Lời thú tội của một sát thủ kinh tế

Chương 7: Nền văn minh trước vành móng ngựa



“Tôi sẽ đưa anh đi xem một dalang”, Rasy cười nói. “Anh biết đấy, những nghệ nhận múa rối nổi tiếng của Inđônêxia”. Rõ ràng là anh ta rất vui khi thấy tôi quay lại Bandung. “Tối nay ở đây có một dalang rất quan trọng”. 

Anh đưa tôi đi qua nhiều nơi trong thành phố trên chiếc xe máy của mình, những nơi mà tôi chưa từng nghĩ là có trên đời, qua những khu nhà kampong truyền thống của những người nghèo Java, trông giống như những ngôi nhà đền nhỏ lợp mái ngói. Ở đấy không có những ngôi biệt thự từ thời thuộc địa Hà Lan và những cao ốc văn phòng sang trọng. Người dân nơi đây rõ ràng là rất nghèo nhưng họ mang trong mình sự kiêu hãnh. Họ mặc sarong batik tuy đã cũ nhưng sạch sẽ, áo sơmi sáng màu, và đội những chiếc mũ rơm rộng vành. Đến bất cứ đâu chúng tôi cũng đều được chào đón bằng những nụ cười. Khi chúng tôi dừng xe, lũ trẻ lao tới để chạm vào tôi và sờ vào lớp vải của chiếc quần bò tôi đang mặc. Một cô bé gài bông hoa đại thơm ngát lên tóc tôi. 

Chúng tôi dựng xe gần một rạp hát vỉa hè, nơi có tới vài trăm người đang tụ tập, một số người đang đứng, số khác thì ngồi trên những chiếc ghế xếp. Một buổi tối thật đẹp và bầu trời thật quang đãng. Mặc dù chúng tôi đang đứng lại trung tâm của khu phố cổ Bandung, nhưng không hề có đèn đường, chỉ có những ngôi sao sáng lấp lánh trên đầu. Không khí tràn ngập mùi thơm của những thanh củi đang cháy, của những cây lạc và cây đinh hương. 

Rasy biến mất trong đám đông và nhanh chóng quay trở lại với đám bạn mà trước đó tôi đã gặp ở quán cà phê. Họ mời tôi thưởng thức trà nóng, những chiếc bánh nhỏ, và sate, những miếng thịt nhỏ tẩm dầu lạc. Hẳn là trông tôi khá do dự khi ăn thử một miếng sate, vì một trong số những người phụ nữ chỉ vào đám lửa nhỏ và nói với tôi: “Thịt tươi đấy”, cô ta cười, “vừa mới nướng xong”. 

Và sau đó tiếng nhạc bắt đầu vang lên những âm thanh văng vẳng bí ẩn của gamalong, một loại nhạc cụ làm người ta liên tưởng tới những tiếng chuông ở đền thờ. “Dalang tự mình chơi tất cả các nhạc cụ”, Rasy thì thầm. “Ông ta cũng điều khiển tất cả các con rối và lồng tiếng cho chúng bằng nhiều ngôn ngữ. Chúng tôi sẽ dịch cho anh”. Đó là một buổi biểu diễn rất xuất sắc, kết hợp các câu truyện truyền thuyết với các sự kiện đương đại. Về sau, tôi được biết, dalang là một pháp sư và biểu diễn trong trạng thái bị thôi miên. Ông ta có hơn một trăm con rối và lồng tiếng cho mỗi con rối bằng một giọng khác nhau. 

Đó là một buổi tối mà tôi sẽ không bao giờ quên, và nó còn ảnh hưởng sâu sắc tới suốt phần đời còn lại của tôi. Sau khi biểu diễn xong một tác phẩm kinh điển trong sử thi Ramayana bằng ngôn ngữ cổ, dalang đem ra một con rối có hình Richard Nixon, đầy đủ cả cái mũi dài và cái cằm sệ đặc trưng. Tổng thống Mỹ mặc trang phục của Chú Sam, áo đuôi tôm cùng cái mũ cao có sao và vạch. Theo sau là một con rối khác mặc bộ vét kẻ sọc có áo gi lê. Con rối thứ hai xách một cái xô có vẽ ký hiệu đồng đôla. Nó dùng tay kia để vẫy một lá cờ Mỹ trên đầu Nixon theo kiểu nô lệ quạt mát cho ông chủ. 

Bản đồ Trung Đông và Viễn Đông xuất hiện đằng sau hai con rối, tên rất nhiều quốc gia được treo trên những cái móc theo đúng vị trí của chúng. Nixong ngay lập tức tiến lại gần tấm bản đồ, nhấc Việt Nam ra khỏi móc treo, và nhét vào mồm. Ông ta hét lên một câu được dịch ra là: “Thật nhục nhã! Đồ rác rưởi. Thế này là quá đủ rồi!” Sau đó ông ta ném nó vào xô và tiếp tục làm như thế với các nước khác. 

