Ngợi Ca Sống Chậm

CHƯƠNG SÁU – Y HỌC: BÁC SĨ VÀ ĐỨC KIÊN NHẪN



Thời gian chữa lành mọi vết thương

-CÁCH NGÔN ANH, THẾ KỶ MƯỜI BỐN

Giờ chúng ta đang trong phòng chờ bệnh viện Chelsea và Westminster ở Luân Đôn. Tôi vừa tới để khám chỗ đau dấm dứt ở cẳng chân bên phải. Dù đã hàng tháng trời sưng tấy và khó chịu, nhưng tôi vẫn lạc quan. Bệnh viện này vốn rất quen thuộc với tôi – cả hai con tôi đều sinh tại đây – và bệnh viện có khoa phẫu thuật chỉnh hình vào loại tốt nhất nước Anh.

Phòng chờ chật ních. Người bệnh chống nạng tập tễnh đi đi lại lại từ nhà vệ sinh tới quầy đọc báo. Họ cựa quậy vẻ lo lắng trên ghế ngồi. Một vài người phải dùng xe lăn. Trên cửa dẫn vào phân khoa, bản tin điện tử cho chúng tôi biết phòng khám hiện đang hoạt động chậm bốn mươi lăm phút so với lịch trình. Mải mê đọc tờ Cosmopolitan cũ, tôi chỉ loáng thoáng nhận biết bệnh nhân tới rồi ra về.

Khi tên tôi được xướng lên, hộ lý dẫn tôi vào phòng khám nơi một vị tư vấn trẻ ngồi chờ tại bàn. Tim tôi se thắt lại. Tất tật mọi thứ, kể cả vết cà phê trên cravát của anh ta, đều như gào lên: Khẩn trương! Sau câu làu bàu chào hỏi, anh ta lao vào tra hỏi tôi tới mức không kịp thở. Đau chỗ nào? Bắt đầu từ bao giờ? Thấy đau vào lúc nào? Anh ta muốn những câu trả lời nhanh và chính xác. Khi tôi toan giãi bày thì anh ta cắt lời, gằn giọng nhắc lại câu hỏi. Chúng tôi như cãi vã với nhau. Tôi muốn dựng lên một bức tranh toàn cảnh về chỗ tổn thương – những thay đổi trong chế độ thể thao hằng ngày của tôi, cái đau tiến triển ra sao, tác động của thuốc giảm đau và xoa bóp thế nào, cả việc ảnh hưởng tới dáng dấp nữa – nhưng ông bác sĩ “Khẩn trương” chỉ muốn đánh dấu vào các ô trong phiếu chẩn đoán rồi kết thúc ca trực. Trong lúc khám vội vã cho tôi, bác sĩ liếc đồng hồ đeo tay – hai lần. Không thể xác định nguyên nhân đau, anh ta bảo tôi tiếp tục xoa thuốc giảm đau rồi chuyển tôi đi chụp cắt lớp và xét nghiệm máu. Tôi còn muốn hỏi thêm, nhưng thời gian của tôi đã hết. Tôi rời khoa phẫu thuật chỉnh hình, lòng ấm ức vì ca chẩn bệnh nhát gừng thật tệ hại.

Đa số các bạn rồi sẽ biết cảm giác này.Tại các bệnh viện và phòng khám trên toàn thế giới, đội ngũ bác sĩ gánh áp lực phải giải quyết con bệnh thật nhanh. Tại Anh, Dịch vụ Y tế Nhà nước đang quá tải, một lần khám trung bình của bác sĩ đa khoa kéo dài chừng sáu phút. Ngay tại những bệnh viện tư nhân kinh phí dồi dào, các bác sĩ cũng là nạn nhân của con bọ khẩn trương. Máy nhắn tin khiến họ liên tục ở tư thế sẵn sàng, thực hành cái mà một số người gọi là “tin nhắn ngành y”. Kết quả là một văn hoá y tế được xây dựng trên nền tảng tạm thời cứu chữa. Thay vì để thời gian lắng nghe bệnh nhân, tìm hiểu mọi khía cạnh liên quan tới sức khoẻ, trạng thái tâm lý và lối sống của họ, bác sĩ thời hiện đại hướng toàn bộ sự chú ý vào triệu chứng. Thông thường, bước tiếp theo là viện tới công nghệ – như chụp cắt lớp, thuốc men, mổ xẻ. Tất cả đều nhằm có được những kết quả cấp kỳ theo một thời gian biểu kín đặc, và bệnh nhân cũng vội vã thông đồng. Trong một thế giới nơi mỗi phút đều quý giá, tất cả chúng ta đều muốn – chúng ta đòi hỏi – được chẩn đoán, điều trị và chữa khỏi càng nhanh càng tốt.

Dĩ nhiên, khẩn trương thường hết sức hệ trọng trong y tế. Tất cả chúng ta đều từng có lần quan sát khoa Cấp cứu. Nếu không kịp thời cắt bỏ mẩu ruột thừa bị viêm, hoặc lập tức cầm máu vết thương do đạn bắn, hoặc tiêm insulin[62] đúng lúc, thì bệnh nhân sẽ chết. Nhưng trong ngành y, cũng như trong rất nhiều ngành nghề khác của đời sống, nhanh hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn. Như nhiều bác sĩ và bệnh nhân đang dần nhận ra, Chậm lại thường có lợi.

