Một hôm, khi chúng tôi đang ngồi trong một quán cafe, Paula chợt nói với tôi: “Em sẽ nói thẳng. Những người da đỏ và tất cả những nông dân sống dọc theo con sông mà công ty các anh đang xây đập đều căm ghét các anh. Thậm chí cả những người sống trong thành phố vốn không chịu ảnh hưởng trực tiếp cũng thông cảm với những nhóm du kích đã tấn công vào trại xây dựng của các anh. Chính phủ của các anh gọi những người này la những tên cộng sản, là những kẻ khủng bố, là những tên buôn lậu ma túy nhưng sự thật họ chỉ là những người bình thường, sinh sống trên mảnh đất đang bị công ty các anh phá hoại.”
Tôi vừa kể cho Paula nghe về Manuel Torres. Manuel là một kỹ sư của MAIN và là một trong số những người đã bị du kích tấn công tại công trường xây đập thủy điện của chúng tôi. Anh là người Côlômbia, đang làm việc ở đây vì Bộ Ngoại giao Mỹ có quy định cấm chúng tôi đưa công dân Mỹ đến làm việc ở nơi này. Chúng tôi gọi đó là Thuyết thế mạng. Nó tượng trưng cho một thái độ mà tôi càng ngày càng căm ghét. Cảm nhận của tôi về chính sách này khiến tôi càng ngày càng khó chịu ngay với chính bản thân mình.
“Theo Manuel kể lại, bọn chúng bắn AK-47 lên trời và dưới chân anh ta”, tôi kể cho Paula nghe. “Lúc kể lại điều này, Manuel có vẻ rất bình tĩnh nhưng anh biết anh ấy đã rất hoảng loạn. Bọn chúng không bắn ai cả, chỉ trao cho họ một bức thứ và cho tất cả những người này xuống thuyền của chúng.” “Chúa ơi”, Paula thốt lên. “Anh chằng tội nghiệp đó chắc hẳn rất sợ hãi” “Hẳn nhiên rồi”. Rồi tôi kể cho Paula rằng tôi đã hỏi Manuel xem liệu nhóm du kích đó có phải là FARC hay M-19, hai trong số những nhóm du kích khét tiếng nhất của Côlômbia hay không. “Và anh ta trả lời thế nào?”
“Anh ta nói là không phải. Nhưng anh ta nói anh ta tin vào những gì họ viết trong lá thư đó”. Paula cầm tờ báo tôi mang theo và đọc to nội dung lá thư được in trên đó: “Chúng tôi, những người làm việc ngày đem chỉ để tồn tại, thề trên máu của ông cha mình rằng, chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép xây những con đập dọc trên những dòng song của chúng tôi. Chúng tôi chỉ là những người thổ dân da đỏ và người lai, nhưng chúng tôi thà chết chứ không chịu đứng nhìn đất đai của chúng tôi ngập trong nước. Chúng tôi cảnh cáo những người anh em Côlômbia: Các anh không được làm việc cho các công ty xây dựng này nữa”.
Đặt tờ báo xuống, Paula hỏi tôi: “Thế anh đã nói gì với anh ta?”
Tôi ngần ngừ, nhưng chỉ trong chốc lát rồi nói: “Anh không có sự lựa chọn nào khác. Anh phải tuân theo mệnh lệnh của công ty. Anh đã hỏi Manuel xem liệu anh ta có tin một lá thư như vậy là do một người nông dân viết ra hay không”.
Paula chăm chú nhìn tôi, kiên nhẫn lắng nghe. “Anh ta chỉ nhún vai”, tôi bắt gặp ánh mắt của Paula. “Ôi, Paula, anh căm ghét chính bản thân mình trong cái vai trò này”.
“Rồi sau đó anh làm gì?” Paula dồn tôi vào thế bí. “Anh đấm mạnh xuống bàn. Chỉ để hăm dọa anh ta mà thôi. Anh hỏi liệu những người nông dân cầm súng AK-47 có ý nghĩa gì với anh ta không. Rồi anh hỏi liệu anh ta có biết ai là người đã sáng chế ra súng AK-47 hay không”.
