Lời thú tội của một sát thủ kinh tế
PHẦN IV: 1981- HIỆN TẠI – Chương 26: Cái chết của Tổng thống Êcuađo [/b]
Đi khỏi MAIN không dễ chút nào. Paul Riddy không thể tin nổi điều đó. “Cá tháng tư”, anh ta nháy mắt.
Tôi quả quyết với anh ta là tôi hoàn toàn nghiêm túc. Tôi nhớ Paula đã từng khuyên tôi không nên gây thù địch với bất cứ ai hoặc cho ai biết bất cứ lý do gì để nghi ngời rằng tôi có thể vạch trần công việc EHM của mình, tôi nhấn mạnh rằng tôi đánh giá cao những gì MAIN làm cho tôi nhưng tôi muốn tiến xa hơn nữa. Tôi luôn muốn viết về những người mà tôi được MAIN giới thiệu ở khắp nơi trên thế giới, nhưng không liên quan gì đến chính trị cả. Tôi nói tôi muốn làm cộng tác viên cho National Geographic và một vài tờ tạp chí khác, và tôi muốn được tiếp tục đi du lịch. Tôi tuyên bố luôn trung thành với MAIN và thề rằng tôi sẽ luôn ca ngợi MAIN. Cuối cùng, Paul cũng đồng ý.
Sau đó, đến lượt tất cả những người còn lại ra sức khuyên tôi đừng đi khỏi MAIN. Tôi luôn phải nghe những lời như công việc này thật tốt với tôi, có những người thậm chí còn cho rằng tôi mất trí. Tôi chợt hiểu rằng không ai muốn chấp nhận sự thật là tôi tự đi khỏi MAIN , có lẽ một phần vì điều đó buộc họ phải nhìn lại chính mình. Nếu sự ra đi của tôi không phải là điên rồ, thì có lẽ chính ở lại như họ mới là mất trí. Nhìn nhận tôi như là một người điên rồ có lẽ dễ chịu hơn.
Nhưng phản ứng của đám nhân viên dưới quyền của tôi mới khiến tôi thực sự bối rối. Trong mắt họ, tôi đã bỏ rơi họ trong khi chưa có ai chuẩn bị để có thể kế nhiệm tôi. Mặc dù vậy, tôi đã quyết định. Sau bao nhiêu năm tháng đắn đo, tôi kiên quyết phải xóa sổ mọi thứ.
Thật không may, mọi việc không suôn sẻ như vậy. Thực sự thì tôi không còn việc làm, nhưng vì tôi vẫn chưa phải là một hội viên có quyền hạn nên số tiền bán cổ phiếu không đủ để tôi có thể bỏ việc, nếu ở lại MAIN thêm vài năm nữa, rất có thể tôi sẽ trở thành một nhà triệu phú 40 tuổi như tôi đã từng hình dung, nhưng giờ đây tôi mới 35 và mục tiêu đó còn quá xa vời. Quả là một ngày tháng tư lạnh lẽo và ảm đạm ở Boston.
Thế rồi một ngày Paul Riddy lấy cớ gọi tôi đến văn phòng. “Một khách hàng đang dọa bỏ chúng ta”, anh ta nói. “Họ thuê chúng ta chỉ vì họ muốn anh làm đại diện cho họ với tư cách là nhân chứng chuyên môn”. Tôi cân nhắc. Trong lúc ngồi đối diện chỉ cách Paul một cái bàn tôi đã quyết định. Tôi tự đặt giá cho mình – một cái giá cao gấp ba lần lương tháng cũ của tôi tại MAIN. Không ngờ anh ta chấp nhận, và thế là sự nghiệp mới của tôi bắt đầu.
Những năm sau đó tôi làm việc với tư cách người làm chứng cấp cao- phần lớn cho những công ty điện lực của Mỹ đang cần Ủy ban dịch vụ công phê duyệt để xây dựng các nhà máy năng lượng mới. Một trong số những khách hàng của tôi là công ty dịch vụ công của New Hampshire. Công việc của tôi là chứng minh trước tòa tính khả thi của nhà máy năng lượng hạt nhân Seabrook, một dự án đang gây nhiều tranh cãi.
Tuy không trực tiếp liên quan đến Mỹ Latinh nữa, nhưng tôi vẫn theo dõi những sự kiện vẫn diễn ra ở đó. Với tư cách là một nhân chứng chuyên môn, ngoài những lúc phải ra hầu tòa, tôi có rất nhiều thời gian. Tôi giữ liên hệ với Paula và nối lại những quan hệ mà tôi có từ những ngày còn làm việc cho Quân đoàn Hòa bình ở Êcuađo – đất nước bỗng trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý trong nền chính trị dầu lửa quốc tế.
