Ngợi Ca Sống Chậm

CHƯƠNG NĂM – TINH THẦN VÀ THỂ XÁC: MỘT TINH THẦN LÀNH MẠNH TRONG MỘT CƠ THỂ CƯỜNG TRÁNG



Nghệ thuật để tâm trí được thảnh thơi và tài năng loại trừ khỏi tâm trí mọi băn khoăn lo lắng hẳn phải là một trong những năng lực bí mật của những con người vĩ đại.

– ĐẠI ÚY J.A. HADFIELD

Vào một buổi sáng mùa xuân khô lạnh, tít sâu trong xứ quê mùa Witshire, thì đi bách bộ xem ra là việc tự nhiên nhất trên đời. Đàn gia súc thong thả gặm cỏ trên cánh đồng xanh dợn sóng. Một vài dân quê cho ngựa tế nước kiệu. Từng đàn chim bay lượn bổ nhào trên những khoảnh rừng rậm rạp. Cái hối hả, bận rộn của nhịp sống thị thành dường như ở xa vạn dặm. Trong khi tản bộ dọc theo đường làng, sỏi đá lạo xạo dưới chân, tôi có cảm giác mình đang giảm xuống một hoặc hai số, mà cũng phải thôi. Tôi ở đây là để học cách lắng dịu tinh thần.

Trong cuộc chiến chống lại căn bệnh tôn sùng tốc độ, chiến tuyến nằm trong tâm trí ta. Việc tăng tốc sẽ cứ còn là một cài đặt mặc định chừng nào quan điểm, thái độ của chúng ta chưa thay đổi. Nhưng, thay đổi những gì chúng ta nghĩ mới chỉ là bước khởi đầu. Nếu như phong trào Chậm thực sự bén rễ, thì ta còn phải tiến sâu hơn nữa. Chúng ta cần thay đổi phương pháptư duy.

Giống như con ong trên một thảm hoa, bộ não con người tự do bay liệng từ ý nghĩ này sang ý nghĩ khác. Trong môi trường làm việc cao tốc, nơi mà dữ liệu và các hạn tối hậu dồn dâp hối thúc, chúng ta luôn luôn bị thúc ép phải suy nghĩ thật nhanh. Phản ứng, chứ không phải sự suy nghĩ, trở thành nhật lệnh. Nhằm tranh thủ tối đa thời gian và để khỏi nhàm chán, ta lấp đầy mọi khoảnh khắc rảnh rỗi bằng việc kích thích trí não phát triển. Lần cuối cùng ta ngồi xuống ghế, nhắm mắt lại và chỉ thư giãn thôi, là bao giờ nhỉ?

Bắt tinh thần luôn luôn bận rộn là sử dụng sai lầm nguồn lực tự nhiên quý giá nhất của bản thân. Quả vậy, trí tuệ ta có thể làm nên những điều kỳ diệu nhờ tốc độ cao. Nhưng nó sẽ còn làm được nhiều hơn thế nếu như thỉnh thoảng có cơ hội được xả hơi. “Sang số” cho tinh thần ta chậm lại giúp sức khỏe tốt hơn, nội tâm tĩnh tại, năng lực tập trung cao và khả năng tư duy sáng tạo. Nó có thể cống hiến cho chúng ta cái mà Milan Kundera gọi là “sự hiền minh của chậm rãi.”

Các chuyên gia cho rằng não người có hai cách tư duy. Trong tác phẩm Trí não Thỏ, tinh thần Rùa – Vì sao trí thông minh tăng lên khi ta bớt suy nghĩ, tác giả Guy Claxton, nhà tâm lý học người Anh, gọi chúng là Tư duy Nhanh và Tư duy Chậm. Tư duy Nhanh thì có lý có lẽ, có phân tích, mạch lạc và lôgích. Chính là điều ta làm khi bị thúc ép, khi đồng hồ kêu tích tắc; chính là cách máy vi tính tư duy, khi cách văn phòng hiện đại đang hoạt động; đưa ra những giải pháp rõ ràng cho những vấn đề đã được nhận diện kỹ càng. Tư duy Chậm thì thiên về trực giác, không tường minh và sang tạo. Chính là điều ta làm khi sự thúc bách mất đi, ta có thời gian mặc cho các ý tưởng tự nung nấu theo nhịp độ riêng của chúng. Kết quả là những thấu hiểu tinh tế và phong phú. Chụp cắt lớp cho thấy hai cách thức tư duy tạo nên những bước sóng khác nhau trong não bộ – sóng anpha chậm và thêta trong quá trình tư duy Chậm, còn sóng Bêta nhanh trong quá trình Tư duy nhanh.

Thư giãn thường là tiền đề dẫn tới Tư duy Chậm. Nhiều nghiên cứu cho thấy con người suy nghĩ sáng tạo hơn khi họ bình tĩnh, không vội vã, không bị stress, sự thúc ép về thời gian sẽ chỉ dẫn tới phiến diện. Trong một nghiên cứu tiến hành năm 1952, những người tham gia được yêu cầu mã hóa những câu đơn giản hteo một bộ mã đơn giản. Nhiều lúc nhà nghiên cứu đưa các từ ra mà không nói thêm gì cả, nhưng có lúc người này yêu cầu “Các bạn có thể làm nhanh hơn được không?” Lần nào cũng vậy, cứ bị thúc bách là những người tham gia luôn lúng túng, nhầm lẫn. Trong một nghiên cứu riêng biệt, các nhà nghiên cứu Canada nhận thấy những bệnh nhân đang chờ phẫu thuật ở bệnh viện tỏ ra kém sáng tạo trong việc hoàn thành những câu có so sánh tương đương kiểu “cũng béo như…” hay “cũng rét như…”.

Những phát hiện này trùng khớp với kinh nghiệm của bản thân tôi. Những thời khắc “eureka” của tôi rất hiếm khi phát lộ tại văn phòng cao-tốc hoặc ở những cuộc gặp gỡ đầy căng thẳng. Thường thường chúng bật ra khi tôi ở trạng thái thư giãn – đang xát xà phòng tắm, nấu ăn hoặc thậm chí là chạy bộ trong công viên. Những nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong lịch sử chắc hẳn hiểu rõ giá trị của việc “sang số” tinh thần xuống tốc độ chậm hơn. Charles Darwin mô tả mình như một “nhà tư tưởng chậm.” Albert Einstein nổi tiếng vì tiêu phí nhiều năm trong văn phòng của mình ở Đại học Princeton chỉ chăm chăm nhìn vào vũ trụ. Trong những chuyện trinh thám của Arthur Conan Doyle, thám tử Sherlock Holmes cân nhắc các chứng cứ tại hiện trường vụ án bằng cách nhập trạng thái “sơ-thiền”, “với một vẻ mơ màng trống rỗng trong đôi mắt.”

