Lời thú tội của một sát thủ kinh tế
Chương 5: Bán linh hồn cho quỷ
Nhóm mười một người chúng tôi ở lại Jakarta sáu ngày, đến đăng ký với Sứ quán Mỹ, gặp gỡ các quan chức, sắp xếp công việc và thư giãn bên bể bơi. Tôi ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều người Mỹ sống tại khách sạn Inter Continental. Tôi thích thú ngắm nhìn những phụ nữ trẻ đẹp- vợ của những tay giám đốc công ty dầu lửa và công ty xây dựng- ngày ngày ở bên bể bơi và tối lang thang khắp nửa tá quán ăn sang trọng trong và ngoài khách sạn.
Sau đó Charlie chuyển nhóm chúng tôi đến Bandung, một thành phố miền núi. Nơi đây khí hậu ôn hòa hơn, người ta ít nhìn thấy cảnh nghèo khổ hơn song cũng ít thú tiêu khiển hơn. Chúng tôi ở lại một khách sạn của Chính phủ tên là Wisma, với một người quản lý, một đầu bếp, một người làm vườn và một đội ngũ nhân viên phục vụ. Được xây dựng từ thời thuộc địa Hà Lan, Wisma vốn là một bến cảng. Đứng trên hiên nhà khách có thể nhìn ra những vườn chè trải dài, qua những quả đồi nhấp nhô, lên tới tận những sườn núi lửa của Java. Ngoài nhà ở, chúng tôi còn được cấp mười một chiếc Toyota, mỗi chiếc xe lại có một lái xe và một phiên dịch riêng. Cuối cùng, chúng tôi được mời làm thành viên của hai nơi sang trọng bậc nhất là Câu lạc bộ Golf và Quần vợt Bandung, và được đặt văn phòng trong khuôn viên của chi nhánh Perusahaan Umum Listrik Negara (PLN), công ty điện lực nhà nước.
Đối với tôi, những ngày đầu ở Bandung là hàng loạt những cuộc gặp gỡ với Charlie và Howard Parker. Howard hơn 70 tuổi và từng là chuyên gia dự báo chính về tải điện cho Hệ thống Điện của New England. Lúc này ông ta đảm trách công việc dự báo về nguồn năng lượng và khả năng sản xuất điện của toàn bộ đảo Java trong vòng hai lăm năm tới, cũng như dự báo riêng cho từng thành phố và các vùng. Vì nhu cầu về điện liên quan chặt chẽ tới tăng trưởng kinh tế nên những dự báo của ông ta cần dựa vào những dự báo kinh tế của tôi. Sau đó, những người còn lại trong nhóm chúng tôi sẽ xây dựng bản qui hoạch tổng thể dựa trên những dự báo này, xác định địa điểm đặt các nhà máy điện, thiết kế các nhà máy, các đường dây tải điện và phân phối điện, các hệ thống cung cấp nhiên liệu làm sao để đáp ứng hiệu quả nhất các dự án của chúng tôi. Trong các buổi gặp gỡ, Charlie bao giờ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công việc mà tôi làm. Ông ta nhắc đi nhắc lại là tôi phải rất lạc quan khi đưa ra dự báo. Claudine đã nói đúng. Tôi chính là yếu tố then chốt trong toàn bộ qui hoạch tổng thể.
“Những tuần đầu tiên ở đây”, Charlie giải thích, “là để thu thập số liệu”. Charlie, Howard và tôi ngồi trên những chiếc ghế mây to trong phòng làm việc sang trọng của Charlie. Những bức tường được trang trí bằng những tấm thảm thêu theo kiểu batic mô tả câu chuyện sử thi Ramayana bằng văn tự Hindu cổ. Charlie hút một điếu xì gà to. “Các kỹ sư sẽ đưa ra một bức tranh chi tiết về hệ thống điện, năng lực cầu cảng, đường sá, đường ray xe lửa, tất cả mọi thứ đại loại như thế trong hiện tại”.
Ông ta chĩa điếu xì gà về phía tôi. “Anh phải nhanh lên. Đến cuối tháng thứ nhất, Howard phải có được một cách tương đối chính xác con số dự báo sơ bộ về mức độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ sẽ xảy ra khi chúng ta có mạng lưới điện. Cuối tháng thứ hai, anh ta sẽ cần nhiều thông tin chi tiết hơn, tức là phải có được dự báo cho từng vùng. Tháng cuối cùng sẽ là lúc làm nốt những gì còn thiếu. Đó là điều then chốt. Tất cả chúng ta sẽ phải cùng bàn bạc với nhau. Vậy là, trước khi rời khỏi đây chúng ta phải hoàn toàn chắc rằng chúng ta đã có đầy đủ tất cả các thông tin cần thiết. Chúng ta sẽ được về nhà để nghỉ lễ Tạ ơn, đó là phương châm của tôi. Không quay lại nữa đâu”.
