Lời thú tội của một sát thủ kinh tế

Chương 2: “Không đường lui”



Về mặt luật pháp, MAIN là một công ty cổ phần không công khai; chỉ có khoảng 5% trong số 2.000 nhân viên sở hữu toàn bộ công ty này. Người ta gọi họ là các đối tác hay các hội viên, vị trí mà rất nhiều người ao ước. Chẳng những các đối tác có quyền sai khiến tất cả mọi người mà họ còn kiếm được rất nhiều tiền. Điểm khác biệt là họ kín đáo. Họ thân quen với các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các tập đoàn, những người luôn đòi hỏi các chuyên gia tư vấn, cũng giống như các luật sư và bác sĩ tâm lý của họ phải tuân thủ những chuẩn mực cực kỳ chặt chẽ về sự cẩn mật tuyệt đối. Nói chuyện với báo chí là điều cấm kỵ. Điều này đơn giản là không thể tha thứ được. Vì vậy mà hầu hết như chẳng có ai ngoài những nhân viên của MAIN biết về công ty, mặc dù nhiều người trong số họ có thể quen thuộc với những đối thủ của chúng tôi như Arthur D.Little, Stone & Webster, Brown & Root, Halliburton, và Bechtel.        

Cụm từ “những đối thủ” mà tôi dùng không chính xác lắm vì trên thực tế những công ty này cũng cùng hội cùng thuyền với MAIN. Phần lớn nhân viên có chuyên môn của chúng tôi là các kỹ sư, mặc dù chúng tôi chẳng hề có máy móc thiết bị gì và cũng chưa từng xây dựng dù chỉ là một kho chứa đồ. Nhiều nhân viên của MAIN từng tham gia quân đội; tuy nhiên, chúng tôi chẳng có liên hệ gì với Bộ Quốc phòng hay với bất kỳ đơn vị quân đội nào. Phương tiện làm việc của chúng tôi khác lạ đến nỗi trong những tháng đầu làm việc ở đó, tôi không thể hiểu nổi công việc thực sự của chúng tôi là gì. Điều duy nhất mà tôi biết là nhiệm vụ đầu tiên của tôi sẽ là Inđônêxia, trong một nhóm gồm 11 người, được cử đến để xây dựng quy hoạch năng lượng tổng thể cho đảo Java.         

Tôi cũng biết là Einar và những người có liên quan đến công việc này đang cố thuyết phục tôi rằng nền kinh tế Java sẽ tăng trưởng mạnh, và nếu tôi muốn được coi là một chuyên gia dự báo kinh tế giỏi (và nhờ vậy sẽ có cơ hội thăng tiến), tôi sẽ phải đưa ra những dự báo đúng như vậy.        

“Từ những biểu đồ trong bản dự báo”, Einar thường nói. Ông ta vung tay trên đầu: “Một nền kinh tế sẽ bay vút lên như một cánh chim”.        

Einar thường đi công tác ngắn hạn, chỉ trong vòng hai đến ba ngày. Không ai bàn luận gì về những chuyến đi này và có vẻ như chẳng ai biết là ông ta đi đâu. Lúc tôi có mặt ở văn phòng, ông ta thường mời tôi vào nói chuyện đôi lát bên tách cà phê. Ông hỏi về Ann, về căn hộ mới của chúng tôi và về con mèo mà chúng tôi mang về từ Êcuađo về. Và tôi cố tìm hiểu thêm về ông cũng như về điều mà mọi người trông chờ tôi thực hiện. Nhưng ông thường tránh không trả lời. Einar cực giỏi trong việc lái các câu chuyện sang hướng khác. Một lần, trong một cuộc nói chuyện tương tự, tôi thấy ông nhìn tôi rất lạ:        
“Anh không cần phải lo lắng đến thế”, ông ta nói. “Chúng tôi trông đợi nhiều ở anh. Mới đây tôi có đến Washington…” Ông kéo dài giọng và mỉm cười bí hiểm. “Dầu sao đi nữa, thì anh cũng nên biết rằng, chúng ta hiện có một dự án lớn ở Cô oét. Vẫn còn thời gian trước khi anh phải đi Inđônêxia. Tôi nghĩ anh nên dành thời gian trước khi anh phải đi Inđônêxia. Tôi nghĩ anh nên dành thời gian đó để nghiên cứu về Cô oét. Thư viện Công cộng Boston (BPL) có nguồn tư liệu rất lớn, và chúng tôi cũng có thể giới thiệu anh đến các thư viện của MIT và Harvard”.        

