Lời thú tội của một sát thủ kinh tế
Chương 13: Nói chuyện với tướng toàn quyền
Lời mời đến thật bất ngờ. Một buổi sáng trong chuyến đi năm 1972, tôi đang ngồi trong văn phòng của mình tại Instituto de Recursos Hidraulicos y Electrificacion, một công ty điện lực thuộc sở hữu nhà nước. Khi tôi đang nghiền ngẫm bản thống kê thì có người gõ nhẹ vào cánh cửa mở. Tôi mời anh ta vào, mừng rỡ vì có cớ thoát khỏi những con số thống kê. Anh ta tự giới thiệu là lái xe của Tướng toàn quyền và giờ sẽ đưa tôi đến một trong những ngôi nhà của ông.
Một giờ sau tôi đã ngồi đối diện với Tướng Omar Torrijos. Ông ăn mặc giản dị theo kiểu truyền thống của người Panama: quần kaki, áo cộc tay cài khuy trước, màu xanh da trời nhạt với những hoa văn xanh lá cây nhã nhặn. Ông cao, cân đối và điển trai. So với một người đang gánh vác rất nhiều thứ, nom ông rất thoải mái. Một lọn tóc sẫm màu rủ xuống vầng trán cao. Ông hỏi tôi về những chuyến đi gần đây tới Inđônêxia, Guatemala và Iran. Ba quốc gia này khiến ông quan tâm, nhưng dường như ông đặc biệt tò mò về Quốc vương Iran, Quốc vương Monanuad Keza Pahalavi. Quốc vương lên ngôi năm 1941, sau khi cha ông bị Anh quốc và Liên Xô lật đổ vì buộc tội là có thông đồng với Hitler.
Torrijos hỏi: “Anh tưởng tượng được không, một người con lại tham gia vào âm mưu lật đổ chính cha mình?”
Người đứng đầu nhà nước Panama biết rõ về lịch sử của vùng đất xa xôi này. Chúng tôi nói về chuyện địa vị của Quốc vương vào năm 1951 đã bị đảo lộn như thế nào, và về việc chính Thủ tướng của ông ta – Mohammad Mossadegh đã buộc ông ta phải sống lưu vong ra sao. Torrijos biết, và hầu như cả thế giới đều biết rằng, chính CIA đã gán cho Thủ tướng cái mác cộng sản và cũng chính CIA đã can thiệp để khôi phục lại quyền lực cho Quốc vương. Song, ông không biết- hoặc ít nhất là không đả động gì đến những việc mà Claudine đã từng tiết lộ với tôi, về các thủ đoạn khôn ngoan của Kermit Roosevelt và rằng đó chính là sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa đế quốc, mầm mống dẫn đến thảm họa về một đế chế toàn cầu.
Torrijos nói tiếp: “Sau khi Quốc vương được phục hồi, ông ta tiến hành một loạt các chương trình đổi mới nhằm phát triển các ngành công nghiệp và đưa Iran tiếng sang kỷ nguyên hiện đại.”
Tôi hỏi ông làm sao ông lại biết nhiều về Iran như vây. “Để tôi giải thích cho anh rõ”. Ông ta trả lời: “Tôi không đánh giá cao con đường chính trị của Quốc vương- ông ta sẵn sàng lật đổ chính cha mình để trở thành một con rối trong tay CIA- nhưng dường như ông ta đang làm những điều tốt đẹp cho đất nước. Có lẽ tôi có thể học được điều gì đó từ ông ta. Nếu như ông ta tồn tại được.” “Ông nghĩ ông ta sẽ không đứng vững được sao?” “Ông ta có những kẻ thù rất mạnh.”
“Và một số vệ sĩ tốt nhất thế giới.” Torrijos nhìn tôi đầy mỉa mai. “Đội cảnh sát mật SAVAK của ông ta nổi tiếng là giết người không ghê tay. Điều đó không thu phục được mọi người. Ông ta sẽ không tồn tại được lâu đâu.” Torrijos dừng lại, nhìn xung quanh.
