Lời thú tội của một sát thủ kinh tế
Chương 14: Một chặng đường mới đầy nguy hiểm của lịch sử kinh tế
Là một Kinh tế trưởng, tôi không chỉ phụ trách một phòng của MAIN và chịu trách nhiệm về các nghiên cứu mà chúng tôi tiến hành trên toàn cầu, tôi còn phải nắm chắc các học thuyết cũng như xu hướng kinh tế hiện tại. Và những năm đầu thập niên 70 là thời điểm của những bước chuyển lớn trong kinh tế quốc tế.
Những năm 60, nhóm các quốc gia sản xuất dầu lửa đã lập ra tổ chức OPEC, chủ yếu là để đối chọi với thế lực của các công ty lọc dầu lớn trên thế giới. Iran cũng là một thành viên quan trọng. Mặc dù để chống lại Mossadegh, để có địa vị và có lẽ để giữ được tính mạng, Shah đã phải nhờ vào sự can thiệp bí mật của Mỹ- hoặc có lẽ chính vì sự thật đó- Shah nhận thức sâu sắc rằng tình thế có thể đảo ngược bất kỳ lúc nào. Lãnh đạo các quốc gia có nhiều dầu mỏ khác cũng chia sẻ suy nghĩ và cả sự hồ nghi này nữa. Họ thừa biết là, các công ty dầu khí quốc tế lớn, được biết đến dưới cái tên “Bảy chị em gái”, đã câu kết để hạ giá dầu – và vì vậy giảm cả những gì mà họ phải trả cho các nước sản xuất dầu – như một cách để thu được những khoản lợi nhuận trời cho. OPEC được lập nên để trả đũa điều đó.
Đầu thập niên 70, những điều đã dẫn đến cuộc khủng hoảng khi OPEC hạ gục những ngành công nghiệp khổng lồ. Một loạt các hoạt động được phối hợp một cách nhịp nhàng, kết thúc bằng lệnh cấm vận đầu năm 1973 mà biểu tượng là hàng dãy dài các ô tô xếp hàng tại các trạm xăng của Mỹ, đe dọa gây ra một thảm họa kinh tế sánh ngang với cuộc đại suy thoái những năm 30. Đây là một cú sốc mang tính hệ thống đối với nền kinh tế các nước phát triển, với quy mô lớn đến mức khó ai có thể tưởng tượng được.
Đối với Mỹ, không còn thời điểm nào có thể tồi tệ hơn thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng dầu lửa. Mỹ khi đó còn đang hoảng loạn, sợ hãi và ngờ vực, choáng váng vì cuộc chiến nhục nhã ở Việt Nam, cùng với một vị Tổng thống sắp từ chức. Những rắc rối của Nixon không chỉ nằm gọn trong khu vực Đông Nam Á hay vụ Watergate. Ông ta bước lên chính trường trong một kỷ nguyên mà khi hồi tưởng lại, người ta gọi đó là ngưỡng cửa mới của kinh tế và chính trị thế giới. Vào những ngày đó, “những gã nhỏ bé”, trong đó có cả các nước OPEC, dường như đang chiếm ưu thế.
Các sự kiện trên khắp thế giới cuốn lấy tôi. Chế độ tập đoàn trị nuôi sống tôi, song phần bí mật trong con người tôi vẫn thích thú theo dõi những bậc thầy của mình đang dần được đặt vào đúng vị trí. Tôi cho rằng điều đó sẽ xoa dịu phần nào những tội lỗi của mình. Tôi thấy bóng dáng của Thomas Paine, đứng ngoài các sự kiện, đang khích lệ sự phát triển của OPEC.