Sau cuộc nói chuyện hôm đó, tôi đã dành nhiều thời gian đến những thư viện này, đặc biệt là Thư viên Công cộng Boston, chỉ cách văn phòng có vài tòa nhà và rất gần với căn hộ của tôi ở Back Bay. Tôi trở nên quen thuộc với Cô oét, và đọc rất nhiều sách về thống kê kinh tế do Liên Hiệp Quốc, Quỹ tiền tệ (IMF), và Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành. Tôi biết, người ta đang mong chờ tôi xây dựng các mô hình kinh tế lượng cho Inđônêxia và Java. Tôi quyết định bắt đầu bằng cách làm một mô hình cho Cô oét.        

Tuy vậy, bằng cử nhân quản trị kinh doanh không chuẩn bị cho tôi thành một nhà kinh tế lượng, vì thế, tôi đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian để tìm hiểu về môn này. Tôi thậm chí còn đăng ký tham gia một vài khóa học về nó nữa. Trong quá trình hoc, tôi nhận thấy rằng, các số liệu thống kê có thể được trình bày theo nhiều cách để đi đến rất nhiều kết luận khác nhau, kể cả để làm theo ý thích của người phân tích.        

MAIN là công ty của phái mạnh. Vào năm 1971, chỉ có 4 phụ nữ nắm giữ các vị trí chuyên môn. Tuy nhiên, có khoảng 200 nhân viên nữ giữ các vị trí thư ký- mỗi vị phó chủ tịch và giám đốc công ty có 1 thư ký- và có cả một nhóm tốc ký, phục vụ những nhân viên khác. Tôi đã quen với sự bất bình đẳng giới này. Vì vậy mà một hôm, trong phòng tra cứu của Thư viện Công cộng Boston, tôi vô cùng sửng sốt trước những gì xảy ra.        

Một cô gái tóc nâu quyến rũ xuất hiện và ngồi vào chiếc ghế bên cái bàn đối diện với tôi. Trong bộ vét nữ xanh thẫm, trông cô ta thật sành điệu. Tôi đoán cô ta hơn tôi vài tuổi, song tôi cố không chú ý đến cô ta, và giả bộ thờ ơ. Vài phút sau, chẳng nói một lời, cô ta đẩy một cuốn sách đang mở về phía tôi. Trong đó có một danh mục các thông tin mà tôi đang tìm kiếm về Cô oét- và một tấm danh thiếp có tên cô ta, Claudine Martin, với chức danh chuyên gia tư vấn đặc biệt của Chas.T.Main,Inc. Tôi ngẩng lên, nhìn vào đôi mắt xanh nhạt của cô, và cô chìa tay ra.        

“Tôi được giao nhiệm vụ hướng dẫn anh”, cô ta nói. Có trong mơ tôi cũng không thể tưởng tượng được điều đang xảy ra với tôi.

Kể từ ngày hôm sau, chúng tôi gặp nhau ở căn hộ của Claudine trên phố Boston, cách Trung tâm Prudential nơi MAIN đặt trụ sở vài tòa nhà. Ngay từ đầu, Claudine đã giải thích, vị trí của tôi rất đặc biệt và vì vậy chúng tôi phải hết sức giữ bí mật. Cô cũng nói,  chẳng ai có thể nói cụ thể về công việc cho tôi cả vì không ai có quyền làm như vậy- trừ cô ta. Rồi Claudine cho tôi biết, nhiệm vụ của cô ta là biến tôi trở thành một sát thủ kinh tế (EHM).        

Cái tên đó đã đánh thức những giấc mơ trinh thám xưa cũ của tôi. Tôi bối rối vì tiếng cười bồn chồn của mình. Cluadine mỉm cười và cam đoan với tôi rằng, sự hài hước chính là một trong những lý do để họ chọn cụm từ này. “Ai có thể ngờ đó thật chứ?”, cô ta nói.        

Tôi phải thú nhận rằng mình chẳng hiểu tí gì về vai trò của một sát thủ kinh tế.        
“Anh không phải là người duy nhất không biết điều này”, cô cười lớn. “Sát thủ kinh tế là những con át chủ bài trong một ván bài bẩn thỉu. Không ai được biết về công việc của anh – thậm chí cả vợ anh”. Cô ta nghiêm giọng. “Tôi sẽ rất thành thật với anh, trong những tuần tới, tôi sẽ dạy anh tất cả những gì tôi biết. Sau đó anh phải lựa chọn. Quyết định của anh là cuối cùng. Một khi đã dấn thân vào, anh sẽ không có có đường lùi.” Kể từ đó, hiếm khi cô ta sử dụng tên đầy đủ; chúng tôi chỉ đơn giản là những EHM.        

