Lời thú tội của một sát thủ kinh tế
Chương 34: Thăm lại Êcuađo
Vênêzuêla là một trường hợp kinh điển. Tuy vậy, khi quan sát những sự kiện dần hé mở ra ở đó, tôi kinh ngạc nhận thấy những chiến tuyến thực sự quan trọng lại nằm ở một nơi khác. Những chiến tuyến này quan trọng không phải là vì ở đó chứa đựng nhiều tiền hay nhiều sinh mạng hơn, mà bởi vì chúng liên quan đến những vấn đề vượt ra ngoài những mục tiêu vật chất từ trước đến nay vẫn là nền tảng của các đế chế. Những chiến tuyến này vượt quá tầm với của các chủ ngân hàng, các giám đốc, và các chính trị gia, đi sâu vào linh hồn của xã hội hiện đại. Và chúng đang được hình thành nên trong lòng một đất nước mà tôi biết và yêu quý, đất nước nơi tôi đã từng làm việc như một tình nguyện viên của Quân đoàn Hòa bình: Êcuađo.
Từ lần đầu tiên khi tôi đặt chân đến đây vào năm 1968, qua thời gian đất nước bé nhỏ đã dần trở thành một nạn nhân điển hình của chế độ tập đoàn trị. Những người cùng thời với tôi, và những người đang theo bước chúng tôi, thật sự đã đẩy nó đến bờ vực phá sản. Chúng tôi cho đất nước này vay hàng tỷ đô la để nó có thể thuê các công ty lắp ghép và xây dựng của chúng tôi dựng nên những dự án phục vụ tầng lớp giàu nhất đất nước này. Kết quả là trong vòng 3 thập niên, tỷ lệ nghèo đói chính thức tăng từ 50% lên 70%, thất nghiệp tăng từ 15% lên 70%, nợ công tăng từ 240 triệu USD lên 16 tỷ USD và tỷ lệ nguồn lực quốc gia dành cho những người nghèo nhất giảm từ 20% xuống còn 6%. Ngày nay, Êcuađo dành gần 50% tổng ngân sách quốc gia để trả nợ – thay vì dùng số tiền đó để giúp cho hàng triệu người đang chính thức đứng trong danh sách những người bị bần cùng.1
Tình hình ở Êcuađo chứng minh rằng, điều này hoàn toàn không phải là hậu qủa của một âm mưu: nó là một quá trình diễn ra cả trong thời kỳ cầm quyền của đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa, một quá trình với sự tham gia của tất cả các ngân hàng đa quốc gia lớn, rất nhiều công ty, các chương trình viện trợ nước ngoài của vô số nước. Mỹ đóng vai trò chủ đạo, nhưng Mỹ không hành động một mình.
Trong vòng ba thập niên qua, hàng ngàn người đã cùng đưa Êcuađo đến vị trí ngàn cân treo sợi tóc mà nó đang phải đối mặt vào đầu thiên niên kỷ mới. Một số người, giống như tôi, ý thức được những việc họ đang làm, song đa phần những người khác chỉ hoàn thành công việc theo cách mà họ đã từng được học tại các trường kinh tế, trường kỹ thuật và trường luật, đi theo những ông chủ kiểu như tôi, những người đã lấy lòng tham của bản thân để giải thích cho toàn bộ hệ thống và bằng những hình thức thưởng phạt đã giúp duy trì nó.
Ngay trong trường hợp tồi tệ nhất thì những người tham gia vào công việc này cũng chỉ nghĩ rằng họ chẳng gây hại đến ai; còn nếu nhìn một cách lạc quan nhất thì họ đang giúp một dân tộc nghèo đói. Dù có vô tình bị lừa, và – trong rất nhiều trường hợp – tự lừa dối mình, những người trong cuộc không phải là thành viên của bất kỳ âm mưu bí mật nào, mà họ là sản phẩm của một hệ thống được dựng nên để củng cố cho một hình thức đế quốc tinh vi và hiệu quả nhất mà thế giới từng thấy. Người ta không phải mất công đi tìm những người sẵn sàng nhận hối lộ hay có thể bị dọa dẫm – những người này đã làm việc trong các công ty, các ngân hàng, và các cơ quan chính phủ rồi. Các hình thức hối lộ bao gồm tiền lương, thưởng, lương hưu, bảo hiểm, những lời dọa dẫm thường đến dưới hình thức những chuẩn mực xã hội, những áp bức, và những câu hỏi chưa ai nói ra về tương lai của con cái họ.
