Lời thú tội của một sát thủ kinh tế
Chương 33: Vênêzuêla được Saddam cứu giúp
Tôi đã theo dõi Vênêzuêla trong nhiều năm. Đó là ví dụ điển hình về một đất nước từ nghèo đói đi lên giàu có nhờ vào dầu lửa. Đây cũng là một ví dụ về những tranh chấp bắt nguồn từ dầu lửa, về sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo, và là mô hình của một đất nước bị các tập đoàn dầu lửa bóc lột một cách không thương tiếc. Vênêzuêla là hình ảnh thu nhỏ của một nơi mà ở đó cách thức của các tập EHM cũ kỹ như tôi kết hợp với cách thức mới theo kiểu tập đoàn trị.
Những sự kiện mà tôi đọc trong báo chí ngày hôm đó tại Ground Zero là kết quả trực tiếp cuộc bầu cử năm 1998, khi những người nghèo và những người bị tước quyền công dân ở Vênêzuêla đã tuyệt đối bầu Hugo Chavez làm tổng thống của họ1.
Tổng thống mới ngay lập tức áp dụng các biện pháp quyết liệt là kiểm soát các tòa án và các tổ chức khác đồng thời giải tán Quốc hội Vênêzuêla. Ông lên án “chủ nghĩa đế quốc vô liêm sỉ” của Hoa kỳ, tuyên bố sẽ mạnh mẽ chống lại toàn cầu hóa, và đưa ra đạo luật hydrocarbon, một đạo luật mà ngay từ cái tên đã làm cho người ta liên tưởng đến đạo luật mà Jaime Roldos đã đưa vào Êcuađo ngay trước khi máy bay của ông đâm xuống đất. Đạo luật này làm tăng gấp đôi tiền khai thác mỏ mà các công ty dầu lửa nước ngoài phải trả. Sau đó Chavez thắt chặt lại công ty dầu lửa Petroleos de Vênêzuêla thuộc sở hữu nhà nước bằng cách thay thế đội ngũ lãnh đạo công ty bằng những người thân tín với ông.
Dầu lửa của Vênêzuêla là một sản phẩm vô cùng quan trọng đối với các nền kinh tế trên thế giới. Vào năm 2002, quốc gia này đã là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới và là nhà cung cấp dầu lửa lớn thứ 3 cho Hoa Kỳ3. Công ty Petroleos de Vênêzuêla, với 40.000 công nhân và doanh thu 50 tỷ đô la một năm, đóng góp khoảng 80% vào doanh thu xuất khẩu của cả nước. Dầu lửa của nước này cho đến nay vẫn là nhân tố quan trọng nhất đối nền kinh tế Vênêzuêla.4 Cùng với việc nắm giữ được ngành dầu lửa, bản thân Chavez đã trở thành một đối tác quan trọng trên trường quốc tế.
Nhiều người dân Vênêzuêla nhìn nhận điều này như một định mệnh, như kết quả của một quá trình đã bắt đầu từ 80 năm trước. Vào ngày 14 tháng 12 năm 1922, một vỉa dầu lớn được phát hiện gần Maracaibo. Trong ba ngày sau đó, mỗi ngày lượng dầu phun ra tương đương với một trăm ngàn thùng dầu thô, và từ đó, sự kiện địa chất này đã trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Vênêzuêla đã hy vọng dầu mỏ sẽ là giải pháp cho tất cả các vấn đề của đất nước mình.
Nguồn thu từ dầu mỏ trong vòng 40 năm sau đã biến Vênêzuêla từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành một trong những nước giàu nhất Mỹ Latinh. Tất cả mọi chỉ tiêu thống kê quan trọng của nước này đều được cải thiện: y tế, giáo dục, việc làm, tuổi thọ, và tỷ lệ trẻ sơ sinh sống sót. Ngành kinh doanh ngày một phát đạt.