Giờ thì tôi đã biết những gì mà khi đó tôi chưa biết. Thực sự là Claudine đã lợi dụng được tất cả những điểm yếu trong tính cách của tôi mà tập hồ sơ ở NSA đã phơi bày. Tôi không biết ai đã cung cấp cho Claudine các thông tin đó – Einar, NSA, phòng nhân sự của MAIN, hay một ai khác, chỉ biết rằng cô ta đã sử dụng chúng hết sức tài tình. Cô ta dùng cả sức hấp dẫn ngoại hình của mình, và cả lời nói để điều khiển tôi, mặc dù vậy, tất cả vẫn đúng mực, vẫn trong khuôn phép của những cách thức thông thường mà tôi đã thấy người ta áp dụng trong những phi vụ làm ăn tuy béo bở nhưng đầy mạo hiểm. Ngay từ đầu, Claudine biết rằng tôi không đời nào mạo hiểm cuộc hôn nhân của mình để tiết lộ ra những hoạt động của chúng tôi. Cô ta thẳng thắn đến tàn nhẫn khi nói về sự đen tối của những gì mà tôi sẽ phải làm.        

Đến giờ tôi vẫn không biết ai trả lương cho Claudine, tuy vậy chẳng có lý do gì mà không tin rằng đó là MAIN, như chính danh thiếp của cô ta cũng cho thấy. Nhưng khi đó, tôi quá ngây thơ, quá choáng váng và khiếp sợ nên không thể hỏi những câu hỏi mà giờ đây đã trở nên quá rõ ràng.        

Claudine nói rằng công việc của tôi nhằm hai mục tiêu chính. Trước tiên, tôi phải hợp lý hóa những khoản vay quốc tế khổng lồ mà sau này sẽ đổ trở lại MAIN và các công ty Mỹ khác (như Bechtel, Halliburton, Stone & Webster, và Brown & Root) qua các dự án xây dựng và công trình quy mô lớn. Sau đó, tôi sẽ làm cho những nước nhận các khoản vay này vỡ nợ (tất nhiên là sau khi họ đã trả tiền cho MAIN và các nhà thầu Mỹ khác) để vì thế mà các nước này sẽ mãi mãi phải chịu ơn chủ nợ. Nhờ vậy, mỗi khi chúng ta cần gì họ sẽ sẵn sàng đáp ứng, kể từ việc đặt các căn cứ quân sự, hay bỏ phiểu ở Liên Hợp Quốc, cho đến khả năng tiếp cận dầu và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.        

Claudine nói, công việc của tôi là dự báo tác động của việc đầu tư cho một nước hàng tỷ đô la. Cụ thể là tôi sẽ phải đưa ra những nghiên cứu về dự báo tăng trưởng kinh tế cho 20 đến 25 năm sau, và đánh giá tác động của hàng lọat các dự án. Ví dụ, nếu người ta quyết định cho một nước vay 1 tỷ USD để thuyết phục nước này không liên kết với Liên Xô, tôi sẽ phải so sánh giữa lợi ích của việc đầu từ cho một mạng lưới đường sắt quốc gia mới hoặc một hệ thống viễn thông. Hoặc người ta có thể bảo tôi rằng nước đó đang có cơ hội được tiếp nhận một hệ thống điện hiện đại. Và rằng nhiệm vụ của tôi là phải chứng minh được, một hệ thống như vậy sẽ mang lại mức tăng trưởng kinh tế đủ mạnh, tương xứng với khoản vay đó. Trong mọi trường hợp, yếu tố mang tính quyết định là tổng sản phẩm quốc dân GNP. Dự án thắng cuộc là dự án mang lại tốc độ tăng trưởng GNP trung bình hàng năm cao nhất. Nếu chỉ có một dự án cần được xem xét, tôi sẽ phải chứng minh rằng dự án đó sẽ mang lại những lợi ích tốt nhất cho GNP.        
Điều không bao giờ được nói ra trong những dự án kiểu này là chúng được dựng lên nhằm mang lại những khoản lợi nhuận béo bở cho các nhà thầu và chỉ làm lợi cho một số ít những người giàu có và có thế lực ở nước nhận dự án mà thôi, còn thì vẫn phải bảo đảm rằng, các nước này về lâu dài phải chịu phụ thuộc về tài chính và từ đó buộc phải trung thành với nước Mỹ. Khoản vay càng lớn càng tốt. Người ta đã không tính đến cái khả năng gánh nặng nợ đặt lên vai một nước sẽ cướp đi của những người dân khốn cùng ở nước đó sức khỏe, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác trong nhiều thập niên tiếp theo.        

