Lời thú tội của một sát thủ kinh tế

Chương 25: Tôi ra đi



Việc Mac Hall hạ bệ Bruno đã gây rung chuyển cả MAIN. Sự kiện này đã gây xáo trộn và chia rẽ trong nội bộ công ty. Mặc dù Bruno cũng có khá nhiều kẻ thù, nhưng ngay cả một vài người trong số họ cũng thất vọng. Đối với những người trong công ty thì hành động này rõ ràng là xuất phát từ sự đố kỵ. Trong các cuộc thảo luận quanh bàn ăn hay quầy giải khát, người ta rỉ tai nhau chắc Hall cảm thấy mối nguy từ một người kém mình đến 15 tuổi, và là người đã giúp đưa công ty đạt đến một mức lợi nhuận mới. 

“Hall không thể cho phép Bruno cứ tiếp tục lên như thế này”, một người nói. “Hall chắc chắn phải hiểu rằng việc Bruno sẽ thay thế ông ta chỉ còn là vấn đề thời gian và ông sẽ sớm phải về vườn.” 

Như để chứng minh cho những lời đồn đại. Hall chỉ định Paul Priddy làm Chủ tịch mới. Paul đã làm Phó chủ tịch cho MAIN trong nhiều năm nay và là một kỹ sư dễ hòa đồng và rất say mê công việc. Theo tôi nghĩ thì anh ta cũng chỉ là một người đàn ông ba phải, chậm chạp, người sẽ cúi đầu tuân thủ những ý tưởng nhất thời của Hall và sẽ chẳng thể trở thành một nguy cơ cho Hall vì những mức siêu lợi nhuận. Nhiều người khác nữa cũng cùng chung ý kiến này. Đối với tôi, sự ra đi của Bruno thật đáng buồn. Cá nhân ông là một người thông thái và là nhân tố chính giúp cho công việc của chúng tôi ở nước ngoài. Trong khi đó, Priddy chỉ tập trung vào công việc trong nước và gần như chẳng biết gì về vai trò thực của chúng tôi ở nước ngoài. Tôi băn khoăn không hiểu công ty này sẽ đi về đâu. Tôi đã gọi điện về nhà cho Bruno và thấy ông đầy triết lý. 

“John ạ, ông ta biết rằng ông ta không có một lý do nào cả”, ông nói về Hall như vậy, “vì thế tôi đã yêu cầu một khoản tiền đến bù kha khá, và tôi đã có được nó. Mac nắm trong tay một số lượng lớn cổ phiếu có quyền biểu quyết ưu đãi, và một khi ông ta quyết định như thế thì tôi chẳng thể làm gì được nữa.” 

Bruno cũng ngụ ý ông đang cân nhắc một vài đề nghị mời ông vào những vị trí cao cấp tại các ngân hàng đa quốc gia đã từng là khách hàng của chúng tôi. Tôi hỏi ông xem là tôi nên làm gì. “Hãy luôn đề phòng”, ông khuyên tôi. “Mac Hall đã mất liên hệ với thực tiễn, nhưng chẳng ai nói cho ông ta biết cả- nhất là không phải lúc này, sau những gì ông ấy đã làm với tôi.”

Vào cuối tháng 3 năm 1980, do vẫn còn choáng váng bởi sự ra đi của Bruno, tôi đã đi nghỉ bằng thuyền buồm tới đảo Virgin. Đi cùng tôi có “Mary”, một cô gái cùng làm việc cho MAIN. Mặc dù tôi đã không nghĩ về điều này khi quyết định chọn địa điểm nhưng giờ thì tôi biết rằng chính lịch sử của vùng này là một nhân tố giúp tôi đưa ra quyết định mà nhờ đó tôi có thể bắt đầu thực hiện quyết tâm cho năm mới của mình. Ý niệm đầu tiên chợt nảy đến vào một buổi chiều sớm trong khi tôi đi vòng quanh đảo St. John và đổi hướng chạy vào kênh Sir Francis Drake, ranh giới phân chia địa phận giữa Anh và Mỹ trên quần đảo Virgin. 