Phong trào phản ứng dữ dội chống lại Y tế Khẩn trương đang dần lấy đà. Các bác sĩ ở khắp mọi nơi đang đấu tranh nhằm có được nhiều thời gian hơn với bệnh nhân. Các trường y hiện hết sức chú trọng biệc “trò chuyện và lắng nghe”, coi đây như công cụ trong chẩn đoán. Số lượng ngày càng tăng các nghiên cứu cho thấy kiên nhẫn là chính sách tối ưu. Lấy trường hợp vô sinh làm ví dụ. Các bác sĩ thường khuyến cáo thụ tinh trong ống nghiệm, với toàn bộ rủi ro vốn có, nếu như người phụ nữ không thụ thai được sau một năm cố gắng. Nhưng một nghiên cứu năm 2002 ở bảy thành phố của châu Âu cho thấy thời gian một năm đơn giản là chưa đủ. Để thêm mười hai tháng nữa, hầu hết những phụ nữ mạnh khoẻ đều sẽ thụ thai. Tuy nhiên, nghiên cứu trên cũng cho thấy rằng trên 90% phụ nữ cuối tuổi ba mươi thường có mang trong vòng hai năm nếu nhu bạn tình của họ cũng dưới bốn mươi tuổi.

Bị vỡ mộng với phương pháp chăm sóc sứu khoẻ thông thường, hành triệu người đang quay sang y học bổ sung và thay thế (CAM), vốn bắt nguồn từ những truyền thống chữa bệnh thần bí thể chậm còn thịnh hành ở các nước đang phát triển. CAM là một phong trào rộng lớn bao gồm nhiều triết lý y học từ Trung Hoa cổ truyền và Vệ đà Y dược của Ấn Độ cho tới liệu pháp Unani Ả rập. Trong những cách điều trị thay thế được nhiều người biết đến có vi lượng đồng căn, dược thảo, xoa bóp dầu thơm, châm cứu, mát-xa và chữa bệnh khí công. Thầy lang chuyên thuật nắn xương và nắn khớp cũng được liệt vào hành những người hành nghề CAM.

Y học thay thế hiệu nghiệm đến mức độ nào vẫn còn là một chủ đề gây tranh cãi kịch liệt. Khó tìm thấy được chứng cứ khoa học về tính hiệu quả và độ an toàn của CAM. Những người hoài nghi – số này đông vô kể – thì bác bỏ, xem CAM như thủ đoạn lang băm loè bịp với những cây nến và quả cầu pha lê. Giả dụ có hiệu quả, là họ nói, chẳng qua chỉ như một liệu pháp trấn an tinh thần mà thôi: mọi người có niềm tin sẽ khỏi bệnh, và thế là tự khỏi. Tuy nhiên, các cơ sở y tế đang quan tâm tới CAM nhiều hơn trước. Các bệnh viện truyền thống và viện nghiên cứu trên toàn cầu đang đưa những liệu pháp chữa bệnh cổ truyền vào thử nghiệm cặn kẽ. Và mặc dầu vẫn chưa có hội đồng thẩm định, những chứng cứ sơ bộ cho thấy một số CAM thực sự có tác dụng. Chẳng hạn, nhiều bác sĩ thừa nhận châm cứu có thể giảm đau và buồn nôn, mặc dù họ chưa giải thích được vì sao.

Trong khi các chuyên gia săn lùng chứng cứ khoa học trong phòng thí nghiệm, thì dân chúng đang biểu quyết với đôi chân của họ. Thị trường toàn cầu dành cho CAM lên tới 60 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Khoảng một nửa dân số Bắc Mỹ ngày nay tìm kiếm sự chăm sóc bên ngoài hệ thống chăm sóc sức khoẻ chính thống. Gần 80% số bệnh viện chữa trị các bệnh về đau nhức tại Đức, nơi mà CAM được truyền bá rộng khắp, áp dụng liệu pháp châm cứu. Tại Anh, người hành nghề CAM nay đã vượt số bác sĩ đa khoa. Không thể tìm được những gì mong muốn ở quê nhà, người phương Tây lũ lượt kéo nhau sang Trung Quốc và những quốc gia nổi tiếng về y học cổ truyền. Tại Bắc Kinh, một bệnh viện hiện có hẳn một khoa dành riêng cho người nước ngoài. Số khác đang mời chào các tua du lịch trọn gói – tham quan Vạn Lý Trường Thành và gặp gỡ một thầy Tàu nào đó chuyên trồng và bán dược thảo.

Nhưng, ngay cả những người ủng hộ CAM nhiệt tình nhất cũng không nghĩ rằng CAM có thể – hoặc nên – thay thế hoàn toàn truyền thống Tây y. Với một số bệnh nhất định, như nhiễm trùng và chấn thương, thì Tây y thông thường luôn điều trị hiệu quả hơn. Ngay ở Trung Quốc, ta cũng không thấy các thầy lang đổ xô đến chạy chữa cho các nạn nhân do tai nạn xe cộ. Những người cổ xuý thì lập luận rằng CAM công hiệu nhất chính ở những lĩnh vực mà y học phương Tây bó tay: đối phó với những căn bệnh mãn tính, từ hen suyễn và bệnh tim cho tới những bệnh như đau lưng và trầm cảm. Hiện nay, xu thế là kết hợp những phương pháp trị bệnh hiệu quả nhất của Tây y với CAM để tạo nên một truyền thống y tế hoàn toàn mới gọi là “y học tích hợp”. Các khoá học CAM nở rộ theo cấp số nhân ở các trường y truyền thống hầu khắp thế giới phát triển, những trung tâm y học tích hợp bùng phát ở các đại học uy tín nhất nước Mỹ như Harvard, Columbia và Duke. Năm 2002, Tổ chức Y tế Thế giới phát động một chiến dịch toàn cầu nhằm hoà trộn những tinh hoa của CAM vào dòng y học chính thống.

