Lời thú tội của một sát thủ kinh tế
PHẦN II: 1971-1975 – Chương 6: Vai trò điều tra của tôi
Theo những hợp đồng chúng tôi ký với chính phủ Inđônêxia, Ngân hàng Phát triển châu Á và USAID, phải có một người trong nhóm chúng tôi đi thực địa đến tất cả các địa bàn dân cư quan trọng nhất nằm trong qui hoạch tổng thể. Tôi được chỉ định đứng ra làm nhiệm vụ này. Như Charlie nói, “anh đã sống được ở Amazon; anh biết cách giải quyết lũ bọ, rắn và nước bẩn”. Cùng với một lái xe và một phiên dịch, tôi đã đi thăm rất nhiều cảnh đẹp cũng như ở trong một số phòng trọ khá tồi tàn. Tôi gặp gỡ các doanh nhân và chính trị gia ở địa phương và lắng nghe ý kiến của họ về triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Song tôi thấy phần lớn họ đều rất miễn cưỡng khi chia sẻ thông tin với tôi. Hình như họ cảm thấy bị đe dọa bởi sự hiện diện của tôi. Cụ thể là họ thường nói với tôi rằng tôi phải soát lại thông tin với cấp trên của họ, với các cơ quan chính phủ hay với các trụ sở công ty ở Jafarta. Đôi lúc tôi ngờ rằng đang có một âm mưu nào đó nhằm vào tôi.
Những chuyến công tác thường xuyên là ngắn hạn, chỉ khoảng hai đến ba ngày. Giữa các chuyến đi, tôi trở lại Wisma ở Bandung. Bà quản lý ở đó có một cậu con trai kém tôi vài tuổi. Tên cậu ta là Rasmon, nhưng tất cả mọi người trừ mẹ cậu ta đều gọi cậu ta là Rasy. Là một sinh viên kinh tế tại trường đại học địa phương, cậu ta ngay lập tức quan tâm đến công việc của tôi. Thật ra, tôi nghĩ sẽ có lúc cậu ta nhờ tôi kiếm việc. Cậu ta bắt đầu dạy tôi tiếng Bahasa Inđônêxia.
Sáng tạo ra một loại ngôn ngữ dễ học vốn là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Sukarno sau khi Inđônêxia giành được độc lập từ tay người Hà Lan. Trên quần đảo này có đến hơn ba trăm năm mươi ngôn ngữ và tiếng địa phương được sử dụng, và Sukarno nhận thấy, đất nước ông cần một ngôn ngữ chung để đoàn kết người dân từ nhiều hòn đảo, thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau. Ông đã tuyển một đội ngũ các nhà ngôn ngữ học quốc tế, và sự ra đời của tiếng Bahasa Inđônêxia là một thành công đánh kể. Dựa vào tiếng Mã Lai, Bahasa đã tránh được rất nhiều cách chia động từ, những động từ bất quy tắc, và các phép biến đổi khác mà hầu hết các ngôn ngữ thường đòi hỏi. Vào đầu thập kỷ 70, đa số người Inđônêxia đã sử dụng tiếng Bahasa, mặc dù họ vẫn tiếp tục dùng tiếng Java và các thổ ngữ khác trong cộng đồng riêng của mình. Rasy là một giáo viên giỏi với một khiếu hài hước tuyệt vời, và so với việc học tiếng Shuar hay thậm chí tiếng Tây Ban Nha, học tiếng Bahasa dễ hơn nhiều.
Rasy có một chiếc xe gắn máy và dùng nó chở tôi đi khắp nơi để giới thiệu về thành phố và con người ở đây. “Tôi sẽ chỉ cho anh một Inđônêxia mà anh chưa từng biết đến,” một tối cậu ta hứa với tôi và giục tôi leo lên sau xe.
Chúng tôi đi ngang qua những đám múa rối, các nhạc công chơi nhạc cụ dân tộc, những người diễn trò thổi lửa, các nghệ sĩ làm xiếc tung hứng và những người bán hàng rong với tất cả các loại mặt hàng, từ những băng cát xét lậu của Mỹ đến những món đồ cổ bản xứ. Cuối cùng, chúng tôi dừng lại ở một quán cà phê. Ở đây, những người trẻ tuổi mặc quần áo, đội mũ và để tóc giống hệt như trong một buổi hòa nhạc của Beatles vào những năm 60; duy chỉ khác là họ là người Inđônêxia. Rasy giới thiệu tôi với một nhóm người ngồi quanh một chiếc bàn và chúng tôi cùng ngồi trò chuyện.
