Ngợi Ca Sống Chậm

CHƯƠNG CHÍN – THƯ NHÀN: TẦM QUAN TRỌNG CỦA NGHỈ NGƠI



Có thể nhàn rỗi một cách thông minh chính là sản phẩm cuối cùng của khai hóa văn minh.

– BERTRAND RUSSELL[72]

Trong một thế giới bị ám ảnh vì công việc, nhàn rỗi là một vấn đề nghiêm trọng. Năm 1948, Liên Hiệp Quốc tuyên bố thư nhàn là quyền cơ bản của con người. Nửa thế kỷ sau, chúng ta chìm ngập trong sách báo, trang web, tạp chí, chương trình truyền hình và phụ san báo chí thuần đề cập đến các sở thích và việc vui chơi. Các công trình nghiên cứu về thư nhàn thậm chí còn trở thành một môn học kỹ thuật.

Làm thế nào để sử dụng tốt nhất thời gian rỗi rãi không phải là một mối quan tâm mới lạ gì. Hai ngàn năm trước đây, Aristotle[73] tuyên bố rằng một trong những thách thức lớn nhất đặt ra cho con người là làm cách nào để hoàn toàn nhàn rỗi. Xét về mặt lịch sử, tầng lớp thượng lưu, đôi khi còn được gọi là “giai cấp thư nhàn”, có nhiều thời gian hơn bất kỳ tầng lớp nào khác để ngẫm ngợi câu hỏi này. Thay vì loay hoay tìm tòi làm sáng tỏ vấn đề, họ tự cho phép mình hưởng thụ các trò chơi, giao du và thể thao. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên hiện đại, thư nhàn mang tính dân chủ nhiều hơn.

Trong thời kỳ đầu của Cuộc cách mạng Công nghiệp, quần chúng lao động quá cực nhọc, hoặc quá đói nghèo để có thể tận dụng phần lớn thời gian tự do của họ. Nhưng một khi thu nhập tăng lên, giờ làm việc giảm đi, thì văn hóa thư nhàn bắt đầu nảy sinh. Giống như lao động, thư nhàn cũng được hợp pháp hóa. Nhiều thứ chúng ta dùng lấp đầy thời giờ rảnh rỗi ngày nay đã xuất hiện từ thế kỷ mười chín. Các môn bóng đá, bóng bầu dục, khúc côn cầu, và bóng chày trở thành các trò thể thao thu hút nhiều khán giả. Các thành phố xây dựng công viên để công chúng có thể tản bộ và tổ chức picnic ngoài trời. Giai cấp trung lưu tham gia các câu lạc bộ đánh gôn và chơi tennis hoặc tụ tập nhau đến các viện bảo tàng, nhà hát, cà phòng hòa nhạc mới khai trương. Báo chí được in ấn tốt hơn, đi đôi vói trình độ học vấn nâng cao, đã tạo ra sự bùng nổ trong văn hóa đọc.

Ngay cả khi thư nhàn lan rộng, người ta vẫn không ngừng tranh luận về mục đích của nó. Nhiều người dưới thời nữ hoàng Victoria quan niệm rằng thư nhàn chủ yếu là lối thoát khỏi công việc, hoặc một phương cách nhằm làm việc tốt hơn. Nhưng những người khác tiến xa hơn nữa, cho rằng những thứ chúng ta làm trong úc thư nhàn sẽ tạo ra một kết cấu, một hình thể và ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Agnes Repplier, tiểu luận gia người Mỹ nêu rằng: “Chính trong khoái lạc con người mới sống thực sự. Chính từ thư nhàn anh ta xây dựng nên kết cấu thực sự của bản thể mình”. Còn Plato[74] tin tưởng hình thái cao nhất của sự thư nhàn chính là tĩnh lặng và lĩnh hội thế giới, một quan điểm được giới trí thức hiện đại tán thưởng. Franz Kafka[75] diễn giải điều đó theo cách như sau: “Bạn không cần phải rời khỏi phòng mình. Hãy ngồi ngay ở bàn và lắng nghe. Thậm chí không cần lắng nghe, đơn giản là chờ đợi. Thậm chí không cần chờ đợi, chỉ cần hoàn toàn tĩnh lặng và đơn lẻ. Thế giới sẽ thoải mái hiến mình cho bạn để được bộc lộ. Không cần phải lựa chọn gì cả. Bạn sẽ rơi vào trạng thái nhập định ngay từ bàn chân.”

Với quá nhiều dự đoán “kết thúc công việc” trong thế kỷ hai mươi, các nhà học giả đã đặt câu hỏi làm cách nào con người có thể đối phó với nhiều thời gian rỗi như vậy. Một số người lo sợ rằng chúng ta sẽ trở thành lười nhác, đồi bại và trái đạo đức. Nhà kinh tế học John Maynard Keynes[76] cảnh báo quần chúng sẽ phung phí cuộc sống của họ và việc nghe đài phát thanh. Những người khác thì lạc quan hơn. Năm 1926, William Green, chủ tịch Hiệp hội Lao động Mỹ hứa hẹn rằng ít giờ lao động hơn sẽ giải phóng cho nam giới và phụ nữ tự do theo đuổi “sự phát triển bậc cao những năng lực trí tuệ và tinh thần (của họ).” Bertrand Rusell, một triết gia Anh dự đoán rằng nhiều người sẽ sử dụng thời gian thư nhàn dôi dư để tự hoàn thiện mình; họ sẽ đọc sách và nghiên cứu hoặc thực hiện những sở thích nhẹ nhàng và thâm trầm hơn như câu cá, làm vườn, vẽ tranh. Trong luận văn viết năm 1935 nhan đề Ca ngợi sự thư nhàn, Rusell nêu rằng một ngày làm việc bốn giờ sẽ khiến cho chúng ta “tử tế hơn, bớt quấy rầy người khác và cũng bớt chiều hướng đánh giá người khác với sự nghi ngờ.” Với nhiều thời gian thư nhàn như vậy, cuộc sống hẳn sẽ êm dịu, chậm rãi và văn minh.

Tuy nhiên, bảy thập kỷ sau, cuộc cách mạng thư nhàn vẫn còn là một mớ tưởng tượng kỳ quặc. Lao động vẫn ngự trị cuộc sống của chúng ta, và khi thực sự có thời gian thư nhàn, ít khi chúng ta sử dụng để lang thang trong mộng tưởng của Plato về sự tĩnh lặng và lĩnh hội. Thay vào đó, giống như những kỷ luật nghiêm ngặt của Frederick Taylor, chúng ta vội vàng lấp đầy thời giờ thư nhàn bằng các hoạt động vui chơi. Một khoảng rỗng trong lịch hàng ngày thường là nguồn cơn hoảng sợ hơn là vui thú.

Tuy nhiên, một phần trong lời tiên tri của Russell đã trở thành sự thật: người ta dành nhiều thời gian thư nhàn hơn cho những sở thích chậm rãi và suy tư. Làm vườn, đọc sách, hội họa, tạo tác đồ thủ công – tất cả những thú này thỏa mãn nỗi luyến tiếc gia tăng về thời sùng bái tốc độ ít phần uy lực, khi làm tốt một việc và cảm thấy thực sự vui thích thì quan trọng hơn là hối hả làm tất cả mọi việc.

Nghề thủ công là một biểu hiện hoàn hảo của triết lý Chậm. Với nhịp độ cuộc sống tăng lên trong thế kỷ mười chín, nhiều người phải lòng hàng hóa sản xuất hàng loạt tỏa ra từ các nhà máy mới. William Morris và những người đề xướng khác của Phong trào Thủ công Mỹ nghệ vốn khởi đầu từ Anh quốc, thì đổ lỗi cho công nghiệp hóa giúp máy móc chiếm thế thượng phong và tước đi tinh thần sáng tạo. Giải pháp của họ là quay lại làm mọi việc bằng tay một cách thong thả và cẩn thận hơn. Những người thợ thủ công sản xuất ra bàn ghế, hàng dệt, đồ gốm và hàng hóa khác sử dụng các phương pháp cổ truyền có từ thời tiền-công nghiệp. Sản phẩm thủ công được hoan nghênh như mối liên hệ với kỷ nguyên tốt lành hơn và êm đềm hơn. Hơn một thế kỷ sau, khi một lần nữa công nghệ xem ra đang làm vương làm tướng, thì lòng say mê của chúng ta đối với hàng thủ công lại mạnh mẽ hơn cả từ trước đến giờ. Bạn có thể thấy điều này trong mốt chuộng đồ nhà làm lấy mà Martha Stewart khởi xướng cùng sự tăng trưởng của phong trào Đồ ăn Chậm và sự bùng nổ đồ đan tay đang lan tràn khắp Bắc Mỹ.

Giống như những công việc thủ công khác trong gia đình, như nấu ăn và khâu vá, đồ đan tay đã không còn thịnh hành trong nửa cuối thế kỷ hai mươi. Phái nữ lên án nội trợ là tai họa cho phụ nữ, trở ngại cho bình đẳng giới. Với những phụ nữ đang nỗ lự vươn lên dẫn đầu tại nơi công sở, thì đan lát chỉ là loại việc nhằm giữ cho các bà Nội trợ bận rộn trong chiếc xích đu. Nhưng bây giờ, khi giới tính đã có chỗ đứng vững vàng hơn, thì những đồ mỹ nghệ làm tại nhà của thời kỳ trước bắt đầu quay trở lại.