“Vệ sĩ ư? Tôi cũng có vài người.” Torrijos vẫy tay về phía cửa. “Ông nghĩ họ có thể cứu tôi trong trường hợp nước ông quyết định xóa sổ tôi hay không?” Tôi hỏi Torrijos xem liệu ông có thực sự tin vào điều đó có thể xảy ra hay không.
Cái nhướn mày của ông khiến tôi cảm thấy mình thật ngớ ngẩn khi hỏi câu đó. “Chúng tôi có kênh đào. Nó còn có ý nghĩa hơn cả Arbenz và United Fruit.”
Tôi đã nghiên cứu về Guatemala và tôi hiểu Torrijos muốn nói gì. Công ty United Fruit của Iran có ý nghĩa chính trị tương tự kênh đào Panama. Được thành lập từ cuối những năm 1800, United Fruit nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những thế lực hùng mạnh nhất ở Trung Mỹ. Đầu thập niên 50, ứng cử viên theo đường lối cải cách Jacobo Arbenz được bầu làm Tổng thống Guatemala trong một cuộc bầu cử mà khắp bán cầu ngợi ca là một hình mẫu cho tiến trình dân chủ. Khi đó, chưa đầy 3% dân số Guatemal chiếm tới 70% đất đai của nước này. Arbenz cam kết giúp người ngheo thoát khỏi đói nghèo. Ngay sau cuộc bầu cử, ông ta đã khởi xướng chương trình cải cách đất đai toàn diện.
“Người nghèo và tầng lớp trung lưu khắp Mỹ Latinh ca ngợi Arbenz”. Torrijos nói tiếp: “Cá nhân tôi coi ông ấy như một người hùng. Nhưng chúng tôi cũng dè chừng. Chúng tôi biết rằng United Fruit không ưa gì Arbenz vì công ty này là của những kẻ nắm giữ đất đai nhiều nhất và cũng tàn bạo nhất Guatemala. Họ cũng là chủ những đồn điền lớn ở Columbia, Costa Rica, Cuba, Jamaica, Nicaragua, Santo Domingo và cả ở Panama này nữa. Họ sẽ không chịu ngồi yên để cho những ý tưởng của Arbenz được thực hiện ở những nước còn lại đâu.”
Tôi biết những nước này: United Fruit đã mở một chiến dịch tuyên truyền cộng đồng rất lớn ở Mỹ nhằm thuyết phục công chúng và Quốc hội Mỹ rằng Arbenz là một phần trong âm mưu của Nga và rằng Guatemala là vệ tinh của Xô Viết. Năm 1954, CIA đã dàn xếp một cuộc đảo chính. Phi công Mỹ đánh bom thành phố Guatemala và vị Tổng thống được bầu một cách dân chủ Arbenz bị lật đổ. Đại tá Carlos Castillo Armas, một tên độc tài cánh hữu đã thế chỗ ông.
Chính phủ mới có được mọi thứ là nhờ United Fruit. Để trả ơn, họ đã đảo ngược công cuộc cải cách ruộng đất, bãi bỏ thuế đánh vào lợi nhuận và cổ tức trả cho nhà đầu tư nước ngoài, hủy bỏ chế độ bỏ phiếu kín và bỏ tù hàng nghìn người phản đối Chính phủ. Bất kỳ ai dám lên tiếng chống lại Castillo đều bị ngược đãi. Về sau, các nhà viết sử phát hiện ra rằng, bạo lực và chủ nghĩa khủng bố hoành hành ở Guatemala trong suốt những năm sau đó của thế kỷ XX là kết quả của quan hệ liên minh khá lộ liễu giữa United Fruit, CIA và quân đội Guatemala dưới sự thống trị của tên đại tá độc tài này.
“Arbenz đã bị ám sát.” Torrijos nói tiếp: “Một vụ ám sát điển hình mang màu sắc chính trị”. Ông dừng lại đầy bất bình: “Làm sao đồng bào ông ta có thể tiêu hóa nổi những thứ rác rưởi của CIA như vậy? Tôi sẽ không bao giờ để mọi thứ dễ dàng như vậy đâu. Quân đội ở đây là người của tôi. Một vụ ám sát chính trị sẽ chẳng có ý nghĩa gì.”