Trong thời kỳ cấm vận dầu lửa của các nước OPEC năm 1973, giá dầu mỏ tăng nhanh và ngân sách quốc gia của Vênêzuêla tăng gấp bốn lần. Các EHM bắt đầu vào cuộc. Các ngân hàng quốc tế ồ ạt cho nước này vay để xây dựng hàng loạt những dự án hạ tần cơ sở và công nghệ cũng như các tòa nhà chọc trời cao nhất châu lục. Sau đó, vào những năm 80, các EHM kiểu doanh nhân đã tới. Đó là một cơ hội tuyệt vời cho họ học hỏi kinh nghiệm. Tầng trung lưu ở Vênêzuêla ngày càng lớn mạnh, và điều này đã tạo ra một thị trường béo bở cho một các sản phẩm, và vẫn có một tầnh lớp nghèo khổ sẵn sàng lao động khổ sai trong các nhà máy.
Thế rồi giá dầu mỏ giảm, và Vênêzuêla không thể thanh toán được các khoản nợ nần của mình. Năm 1989, Quỹ tiền tệ quốc tế đã đặt ra các biện pháp hà khắc và ép Caracas hỗ trợ cho chế độ tập đoàn trị theo nhiều cách khác nhau. Bạo lực nổ ra ở Vênêzuêla, các mỏ sẽ là nguồn hỗ trợ vô tận đã tiêu tan. Từ năm 1987 đến 2003, thu nhập bình quân đầu người ở Vênêzuêla đã giảm hơn 40%.
Nghèo đói gia tăng và oán thù chồng chất. Sự phân cực diễn ra giữa tầng lớp trung lưu và tầng lớp nghèo đói. Như thường thấy ở những nước có nền kinh tế phụ thuộc vào dầu lửa, sự phân hóa tầng lớp trong dân cư đã thay đổi một cách đáng kể. Nền kinh tế tụt dốc gây thiệt hại cho tầng lớp trung lưu, và nhiều người trong số họ đã rơi xuống tầng lớp nghèo đói.
Thực trạng này đã tạo điều kiện cho Chavez – và làm nảy sinh xung đột với Washington. Có được quyền lực trong tay, vị tổng thống mới bắt đầu những hoạt động thách thức chính quyền Bush. Ngay trước vụ 11/9, Washington còn đang cân nhắc những lựa chọn của mình. EHM đã thất bại, liệu đã đến lúc đưa những tên sát nhân vào cuộc chưa?
Sự kiện 11/9 xảy ra đã làm thay đổi tất cả những ưu tiên của chính quyền Washington. Tổng thống Bush và các cố vấn của mình tập trung kêu gọi cộng đồng thế giới ủng hộ các hoạt động của Mỹ ở Afghanistan và cuộc xâm lược Iraq. Trên hết là nền kinh tế Mỹ đang trong tình giai đoạn khủng hoảng. Bởi vậy mà vấn đề Vênêzuêla được gạt sang một bên. Tuy nhiên, một điều rõ ràng là đến một lúc nào đó, Bush và Chavez sẽ lại đối đầu với nhau. Bởi lẽ khi nguồn dầu lửa của Iraq và Trung Đông bị đe dọa thì Washington không thể nào bỏ qua Vênêzuêla quá lâu được.
Lang thang xung quanh Ground Zero và phố Wall, nói chuyện với người đàn ông Afghanistan lớn tuổi, và đọc các tin tức về đất nước Vênêzuêla của Chavez, tất cả đã khiến tôi phải suy nghĩ đến một điều mà tôi đã lảng tránh trong nhiều năm, buộc tội tôi phải có một cái nhìn nghiêm túc về hậu quả của những gì tôi đã làm trong ba mươi năm qua. Tôi không thể phủ nhận rằng vai trò của mình hay cái thực tế tôi là một EHM, hiện giờ đã ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến thế hệ con gái mình. Tôi biết rằng tôi không thể không làm gì để chuộc lại lỗi lầm của mình. Tôi phải gột sạch mình bằng cách thức tỉnh người dân trước hiện thực của tập đoàn trị và hiểu ra tại sao nhiều nước trên thế giới lại căm ghét chúng ta đến thế.