Một trong những nơi chuyên vận dụng y học tích hợp hàng đầu châu Âu là Bệnh viện Hale. Bệnh viện này chiếm trọn bốn tầng của khu nhà Regency ở trung tâm Luân Đôn. Hồi khai trương năm 1987, bệnh viện được xem như thiên đường cho những tín đồ theo trào lưu Kỷ Nguyên Mới[63]. Ngày nay thì, mọi tầng lớp dân chúng, từ những giám đốc công ty tới các giáo viên dạy hoá, đều tới đây để châm cứu, mát-xa bằng dầu thơm hoặt tái cân bằng các luân xa của mình. Khách hàng cả già cả trẻ tranh thủ đọc lướt trong quầy sách tầng hầm, hoặc xếp hàng để nhận thảo dược và được chữa theo phép vi lượng đồng căn ở quầy khám và phát thuốc. “Khi chúng tôi mới bắt đầu, y học bổ sung bị xem như kỳ cục, quá cách mạng, thứ chỉ những kẻ nổi loạn mới thử”, người sáng lập bệnh viện, bà Teresa Hale kể. “Nay thì nó đã được chấp nhận vào dòng chính thống. Thậm chí, các bệnh viện khác còn chuyển bệnh nhân tới chỗ chúng tôi”. Trong đội ngũ nhân viên cả trăm người, bệnh viện Hale có nhiều bác sĩ được đào tạo chính quy, trong đó phải kể tới hai bác sĩ đa khoa. Năm 2003, một bệnh viện ở Luân Đôn đã mời một điều trị viên của Hale tới làm việc với các bệnh nhân ung thư của họ.

Một phần hấp dẫn của y học bổ sung là ở chỗ nó tránh cách giải quyết vội vàng, và xử sự với bệnh nhân như với con người, chứ không phải một thứ bao bị chứa đầy triệu chứng. Đa số các liệu pháp CAM về bản chất là thư thả. Chúng tác động trong sự hài hoà với thể xác và tinh thần, thuyết phục hơn là cưỡng ép bệnh nhân chữa bệnh. Thư giãn, liệu pháp vốn có tác dụng hạ huyết áp, giảm đau, khiến bệnh nhân bớt bồn chồn và chán nản, thường là cốt lõi trong điều trị kiểu này, vì luôn thúc giục con người sống ở nhịp độ cân bằng. Tại bệnh viện Hale, các điều trị viên của mọi khoa phòng luôn khuyến khích bệnh nhân của mình thư thả – làm việc bớt đi, ăn uống theo kiểu thưởng thức, thiền, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè, chọn lấy những sở thích có phẩm tính thiền, hoặc chỉ đơn giản là mỗi ngày dành ra chút thời giờ bách bộ trong công viên.

Nhìn chung, các điều trị viên CAM tiêu tốn nhiều thời giờ hơn hẳn các đối thủ dòng chính thống. Một lần điều trị vi lượng đồng căn mất tới hai tiếng cho mỗi bệnh nhân: gây dựng mối quan hệ, chăm chú lắng nghe, sàng lọc các câu trả lời để tìm ra căn nguyên của bệnh tật. Một lần điều trị bằng mát-xa và châm cứu thông thường kéo dài ít nhất một tiếng đồng hồ, trong khoảng thời gian đó điều trị viên chuyện trò, xoa bóp cho bệnh nhân. Nghe có vẻ cũ rích, nhưng trong một thế giới nơi ai nấy luôn hối hả, và những gắn kết thực sự giữa con người với nhau là năm thì mười hoạ, thì một chút chăm sóc ân cần, dịu dàng có thể có tác dụng tuyệt vời, thậm chí có thể khởi động những cơ chế kháng bệnh trong cơ thể. Ingrid Collins, một nhà tư vấn tâm lý người Anh nói: “Khi ta dành cho bệnh nhân thời gian và sự quan tâm, họ có thể thư giãn tới mức khỏi bệnh.”

Nghiên cứu có vẻ như xác nhận điều này. Trong một công trình tại Mỹ, một nhà tâm lý cùng sát cánh bên một bác sĩ đa khoa, thông cảm lắng nghe trong các buổi chẩn bệnh. Ông hỏi nhiều câu không có trong phiếu kiểm tra triệu chứng thông thường. Anh cảm thấy thế nào về căn bệnh? Nó ảnh hưởng ra sao tới những người xung quanh anh? Bệnh nhân thích được quan tâm, và một số còn tiến triển tới mức khỏi cả những bệnh mãn tính. Điều này đưa chúng ta quay về với mối quan hệ giữa tinh thần và thể xác. Trong chương trình vừa rồi, ta đã thấy bằng cách nào những phương pháp tập luyện chậm dẫn tới trạng huống mà người La Mã gọi là “một tinh thần lành mạnh trong một cơ thể cường tráng”. Hiện tại giới y học đang quay trở về quan điểm chính thể luận cho rằng trạng thái tinh thần của mỗi người có thể ảnh hưởng tới sự khoẻ mạnh thể xác của con người đó. Và một khi đã chấp nhận bệnh nhân là một con người với nhiều tâm trạng, nhiều nỗi day dứt và những tâm sự cần thổ lộ, thì rõ ràng lướt qua bản mô tả bệnh lý rồi chộp lấy sổ kê đơn thuốc không còn là đủ. Anh cần phải bỏ thời gian để lắng nghe. Anh cần phải tạo được kết nối thực sự.

Y học dòng chính thống đang dọn chỗ cho sự thư thả theo nhiều cách. Một là ngày càng thiện chí đối với việc sử dụng liệu pháp thư giãn trong điều trị. Để giúp cởi bỏ căng thẳng, ngày càng có nhiều bệnh viện hướng bệnh nhân tới những hoạt động dễ chịu như làm vườn, vẽ tranh, sáng tác nhạc, đan len và dành thời gian cho thú vật cảnh. Một xu thế khác là thừa nhận tác dụng chữa bệnh của Mẹ Thiên Nhiên. Một nghiên cứu mới đây ở Đại học Tổng hợp Texas A&M đã phát hiện ra rằng trông ra không gian xanh tươi từ cửa sổ bên cạnh giường bệnh giúp bệnh nhân mổ phục hồi nhanh hơn hẳn và ít phải dùng thuốc giảm đau. Bởi thế, các bệnh viện hiện tích cực trồng thêm nhiều vườn cảnh ngoài trời, sửa sang các phân khu cho có thêm nhiều ánh nắng, cây cối và cảnh vật xanh tươi, chiếu cả những cảnh cá heo bơi lội ngoài biển hoặc sông suối nước róc rách chảy qua những cánh rừng lốm đốm nắng trên các kênh truyền hình nội bộ.