Được khuyến khích bởi những nhân vật hợp thời trang ủng hộ thuyết nữ quyền như Debbie Stoller[77], và những chuyên gia nhận dạng xu hướng xã hội hoan nghênh như môn “yoga mới”, ngày nay việc đan đồ dùng được chính thức thừa nhận. Một số nhân vật nổi tiếng hái ra tiền ở Hollywood – Julia Robert, Gwyneth Paltrow, Cameron Diaz – thường đan đồ trong lúc thư nhàn. Hơn bốn triệu người Mỹ ở độ tuổi dưới ba mươi lăm, trong đó hầu hết là phụ nữ, đã tiếp tục sở thích từ năm 1998. Tại New York, bạn có thể trông thấy họ trong trang phụ Ralph Lauren và giày hiệu Prada, vừa nhoay nhoáy đan lát trên tàu điện ngầm hay trong chiếc ghế to tướng, thoải mái ở hiệu cà phê Starbucks. Trên cả tá trang web, những người đan lát trao đổi với nhau về các mẹo nhỏ trong mọi chuyện, từ lựa chọn loại len tốt nhất cho đôi găng tay hở ngón tới xử lý với các ngón tay bị co. Các hiệu đồ đan bán những loại sợi trông hấp dẫn – thử tưởng tượng đồ giả bông thú hay casơmia – một thời chỉ dành cho những nhà thiết kế thời trang.

Bernadette Murphy, nữ văn sĩ bốn mươi tuổi ở Los Angeles, nắm bắt được tâm trạng nói trên trong cuốn sách xuất bản năm 2002 của cô nhan đề Thiền và Nghệ thuật Đan. Cô coi việc quay trở lại với đôi kim đan và cuộn len như một phần của phản ứng rộng lớn chống lại cái hời hợt mặt ngoài của đời sống hiện đại. “Ngay lúc này đây trong văn hóa của chúng ta có sự khát khao lớn về ý nghĩa, về những thứ kết nối chúng ta với thế giới và với những người khác, những thứ thực sự nuôi dưỡng tâm hồn con người,” cô nói. “Đan là một cách sử dụng thời gian để tận hưởng cuộc sống, để tìm ra ý nghĩa đó và để thực hiện những kết nối nói trên”.

Trong các phòng khách, phòng ngủ ký túc và căng tin phục vụ cà phê trên khắp Bắc Mỹ, phụ nữ quây quần đan lát, tạo dựng tình bạn khi làm việc. Những áo len có tay, mũ và khăn quàng họ làm ra chào mời một giải pháp thay thế cho những thú vui thoáng qua của chủ nghĩa tiêu dùng thời hiện đại. Trong khi hàng hóa sản xuất công nghiệp có thể cũng thiết thực, lâu bền, đẹp đẽ, thậm chí còn gợi cảm, song riêng việc là đồ sản xuất hàng loạt đủ khiến chúng trở thành thứ dùng một lần rồi bỏ. Với vẻ độc đáo, nét vẽ kiểu cách và những thứ chưa thật hoàn hảo, một mặt hàng thủ công như chiếc khăn quàng chẳng hạn lại mang dấu ấn của người sáng tạo. Chúng ta cảm nhận được thời gian và sự chỉn chu trong lao động bỏ ra – kết quả là họ cảm thấy có một sự gắn bó sâu sắc hơn với nó.

Murphy nói rằng: “Trong thế giới hiện đại, khi mà chuyện mua hàng quá dễ, quá rẻ, quá nhanh, các món hàng chúng ta mua được thường đã mất giá trị. Liệu một vật có giá trị gì khi trong một giây ta có thể mua được thêm mười cái nữa giống y chang? Khi một đồ vật được làm thủ công, có nghĩa là ai đấy đã đầu tư thời gian và đồ vật ấy đã thấm đẫm chân giá trị.”

Murphy đến với đan lát hầu như tình cờ. Trong một chuyến đi sang Ireland, cô bị bong gân ở mắt cá nên không thể dò bộ được hai tháng ròng. Cô bắt đầu đan để tự tạo cho mình bận rộn, và thấy như vậy trong lòng trấn tĩnh lạ thường.

Đan lát là Chậm về bản chất. Bạn không thể bấm nút, xoay núm điều khiển một vòng hoặc ấn nhẹ công tắc để đan được nhanh hơn. Thú vui thực sự trong chuyện đan lát nằm ở chính việc đan, chứ không phải lúc xong đường cuối cùng. Các công trình nghiên cứu cho biết vũ điệu lên xuống nhịp nhàng và lặp đi lặp lại của chiếc kim đan làm chậm nhịp tim và áp huyết, ru người đan vào một trạng thái thanh thản và hầu như thiền định. Murphy cho biết: “Hay nhất trong việc đan lát chính là chậm rãi. Nó chậm đến mức chúng ta có thể thấy vẻ đẹp gắn với mỗi mũi đan nhỏ bé làm nên chiếc áo dài tay. Chậm tới mức chúng ta biết công trình đan này không thể kết thúc ngay ngày hôm nay – có thể vài tháng hoặc lâu hơn nữa vẫn chưa xong – và như thế cho phép chúng ta giảng hòa với bản chất không quyết đoán của cuộc sống. Chúng ta chậm lại trong khi đan áo”.

Nhiều người đan đồ lấy sở thích của mình làm liều thuốc giải trừ stress và sự hối hả của đời sống hiện đại. Họ đan trước và sau những cuộc họp quan trọng, trong các cuộc hội đàm qua điện thoại hoặc vào cuối một ngày lao động vất vả. Một số người còn tin tác động tĩnh tâm vẫn tiếp tục sau khi họ đặt kim đan xuống, giúp họ giữ được điềm tĩnh tại công sở hối hả. Murphy thấy đan lát giúp cô đi vào trạng thái Tư duy Chậm. “Tôi thực sự có thể cảm thấy bộ phận tích cực trong não bộ của tôi dần ngưng lại, và như thế giúp sắp xếp những đầu mối lộn xộn trong suy nghĩ. Đó là một phương pháp chữa trị tuyệt vời cho chỗ bí của nhà văn.”

Liệu cuộc bùng nổ đan lát của thế kỷ hai mươi mốt rốt cuộc có bị phá sản không? Khó có thể trả lời. Thời trang nổi tiếng là hay thay đổi. Ngày nay, hàng dệt len có thể là xu hướng, song điều gì sẽ diễn ra khi những áo len dài tay khỏe khoắn và khăn quàng tân thời ngừng xuất hiện trên trang bìa tạp chí thời trang Vogue? Một số người có lẽ sẽ phải treo kim đan và chuyển sang một mốt nhất thời khác. Nhưng nhiều người khác vẫn tiếp tục đan. Trong thế giới chuyển động nhanh và kỹ thuật cao như ngày nay, một sở thích công-nghệ-thấp giúp con người giảm tốc chắc chắn vẫn còn sức thu hút.

Câu chuyện cũng tương tự với việc làm vườn. Trong hầu hết các nền văn hóa, khu vườn là một nơi ẩn náu thiêng liêng, một chốn để nghỉ ngơi và suy ngẫm. Niwa, từ tiếng Nhật chỉ khu vườn, có nghĩa “một khu vực thuần khiết để thờ phụng các vị thần linh.” Bản thân hành động làm vườn – trồng cây, xén tỉa, nhổ cỏ, tưới nước và chờ đợi cây cối lớn lên – có thể giúp chúng ta lắng mình chậm lại. Việc làm vườn cũng giống như đan lát không thích hợp với sự tăng tốc. Ngay cả có nhà kính, bạn cũng không thể ép cây nở hoa theo yêu cầu hoặc bắt mùa màng thích nghi theo lịch trình của bạn. Thiên nhiên có thời khóa biểu riêng. Trong một thế giới hối hả, nơi mọi thứ được lên lịch để đạt hiệu quả tối đa, thì chịu phục tùng nhịp độ của thiên nhiên cũng là một cách trị liệu.

Làm vườn cất cánh như một cách thư nhàn phổ cập trong suốt cuộc Cách mạng Công nghiệp. Nó cho các thị dân hương vị của cảnh điền viên thôn dã, làm vật đệm chống lại nhịp điên cuồng của cuộc sống ở những nơi đô thị mới. Vốn công nghiệp hóa đầu tiên, nước Anh đã đi đầu phong trào này. Trong thế kỷ mười chín, ô nhiễm không khí khiến cho việc trồng trọt ở trung tâm Luân Đôn cũng như nhiều thành phố khác trở nên khó khăn, nhưng ở các vùng ngoại vi, tầng lớp trung lưu bắt đầu bố trí những mảnh vườn trang hoàng nhiều luống hoa, bụi cây và đài phun nước.

Tiến nhanh sang thế kỷ hai mươi mốt, và làm vườn một lần nữa lại trở nên uy lực. Trong một thế giới nơi bộn bề công việc xoay quanh những dữ liệu nhấp nháy trên màn hình máy vi tính, con người đang nồng nhiệt chào đón thú vui giản đơn, thong thả là được vùi đôi tay vào trong đất. Giống như đan lát, làm vườn rũ bỏ hình ảnh của một thú tiêu khiển dành cho những ông bà về hưu để trở thành một thú chơi thời thượng dành cho mọi người ở mọi lứa tuổi, nền tảng của sự thư giãn. Tạp chí Time gần đây hoan nghênh sự trở lại của “mốt làm vườn.” Trong khắp thế giới công nghiệp, các trung tâm làm vườn và các vườn ươm chật ních những người trẻ tuổi truy tìm thực vật quý, cây bụi hay chậu gốm. Một cuộc điều tra năm 2002 của Công luật Gia đình Toàn quốc cho thấy kỷ lục 78,3 triệu người Mỹ ngày nay dành thời gian để làm vườn, đưa làm vườn lên thành hoạt động giải trí ngoài trời hàng đầu cả nước. Tình hình đó cũng diễn ra ở nước Anh, nơi những chương trình về nghề làm vườn chiếm nhiều giờ cao điểm trên vô tuyến truyền hình, biến những người dẫn chương trình có tài làm vườn như Charlie Dimmock và Alan Titchmarsh trở thành các tên tuổi quen thuộc trong mỗi gia đình. Mục Hỏi đáp cho Người làm vườn trên đài BBC lần đầu tiên phát sóng sau Đại chiến Thế giới Thứ hai đã có số thính giả tăng gấp đôi vào giữa những năm 1990.