Một lần nữa tôi bất tay vào viết, nhưng tôi cảm thấy dường như câu chuyện của mình đã quá cũ. Bằng cách nào đó, tôi phải cập nhật thông tin. Tôi đã nghĩ đến việc đến Afghanistan, Iraq, và Vênêzuêla và viết những bình luận đương thời về ba nước này. Các nước đó như là hiện thân cho sự trớ trêu của các vấn đề quốc tế hiện nay: mỗi nước đều đã trải qua những biến động chính trị đau thương và kết thúc với những người lãnh đạo để lại quá nhiều điều cần phải thay đổi (một thủ lĩnh Taliban tàn nhẫn va chuyên quyền, nhưng chế độ tập đoàn trị đã không hề tìm cách giải quyết những vấn đề cốt lõi của họ. Đúng hơn là, chế độ đó chỉ quan tâm đến việc tìm cách làm hại những nhà lãnh đạo nào cản trở việc thực hiện chính sách dầu mỏ của Mỹ mà thôi. Xét trên nhiều khía cạnh thì Vênêzuêla là trường hợp đặc biệt nhất, bởi lẽ Mỹ đã tiến hành can thiệp quân sự ở Afghanistan và có vẻ như chắc chắn sẽ có mặt ở Iraq, nhưng phản ứng của chính quyền Mỹ với Chavez vẫn còn là điều bí ẩn. Theo như tôi được biết, vấn đề không phải ở chỗ Chavez có phải là một nhà lãnh đạo tốt hay không; mà là ở phản ứng của Washington đối với người lãnh đạo làm cản trở chế độ tập đoàn trị trên con đường tiến tới thống trị thế giới.
Tuy nhiên, trước khi tôi có thể thu xếp một chuyến đi như vậy, những sự kiện lại một lần nữa ngăn cản tôi. Các hoạt động phi lợi nhuận đã cho tôi cơ hội đến Nam Mỹ một vài lần vào năm 2002. Một gia đình Vênêzuêla sắp bị phá sản dưới chế độ của Chavez đã cùng tham gia vào chuyến đi này đến vùng Amazon. Chúng tôi trở thành bạn thân của nhau, và tôi đã được nghe về mặt trái của câu chuyện. Tôi cũng đã gặp những người Nam Mỹ, những người đã xem Chavez như là một vị cứu tinh. Các sự kiện xảy ra ở Caracas là triệu chứng của căn bệnh mà chúng tôi, những EHM đã tạo ra.
Tháng 12 năm 2002, tình thế ở Vênêzuêla và Iraq đã lên đến khủng hoảng. Hai nước đang trở thành hai trường hợp hoàn toàn trái ngược nhau. Tại Iraq, mọi mưu đồ đen tối – của cả EHMs và những tên sát nhân đã không thể khiến Saddam phục tùng, và giờ thì chúng tôi đang chuẩn bị cho phương án cuối cùng, đó là xâm lược. Tại Vênêzuêla, chính quyền của Bush đang phát huy cái cách mà trước đây Kermit Roosevelt đã từng áp dụng với Iran. Như tờ thời báo New York đã viết:
Hàng trăm ngàn người Vênêzuêla hôm nay đã đổ xuống đường để bày tỏ cam kết sẽ tiến hành đình công trong cả nước, vào ngày 28 này để buộc Tổng thống Hugo Chavez phải từ chức. Cuộc đình công, mà theo ước tính có khoảng 30.000 công nhân dầu mỏ tham gia, đe dọa sẽ tàn phá quốc gia này, nước khai thác dầu mỏ lớn thứ 5 trên thế giới, trong những tháng tới…
Trong những ngày gần đây, cuộc đình công đã rơi vào bế tắc. Ông Chavez đang cùng với những công nhân không tham gia đình công đưa hoạt động của công ty dầu mỏ quốc doanh trở lại bình thường. Mặc dù vậy song phe đối lập, mà dẫn đầu là Liên minh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và nghiệp đoàn, cam đoan rằng cuộc đình công của họ sẽ đẩy công ty này, và cả chính phủ của Chavez nữa xuống bờ vực thẳm.6
CIA cũng đã từng hạ bệ Mossadegh và thay bằng Quốc vương Iran theo cách hệt như vậy. Hai sự kiện gần như không khác gì nhau. Dường như lịch sử của 50 năm sau đó đang lặp lại một cách lạ kỳ. Năm thập niên đã qua và dầu mỏ vẫn là động lực chính.