Các bác sĩ Tây y ngày càng hay vận dụng những liệu pháp điều trị kiểu-thư thả. Một số sử dụng thiền, yoga và khí công để điều trị ung thư, hội chứng đường hầm xương cổ tay, viêm khớp xương mãn tính, tiểu đường, cao huyết ap, hen suyễn, động kinh, cùng các vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Một số khác sử dụng cử tạ Siêu Chậm để phục hồi các bệnh nhân bệnh tim và loãng xương. Nhiều bác sĩ đa khoa ngày nay chuyển bệnh nhân của mình tới các thầy lang chuyên nắn khớp, nắn xương, các chuyên gia khoa châm cứu, bốc thang thảo dược và chữa bằng vi lượng đồng căn. Vậy là, dù thông thường các liệu pháp điều trị của CAM cần lâu thời gian mới phát huy tác dụng, đôi khi Thư Thả lại cho kết quả nhanh hơn. Hãy xem hai phương pháp đối chọi nhau trong điều trị đau lưng do bó dây thần kinh cột sống. Một bác sĩ Tây y thường sẽ mau chóng kê đơn thuốc kháng viêm, thuốc này phải mất thời gian mới cho công hiệu. Thế nhưng, một điều trị viên xoa bóp theo phương pháp Vệ đà[64] lại có thể cắt cơn đau lập tức bằng mát-xa Marma[65], tập trung vào những vùng đặc biệt có cơ bắp, mạch máu và xương giao nhau.

Nhiều bác sĩ dòng chính thống còn tiến thêm một bước bằng cách tự học các liệu pháp CAM. Hãy lấy Catherine Watson làm ví dụ. Trước kia bà là kỹ thuật viên nghiên cứu tại một công ty dược chuyên phát triển thuốc điều trị hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, sau nhiều năm trong phòng thí nghiệm, bà ngày càng vỡ mộng với phương pháp quai búa tạ của y học phương Tây. Thuốc Tây thường chớp nhoáng loại trừ triệu chứng của bệnh tật, nhưng không chữa khỏi căn nguyên sâu xa. Hơn nữa nhiều loại thuốc còn gây ra những tác dụng phụ – để khắc phục những tác dụng phụ này còn cần nhiều thuốc hơn. “Tôi chỉ thấy là cần phải có con đường khác”, bà Watson nói. Năm 1999, bà từ bỏ công việc được trả lương hậu hĩnh ở công ty dược để chuyển sang nghiên cứu thảo mộc phương Tây. Nền tảng chuyên môn cho bà một khởi đầu suôn sẻ, do có nhiều dược phẩm hiện đại được bào chế từ cây cỏ thiên nhiên. Bây giờ thì bà điều hành một phòng điều trị bệnh bằng thảo mộc rất đông khách tại nhà mình ở Herthfordshire, ngay ngoại vi Luân Đôn. Chuyên môn của bà là điều trị các bệnh da liễu và tiêu hoá. Nhiều kkhi, những pha chế thảo mộc của bà được sử dụng độc lập, nhưng với một số bệnh, chẳng hạn như bệnh hen suyễn, thì chúng phát huy tác dụng song song với thuốc truyền thống. Dù thế, với mọi bệnh nhân bà Watson đều áp dụng phương pháp thư thả. Thường thường, bà để ra ít nhất là một tiếng đồng hồ cho lần khám đầu tiên, và nói rõ cách điều trị của bà tốn thời gian. “Nhiều khi thấy ngay kết quả, nhưng thông thường thảo dược tác động từ từ, bằng cách đẽo gọt bệnh tật dần dần”, bà nói. “Thường thì nó chậm hơn thuốc truyền thống, nhưng cuối cùng kết quả lại hiệu nghiệm hơn ta có thể tưởng tượng, và còn không có tác dụng phụ như tôi thấy quá thường xuyên trong công nghiệp dược phẩm.”

Thường thường CAM là giải pháp cuối cùng cho các bệnh nhân mà thuốc Tây không có hiệu quả. Cô Nik Stoker, nữ giám đốc quảng cáo hai mươi bảy tuổi ở Luân Đôn, trước kia hết sức đau đớn mỗi khi vào kỳ kinh nguyệt. Hàng tháng, nội tiết của cô rối loạn, dựng cô dậy ban đêm với những cơn phấn khích đột ngột gây mệt mỏi triền miên vào ban ngày. Những xúc cảm của cô gào thét điên loạn, cô thấy làm việc thật là chật vật. Cuối cùng thì bác sĩ điều trị cho cô bằng Thuốc ngừa thai, phương thuốc phổ biến cho đau bụng kinh kỳ. Bao nhiêu năm, cô chuyển từ hết loại thuốc ngừa thai này sang loại thuốc ngừa thai khác, bệnh không có lúc nào thuyên giảm, lại phải chịu thêm các tác dụng phụ của thuốc. Thuốc khiến cô cảm giác như mình đang mang một trái đạn đại bác trong dạ dày và trên đôi chân. Nhiều lúc cô không đi nổi. “Tôi cảm thấy như mình sắp phát điên”, cô than thở. Khi chụp cắt lớp lẫn mổ thăm dò đều thất bại không xác định được căn nguyên nỗi thống khổ của cô, các bác sĩ đành bày tỏ đôi chút cảm thông, nói với cô rằng mọi phụ nữ đều bị những cơn đau bụng kinh nguyệt hành hạ và thứ duy nhất hữu ích là một bình nước nóng và nghỉ ngơi thoải mái. “Họ khiến tôi có cảm giác như mình đang rên rỉ than van, anh biết đấy, chỉ làm họ mất thời giờ”, cô tâm sự.