Hợp thời trang, trẻ tuổi và sống trong thành phố, Mart James là một khuôn mặt mới trong nghề làm vườn. Chương trình của anh trên truyền hình Anh quốc, tên gọi Người làm vườn trong thành phố, hướng dẫn những thị dân bận rộn làm thế nào nhường cho Mẹ Thiên Nhiên một chỗ ở ngay ngưỡng cửa. James tin rằng làm vườn có thể tái nối kết chúng ta với các mùa. Nó cũng có thể gắn bó mọi người lại với nhau. Anh cho rằng: “Làm vườn không chỉ là trở về với thiên nhiên. Một mảnh vườn quy củ là địa điểm tuyệt vời để tụ hội bạn bè, mở vài chai bia và đốt lò nướng thịt. Khía cạnh xã hội là rất quan trọng.”

James thừa hưởng niềm say mê làm vườn từ người mẹ, và đã coi đó như một sở thích riêng, một nghề từ khi anh rời ghế nhà trường. Điều anh tâm đắc nhất trong khi làm việc với đất và cây là cách công việc này hãm anh chậm lại. “Khi anh mới bắt đầu thì làm vườn có thể đáng nản đến khó tin – cây cối bị chết, giống như gánh nặng công việc – nhưng một khi anh vượt qua những chán nản ban đầu thi sẽ thấy rất bình tâm và thư giãn. Anh có thể thảnh thơi, một mình, mặc cho tâm trí ngẫm ngợi lan man,” anh nói. “Ngày nay, khi mọi người lúc nào cũng hối hả, hơn bao giờ hết chúng ta cần có những thú tiêu khiển thư thả như làm vườn.”

Dominic Pearson không còn có thể nhất trí hơn. Với tư cách là một giao dịch viên cho một ngân hàng tại Luân Đôn, người thanh niên hai mươi chín tuổi này làm việc trong làn hối hả. Những con số nhấp nháy suốt ngày trên màn hình buộc anh phải đưa ra những quyết định chớp nhoáng có thể sinh lợi – hoặc thiệt hại – cho ông chủ anh hàng triệu bạc. Pearson từng tăng tiến trong tiếng ồn ào trị số ốctan cao của sàn giao dịch, và kiếm được cơ man tiền thưởng. Nhưng khi thị trường đầu cơ lên giá sụp đổ, anh bắt đầu khốn khổ vì lo sợ. Bạn gái của anh gợi ý rằng làm vườn có thể giúp thuyên giảm tình trạng ấy. Là một người thích uống bia, thích cộng đồng đàn ông kiểu chơi bóng bầu dục, mới đầu Pearson còn nghi ngại, nhưng cuối cùng anh quyết định thử.

Anh khơi lại một mảnh sân trong bỏ hoang phía sau căn hộ của mình ở Hackney, thay những phiến đá lát lối đi cũ bằng một bãi cỏ nhỏ. Dọc theo bờ bao, anh trồng hoa hồng, nghệ tây, oải hương, thủy tiên vàng, nhài đông và đậu tía. Anh còn bổ sung thêm thường xuân dây leo và cây cà chua. Sau đó anh kê thêm trong phòng ngủ mấy chậu cây. Ba năm sau, căn nhà của anh như đại tiệc cho các giác quan. Mỗi buổi chiều hè, mùi hương từ khu vườn tràn đầy ánh nắng làm ngay ngất lòng người.

Bây giờ thì Pearson tin làm vườn giúp anh trở thành một giao dịch viên giỏi hơn. Trong khi làm cỏ hay tỉa cây, đầu óc anh trở nên yên ả và từ sự yên ả đó nảy sinh nhiều ý kiến hay cho công việc. Anh thấy ít bị căng thẳng trên sàn giao dịch và ngủ tốt hơn về ban đêm. Trong hầu hết công việc, Pearson thấy điềm tĩnh hơn, gắn bó hơn và ít hối hả hơn. Anh nói: “Làm vườn giống như một liệu pháp không phải trả tiền thầy thuốc.”

Tuy vậy, sau một ngày dài làm việc, hầu hết mọi người vẫn còn thích cầm trong tay điều khiển từ xa của vô tuyến truyền hình hơn là cầm bay làm vườn hoặc đôi kim đan. Xem tivi là một hoạt động giải trí dễ dàng số một trên thế giới, thu hút nhiều thời gian thư nhàn của chúng ta. Trung bình một người Mỹ mỗi ngày xem truyền hình bốn tiếng đồng hồ, trong khi ở châu Âu trung bình là ba tiếng. Tivi có thể giúp chúng ta tiêu khiển, cung cấp thông tin, giải trí và thậm chí còn làm chúng ta thư giãn, nhưng không làm cho chúng ta chậm lại theo nghĩa thuần khiết của từ này. Nó không cho chúng ta thời gian để ngưng lại hay suy ngẫm. Tivi nói lên nhịp độ và nhịp độ thường nhanh – với hình ảnh dồn dập, đối thoại lập tức và hiệu chỉnh hình chớp nhoáng. Hơn nữa khi xem vô tuyến, chúng ta không thiết lập được những kết nối. Ngược lại, chúng ta ngồi vào chiếc ghế sô-fa, hấp thu hình ảnh và từ ngữ mà không phản hồi gì hết. Hầu hết các công trình nghiên cứu chỉ rõ những người xem quá nhiều sẽ ít dành thời gian cho những việc thực sự khiến cuộc sống lý thú – nấu ăn, chuyện gẫu với gia đình, tập tành, làm tình, giao thiệp và làm những công việc tình nguyện.

Trong cuộc tìm kiếm một lối sống thỏa đáng hơn, nhiều người đang bỏ thói quen xem tivi. Phong trào chống xem tivi ở Mỹ có tính chiến đấu cao nhất. Kể từ 1995, mỗi năm một nhóm vận động hành lang tên gọi Mạng Tắt-Tivi lại khuyến khcish người dân tắt máy thu hình suốt cả một tuần lễ trong tháng Tư. Năm 2003, kỷ lục 7,04 triệu người ở Mỹ và nước ngoài đã hưởng ứng cuộc vận động này. Hầu hết những người cắt giảm thời lượng xem tivi thấy rằng họ dành nhiều thời gian hơn cho những hoạt động Chậm thực sự.

Một trong số hoạt động Chậm đó là đọc sách. Giống như đan lát và làm vườn, hành động ngồi xuống và chịu phục tùng một tác phẩm nào đó chính là chống lại sự sùng bái tốc độ. Như lời của Paul Virilio, một triết gia Pháp, “Đọc hàm ý thời gian cho suy ngẫm, một sự chậm lại phá hủy hiệu quả sôi động của số đông.” Ngay cả khi doanh số bán sách có ngưng trệ hoặc suy giảm, thì nhiều người, nhất là thị dân có học, đều nói mặc xác cái thứ hiệu quả sôi động và thu mình lại để đọc một cuốn sách hay. Thậm chí còn có thể bàn về việc chấn hưng đọc sách nữa.

Chỉ cần nhìn hiện tượng Harry Potter. Cách đây không lâu, những đầu óc từng trải thông thường tuyên bố văn hóa đọc đã chết trong giới trẻ. Sách đã trở nên quá tẻ nhạt, quá chậm với một thế hệ lớn lên trong trò chơi điện tử. Nhưng J.K.Rowling đã thay đổi tất cả. Những ngày này, hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới nghiến ngấu đọc các tập Harry Potter của bà, cuốn mới nhát dày tới 766 trang. Và một khi đã khám phá ra những thú vui của thế giới giấy mực, giới trẻ ngày nay đang tìm đến những cuốn sách của các tác giả khác. Đọc thành ra cũng có phần đúng mốt. Ở phía cuối chiếc xe buýt nhà trường, các em nhỏ đang đọc lướt qua những tác phẩm mới nhất của Philip Pullman và Lemony Snicket. Suốt trên dọc đường, trí tưởng tượng của các em đi từ phạm vi của ngành xuất bản đến các ngôi sao biểu diễn, cùng với những khoản nhuận bút khổng lồ và các sản phẩm ăn theo của phim ảnh. Năm 2003, Puffin trả Louisa Young một triệu bảng Anh cho cuốn Lionboy (Cậu bé Sư tử), câu chuyện kể về một đứa trẻ phát hiện mình có khả năng nói chuyện với loài mèo sau khi bị con báo cào. Ở nước Anh, doanh số sách thiếu nhi đã tăng bốn chục phần trăm kể từ năm 1998.