“Anh ta biết chứ?” “Có, nhưng phải khó khăn lắm anh mới nghe được câu trả lời của anh ta.”Một người Nga”, anh ta bảo thế. Tất nhiên anh nói cho anh ta biết rằng anh ta đúng, vì người sáng chế ra súng AK-47 là một người Nga tên là Kalashnikov. Đó là một sỹ quan từng được tặng huy chương cấp cao trong Hồng quân. Anh phải hỏi quanh co thế để Manuel hiểu rằng những người viết lá thư đó là cộng sản”.
“Thế anh có tin điều đó không?” Câu hỏi của Paula khiến tôi im bặt. Làm sao tôi có thể trả lời câu hỏi đó một cách trung thực chứ? Tôi chợt nhớ về Iran và về những gì mà Yamin từng nói với tôi, một người đứng giữa hai thế giới- người ở giữa. Xét về một khía cạnh nào đó, tôi ước giá mà tôi đã ở trong cái trại nơi xây đập khi nhóm du kích tấn công, hoặc giá như tôi là một trong những tên du kích đó. Một cảm giác khó tả bủa vây lấy tôi, hình như tôi ghen tỵ với Yamin, với tiến sỹ và với những kẻ phiến loạn người Côlômbia. Họ có chính kiến rõ ràng. Họ đã chọn những thế giới thực chứ không phải những vùng đất nào đó chẳng thuộc về ai cả.
Cuối cùng tôi nói: “Anh có công việc phải làm”. Paula mỉm cười. “Anh căm ghét công việc đó”, tôi nói tiếp. Tôi nghĩ đến hình ảnh của những người luôn xuất hiện trong tôi suốt những năm qua, Tom Paine và những người anh hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, những tên cướp biển và những người dân vùng biên. Họ đã vùng dậy chứ không chịu đứng ở giữa. Họ đã vùng lên bảo vệ quan điểm của mình và chịu chấp nhận hậu quả.
“Mỗi ngày anh lại cảm thấy chán ghét công việc của mình hơn”. Paula cầm lấy tay tôi: “công việc của anh?” Chúng tôi nhìn nhau, và tôi hiểu ý Paula: “Không, anh chán ghét bản thân mình”. Paula nắm chặt tay tôi và khẽ gật đầu. Ngay lúc đó tôi chợt có cảm giác như vừa được giải thoát vì tôi đã thú nhận được điều đó.
“Vậy anh sẽ làm gì, John?” Tôi không trả lời. Cảm giác được giải thoát chợt biến thành cảm giác phòng thủ. Tôi lắp bắp những lời biện minh chung chung: Rằng tôi đang cố làm việc tốt, rằng tôi đang tìm cách thay đổi hệ thống này từ bên trong, và một lý lẽ cũ rích nữa là nếu tôi không làm việc đó, có thể một người khác tồi tệ hơn tôi rất nhiều sẽ làm.
Nhưng qua cái cách Paula nhìn tôi, tôi hiểu rằng cô ấy không chấp nhận những lời thanh minh đó. Và còn tệ hơn là tôi biết bản thân một sự thật hiển nghiên là: Chính tôi, chứ không phải công việc của tôi mới đáng trách. “Thế còn em”, cuối cùng tôi cất tiếng, “em tin vào điều gì?” Paula buông tay tôi, khẽ thở dài và nói: “Có phải anh đang cố chuyển sang đề tài khác?”
Tôi gật đầu. “Được thôi”, cô ấy nói. “Nhưng với một điều kiện. Đó là chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện này vào một dịp khác.” Nói rồi, Paula cầm một chiếc thìa lên ngắm nghía. “Em biết là một số du kích đã từng được huấn luyện ở Nga và Trung Quốc”. Vừa nói, cô ấy vừa dùng thìa quấy ly cà phê của mình, rồi lại chậm rãi liếm nhẹ chiếc thìa.
“Họ còn có thể làm gì đây? Họ cần phải biết về những vũ khí hiện đại và cách thức chống lại những người lính đã từng học qua trường lớp của nước anh. Đôi lúc họ bán côcain để có tiền mua quân nhu. Họ còn có thể làm gì khác để mua súng chứ? Họ đang chống lại những thế lực kinh khủng. Ngân hàng Thế giới (WB) của các anh chẳng giúp họ tự bảo vệ mình. Trên thực tế, chúng WB đã đẩy họ vào tình thế hiện tại.” Paula nhấp một ngụm cà phê rồi nói tiếp: “Em tin đó là lý do khiến họ làm những việc như vậy. Điện chỉ đem lại lợi ích cho một số ít những người Côlômbia giàu có, và hàng nghìn người khác sẽ chết vì nguồn nước và cá bị nhiễm độc sau khi các anh xây xong đập.”