Claudine và tôi đã tranh luận hết sức cởi mở về bản chất dối lừa của GNP. Ví dụ GNP có thể tăng ngay cả khi sự tăng trưởng đó có thể chỉ mang lại lợi ích cho một người, ví dụ như chủ một công ty dịch vụ công, trong khi phần đông dân chúng phải oàn vai gánh nợ. Người giàu càng giàu hơn, người nghèo ngày càng nghèo đi. Mặc dù vậy, theo những con số thống kê, điều này vẫn được nhìn nhận là tiến bộ kinh tế.

Như phần lớn các công dân Mỹ, hầu hết những người làm cho MAIN tin rằng chúng ta đang ban phát đặc ân cho các nước khác khi xây dựng các nhà máy điện, đường cao ốc, và cảng biển. Trường học và báo chí dạy chúng ta rằng, tất cả những việc làm của chúng ta xuất phát từ lòng bác ái. Trong nhiều năm trời, tôi được nghe đi nghe lại những câu nói như “Nếu họ đốt cờ Mỹ và biểu tình chống sứ quán của chúng ta thì tại sao chúng ta không bỏ đi khỏi cái đất nước chết tiệt của họ và để họ sa lầy trong chính sự nghèo đói của họ nhỉ?”        

Những người nói như vậy thường là những người có bằng cấp, bằng chứng cho thấy họ được giáo dục tốt. Song, họ không hề biết rằng, lý do chính để chúng ta đặt đại sứ quán của mình trên khắp thế giới là để phục vụ cho lợi ích của chính chúng ta, và trong nửa cuối thế kỷ XX, điều này có nghĩa là biến nước Mỹ thành một Đế chế toàn cầu. Bằng cấp cũng không làm cho họ hiểu biết hơn những tên thực dân thể kỷ XVIII khi những tên này tin rằng những người da đỏ đang chiến đấu bảo vệ đất đai của chính mình là tôi tớ của quỷ Sa tăng.        

Trong vài tháng sau đó, tôi sẽ phải đến đảo Java của Inđônêxia, khi đó được mô tả như một điểm có mật độ dân số đông nhất hành tinh. Rất ngẫu nhiên, Inđônêxia cũng là một nước Hồi giáo có nhiều dầu mỏ,…        

Đó sẽ là quân đôminô tiếp sau Việt Nam”, Claudine thường nói. “Chúng ta phải lôi kéo người dân Inđônêxia về phía mình. Chà, họ mà không theo chúng ta thì…” cô ta đưa ngón trỏ lên vạch ngang qua cổ và mỉm cười ngọt ngào. “Thôi, chỉ cần biết là anh phải đưa ra được một dự báo cự kỳ lạc quan về nền kinh tế, rằng nó sẽ lớn mạnh đến thế nào khi mà tất cả các nhà máy, mạng lưới điện được xây dựng. Dự báo đó sẽ khiến USAID và các ngân hàng quốc tế đồng ý cho nước này vay tiền. Tất nhiên, anh sẽ được trả công xứng đáng, anh có thể tiếp tục đến với những dự án khác ở những nơi mới lạ. Thế giới sẽ là của anh”. Song, cô ta cũng nói trước là vai trò của tôi sẽ vô cùng khó khăn. “Các chuyên gia ngân hàng sẽ bám sát anh. Nhiệm vụ của họ là tìm ra những kẽ hở trong các dự báo của anh- đó là nghề của họ. Phát hiện ra những điểm yếu của anh là công việc của họ”.        

Một hôm, tôi nhắc với Claudine là còn có 10 người khác nữa trong nhóm nhân viên của MAIN được cử đế Java. Liệu có phải tất cả họ đều đang được huấn luyện như tôi không? Claudine đảm bảo với tôi là không.        