Tất nhiên, Tư duy Chậm tự thân chỉ là sự buông thả nếu không có cái mãnh liệt của tư duy Nhanh. Ta cần có khả năng nắm bắt, phân tích và đánh giá những ý tưởng trỗi dậy từ trong tiềm thức – và thường ta phải thật nhanh. Einstein đánh giá cao sự cần thiết kết hợp cả hai cách thức tư duy. “Máy vi tính nhanh kinh ngạc, chính xác nhưng đần độn. Con người lại chậm chạp kinh ngạc, cẩu thả, nhưng ưu tú. Kết hợp với nhau sẽ là sức mạnh vượt quá mọi tưởng tượng.” Đó chính là lý do tại sao những người thông minh nhất, sáng tạo nhất biết lúc nào thì mặc cho tinh thần được phiêu diêu bay bổng, lúc nào thì tập trung vào công việc. Nói cách khác, lúc nào thì Chậm và lúc nào thì Nhanh.

Như vậy, làm thế nào những người bình thường như chúng ta tiếp cận được Tư duy Chậm, nhất là trong thế giới coi trọng tốc độ và hành động? Bước đầu tiên là thư giãn – hãy quẳng sang bên sự thiếu kiên nhẫn, hãy ngừng tranh đấu và học cách chấp nhận tình trạng bất định và vô vi. Hãy chờ đợi những ý tưởng ấp ủ bên dưới sóng não, hơn là dụng công vận trí kéo chúng lên. Hãy để cho tinh thần được bình yên và tĩnh lặng. Như một Thiền sư thuyết giảng “Thay vì nói ‘Chớ ngồi yên, làm gì đi chứ’ – chúng ta nên nói điều ngược lại “Chớ làm gì cả, ngồi yên đi chứ.”

Thiền định là phép rèn luyện cho tinh thần thư thái. Huyết áp sẽ giảm xuống, trong não sẽ phát sinh nhiều sóng anpha và thêta tần số thấp. Nghiên cứu chứng tỏ rằng hiệu quả kéo dài được khá lâu sau các buổi thiền. Trong một nghiên cứu năm 2003, các nhà khoa học ở Trung tâm Y khoa Đại học California San Francisco nhận thấy sự kết hợp giữa thiền và chú niệm của tín đồ Phật giáo có ảnh hưởng tới hạch nhạnh nhân, vùng não gắn với cảm giác sợ hãi, lo âu, sửng sốt, khiến các Phật tử thanh tịnh hơn, ít bị mất bình tĩnh hơn hẳn.

Thiền không phải là cái gì mới. Hàng ngàn năm nay con người thuộc mọi tín ngưỡng đều đã vận dụng thiền trong công cuộc tìm kiếm cái hài hòa nội tâm hoặc sự khai sáng tinh thần, điều này giải thích vì sao hình ảnh của thiền không mấy rõ ràng. Với nhiều người, thiền gợi lên hình ảnh các nhà sư đầu cạo trọc tụng “om om[56]” trong các ngôi chùa trên đỉnh núi hoặc hình ảnh những típ người theo trào lưu Kỷ Nguyên Mới ngồi chĩnh chện trong tư thế tòa sen.

Nay thì thiên kiến như thế đang bị xem là lạc hậu. Thiền trở thành thời thượng. Hiện có mười triệu ng Mỹ đều đặn thực hành thiền. Các thiền phòng đang bung ra khắp thế giới công nghiệp, từ sân bay, trường học, nhà tù đến các bệnh viện và công sở. Những người bị stress, giới chuyên nghiệp văn phòng tổn thương vì tốc độ, cả những tín đồ cực ỳ-ngoan cố của thuyết vô thần và thuyết bất khả tri, thảy đều đang lũ lượt kéo đến những thiền viện linh thiêng, nơi thiền có trong danh mục. Một số trong những người thành đạt nhất trên trái đất này, như Bill Ford, tổng giám đốc, kiêm chủ tịch hãng Ford Motors, hiện là những thiền sinh hết lòng tận tụy.

Để xem thiền tác động như thế nào, và liệu có thể ăn nhập ra sao với Phong trào Chậm, tôi đăng ký học ngay một khóa thiền mười ngày tại thiền viện ở miền quê Wiltshire. Khóa thiền do Trung tâm Thiền Quốc tế (IMC) tổ chức – IMC là hệ thống Phật giáo toàn thế giới hình thành năm 1952 tại Myanmar. Chi nhánh Anh quốc mở năm 1979, nay ngụ trong một nhà trang trại theo đạo Phật xây bằng gạch đỏ và các tòa nhà phụ xung quanh. Một ngôi chùa hiện đại mọc lên giữa khuôn viên cây cảnh, những chóp nhọn dát vàng lấp lánh trong nắng xuân.

Tôi tới đó chiều thứ sáu, lòng hồi hộp. Liệu tôi có khả năng ngồi tĩnh tại hàng giờ tới cùng không? Liệu tôi có phải là người duy nhất không mặc xà rông không? Các đồng môn thiền của tôi, tất cả bốn mươi người, đến từ khắp nơi trên thế giới – Anh, Đức, Pháp, Australia, Mỹ. Trên các bàn trong phòng trà, những chai tương Kikkoman chen vai thích cánh với những lọ dầu lạc và những lọ Marmite[57] nhỏ. Nhiều môn sinh là những Phật tử siêng năng, mái đầu cạo trọc cùng xà rông sặc sỡ vốn là quốc phục Myanmar. Những người khác thì không. Cũng như tôi, họ chỉ đơn giản tới đây tìm một chốn yên tĩnh để học nghệ thuật thiền.