Ông cười. “Chính CIA sẽ phải giết tôi!” Trong một khoảng khắc, chúng tôi ngồi yên lặng, đắm chìm vào những suy nghĩ riêng. Torrijos lại lên tiếng trước. “Thế ông có biết ai sở hữu United Fruit không?” Ông ta hỏi.
“Công ty dầu lửa Zapata, công ty của George Bush – đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc.” “Một người đàn ông đầy tham vọng.” Ông nghiêng người về phía trước và hạ giọng: “Và hiện tôi đang chống lại những bạn hữu chí cốt của ông ta ở Bechtel.”
Điều này khiến tôi giật mình. Bechtel là hãng xây dựng và thiết kế mạnh nhất thế giới và thường xuyên cộng tác với MAIN trong các dự án. Trong kế hoạch tổng thể cho Panama, tôi đã coi họ là một trong những đối thủ chính của chúng tôi. “Ý ông muốn nói gì?” “Chúng tôi đang tính chuyện xây dựng một kênh đào mới, một kênh đào ở biển, không có cửa ngăn tàu. Nó cho phép các tàu cỡ lớn hơn đi qua. Có thể người Nhật sẽ muốn tài trợ cho nó.”
“Họ hiện là những khách hàng lớn nhất của kênh đào.” “Đúng vậy. Tất nhiên, nếu họ tài trợ cho dự án, họ sẽ là người xây dựng nó.” Điều này làm tôi chú ý. “Bechtel sẽ bị gạt ra ngoài cuộc chơi.” “Một công trình xây dựng lớn nhất cho tới nay.” Ông ta dừng lại: “Chủ tịch Bechtel là George Shultz, Bộ trưởng Tài chính của Nixon. Ông thử hình dung xem, nó sẽ như một cái tát đối với ông ta – chắc ông ta phải nổi điên lên mất. Cả Bechtel đầy rẫy toàn bạn bè của Nixon, Ford và Bush. Tôi nghe nói chính Tập đoàn Bechtel giật dây đảng Cộng hòa.”
Cuộc đối thoại này khiến tôi thực sự khó chịu. Tôi là một trong những người đang duy trì cái hệ thống mà ông khinh miệt và tôi chắc chắn ông biết điều đó. Việc tôi phải thuyết phục ông chấp nhận các khoản vay quốc tế để đổi lấy việc thuê các công ty xây dựng và lắp ghép của Mỹ dường như đã vấp phải một bức tường khổng lồ. Tôi quyết định phản đối ông. “Thưa ngài”, tôi hỏi, “lý do gì khiến ngài mời tôi tới đây?” Ông liếc nhìn đồng hồ và cười: “Phải rồi, đã đến lúc đi vào công việc của chúng ta. Panama cần sự giúp đỡ của ngài. Tôi cần sự giúp đỡ của ngài.”
Tôi sửng sốt: “Sự giúp đỡ của tôi? Liệu tôi có thể làm gì cho ngài?” “Chúng tôi sẽ lấy lại kênh đào. Nhưng như thế vẫn chưa đủ.” Ông ngả người trên ghế: “Chúng tôi còn phải trở thành hình mẫu cho mọi người noi theo. Chúng tôi phải chứng minh được rằng chúng tôi quan tâm đến người nghèo và vượt qua được mọi nghi ngờ cho rằng, quyết tâm giành độc lập của chúng tôi là không do sự sai khiến của Nga, Trung Quốc hay Cuba. Chúng tôi phải chứng minh cho thế giới thấy Panama là một quốc gia theo lẽ phải, chúng tôi không chống lại Mỹ mà chúng tôi chiến đấu vì quyền lợi của người nghèo.”
Ông bắt chéo chân. “Để làm được điều đó chúng tôi cần xây dựng một nền tảng kinh tế không giống với bất kỳ nước nào trên bán cầu này. Điện ư, vâng – nhưng điện phải đến được với những người nghèo nhất trong số dân nghèo của chúng tôi và phải được trợ cấp. Giao thông và viễn thông cũng vậy. Và đặc biệt là nông nghiệp. Làm cái đó cần phải có tiền – tiền của các ngài, của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ.”