Một dấu hiệu khác cho thấy văn hóa đọc đang làm cuộc trở về là hiện tượng gia tăng các nhóm đọc sách. Các nhóm đọc sách xuất hiện từ giữa những năm 1700, một phần như cách để chia sẻ sách, lúc đó sách rất đắt, phần như một kiểu diễn đàn trí thức và xã hội. Hai thế kỷ rưỡi sau đó, các nhóm đọc sách mọc lên ở khắp mọi nơi, ngay cả trên truyền thông đại chúng. Năm 1998, đài BBC thành lập một Câu lạc bộ Sách trên sóng Radio 4 chuyên tin khoa giáo, sau đó bổ sung một chương trình tương tự cho Bản tin Thế giới năm 2002. Năm 1996, Oprah Winfrey khai trương Câu lạc bộ Sách nổi tiếng uy tín. Các cuốn tiểu thuyết tiêu điểm trong chương trình của chị, ngay cả những cuốn sách của các tác giả không tên tuổi, lần lượt vào tốp dẫn đầu trong danh mục sách bán chạy nhất. Năm 2003, sau mười tháng gián đoạn, Oprah vực lại Câu lạc bộ Sách với trọng tâm mới là văn học cổ điển. Chỉ hai mươi bốn giờ sau khi chị giới thiệu cuốn East of Eden (Phía Đông vườn Địa đàng) của John Steinbeck, xuất bản lần đầu năm 1952, lập tức cuốn truyện này từ hạng 2.356 đã tăng vọt lên hạng hai trong danh mục sách bán chạy của mạng Amazon.

Các câu lạc bộ sách thu hút giới chuyên nghiệp bận rộn đang tìm cách dùng trí tuệ để trở nên cởi mở và quảng giao. Paula Dembowski tham gia một nhóm ở Philadelphia năm 2002. Là một cử nhân văn chương, chị bắt đầu đọc ít dần đi khi sự nghiệp tuyển dụng giám đốc điều hành của chị khởi sắc. Rồi vào một ngày, người phụ nữ ba mươi hai tuổi này bất chợt nhận ra chị đã không sờ tay đến một quyển sách nào trong sáu tháng qua. “Đó là một trải nghiệm đáng sợ cho tôi thấy cuộc sống của tôi đã mất cân bằng,” chị nói. “Tôi muốn đọc sách trở lại, và tôi cũng nhận ra đọc chính là một cách để tái cân bằng toàn thể nhịp sống của bản thân.” Để dành thời giờ cho đọc sách, chị bắt đầu ít xem vô tuyến rồi dần dần giảm bớt những cuộc hẹn công việc ngoài giờ. Chị nói: “Tôi đã quên mất cảm giác hoàn toàn thư giãn khi chỉ ngồi cả buổi tối với một tiểu thuyết hay. Lúc ấy bạn như bước vào một thế giới khác, tất cả những lo phiền nho nhỏ, kể cả những vấn đề to lớn nữa, cũng bắt đầu tan biến. Đọc sách bổ sung thêm một van điều tiết chậm cho mọi việc.”

Đối với nhiều người, chỉ hành động đọc thôi cũng đã đủ chậm rồi. Song những người khác còn đang tiến xa thêm một bước bằng cách cố gắng bớt đọc nhanh. Cecilia Howard, một nhà văn Mỹ gốc Ba Lan tự mô tả mình như là “một con người thuộc làn cao tốc hạng-A”, vạch ra một đường song song giữa đọc và tập luyện: “Khẩu hiệu của tôi là cái gì thực sự đáng đọc thì cũng đáng đọc từ từ. Hãy nghĩ điều đó tương đương tinh thần của tập luyện Siêu Chậm. Nếu bạn thực sự muốn tập cơ bắp, hãy cử động càng chậm càng tốt. nếu bạn muốn tập luyện thật khổ công, hãy làm thật chậm y như đứng yên vậy. Và để đọc Emily Dickinson, đó chính là cách bạn cần.”

Amos Oz, một nhà văn Israel, cũng nhất trí như vậy. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông kêu gọi mọi người đừng đọc sách nhanh. Ông nêu rằng: “Tôi khuyến nghị nghệ thuật đọc chậm. Mỗi khoái lạc tôi có thể hình dung hoặc từng trải nghiệm sẽ càng thú vị hơn, càng thực sự là một niềm khoái lạc, nếu bạn thưởng thức từng chút từng chút một, nếu bạn thực sự dành thời gian. Cho nên đọc sách cũng không phải là một ngoại lệ.”

Đọc chậm không có nghĩa là hấp thụ ít từ ngữ đi trong một phút. Hãy hỏi Jenny Hartley, một giảng viên người Anh và cũng là một chuyên gia về các nhóm đọc sách. Năm 2000, nhóm của chị ở Luân Đôn quyết định đọc cuốn Little Dorrit (Dorrit Bé nhỏ) của Charles Dickens theo phong cách thịnh hành hồi ấy – chia thành từng phần cho mỗi tháng, kéo dài trong một năm rưỡi. Như thế có nghĩa là cưỡng lại thúc bạch thời hiện đại muốn nhanh chóng đọc một mạch đến cuối sách, nhưng sự chờ đợi có giá trị của nó. Tất cả mọi người trong nhóm đều ưa thích nhịp độ từ từ này. Đã từng sáu lần đọc cuốn tiểu thuyết vì công việc giảng dạy nên Hartley lấy làm hài lòng thấy việc đọc chậm mở ra một thế giới hoàn toàn mới của tình tiết và sắc thái. “Khi đọc một mạch, bạn sẽ không thể thưởng thức một số những câu đùa dí dỏm và trò chơi chờ đợi, cũng như lối chơi chữ Dickens tạo ra với những câu chuyện bí mật và mưu đồ ngấm ngầm,” chị nói. “Đọc Chậm hơn sẽ toại nguyện hơn.” Trong khóa giảng của chị ở Đại học Surrey thuộc Roehampton, Hartley giờ đây cùng với sinh viên tiến hành các cuộc thử nghiệm, tạo điều kiện cho họ dành hẳn cả học kỳ sáu tháng để đọc cuốn Middlemarch.

Cách xa cả ngàn dặm, trên Các đồng cỏ Canada[78], Dale Burnett, một giáo sư về giáo dục tại trường Đại học Lethbridge, đề ra phiên bản kỹ thuật cao của Đọc Chậm. Khi đọc một cuốn sách về bất cứ chủ đề nào – không áp dụng với các tiểu thuyết đọc khi đi máy bay – ông duy trì một nhật ký trên Mạng. Sau mỗi buổi đọc, ông tải lên những trích dẫn đáng nhớ và những nhận định, thông tin cơ bản về cốt truyện với các nhân vật cũng như bất cứ suy ngẫm nào cuốn sách gợi ra. Burnett vẫn đọc cùng số lượng từ ngữ không đổi trong một phút, nhưng mất gấp hai cho đến bốn lần thời gian để kết thúc một quyển sách. Khi tôi gặp được ông, ông đang thong thả đọc cuốn Anna Karenina, đọc trong khoảng một hoặc hai tiếng đồng hồ, sau đó dùng một khoảng thời gian tương tự trút những ý tưởng và cảm xúc vào nhật ký mạng. Ông ca ngợi với lòng nhiệt thành cái thấu hiểu thân phận con người ở Tolstoy. Ông nói: “Tôi thấy mình tán thưởng sâu sắc hơn cuốn sách đang đọc. Đọc Chậm là một liều thuốc giải trừ trạng thái nhịp độ nhanh mà lúc này chúng ta đang mắc phải.”

Điều nói trên cũng đúng với cả ngành mỹ thuật. Hội họa, điêu khắc hay bất cứ một hành vi sáng tác nghệ thuật nào đều có mối quan hệ đặc biệt với sự lắng mình chậm lại. Như nhà văn Mỹ Saul Bellow từng ghi nhận: “Mỹ thuật là cái gì đó liên quan tới thành tựu của sự tĩnh lặng giữa những hỗn độn. Một sự tĩnh lặng đặc trưng bởi… con mắt của bão tố… một sự lưu giữ thoáng tập trung chú ý giữa sao lãng.”

Trong các gallery trên khắp thế giới, các nghệ sĩ đang xem xét mối quan hệ của chúng ta với tốc độ dưới lăng kính hiển vi. Thông thường, các tác phẩm tìm cách đưa người xem vào một trạng thái yên tĩnh và suy tưởng hơn. Trong một phim video mới đây, Marit Flostad, một nữ nghệ sĩ Na Uy, đang vật vã thổi một quả bóng lớn màu đỏ cho tới khi nó nổ tung. Mục đích của chị là làm cho người xem lắng mình lại đủ lâu để buộc phải suy nghĩ. “Bằng vào sử dụng một loạt những hình ảnh ẩn dụ tập trung vào cơ thể, sự hô hấp và những giới hạn của sức căng tự nhiên bị kéo giãn, tôi cố kéo các khán giả xem nghệ thuật chậm lại,” chị nói.

Trong thế giới hàng ngày, ngoài những gallery và gác xép áp mái, người ta còn chọn nghệ thuật như là một phương cách để giảm tốc. Một trong những biểu hiện đầu tiên bằng tiếng Anh mà tôi nhìn thấy ở Tokyo là cho một Khóa học Thư giãn Nghệ thuật. Kazuhito Suzuki sử dụng hội họa để chậm lại. Với tư cách một chuyên gia thiết kế trang web ở thủ đô Nhật Bản, anh liên tụ sống trong tình trạng hết nợ trả hàng này lại đến nợ trả hàng khác. Để né tránh cái mà anh nghĩ là một sự suy sụp lơ lửng trên đầu, năm 2002 chàng thanh niên hai mươi sáu tuổi đăng ký theo học một khóa mỹ thuật. Giờ đây, mỗi tối thứ Tư hàng tuần, anh cùng hàng chục sinh viên khác tham gia khoảng hai hay ba giờ vẽ đời sống và các mẫu tĩnh vật. Không có hạn tối hậu, không cạnh tranh, không vội vàng – chỉ anh và nghệ thuật. Tại nhà riêng, một căn hộ xinh xắn, Suzuki vẽ tranh màu nước về mọi thứ, từ cái bát đựng hoa quả đến những cuốn cẩm nang Microsoft. Nỗ lực mới nhất của anh là vẽ cảnh núi Phú Sỹ vào một buổi sáng mùa xuân. Trong căn phòng làm việc của anh, giá vẽ đứng cách máy vi tính chỉ vài ba bước, âm và dương, công việc và vui chơi, trong sự hài hòa hoàn hảo. “Hội họa đã giúp tôi cân bằng giữa nhanh và chậm, khiến cho tôi cảm thấy an tĩnh và làm chủ mình hơn.”