Hệ thống này đã thành công rực rỡ. Theo thời gian, Êcuađo ngày càng rơi sâu vào bẫy. Chúng tôi đã có được đất nước này. Cũng giống như một tay bố già Mafia đã có trong tay con người tội nghiệp mà đám cưới của con gái ông ta và công việc làm ăn nhỏ lẻ của ông ta do chính hắn tài trợ. Cũng giống như bất kỳ một bố già Mafia tài giỏi nào, chúng tôi biết là dưới những cánh rừng nhiệt đới của Êcuađo là cả một biển dầu, chúng tôi biết là cái ngày ấy rồi sẽ đến.
Và cái ngày ấy đã đến, đầu năm 2003, từ Quito tôi lái chiếc Subaru Outback quay về Shell. Chavez đã củng cố lại địa vị của mình ở Vênêzuêla. Ông đã thách đố George W.Bush và đã thắng. Saddam giữ vững lập trường và sắp sửa bị xâm lược. Nguồn cung cấp dầu hỏa bị tụt xuống mức thấp nhất trong gần ba thập niên, và triển vọng chúng tôi có thể lấy thêm dầu từ những nguồn then chốt trở nên vô cùng ảm đạm- và vì thế các bảng cân đối kế toán của chế độ tập đoàn trị cũng sẽ chẳng ra gì. Chúng tôi cần một con át chủ bài. Đã đến lúc phải đòi nợ Êcuađo.
Trong lúc lái xe qua con đập khổng lồ trên dòng sông Pastaza, tôi nhận thấy ở Êcuađo, cuộc chiến không đơn thuần trên dòng sông Pastaza, tôi nhận thấy ở Êcuađo, cuộc chiến không đơn thuần là cuộc chiến giữa người giàu và người nghèo, giữa những kẻ chuyên đi bác lột và những người bị bóc lột. Những cuộc chiến này cuối cùng sẽ xác định lại chúng tôi là ai với tư là một nền văn minh. Chúng tôi điềm nhiên ép đất nước nhỏ bé này mở những cánh rừng rậm nhiệt đới Amazon cho các công ty dầu lửa. Và hậu quả của việc này sữ là một sự tàn phá khủng khiếp.
Nếu chúng tôi cứ khăng khăng đòi nợ, thì hậu quả của việc đó khó mà lường hết được. Không chỉ là vấn đề các nền văn hóa bản địa, mạng người và hàng trăm ngàn loài động vật, loài bò sát, các loài côn trùng, và thực vật – mà rất nhiều trong số này có thể là những loại thuốc chưa được khám phá để chữa một loạt các căn bệnh – sẽ bị tàn phá. Không chỉ là việc những cánh rừng nhiệt đới hấp thụ khí thải chết người phả ra từ nền công nghiệp của chúng tôi, cho khí ôxy cần thiết biết mấy đối với cuộc sống của chúng ta, và tạo ra những đám mây đem đến cho ta phần lớn nguồn nước trên thế giới. Nó vượt quá phạm vi của tất cả những lý luận thông thường mà những nhà môi trường học thường dùng để bảo vệ những nơi như thế này, và chạm đến những nơi sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta.
Nếu chúng tôi theo đuổi chiến lược này, chúng tôi sẽ tiếp tục cái hình mẫu đế quốc đã bắt đầu từ trước cả Đế chế La mã. Chúng tôi công khai chỉ trích chế độ nô lệ, nhưng đế quốc chúng tôi đã biến nhiều người thành nô lệ hơn cả đế chế La mã và những cường quốc thuộc địa trước đây. Tôi không hiểu làm sao chúng tôi có thể áp dụng một chính sách thiển cận như vậy ở Êcuađo mà vẫn có thể sống với lương tâm của chính mình.
Qua cửa kính chiếc Subaru, tôi nhìn lên những sườn núi trơ trụi của dãy Andy, nó đã từng tươi tốt với đầy các loại cây nhiệt đới khi tôi còn ở Quân đoàn Hòa bình, tôi bỗng phát hiện thêm một điều nữa. Tôi chợt nhận ra rầng cách nhìn Êcuađo như một chiến tuyến quan trọng chỉ mang tính cá nhân, chứ trên thực tế, tất cả các quốc gia mà tôi đã từng đến làm việc, những quốc gia với nguồn tài nguyên mà đế chế thèm khát, cũng đều quan trọng như vậy. Tôi có cảm tình riêng với đất nước này, tôi cảm tình với nó từ những ngày cuối thập niên 60 khi tôi đánh mất sự vô tội của mình tại đây. Tuy vậy, điều này chỉ là chủ quan, là thành kiến của riêng tôi.