Trong buổi thực hành tập thể đầu tiên, chúng tôi tề tựu trong một căn phòng hẹp và dài. Ánh sáng dìu dịu. Bức ảnh ông Sayagyi U Ba Kin, người sáng lập ra hệ thống IMC, treo trên bức tường phía trước, dưới một tấm biển có dòng chữ viết bằng tiếng Myammar và tiếng Anh: “Chân lý Phải Chiến thắng.” Thu mình trong chăn và xếp thành bốn hàng, các thiền sinh ngồi hoặc quỳ trên nệm chiếu. Ở đầu lớp học, ông thầy xếp bằng tròn trên một chiếc ghế đẩu. Đó là Roger Bischoff, một người Thụy Sĩ tác phong hòa nhã, trông giống hệt Bill Gates.

Thầy Bischoff giảng giải là chúng tôi sẽ dấn mình theo Bát Chính Đạo như giáo huấn của Phật. Bước thứ nhất là tẩy uế các hành vi của mình bằng vào tuân theo ngũ giới: bất sát sinh, bất thâu đạo, bất tà dâm (trong thời gian học tập), bất vọng ngữ, bất ẩm tửu. Tiếp đến là thiền. Mục đích là phát triển khả năng tập trung của chúng tôi trong vòng năm ngày đầu, rồi sau đó, trong năm ngày kế tiếp, sẽ sử dụng khả năng tập trung ấy để đạt được thấu thị và minh triết. Trong điều kiện lý tưởng, thiền sinh phải đạt đến – hoặc ít nhất thì cũng phải trên đà đạt đến – sự khai sáng vào Ngày thứ 10.

Mọi thứ tại Trung Tâm đều được bố trí nhằm thư giãn và tĩnh tâm. Nhiều tác nhân kích thích chúng ta xáo động trong thế giới hiện đại đều bị loại bỏ. Cho nên ở đây không tivi, không radio, không tài liệu để đọc, không Internet, không điện thoại. Chúng tôi cũng tuân thủ sự Im lặng Cao quý, nghĩa là không tán gẫu. Đời sống được cắt giảm tới mức tối giản: ăn uống, đi lại, ngủ, tắm rửa và thiền.

Có nhiều cách để thiền. Phần lớn yêu cầu tập trung tâm trí vào một điểm đơn nhất: một đồ vật, như ngọn nến hoặc chiếc lá; một âm thanh hoặc mật chú; hoặc thậm chí một ý niệm, như ái tình, bạn hữu hoặc lão tử. Kỹ năng tại IMC xem ra khá đơn giản. Nhắm mắt lại rồi hít vào thở ra qua đường trên. Bằng một giọng dịu dàng, ngọt ngào, thiền sư Bischoff hướng dẫn chúng tôi từ từ chậm lại, thư giãn và tập trung tâm trí vào luồng hơi thở êm êm ngay dưới mũi. Chuyện này nói thì dễ chứ làm thì chẳng dễ chút nào. Tâm trí tôi dường như tự nó cũng có đời sống riêng. Sau năm sáu hơi thở, nó vuột ra như đầu đạn, dội ào ào vào hết vật này đến vật khác. Cứ mỗi lần tôi níu kéo sự tập trung trở về với hơi thở, lại có một rào chắn khác những ý nghĩ chẳng liên quan gì với nhau tán loạn ùa vào đầu tôi – nào là công việc, nào là gia đình, nào là tin thể thao nổi bật, vài bài nhạc pop, đủ thứ linh tinh. Rồi tôi bắt đầu lo lắng chắc có gì đó không ổn với mình. Mọi người khác xem ra thật tĩnh tại và tập trung. Chả là chúng tôi ngồi đó theo hàng lối thật yên lặng, cứ như thể những tên nô lệ khổ sai chèo thuyền trên một con tàu ma, tôi cảm thấy một tôi thúc muốn cười rinh rích hoặc hét lên cái gì đó khùng khùng kiểu như “Cháy, cháy!”

Thế nhưng, thật may mắn, hai bận mỗi ngày thiền sư Bischoff hỏi han các môn sinh các môn sinh nhằm theo dõi sự tiến bộ của từng người. Đó là thời khắc duy nhất chúng tôi được phép nói, và vì việc này tiến hành trước sự chứng kiến toàn thể lớp học, nên nghe lén chả có gì khó khăn. Tôi thấy nhẹ cả người, hóa ra là mọi người khác vẫn còn đang vật lộn nhằm đạt tới mức tĩnh tâm. “Tôi cảm thấy như mình không làm sao thư thái được,” một thiền sinh trẻ tuổi nói, giọng đầy thất vọng. “Tôi thèm được hoạt động quá.”

Thiền sư Bischoff kiên trì đưa ra những lời động viên. Ngay cả Đức Phật cũng gặp phải trở ngại trong việc tĩnh tâm, thầy bảo chúng tôi như vậy. Điều chủ yếu là không được gò ép. Nếu cảm thấy căng thẳng hoặc dao động, thì hãy nằm xuống, vào bếp ăn một cái bánh hoặc đi bách bộ. Ở bên ngoài, sân thiền viện trông giống như sân một viện điều dưỡng, với các thiền sinh đang chậm rãi thả bước qua vườn hoa.

Dù thế nào, thiền cũng rõ ràng có ảnh hưởng, ngay cả với tinh thần hối hả nhất, rối quẫn nhất vì stress. Tôi cảm thấy êm dịu lạ kỳ vào cuối buổi tối đầu tiên. Và khi ngày cuối tuần gần tới, tôi bắt đầu cảm thấy thư thái mà không hề phải cố. Tới tối thứ Bảy, tôi nhận thấy mình đã để nhiều thời gian hơn cho ăn uống và đánh răng. Tôi bắt đầu bước từng bước, thay vì chạy vội lên cầu thang. Tôi quan tâm hơn tới mọi thứ – thân thể mình, các động tác, những thức mình ăn, mùi cỏ ngoài sân, màu sắc bầu trời. Tới đêm Chủ nhật, đến lượt nghệ thuật thiền hình như cũng bắt đầu ở trong tầm với. Tinh thần tôi dần dà học được cách bình an, tĩnh tại lâu hơn. Tôi thấy bớt nóng nảy, bớt hối hả. Thực tế, tôi thư giãn tới mức không muốn rời đi.