Không ai trong chúng tôi ý thức được đầy đủ tác động của lệnh cấm vận vào thời điểm nó xảy ra. Tất nhiên là chúng tôi có các học thuyết của mình nhưng chúng tôi không thể hiểu nổi những gì mà phải mãi về sau mới dần trở nên rõ ràng. Sau này chúng tôi mới biết rằng, sau cuộc khủng hoảng dầu lửa, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã giảm chỉ còn bằng một nửa tốc độ tăng trưởng của thập niên 50, 60 và phải chịu một áp lực về lạm phát lớn hơn rất nhiều. Cơ cấu tăng trưởng đã hoàn toàn khác và việc làm không được tạo ra nhiều như trước, kết quả là thất nghiệp tăng vọt. Thêm vào đó, hệ thống tiền tệ quốc tế cũng đã thay đổi. Chế độ tỷ giá hối đoái cố định vốn chiếm ưu thế từ cuối Thế chiến thứ II về cơ bản đã bị sụp đổ
Trong thời gian đó, tôi và bạn bè thường hay tụ tập vào bữa trưa hoặc đi uống bia sau giờ làm để bàn về những vấn đề này. Một vài người trong số này làm việc cho tôi- họ là những người rất thông minh, hầu hết còn trẻ, có tư duy độc lập, ít nhất là khi căn cứ vào các chuẩn mực truyền thống. Những người khác là các chuyên gia cố vấn cấp cao ở Boston hoặc giáo sư các trường đại học gần đó, một người là trợ lý của một nghị sĩ. Những buổi gặp gỡ thân mật này đôi khi chỉ có hai người nhưng cũng có lúc cả hơn chục người tham dự. Các cuộc tranh luận luôn luôn sôi nổi và ồn ào.
Nhìn lại những cuộc tranh luận này, tôi thấy ngượng vì mình đã luôn có cảm giác hơn hẳn những người khác. Có những điều tôi không thể nó với ai. Đôi khi, bạn bè tôi cũng phô trương khả năng của họ- các quan hệ với Beacon Hill hay Washington, những chức vị giáo sư và tiến sỹ. Tôi có thể đá lại với tư cách là một Kinh tế trưởng của một công ty tư vấn lớn, luôn đi khắp thế giới bằng vé máy bay hạng nhất. Song tôi không thể kể cho họ về những cuộc gặp riêng với những người như Torrijos, hay về cái cách chúng tôi thao túng các quốc gia ở khắp các lục địa. Điều này làm tôi vừa thất vọng vừa thầm kiêu ngạo.
Khi nói chuyện về quyền lực của “những nước nhỏ”, tôi phải tự kiềm chế mình rất nhiều. Tôi biết những điều mà không ai trong số họ có thể biết được. Rằng chính tập đoàn trị, các nhóm EHM của nó và cả những kẻ giết người thuê luôn đứng đằng sau mọi việc sẽ không bao giờ để cho các nước này nắm được quyền kiếm soát. Chỉ cần nhìn vào những vụ như Arbenz và Mossadegh- và gần đây hơn là vụ CIA lật đổ vị Tổng thống được bầu một cách dân chủ ở Chilê là Salvador Allende. Trên thực tế, tôi hiểu rằng cái thòng lọng của đế chế toàn cầu đang càng ngày càng thắt chặt hơn, mặc dù có sự xuất hiện của OPEC- hoặc, như khi đó tôi từng hồ nghi nhưng phải đến tận sau này mới khẳng định được, chính là nhờ có sự giúp đỡ của OPEC.
Chúng tôi thường tranh luận về những điểm tương đồng giữa hai thời kỳ đầu thập niên 70 và thập niên 30. Những năm 30 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong nền kinh tế quốc tế và cả trong những nghiên cứu, phân tích và nhìn nhận về kinh tế quốc tế. Thập niên đó mở cho kinh tế học trường phái Keynes, và ý tưởng cho rằng Chính phủ phải đóng vai trò chủ đạo trong quản lý thị trường và cung cấp các dịch vụ như y tế, trợ cấp thất nghiệp và các dạng phúc lợi xã hội khác. Nước Mỹ lúc đó đang dần tách khỏi những giả thiết truyền thống cho rằng thị trường có thể tự điều tiết và rằng Chính phủ chỉ nên can thiệp ở mức tối thiểu.
Cuộc suy thoái đưa đến một “Chính sách kinh tế – xã hội mới”, với các chính sách thúc đẩy quản lý kinh tế, thao túng tài chính của Chính phủ và sử dụng rộng rãi chính sách tài khóa. Thêm vào đó, cả cuộc suy thoái và Thế chiến thứ II đều dẫn đến sự hình thành các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ Quốc tế và Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch – GATT. Những năn 1960 đóng vai trò then chốt trong giai đoạn này và trong việc chuyển từ học thuyết tân cổ điển sang kinh tế học theo trường phái Keynes. Đó là thời kỳ của các Tổng thống Kennedy và Johnson, và có lẽ người duy nhất có ảnh hưởng quan trọng làRobert McNamara.