Ngày 4 tháng 1 năm 2003, phe ủng hộ Chavez đụng độ với phe đối lập. Hai người bị bắn chết và hơn 12 người khác bị thương. Ngày hôm sau, tôi nói chuyện với một người bạn cũ, người đã từng dính líu tới những kẻ sát nhân trong nhiều năm. Cũng như tôi, anh ấy chưa bao giờ làm việc trực tiếp cho bất cứ chính phủ nào, nhưng đã từng hoạt động bí mật ở nhiều nước. Anh ta kể với tôi rằng một nhà thầu tư nhân đã tìm cách tiếp cận với anh ta để nhờ anh kích động những cuộc đình công ở Caracas và mua chuộc các sĩ quan quân đội – trong số đó nhiều người đã được đào tạo tại trường Mỹ – quay sang chống lại vị tổng thống mà họ đã bầu ra. Anh ta đã từ chối lời đề nghĩ, nhưng cũng tiết lộ rằng: “người nhận công việc này đang làm tốt những gì anh ta được giao”.7
Cũng vào tháng 1 năm 2003, giá dầu thô tăng cao và dự trữ dầu lửa của Mỹ xuống gần mức thấp nhất trong vòng 26 năm qua. Với những gì diễn ra ở Trung Đông, tôi biết chính quyền Bush sẽ làm mọi điều để hạ bệ Chavez. Thế rồi cái tin họ thành công đã tới, Chavez bị lật đổ. Tờ thời báo New York dùng những diễn biến của sự kiện này để đưa ra một triển vọng lịch sử – cũng như về con người mà dường như đã đóng vai trò của Kermit Roosevelt ở nước Vênêzuêla hiện tại:
Hoa Kỳ … đã ủng hộ cho các chế độ độc tài ở khắp các nước Trung và Nam Mỹ trong và sau chiến tranh lạnh để bảo vệ những quyền lợi kinh tế và chính trị của mình.
Tại đất nước Guatemala bé nhỏ, Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã bố trí cuộc lật đổ chính phủ được bầu cử một cách dân chủ vào năm 1954 và đứng đằng sau chính phủ cánh hữu sau này chống lại các nhóm phiến quân cánh tả nhỏ lẻ trong 40 năm. Hậu quả là gần 200.000 dân thường đã thiệt mạng.
Tại Chilê, được sự hậu thuẫn của CIA, tướng Augusto Pinochet đã nắm quyền từ năm 1970 đến năm 1990.
Tại Pêru một chính phủ dân chủ yếu ớt vẫn đang cố làm sáng tỏ vai trò của CIA trong một thập niên hậu thuẫn cho vị tổng thống giờ đây đã bị phế truất và ruồng rẫy, ngài Alberto K.Fujimori, và trưởng ban Tình báo đầy tai tiếng là Vladimiro N.Montesinos.