Không hề nhận ra, tâm trí tôi cũng đã bận rộn với kiểu Tư duy Chậm hữu ích nào đấy từ lúc nào rồi. Tới ngày tàn cuối tuần đó, những ý tưởng về công việc bật lên trong tiềm thức tôi giống như cá nhảy dưới hồ. Trước khi quay về Luân Đôn, tôi ngồi ghi vội chúng lại trong xe.

Liệu có thể nào chuyển sự an bình trầm mặc ấy từ thiền viện sang thế giới thực được không? Câu trả lời hóa ra là “có”, nhưng dè dặt. Hiển nhiên, ở Luân Đôn, sự cám dỗ người ta tăng tốc lớn hơn rất nhiều so với ở vùng Wiltshire xa xôi hẻo lánh, hơn nữa ít có ai, dù đã qua chương trình IMC, lại đạt được đẳng cấp Thiền hoàn hảo. Tuy nhiên, thiền có thể làm cho đời sống thị thành bớt phần cuồng nhiệt.

Sau quãng thời gian ngắn ngủi tại thiền viện Wiltshire, tôi trao đổi với nhiều người để tìm hiểu xem thiền đem lại cho họ những gì. Một trong số đó là Neil Pavitt, chuyên viên viết bài quảng cáo bốn mươi lăm tuổi, đến từ Maidenhead, ngoại ô Luân Đôn. Anh ta bắt đầu tham dự các lớp thiền của IMC từ đầu những năm 1990, rồi dần dần trở thành một Phật tử siêng năng. Nay, tối nào anh cũng dành ra một giờ đồng hồ để ngồi thiền.

Thiền tạo nền tảng bình an thanh thản giúp anh chèo chống giữa dòng nước xoáy chảy xiết của thế giới quảng cáo. “Nó như một khối đá tảng, một cái gì đó tôi luôn có thể trông cậy. Một cái gì đó vững chắc cho tôi nền tảng, một hạt nhân nơi tôi luôn có thể trở về tìm sức mạnh,” anh nói. “Nếu công việc trở nên quá bận rộn hoặc căng thẳng, tôi chỉ cần năm hoặc mười phút làm vài động tác hít thở, và thế là tinh thần tôi trở lại trạng thái an bình.”

Pavitt cũng nhận thấy thiền mở cánh cửa dẫn đến Tư duy Chậm. “Môn này có lợi cho khía cạnh sáng tạo trong công việc vì nó giúp ta thanh tâm tĩnh trí,” anh nói. “Tôi thường thấy rằng thiền giúp cho vấn đề trở nên sáng rõ hơn, hoặc giúp cho các ý tưởng hay xuất hiện.”

Những phương pháp thiền khác cũng cho những kết quả tương tự. Hơn năm triệu người trên thế giới đang thực hành Thiền Tiên Nghiệm (TM)[58], một kỹ thuật thiền đơn giản mất mỗi ngày hai lần, mỗi lần mười lăm, hai mươi phút. Mặc dù được một thiền sư Ấn Độ sáng tạo ra năm 1957, thiền TM không buông neo bắt rễ vào bất kỳ truyền thống tôn giáo nào, cho nên nó hấp dẫn những người như Mike Rodriguez, một cố vấn về quản lý tại Chicago. “Tôi thích ý tưởng tĩnh tâm mà không cần bất kỳ hành trang tôn giáo hoặc tâm linh nào đi kèm,” ông nói. Trước khi thực hành thiền TM, Rodriguez cảm thấy bị chôn vùi dưới nhịp độ và sức ép của công việc. Nay thì ông cảm thấy mình như một chiến binh vững vàng. “Mọi thứ có thể quay cuồng quanh tôi với vận tốc 100 dặm một giờ – điện thoại, email, yêu cầu từ các khách hàng – nhưng tôi không còn bị bù đầu vào đó nhiều như trước nữa,” ông nói. “Tôi giống như một hòn đảo an bình giữa một đại dương cuồng dại.”

Giống như Pavitt, Rodriguez cảm thấy mình sáng tạo hơn: “Bây giờ tôi cảm thấy mình nêu cho khách hàng nhiều giải pháp hơn. Khi ta cho tinh thần mình cơ hội để nghỉ ngơi, tâm trí sẽ thực sự phát minh nhiều điều kỳ diệu.”

Thậm chí còn có bằng chứng cụ thể cho thấy rằng thiền có thể khiến ta sung sướng. Năm 2003, các nhà khoa học tại trường Đại học Wisconsin ở quận Madison đã tiến hành chụp cắt lớp não một số người theo đạo Phật lâu năm. Họ nhận thấy thùy não trái, vùng gắn với những xúc cảm tích cực, hoạt động mạnh mẽ khác thường. Nói cách khác, về sinh lý họ sung sướng hơn. Có một giả thuyết, ấy là thực hành thiền đều đặn làm cho thùy trán thường xuyên hưng phấn.

Robert Holford chẳng ngạc nhiên trước những phát hiện trên. Năm nào cũng vậy, nhà phân tâm học năm mươi sáu tuổi này đều thu xếp thời gian trong lịch trình làm việc kín đặc của mình để tham dự khóa thiền IMC mười – ngày tại thiền viện Wiltshire. Vào khoảng giữa các khóa, ông cố duy trì thực hành thiền đều đặn hàng ngày. Thiền cho tinh thần ông sự tự tin để tránh xa những tư tưởng đen tối.

Robert Holford chẳng ngạc nhiên trước những phát hiện trên. Năm nào cũng vậy, nhà phân tâm học năm mươi sáu tuổi này đều thu xếp thời gian trong lịch trình làm việc kín đặc của mình để tham dự khóa thiền IMC mười – ngày tại thiền viện Wiltshire. Vào khoảng giữa các khóa, ông cố duy trì thực hành thiền đều đặn hàng ngày. Thiền cho tinh thần ông thực sự tự tin để tránh xa những tư tưởng đen tối. “Một tinh thần an bình cũng giống như hương vị của tự do,” ông nói. “Tựa hồ như ta vừa ngồi bên bờ song lại vừa ở trong dòng sông ấy cùng một lúc – ta dấn mình vào cuộc sống nhưng đồng thời ta lại có được cái nhìn bao quát hơn về toàn cảnh. Như thế giúp ta thấy nhẹ nhõm và sung sướng hơn.”