Nghe cô ấy nói một cách đầy chia sẻ với những người đang chống đối chúng tôi, và cả bản thân tôi, tôi chợt thấy bủn rủn. Cả người tôi như muốn quỵ xuống, mềm nhũn.
“Làm sao em lại biết về du kích vậy?” Ngay cả khi hỏi câu này tôi cũng có cảm giác nôn nào, linh cảm cho biết tôi không muốn nghe câu trả lời của cô ấy.
“Em đã học cùng trường với một vài người trong số họ”, Paula nói. Rồi cô ấy thở dài, đẩy tách cà phê ra xa. “Anh trai em đã tham gia phong trào đó”. Tôi cảm thấy mình như một quả bóng bị xì hơi. Tôi cứ nghĩ mình đã biết mọi điều về cô ấy nhưng điều này thì… Trong đầu tôi thoáng hiện ra hình ảnh một người đàn ông trở về nhà và nhìn thấy vợ mình đang nằm trên giường với một người đàn ông khác.
“Tại sao em không bao giờ kể cho anh nghe về chuyện này?” “Vì em không thấy nó quan trọng. Tại sao em phải kể chứ? Đó chẳng phải là chuyện để em khoe khoang”, rồi cô ấy chợt dừng lại. “Em đã không gặp anh ấy suốt hai năm nay. Anh ấy phải rất thận trọng.”
“Làm sao em biết được là anh ấy còn sống?” “Em không biết, nhưng gần đây anh ấy bị đưa vào danh sách truy nã của Chính phủ. Đó là một dấu hiệu tốt.” Tôi không biết phải phán xét hay phải phòng thủ trước Paula. Tôi hy vọng cô ấy không nhận thấy sự ghen tỵ của tôi. “Làm thế nào mà anh ấy lại trở thành du kích thế?”, tôi hỏi.
May mắn thay, cô ấy vẫn đang chăm chú nhìn vào tách cà phê của mình. “Vì đã tham gia biểu tình ở ngoài văn phòng một công ty khai thác dầu – Occidental, em nghĩ thế. Anh ấy phản đối việc khoan đào đất đai của quê hương, ở những cánh rừng nơi có một bộ tộc đang phải đối mặt với nạn tuyệt chủng- anh ấy tham gia cùng khoảng hai mươi người bạn nữa. Quân đội đã đàn áp họ, đánh đập rồi cho họ vào tù- chẳng phải vì họ đã làm gi phạm pháp mà chỉ vì họ đã đứng ở bên ngoài các văn phòng, chỉ đứng giương cao các tấm áp phích và hát mà thôi”.
Paula liếc ra ngoài cửa sổ rồi nói tiếp: “Chúng giữ anh ấy trong tù gần sáu tháng. Anh ấy chưa bao giờ kể cho chúng em nghe chuyện gì đã xảy ra trong thời gian đó, nhưng sau khi ra tù, anh ấy trở thành một con người khác hẳn”. Đó là cuộc nói chuyện đầu tiên trong vô vàn những cuộc nói chuyện như thế giữa tôi và Paula, và giờ tôi đã biết rằng những cuộc tranh luận này là cơ sở cho những gì diễn ra sau đó. Tâm hồn tôi như tan nát, nhưng tôi vẫn bị chi phối bởi đồng tiền và nhiều điểm yếu khác mà NSA đã chỉ ra khi họ mô tả về tôi một thập niên trước đây, năm 1968. Bằng cách buộc tôi phải thừa nhận điều này và đối mặt với những cảm xúc bên trong sự say mê của tôi đối với những tên cướp biển và những phiến quân khác, Paula đã giúp tôi đi theo con đường cứu rỗi linh hồn tôi.