McNamara thường xuất hiện trong các cuộc thảo luận của chúng tôi- tất nhiên là vắng mặt. Tất cả chúng tôi đều biết đến danh tiếng nổi như cồn của ông ta, bắt đầu từ vị Giám đốc kế hoạch và phân tích tài chính của Công ty ô tô Ford năm 1949 đến chức Chủ tịch Ford năm 1960, là người đầu tiên không thuộc gia đình Ford được chọn làm lãnh đạo công ty. Chỉ sau đó ít lâu, Kennedy chỉ định ông ta làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
McNamara ủng hộ mạnh mẽ đường lối chính phủ của Keynes, bằng cách sử dụng các mô hình toán học và các tiếp cận thống kê để xác định lực lượng quân đội, cách phân bổ các nguồn vốn và các chiến lược khác ở Việt Nam. Chủ trương của ông ta về “sự lãnh đạo năng nổ” đã trở thành khẩu hiệu không chỉ cho các quan chức chính phủ mà cho cả giới kinh doanh. Nó hình thành nên cơ sở cho cách tiếp cận mang tính triết học mới trong giảng dạy quản lý tại các trường kinh doanh hàng đầu của Mỹ, và cuối cùng đưa đến một thế hệ các CEO mới, những người đi đầu trong cuộc chạy đua thiết lập nên Đế chế toàn cầu(1).
Khi bàn luận về những sự kiện thế giới, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vai trò của McNamara khi làm Giám đốc Ngân hàng Thế giới, vị trí mà ông ta nhận ngay sau khi rời khỏi ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Hầu hết bạn bè tôi đều tập trung vào chi tiết McNamara tượng trưng cho cái gọi là liên hợp công nghiệp-quân sự. Ông ta đã từng giữ những vị trí hàng đầu trong một tập đoàn lớn, trong nội các chính phủ và giờ đây là tại một ngân hàng có thế lực nhất trên thế giới. Sự vi phạm trắng trợn nguyên tắc phân chia quyền lực khiến nhiều người trong số họ ghê sợ. Có lẽ chỉ có duy nhất mình tôi là chẳng ngạc nhiên chút nào.
Giờ thì tôi biết rằng đóng góp lớn nhất và tai hại nhất vào lịch sử thế giới của Robert McNamara là lừa gạt để Ngân hàng Thế giới trở thành một bộ phận của đế chế toàn cầu ở quy mô chưa từng có. Ông ta cũng tạo ra một ngoại lệ. Khả năng gắn kết các thành phần của chế độ tập đoàn trị của McNamara còn được những người kế nhiệm ông ta tiếp tục hoàn thiện. Ví dụ, George Shultz là Bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng chính sách kinh tế dưới thời Nixon, sau đó là Chủ tịch Tập đoàn Bechtel và cuối cùng trở thành Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Reagan. Caspar Weinberger là Phó Chủ tịch Bechtel và Chủ tịch Hội đồng, sau đó là Bộ trưởng bộ quốc phòng thời Reagan. Richard Helms là Giảm đốc CIA thời Johnson và sau đó làm Đại sứ Mỹ tại Iran dưới thời Nixon. Richard Cheney làm Ngoại trưởng dưới thời George H.W.Bush, Chủ tịch Halliburton, và Phó tổng thống Mỹ thời George Bush. Ngay Tổng thống Mỹ, George H.W.Bush cũng bắt đầu từ vai trò người sáng lập tập đoàn dầu khí Zapata, rồi Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dưới thời Nixon và Ford, và là Giám đốc CIA thời của Ford.
Nhìn lại quá khứ, tôi kinh ngạc vì sự ngay thơ hồi đó. Xét trên nhiều khía cạnh, chúng tôi vẫn không thoát khỏi cách xây dựng đế chế theo kiểu cũ. Kermit Roosevelt đã chỉ ra cho chúng tôi một cách tốt hơn khi ông ta lật đổ nền dân chủ ở Iran và thay vào đó là một ông vua chuyên quyền. Chúng tôi, các EHM đang thực thi rất nhiều mục tiêu ở những nơi như Inđônêxia, Êcuađo; song Việt Nam lại vẫn là một ví dụ tuyệt vời cho việc chúng tôi vẫn dễ dàng quay trở lại các mô típ cũ thế nào. Chính OPEC, ẢRẬP XÊÚT sẽ nắm vai trò đi đầu trong việc thay đổi điều này.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.