“Họ là các kỹ sư”, cô ta nói. “Họ thiết kế các nhà máy điện, các mạng lưới truyền tải và phân phối điện, các cảng biển, đường bộ để chuyển tải nhiên liệu. Còn anh có nhiệm vụ dự báo tương lai. Các dự báo của anh sẽ quyết định quy mô của những hệ thống mà họ thiết kế- và vì thế cả quy mô của khoản vay. Anh thấy đấy anh là người quan trọng nhất”.

Mỗi lần ra khỏi căn hộ của Claudine, tôi tự hỏi liệu những điều mình đang làm có đúng không? Tự trong đáy lòng, tôi thấy nghi ngờ những việc mình đang làm. Nhưng rồi những chán nản của quá khứ cứ bám riết lấy tôi. Dường như MAIN đã mang lại cho tôi mọi điều mà từ trước tới nay tôi chưa bao giờ có. Tuy nhiên, tôi cứ tự hỏi, nếu ở địa vị của tôi, liệu Tom Pain có làm như thế không? Cuối cùng, tôi tự thuyết phục mình rằng chính bằng việc tìm hiểu nhiều hơn, và trải nghiệm những điều đó, sau này tôi sẽ có thể vạch trần nó- tham gia vào để hiểu là cách chứng minh xưa cũ nhất.        

Khi tôi nói điều này với Claudine, cái nhìn của cô ta khiến tôi bối rối. “Đừng có ngớ ngẩn thế. Một khi đã dấn thân vào, anh sẽ không có đường lui. Anh phải quyết định, trước khi tiến xa hơn nữa.” Tôi hiểu, và những gì Claudine nói khiến tôi hoảng sợ. Sau khi rời căn hộ của Claudine, tôi lang thang xuống đại lộ Commonwealth, qua phố Darmouth, và tự nhủ rằng mình là một ngoại lệ.        

Vài tháng sau, vào một buổi chiều, Claudine và tôi ngồi trên ghế sofa cạnh cửa sổ ngắm tuyết rơi trên phố Beacon. “Chúng tôi là một nhóm đặc biệt”, cô ta nói. “Chúng ta được trả công- rất hậu hĩnh- để đi khắp thế giới lừa đảo hàng tỷ đô la. Phần lớn công việc của anh là khuyến khích lãnh đạo các nước trên thế giới tham gia vào một mạng lưới vô cùng rộng lớn nhằm phục vụ cho lợi ích thương mại của nước Mỹ. Kết cụ là, các nhà lãnh đạo này sẽ bị sa lầy vào một mớ nợ nần. Gánh nặng nợ này bảo đảm rằng họ sẽ phải trung thành với nước Mỹ. Chúng ta có thể bòn rút của họ bất cứ khi nào chúng ta muốn- để thỏa mãn những nhu cầu kinh tế, chính trị hoặc quân sự của chúng ta. Đổi lại, các nhà lãnh đạo đó sẽ có cơ hội củng cố vị thế chính trị của họ bằng việc mang lại cho người dân của mình những khu công nghiệp, nhà máy điện, và sân bay. Cùng lúc, các công ty xây dựng và lắp ghép Mỹ cũng sẽ trở nên rất giàu có”.        

Buổi chiều đó, trong căn phòng yên ả của Claudine, thư thả ngắm những bông tuyết xoay xoay bên cửa sổ, tôi biết thêm về nguồn gốc công việc mà tôi sắp dấn thân vào. Claudine kể, trong hầu hết chiều dài lịch sử, các đế chế lớn đều được tạo dựng nhờ sức mạnh quân sự hoặc mối đe dọa của nó. Song, cùng với sự kết thúc của cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II, sự lên ngôi của Liên bang Xô viết, và nỗi ám ảnh về sự hủy diệt của vũ khí hạt nhân đã khiến chiến tranh trở thành một giải pháp quá nguy hiểm.

Năm 1951 là thời điểm mang tính quyết định khi Iran vùng lên chống lại một công ty dầu khí Anh đang khai thác tài nguyên thiên nhiên và bóc lột người dân nước này. Công ty này chính là tiền thân của tập đoàn dầu mỏ BP ngày nay. Thủ tướng Iran, người được bầu hết sức dân chủ và chiếm được lòng dân (người đã từng đạt danh hiệu Người đàn ông của năm do tạp chí Time bình chọn năm 1951), Mohammad Mossadegh, đã tiến hành quốc hữu hóa tất cả các tài sản dầu khí của Iran. Bị lăng nhục, nước Anh đã tìm sự giúp đỡ từ đồng minh trong Thế chiến Hai, đó là Mỹ. Song, cả hai nước đều sợ rằng sự trả đũa bằng quân sự sẽ khiến Liên Xô đứng ra thay Iran hành động.        