Bất kể những hoài nghi lúc trước, nay thiền đã thành một phần trong lịch trình hàng ngày của tôi. Thỉnh thoảng tôi nghỉ giải lao – chừng mười phút một lần – để thiền giữa buổi, và rõ rang là có khác. Khi trở lại bàn giấy, tôi thấy thư giãn và đầu óc minh mẫn hẳn. Mặc dù những hiệu quả như thế thật khó đo lường, tôi vẫn cho rằng thiền giúp tôi chú tâm hơn, them khả năng tận hưởng giây phút hiện tại – một cách từ từ.

Thiền cũng có thể đem lại lợi ích về thể xác. Mặc dù, sau triết gia René Descartes[59] thế kỉ 17, truyền thống triết học phương Tây đã tách riêng tinh thần và thể xác, nhưng cả hai rõ rang gắn bó với nhau. Những nghiên cứu lâm sàng đưa ra giả thuyết là thiền có thể giúp thể xác duy trì trạng thái khỏe mạnh. Các bác sĩ ngày càng gợi ý dùng thiền cho các bệnh nhân như một phương pháp đối phó với nhiều loại bệnh: đau nửa đầu, đau tim, AIDS, ung thư, vô sinh, huyết áp cao, hội chứng rối loại tiêu hóa do mẫn cảm, mất ngủ, đau thắt dạ dày, hội chứng tiền mãn kinh, ngay cả trầm cảm. Một công trình nghiên cứu 5 năm tại Mỹ cho thấy những người thực hành Thiền Tiên Nghiệm giảm 56% nguy cơ phải vào bệnh viện.

Giới thể dục thể hình cũng phát hiện ra mối tương quan giữa tinh thần và thể xác cũng như vai trò của Chậm trong việc giữ cho cả hai mặt cùng được sung mãn. Dĩ nhiên, ý tưởng luyện tập chậm là trái với khuynh hướng hiện đại. Phòng tập thể kỷ hai-mươi-mốt là ngôi đền của âm thanh và cuồng nộ. Quay cuồng theo nhạc nền vặn to quá cỡ, ai nấy hổn hển thở trên các máy tập tim và các lớp aerobic. Tôi từng có lần trông thấy một huấn luyện viên thể dục mặc áo phông in dòng chữ “Nhanh. Mạnh. Không thì về nhà.” Nói cách khác, cách duy nhất để tập được một thân thể đẹp đẽ là phải thúc nhịp tim đạt đỉnh trong vùng đích.

Có phải thế hay không? Rất nhiều chế độ luyện tập khởi phát nhiều thế kỷ trước ở châu Á chính là dựa trên cơ sở thung dung cơ thể và thư thái tinh thần – một kết hợp đem lại nhiều lợi ích hơn là chỉ đơn thuần đổ mồ hôi trên máy tập.

Yoga chẳng hạn, một chế độ tập luyện Hindu cổ xưa, các bài rèn luyện thể xác, tinh thần và trí tuệ nhằm làm cho thể xác, tinh thần và trí tuệ hòa hợp nhau. Trong tiếng Phạn, chữ “yoga” có nghĩa là “hợp nhất”. Mặc dù vậy, ở phương Tây, chúng ta tập trung thiên về khía cạnh thể xác của phương pháp rèn luyện – kiểm soát nhịp thở, các cử động uyển chuyển, các tư thế, hay các asana. Yoga có thể đem lại nhiều điều kì diệu cho cơ thể, làm cho các cơ bắp săn chắc thon thả, tăng cường hệ miễn dịch, thúc đẩy tuần hoàn máu và sự linh hoạt.

Nhưng, thành tựu cơ bắp mới chỉ là bước khởi đầu. Nhiều chế độ rèn luyện của phương Đông dạy con người ta kéo dài khoảnh khắc bằng cách thả lỏng bản thân vào trạng thái thư giãn của sự sẵn sàng. Ngay trong võ thuật như karate, judo và kendo (kiếm thuật), với những đòn đấm và đá nhanh như chớp, các võ sĩ học cách giữ nội tâm bình thản. Một khi tinh thần bấn loạn, một khi họ cảm thấy lo lắng và hối hả, họ trở nên dễ bị tấn công. Thông qua sự bình thản của nội tâm, võ sư học cách “quay chậm” các động tác của đối phương để đánh trả dễ dàng hơn. Anh ta phải trong Chậm ngoài Nhanh. Các lực sĩ phương Tây gọi đó là “lừa vào tròng.” Ngay cả khi ra một chiêu phức tạp với vận tốc cực cao, họ vẫn không hề bối rối hay vội vã. John Brodie, cựu tiền vệ ngôi sao của đội San Francisco 49ers, như một Thiền sư khi anh nói chuyện về việc duy trì sự bình thản trong cao trào của trận đấu: “Thời gian như hãm dòng trôi của nó lại, theo một cách thật huyền bí, dường như ai nấy đều đang cử động thật chậm. Giống như tôi có toàn bộ thời gian trên đời để quan sát những cầu thủ nhận bong chạy chỗ kiểu nào, và tôi còn kịp biết hàng phòng thủ đang lao vào tôi nhanh hơn bao giờ hết.”

Yoga có thể giúp đạt được nội tâm bình thản như vậy. Nó tìm cách duy trì Khí của một người – tức sinh lực của người ấy, hay năng lượng – yếu tố dễ bị ngăn trở bởi stress, lo âu, bệnh tật hoặc làm việc quá sức. Ngay cả những người không công nhận quan điểm về Khí, xem Khí như thứ bịa đặt thần bí, cũng thường nhận thấy yoga giúp cho họ phát triển một hệ tinh thần tĩnh tại, chậm rãi. Thông qua những cử động không vội vã, có kiểm soát, họ đạt đến sự kiên nhẫn, sự tập trung và sự tự nhận thức cao hơn.

Trong một thế giới khát khao nội tâm tĩnh lặng, cũng như cơ thể hoàn hảo, thì yoga là lộc trời cho. Ngày nay con người tập yoga ở khắp mọi nơi, từ công sở và bệnh viện cho đến phòng cứu hỏa và xưởng máy. Những khảo sát mới đây cho thấy số người Mỹ tập yoga đã tăng gấp ba lần kể từ năm 1998 – lên khoảng 15 triệu người, trong số đó có nhiều vận động viên chuyên nghiệp. Phụ trương du lịch của mọi tờ báo đều chật cứng những mẩu quảng cáo các kì nghỉ dưỡng tập yoga tại những địa danh mới lạ. Con trai tôi tập yoga trong vườn trẻ của nó ở Luân Đôn. Tại nhiều phòng tập, yoga đã đánh bật aerobic khỏi vị trí độc tôn là bộ môn thể hình được yêu thích. Ngay Jane Fonda, Nữ hoàng thuở ban đầu của bộ môn Thể dục Nhịp điệu Nhanh Huff and Puff, nay cũng đang quay băng yoga.