|
Ngoài tình thế khó xử của cá nhân tôi, thời gian ở Côlômbia cũng giúp tôi hiểu rõ sự khác biệt giữa nền cộng hòa Mỹ kiểu cũ và đế chế toàn cầu mới. Nền cộng hòa đem lại hy vọng cho thế giới. Nền tảng của nó là đạo đức và triết học chứ không phải là chủ nghĩa thực dụng. Nó dựa trên những khái niệm về công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người. Song nó cũng mang tính thực tiễn, nó không phải chỉ là một giấc mơ không tưởng mà thực sự là một thực tế cao quý, đang sống và đang hít thở. Nó có thể mở rộng vòng tay che chở cho những con người bị áp bức. Nó là niềm cảm hứng song cũng hàm chứa sức mạnh bên trong. Khi cần, nó có thể biến thành hành động, như những gì đã từng xảy ra trong Chiến tranh Thế giới thứ II, để bảo vệ những nguyên tắc mà nó đại diện. Chính những thể chế cốt lõi nhất- những tập đoàn lớn, những ngân hàng lớn và bộ máy chính phủ- đang đe dọa nền cộng hòa thay vì thế phải được sử dụng để tạo nên những thay đổi cơ bản trên thế giới. Các thể chế đó đang sở hữu các mạng lưới viễn thông và hệ thống giao thông cần thiết để chấm dứt dịch bệnh, nạn đói và thậm chí là cả chiến tranh – một khi thuyết phục được các thể chế tin tưởng tham gia vào sự nghiệp chung đó.
Mặt khác, đế chế toàn cầu lại là sự báo ứng của nền cộng hòa. Đó là một hệ thống vị kỷ, chỉ phục vụ cho bản thân mình, tham lam và thực dụng, một hệ thống dựa vào chủ nghĩa trọng thương. Giống như các đế chế trước đó, cánh tay của đế chế toàn cầu chỉ mở ra thâu tóm các nguồn lực khổng lồ, chộp lấy mọi thứ trong tầm mắt và lèn chặt túi tham vô độ của nó. Nó sẽ dùng bất cứ công cụ nào nó cho là cần thiết để giúp những kẻ thống trị giành được quyền lực và giàu có. Tất nhiên, để có thể hiểu được sự khác biệt đó, tôi cũng dần nhìn nhận rõ hơn vai trò của chính mình.
Claudine đã từng cảnh cáo tôi. Cô ấy đã rất thành thật khi nói về những gì người ta mong đợi tôi một khi tôi chấp nhận làm việc cho MAIN. Tất nhiên, để hiểu được ý sâu xa đó, tôi đã phải kinh qua những nơi như Inđônêxia, Panama, Iran và Côlômbia. Và nó cũng đòi hỏi cả lòng kiên nhẫn, tình yêu và cả những chuyện riêng tư của một phụ nữ như Paula. Tôi đã rất trung thành với nền cộng hòa Mỹ, song những gì chúng tôi cố duy trì thông qua hình thức chủ nghĩa thực dân mới và hết sức tinh vi này, cũng tốn kém tương đương với những hoạt động quân sự mà chúng tôi đã cố thực hiện ở Việt Nam. Nếu Đông Nam Á dạy cho chúng tôi biết rằng quân đội cũng có những hạn chế của nó, thì các nhà kinh tế lại đáp trả bằng cách vạch ra một kế hoạch tốt hơn; và các tổ chức viện trợ nước ngoài, các nhà thầu tư nhân làm cho các tổ chức này (hay nói đúng hơn là được các tổ chức này phục vụ) dần dần đã thực hiện kế hoạch này một cách hết sức thành thạo.
Ở các nước trên mọi châu lục, tôi đã thấy những người đang làm việc cho các tập đoàn Mỹ- dù không phải là một bộ phận chính thức của mạng lưới EHM – tham gia vào những công việc còn nguy hại hơn rất nhiều so với bất kỳ điều gì mà các lý thuyết âm nưu từng miêu tả. Giống như nhiều kỹ sư khác của MAIN, những người công nhân này không nhìn ra hậu quả của những việc mà họ đang làm. Họ tin rằng các xí nghiệp, nhà máy đóng giầy hay sản xuất linh kiện ôtô cho công ty của họ đang giúp những người nghèo thoát khỏi cảnh nghèo chứ không phải là đẩy họ quay lại thời nô lệ của những trang trại Trung cổ và các đồn điền phương Nam.