Tên của kênh đào này dĩ nhiên được đặt theo tên của một gã cướp vàng người Anh. Điều này làm tôi nhớ đến những lần trong suốt thập niên trước đó, tôi đã nghĩ về những tên cướp biển và những nhân vật lịch sử khác, như Drake và Ngày Henry Morgan, người đã cướp bóc và bóc lột của cải nhưng lại được người ta ca tụng – thậm chí còn được phong tước vì hành động của mình. Tôi thường tự hỏi tại sao, dù được nuôi dạy để kính trọng những con người như vậy tôi vẫn cảm thấy day dứt về những hành động ăn cướp, bóc lột của họ đối với các nước như Inđônêxia, Panama, Côlômbia, và Êcuađo. Rất nhiều người anh hùng của tôi như Ethan Allen, Thomas Jefferson, George Washington, Daniel Boone, Davy Crockett, Lewis và Clark, là những người đã bóc lột người da đỏ, các nô lệ, chiếm đoạt đất đai không thuộc về mình. Tôi đã thấy một vài tấm gương như vậy để xoa dịu bớt tội lỗi của mình. Giờ đây, khi đang đi dọc theo kênh đào Sir Francis Drake, tôi nhận ra sự điên rồ trong cách nghĩ trước đây của mình. 

Tôi nhớ một số điều mà tôi đã cố tình lờ đi trong nhiều năm. Ethan Allen đã phải ở vài tháng trong các nhà tù hôi hám và chật chội của Anh quốc, gần như luôn bị cột xích sắt nặng 30 pound, và rồi ở trong ngục tối của Anh quốc thêm một thời gian nữa. Ông là một tù nhân chiến tranh, bị bắt trong trận chiến Montreal năm 1775 khi chiến đấu giành độc lập như Jaime Roldos  và Omar Torrijos hiện đang đấu tranh để giành độc lập cho dân tộc mình. Thomas Jefferson, George Washington, và tất cả các vị cha già dân tộc khác đã không tiếc tính mạng của mình cho những lý tưởng như vậy. Chiến thắng không bao giờ được báo trước; và họ đều hiểu rằng nếu thua trân, họ sẽ bị treo cổ như những kẻ phản bội. Daniel Boone, Davy Crockett, và Lewis và Clark cũng đã chịu nhiều gian khổ và đã phải hy sinh rất nhiều thứ.

Thế còn Drake và Morgan? Tôi hơi mơ hồ về giai đoạn đó trong lịch sử, nhưng tôi nhớ rằng những tín đồ Tin Lành người Anh nhận thấy mình bị các tín đồ Công giáo người Tây Ban Nha đe dọa rất nhiều. Do đó, theo tôi, nhiều khả năng là Drake và Morgan quay sang làm cướp biển để chơi khăm những kẻ đó bằng cách giành giật lấy của cải của đế chế Tây Ban Nha nằm ở các chở vàng nhằm bảo vệ sự thiêng liêng của nước Anh, hơn là mong muốn thu lợi riêng cho chính mình.

Khi chiếc thuyền của chúng tôi đang đi xuôi theo kênh đào, lướt đi trong gió, rồi di chuyển đến gần các ngọn núi trên biển- đảo Great Thatch ở phía Bắc và St. John ở phía Nam- tôi không tài nào gạt bỏ được những ý nghĩ này ra khỏi đầu. Mary đưa tôi chai bia và vặn to bài hát của Jimmy Buffet. Song khung cảnh tuyệt đẹp xung quanh và cả cảm giác thanh thản mà việc bơi thuyền thường mang lại vẫn không giúp tôi hết tức giận. Tôi cố gắng xua đuổi cảm giác ấy. Tôi tu cạn chai bia. Nhưng cảm giác ấy vẫn không buông tha tôi. 

Những giọng nói trong lịch sử và cái cách tôi dùng chúng để thỏa mãn tính tham lam của mình khiến tôi giận dữ. Tôi giận cả cha mẹ mình, và cả với Tilton – ngôi trường trung học trên đồi luôn tự cho mình là nhất – vì đã buộc tôi phải chấp nhận một lịch sử như vậy. 