Âm nhạc cũng có thể có một ảnh hưởng tương tự. Ca hát và chơi nhạc cụ hoặc chăm chú nghe người khác hát hoặc chơi nhạc là một hình thức giải trí lâu đời nhất. Âm nhạc có thể vui nhộn, kích thích hoặc gây xúc động. Hoặc nó có thể xoa dịu và làm thư giãn, chính xác là cái giờ đây ngày càng nhiều người trong chúng ta tìm kiếm. Nghe nhạc một cách thong thả hòng giải thoát không phải là ý tưởng gì mới mẻ. Năm 1742, bá tước Kaiserling sau này là đại sứ Nga tại triều đình Xắcxông, có đặt nhà soạn nhạc Bach viết một vài bản nhạc giúp ông ta chữa chứng mất ngủ. Nhà soạn nhạc viết Những Khúc biến tấu Goldberg. Hai thế kỷ rưỡi sau, ngay người đi ngoài phố cũng lấy nhạc cổ điển làm một công cụ thư giãn. Các đài phát thanh dành toàn bộ chương trình cho các nhạc phẩm êm dịu và lắng đọng. Các biên soạn cổ điển với những từ như “thư giãn”, “êm dịu”, “tĩnh tâm”, và “dễ chịu” trên đầu đề xuất hiện trên khắp các giá sách.

Thính giả không chỉ là những người khao khát một nhịp độ Chậm. Một số lượng ngày càng tăng các nhạc sĩ – khoảng chừng hai trăm theo ước tính mới nhất – tin tưởng rằng chúng ta đã chơi nhiều bản nhạc cổ điển quá nhanh. Nhiều trong số những người nổi loạn này thuộc phong trào có tên gọi Nhịp Chuẩn, với sứ mệnh là thuyết phục các vị nhạc trưởng, các dàn nhạc giao hưởng và các nghệ sĩ độc tấu ở khắp mọi nơi làm một việc không hiện đại: đó là chơi chậm lại.

Để tìm hiểu kỹ hơn, tôi bay sang Đức dự buổi hòa nhạc của Nhóm Nhịp Chuẩn. Vào một chiều hè lặng gió, một đám người xếp hàng đi vào trung tâm cộng đồng ở ngoại vi Hamburg. Quảng cáo dán trên cửa hứa hẹn một chương trình quen thuộc toàn các bản xônát của Beethoven và Mozart. Trong phòng hòa nhạc hiện đại, ngập nắng, chiếc đàn dương cầm lớn đứng lẻ loi dưới một bậu cửa sổ. Sau khi ổn định chỗ ngồi, các thính giả làm những chuẩn bị cuối cùng cho buổi diễn, vừa tắt điện thoại di động vừa hắng giọng theo lối phô trương được những người đi nghe hòa nhạc trên khắp thế giới ưa chuộng. Không khí càng lúc càng trịnh trọng nhắc tôi nhớ lại các buổi biểu diễn độc tấu tôi từng tới dự – cho đến khi nghệ sĩ dương cầm bước vào.

Uwe Kliemt là một người Đức trung niên, rắn chắc, bước đi như nhún nhảy và ánh mắt long lanh. Thay vì ngồi xuống bên phím đàn để bắt đầu buổi biểu diễn, ông đứng phía trước chiếc dương cầm Steinway bóng láng và nói với thính giả: “Tôi xin được nói chuyện với quí vị về sự thong thả”. Tiếp đó, như đã làm ở các buổi hòa nhạc khắp châu Âu, ông làm một bài thuyết trình ngắn về những mặt xấu của việc tôn thờ tốc độ, bổ xung ý nhấn mạnh bằng khua khoắng cặp kính mắt như cá nhạc trưởng vung gậy điều khiển. Tiếng thì thầm tán thưởng lan khắp thính phòng lúc Kliemt, người đồng thời là thành viên của Hội Giảm Tốc Độ thời gian, nêu một tóm tắt khúc triết về triết lý Chậm. Ông tuyên bố:”Thật vô nghĩa khi chúng ta hối hả chỉ vì chúng ta có thể, hay chỉ vì chúng ta cảm thấy cần phải vậy. Bí quyết sống là luôn tìm kiếm một nhịp chuẩn. Và không đâu đúng bằng như vậy hơn âm nhạc.”

Kliemt và các đồng minh của ông tin tưởng rằng các nhạc công bắt đầu chơi nhanh hơn ở buổi bình minh của kỷ nguyên công nghiệp. Vì cả thế giới tăng tốc, các nhạc công cũng tăng tốc theo. Đầu thế kỉ mười chín, công chúng yêu thích thế hệ mới những nhạc công bậc thầy, trong đó có nghệ sỹ tài ba Franz Liszt, người đã chơi với tài khéo léo đáng kinh ngạc. Với nghệ sỹ bậc thầy, chuyển nhịp là một cách để phô trương tài hoa về kĩ thuật-và làm cho khán giả thích mê.

Những tiến bộ trong công nghệ sản xuất nhạc cụ có lẽ cũng đã khuyến khích việc chơi nhanh hơn. Trong thế kỉ mười chín, đàn dương cầm chiếm địa vị hàng đầu. Loại đàn này cường độ mạnh hơn và thích hợp cho chơi nhiều nốt cùng một lúc hơn các bậc tiền bối của nó là đàn harpsichord[79] và đàn clavichord[80]. Năm 1878,Brahms viết:”Đối với đàn dương cầm…mọi thứ nhanh hơn, sống động hơn và nhẹ hơn về nhịp độ”.

Là tấm gương phản ánh nối ám ảnh thời hiện tại, việc dạy âm nhạc cũng mang phong thái công nghiệp. Các học viên thoạt tiên thực hành bằng cách chơi các nốt nhạc, chứ không phải các tác phẩm. Một văn hóa nhiều giờ dài dằng dặc ngự trị. Các học viên chơi dương cầm hiện tại có thể dành sáu đến tám giờ một ngày lướt trên các phím ngà. Chopin lại khuyên không nên quá 3 tiếng đồng hồ.

Theo quan điểm của Kliemt, tất cả các xu hướng này đều góp phần kích động sự tăng tốc trong âm nhạc cổ điển.Ông nói:”Hãy nghĩ tới các nhà soạn nhạc vĩ đại của giai đoạn trước thế kỉ XX-Bach, Haydn, Mozart, Beethoven, Schubert, Chopin, Mendelssohn, Brahms. Chúng ta chơi tất cả các nhạc phẩm của họ quá nhanh”.

Đây không phải là một quan điểm chủ đạo. Hầu hết người trong giới âm nhạc chưa từng nghe tới Tempo Giusto (Nhịp Chuẩn), và họ vẫn có xu hướng chế nhạo phong trào. Tuy nhiên, một số chuyên gia công khai bày tỏ ý kiến cho rằng nhạc cổ điển đang trở nên tồi tệ vì tốc độ quá nhanh. Có cả bằng chứng rõ rành rằng chúng ta chơi một số bản nhạc nhanh hơn trước đây. Trong bức thư đề ngày 26 tháng 10 năm 1876, Liszt viết rằng ông phải mất “presque une heure”(gần một giờ) để chơi bản sonat hammerklavier số 106 của Beethoven. Năm chục năm sau, Arthur Schnabel chỉ cần có bốn mươi phút. Ngày nay,  một số nghệ sỹ dương cầm chỉ lướt phím các nốt nhạc ấy trong vẻn vẹn ba mươi lăm phút.

Những soạn giả tiền bối trách mắng các nhạc công không chịu nổi con virut của sự vội vã. Bản thân Mozart từng nổi cơn thịnh nộ về lỗi nhịp. Năm 1778, ông gửi cấp tốc một bức thư lời lẽ nghiêm trọng cho cha mình sau khi nghe Abbe Volger, một nhạc công hàng đầu thời ấy, bóp chết bản Sonate của ông  trong gam Si trưởng, KV 330, tại một buổi dạ tiệc.” Cha có thể dễ dàng tưởng tượng tình huống vượt quá sức chịu đựng ấy, bởi con không thể kìm mình mà truyền đạt lại cho ông ta rõ ,’quá ư nhanh’,” nhà soạn nhạc lừng danh viết. Beethoven biết chính xác Mozart cảm nhận ra sao. Ông có lần than vãn: “Việc đó có thể xem như thóa mạ người nghệ sỹ bậc thầy. Những ngón tay thuần thục của họ luôn luôn vội vã cùng những xúc cảm của bọn họ, đôi khi cả tâm trí nữa.” Sự không tin cậy nhịp tăng tốc đi vào thế kỉ hai mươi. Người ta kể lại Mahler[81] còn khuyên bảo những nhạc trưởng mới nảy nở tài năng chỉ huy dàn nhạc chậm lại, chứ không phải nhanh lên, nếu họ cảm thấy khán giả càng lúc càng tỏ ra buồn chán.