Jaime Roldós đang lên. Ông coi trọng những gì ông đã hứa khi đứng ra tranh cử và đang tìm mọi cách để chống lại các công ty dầu lửa. Dường như ông nhận thấy rất rõ những điểu mà người khác ở cả hai bờ kênh đào Panama không thấy hoặc cố tình không thấy. Ông hiểu rằng những gì đang diễn ra có nguy cơ biến thế giới thành một đế chế toàn cầu mà trong đó những người dân nước ông sẽ chỉ đóng một vai trò rất nhỏ, gần như là nô lệ. Những bài báo nói về ông mà tôi đọc gây ấn tượng mạnh không chỉ bởi sự tận tụy của ông mà còn bởi khả năng nhìn nhận vấn đề một cách uyên thâm của ông. Những vấn đề sâu xa mà ông nhìn thấy chính là cái thực tiễn rằng, chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới của nền chính trị thế giới.
Tháng 11/1980, trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, Carter đã thua Reagan. Hiệp ước kênh đào Panama mà ông đàm phán với Torrijos, tình hình ở Iran, đặc biệt là sự thất bại trong kế hoạch giải cứu những con tin bị bắt giữ tại sứ quán Mỹ là lý do chính khiến ông thua cuộc. Nhưng một điều gì đó tế nhị hơn cũng đang diễn ra. Một Tổng thống với mục tiêu lớn nhất là hoà bình thế giới, người quyết tâm hạn chế sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu lửa đã bị thay thế bởi một kẻ với niềm tin rằng chính sức mạnh quân sự, quyền kiểm soát tất cả các mỏ dầu mới giúp nước Mỹ nắm giữ một cách chính đáng vị trí chóp bu của thế giới, và đó là một phần của Thuyết bành trướng theo định mệnh. Vị Tổng thống, người cho lắp những tấm panen năng lượng mặt trời trên nóc nhà Trắng đã bị thay thế bởi một kẻ mà ngay sau khi chiếm lĩnh được phòng bầu dục đã cho hạ những tấm panen đó xuống.
Có thể Carter không phải là một nhà chính trị tài giỏi, nhưng giấc mơ về nước Mỹ của ông cũng giống như những điều được viết trong bản tuyên ngôn độc lập của chúng ta. Nhìn lại ông thật hoài cổ với những ý tưởng đã đúc kết nên dân tộc này và đã đưa tổ tiên chúng ta đến bờ biển của nước Mỹ. Khi chúng ta so sánh ông với những người tiền nhiệm gần ông nhất và với những người kế vị, ông hoàn toàn khác hẳn. Cái nhìn về thế giới của ông khác hẳn với cái nhìn của những EHM.
Trong khi đó, Reagan chắc chắn sẽ là người góp phần xây dựng đế chế toàn cầu, là một bầy tôi của chế độ tập đoàn trị. Vào thời điểm ông ta nhậm chức, tôi thấy việc trước kia ông ta đã từng là một diễn viên Hollywood thật phù hợp, vì như vậy ông ta là người đã từng làm theo những chỉ thị từ trên xuống của những người có thế lực, một người biết nhận mệnh lệnh. Đó sẽ là môt đặc điểm của ông ta. Ông ta sẽ phục vụ cho những người chạy như con thoi từ các văn phòng của những tổng giám đốc công ty đến các hội đồng của ngân hàng và đến những hành lang của chính phủ. Ông ta sẽ phục vụ những người mà nhìn qua tưởng chừng như làm việc cho ông ta nhưng thực ra chính họ lại nắm quyền điều hành chính phủ – những người như Phó tổng thống George H. W. Bush, ngoại trưởng George Strultz, bộ trưởng quốc phòng Caspar Weinperger, Richard Cheney, Richard Helms, và Robert McNamara.
Ông ta sẽ bảo vệ những gì mà họ muốn: một nước Mỹ kiểm soát toàn thế giới cùng tất cả nguồn lực của nó, một thế giới tuân theo mệnh lệnh của Mỹ, và quân đội Mỹ sẽ củng cố những luật lệ mà nước Mỹ đặt ra, một hệ thống thương mại và ngân hàng ủng hộ nước Mỹ như vị thủ lĩnh của Đế chế toàn cầu.
Hướng tới tương lai, dường như chúng ta đang bước vào một giai đoạn đầy triển vọng của các EHM. Lại là một trò đủa nữa của số phận khi tôi chọn đúng thời khắc lịch sử này để rút lui. Tuy vậy, càng cân nhắc kỹ tôi càng cảm thấy dễ chịu. Tôi biết tôi đã quyết định đúng.