Tuy những khu rừng nhiệt đới của Êcuađo rất quý giá, song cũng như những dân bản địa và tất cả sự sống trong các khu rừng này, chúng cũng không đáng quý hơn những sa mạc ở Iran hay những di sản của người Ả rập. Không quý giá hơn những dãy núi của Java, những bờ biển Phillipin, những thảo nguyên của Châu Á, những hoang mạc của Châu Phi, những khu rừng Bắc Mỹ, và những chỏm băng của Bắc cực hoặc hàng trăm nơi có nguy cơ bị đe dọa khác. Tất cả những nơi này đều đại diện cho những trận chiến, và mỗi nơi đó lại buộc chúng ta phải tự vấn trong sâu thẳm lương tâm của mỗi người và của tất cả mọi người.
Tôi nhớ đến một con số thống kê tổng hợp được tất cả những điều này: Tỷ lệ thu nhập của 1/5 dân số thế giới sống ở các nước giàu nhất so với thu nhập của 1/5 dân sô sống ở các nước nghèo nhất tăng từ 30/1 năm 1960 lên tới 74/1 năm 1995. Ngân hàng thế giới, USAID, quỹ tiền tệ Quốc tê, cùng những ngân hàng, công ty và các chính phủ khác nhúng tay vào cái gọi là viện trợ quốc tế tiếp tục nói với chúng ta rằng, họ đang làm công việc của họ, và rằng họ đã đạt được những bước tiến.
Và thế là tôi lại đến Êcuađo, tới đất nước chỉ là một trong số những trận chiến nhưng lại chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi. Lần này là vào năm 2003, 35 năm sau lần đầu tiên tôi đặt chân đến nơi này với vai trò là một thành viên của một tổ chức Mỹ mang từ “hòa bình” trong tên gọi của nó. Lần này, tôi đến để ngăn chặn một cuộc chiến mà ba thập niên nay tôi đã kích động.
Những sự kiện ở Afghanistan, Iraq, Vênêzuêla đáng lẽ đã phải làm chúng tôi nản chí; nhưng ở Êcuađo, tình thế khác hẳn. Để tiến hành cuộc chiến ở đây, sẽ không phải huy động quân đội Mỹ, chúng tôi sẽ chỉ phải đối đầu với vài nghìn chiến binh của các bộ lạc, được trang bị bằng giáo mác, dao rựa, những khẩu súng nạp đạn bằng nòng, bắn từng phát một. Những bộ lạc này sẽ phải chống lại một quân đội Êcuađo được trang bị hiện đại, vài tay tham mưu mà Mỹ cử sang, và những tên giết người hám lời do các công ty dầu lửa thuê. Cuộc chiến này sẽ chẳng khác nào cuộc xung đột vào năm 1995 giữa Peru và Êcuađo mà phần lớn người dân Mỹ chẳng bao giờ biết đến, và những diễn biến gần đây đã leo thang đến mức chiến tranh rất có thể sẽ xảy ra.
Vào tháng 12 năm 2002, đại diện của công ty dầu lửa buộc tội một bộ lạc đã bắt cóc và giữ một nhóm nhân viên công ty làm con tin, những người đại diện cũng ám chỉ là những người tham gia vụ bắt cóc này là thành viên của một nhóm khủng bố, có thể có liên hệ với Al-Qaeda. Đây là một vấn đề được thổi phồng lên vì công ty dầu lửa này chưa được chính phủ cho phép đặt giàn khoan. Tuy vậy công ty này khẳng định, công nhân của họ có quyền tiến hành điều tra sơ bộ trước khi được phép đặt giàn khoan – vài ngày sau, tuyên bố này đã bị các bộ lạc bản địa kịch liệt phản đối khi họ chia sẽ quan điểm của họ về sự kiện này.
Theo đại diện của bộ lạc, các công nhân của công ty dầu lửa đã xâm phạm vùng đất mà không có quyền đặt chân tới; những người của bộ lạc không mang vũ khí, cũng không đe dọa những người công nhân này bằng bất cứ hành động bạo lực nào. Trên thực tế, họ đã đưa những người này về làng, mời họ ăn và uống chicha, một loại bia địa phương. Sau khi đã thiết đãi nồng hậu, bộ lạc thuyết phục những người dẫn đường cho những công nhân đưa họ ra khỏi nơi này. Tuy vậy, bộ lạc khẳng định là những người công nhân này chưa bao giờ bị bắt giữ, họ được tự do đi bất kỳ nơi nào họ muốn.