Trong cơn tuyệt vọng, được một người bạn giới thiệu, cô đã tìm đến Tom Lawrence, một chuyên gia khoa châm cứu kiêm thầy lang thảo dược. Đây là lần đột phá khẩu đầu tiên của cô với CAM, nhưng cô lập tức thấy thoải mái trước liệu pháp nhẹ nhàng, tổng thể của ông. Lần khám bệnh đó kéo dài hơn một tiếng, suốt thời gian cô Stoker cứ kể lể và giãi bày, không chỉ về các triệu chứng của mình, mà còn về cả chế độ ăn kiêng, sự nghiệp, tính khí, sinh hoạt xã hội và các sở thích cá nhân. Ông Lawrence muốn có một bức tranh toàn cảnh. Cô Stoker cảm thấy cuối cùng đã có người lắng nghe mình. Bản thân việc chữa trị đã khác rất xa Y tế 101. Để sắp xếp lại và tái cân bằng những dòng năng lượng đang lưu thông khắp cơ thể cô, ông Lawrence đã cắm một rừng kim châm vào hai cẳng chân và cổ tay cô. Ông yêu cầu cô ngừng ăn các chế phẩm sữa, và điều chế cho cô một ít thuốc con nhộng chứa tới hàng chục loại thảo mộc, có cả bạc hà, rễ bạch chỉ và cam thảo. Các y bác sĩ dòng chính thống có lẽ sẽ giễu cợt cách chữa bệnh kiểu này, nhưng kết quả lại khá rõ ràng. Sau lần hẹn khám đầu tiên, cô Stoker cảm thấy bớt hẳn sự căng thẳng đã đeo đẳng cô nhiều năm ròng. Sau hơn chục lần điều trị, những cơn đau kinh kỳ đã ít nhiều tiêu tan. Cuộc sống của cô chuyển biến. “Bây giờ tôi là một người khác rồi”, cô nói.

Giống như nhiều bệnh nhân đã tách khỏi Tây y, cô Stoker nghĩ rằng CAM đã chữa khỏi cho cô cả thể xác lẫn tinh thần. Nay cô cảm thấy bớt bị bứt rứt, có thể chịu đựng stress và nhịp sống hối hả ở Luân Đôn. “Ông biết cái cảm giác uể oải, bấn loạn khi ông đang có cả đống việc phải làm mà thậm chí chẳng biết phải bắt đầu từ đâu không?” cô nói. “Vậy đấy, tôi không còn hay bị như thế nữa. Tinh thần tôi bình tĩnh và sáng suốt hơn trước rất nhiều.”

Tuy nhiên, chừng nào mà CAM vẫn chỉ ở bên lề ngành y, các bệnh nhân sẽ còn phải dò dẫm trên bãi mìn của những thông tin sai lệch. Có hàng lô lang băm khao khác kiếm chác ở mốt trị bệnh khác kiểu này, hứa hẹn một sự chăm sóc “tổng thể” và rồi đưa ra một sự bắt chước vụng về. Phải mất hàng năm trời mới có thể học thông kỹ thuật mát-xa Shiatsu hoặc Vệ Đà, vậy mà những thợ uốn tóc không lành nghề lại mời chào những mát-xa ấy như khoản miễn phí hậu-cắt tóc. Thông thường thì việc ứng dụng không đúng cách những liệu pháp CAM chẳng có gì ngoài sự lãng phí thời gian vô bổ. Nhưng đôi khi chúng có thể gây ra những tổn hại thật sự. Một số nghiên cứu gợi ý là cỏ St.John[66], một loại thảo dược chữa bệnh trầm cảm, có thể làm giảm công dụng của những thuốc điều trị ung thư và HIV. Ngoài ra một số phương thuốc CAM bị bán ra hết sức lầm lẫn: ở Trung Quốc, cỏ ma hoàng là một phương thuốc cổ truyền chữa chứng co thắt hô hấp cấp tính, nhưng các công ty Mỹ lại tiếp thị như thuốc trợ giúp ăn kiêng và tăng cường sinh lực. Kết quả là hàng loạt trường hợp tử vong, tai biến tim và đột quỵ.

Dù vậy thì dần dần luật pháp và quy định cũng nhắm tới cái mà nhiều người gọi là Miền Tây Hoang Dã trong Y học. Các chính phủ đang dự thảo những bộ quy tắc hành nghề và ban hành hàng loạt tiêu chuẩn tối thiểu cho việc thực hành một số CAM. Năm 2001, nước Anh cuối cùng đã tổ chức cho các thầy lang chuyên nắn khớp đăng ký hành nghề chính thức. Hàng chục bang ở Mỹ đã thông qua những đạo luật cấp giấy phép cho những điều trị viên liệu pháp thiên nhiên, những thầy lang thực hành hàng loạt phép trị liệu thay thế từ vi lượng đồng căn cho tới thảo dược. Những người chỉ trích cảnh báo rằng “chính thức hoá” CAM ắt sẽ bóp nghẹt sự cách tân – ngay cả truyền thống chữa bệnh cổ xưa nhất cũng luôn luôn vận động. Mặc dù, nếu bản thân điều này là đúng, thì có được một dấu triện chính thức công nhân sẽ đem lại nhiều lợi ích, trong đó lợi ích không nhỏ chính là tiền tài trợ từ công quỹ.

