Lời thú tội của một sát thủ kinh tế

Chương 8: Jesus, một cách nhìn khác



Ký ức về dalang đó luôn ám ảnh tôi. Những lời nói của cô gái sinh viên Anh ngữ xinh đẹp cũng vậy. Cái đêm đó ở Bandung đã buộc tôi phải suy nghĩ và cho tôi cách nhìn khác. Mặc dù không hẳn là tôi lờ đi những lý do thật cho những việc làm của mình ở Inđônêxia, và thường bị tình cảm chi phối, song tôi luôn kiềm chế được những cảm giác của mình bằng cách viện dẫn đến lẽ phải, đến ví dụ trong lịch sử, cũng như đến những đòi hỏi tự nhiên của con người. Tôi biện minh rằng, sự dính líu của chúng tôi cũng là do hoàn cảnh bình thường, và tự thuyết phục bản thân mình là: Einar, Charlie, và những người còn lại trong nhóm chúng tôi cũng hành động như bao người khác vẫn làm, đó là chăm sóc cho bản thân và gia đình của chúng tôi. 

Song, những thanh niên Inđônêxia mà tôi nói chuyện hôm đó đã khiến tôi nhìn vấn đề ở một góc độ khác. Qua đôi mắt họ, tôi thấy những chính sách ngoại giao ích kỷ chẳng phục vụ hay bảo vệ cho thế hệ tương lai ở bất kỳ nơi nào. Nó cũng thiển cận như những báo cáo thường niên của các công ty hay những chiến lược vận động bầu cử của các nhà chính trị, những người dựng lên cái chính sách ngoại giao ấy. 

Cuối cùng thì những số liệu mà tôi cần để làm dự báo kinh tế cũng khiến tôi thường xuyên ở đây để suy ngẫm về những điều này và viết chúng vào một quyển nhật ký. Tôi lang thang khắp thành phố, cho những người ăn xin tiền, và bắt chuyện với những người bị bệnh phong, gái điếm, và những đứa trẻ bụi đời. Cùng lúc đó, tôi nghĩ về bản chất của viện trợ nước ngoài, về vai trò hợp pháp mà cá nước phát triển (DCs, theo thuật ngữ của Ngân hàng Thế giới) khi giúp đỡ các nước kém phát triển (LCDs) xóa đói giảm nghèo. 

Tôi bắt đầu tự hỏi, khi nào nó chỉ là để phục vụ cho lòng tham và sự ích kỷ. Thật sự, tôi bắt đầu nghi ngờ liệu có khi nào sự giúp đỡ này bắt nguồn từ lòng nhân hậu thật không, và nếu không thì liệu có cách nào thay đổi được điều này. Tôi tin rằng những nước như chính đất nước tôi phải kiên quyết đứng lên giúp đỡ những người bệnh tật và nghèo đói trên thế giới, song tôi cũng tin chắc rằng hiếm khi nào đó lại là động lực chính cho sự can thiệp của chúng tôi. Một câu hỏi lớn cứ lởn vởn trong đầu tôi: Có sai trái quá không nếu mục tiêu của viện trợ nước ngoài là xây dựng chủ nghĩa đế quốc? 

Tôi thường cảm thấy ghen tỵ với những người như Charlie, những người tin tưởng vào chế độ của chúng ta đến mức họ muốn áp đặt chế độ đó cho tất cả các nước khác trên thế giới. Tôi cũng ngờ rằng những nguồn lực có hạn khó mà cho phép cả thế giới sống một cuộc sống giàu sang như nước Mỹ, bởi ngay cả nước Mỹ cũng có hàng triệu người đang sống trong nghèo đói. Hơn nữa, tôi cũng không rõ là có thật người dân ở nước khác muốn có một cuộc sống như chúng tôi hay không. Những con số thống kê của chính nước Mỹ về bạo lực, tình trạng suy sụp, nghiện hút, ly hôn, và tội phạm đã cho thấy mặc dù xã hội của chúng tôi là một trong những xã hội thịnh vượng nhất trong lịch sử, nhưng đó cũng có thể là một trong những xã hội bất hạnh nhất. Tại sao chúng tôi lại muốn các nước khác phải giống mình? 