Điều này về lâu dài sẽ thế nào, tôi không rõ nhưng tôi biết rằng trong lịch sử không có một đế chế nào tồn tại lâu và thời thế thì luôn thay đổi. Theo cách nhìn của tôi, những người như Roldos cho phép chúng ta hy vọng. Tôi chắc chắn là vị tổng thống mới của Êcuađo nhìn thấy những điều khó lường trong tình thế hiện nay. Tôi biết ông đã từng ngưỡng mộ Torrijos và đã tán thưởng lập trường dũng cảm của Carter về kênh đào Panama. Tôi có cảm giác Roldos chắc chắn sẽ không chùn bước. Tôi chỉ hy vọng sự kiên cường của ông sẽ soi đường cho những người đứng đầu các quốc gia khác, ông và Torrijos có thể cho họ nguồn cảm hứng mà họ cần.
Đầu năm 1981, chính phủ của Roldos chính thức trình Quốc hội Êcuađo dự luật về khí thải hydrocacbon mới. Nếu được thi hành, dự luật này sẽ làm thay đổi mối quan hệ giữa Êcuađo và các công ty dầu lửa. Trên nhiều giác độ, dự luật này có tính cấp tiến và thậm chí quyết liệt. Rõ ràng nó được lập ra để thay đổi hoạt động của các công ty. Ảnh hưởng của nó sẽ vươn ra ngoài biên giới Êcuađo, đến hầu hết các nước Mỹ Latinh và khắp thế giới.1
Các công ty dầu lửa phản ứng đúng như dự đoán- họ tranh thủ hết các thế lực và tiền bạc mà họ có. Những người phụ trách quan hệ cộng đồng của các công ty này bắt đầu chiến dịch bôi nhọ Jame Roldos, và những người chuyên đi vận động hành lang lao đến Quito và Washinton với những cặp tài liệu đầy chặt tiền và những lời hăm dọa. Họ cố thêu dệt hình ảnh vị Tổng thống đầu tiên được bầu một cách dân chủ trong lịch sử cận đại của Êcuađo như một Castro thứ hai. Nhưng Roldos không chịu khuất phục trước bất kỳ sự hăm dọa nào. Ông phản ứng bằng cách vạch mặt những âm mưu chính trị và dầu lửa – tôn giáo. Ông công khai buộc tội Viện ngôn ngữ mùa hè đã cấu kết với các công ty dầu lửa và ngay sau đó, bằng một nước cờ thật táo bạo – thậm chí là liều lĩnh, ông trục xuất viện này khỏi Êcuađo.2
Chỉ vài tuần sau khi chương trình của ông được trình quốc hội và chỉ vài ngày sau khi ông đuổi cổ những người truyền giáo của Viện Ngôn ngữ mùa hè, ông cảnh báo những tổ chức nước ngoài, có cả công ty dầu lửa và không chỉ dừng lại ở đó, rằng những kế hoạch mà họ định thi hành không có lợi cho người dân Êcuađo, họ sẽ buộc phải rời khỏi đất nước này. Ông thuyết trình một bài diễn văn quan trọng tại sân vận động Olympic Atahualpa ở Quito và sau đó đi tới một làng nhỏ ở nam Êcuađo.
Ông chết ở đó trong một tai nạn máy bay, vào ngày 24 tháng 5 năm 1981.
Cả thế giới bị sốc. Những người Mỹ Latinh nổi giận. Báo chí khắp bán cầu loan tin: “Một vụ ám sát của CIA!”. Bên cạnh sự thật là Washington và các công ty dầu lửa căm ghét ông, nhiều sự kiện khác dường như cũng ủng hộ lời buộc tội này, và mối nghi ngờ ngày càng tăng lên khi nhiều thông tin được tung ra.
Tuy không có bằng chứng cụ thể, nhưng một số nhân chứng khẳng định rằng Roldos đã được báo trước về vụ ám sát và có nhiều biện pháp đề phòng và có dùng hai chiếc trực thăng khác nhau. Đến giờ phút cuối cùng, một sĩ quan đã thuyết phục ông đi bằng chiếc trực thăng nghi trang. Chiếc này đã nổ tung.
Bất chấp phản ứng của thế giới, tin tức hầu như không được đăng tải trên báo chí Mỹ.
Osvaldo Hurtardo lên kế vị chức tổng thống. Ông ta phục hồi lại Viện Ngôn ngữ mùa hè và những công ty dầu lửa tài trợ cho tổ chức này. Cuối năm, ông ta cho bắt đầu môt chương trình đầy tham vọng nhằm tăng sản lượng dầu cho Texaco và một số các công ty nước ngoài khác tại vịnh Guayaquil và vùng vịnh Amazon.4
Omar Torrijos, để ca tụng Roldos, nói về ông như nói về một người “anh em”. Ông đã thú nhận đã có những cơn ác mộng về vụ ám sát chính mình; ông thấy mình rơi từ trên trời xuống trong một quả cầu lửa khổng lồ. Đó là một lời tiên tri.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.