Hiện nay, hầu hết mọi người chi trả cho điều trị CAM bằng tiền túi của mình. Mà nhiều trường hợp chữa trị không hề rẻ. Tại Luân Đôn, một buổi châm cứu có thể mất hơn 60 đôla Mỹ. Thuyết phục nhà nước thanh toán hoá đơn sẽ chẳng dễ dàng gì. Ở thời điểm mà phí tổn chăm sóc sức khoẻ tăng vọt như tên lửa, các chính phủ chẳng có lòng dạ nào mở rộng diện bao cấp sang những liệu pháp điều trị mới, nhất là những liệu pháp chẳng có mấy căn cứ khoa học xác minh. Chính vì vậy CAM thường bị xem là dịch vụ xa xỉ quá mức cần thiết. Trước thực trạng khó khăn về kinh tế, ngân sách bảo hiểm y tế Nhà Nước Đức đã cắt giảm một số liệu pháp điều trị thay thế vốn dĩ có trong quy hoạch.

Tuy vậy, có thể lại tiết kiệm khi dùng công quỹ để thanh toán ít nhất một vài liệu pháp CAM. Trước hết, y học thay thế có thể rẻ hơn các đối thủ chính thống. Một đợt mát-xa Shiatsu có thể giải quyết được bệnh đau lưng mà nếu chữa theo cách khác sẽ dân tới mổ xẻ tốn kém. Ở Đức hiện nay, người ta dùng cỏ St.John để điều trị cho hơn một nửa số ca trầm cảm. Nhiều nghiên cứu cho thấy so với đơn thuốc chống trầm cảm thì cỏ này ít tác dụng phụ hơn. Và với giá 25 xu một ngày, lại còn quá rẻ so với thuốc Prozac.

CAM cũng có thể giúp cắt giảm ngân sách chăm sóc sức khoẻ theo nhiều các khác. Liệu pháp tinh thần – thể xác tổng thể mà nhiều nhà điều trị ưa sử dụng nhằm phòng ngừa stress, lại tốn kém ít hơn điều trị thông thường. CAM xem ra còn giỏi trị những bệnh kinh niên, khoản mục ngốn khoản 75% tổng chi phí cho sức khoẻ ở thế giới công nghiệp. Riêng tại Mỹ, khoản này đã là gần ba ngàn tỉ đô la mỗi năm.

Những người thích nhâm nhi con số thì đang ghi chép. Ở Anh, nơi hệ thống y tế nhà nước nổi tiếng hay thiếu tiền mặt, các bệnh viện đang bắt đầu trợ cấp cho những điều trị như xoa bóp bằng dầu thơm, vi lượng đồng căn và châm cứu. Khoảng 15% bệnh viện tại Mỹ chào mời một số dạng của CAM. Năm 2003, lần đầu tiên, hai điều trị viên liệu pháp thiên nhiên được chỉ định tham gia uỷ ban quyết định những liệu pháp được trợ cấp từ chương trình Quỹ Chăm sóc Sức khoẻ Mỹ.

Nhiều công ty tư nhân hiện xây dựng CAM vào chương trình phúc lợi. Microsoft thanh toán cho nhân viên của mình tới điều trị viên liệu pháp thiên nhiên để khám chữa bệnh. Trong lúc đó, ở cả hai bờ Đại Tây Dương, những công ty bảo hiểm hàng đầu đang thanh toán trọn gói hoá đơn cho một số lượng ngày càng tăng những ca chữa trị bằng CAM. Chữa trị xương và nắn khớp xương đứng đầu danh mục, nhưng nhiều cơ sở tư nhân chăm sóc sức khoẻ hiện còn cho phép cả liệu pháp vi lượng đồng căn, chẩn trị phản xạ, châm cứu, liên hệ phản hồi sinh học, liệu pháp mát-xa và chữa trị bằng thảo dược. Hiện nay có nửa tá các bang ở Mỹ bắt buộc các hãng bảo hiểm phải chi trả ít nhất vài phép chữa trị thay thế CAM. Ở châu Âu, các công ty bảo hiểm cũng chào mời nhiều mức phí bảo hiểm nhân thọ thấp hơn dành cho những người thường xuyên thực hành thiền.

Tuy nhiên, chấp nhận từ phía ngành bảo hiểm không phải là đảm bảo duy nhất cho thấy liệu pháp điều trị thay thế đang thực sự tiến triển thành công. Tại Bệnh viện Hale, Danira Caleta thực hành phép chữa bệnh có thể xem như là một trong những phép thong thả và nhẹ nhàng nhất của nền y học – reiki – phép này đòi hỏi điều chỉnh dòng năng lượng bằng cách đặt lòng bàn tay cao phía trên thân thể người bệnh. Mục đích là điều trị trong sự kết hợp hài hoà với bệnh nhân, kích hoạt “người thầy thuốc nội tâm” trong mỗi người. Mặc dù các công ty bảo hiểm lảng tránh phép reiki, nhưng hiện có đến hơn một trăm bệnh viện ở Mỹ chào mời phương pháp này, và bà Caleta luôn bận ngập đầu với những người sẵn sàng bỏ tiền túi ra thanh toán.

Năm 2003, bà Marlene Forrest quay sang nhờ sự giúp đỡ của bà Caleta. Người đàn bà năm mươi lăm tuổi này bị chẩn đoán ung thư vú, và sẽ phải đối diện với hai cuộc phẫu thuật cắt u. Ký ức về cái chết của người cha sau khi mổ mười năm trước khiến bà hoảng loạn, và tâm trí bà lao vùn vụt từ hình ảnh đen tối này sang hình ảnh đen tối khác. Để tự trấn an và để chuẩn bị sức khoẻ cho cuộc phẫu thuật, bà Forrest xin hẹn gặp bà Caleta.