Giống như những người bị bóc lột trước đây, những người nông nô hay nô lệ thời hiện đại đều bị thuyết phục rằng họ còn sung sướng hơn nhiều so với những người xấu số sống bên lề xã hội, dưới gầm cầu ở Châu Âu, trong rừng già Châu Phi hay ở những miền đất hoang vu nơi biên giới nước Mỹ. Cuộc đấu tranh với bản thân để quyết định xem liệu tôi nên tiếp tục làm hay bỏ MAIN dần trở thành một cuộc chiến công khai. Không còn gì nghi ngờ nữa, trong tiềm thức tôi muốn ra đi, nhưng cái phần thuộc về một con người có kiến thức kinh tế của tôi lại không chắc chắn như vậy.
Đế chế riêng của tôi đang tiếp tục mở rộng; tôi thuê thêm nhân viên, đặt trụ sở ở nhiều nước, có thêm cổ phần và cái tôi trong tôi cũng ngày càng lớn. Bên cạnh sự cám dỗ của đồng tiền và lối sống giàu sang, quyền lực, tôi vẫn nhớ Claudine từng cảnh báo tôi rằng, một khi tôi đã tham gia vào công việc này, sẽ không có đường lui. Tất nhiên, Paula coi khinh tất cả những cái đó. “Vậy cô ấy biết những gì?” Tôi chỉ ra rằng Claudine đã đúng về rất nhiều thứ. “Mọi chuyện đó đều đã từ rất lâu rồi. Cuộc sống đã thay đổi. Hơn nữa, điều đó thì có gì khác nào? Anh không hài lòng với bản thân mình. Claudine hay bất cứ ai khác cũng không thể làm cho mọi thứ xấu hơn được nữa?”
Đó là điệp khúc mà Paula cứ liên tục nhắc đi nhắc lại, và dần dần tôi cũng đồng ý với ý kiến của cô ấy. Tôi thừa nhận với cô ấy và với bản thân tôi rằng tất cả tiền bạc, những chuyến đi, tất cả những thứ hào nhoáng cũng không thể khỏa lấp được cảm giác tội lỗi, bất ổn và căng thẳng. Là một hội viên của MAIN, tôi đang trở nên giàu có và có thế lực, và tôi biết rằng nếu tôi ở lại với MAIN lâu hơn, tôi sẽ mắc vào cái bẫy đó suốt đời.
Môt ngày khác, khi chúng tôi đang đi dạo dọc theo bờ biển gần một pháo đài cổ của Tây Ban Nha ở Cartagena, nơi đã phải chịu đựng vô số các cuộc tấn công của bọn cướp biển, Paula chợt nghĩ ra một cách mà tôi chưa từng nghĩ tới. “Nếu như anh không bao giờ nói ra những gì anh biết thì sao nhỉ?”, Paula hỏi. “Ý của em là… chỉ giữ im lặng?”
“Đúng thế. Không tạo cho họ bất cứ lý do nào để theo dõi anh cả. Tức là, hãy tạo ra một lý do khiến họ để anh yên, không khuấy động mọi thứ lên”. Ý kiến này rất hay- tôi tự hỏi tại sao trước đây tôi chưa từng nghĩ đến điều này. Tôi sẽ không viết sách hay làm bất cứ điều gì để lộ ra những sự thật mà tôi đã biết và chứng kiến. Tôi sẽ không còn là thành viên của đội quân viễn chinh kia nữa; thay vào đó, tôi sẽ chỉ là một cá nhân, chỉ chú tâm vào hưởng thụ cuộc sống, đi du lịch tìm thú vui, và có thể xây dựng lại gia đình với một người như Paula. Tôi đã chán ngấy mọi thứ rồi, đơn giản là tôi chỉ muốn thoát ra mà thôi.
“Tất cả những gì Claudine nói với anh đều là dối trá”, Paula nói tiếp. “Cuộc sống của anh là một sự dối trá”. Rồi cô ấy mỉm cười độ lượng: “Gần đây anh đã xem lại bản lý lịch của mình hay chưa?” Tôi phải thừa nhận là tôi chưa từng làm việc đó. “Hãy xem lại đi”, Paula khuyên tôi. “Em đã đọc bản dịch sang tiếng Tây Ban Nha. Nếu bản đó giống với bản tiếng Anh, em nghĩ anh sẽ phát hiện ra nhiều điều rất thú vị đấy”.
|
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.