Tôi lại mở một chai bia khác. Nếu được thì tôi đã giết chết Mac Hall vì những gì ông ta đã làm với Bruno. Một con tàu gỗ với lá cờ bảy sắc cầu vồng lướt qua trước mặt chúng tôi, những cánh buồm hai bên căng phồng, đi theo gió dọc kênh đào. Nửa tá thanh niên trẻ hét to và vẫy chúng tôi, đó là dân hippies trong bộ sarong sáng màu, một cặp nam nữ hoàn toàn trần truồng trên boong trước. 

Một điều rõ ràng tóat ra từ chiếc tàu và bề ngoài của họ là họ sống ở trên tàu, một cộng đồng chung, những tên cướp biển thời hiện đại, tự do và phóng đãng. Tôi cố vẫy họ nhưng không tài nòa làm được. Tôi phải cố thắng cảm giác ghen tỵ dang ngập tràn trong tôi. Mary đứng trên boong, nhìn theo bóng họ khuất dần. “Anh có thích một cuộc sống như vậy không?”, cô hỏi. 

Và tôi chợt hiểu. Không phải tại cha mẹ tôi, cũng không phải tại Tilton, hay tại Mac Hall. Mà là bởi tôi căm ghét chính cuộc sống của mình. Người phải chịu trách nhiệm, kẻ mà tôi ghê tởm ấy, chính là bản thân tôi. Mary bỗng reo to. Cô ấy chỉ về phía mạn phải con tàu. Rồi bước lại gần tôi và nói. “Vịnh Leinster kìa”, cô ấy nói, “nơi thả neo đêm nay đây rồi.”

Nó kia rồi, cái vịnh nhỏ đang nép mình vào đảo St. John, đó là nơi các con tàu cướp biển thường nằm để phục kích những chuyến tàu chở vàng đi qua vùng nước mênh mông này. Tôi cho thuyền lại gần hơn nữa, rồi trao bánh lái cho Mary và đi lên boong trước. Khi cô ấy lái con thuyền vòng quanh đảo Watermelon vào cái vịnh tuyệt đẹp đó, tôi hạ buồm và lôi mỏ neo ra. Còn cô ấy thì khéo léo hạ cánh buồm chính xuống. Tôi quăng neo ra khỏi tàu: sợi xích rơi ào xuống dòng nước trong vắt như pha lê và con thuyền trôi đi một đoạn trước khi dừng lại. 

Khi con thuyền đã dừng hẳn, Mary nhảy xuống bơi, rồi chợp mắt một lúc. Tôi viết lại cho cô ấy một lời nhắn rồi chèo xuồng vào bờ, neo xuồng ngay sát tàn tích của một đồn điền trồng mía trước đây. Tôi ngồi đó, cạnh dòng nước một lúc lâu, cố gắng không nghĩ ngợi gì, tập trung gạt bỏ mọi cảm xúc. Nhưng tôi không tài nào làm nổi. 

Lúc xế chiều, tôi cố gắng hết sức leo lên đỉnh đồi và thấy mình đang đứng trên bức tường loang lổ của đồn điền lâu đời này, nhìn xuống chiếc thuyền đang neo đậu. Tôi ngắm mặt trợi lặn về hướng Caribê. Mọi thứ lúc này đây dường như thật yên bình, nhưng tôi hiểu rằng trước kia khu đồn điền xung quanh mình đã từng là nơi chứng kiến những cảnh đời khổ cực không kể xiết; hàng trăm nô lệ Châu Phi đã bỏ xác ở nơi này- dưới nòng súng, họ bị bắt phải xây dựng lâu đài, trồng và thu hoạch mía, và phải vận hành máy móc để biến đường thô thành nguyên liệu chính của rượu rum. 