Bà Caleta phối hợp reiki với vài kỹ thuật nữa để chữa trị và làm thư giãn. Bà bắt đầu bằng việc dẫn dắt người bệnh qua bài tập thở sâu, tiếp đó sử dụng thiền có hướng dẫn để giúp người bệnh quán tưởng tới cảnh an bình trong thiên nhiên. “Những người sống ở đô thị đặc biệt thích ứng kiểu giao hoà bới thiên nhiên như thế này”, bà nói. “Nó thực sự làm họ bình tâm lại”.

Sau năm buổi điều trị với bà Caleta, nỗi âu lo của bà Forrest tan biến, và bà bước vào bệnh viện, trong lòng bình thản. Lúc nằm trong phòng riêng, chờ lưỡi dao mổ, bà đã tập thở, thiền và quán tưởng. Khi các y công tới đẩy bà vào phòng mổ, bà đã mỉm cười. “Tôi chỉ cảm thấy thật là thoải mái”, bà kể lại. “Dường như tôi đã sẵn sàng mọi sự”.

Sau khi mổ, bà Forrest, người đang điều hành một nhà dưỡng lão tại Luân Đôn, đã bình phục như có phép lạ đễn nỗi các nhân viên bệnh viện gán cho bà danh hiệu “nữ siêu nhân”. Bà không cần một chút thuốc giảm đau nào ngoài một liều đầu tiên rất nhỏ. “Các y tá và các bác sĩ đều ngạc nhiên”, bà kể. “Họ ghé thăm để xem tôi có cần mooc-phin không, nhưng tôi chả cần. Họ nói chắc là tôi phải dũng cảm lắm hoặc có ngưỡng chịu đau ở mức cao, nhưng đâu phải thế; đơn giản là tôi không thấy đau đớn gì.” Cô y tá chuyên chăm sóc vú bị ấn tượng tới mức cứ thúc bách và Caleta phải tăng cường việc điều trị các bệnh nhân ung thư.

Khă năng trị bệnh của Caleta không chỉ phục vụ cho đau ốm lâm sàng. Nó còn có thể giúp mọi người phát triển khuôn khổ tinh thần Thư Thái. Chỉ cần hỏi David Lamb là biết. Năm 2002, nhân viên môi giới hàng dệt may ba mươi bảy tuổi này bị suy sụp với căn bệnh viêm tai trong gây hoa mắt chóng mặt. Không hài lòng về việc điều trị của bác sĩ đa khoa, anh đăng ký điều trị với Caleta vài buổi, mất đứt bốn tuần lễ của thời gian phục hồi. Thế nhưng, điều khiến Lamb thực sự ấn tượng là tác dụng thư thái, êm dịu mà việc điều trị tạo ra trong tâm trí anh. Rất lâu sau khi tai trong đã bình phục, anh vẫn tới thăm Caleta, cứ ba tuần một lần. “Mọi người đều phải tìm cách đối phó với stress và nhịp sống vội vã ở Luân Đôn”, anh nói. “Với một số người, đó là yoga; với những người khác, là thể dục hoặc làm vườn. Với tôi, thì là reiki”. Một tiếng đồng hồ dưới đôi tay của Caleta giúp Lamb giải toả stress và lắng mình. Việc chữa trị của bà cũng buộc anh phải suy nghĩ lại những ưu tiên của mình. “Reiki khiến anh lắng dịu bằng cách làm anh phải suy nghĩ về những điều thật sự quan trọng trong  cuộc sống của anh – vợ con, bạn bè”, anh tâm sự. “Nó khiến anh giác ngộ rằng vội vã tìm cách giành cho được vụ làm ăn lớn tiếp theo, cố kiếm nhiều tiền hơn hoặc cố mua một ngôi nhà lớn, thực sự là vô nghĩa”. Thế không có nghĩa là Lamb dự tính từ bỏ công việc của mình và gia nhập vào một công xã. Chẳng đời nào! Ngược lại, anh ta sẽ sử dụng cái thư thả của reiki để ứng phó tốt hơn trong thế giới kinh doanh chụp giật. Trước những cuộc gặp quan trọng, khi đầu óc rối bời, anh làm cho tâm trí mình tĩnh lặng với những bài tập thở và quán tưởng. Mới đây thôi, anh tới gặp bà Caleta để làm cho thần kinh lắng dịu hai ngày trước khi đàm phán một hợp đồng lớn với nhà cung cấp nước ngoài. Tới ngày trọng đại đó, anh sải bước tự tin vào phòng họp, trình bày đề nghị của mình rành rọt và kết thúc thành công giao dịch. “Tôi là một nhà kinh doanh, tôi muốn kiếm tiền, và có cách đúng đắn để thực hiện việc đó”, anh nói. “Dù gặp phải môi trường không thân thiện, anh vẫn có thể tiếp cận một cách bình thản. Reiki tạo lợi thế bằng cách cho ta sự an bình. Một tinh thần an bình khiến ta tự tin hơn, mạnh mẽ hơn.”

Chẳng ngạc nhiên khi danh tiếng Caleta vượt xa phạm vi các bệnh viện và nhà thương. Mới đây, bà điều trị cho Esther Porta, một nhân viên tư vấn ba mươi bảy tuổi của Hãng Quan hệ Công chúng ở Luân Đôn. Đây là lần thứ hai trong năm năm, bà Porta bị suy nhược do viêm dây thần kinh thị giác, một chứng bệnh hiểm nghèo dễ gây ra tình trạng mất thị lực tạm thời. Nhờ Caleta, bà đã bình phục nhanh chóng và mĩ mãn tới mức chính bác sĩ điều trị cũng phải kinh ngạc. Khi các đồng nghiệp để ý thấy trông bà khoẻ mạnh đến thế nào, Porta đành thú nhận là có nhờ tới một bà lang.Thay vì giễu cợt, ban lãnh đạo công ty lại muốn tìm hiểu kỹ hơn. Một thành viên ban giám đốc đề xuất ý kiến mời bà Caleta tới văn phòng giúp toàn bộ nhân viên lắng dịu tinh thần và tăng cường sức khoẻ.