Một lần nữa, ông nhoài người về phía trước. Mắt ông nhìn thẳng vào mắt tôi: “Tôi biết là công ty của ngài muốn có được nhiều công trình hơn và thường có được điều đó bằng cách thổi phồng quy mô của các dự án- các đường quốc lộ to hơn, nhà máy thủy điện lớn hơn, các cảng biển sâu hơn. Song lần này thì sẽ khác. Hãy cho tôi những gì tốt nhất cho đồng bào tôi, và tôi sẽ tặng các ngài tất cả những công trình mà các ngài muốn.”
Những gì ông đề nghị thật hết sức bất ngờ, nó làm tôi vừa sửng sốt vừa thú vị. Nó thách thức tất cả những gì tôi đã được học ở MAIN. Rõ ràng, ông biết viện trợ nước ngoài chỉ là một trò giả tạo- ông buộc phải biết. Nó sinh ra để làm giàu cho ông và trói buộc đất nước của ông bằng các khỏan nợ. Nó khiến Panama phải phục tùng Mỹ và chế độ tập đoàn trị. Nó buộc Châu Mỹ Latinh đi theo con đường “định mệnh”, mãi mãi vâng theo Washington và phố Wall. Tôi chắc ông ta biết rằng hệ thống này được dựng nên trên một giả định là, tất cả những người có quyền lực đều có thể bị mua chuộc. Việc ông quyết không lợi dụng nó để mưu lợi cá nhân sẽ la một mối đe dọa, một dạng hiệu ứng domino mới, có khả năng kích hoạt một chuỗi phản ứng dây chuyền và cuối cùng toàn bộ hệ thống sẽ bị lật đổ.
Qua chiếc bàn cà phê, tôi ngắm người đàn ông ngồi đối diện. Ông biết rõ rằng kênh đào mang lại cho ông một quyền lực đặc biệt, độc nhất vô nhị, và cũng đặt ông vào một tình thế vô cùng khó khăn. Vì vậy, ông phải hết sức thận trong. Ông tự coi mình là một trong số các nhà lãnh đạo của các nước kém phát triển (LDC). Nếu ông, giống người anh hùng Arbenz của mình, quyết đi theo một con đường riêng thì cả thế giới sẽ phải dè chừng. Cái hệ thống này sẽ phản ứng như thế nào? Mà cụ thể là Chính phủ Mỹ sẽ phản ứng như thế nào? Lịch sử Mỹ Latinh đã có không ít những gương anh hùng đã hy sinh.
Tôi cũng hiểu rằng mình đang được ngắm một người dám thách thức tất cả mọi sự biện minh mà tôi đã cố tạo ra cho những hành động của chính mình. Chắc chắn con người này cũng có những khiếm khuyết, song ông ta không phải loại cướp biển, không phải Henry Morgan hoặc Francis Drake- những tên giang hồ sử dụng công hàm của nhà vua Anh làm bình phong để hợp pháp hóa hoạt động cướp biển. Bức ảnh trên tấm áp phích kia không chỉ để mỵ dân. “Lý tưởng của Omar là tự do; chưa có một loại tên lửa nào được chế tạo ra có thể giết chết một lý tưởng!” Chẳng phải Tom Paine cũng từng viết ra những điều tương tự như vậy sao?
Dù vậy, nó vẫn làm tôi phân vân. Có thể lý tưởng sẽ không chết nhưng những người đi theo lý tưởng đó thì sao? Che, Arbenz, hay Allende. Và điều này dẫn đến một câu hỏi khác nữa: Tôi sẽ phản ứng thế nào nếu Torrijos lãnh vai trò một người tử vì đạo?
Khi chúng tôi chia tay cả hai đều hiểu rằng MAIN sẽ có được hợp đồng xây dựng kế hoạch tổng thể của Panama và tôi sẽ phải lo liệu để chúng tôi làm đúng theo yêu cầu của Torrijos.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.