Lời thú tội của một sát thủ kinh tế
Chương 20: Sự sụp đổ của một vị vua
Một buổi tối năm 1978, khi đang ngồi một mình tại quầy bar sang trọng bên ngoài tiền sảnh Khách sạn InterContinent ở Têhêran, chợt ai đó vỗ vào vai tôi. Tôi quay lại. Trước mặt tôi là một người Iran to béo, mặc complet. “John Perkins! Không nhận ra tôi sao”. Chàng cựu cầu thủ bóng đá đã lên cân khá nhiều song giọng nói thì không lẫn vào đâu được. Đúng là Farhad, người bạn cũ của tôi ở Middlebury mà tôi đã không gặp hơn mười năm nay. Chúng tôi ôm lấy nhau, rồi cùng ngồi xuống trò chuyện. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng Farhad biết tất cả mọi thứ về bản thân tôi và về công việc của tôi. Nhưng rõ ràng là anh không hề có ý muốn nói cho tôi biết về công việc của mình.
Khi chúng tôi bắt đầu gọi đến lượt bia thứ hai, Farhad nói: “Thôi, đi thẳng vào vấn đề nhé. Ngày mai tôi sẽ bay sang Roma. Cha mẹ tôi đang sống ở đó. Tôi cũng đã mua vé cho anh đi cùng chuyến bay của tôi. Anh phải rời khỏi đây. Mọi thứ ở đây đang đảo lộn hết cả rồi.” Anh đưa tôi vé máy bay. Ngay lập tức, tôi tin anh.
Đến Roma, chúng tôi ăn tối với cha mẹ của Farhad. Cha anh, một vị tướng Iran nay đã nghỉ hưu, đã từng đứng ra đỡ đạn cho Quốc vương khi ông ta bị ám sát. Nhưng giờ đây những ảo tưởng của ông về Quốc vương đã tan vỡ. Ông nói, những năm gần đây, Quốc vương đã bộc lộ rõ bản chất của mình, lộ rõ sự ngạo mạn và tham lam của ông ta. Vị tướng già lên án, chích sách của Mỹ – mà cụ thể là chính sách ủng hộ Ixaren, hậu thuẫn cho các nhà lãnh đạo tham nhũng và chính phủ chuyên quyền bạo ngược – đã làm dấy lên sự căm thù, oán hận ở khắp Trung Đông. Ông tiên đóan, Quốc vương sẽ sụp đổ chỉ trong vòng vài tháng tới. Ông nói: “Anh biết đấy, chính các anh đã gieo những mầm mống nổi nổi loạn từ đầu những năm 50 khi lật đổ Mossadegh. Hồi đó các anh nghĩ đó là một cách khôn ngoan, và tôi cũng vậy. Nhưng giờ đây, các anh và cả chúng tôi nữa đang phải gặt lấy những gì mà các anh đã từng gieo.” (1)
Tôi sững sờ trước lời tuyên bố của vị tướng già. Tôi đã từng nghe Yamin và tiến sỹ nói đến những điều này, nhưng khi những lời đó do chính vị tướng già này nói ra thì nó mang một ý nghĩa khác hẳn. Tính đến khi đó, tất cả mọi người đều biết đến sự tồn tại một thế giới ngầm của những người Hồi giáo cực đoan, nhưng chúng tôi tự thuyết phục mình rằng Quốc vương được đa số người dân yêu mến và vì thế ông ta có ảnh hưởng hơn bất cứ ai về mặt chính trị. Tuy nhiên, vị tướng già, cha của Farhad rất kiên quyết:
“Hãy ghi nhớ những gì tôi nói”, ông trịnh trọng tuyên bố, “sự sụp đổ của Quốc vương chỉ là sự khởi đầu. Nó báo trước cho chúng ta biết thế giới Hồi giáo sẽ đi tới đâu trong tương lai. Sự phẫn nộ của chúng tôi đã được nung nấu quá lâu dưới lớp cát kia. Sớm muộn gì, cơn giận dữ đó cũng sẽ bùng lên”.
Trong suốt bữa tối, tôi được nghe rất nhiều về Ayatollah Ruhollah Khomeini. Cả Farhad và cha anh đều không tán thành chủ nghĩa Shiite cuồng tín của Khomeini nhưng rõ ràng là họ đánh giá rất cao những gì Khomeini đã làm để chống lại Quốc vương – hai cha con Farhad cho tôi biết Khomeini là một giáo sỹ, sinh năm 1902 trong một gia đình trung thành với trường phái Shiite ở một ngôi làng gần Têhêran, và Khomeini có nghĩa là “Được Chúa Trời tạo ra”
Khomeini đã quyết định không tham gia vào những cuộc chiến giữa Quốc vương và Mossadegh vào đầu những năm 50, song đến thập kỷ 60, ông ta lại tích cực phản đối Quốc vương và chỉ trích nhà cầm quyền gay gắt đến mức ông ta bị trục xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó là đến thánh địa của người Shiite ở An Najaf, Iraq. Ở đây, ông ta trở thành người lãnh đạo nổi tiếng của phe đối lập. Ông liên tục viết những lá thư, bài báo, truyền thông điệp qua băng ghi âm nhằm kích động người Iran đứng lên lật đổ Quốc vương và thành lập một nhà nước của các giáo sỹ.