Trên đường đi, tôi nhớ lại những gì người Shuar đã nói với tôi năm1990 khi tôi quay trở lại giúp họ bảo vệ những cánh rừng sau khi đã bán IPS. “Thế giới là cái mà anh mơ ước”. Họ từng nói vậy, và họ cũng chỉ ra những người phương Bắc chúng tôi đã mơ về những ngành công nghệp khổng lồ, mơ có nhiều ô tô và những ngôi nhà chọc trời. Bây giờ chúng tôi phát hiện ra rằng viễn tưởng của chúng tôi thực tế là một cơn ác mộng mà cuối cùng rồi sẽ hủy hoại tất cả chúng tôi.
“Hãy thay đổi giấc mơ đó đi”, những người Shuar đã từng khuyên tôi. Và bây giờ hơn một thập niên sau, bất chấp sự cố gắng của nhiều người và nhiều tổ chức phi lợi nhuận, gồm cả những tổ chức mà tôi đã từng hợp tác, cơn ác mộng ngày càng trở nên khủng khiếp.
Khi chiếc Outback cuối cùng cũng đưa tôi đến Shell, thành phố trong rừng rậm, tôi vội vã đến cuộc họp. Những người tham dự cuộc họp đại diện cho rất nhiều bộ lạc: Kichwa, Shuar, Achuar, Shiwiar,và Zaparo. Nhiều người trong số họ đã đi xuyên rừng hàng ngày trời, một số khác đi bằng những chiếc máy bay nhỏ, do các tổ chức phi lợi nhuận tài trợ. Một vài người mặc váy dân tộc, vẽ mặt và đeo những dải băng buộc đầu làm từ lông chim, trong khi số còn lại cố bắt chước những người dân thị trấn, mặc quần Âu, áo phông và đi giầy.
Các đại diện của bộ lạc buộc tội là bắt giữ con tin đứng lên nói đầu tiên. Họ nói với chúng tôi là ngay sau khi những người công nhân quay trở lại công ty, hơn một trăm lính Êcuađo đã tới bộ lạc nhỏ bé của họ. Họ nhắc lại cho chúng tôi biết những người lính đã đến vào một thời điểm rất đặc biệt với các khu rừng nhiệt đới, khi cây chonta kết trái. Đối với những nền văn hóa bản địa, loài cây này rất thiêng liêng vì nó chỉ kết trái một năm mỗi lần báo hiệu mùa giao phối của rất nhiều loài chim trong vùng trong đó có cả những loài chim quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng đã bay đến. Những người lính đến đông như vậy sẽ gây nguy hiểm cho các loài chim. Những bộ lạc nghiêm cấm săn bắt chim trong mùa chonta.
“Những người lính đã đến vào một thời điểm quá bất lợi”, một phụ nữ giải thich. Tôi cảm nhận được nỗi đau của bà và của những người đi theo khi họ kể lại câu chuyện bi thảm khi những người lính cố tình lờ đi lệnh cấm. Họ bắn rơi những con chim chỉ để giải trí và làm thức ăn. Thêm vào đó, họ vào vườn của các gia đình, những khu rừng chuối, và những cánh đồng sắn để ăn trộm, họ tàn phá tất cả những mảnh đất trồng vốn đã thưa thớt. Họ sử dụng chất nổ để bắt cá ở dưới sông, và họ ăn những con vật nuôi của các gia đình. Họ tịch thu súng săn và súng hơi, họ đào hố xí một cách tùy tiện, làm ô nhiễm các dòng sông bằng dầu và các dung dịch hòa tan, quấy nhiễu phụ nữ và vứt rác bừa bãi, khiến côn trùng và sâu bọ sinh sôi nảy nở.
“Chúng tôi có hai lựa chọn”, một người đàn ông nói. “Chúng tôi có thể chiến đấu hoặc có thể nuốt hận và cố gắng hết sức mình để phục hồi lại những gì đã tàn phá. Chúng tôi đã quyết định chưa phải lúc chiến đấu”. Ông tả lại họ đã tìm cách bù đắp các thiệt hại mà những người lính gây ra bằng cách động viên mọi người nhịn ăn. Ông ta gọi đó là nhịn ăn nhưng thực tình thì có lẽ gọi đó là chết đói một cách tự nguyện thì đúng hơn. Những người già và trẻ em bị suy dinh dưỡng và ngã bệnh.