Họ đều nói tiếng Anh, với mức độ lưu loát khác nhau, nhưng họ đánh giá cao và khuyến khích tôi nói tiếng Bahasa. Họ nói về điều này rất cởi mở và hỏi tôi tại sao người Mỹ lại không bao giờ học ngôn ngữ của họ. Tôi không có câu trả lời. Cũng như tôi không thể giải thích tại sao tôi là người Mỹ hay người Châu Âu duy nhất đến khu này của thành phố, mặc dù người ta có thể thấy rất nhiều người như tôi tại câu lạc bộ golf và quần vợt, trong các nhà hàng sang trong, các rạp chiếu phim và những siêu thị đắt tiền.
Đó là một buổi tối mà tôi sẽ nhớ mãi. Rasy và những người bạn của cậu ta đối với tôi thật thân tình. Ở đó, tôi cảm thấy thật hạnh phúc, trong cùng một thành phố với họ, cùng thưởng thức đồ ăn và âm nhạc, ngửi mùi hương của những điếu thuốc làm từ nụ hoa đinh hương và những hương vị khác vốn là một phần cuộc sống của họ, cười đùa vui vẻ với họ. Tôi như được sống lại những ngày ở Quân đoàn Hòa bình. Và bỗng nhiên, tôi tự hỏi tại sao tôi lại nghĩ là mình muốn đi vé hạng nhất và tách khỏi những người như họ. Họ rất muốn biết tôi nghĩ gì về đất nước của họ và về cuộc chiến tranh mà đất nước tôi đã khởi xướng ở Việt Nam. Tất cả họ đều cảm thấy khiếp sợ cái mà họ nói đến như một “sự xâm lược bất hợp pháp”, và họ cảm thấy yên tâm khi biết rằng tôi cũng có chung một cảm giác như vậy.
Khi tôi và Rasy quay trở lại nhà nghỉ thì đã rất khuya và xung quanh rất tối. Tôi cảm ơn cậu ta vì đã đón nhận tôi vào thế giới của cậu; cậu ta cảm ơn tôi vì tôi đã cởi mở với những bạn bè của cậu ta. Chúng tôi hứa sẽ còn có những chuyến đi như vậy, chúng tôi ôm nhau, chào tạm biệt và đi về phòng mình.
Những lần đi với Rasy càng khiến tôi muốn có thời gian riêng tách khỏi nhóm. Sáng hôm sau, tôi gặp Charlie và nói với ông ta rằng tôi đã quá chán nản khi cứ phải tìm cách thu thập thông tin từ phía người dân địa phương. Hơn nữa, hầu hết những số liệu thống kê mà tôi cần cho dự báo phát triển kinh tế chỉ có thể được tại các văn phòng chính phủ ở Jakarta. Charlie và tôi nhất trí là tôi phải ở lại Jakarta thêm một đến hai tuần nữa.
Ông ta tỏ ra rất ái ngại vì tôi phải rời khỏi Bandung để đến thủ đô nóng như thiêu như đốt, và tôi nói là tôi cũng chẳng thích thú gì. Nhưng thực ra, tôi rất phấn khởi khi có cơ hội dành chút thời gian cho riêng mình để khám phá Jakarta và để lại được ở tại khách sạn thanh lịch Inter Continental Inđônêxia. Tuy nhiên, khi ở Jakarta, tôi phát hiện ra giờ đây mình đã nhìn cuộc sống từ một khía cạnh khác. Buổi tối với Rasy và những người Inđônêxia trẻ tuổi cũng như những chuyến đi khắp đất nước này đã làm tôi thay đổi. Tôi thấy mình đã nhìn những người đồng hương bằng cái nhìn khác. Những cô vợ trẻ dường như không còn quá đẹp. Cái hàng rào xung quanh bể bơi và những chấn song sắt ngoài cửa sổ dưới tầng trệt, những thứ mà trước đây tôi gần như không để ý thấy, giờ trông thật bất ổn. Thức ăn tại những nhà hàng thanh lịch của khách sạn cũng trở nên vô vị.