Sự yên tĩnh ở nơi đây đã che giấu cho lịch sử tàn ác của nó, cũng như che giấu cơn giận đang trào lên trong lòng tôi. Mặt trời khuất sau đỉnh núi trên đảo. Ráng chiều đỏ rực trải trên bầu trời. Rồi mặt biển tối dần đi, và tôi phải đối diện với một thực tế phũ phàng là tôi cũng chỉ là một tên buôn nô lệ mà thôi, và rằng công việc của tôi ở MAIN không chỉ là dùng các khoản nợ để lôi kéo những nước nghèo vào đế chế toàn cầu. Những dự báo được tôi thổi phồng lên không chỉ là phương tiện để đảm bảo rằng khi nào đất nước chúng tôi cần dầu lửa thì chúng tôi có thể đòi cho đủ mới thôi, và vị trí của tôi không đơn giản chỉ là tăng lợi nhuận cho công ty. Mà công việc của tôi còn liên quan đến những người dân và gia đình họ, họ giống như những người đã bỏ mạng để xây dựng bức tường nơi tôi đang đứng, những người tôi đã bóc lột.

Trong 10 năm qua, tôi cũng chỉ là con cháu những tên buôn nô lệ đã từng lũ lượt kéo vào rừng sâu Châu Phi và lùa đàn ông, đàn bà ra những con tàu đang chờ sẵn. Chỉ khác là theo một phương thức hiện đại hơn, tinh vi hơn – bởi tôi chưa từng phải trông thấy các xác chết, ngửi thấy mùi thịt thối rữa, hay nghe những tiếng kêu ai oán. Nhưng những gì tôi đã làm thì độc ác chẳng kém gì, và chỉ bởi tôi đã có thể trốn tránh được, cá nhân tôi không phải trực tiếp dính líu gì đến những xác chết, mùi thịt người, và những tiếng kêu bi thương, vì vậy có lẽ rút cục thì tôi là kẻ tội đồ xấu xa nhất. 

Tôi liếc nhìn lại con thuyền nhỏ đang neo đậu, và đang phải chống trả với dòng nước chảy xiết. Mary đang đi thơ thẩn trên boong, có lẽ là đang uống một ly Margarita và chờ tôi về để pha cho tôi một ly. Vào lúc đó, khi nhìn thấy cô ấy trong những tia nắng cuối cùng của ngày, trông thật thỏai mái, và đầy tin tưởng, tôi bất chợt cảm thấy day dứt về những gì tôi đã làm với cô ấy và với tất cả những ai đã làm việc cho tôi, cái cách mà tôi đã biến họ thành những EHM. Tôi đang đối xử với họ theo cách mà Claudine đã làm với tôi, nhưng lại không có được sự chân thành như thế. Tôi đang lôi kéo họ bằng việc tăng lương và đề bạt để họ trở thành những tên buôn nô lệ, và cũng như tôi, họ đang bị trói buộc vào hệ thống này. Phải, họ cũng đã bị biến thành những kẻ nô lệ. 

Tôi quay lưng lại với biển, với vịnh, và với cả ráng chiều đỏ rực. Tôi nhắm mắt lại trước bức tường do những người nô lệ bị buộc phải rời bỏ quê hương xây dựng nên. Tôi nhảy lên, chộp lấy cành cây, và bắt đầu đập mạnh vào những bức tường đá. Tôi cứ đập như thế cho đến khi kiệt sức. Tôi nằm lăn ra cỏ, ngắm những đám mây lững lờ trôi. 

Cuối cùng thì tôi cũng quay trở lại xuồng. Tôi đứng trên bờ, nhìn ra chiếc thuyền của chúng tôi đang neo đậu nơi dòng nước trong xanh, và hiểu mình phải làm gì. Tôi biết rằng nếu tôi quay trở lại cuộc sống trước đây, trở lại MAIN và tất cả những gì mà MAIN đang đại diện, tôi sẽ lạc đường mãi mãi. Tiền lương cao, tiền hưu trí, bảo hiểm và tiền thù lao, tài sản… Càng ở lại đó lâu tôi càng khó có thể thoát ra được. Tôi đã trở thành một nô lệ. Tôi có thể tiếp tục đánh mình nhừ tử như  tôi đã đánh vào những bức tường đá đó, hoặc tôi có thể chạy trốn. 

Hai ngày sau tôi trở lại Boston. Vào ngày 1 tháng 4 năm 1980, tôi bước vào văn phòng của Paul Priddly và xin thôi việc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.