Họ nói đến những lời hăm dọa và hối lộ. “Con trai tôi,” một phụ nữ nói, “biết cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha và một vài thổ ngữ. Nó đã từng là hướng dẫn viên du lịch và làm phiên dịch cho một công ty du lịch sinh thái. Họ trả tiền nó rất khá. Công ty dầu lửa đã đề nghị nó một khoản tiền cao gấp mười lần. Nó biết làm gì bây giờ? Giờ nó viết thư tố cáo công ty cũ nó và tất cả những người đã đến giúp chúng tôi, trong những bức thư, nó gọi các công ty dầu lửa là bạn của chúng tôi.” Bà lắc người, như một con chó đang lắc mình để rũ nước. “Nó không còn là người của chúng tôi nữa. Con trai tôi …”
Một ông già đeo chiếc khăn truyền thống theo kiểu của một pháp sư làm từ lông chim tucăng đứng lên. “Các ông có biết về ba người chúng tôi chọn ra để đại diện cho bộ lạc chống lại các công ty dầu lửa và đã chết trong tai nạn máy bay không? Tôi không định đứng đây để nói với các ông điều mà rất nhiều người vẫn nói là chính các công ty dầu lửa đã gây ra vụ tai nạn đó. Nhưng tôi có thể nói với các ông rằng ba cái chết đó đã để lại một chỗ trống trong chúng tôi. Các công ty dầu lửa đã nhanh chóng lấp đầy khoảng trống đó bằng người của họ.”
Một người đàn ông khác đưa ra một bản hợp đồng và đọc nó lên. Để đổi lấy 300.000 USD, họ đã nhượng cả một vùng đất rộng lớn cho một công ty cao su. Bản hợp đồng do ba viên chức của bộ lạc ký.
“Đây không phải là chữ ký của họ.” Ông ta nói. “Tôi biết, một trong số họ là em trai tôi. Đây là một kiểu ám sát khác. Làm cho những người đứng đầu của chúng tôi bị mất uy tín”.
Thật là mỉa mai và ngược đời là điều này xảy ra ở một vùng đất của Êcuađo nơi mà các công ty dầu lửa thậm chí còn chưa được phép khoan. Họ đã khoan ở rất nhiều nơi xung quanh khu vực này, và những người dân bản địa đã nhìn thấy kết quả, đã chứng kiến sự hủy diệt của những người láng giềng. Ngồi ở đó và lắng nghe, tôi tự hỏi bản thân liệu người dân ở đất nước tôi sẽ phản ứng thế nào nếu những cuộc họp như thế này được phát trên CNN trong bản tin buổi tối.
Những buổi họp mặt thật đáng nhớ và đã hé mở những điều gì đáng lo ngại. Nhưng cũng có những điều khác nữa, xảy ra bên lề những buổi gặp chính thức. Trong giờ nghỉ giải lao, lúc ăn trưa, và buổi tối, khi tôi nó chuyện riêng với mọi người, họ thường hỏi tôi tại sao nước Mỹ lại đe dọa Iraq. Cuộc chiến tranh sắp nổ ra được bàn luận trên trang nhất của những tờ báo Êcuađo và đã tìm đến được tới thị trấn nhỏ trong khu rừng này và những tin tức được đưa ra rất khác với những tin tức ở Mỹ. Nó đề cập cả việc gia đình Bush sở hữu công ty dầu lửa và United Fruilt, và cả việc Phó Tổng thống Cheney đã từng là Tổng giám đốc của Halliburton.
Những tờ báo này được đọc to lên cho những người chưa bao giờ được tới trường. Tất cả đều có vẻ rất quan tâm đến vấn đề này. Ở nơi đây, trong rừng rậm Amazon, giữa những người không biết chữ, thường bị nhiều người dân Bắc Mỹ coi là “lạc hậu”, thậm chí “man rợ”, thế mà những câu hỏi thăm dò mà họ đặt ra lại đánh trúng tim đen của cái đế chế toàn cầu.
Lái xe ra khỏi Shell, đi ngang qua cái đập thủy điện về phía những dãy núi Andy, tôi tiếp tục suy nghĩ về sự khác biệt giữa những gì tôi được biết đến ở Mỹ. Dường như các bộ lạc Amazon có rất nhiều điều để dạy chúng tôi; mặc dù được đi học và tốn hàng giờ đọc tạp chí và xem tin tức trên truyền hình, chúng tôi vẫn cái nhận thức mà bằng cách nào đó họ có được. Dòng suy nghĩ này làm tôi nghĩ tới Lời tiên tri về con kền kền và chim đại bàng, cuốn sách mà tôi đã đọc nhièu lần trong những ngày tháng đi khắp Mỹ Latinh, và về những lời tiên tri giống như thế mà tôi đã được nghe trên khắp thế giới.