Tôi cũng còn nhận thấy vài điều khác nữa. Trong những cuộc họp với các doanh nghiệp và quan chức cấp cao, tôi thấy cái cách mà họ đối xử với tôi thật xảo quyệt. Trước đây tôi không nhận ra điều này, nhưng giờ tôi thấy rõ những người trong số họ không hài lòng với sự có mặt của tôi. Ví dụ khi họ giới thiệu tôi với những người khác, họ thường dùng những cụm từ mà theo như từ điển Bahasa của tôi có nghĩa là người điều tra, và người thẩm vấn. Tôi cố tình giấu việc tôi hiểu tiếng nói của họ – ngay cả người phiên dịch cho tôi cũng chỉ biết là tôi có thể nói vài câu giao tiếp đơn giản – và tôi đã mua một cuốn từ điển Bahasa-Anh khá tốt để dùng sau mỗi lần gặp họ.
Những lời ám chỉ đó có phải chỉ là sự trùng hợp về mặt ngôn ngữ? Hay từ điển của tôi dịch sai? Tôi cố thuyết phục bản thân rằng đúng là như vậy. Nhưng càng tiếp xúc với những người đó, tôi càng thấy rằng tôi chính là kẻ không mời mà đến, rằng họ được lệnh của một ai đó ở trên bắt họ phải hợp tác với tôi, và họ chẳng có sự lựa chọn nào ngoài việc phải tuân theo. Tôi không biết người đưa ra lệnh đó là ai: một quan chức chính phủ, một chủ nhà băng, một sĩ quan cao cấp trong quân đội hay là Sứ quán Mỹ. Tất cả những gì tôi biết là cho dù họ mời tôi đến văn phòng, mời tôi uống trả, trả lời các câu hỏi của tôi một cách lịch sự, và tỏ vẻ như rất hoan nghênh sự có mặt của tôi, nhưng thực chất đằng sau đó là bóng đen của sự cam chịu và lòng thù oán.
Điều đó cũng khiến tôi nghi ngờ cả những câu trả lời của họ cũng như tính chính xác của những số liệu mà họ cung cấp cho tôi. Ví dụ như, tôi không bao giờ có thể đi thẳng đến một văn phòng, cùng với người phiên dịch, gặp mặt một ai đó. Bao giờ chúng tôi cũng phải hẹn trước. Bản thân điều này không có gì khác thường, trừ việc chúng tôi phải tốn quá nhiều thời gian. Vì hiếm khi liên lạc được bằng điện thoại nên chúng tôi phải đi xe qua những con phố ngoằn nghèo tắc nghẽn đến mức phải mất cả tiếng đồng hồ mới đến được tòa nhà chỉ cách đấy vài cao ốc. Đến nơi, người ta bắt chúng tôi điền vào rất nhiều tờ khai.
Cuối cùng, một nam thư ký cũng xuất hiện. Rất lịch sự – luôn kèm theo nụ cười nhã nhặn điển hình của người Java – anh ta sẽ hỏi tôi về những thông tin mà tôi cần và sau đó anh ta sẽ hẹn ngày gặp.
Bao giờ cũng vậy, để có được buổi hẹn trước phải mất đến vài ngày, và khi buổi gặp mặt diễn ra, họ trao cho tôi một tập tài liệu đã chuẩn bị sẵn. Các nhà tư bản công nghiệp đưa cho tôi bản kế hoạch 5 năm và 10 năm, các ông chủ nhà băng thì có những bảng biểu và đồ thị, và các quan chức chính phủ thì cung cấp danh sách các dự án đang sắp biến thành động lực tăng trưởng kinh tế. Mọi thứ do các chủ doanh nghiệp và chính phủ cung cấp và tất cả những gì họ nói trong mỗi lần tôi gặp họ đều cho thấy Java đã sẵn sàng cho một sự bùng nổ kinh tế mạnh mẽ nhất mà chưa từng có nền kinh tế nào đạt được. Chưa có ai- dù chỉ là một người – đặt câu hỏi nghi vấn về giả thuyết này cũng như cung cấp cho tôi những thông tin trái chiều.
Vì thế mỗi lần về lại Bandung, tôi lại thấy băn khoăn về tất cả những gì tôi thấy ở Jakarta; có điều gì đó làm tôi lo lắng. Tôi thấy mọi thứ đang làm ở Inđônêxia giống như một trò chơi hơn là thực tế. Cứ như là chúng tôi đang chơi poker. Chúng tôi giữ kín những quân bài của mình. Chúng tôi không thể tin tưởng lẫn nhau hay tin vào những thông tin mà chúng tôi chia sẽ. Thế nhưng trò chơi này lại hết sức nghiêm túc và nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người trong nhiều thập niên tới.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.