Thọat nhìn, Howard có vẻ là một ông già tốt bụng, nhưng thực sự ông là một người đàn ông lúc nào cũng có vẻ cay đắng vì bị đời lừa dối. Ông ta chưa bao giờ đạt được vị trí cao nhất ở Hệ thống điện New England và vô cùng phẫn nộ về điều đó. “Tôi luôn bị bỏ qua”, ông ta lặp đi lặp lại với tôi, “bởi vì tôi đã không để bị mua chuộc”. Ông ta bị buộc phải nghỉ hưu, để rồi không thể chịu đựng được việc ngày ngày phải ở nhà với vợ, ông ta nhận làm tư vấn cho MAIN. Đây là nhiệm vụ thứ hai của ông ta. Cả Einar và Charlie đều cảnh báo tôi phải dè chừng ông ta. Họ mô tả ông ta như một kẻ ngoan cố, bần tiện, và đầy thù hận.
Nhưng hóa ra Howard lại là một trong những người thầy giàu kinh nghiệm nhất mà tôi có được, mặc dù lúc đó tôi khó lòng chấp nhận điều này. Ông ta chưa bao giờ được đào tạo như Claudine đã đào tạo tôi. Tôi đoán họ cho rằng ông ta đã quá già hoặc có lẽ quá ngoan cố. Cũng có thể họ tính ông ta chỉ có thể làm dự án này trong một thời gian ngắn cho đến khi họ lôi kéo thêm được những người làm việc lâu dài và dễ bảo như tôi. Bất luận thế nào đi nữa thì xét từ quan điểm của họ, ông ta rồi cũng trở thành một chướng ngại. Rõ ràng là Howard hiểu rõ tình huống cũng như vai trò mà họ muốn ông ta nắm giữ, và ông ta quyết tâm không trở thành quân cờ trong tay họ. Tất cả những từ mà Einar và Charlie gán cho ông ta là rất thích đáng, nhưng sự ngoan cố của ông ta một phần nào đó bắt nguồn từ sự cam kết của chính bản thân ông ta là không trở thành tay sai cho họ. Tôi ngờ rằng ông ta chưa bao giờ nghe thấy thuật ngữ sát thủ kinh tế, nhưng ông ta biết họ có ý dùng ông ta để xây dựng nên một thứ chủ nghĩa đế quốc mà ông ta không thể chấp nhận được.
Một lần, sau cuộc họp với Charlie, ông ta kéo riêng tôi ra một chỗ. Ông ta đeo một cái máy trợ thính và vân vê chiếc hộp nhỏ đặt trong áo sơ mi để điều chỉnh âm lượng. “Đây chỉ là chuyện giữa hai chúng ta”. Howard nói với giọng bí mật.
Chúng tôi đứng cạnh cửa sổ trong văn phòng, nhìn ra con mương đầy nước tù đọng dẫn ra tòa nhà PLN. Một người đàn bà trẻ đang tắm trong dòng nước hôi hám đó, che mình bằng chiếc sarong quấn quanh người. “Họ cố gắng thuyết phục anh rằng nền kinh tế này sẽ tăng trưởng thần tốc”, ông ta nói. “Charlie rất tàn nhẫn. Đừng chọc giận ông ta.” Những lời nói của ông ta khiến tôi có linh cảm về một điềm chẳng lành nhưng cũng làm tôi muốn thuyết phục ông ta rằng Charlie đã đúng. Dù gì, sự nghiệp của tôi cũng phụ thuộc vào việc làm hài lòng các ông chủ ở MAIN. “Chắc chắn nền kinh tế này sẽ phát triển rất nhanh”, tôi nói, mắt vẫn hướng về phía người phụ nữ dưới con mương. “Cứ nhìn vào những gì đang xảy ra thì thấy”.
“Ra là vậy”, ông ta lẩm bẩm, rõ ràng chẳng để ý gì đến cảnh tượng đang diễn ra trước mắt chúng tôi. “Anh đã bị họ mua chuộc rồi, phải không?” Một việc xảy ra ở bờ mương khiến tôi chú ý. Một người đàn ông lớn tuổi đi xuống phía bờ mương, tụt quần và ngồi xổm bên mép nước để đáp lại tiếng gọi của tự nhiên. Người phụ nữ trẻ nhìn thấy ông ta nhưng cũng chẳng ngăn cản; cô ta vẫn tiếp tục tắm. Tôi xoay lưng lại phía cửa sổ và nhìn thẳng vào Howard.