Mark Cohen công nhận yoga đã giúp mình mạnh khỏe và thư thả. Là một thương nhân 34 tuổi tại phố Wall, anh quen sống trong làn-cao-tốc. Công việc của anh là những quyết định trong tích tắc, và những lúc rảnh rỗi, anh chơi hai môn thể thao tốc độ nhất toàn khu là bong rổ và hockey. Giống như nhiều người, anh thường miệt thị yoga là sở thích của những người yếu đuối, những người không thể chơi các môn thể thao “thực thụ”. Tuy vậy, khi người phụ nữ anh say đắm mời anh đến lớp yoga của chị, anh đã dằn lòng đi theo. Đêm đầu tiên, anh ngạc nhiên thấy thật khó khăn làm sao khi phải vặn người vào một tư thế asana nào đó, rồi lại thật thư giãn về sau. Dù sau này anh nhận ra người phụ nữ đó chẳng phải của mình, anh vẫn ghi tên vào một lớp yoga gần căn hộ riêng. Sau vài tháng nhập môn, anh dẻo dai hơn trước rất nhiều. Anh cảm thấy khỏe hơn, và tự cải thiện rõ rệt tới mức anh đã vứt bỏ được tấm đệm sờn rách vốn lâu nay là môt đồ vật cố thủ trên lưng ghế văn phòng. Anh cũng cảm thấy sự thăng bằng và tốc độ khá hẳn lên trên sân bong rổ hoặc bãi hockey. Dầu vậy, cái mà Cohen thích nhất ở yoga là phẩm tính trầm mặc và thư giãn. “Khi tôi vào tư thế, mọi sự trong tôi lập tức lắng dịu,” anh nói. “Sau giờ tập, tôi cảm thấy lâng lâng nhưng cũng thật sự minh mẫn.” Cảm giác đó tràn ngập trong anh suốt phần đời còn lại. “Anh phải thấy bây giờ tôi làm việc ra sao,” anh nói. “Khi mà mọi việc lộn tùng phèo, thì tôi lại chính là Ngài Điềm Tĩnh.”

Yoga cũng nhẹ nhàng đưa Cohen vào Tư duy Chậm. Thường thường, anh tới lớp cảm thấy căng thẳng về một vấn đề trong công việc. Sau một giờ đồng hồ thư giãn tinh thần và thong thả vặn bẻ người ở tư thế này rồi tư thế kia, giải pháp đôi khi tự đến. “Tinh thần tôi hẳn làm việc thông qua cái gì đó ở tầng vô thức trong lúc tôi tập yoga,” anh bộc bạch. “Một vài trong số những ý tưởng hay ho nhất chợt đến với tôi khi tôi đang cuốc bộ về nhà sau buổi tập.”

Những người khác say sưa kể về năng lượng mà yoga đem lại cho họ. Dahlia Teale làm việc tại một salon thời trang tóc ở New Orleans, bang Louisiana, và cũng thường tới phòng tập bốn ngày một tuần, theo các lớp aerobic và vận động trên máy tập tim. Năm 2002, cô tham gia lớp yoga cũng với một người bạn. Ngay lập tức, cô cảm thấy được tiếp them sinh lực. “ Thường thường trước đây tôi rời phòng tập về nhà cảm thấy mệt rã rời,” cô nói. “Với yoga thì khác hẳn – tôi thu nhận được nguồn năng lượng dồi dào liên tục trong một khoảng thời gian dài.” Teale đã hủy thẻ hội viên phòng tập, và hiện duy trì sức khỏe thông qua tập luyện ba môn phối hợp yoga, đi bộ và xe đạp. Cô đã giảm gần được ba cân.

Khí công là một chế độ tập luyện khác của phương Đông, phương pháp tiếp cận Chậm dành cho tinh thần và thể xác đang thu phục nhiều người thay đổi chính kiến. Đôi khi được mô tả như “yoga cộng với thiền và cử động,” Khí công là thuật ngữ chung cho một loạt những bài tập cổ xưa của người Trung Hoa nhằm nâng cao sức khỏe bằng cách vận Khí lưu thông khắp cơ thể. Trong tư thế đứng, sử dụng đan điền làm điểm tựa, môn sinh từ từ chuyển động qua một loạt tư thế duỗi dài tứ chi. Thở chậm và sâu cũng quan trọng. Khí công không nhằm nâng cao nhịp tim và đổ mồ hôi thật nhiều, nó nhằm kiểm soát và nhận biết. Nó có thể cải thiện sự thăng bằng, sức mạnh, tư thế và nhịp điệu của cử đông. Thậm chí, hơn cả yoga, nó giúp ta đạt tới tinh thần thư thái trong lúc đang ở trạng thái hoạt động. Khí công có nhiều nhánh, từ võ thuật như Kungfu tới nhẹ nhàng hơn nhiều như Thái Cực Quyền.

Tại phương Tây, hiện người ta vận dụng Khí công như một cách để chơi thể thao hay hơn. Mike Hall dạy golf và bóng quần ở Edinburgh, Scotland, Chậm là khẩu hiệu của ông. Ông khẳng định rằng nhờ vận Khí công để tĩnh tâm, nay ông thực sự có thể thấy điểm vàng trên quả bóng quần khi nó lao vút về phía mình. Thông qua những động tác chậm rãi có kiểm soát của Khí công, học trò của ông học được cách di chuyển linh hoạt trên sân bóng, hơn là cứ lảo đảo chạy qua chạy lại. Và họ phát triển sự tĩnh tại của tinh thần, giúp họ cảm thấy có đủ thời gian để thực hiện bất kỳ cú đánh nào. “Điều nghịch lý là ta đồng thời vừa chuyển động lại vừa tĩnh tại,” Hall nói với tôi qua điện thoại.