Bị hấp dẫn bởi những bình phẩm sôi nổi, rồi lại chán ngấy về sự thất bại của vật lý trị liệu, mát-xa thể thao và thuốc men để chữa cái chân đau, tôi quyết định thử nhờ reiki tác động. Bà Caleta thu xếp trổ tài với tôi vào chiều thứ Hai tại Bệnh viện Hale. Sự hiện diện của bà – một phụ nữ người Úc bốn mươi ba tuổi, có cặp mắt biết cười và nụ cười nhẹ nhõm thường trực – khiến người ta vững dạ. Phòng điều trị nhỏ, trắng, sạch, có một cửa sổ cao nhìn ra phía sau một toà nhà. Chẳng có quả cầu pha lê nào, chẳng có những đồ hình chiêm tinh, cũng chẳng có cả nén hương trầm, chẳng hề có một trò bịp bợm nào của trào lưu Kỷ Nguyên Mới mà tôi tưởng là phải có. Thay vào đó, căn phòng trông giống hệt phòng khám bệnh của ông bác sĩ đa khoa điều trị cho tôi.

Bà Caleta bắt đầu hỏi tôi về đủ thứ chuyện chẳng khi nào được hỏi đến trong buổi khám bệnh vội vàng với bác sĩ chuyên khoa xương của tôi; cái ăn cái uống hàng ngày, công việc chuyên môn, tình cảm, cuộc sống gia đình, giấc ngủ hàng đêm. Bà còn chăm chú lắng nghe những kể lể chi tiết chỗ đau ở chân đã dịch chuyển và thay đổi như thế nào. Khi chẳng còn gì để nói, tôi nằm dài trên bàn bệnh và nhắm mắt lại.

Bước đầu tiên là thở chậm lại. Bà Caleta bảo tôi hít sâu vào đằng mũi, để cho bụng phình lên, rồi thở ra đằng miệng. “Đấy là kỹ thuật Khí công, nhằm khai thông dòng năng lượng”, bà bảo. Sau đó chúng tôi chuyển sang thiền có dẫn dắt. Bà Caleta dùng lời kể đưa tôi tới một cảnh trí bãi biển thật tươi đẹp: có nắng vùng nhiệt đới, có gió nhẹ nhàng thôi, có cát ấm dưới chân; một vụng biển nước xanh thẳm, trong vắt, phẳng lặng; cánh rừng xanh như ngọc bích điểm những bông râm bụt màu đỏ và những bông hoa đại trắng điểm vàng. “Phong cảnh thật là ngoạn mục”, bà khẽ thì thầm. “Và ta cảm thấy tự do, cởi mở, tĩnh lặng, êm ả, yên bình.” Thật đúng vậy. Tôi như cảm thấy lưng mình đang bập bềnh trong làn nước ấm, mắt ngước nhìn bầu trời. Sau đó, bà Caleta bảo tôi hình dung một quả cầu sáng trắng trị bệnh đang di chuyển suốt thân mình.

Vào lúc bà sẵn sàng thực hiện phép reiki, tôi đã quên hẳn ý nghĩa của chữ “stress”. Bà để sát hai tay vào nhau và đặt cao trên các bộ phận khác nhau của cơ thể tôi nhằm làm cho dòng năng lượng bị tắc nghẽn được khai thông. Mặc dù không trông thấy bà, nhưng do luồng nhiệt lạ kỳ tôi vẫn biết bà đang đứng ở đâu. Luồng nhiệt đó tựa như từ trong tôi phát ra, tựa như có cái gì đó thật sâu trong cơ thể tôi đã được kích hoạt. Trong phần lưng dưới, luồng nhiệt không hề mạnh, chẳng hơn một luồng vi vu âm ấm. Khi bà Caleta đặt tay cao trên chân phải của tôi, thì cảm giác nóng mới thật rõ ràng.

Buổi chữa bệnh kéo dài một tiếng đồng hồ, để lại cho tôi cảm giác chếnh choáng dễ chịu, mà vẫn tỉnh táo và tràn đầy sinh lực, sẵn sàng cho mọi sự. Tuy vậy, chân tôi vẫn không có chuyển biến gì. “Phải mất thời gian đấy”, nhận thấy tôi thất vọng ra mặt, bà Catela nhắc tôi như vậy. “Cơ thể tự lành thương tổn theo nhịp độ của riêng nó, bởi vậy ta cần phải kiên trì. Không thể hối thúc được.” Lời tóm tắt rành mạch, ngắn gọn này của triết lý Chậm chẳng hiểu vì sao chưa tạo nơi tôi niềm hy vọng chữa lành cái chân, và tôi rời khỏi bệnh viện lòng đầy mâu thuẫn.

Tuy thế, mấy ngày sau, sự chuyển biến bắt đầu xuất hiện. Chỗ đau ở chân đã dịu đi, sưng tấy cũng dần xẹp xuống. Đây là dấu hiệu khả quan rõ rệt đầu tiên sau nhiều tháng ròng. Tôi không thể giải thích hiện tượng này bằng khoa học, cả bác sĩ giải phẫu xương của tôi cũng thế khi tôi gặp lại ông ta một tuần sau đó. Có lẽ chính thiện chí của bà Caleta dành thời giờ lắng nghe tôi trình bày đã giúp khởi động quá trình lành bệnh. Hoặc biết đâu đúng là có thể sử dụng năng lượng vũ trụ để hỗ trợ cơ thể tự lành trở lại. Dù giải thích lối nào đi chăng nữa, thì reiki xem ra có công hiệu với tôi. Buổi điều trị tiếp theo của tôi đã sẵn sàng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.