Tuy vậy, tôi rất ngạc nhiên khi thấy những lựa chọn tiếp theo của ông ta không phải là những quốc gia Đông Nam Á nằm trong vòng ảnh hưởng của hiệu ứng domino. Thay vào đó, tất cả đều là các nước Trung Đông – Palestin, Kuwait, Saudi Arabia, Iraq, Siri và Iran. Sau đó, ông ta chuyển sang Pakistan và Afghanistan. Mỗi lần như thế, con rối Nixon lại hét lên một bí danh nào đó trước khi ném nước đó vào trong xô, và mỗi lần như vậy lời lẽ chửi rủa của ông ta đều nhằm chống lại đạo Hồi: “Bọn chó Hồi giáo”, “những con quái vật của Mohammed”, và “những con quỷ đạo Hồi”. 

Đám đông trở nên kích động, mức độ căng thẳng tăng lên mỗi khi có thêm một nước bị ném vào xô. Họ như bị giằng xé giữa những trận cười, sự căm phẫn và giận dữ. Mỗi lần như thế, tôi cảm thấy họ hết sức khó chịu vì những ngôn ngữ của người điều khiển con rối. Tôi cũng cảm thấy bị đe dọa, và tôi sợ họ sẽ chĩa sự giận dữ về phía tôi. Rồi con rối Nixon nói vài điều khiến tôi tóat cả mồ hôi khi Rasy dịch ra. 

“Hãy đưa cái này cho Ngân hàng Thế giới. Xem xem nó có thể làm gì giúp chúng ta moi tiền của Inđônêxia.” Ông ta nhấc Inđônêxia ra khỏi bản đồ và ném nó vào xô, nhưng đúng lúc đó một con rối khác bước ra từ bóng tối. Con rối này đại diện cho một người đàn ông Inđônêxia, mặc áo sơmi batik và quần kaki, ông ta đeo một tấm bảng có in tên của mình trên đó. “Một chính trị gia nổi tiếng ở Bandung”, Rasy giải thích. Con rối này gần như bay đến giữa Nixon và người đàn ông xách cái xô và giơ tay lên. “Dừng lại!”, ông ta hét lên. “Inđônêxia là một nước có chủ quyền”. 

Đám đông vỗ tay rào rào. Người đàn ông xách xô năng lá cờ lên và phóng nó đi như một ngọn giáo, đâm vào nhà chính trị Inđônêxia, làm ông này lảo đảo và chết một cách rất bi thương. Khán giả la ó, huýt gió, gào thét, và vung nắm đấm lên. 

Nixon và người đàn ông xách xô đứng đó, nhìn xuống chúng tôi. Tất cả cúi chào rồi rời khỏi sân khấu. “Tôi nghĩ tôi nên rời khỏi đây”, tôi nói với Rasy. Anh ta quàng tay qua vai tôi như để bảo vệ. “Sẽ ổn cả thôi”, anh ta nói. “Họ chẳng có ý phản đối cá nhân anh đâu.” Tôi thì không dám chắc. Sau đó tất cả chúng tôi đi về quán cà phê. Rasy và những người khác bảo đảm với tôi rằng họ không được thông báo trước về vở kịch Nixon- Ngân hàng Thế giới. “Anh không bao giờ biết được nghệ sĩ múa rối đó sẽ chuẩn bị diễn vở gì”, một trong những người trẻ tuổi nhận xét. Tôi nói với họ không biết có phải vở kịch đó được công diễn là do sự có mặt của tôi hay không. Ai đó cười và nói quả là cái Tôi trong tôi quá lớn. “Đó là tính cách điển hình của dân Mỹ các anh”, anh ta nói thêm và vỗ vai tôi một cách thông cảm. 

“Người Inđônêxia ý thức rất rõ về chính trị”, người đàn ông ngồi trên chiếc ghế bên cạnh tôi nói. “Người Mỹ không đi xem những buổi biểu diễn như thế này sao?” Một cô gái xinh đẹp là sinh viên khoa Anh ngữ tại trường đại học ngồi đối diện với tôi hỏi: “Nhưng có đúng là anh đang làm việc cho Ngân hàng Thế giới không?” Tôi nói với cô ta là nhiệm vụ hiện tại của tôi là làm cho một dự án Ngân hàng phát triển châu Á và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID). “Chẳng phải cũng như nhau cả sao?” Cô ta không thèm đợi câu trả lời của tôi. “Nó không giống những gì trong vở kịch tối nay hay sao? Chính phủ của anh lại chẳng xem Inđônêxia và các nước khác giống như một chùm…” 

Cô ta tìm từ cho phù hợp. “Nho”, một người bạn của cô ta nhắc. “Chính xác. Một chùm nho. Anh có thể chọn lựa kỹ càng. Giữ nước Anh lại. Ăn Trung Quốc và quẳng Inđônêxia đi.” “Sau khi các anh đã vét cạn kho dầu của chúng tôi”, một người phụ nữ khác thêm vào. Tôi cố bênh vực mình nhưng không thể được. Tôi muốn lấy làm tự hào vì tôi đã đến khu này của thành phố và đã ở lại xem một buổi biểu diễn hoàn toàn chống lại nước Mỹ mà tôi đã nhìn nhận như một sự tấn công cá nhân tôi. Tôi muốn họ nhìn nhận lòng can đảm của tôi, biết rằng tôi là thành viên duy nhất trong nhóm nhân viên của MAIN muốn học tiếng Bahasa hay có ý định đón nhận nền văn hóa của họ, và chỉ ra rằng tôi là người nước ngoài duy nhất tham gia vào buổi biểu diễn này. Nhưng rồi tôi quyết định tốt hơn là nên thận trọng không đề cập đến bất cứ điều gì về buổi biểu diễn này. Thay vào đó, tôi cố gắng tập trung vào cuộc nói chuyện. Tôi hỏi họ rằng tại sao ngoại trừ Việt Nam, tất cả những nước mà dalang chọn đều là các nước đạo Hồi. 

