào cho mình, đội quân siêu đẳng của hải quân Mỹ đã hoàn thành sứ mệnh của mình.
Từ căn cứ không quân Ghazi ở Pakistan, chiếc trực thăng cải tiến MH-60 hướng về pháo đài ở Abbottabad, cách trung tâm thủ đô Islamabad của Pakistan khoảng 50km. Trên trực thăng là đội SEAL của Hải quân Mỹ, đã từ Afghanistan bay qua biên giới cùng với hiệu lệnh chiến thuật, những người thu thập tin tình báo và người chỉ đường dùng ảnh siêu phổ tối mật.
Sau loạt hỏa lực hơn 40 phút, 22 người thiệt mạng hoặc bị bắt. Một trong số những người đã chết là Osama bin Laden, trúng hai phát đạn vào phía trái mặt. Thi thể của trùm khủng bố được đưa lên trực thăng và máy bay trở lại nơi xuất phát. Một trong hai chiếc máy bay bị trục trặc kỹ thuật và bị quân Mỹ phá hủy, quan chức Nhà Trắng cho hay.
Nếu đó không phải là mục tiêu có giá trị, thì hành động vừa qua chỉ là sứ mệnh thường lệ của đội quân SEAL Team 6 (đội 6), một đơn vị được huấn luyện đặc biệt và bí ẩn. Cũng như các đơn vị đặc nhiệm khác, các thành viên của SEAL Team 6 đội một chiếc mũ len trùm đầu và cổ dày.
Được thành lập sau cuộc giải cứu 52 người Mỹ bị bắt làm con tin trong đại sứ quán Mỹ ở Tehran, Iran năm 1980, đơn vị này có nhiệm vụ thực thi các sứ mệnh tối mật, vốn bị chính phủ và quân đội Mỹ chính thức từ chối đảm nhận. Kết quả là họ thường được nói là “đặc vụ đen” – một thuật ngữ yêu thích của các nhà làm phim hành động Hollywood.
Để bổ sung cho không khí bí mật bao trùm quanh đội quân này, chỉ vài người ngoài quân đội dám chắc về tên gọi của đơn vị siêu đẳng. Tên gọi dài ngoằng đáng tín cậy nhất là NAVSPECWARDEVGRU viết tắt của Đội triển khai chiến tranh đặc biệt của hải quân, hoặc viết ngắn hơn là DEVGRU.
Tháng 3/1997, Tổng thống Mỹ Bill Clinton ký Sắc lệnh 13039 đặt tên cho đơn vị trên là NAVSPECWARDEVGRU. Tên gọi này sau đó được phổ biến cho các nhân viên trong quân đội Mỹ. Tuy nhiên, với vụ tiêu diệt Bin Laden vừa qua, có vẻ như đơn vị siêu đẳng trên sẽ được công chúng nhớ mãi với tên gọi SEAL Team 6.
SEAL là tên viết tắt từ chữ cái đầu của từ Biển (Sea) Không (Air) và Đất (Land), và đội SEAL của Hải quân chuyên trách các chiến dịch đổ bộ. Tuy nhiên, hành động gần đây của lực lượng này ở Pakistan cho thấy, các thành viên của SEAL có thể hoạt động trong bất cứ môi trường nào.
SEAL Team 6 là đơn vị tinh nhuệ trong đội quân tinh nhuệ. Đóng ở căn cứ không quân Oceana của hải quân ở Virginia, thành viên của Team 6 còn hơn cả các chiến binh tài giỏi. Hầu hết, họ đều giỏi một hoặc nhiều ngoại ngữ. Trong chiến dịch tiêu diệt Bin Laden vừa qua, một số thành viên của đội còn có thể nói tiếng Pasto. Các ứng viên được lựa chọn vào SEAL Team 6 có khả năng thích nghi với bất kỳ một môi trường nào.
Không có gì ngạc nhiên, việc huấn luyện đội viên SEAL cực kỳ khắc nghiệt và có một số trường hợp tử vong đã xảy ra, thường là trong quá trình huấn luyện chiến đấu, khi mà đạn thật được sử dụng.
Với một chế độ tập luyện đầy nguy hiểm nhằm chuẩn bị cho các thành viên khả năng tham chiến thật sự nên quân Mỹ không có bất cứ thương vong nào trong cuộc đột kích 40 phút ở Abbottabad. Điều này chứng tỏ sự hữu hiệu của quá trình huấn luyện.
Ngoài thành công trong cuộc tiêu diệt Bin Laden, Team 6 còn đạt được nhiều thắng lợi khác. Dù chúng ta không biết rõ mọi chiến dịch của đội quân siêu đẳng này, nhưng Team 6 có tham gia chiến dịch giải cứu Toàn quyền Grenada khi Mỹ chiếm hòn đảo này năm 1983 để lật ngược tình thế đảo chính. Những năm 1990, Team 6 đã tiêu diệt một số tội phạm chiến tranh ở Bosnia.
Song, cũng như các đơn vị khác, Team 6 cũng có những thất bại. Tháng 3/2002, trên đỉnh núi Takur Ghar ở đông nam Afghanistan, một chiếc trực thăng Chinook chở các thành viên của nhiều đơn vị đặc nhiệm Mỹ đã trúng lựu đạn. Trong khi phi công cố gắng kiểm soát máy bay, thành viên đội SEAL Team 6 Neal Roberts trượt khỏi cầu thang đổ bộ và rơi xuống núi. Dựa trên những bằng chứng pháp y thu thập được sau này cho thấy, Roberts bị một số chiến binh Al Qaeda bao vây và đã trụ được 30 phút cho tới khi bị giết. Tuy nhiên, trong lịch sử của SEAL, những trường hợp như trên rất hiếm.
HOÀI LINH
(Theo National Journal, Mail) vietnamnet.vn
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.