Để tận mắt thấy điều nghịch lý trên, tôi thu xếp tới thăm câu lạc bộ bóng quần của ông tại Edinburgh. Nguyên cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, Hall là một người đàn ông 45 tuổi vóc người chắc nịch, tóc hung và hơi nói ngọng. Ông vừa bắt đầu giảng bài lúc tôi đến. Có thể thấy ngay ông nổi bật hơn tất cả. Trong khi những người khác hết vụt lại quật đen đét quanh sân, Hall dịch chuyển với vẻ duyên dáng mềm mại của một vũ sư tango. Ngay cả khi ông hích vai để thực hiện một cú xoay người bất tiện, ông dường như vẫn lướt đi. Tôi chợt nhớ lời khuyên chống lại trực giác nổi tiếng của Jackie Stewart, người hùng Thể thức Một: đôi khi để nhanh hơn, anh phải chậm lại.

Khi lớp học kết thúc, Hall chỉ cho tôi vài bài tập Khí công, giục tôi suy nghĩ tới các cử động và thả lỏng người. Ông luôn trở đi trở lại tầm quan trọng của việc giữ một hạt nhân ổn định, cả nơi thân xác lẫn tinh thần, “Với hầu hết mọi người, vấn đề trong bóng quần không phải là thiếu nhanh nhẹn,” ông nói, “Vấn đề là thiếu chậm rãi.” Toàn bộ chuyện này nghe có hơi “cải lương”, nên khi cuối cùng chúng tôi vào sân chơi cùng một séc, trực giác mach bảo tôi phải làm cho Hall bớt vênh váo. Mặc dù thế, ngay từ loạt giao bóng đầu tiên, tôi thấy mình thua trắng bụng. Hall bao quát toàn sân mà hầu như chẳng tốn mấy tí sức. Ông thắng 9-2.

Sau đó, học trò tiếp theo của ông, giáo sư kinh tế học 72 tuổi dáng người thon thả đáng ngạc nhiên tên là Jim Hughes, kể tôi nghe Khí công đã giúp khắc phục tật vội vã lật đật của ông ra sao. “Chẳng có gì qua một đêm mà thay đổi được, nhưng tập với Mike đem lại những điều kì diệu cho môn bóng quần của tôi,” ông kể. “Tôi không còn rối lên chạy vu vơ như trước nữa.” Khí công cũng giúp ông cởi bỏ bớt cái vội vã của đời sống xã hội. Trong công việc tư vấn, Hughes thường vội vã trả lời khách hàng. Trên lớp, ông thường chạy cho hết giáo trình, mắt nơm nớp nhìn đồng hồ. Nay, nhờ Khí công, ông áp dụng phương pháp thung dung. Có nghĩa là ông bỏ ra đủ thời gian cần thiết để giảng bài cho sinh viên với tiến độ hợp lý và chờ tới lúc thích hợp mới trao đổi về điểm yếu của khách hàng. “Thay vì tuân theo phản xạ ban đầu, tức là phải hành động càng nhanh càng tốt, thì nay tôi chậm lại và để cho bản thân có thời gian cân nhắc các lựa chọn giải pháp,” Hughes tâm sự. “Tôi tin tôi trở thành một giáo sư giỏi hơn và một nhà tư vấn tốt hơn nhờ thế.”

Buổi sáng sau cuộc tỉ thí không cân sức trên sân bóng quần, Hughes đưa tôi đi làm vài đường golf quanh một công viên trong vùng. Thời tiết quả là đặc trưng Edinburgh, trời xám xịt và có mưa phùn. Hall quan sát tôi đánh vài quả với gậy số chin. Sau đó chúng tôi cùng làm vài bài Khí công. Ông lại nói về tầm quan trọng của việc giữ cho tâm ta bình thản và tĩnh lặng. Ông cũng bảo tôi rằng nghiên cứu cho thấy xoay người quá nhanh thực tế làm cho gậy chậm lại khi đập vào quả bóng. Một cú xoay người chậm hơn, nhịp nhàng uyển chuyển, sẽ giúp kiểm soát bóng tốt hơn và nội lực mạnh hơn. Tôi cầm gậy số chin, quyết tâm chuyển lời khuyên của ông thành hành động. Ngay lập tức, cú xoay người của tôi uyển chuyển hơn và mạnh hơn trông thấy.

Sau này, tôi đối chiếu những nhận xét của mình với Lindsay Montgomery, vị giám đốc điều hành 52 tuổi của Ban Tương trợ Pháp lý Scotland và là một tay golf lâu năm. Khi mới bắt đầu học Hall được vài bài, ông đã nghi ngờ Khí công và hứa hẹn của nó khai thác quyền năng của sự Chậm rãi. Sáu tháng sau, ông ngạc nhiên nhận thấy mình đã hạ được ba cú đánh trong cuộc tỉ thí. “Khí công cho ta một cảm thức khác về thời gian và nhịp độ,” ông nói. “Tôi có xu hướng muốn làm mọi việc thật nhanh – cá tính mà. Nhưng, xoay người chậm hóa ra lại trơn tru hơn nhiều. Khí công dạy tôi đừng vội vã, khiến tôi chơi golf hay hơn.”

Phương Đông không phải là khởi nguồn duy nhất của những hình thức luyện tập chậm rãi, tỉnh thức. Trong những năm 1930 ở Anh, Joseph H.Pilates đề ra một chế độ tăng cường sức khỏe dạ trên ba nguyên tắc của chính yoga: Cử động chính xác, tập trung tư tưởng và kiểm soát hơi thở. Trong một phòng tập hiện đại kiểu Pilates, mọi người thực hiện những bài tập đặc biệt giúp tăng cường các cơ bắp chính quanh cột sống và từ đó cải thiện sự linh hoạt, dẻo dai và thư thái. Mặc dù không bắt rễ từ trong một truyền thống tâm linh hoặc thiền định nào, Pilates cũng có thể đào sâu năng lực hồi quy và tập trung tinh thần. Tiger Woods, một tay golf Mỹ vẫn tập luyện theo chế độ Pilates và thiền.