“Tôi đã đi nhiều nơi”, tôi nói, “có thể tôi ít tuổi nhưng tôi vừa trở về sau ba năm sống tại Nam Mỹ. Tôi đã thấy những gì có thể xảy ra khi dầu mỏ được tìm thấy. Mọi thứ thay đổi rất nhanh”.
“Ồ, tôi cũng đã đi rất nhiều nơi”, ông ta nói một cách chế giễu. “Rất nhiều năm. Để tôi nói cho anh biết điều này, anh bạn trẻ. Tôi chẳng quan tâm đến mấy vụ tìm ra dầu mỏ của anh và tất cả những thứ khác. Tôi đã dự báo về tải trọng điện cả đời rồi- suốt từ thời Đại khủng hoảng Kinh tế, Thế chiến thứ II, qua các chu kỳ suy thoái và tăng trưởng. Tôi đã từng thấy những gì mà Tuyến đường 128 hay còn gọi là Sự thần kỳ Massachusetts đã đem lại cho Boston. Và tôi có thể cam đoan là không có nơi nào tốc độ tăng trưởng tải điện có thể duy trì ở mức bẩy đến chín phần trăm một năm liên tục trong một thời gian dài. Và đó là vào những thời kỳ tốt nhất. Sáu phần trăm thì hợp lý hơn.”
Tôi nhìn ông ta chằm chằm. Một phần nào đó trong tôi ngờ rằng ông ta đúng, nhưng tôi vẫn cảm thấy phải tự vệ. Tôi biết tôi cần phải thuyết phục ông ta vì tôi thấy lương tâm mình cần được bào chữa.
“Howard, đây không phải là Boston. Đây là đất nước mà cho đến giờ người ta vẫn chưa có điện để dùng. Mọi thứ ở đây khác hẳn.” Ông ta quay ngoắt đi và phẩy tay như thể muốn xua tôi đi. “Cứ tự nhiên”, ông ta gầm gừ. “Cứ bán tất đi. Tôi chẳng cần biết anh sẽ nghĩ ra cái gì.” Ông ta kéo mạnh các ghế phía sau bàn làm việc và buông mình xuống. “Tôi sẽ đưa ra dự báo về lượng tải điện dựa trên những điều tôi tin tưởng chứ không phải những nghiên cứu kinh tế theo kiểu bánh vẽ”. Ông ta nhặt chiếc bút chì lên và bắt đầu vẽ nguệch ngoạch lên một tập giấy.
Đây quả là một sự thách thức mà tôi không thể làm ngơ. Tôi đi tới và đứng trước bàn làm việc của ông ta. “Người ta sẽ coi ông là thằng ngu nếu tôi chứng minh được những gì mọi người đang trông chờ- một sự phát triển rực rỡ sánh ngang với thời kỳ sốt vang ở California- trong khi ông ta đưa ra dự báo mức tăng trưởng của ngành điện chỉ ở mức ngang với ở Boston vào những năm 60.”
Ông ta ném chiếc bút chì xuống bàn và nhìn tôi trừng trừng. “Vô lương tâm! Đúng vậy. Anh- và tất cả các người.” Ông ta chỉ tay về phía dãy văn phòng bên ngoài, “anh đã bán linh hồn mình cho quỉ dữ. Anh tham gia vụ này cũng chỉ vì tiền thôi”. Bây giờ, ông ta nhếch mép và cho tay vào trong áo, “tôi sẽ tắt máy trợ thính và trở lại làm việc.”
Chuyện này làm tôi choáng váng đến tận tâm can. Tôi lao ra khỏi phòng và đi về phía phòng làm việc của Charlie. Được nửa đường, tôi dừng lại, tôi không chắc mình định làm gì. Thay vì đi tiếp, tôi quay lại và đi xuống cầu thang, ra khỏi cửa, hòa mình vào ánh nắng chiều. Người phụ nữ trẻ đang leo lên bờ mương, chiếc sarong quấn chặt lấy thân hình. Người đàn ông lớn tuổi đã biến mất. Có vài thằng bé đang chơi dưới mương, té nước và la hét với nhau. Một cụ bà đang đứng dưới mương, nước ngập đến đầu gối để đánh răng; một người khác đang giặt quần áo.