Giống như phong trào Chậm đang lan rộng khắp, các nghệ sỹ thuộc trường phái Nhịp Chuẩn không chống lại bản thân tốc độ. Cái mà họ nhắm vào là giả định rất hiện đại cho rằng nhanh hơn luôn là tốt hơn.” Tốc độ có thể cho bạn một cảm giác phấn khích tột độ, và có chỗ đứng của nó trong cuộc sống cũng như trong âm nhạc,” Kliemt nói. “Nhưng phải có giới hạn, không phải lúc nào cũng dùng tốc độ. Thật ngớ ngẩn khi uống vội vàng một cốc rượu vang. Và cũng sẽ là ngớ ngẩn khi chơi nhạc Mozart quá nhịp”.

Tuy vậy, tìm ra nhịp chơi chuẩn không phải dễ như người ta tưởng. Nhịp trong âm nhạc là một khái niệm khó nắm bắt trên giác độ thời gian, thiên về nghệ thuật hơn là khoa học. Tốc độ chơi một bản nhạc có thể thay đổi tùy hoàn cảnh-tâm trạng của nghệ sỹ, loại hình nhạc cụ, tính chất buổi biểu diễn, đặc thù khán giả, nơi gặp mặt, độ vang âm, thời điểm trong ngày, thậm chí cả nhiệt độ phòng. Một nghệ sỹ dương cầm không thể chơi bản Xô-nát của Schubert trong một phòng hòa nhạc chật ních người giống y như cách chơi cho một vài người bạn thân tại nhà. Ngay cả các nhà soạn nhạc cũng phải thay đổi nhịp độ tác phẩm của chính mình từ cuộc trình diễn này sang cuộc trình diễn khác. Nhiều tác phẩm âm nhạc thành công không chỉ ở một nhịp độ. Robert Donington, nhà âm nhạc học người Anh, nêu thế này: “… nhịp chuẩn cho một đoạn nhạc nhất định nào đó chính là nhịp nào thích hợp, giống như bàn tay khít vào găng tay, việc thể hiện bản nhạc ấy khi đó được giành cho người biểu diễn.”

Nhưng liệu có chắc các nhà soạn nhạc vĩ đại có ghi lại cái họ coi là nhịp chuẩn trong bản nhạc của mình không? Ồ, không hẳn. Nhiều người lại chẳng để lại dấu nhịp nào cả. Hầu hết tất cả những chỉ dẫn chúng ta có đối với các tác phẩm của Bach đều do học trò và các nhà nghiên cứu bổ sung sau khi ông mất. Đến thế kỉ mười chín, hầu hết các nhà soạn nhạc đều đã ghi chú nhịp bằng tiếng Ý, chẳng hạn như presto, adagio và lento (nhanh, khoan thai và chậm) – tất cả đều để ngỏ cho việc diễn giải về sau. Liệu với một nghệ sỹ dương cầm hiện đại từ andante (hơi chậm) có cùng một nghĩa như nó từng có với nhà soạn nhạc Mendelssohn? Sự ra đời của chiếc máy nhịp maezel năm 1816 cũng không giải quyết được vấn đề. Nhiều soạn giả thế kỉ mười chín đầu tranh hòng chuyển đổi tiếng tích-tắc cơ học của cỗ máy cải tiến này sang những chỉ dẫn nhịp độ có nghĩa. Brahms, người qua đời năm 1897, đã tổng kết sự rối loạn  này trong một bức thư gửi cho Henschel: “Theo như kinh nghiệm của tôi, tất cả những soạn giả đã miệt mài với các chỉ dẫn của máy nhịp sớm muộn gì cũng phải vứt bỏ những thứ ấy đi.” Làm cho vấn đề thêm tồi tệ, các biên tập viên bao năm nay vẫn có thói quen bổ sung hoặc sửa đổi những chỉ dẫn về nhịp trên các bản nhạc do họ xuất bản.

Nhịp Chuẩn đã chọn con đường tranh cãi nhằm tìm ra những chú ý đích thực của các nhà soạn nhạc tiền bối. Năm 1980, W.R Talsma, một nhà âm nhạc học người Hà Lan, đã trình bày những nền tảng triết lý của phong trào trong một cuốn sách nhan đề Cuộc tái sinh của Âm nhạc Cổ điểnHướng dẫn Xóa bỏ Cơ khí hóa Âm nhạc. Dựa trên một công trình nghiên cứu thấu đáo các tài liệu lịch sử và cấu trúc âm nhạc, luận đề của tác giả là chúng ta đã diễn sai một cách có hệ thống những chỉ dẫn của máy nhịp. Mỗi một nốt nhạc biểu trưng bằng hai tiếng tích tắc của quả lắc (từ trái sang phải và ngược lại), chứ không chỉ có một tiếng như thực hành phổ biến. Bởi vậy, để tỏ lòng kính trọng ý nguyện của các nhà soạn nhạc trước thế kỉ XX, chúng ta nên cắt tốc độ chơi  đi một nửa. Tuy nhiên, Talsma tin rằng những đoạn nhạc chậm hơn-thử tưởng tượng “Xô nát Ánh trăng” của Beethoven-thì không  nên bị chậm lại quá nhiều, ấy là nếu có cần phải chậm, vì kể từ đầu kỷ nguyên công nghiệp, các nghệ sỹ đã chơi chúng chậm lại, hoặc theo đúng nhịp gốc ban đầu, nhằm tăng cường sự biểu cảm và nổi bật sự tương phản với những đoạn nhanh. Tuy vậy, không phải tất cả các thành viên Nhịp Chuẩn đều nhất trí. Grete Wehmeyer, nhà soạn nhạc người Đức là tác giả của cuốn sách ra đời năm 1989 tựa đề Nhịp cực nhanh: Tái Khám Phá Sự Thong thả trong âm nhạc, cho rằng tất thảy âm nhạc cổ điển trước thế kỉ XX, dù nhanh hay chậm, đều phải chơi ở phân nửa tốc độ hiện nay.

Các nhạc sỹ Nhịp Chuẩn đều đứng về phía Talsma hoặc Wehmeyer, hoặc rơi ở đâu đó ở giữa. Một  số ít người chú ý đến những đánh dấu của máy nhịp mà tập trung hơn vào những bằng chứng lịch sử khác và những gì cảm thấy là đúng. Tuy nhiên, mọi người trong phong trào đều đồng ý rằng,một nhịp chậm hơn có thể làm sáng tỏ những chi tiết nội tại của ….

Kể cả những kẻ hay hoài nghi cũng bị lung lay. Ngày nay, nhân vật trình diễn Nhịp Chuẩn hàng đầu trong âm nhạc giao hưởng có lẽ là maximianno Cobra, vị nhạc trưởng sinh quán Braxin của giàn nhạc giao hưởng Budapest Europa Philharmonia. Tuy rằng năm 2001 Corba thu âm bản giao hưởng số 9  huyền thoại của Beethoven có gấp đôi thời gian các diễn xuất theo dòng chủ đạo,đĩa nhạc vẫn nhận được một số đánh giá đồng tình.Richard Elen, nhà phê bình, thì thừa nhận rằng:”Có nhiều chi tiết nội tại mà cuộc trình diễn này khám phá được,chúng thường lướt qua nhanh đến nỗi bạn khó có thể nghe thấy”. Mặc dầu chẳng ưa gì quan điểm Chậm, Elen vẫn miễn cưỡng thừa nhận như thế gần gũi hơn với những gì Beethoven nhắm tới,và đành xếp hạng trình diễn của Cobra là “cực tốt”.

Điều này gợi ra một câu hỏi: Nếu quả thực chúng ta chơi một bản nhạc cổ điển nào đó nhanh hơn các bậc tiền bối, liệu có thật là tồi  tệ đến thế không? Thế giới đang thay đổi,sự nhạy cảm cũng thay đổi theo. Không thể trốn chạy một thực tế là chúng ta đang học cách yêu thích một nhịp độ âm nhạc nhanh hơn. Thế kỉ XX chính là thúc đẩy nhịp độ,với nhạc ragtime mở đường cho ‘rock and roll’, disco, speed metal và rốt cuộc cả techno nữa. Khi Mike Jahn xuất bản cuốn sách Làm thế nào để ra đĩa thành công năm 1977, lời khuyên của ông cho những ngôi sao nhạc ‘pop’ tương lai là 120 nhịp một phút chính là tối ưu cho phần nhẩy phụ họa. Tất cả những thứ quá 135 nhịp một phút, theo ông, chỉ khơi gợi sự lập dị về tốc độ. Đến đầu những năm 1990, ‘trống và bass’ cùng với nhạc ‘jungle’ đã tăng tới 170 nhịp một phút. Năm 1993, Moby, người khổng lồ nhạc techno, được cuốn Kỷ lục thế giới Guiness ghi nhận là cá nhân nhanh nhất mọi thời đại, chơi tới “một ngàn” nhịp trong một phút, khiến cho một số thính giả thấy người như bị xé nhỏ ra.

Nhạc cổ điển cũng đã tiến triển. Những biến tấu cực tốc độ về nhịp trở nên thịnh hành trong thế kỉ XX. Các dàn nhạc ngày nay ầm ĩ hơn trước đây. Cách thức chúng ta thưởng thức các tiết mục cổ điển cũng thay đổi. Trong một thế giới bận rộn, tốc độ cao, ai có thì giờ ngồi nghe một bản nhạc giao hưởng hay một vở nhạc kịch từ đầu đến cuối? Thông thường, chúng ta thưởng thức những phần nổi bật được biên tập lại trong những đĩa CD. Sợ làm người nghe phát chán, các đài phát thanh nhạc cổ điển gây hoạt náo các buổn phát sóng bằng những DJ liến thoắng, những điểm tin Top mười và các cuộc thi tầm phào. Một số nghiêng về những bản nhạc ngắn và  những phần trình diễn nhanh hơn, một số khác cắt bỏ các khoảng ngừng mà các nhà soạn nhạc viết cho bản tổng phổ của họ.