Có thể Claudine đã cảnh bảo cho tôi về tất cả những điều này. Tôi chẳng còn chắc cô ấy đã cố nói với tôi điều gì. Dù sao đi nữa, gạt lý trí sang một bên, sự thật đau lòng là tôi đã mất đi sự vô tội. Tôi viết trong nhật ký. Liệu có ai ở Mỹ là vô tội không? Mặc dù những người giàu có và đầy quyền lực là những người được lợi nhiều nhất, thì hàng triệu người chúng ta, gián tiếp hay trực tiếp, đều đang sống nhờ vào sự bóc lột các nước kém phát triển. Hầu hết các nguồn lực và nhân công rẻ phục vụ cho hoạt động kinh doanh mà chúng ta có đều từ những nơi như Inđônêxia, và hiếm khi quay trở lại. Những khoản nợ dưới dạng viện trợ nước ngoài đảm bảo rằng con cái, rồi cháu chắt của những người lao động này sẽ còn phải tiếp tục trả nợ thay cho cha mẹ họ. Họ buộc phải đồng ý để cho các công ty của chúng ta tàn phá tài nguyên thiên nhiên của họ, và phải từ bỏ giáo dục, y tế, và các dịch vụ xã hội khác chỉ để trả nợ cho chúng ta. 

Việc các công ty của chúng ta nhận hầu hết số tiền này để xây dựng các nhà máy điện, sân bay, và các khu công nghiệp chẳng đóng góp được gì trong việc này. Liệu lời bào chữa là phần lớn người Mỹ không ý thức được điều này có giúp họ trở nên vô tội không? Đúng là họ không có thông tin hoặc bị cung cấp những thông tin sai lệch, nhưng vô tội ư? 

Tất nhiên, tôi cũng phải đối diện với sự thật là hiện giờ chính tôi cũng đang ở trong số những người chủ động đưa ra những thông tin sai lệch. 

Khái niệm về một cuộc chiến tranh tôn giáo trên toàn thế giới là một khái niệm gây nhiều tranh cãi, nhưng càng suy nghĩ về điều này, thì tôi càng tin rằng rất có khả năng nó sẽ xảy ra. Song theo tôi, nếu cuộc chiến tranh này có xảy ra, thì đó sẽ không phải là cuộc chiến giữa người Hồi giáo với Thiên chúa giáo, mà là giữa những nước kém phát triển với nước phát triển, mà có thể người Hồi giáo sẽ đi tiên phong. Chúng tôi, người dân những nước phát triển là những nhà cung cấp. Một lần nữa, đây lại vẫn là hệ thống buôn bán thuộc địa, được dựng lên để giúp những nước mà tài nguyên thiên nhiên hạn chế song có quyền lực dễ bóc lột hơn những nước giàu tài nguyên nhưng không có sức mạnh. 

Tôi không có cuốn sách của Tonybee, nhưng tôi biết lịch sử đủ để hiểu rằng khi những nhà cung cấp bị bóc lột quá lâu, họ sẽ nổi dậy. Tôi phải nhắc lại hình mẫu về cuộc cách mạng Mỹ và Tom Paine. Tôi nhớ rằng nước Anh đã thanh minh cho việc thu thuế của mình bằng cách quả quyết rằng nước Anh đang viện trợ cho các nước thuộc địa dưới hình thức cho quân đội bảo vệ những nước này khỏi người Pháp và người da đỏ. Song những người định cư lại giải thích hoàn toàn khác. Những gì mà Paine để lại cho đồng hương của mình trong cuốn Lẽ phải nổi tiếng chính là tâm hồn mà những người bạn trẻ Inđônêxia đã từng nói tới- một ý tưởng, một niền tin vào công lý của một sức mạnh lớn hơn, và một tôn giáo của tự do và công bằng, hoàn toàn đối lập với nền quân chủ Anh và các chế độ giai cấp thượng lưu của nó. 

Những điều người Hồi giáo đưa ra cũng tương tự: lòng tin vào một sức mạnh lớn hơn, và niềm tin rằng các nước phát triển không có quyền nô dịch và bóc lột các nước khác trên thế giới. Giống như những người Mỹ trước đây đã từng vùng lên chống lại thuộc địa Anh, những người Hồi giáo cũng đang đe dọa sẽ đấu tranh vì quyền lợi của họ, và cũng chẳng khác gì những người Anh vào những năm 1770, chúng tôi quy những hành động này là khủng bố. Lịch sử dường như đang lặp lại. 