Gần như tất cả những nền văn hóa mà tôi biết đã tiên đoán là cuối năm 90 chúng ta sẽ bước vào một giai đoạn với nhiều biến chuyển đáng chú ý. Trong những tu viện trên dãy Himalaya, những nghi lễ ở Inđônêxia, những khu bảo tồn dành cho người da đỏ ở Bắc Mỹ, từ sâu trong rừng Amazon tới đỉnh dãy Andy, cho tới những thành phố Maya cổ đại ở Trung Mỹ, tôi đều được nghe nói về thời đại của chúng ta như một thời khắc đặc biệt trong lịch sử loài người, và tất cả những ai sinh ra trong thời điểm này đều có một sự mệnh phải hoàn thành.
Tên gọi và những lời lẽ của những lời tiên tri có khác đôi chút. Có lúc đó là thời đại mới, là Thiên niên kỷ thứ ba, Thời đại của cung bảo Bình, sự khởi đầu của mặt trời thứ năm, hay kết thúc của những loại lịch cũ và sự khởi đầu của những loại lịch mới. Mặc dù khác nhau về cách gọi, song tất cả những lời tiên tri đều có nhiều điểm chung. Và Lời tiên tri về con kền kền và chim đại bàng là một ví dụ điển hình.
Lời tiên tri nói: Trong màn đêm của lịch sử, xã hội loài người đã tách đôi ra và đi về hai con đường: một con đường của chim kền kền (đại diện cho trái tim, trực giác và những điều thần bí) và một của chim đại bàng (đại diện cho trí óc, lý trí và vật chất). Trong những năm 90 của thế kỷ XV, hai con đường sẽ hợp thành một và chim đại bàng sẽ lái con kền kền và đẩy nó tới bờ vực của sự tiêu vong. Sau đó, 500 năm sau, vào những năm 90 của thế kỷ XX, một kỷ nguyên mới bắt đầu, chim đại bàng và con kền kền sẽ có cơ hội hòa giải và cùng nhau bay trên cùng một bầu trời, trên cùng một con đường. Nếu con kền kền và chim đại bàng đón nhận cơ hội này, chúng sẽ làm nên một điều kỳ diệu, chưa từng có trong lịch sử.
Lời tiên tri về con kền kền và chim đại bàng có thể được hiểu ở nhiều mức độ- cách diễn giải thông thường nhất là nó báo trước sự kết hợp của những kiến thức bản địa với những tiến bộ của khoa học, sự cân bằng giữa âm và dương, và một cầu nối cho các nền văn hóa Bắc và Nam. Tuy vậy, điều quan trọng nhất là nó làm chúng ta thức tỉnh; chúng ta đã bước cào một thời kỳ mà chúng ta có thể có lợi từ vô số những cách nhận khác nhau về bản thân chúng ta và thế giới, và điều này sẽ giúp chúng ta đạt đến một trình độ nhận thức mới.
Là loài người, chúng ta thật sự có thể thức tỉnh và biến mình trở thành một loài động vất có tri thức hơn. Những con người “kền kền” của rừng Amazon đã chỉ rõ, nếu chúng tôi muốn trả lời câu hỏi về bản chất của con người trong thiên niên kỷ mới, nếu chúng tôi cam kết đánh giá lại những ý định của chúng tôi trong vòng vài thập niên tới, thì chúng tôi phải mở mắt để nhìn nhận hậu quả những hành động của mình- những hành động của chim đại bàng – ở những nơi như Iraq và Êcuađo.
Chúng tôi phải tự thức tỉnh bản thân. Chúng tôi, những người sống ở một quốc gia hùng mạnh nhất mà lịch sử loài người từng chứng kiến phải thôi không quan tâm đến kết thúc của những bộ phim nhiều tập, kết quả của những trận bóng, những bảng cân đối hàng quý và chỉ số hàng ngày của thị trường chứng khoán Dow Jones, mà thay vào đó phải nhìn nhận lại chúng tôi là ai và chúng tôi muốn thế hệ con cái chúng tôi đi về đâu. Nếu chúng tôi không tự hỏi bản thân những câu hỏi quan trọng như vậy thì quả là nguy hiểm.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.