Tất cả những điều này tác động đến cách thức chúng ta nếm trải âm nhạc từ quá khứ xa xưa. Nếu một trăm nhịp một phút khiến mạch đập nhanh trong những năm 1700, thì nhiều khả năng nó khiến người ta ngáp dài trong kỉ nguyên Moby. Để bán hết các đĩa CD và nhét đầy các phòng hòa nhạc ở thế kỉ XXI, có lẽ các nhạc công phải  chơi một số bản nhạc cổ điển ở nhịp độ nhanh hơn.Và có lẽ như thế chưa phải là điều tồi tệ nhất trên đời. Kliemt không hề muốn loại bỏ kiểu chơi nhạc nhanh. Ông nói: “Tôi không muốn là kẻ giáo điều và bảo mọi người chính xác họ nên chơi nhạc thế nào, bởi phải có đất cho biến tấu. Tôi chỉ nghĩ rằng nếu mọi người có cơ hội nghe âm nhạc ưa thích của mình được chơi thong thả hơn, và họ lắng nghe với một tinh thần cởi mở, khi đó trong thâm tâm họ sẽ biết rằng bản nhạc này nghe hay hơn”.

Đầu tôi còn đang mông lung với cuộc tranh cãi to lớn về nhịp độ thì Kliemt rốt cuộc đã ngồi xuống bên chiếc đàn dương cầm ở Hamburg. Điều diễn ra sau đó giống như sự giao thoa giữa một cuộc hòa nhạc với một hội thảo chuyên đề. Trước mỗi bản nhạc, Kliemt gõ một vài phím với nhịp nhanh sở trường của những nghệ sỹ dương cầm theo dòng chủ đạo, tiếp theo ông đánh lại bản đó với nhịp chậm hơn của riêng ông. Rồi ông nói về những điểm khác biệt.

Bản nhạc đầu tiên trong chương trình hôm đó là bản xô nát nổi tiếng của Mozart, cung Si trưởng, KV 279. Tôi thường nghe bản nhạc này qua thu âm do Daniel Bareboim trình bày. Kliemt khởi đầu bằng cách chơi một một đoạn trong bản xô nát với nhịp độ quen thuộc cho đôi tai hiện tại. Nghe cũng hay. Sau đó, ông chơi chậm lại theo cách mà ông cho là nhịp chuẩn. Đầu ông lắc lư mơ màng trong khi ngón tay vuốt nhẹ trên những phím đàn. Kliemt nói với chúng tôi: “Khi người ta chơi quá nhanh, âm nhạc mất đi vẻ duyên dáng, những điểm tinh tế và cả đặc trưng của nó nữa. Bởi vì mỗi nốt nhạc cần có thời gian để biểu lộ  và bạn cũng cần có sự thong thả để thấy được ‘giai điệu và sự lý thú’. Chậm hơn so với tiêu chuẩn, bản xô nát KV 279 thoạt đầu nghe lạc lõng. Nhưng rồi, nó bắt đầu có ý nghĩa gì đó. Ít nhất với đôi tai không thành thục của tôi, phiên bản theo nhịp chuẩn nghe hoàn hào hơn, có kết cấu hơn, có giai điệu hơn. Nó rất thành công. Theo đồng hồ bấm giờ tôi đem vào phòng hòa nhạc, Kliemt đã chơi ba phần trong bản xô nát đó trong thời gian  20 phút 6 giây. Còn trên đĩa CD của tôi, Bareboim lước qua từng ấy nốt nhạc chỉ trong  14 phút.

Giống như Talsma, Kliemt tin tưởng vào việc chơi chậm lại các bản nhạc cổ điển nhanh, còn để nguyên hay thay đổi chút ít những bản chậm hơn. Tuy nhiên, ông giữ ý kiến rằng chơi theo nhịp chuẩn có nghĩa nhiều hơn chỉ đơn thuần tái thể hiện những đánh dấu của máy nhịp. Bạn phải thâm nhập vào bên trong âm nhạc, cảm nhận mọi đường nét, và khám phá nhịp đập tự nhiên của bản nhạc, cái eigenzeit (thời riêng) của nó. Kliemt rất chú trọng tới việc kết hợp nhịp âm nhạc với nhịp điệu của cơ thể con người.Năm 1784,Mozart công bố bản xô nát  nổi tiếng mang tên “Rondo alla Turca”, Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ. Đa số nghệ sỹ dương cầm hiện đại chơi bản nhạc này với tốc độ vui nhộn thích hợp nhất cho chạy bộ, không thì cũng là chạy rèn luyện thân thể. Kliemt cho bản nhạc một nhịp chậm hơn gợi nhớ tới những người lính đang diễu hành. Khiêu vũ là một hòn đá thử khác. Nhiều tác phẩm âm nhạc cổ điển thời kì đầu được viết cho khiêu vũ, như thể có nghĩa các nhà quý tốc phấn sáp của những năm trước có khả năng nghe nốt nhạc mà biết khi nào nhảy bước tiếp theo. “Trong thời đại của Mozart, âm nhạc vẫn còn giống như một thứ ngôn ngữ”, Kliemt nói. “Nếu anh chơi quá nhanh, sẽ chẳng ai hiểu gì cả”.

Buổi hòa nhạc tiếp tục. Kliemt vẫn xử lý như vậy với cả ba bản cuối cùng, một Khúc phóng túng của Mozart cùng 2 bản xô nát của Beethoven, cả ba đều nghe tuyệt diệu, không chậm, không suy tư hay buồn tẻ. Xét cho cùng, một nhạc công có thể hạ thấp nhịp mà vẫn cho ấn tượng về tốc độ và sự sôi nổi nhờ lỗi chơi nhịp nhàng cao độ. Như vậy, nhạc Mozart chậm có hay hơn nhạc Mozart nhanh không? Không tránh khỏi đó là vấn đề thị hiếu. Giống như khi các ngôi sao nhạc pop chơi phiên bản “unplugged[82]” của những bài ca nhịp cao trên đài MTV. Có lẽ trong thế giới nhịp độ nhanh hiện nay, cả 2 cách chơi đều có chỗ đứng. Cá nhân tôi, tôi ưu thích phong cách Nhịp chuẩn. Nhưng tôi cũng thích thú được nghe Baremboim chơi nhạc của Mozart và Beethoven.

Để tìm ra điều mà Josef Public suy nghĩ, tôi tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến nho nhỏ sau buổi trình diễn ở Hamburg. Một người đàn ông có tuổi, vẻ học thức với bộ tóc bù xù, không thể hiện xúc cảm. Ông ta lẩm bẩm: “Chậm quá, chậm quá, chậm quá”. Tuy nhiên, những người khác tỏ vẻ hồ hởi về những gì đã được nghe. Gudula Bischoff, một thanh tra thuế vụ tuổi trung niên trong bộ vest màu kem, áo cánh in hoa, là người đã ngưỡng mộ Kleimt từ lâu. Với đôi mắt mở to, chị thừa nhận ông là thiên tài biểu diễn nhạc Bach. Chị nói với vẻ mơ màng ít thấy ở những thanh tra thuế: “Khi anh nghe Kleimt diễn tấu, thật tuyệt vời, một cách nghe nhạc hoàn toàn mới. Bởi vì, anh có thể nghe được những nốt ông chơi, giai điệu toát ra đẹp hơn nhiều và âm nhạc dường như sống động hơn.”

Kliemt đã làm thay đổi ít nhất một chủ kiến trong tối biểu diễn đó. Trong số những khán giả xếp hàng nối đuôi để gặp ông sau buổi hòa nhạc có Natascha Speidel, một thiếu nữ sôi nổi khoảng hai mươi chín, mặc áo cổ lọ màu trắng. Là một sinh viên violon, cô quen lướt qua các bản nhạc với nhịp độ được những người chơi dòng chủ đạo ưa thích. Cô kể với tôi: “Trong trường nhạc, kỹ thuật là một ưu tiên lớn,vì vậy có rất nhiều người chơi nhanh. Chúng tôi nghe những bản nhạc chơi nhanh,chúng tôi luyện tập nhanh và chúng tôi biểu diễn nhanh. Nhịp nhanh có vẻ thích hợp với tôi.”

Tôi hỏi lại: “Thế em nghĩ sao về Kleimt?”

“Tuyệt vời”, cô đáp. “Tôi cứ nghĩ là nhịp chậm sẽ dễ chán, nhưng thực tế ngược lại. Âm nhạc trở nên hay hơn, vì ta có thể nghe thấy nhiều chi tiết hơn so với khi nghe ở nhịp độ nhanh. Cuối cùng tôi nhìn vào đồng hồ đeo tay và tự nhủ “oa,thế mà đã hai tiếng trôi qua’. Thời gian đã trôi nhanh hơn là tôi tưởng”.

Tuy vậy, Speidel không vội vã gia nhập ngay phong trào Nhịp Chuẩn. Cô vẫn thích chơi nhạc nhanh và biết rằng Chậm sẽ ảnh hưởng tới thứ hạng của cô tại trường âm nhạc. Nó cũng có thể làm tan giấc mộng kiếm việc trong dàn nhạc. “Tôi không thể lựa chọn chơi nhạc chậm trước công chúng vào thời điểm này, vì mọi người còn ưa thích nhịp điệu nhanh. Song, có lẽ tôi  sẽ chơi chậm hơn vào những giờ riêng tư. Tôi sẽ phải suy nghĩ điều này”.