Mỹ đã xâm lược Panama năm 1989 và lật đổ tên độc tài buôn lậu ma túy Manuel A.Noriega, người mà gần 20 năm nay, luôn là một tay sai trung thành của CIA. Và nỗ lực thiết lập một phe đối lập để chống lại phe cánh tả của Nicaragua năm 1980 bằng bất kỳ giá nào, kể cả bán vũ khí cho Iran để lấy tiền mặt, đã dấy lên làn sóng lên án các quan chức chính quyền Reagan.
Trong số những người bị điều tra hồi đó có Otto J.Reich, một cựu chiến binh trong cuộc chiến ở Châu Mỹ Latinh. Ông Reich chưa từng bị nhận một lời cáo buộc nào cả. Sau này ông trở thành đại sứ của Mỹ tại Vênêzuêla và hiện đang là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách khu vực Châu Mỹ Latinh theo chỉ định của Tổng thống. Việc lật đổ ngài Chavez đã mang lại thêm cho ông ta một niềm tự hào.8
Khi ông Reich và chính quyền Bush đang ăn mừng các hoạt động chống phá Chavez thì tình thế này bất ngờ bị đảo ngược. Chavez đã dành lại ưu thế và lấy lại được quyền lực trong vòng chưa đến 72 giờ sau đó. Khác với Mossadegh ở Iran, Chavez đã tìm cách giữ được quân đội bên phe mình, bất chấp mọi toan tính xúi giục các quan chức cấp cao nhất chống lại ông. Ngoài ra, ông cũng có trong tay công ty dầu mỏ lớn mạnh của nhà nước. Công ty Petroleos de Vênêzuêla từ chối nhượng bộ hàng ngàn công nhân bãi công và đã quay trở lại hoạt động bình thường.
Sau khi dẹp bỏ được các âm mưu chống đối, Chavez siết chặt sự kiểm soát của chính phủ đối với các công nhân công ty dầu mỏ, thanh trừ một số phần tử quân đội không trung thành bị lôi kéo làm phản, và trục xuất nhiều phần tử chống đối chủ chốt. Ông cũng đã ra lệnh kết án hai thủ lĩnh đối lập 20 năm tù, là các gián điệp có quan hệ với Washington và đã từng tham gia vào nhóm những tên sát nhân chỉ huy cuộc bãi công trên toàn quốc.9
Suy cho cùng, một chuỗi những sự kiện này là thảm họa đối với chính quyền Bush. Như thời báo Los Angeles đã viết:
Thứ 3 vừa rồi , các quan chức chính quyền Bush đã phải thừa nhận là họ đã bàn bạc với các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự ở nước này hàng tháng nay về chuyện lật đổ tổng thống Vênêzuêla là Hugo Chavez… Hiện người ta đang điều tra vụ chính phủ tiến hành âm mưu đảo chính không thành này.10
Rõ ràng là không chỉ EHMs mà cả những kẻ sát nhân cũng đã thất bại. Hóa ra Vênêzuêla năm 2003 rất khác với Iran năm 1953. Tôi băn khoăn không hiểu đây có phải là một điềm báo hay đơn giản chỉ là một sự bất thường – và không hiểu Washington sẽ định làm gì tiếp theo.
Tôi tin là ít nhất trong lúc này, một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Vênêzuêla đã được đẩy lùi và Chavez đã được cứu thoát nhờ có Saddam Hussein. Bởi vì chính quyền của Bush không thể nào đồng thời giải quyết các vấn đề ở Afghanistan, Iraq và Vênêzuêla. Hiện tại họ không đủ lực lượng quân sự cũng như không đủ sự hậu thuẫn chính trị để làm điều đó.
Vì vậy, tôi biết là tình thế có thể thay đổi rất nhanh, và rằng trong tương lai gần, Tổng thống Chavez rất có thể sẽ phải đối mặt với một phe đối lập khá hùng hậu. Dù gì đi nữa, Vênêzuêla cũng nhắc nhở chúng ta rằng, 50 năm chẳng làm thay đổi được nhiều điều – ngoại trừ kết quả.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.