Tôi tự hỏi thế giới sẽ ra sao nếu nước Mỹ và đồng mình của họ thay vì dùng tiền để tiến hành những cuộc chiến tranh – như cuộc chiến ở Việt Nam – để xóa đi nạn đói trên thế giới hoặc đưa giáo dục và chăm sóc y tế cơ bản tới tất cả mọi người, kể cả đồng bào tôi. Tôi tự hỏi những thế hệ tương lai sẽ thế nào nếu chúng ta cam kết xóa bỏ sự nghèo khổ và quyết tâm bảo vệ nguồn nước, rừng, và các tài nguyên thiên nhiên, những thứ đảm bảo cho chúng ta có được nguồn nước sạch, không khí trong lành và tất cả những gì đang nuôi sống tinh thần cũng như thể xác chúng ta. Tôi không thể tin rằng, cha ông tôi, những người lập nước lại hình dung quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc lại chỉ để dành riêng cho người Mỹ. Và vì thế, tại sao giờ đây chúng tôi lại đang thực hiện những chiến lược nhằm củng cố các giá trị của chủ nghĩa đế quốc mà cha ông chúng tôi đã từng đấu tranh chống lại? 

Đêm cuối cùng ở Inđônêxia, tôi bừng tỉnh bởi một giấc mơ, ngồi dậy và bật đèn. Tôi cảm giác như có ai đó đang ở trong phòng. Tôi nhìn quanh những đồ đạc quen thuộc của khách sạn InterContinental, những tấm thảm được thêu kiểu batik, và bóng những con rối trong khung treo trên tường. Và giấc mơ quay trở lại. 

Tôi thấy Chúa đứng trước mặt mình. Người không khác với Chúa Giêsu mà tôi vẫn hằng đêm cùng nói chuyện và chia sẻ suy nghĩ sau khi cầu nguyện ngày tôi còn bé. Ngoại trừ một điều, Chúa Giêsu trong ký ức thời thơ ấu của tôi da trắng và tóc vàng, trong khi người đứng trước mặt tôi lại có mái tóc xoăn đen và nước da ngăm. Người cúi xuống và nâng một vật gì đó lên vai. Tôi nghĩ đó là cây thánh giá. Nhưng không phải, tôi nhìn thấy trục xe ô tô cùng với vành bánh xe hiện lên trên đâu của người tạo ra một vầng hào quang bằng kim loại. Dầu mở chảy xuống như máu trên trán của người. Người đứng thẳng, nhìn vào mắt tôi và nói: “Nếu bây giờ ta giáng thế, con sẽ thấy ta khác”. Tôi hỏi người tại sao. “Tại thế giới đã thay đổi”, người trả lời. 

Kim đồng hồ chỉ trời đã gần sáng. Tôi biết tôi không thể ngủ tiếp, tôi dậy mặc đồ, đi thang máy xuống tiền sảnh vắng vẻ và tha thẩn trong khu vườn bao quanh bể bơi. Trăng hôm nay thật sáng và mùi hương ngọt ngào của hoa lan phảng phất trong không khí. Tôi ngồi xuống chiếc ghế dài và tự hỏi mình đang làm gì ở đây, tại sao những biến cố của cuộc sống lại đưa tôi đi theo con đường này, tại sao lại là Inđônêxia. Tôi biết cuộc sống của tôi đã thay đổi, nhưng tôi không biết nó sẽ thay đổi nhanh đến mức nào. 

Tôi và Ann gặp nhau ở Paris trên đường về nhà và cố gắng hòa giải. Nhưng ngay cả trong kỳ nghỉ ở Pháp này chúng tôi vẫn tiếp tục tranh luận. Mặc dù có rất nhiều những khoảng khắc đặc biệt và tuyệt vời, song tôi nghĩ chúng tôi đều nhận ra rằng nỗi giận và sự bực tức trong cả một thời gian dài đã biến thành trở ngại quá lớn. Vả lại, có rất nhiều điều tôi đã không thể nói với cô ấy. Người duy nhất tôi có thể chia sẽ là Claudine, và tôi liên tục nghĩ về cô ấy. Ann và tôi đáp xuống sân bay Logan ở Boston, mỗi người đi tới căn hộ của riêng mình ở vịnh Back. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.