Còn đối với Kleimt, bản thân buổi trình diễn hôm đó đã là một thắng lợi. Một hạt giống cho sự Chậm lại đã ươm mầm. Sau khi đám đông tản mát dần vào buổi tối êm dịu, chúng tôi nấn ná ở lại trong khu đỗ xe, thưởng ngoạn cảnh hoàng hôn màu đỏ pha da cam. Kleimt tỏ ra rất phấn chấn, chắc chắn là vậy, ông biết nhịp Chuẩn đang giáp mặt với một trận chiến cam go. Với những cataloge cũ cần chào bán, danh tiếng cần bảo vệ, những nhân vật có ảnh hưởng to lớn của nhạc cổ điển hầu như không có thời gian cho một phong trào tuyên bố họ đã dành trọn đời biểu diễn và chỉ huy theo nhịp độ nhầm lẫn. Ngay bản thân Kleimt vẫn đang sàng lọc sự tìm kiếm nhịp chuẩn của mình. Tìm kiếm tốc độ chuẩn có thể phải bao gồm hàng loạt thử nghiệm và nhầm lẫn, một vài trong số các đĩa thu thanh của ông hiện thời còn nhanh hơn những đĩa thu cách đây mười năm trước. “Có lẽ khi mới bắt đầu với ý tưởng về sự chậm lại, tôi đã hơi quá đà. Vẫn còn nhiều điều cần tranh luận”.

Tuy nhiên, Kleimt xông pha với nghị lực của Chúa cứu thế. Giống như các thành viên khác của Nhịp Chuẩn, ông tin tưởng phong trào có thể thành cuộc cách mạng lớn nhất nhằm tác động đến âm nhạc cổ điển tồn tài trên một thế kỉ nay. Và ông thấy hăng hái hẳn lên trước tiến triển của các chiến dịch Chậm khác.Kliemt nói: “Bốn chục năm trước đây, người ta chế nhạo việc làm nông nghiệp hữu cơ, nhưng giờ đây có vẻ nhưu phong trào ấy sẽ trở thành tiêu chuẩn quốc gia ở Đức. Có lẽ bốn mươi năm nữa kể từ giờ trở đi, mọi người đều sẽ chơi nhạc Mozart chậm lại”.

Trong khi phong trào Nhịp Chuẩn tìm cách viết lại lịch sử nền âm nhạc cổ điển, thì những người khác đang sử dụng trào lưu chậm trong âm nhạc để dựng nên một thách thức mang tính biểu trưng chống sự sùng bái tốc độ.

Một cột hải đăng cổ bên bờ sông Thames nằm ở phía đông London giờ đây là tụ điểm của những buổi hòa nhạc dài nhất chưa từng được trình diễn. Dự án này được gọi là Longplayer (người chơi nhạc lâu) và sẽ kéo dài tới một ngàn năm. Âm nhạc dựa trên một bản ghi âm dài hai mươi phút gồm các nốt nhạc được diễn tấu trên những chiếc chuông hát của Tây Tạng. Cứ 20 phút, một máy tính Apple iMac lại biểu diễn 6 đoạn trong phần thu âm ở những cung bậc khác nhau, tạo nên  một soundtrack không bao giờ lặp lại trong suốt cả thiên niên kỉ biểu diễn. Jem Finer, người đã sáng tạo ra Longplayer muốn bày tỏ quan niệm chống lại những tầm nhận thức hạn hẹp của thế giới chúng ta đang điên đảo vì tốc độ. Finer nói với tôi: “Với mọi thứ ngày càng nhanh hơn, giới hạn tập trung ngày càng ngắn lại, chúng ta đã quên mất cách lắng mình. Tôi muốn tạo cái gì đó gợi mở thời gian như là một quá trình dài, chậm chạp, chứ không phải thứ vội vã thoảng qua.” Ngồi trên đỉnh ngọn hải đăng ngắm toàn cảnh sông Thames, vừa lắng nghe tiếng ngân nga sâu lắng và trầm tư mặc tưởng của những chiếc chuông hát, quả là một trải nghiệm thong thả.Longplayer giành được lượng thính giả đông hơn số người hành hương về phía Đông London. Suốt  năm 2002, mỗi giây đồng hồ iMac lại thổi những giai điệu êm dịu vào khu vực nghỉ tại mái vòm Thiên  Kỷ nằm bên kia sông. Đài phát thanh quốc gia Hà Lan giành cho Longplayer bốn giờ phát sóng liên tục trong năm 2001. Thậm chí hiện nay, Longplayer vẫn được phát trên mạng Internet.

Một sự kiện âm nhạc trường kì khác đang được xúc tiến tại Halberstadt, thị trấn nhỏ của Đức nổi tiếng với cây đàn organ cổ. Nhà thờ thánh Burchardi trong vùng, một công trình đồ sộ từ thế kỉ XII từng bị Napoleon cướp phá, nay là điểm đến cho một buổi hòa nhạc sẽ kết thúc vào năm 2640, cho phép các nhà tài trợ góp mặt. Tác phẩm đặc biệt này được John Cage, nhà soạn nhạc tiên phong người Mỹ, viết vào năm 1992. Tựa đề của nó hoàn toàn thỏa đáng: ASLSP (As slow as Possible-chậm chừng nào hay chừng ấy). Bản nhạc nên dài tới chừng nào thì từ lâu đã là tranh cãi giữa những  người sành sỏi. Một số người cho rằng hai mươi phút là đủ; những người theo đường lối cứng rắn thì khăng khăng không có gì là vô hạn. Sau khi tham khảo một hội đồng gồm có các nhà âm nhạc học, các nhà soạn nhạc, các nghệ sỹ biểu diễn organ, các nhà nghiên cứu thần học và nhiều nhà triết học, Halberstadt quyết định là 639 năm-đúng khoảng thời gian đã trôi qua kể từ khi làm ra cây đàn organ Blockwell nổi tiếng.

Để xứng với nhạc phẩm của Cage, các nhà tổ chức dựng một cây đàn organ bền vững hàng thế kỉ. Những quả nặng gắn liền với các phím đàn rất lâu sau khi người biểu diễn dời chỗ. Cuộc trình diễn ASLSP bắt đầu năm 2001 sauddos ngừng mất 17 tháng. Trong thời gian này, âm thanh duy nhất là tiếng các ống gió phồng lên. Tháng 2 năm 2003, một nghệ sỹ biểu diễn organ đánh được 3 nốt nhạc đầu tiên âm vang khắp nhà thờ cho tới tận mùa hè năm 2004, thời điểm 2 nốt nhạc kế tiếp được người ta biểu diễn.

Khái niệm về một buổi hòa nhạc lâu đến độ không một ai tham dự đêm khai mạc có thể sống tới khi nghe được nốt nhạc cuối cùng rõ ràng đánh đúng tâm lý công chúng. Hàng trăm khán giả đổ xô về thăm Halberstadt mỗi lần một nghệ sỹ organ tới biểu diễn nốt nhạc kế tiếp. Trong nhiều tháng dài  sau đó, các du khách lũ lượt kéo đến để được tắm mình trong những âm thanh vang vọng khắp nhà thờ.

Tôi tham dự một buổi hòa nhạc ASLSP hồi mùa hè năm 2002, khi các ống gió của đàn vẫn đầy hơi và chiếc organ còn chưa lắp đặt xong. Norbert Kleist, một luật sư thương mại và là thành viên của công trình John Cage làm người hướng đạo cho tôi. Chúng tôi gặp nhau phía ngoài nhà thờ thánh Burchadi. Phía trên bên kia sân nhà thờ, những tòa nhà  trang trại cũ kĩ đã được chuyển thành hội trường và một xưởng đồ gỗ. Gần nhà thờ tọa lạc một công trình điêu khắc hiện đại,tạo nên bởi 5 cột sắt tháo dời. “Đó là thời gian bị phá vỡ,” Kleist giải thích trong khi bỏ chùm chìa khóa vào túi.

Chúng tôi bước lặng qua một cánh cửa gõ nặng nề vào nhà thờ, nơi trống không một cách ngoạn mục. Không ghế dài, không bàn thờ, không tượng thánh-chỉ sàn nhà trải sỏi và vòm trần cao dọc ngang những dầm gỗ. Bầu không khí lành lạnh và đượm mùi của vôi vữa lâu đời. Những con bồ câu võ cánh trên mấy bậu cửa sổ trên đầu. Đóng khung trong một thùng gỗ sồi lớn, những ống gió đàn organ chồm chỗm như một trạm phát điện nhỏ ở một trong những chái của nhà thờ, thở hổn hển trong ánh sáng chập  chờn. Âm thanh của hơi và nước mà chúng phát ra thật êm dịu, hầu như tiếng nhạc, hệt một đầu máy xe lửa tiến vào ga ở cuối chuyến hành trình dài.

Kleist mô tả cuộc trình diễn 639 năm của Chậm Chừng Nào Hay Chừng Nấy như là một  thách thức đối với thứ văn hóa gấp gáp, nghẹt thở của thế giới hiện tại. Lúc chúng tôi rảo bước khỏi nhà thờ, bỏ mặc cây đàn organ phải hút khí đầy lá phổi của nó, Kleist nói:”Có lẽ đây là khởi đầu cho một cuộc cách mạng về sống chậm”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.