Cô sinh viên Anh ngữ xinh đẹp bật cười vì câu hỏi đó. “Bởi vì đó chính là kế hoạch.” “Việt Nam chỉ là khởi đầu”, một người đàn ông xen vào, “như Hà Lan đối với phát xít Đức. Một bàn đạp.” “Mục tiêu thực sự”, cô sinh viên tiếp tục “là nhằm vào thế giới Hồi giáo”. 

Tôi không thể làm ngơ trước nhận xét này. Tôi phản đối: “Chắc cô không tin rằng nước Mỹ chống lại đạo Hồi chứ?” “Không à?”, cô ta hỏi lại. “Từ bao giờ thế? Anh phải đọc những gì mà một trong số những nhà sử học của các anh đã viết – một người Anh tên là Toynbee. Vào những năm 50 ông ta đã dự đóan rằng cuộc chiến thực sự trong thế kỷ tiếp theo sẽ không phải là giữa những người cộng sản và những nhà tư bản mà là giữa những người Thiên chúa giáo và những người Hồi giáo.” “Arnold Toynbee đã nói như thế sao?” tôi thực sự sửng sốt. “Đúng thế. Hãy đọc cuốn Nền văn minh bị lên án và Thế giới và phương Tây.” “Nhưng tại sao lại có sự thù hận như thế giữa những người theo đạo Hồi và những người theo đạo Thiên chúa?”, tôi hỏi        

Những người ngồi xung quanh nhìn nhau. Họ dường như không thể tin nổi là tôi lại hỏi một câu ngu xuẩn đến thế. “Bởi vì” cô ta nói một cách chậm rãi, như thể đang nói với người chậm hiểu hoặc bị lãng tai, “phương Tây – đặc biệt là nước đứng đầu, nước Mỹ – muốn thống trị thế giới, để trở thành đế quốc hùng mạnh nhất trong lịch sử. Nó cũng đã đến gần sự thành công. Liên bang Xô Viết sẽ không tồn tại lâu. Toynbee đã nhìn thấy điều đó. Họ không có tôn giáo, không có đức tin, không có căn bản vững chắc đằng sau hệ tư tưởng của ho. Lịch sử chứng minh rằng đức tin – linh hồn, một niềm tin vào những quyền năng cao cả – là điều cần thiết. Những người Hồi giáo chúng tôi có nó. Chúng tôi có đức tin mạnh hơn bất cứ ai trên thế giới, mạnh hơn cả những người Thiên chúa giáo. Vì thế chúng tôi chờ đợi. Chúng tôi sẽ ngày càng lớn mạnh.”

“Chúng tôi cứ thong thả” một trong số những  người đàn ông ngắt lời, “và rồi như một con rắn, chúng tôi sẽ tấn công.” “Thật là một ý nghĩ kinh khủng!” Tôi không thể kiềm chế bản thân. “Chúng ta có thể làm gì để thay đổi điều này?” Cô sinh viên Anh ngữ nhìn thẳng vào mắt tôi. “Đừng quá tham làm”, cô ta nói, “và quá ích kỷ như thế. Hãy nhìn nhận là còn có rất nhiều điều khác trên thế giới ngòai những ngôi nhà lớn và những cửa hàng sang trọng của các ngài. Có những con người đang chết đói và các ngài thì lại lo lắng về dầu cho những chiếc xe hơi của mình. Trẻ em đang chết khát và các ngài thì lại đang ngắm những mẫu mới nhất trong các tạp chí thời trang. Những quốc gia như chúng tôi đang đắm chìm trong nghèo đói, nhưng người dân ở nước này thậm chí không thèm nghe tiếng kêu cứu của chúng tôi. Các ngài thậm chí không thèm để ý đến những tiếng nói của những người đang cố kể cho các ngài biết về những điều này. Các ngài gán cho họ là những người cực đoan hoặc những người cộng sản. Các ngài nên mở rộng tấm lòng với những người nghèo đói và nô lệ. Chẳng còn nhiều thời gian nữa. Nếu các ngài không thay đổi, các ngài sẽ bị hủy diệt.” 

Vài ngày sau, chính trị gia nổi tiếng ở Bandung, người mà trong vở rối đã dũng cảm đương đầu với Nixon và bị người đàn ông xách cái xô đâm chết, đã bị một tên lái xe đâm chết rồi bỏ chạy. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.