Hai ngày sau bữa tối của tôi với cha con Farhad, tôi được tin về những vụ đánh bom và nổi dậy ở Iran. Ayatollah Khomeini và các giáo sỹ bắt đầu tấn công và nhanh chóng giành quyền kiếm soát. Sau đó, mọi thứ diễn ra rất nhanh. Cơn thịnh nộ mà cha Farhad nhắc tới đã bùng nổ thành một cuộc nổi dậy đầy bạo lực của người Hồi giáo. Quốc vương phải bỏ chạy sang Ai Cập vào tháng 1 năm 1979, và sau đó, được chuẩn đoán là bị mắc bệnh ung thư, và ông ta đã đến New York chữa trị.
Những người theo Ayatollah Khomeini đòi Quốc vương quay trở lại Iran. Tháng 11 năm 1979, một nhóm sỹ quan Hồi giáo đã chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ tại Têhêran, bắt 22 người Mỹ làm con tim trong 444 ngày. Tổng thống Carter đã rất nỗ lực đàm phán để giải cứu cho các con tin này. Khi các nỗ lực đàm phán không mang lại kết quả, tháng 4 năm 1980, Tổng thống đã hạ lệnh cho quân đội tấn công giải cứu con tin. Sự kiến này đã trở thành một thảm họa, và được ví như chiếc đinh cuối cùng đóng lên chiếc quan tài chôn vui chức tổng thổng của Carter.
Trước sức ép rất lớn từ các nhóm chính trị và thương mại Mỹ, Quốc vương vốn đang mang trong mình căn bệnh ung thư đã buộc phải rời khỏi nước Mỹ. Khi về đến Têhêran, ông ta chẳng tìm được chỗ nào để ẩn náu; tất cả bạn bè cũ đều xa lánh ông ta. Song, Tướng Torrijos, với lòng nhân ái vốn có đã cho phép Quốc vương tị nạn chính trị ở Panama dù bản thân ông không ưa gì quan điểm chính trị của Quốc vương. Nơi trú ẩn cuối cùng của Quốc vương lại chính là nơi mà gần đây diễn ra các cuộc đàm phán về Hiệp ước Kênh đào Panama mới.
Các giáo sỹ yêu cầu trao đổi Quốc vương với các con tin trong Đại sứ quán Mỹ tại Têhêran. Những người trước đây phản đối việc ký kết Hiệp ước nói trên đã buộc tội Tướng Torrijos là tham nhũng và câu kết với Quốc vương, đe dọa tính mạng các công dân Mỹ. Họ đòi phải giao nộp Quốc vương cho Ayatollah Khomeini. Điều nực cười là, chỉ vài tuần trước đó, nhiều người trong số họ còn là những kẻ ủng hộ Quốc vương trung thành nhất. Vua của các vị Vua lừng lẫy một thời, cuối cùng được đưa trở về Ai Cập và sau đó mất tại đây vì bị ung thư.
Tiên đoán của tiến sỹ đã thành sự thật. MAIN mất hàng triệu đô la tại Iran, và nhiều địch thủ khác của chúng tôi cũng vậy. Carter thất bại trong cuộc tái tranh cử. Chính quyền Reagan – Bush lên nắm quyền với lời hứa sẽ tìm cách trả tự do cho các con tin, hạ bệ nắm quyền với lời hứa sẽ tìm cách trả tự do cho các con tin, hạ bệ các giáo sỹ, trả lại nền dân chủ cho Iran và giải quyết tình hình kênh đào Panama.
Đối với tôi, đó là một bài học không thể chối cãi. Iran là một minh chứng rõ ràng rằng, Mỹ luôn cố phủ nhận sự thật về vai trò của chúng tôi trên thế giới. Không thể hiểu nổi tại sao chúng tôi lại có thể bị thông tin sai lạc đến thế về Quốc vương và về làn sóng căm phẫn đang dâng lên chống lại ông ta. Ngay cả nhân viên của những công ty như MAIN, vốn đặt cả trụ sở hoạt động ở đất nước này cũng không được biết về điều đó. Chắc chắn là NSA và CIA đã nhìn thấy cái điều mà Torrijos biết rất rõ, thậm chí ngay từ khi tôi gặp ông vào năm 1972. song chính mạng lưới tình báo của chúng tôi đã cố tình khích lệ chúng tôi nhắm mắt làm ngơ trước sự thật này.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.