Tôi cảm thấy cổ họng mình nghẹn lại. Tôi ngồi xuống một phiến bêtông bị vỡ, cố không để ý đến mùi hôi hám từ phía con mương. Phải cố gắng lắm tôi mới ngăn được nước mắt; tôi phải hiểu được tại sao mình lại cảm thấy đau khổ đến vậy? Anh tham gia vụ này chỉ vì tiền thôi. Những lời nói của Howard cứ văng vẳng bên tai. Ông ta đã chạm vào nỗi đau của tôi. Mấy thằng bé vẫn tiếp tục trò té nước, tiếng la hét vui sướng vang vọng cả không gian. Tôi tự hỏi mình phải làm gì. Làm gì để được vô tư như bọn chúng?
Câu hỏi cứ dày vò khi tôi ngồi đó nhìn bọn trẻ chơi đùa một cách ngây thơ đầy hạnh phúc, chúng rõ ràng không nhận thức được những nguy cơ có thể gặp phải khi chơi đùa dưới dòng nước hôi hám đó. Một người đàn ông lưng gù chống gậy xù xì vặn vẹo đang đi khập khiễng dọc theo bờ mương. Ông ta dừng lại nhìn bọn trẻ và trên khuôn mặt già nua nở nụ cười móm mém.
Có lẽ tôi nên giãi bày tâm sự với Howard và có thể, chúng tôi sẽ cùng nhau tìm ra một giải pháp gì đó. Tôi bỗng cảm thấy nhẹ cả người. Tôi nhặt một hòn đá nhỏ lên và ném nó xuống con mương. Khi mặt nước phẳng lặng trở lại thì sự phấn khích trong tôi cũng tiêu tan. Tôi biết tôi không thể làm điều đó. Howard đã già và đầy cay đắng. Ông ta đã bỏ qua những cơ hội thăng tiến. Chắc chắn là bây giờ ông ta sẽ không tiếp tục phấn đấu nữa. Tôi còn trẻ, vừa mới vào đời và chẳng hề muốn kết thúc như ông ta.
Nhìn chăm chăm vào dòng nước dưới con kênh hôi hám đó, tôi thấy lại hình ảnh của ngôi trường nội trú dành cho nam sinh New Hamsphire trên quả đồi, nơi tôi đã phải trải qua những tháng ngày cô độc trong khi những đứa trẻ khác đi đến những vũ hội đầu tiên trong đời. Sự thật đáng thương đó cứ chầm chậm hiện về. Lại một lần nữa, chẳng có ai để tôi có thể dốc bầu tâm sự.
Tối hôm đó nằm trên giường, tôi suy nghĩ rất lâu về những người tôi đã gặp trong đời- Howard, Charlie, Claudine, Ann, Einar, chú Frank- tự hỏi cuộc đời tôi sẽ ra sao nếu tôi không bao giờ gặp họ. Tôi sẽ sống ở đâu? Không thể là Inđônêxia, điều đó là chắc chán. Tôi cũng băn khoăn về tương lai của mình, về nơi mà tôi sẽ tới. Tôi suy nghĩ về quyết định mà mình đang phải đương đầu. Charlie đã nói rõ ràng ông ta muốn Howard và tôi đưa ra con số tăng trưởng ít nhất là 17%/năm. Tôi phải đưa ra dự bảo kiểu gì đây?
Một ý nghĩ chợt đến xoa dịu tâm hồn tôi. Tại sao tôi không nghĩ ra điều đó sớm hơn nhỉ? Đó hoàn toàn không phải là quyết định của tôi. Howard đã từng nói ông ta sẽ chỉ làm những điều ông ta cho là đúng, bất chấp kết luận của tôi. Tôi sẽ làm hài lòng các ông chủ của mình bằng cách đưa ra mức dự báo kinh tế cao và ông ta sẽ đưa ra quyết định riêng của mình; công việc của tôi sẽ không ảnh hưởng gì đến bản qui hoạch tổng thể. Mọi người cứ nhấn mạnh tầm quan trọng của tôi, nhưng họ đã nhầm. Gánh nặng lớn đã được rũ bỏ. Tôi chìm vào giấc ngủ sâu.
Vài ngày sau, Howard bị ốm nặng do nhiễm amíp. Chúng tôi đưa ông ta vào Bệnh viện Công giáo. Các bác sĩ kê đơn thuốc và khuyên ông ta nên trở về Mỹ. Howard cam đoan rằng ông ta đã có tất cả dữ liệu cần thiết và có thể dễ dàng hoàn tất phần dự báo về lượng tải điện từ Boston. Khi chia tay, ông ta lại lặp lại lời cảnh báo của mình trước đó. “Không cần phải làm giả số liệu”, ông ta nói, “tôi sẽ không tham gia vào mưu đồ đó, bất luận anh dự báo gì về sự kỳ diệu của tăng trưởng kinh tế!”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.