Do vậy, thay vì cử binh chủng lính thủy đánh bộ đến Iran, Washington đã phái nhân viên mật vụ CIA Kermit Rooservelt (cháu nội của Theodore) đi. Anh ta đã hoàn thành sứ mệnh một cách hoàn hảo, lôi kéo người dân Iran bằng cả tiền và những lời đe dọa. Rồi anh ta xúi giục họ dấy lên hàng loạt những vụ phá rối trên đường phố và các cuộc biểu tình bạo động, nhằm tạo ấn tượng là Mossadegh không được lòng dân và không có năng lực lãnh đạo. Cuối cùng, Mohammad Reza Sha, một kẻ thân Mỹ lên nắm quyền và trở thành một tên độc tài chưa từng có. Kermit Roosevelt đã dựng lên một vũ đài cho một nghề nghiệp mới, cái nghề mà tôi sắp bước vào.(1)        

Viên gạch đầu tiên mà Rooservelt đặt đã tái hiện lịch sử của Trung Đông, đồng thời biến tất cả những chiến lược nhằm mưu đồ quyền lực trước đây trở nên lạc hậu. Nó diễn ra cùng lúc với việc bắt đầu hàng loạt các cuộc thử nghiệm “can thiệp quân sự phi hạt nhân”, mà cuối cùng đưa đến sự thất bại ê chề của Mỹ ở Triều Tiên và Việt Nam. Đến năm 1968, năm mà tôi được NSA phỏng vấn, thì vấn đề đã trở nên khá rõ ràng. Nếu muốn thực hiện giấc mơ trở thành một đế quốc toàn cầu (như nguyện vọng của Tổng thống Johnson và Nixon), thì Mỹ buộc phải áp dụng chiến lược kiểu như Rooservelt đã thực hiện ở Iran. Đó là cách duy nhất để đánh bại Liên Xô, đồng thời tránh được hiểm họa bùng nổ một cuộc chiến tranh hạt nhân.        

Song còn một vấn đề nữa. Kermit Rooservelt là một nhân vật của CIA. Nếu bị bắt, hậu quả sẽ thật kinh khủng. Anh ta đã dàn dựng thành công âm mưu lật đổ một chính phủ nước ngoài đầu tiên của Mỹ, và nhiều người sẽ nối tiếp anh ta, nhưng điều quan trọng là tìm cách giấu đi vai trò của Washington. Thật may cho các nhà chiến lược, những năm 60 còn chứng kiến một cuộc cách mạng khác nữa: đó là việc trao quyền cho các tập đoàn quốc tế và các tổ chức đa quốc gia như Ngân hàng Thế giới- WB, Quỹ tiền tệ- IMF chủ yếu do Mỹ và các cường quốc chị em ở Châu Âu tài trợ. Mối quan hệ hai bên cùng có lợi giữa các chính phủ, các tập đoàn, và các tổ chức đa quốc gia được hình thành. 

Vào thời điểm tôi ghi tên vào khoa quản trị kinh doanh của BU, giải pháp cho vấn đề Roosevelt- là mật vụ CIA đã được đưa ra. Các cơ quan tình báo Mỹ – trong đó có NSA có nhiệm vụ phát hiện những người có khả năng trở thành EHM, và sau đó các tập đoàn quốc tế sẽ thuê họ. Các EHM này sẽ không bao giờ nhận lương từ chính phủ; thay vào đó, khu vực tư nhân sẽ trả lương cho họ. Kết quả là, các công việc bẩn thỉu của họ, nếu có bị bại lộ, sẽ chỉ bị coi là sự hám lợi của các tập đòan chứ không phải do các chính sách của chính phủ. Hơn nữa, các tập đòan thuê họ, dù được các tổ chức chính phủ và các đối tác ngân hàng đa quốc gia trả lương (bằng tiền của công chúng, được bảo vệ bởi một hàng rào luật pháp với những điều luật như luật thương hiệu, luật thương mại quốc tế và luật về tự do thông tin.(2) 

“Anh thấy không”, Claudine kết luận, “chúng ta chỉ là thế hệ tiếp bước một truyền thống đáng tự hào có từ khi anh còn học lớp một”. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.