Trong lúc đó, các nhà khoa học thể thao phương Tây đang dần trở lại quan điểm là tập luyện từ từ có thể cho kết quả khả quan hơn. Ta càng tập luyện nặng nhọc bao nhiêu thì tim càng đập nhanh bấy nhiêu, và càng tiêu hao nhiều mỡ hơn. Nhưng vượt quá một ngưỡng nào đó, đẳng thức “càng nhanh càng tốt” không còn đúng nữa. Bác sĩ Juul Achten, một nghiên cứu sinh tại trường Đại học Birmingham, đã phát hiện – và từ đó có nhiều nghiên cứu khác cũng xác nhận điều này – rằng trong vòng một phút chúng ta tiêu hao mỡ nhiều nhất khi tim chúng ta đập ở mức từ 70% tới 75% nhịp đập tối đa của nó. Một người bình thường có thể đạt tới trạng huống đó bằng cách đi bộ – hoặc nhanh hoặc chạy thong thả nhẹ nhàng. Tập nặng hơn thế, tức đẩy nhịp tim lên gần ngưỡng tối đa, cơ thể sẽ bắt đầu sử dụng nhiều hydratcacbon hơn hòng sinh sản năng lượng. Nói cách khác, “con chuột” phòng thể dục chạy huỳnh huỵch như điên trên máy StairMaster hẳn sẽ không tiêu hao mỡ bằng anh chàng bẽn lẽn luyện tập từ tốn trên chiếc máy cạnh đó. Phép ẩn dụ rùa và thỏ giúp giải thích điều này. “Con thỏ dường như chạy được nhiều hơn vì nó chạy nhanh hơn,” bác sĩ Achten nói. “Nhưng trong cuộc đua hòng tiêu hao mỡ, tôi dám cuộc là rùa sẽ thắng.”

Dựa trên cơ sở đó, đi bộ, hình thức tập luyện cổ xưa nhất, đang làm cuộc trở về. Trong kỷ nguyên tiền công nghiệp, nhân loại chủ yếu di chuyển trên đôi chân – do vậy họ thảy đều cân đối, khỏe mạnh. Rồi đến thời kỳ sức động cơ, và con người trở nên lười biếng. Cuốc bộ trở thành cách thức di chuyển bần cùng bất đắc dĩ, một thứ “nghệ thuật bị lãng quên” theo cách nói của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Dù vậy, như chúng ta thấy trong chương trước, những người làm công tác hoạch định trên toàn thế giới dự định tái thiết các trung tâm đô thị và vùng ngoại ô để dành không gian cho người đi bộ. Khu nhà Luân Đôn của tôi, là Wandsworth, vừa mới ban bố Chiến lược Đi bộ riêng. Có nhiều lý do hay ho để ta đi bộ. Một là miễn phí: ta chẳng cần phải theo lớp hay thuê hướng dẫn viên thể dục riêng mới học được cách bách bộ trong công viên. Nhiều hành trình ta vẫn dùng xe hơi có thể không kém phần dễ dàng – nếu dùng đôi chân. Đi bộ có thể cải thiện thể hình và tăng sức đề kháng chống lại bệnh tim, chứng đột quỵ, ung thư và loãng xương. Và ít khả năng xảy ra chấn thương như những bài tập cần gắng sức.

Bách bộ cũng có thể là thiền, do giúp nuôi dưỡng khuôn khổ tinh thần Chậm. Khi bước đi, chúng ta ý thức về mọi cảnh vật xung quanh – chim chóc, cây cối, bầu trời, hàng quán, nhà cửa và những người khác. Chúng ta thiết lập những kết nối.

Đi bộ thậm chí có thể xoa dịu ham muốn tăng tốc. Trên ôtô, tàu hỏa hoặc máy bay, khi mà máy móc luôn phô phang lời hứa hẹn mạnh hơn, nhanh hơn nữa, ta cảm thấy bị cám dỗ phải nhanh lên, và xem mọi sự chậm trễ như là mất thể diện con người. Bởi cơ thể ta gắn với giới hạn tốc độ đặc thù nào đó, nên đi bộ có thể dạy ta quên đi tăng tốc. Đó chính là sự Chậm cố hữu. Edwards Abbey, enfant terrible[60] của thuyết môi trường luận Mỹ nói: “Nếu nói về chuyện đi bộ thì có rất nhiều cái hay… Chẳng hạn, đi bộ mất thời gian hơn bất kỳ hình thức di chuyển nào khác, ngoài trừ bò lê thì không kể. Như vậy, nó kéo giãn thời gian và kéo dài cuộc sống. Cuộc sống thật đã quá ngắn ngủi để mà lãng phí them vào tốc độ… Đi bộ khiến thế giới rộng lớn hơn và do đó thú vị hơn nhiều. Ta có thời gian để quan sát mọi cảnh trí trên đó.”

Alex Podborski không thể tán đồng hơn thế. Anh chàng 25 tuổi quen thói cưỡi chiếc xe scuter đến nơi làm việc tại một đại lí du lịch ở trung tâm Luân Đôn. Rồi năm 2002 khi chiếc Vespa của anh bị đánh cắp đến lần thứ ba, anh quyết định thử hàng ngày đi bộ. Nay thì anh mất 25 phút đi làm và trở về nhà. Lộ trình quen thuộc đưa anh qua công viên Hyde Park, nơi một vài trong số những ý tưởng hay nhất của anh phát lộ. Anh mỉm cười với những người gặp dọc đường, và cảm thấy gắn bó hơn với thành phố của mình. Thay vì tới căn phòng mệt lử vì phải luồn lách giữa dòng xe cộ đông nghịt giờ cao điểm, nay Podborski đị bộ hoàn toàn thư thả và sẵn sàng làm bất cứ việc gì. “Đi bộ là khoảng thời gian khởi động của tôi,” anh tâm sự. “Nó chuẩn bị cho tôi vào cuộc trong ngày và giúp tôi xả hơi lúc cuối ngày làm việc.” Trên mặt trần rèn luyện thể lực, đi bộ cũng cho nhiều ích lợi. Từ khi quyết định đi bộ, Podborski cảm thấy khỏe hơn và săn chắc hơn, “Tôi sẽ chẳng bao giờ được làm người mẫu cho đồ lót Calvin Klein,” anh nói với nụ cười hài hước. “Nhưng chí ít thì cái bụng bia của tôi có nhỏ đi.”

Đối với luyện tập Chậm hiện đại hơn, hãy đừng tìm đâu xa hơn Siêu Chậm, phong trào cử tạ thịnh hành ở Bắc Mỹ và nhiều nơi khác. Tuy thế, trước khi sang chương sau, ta hãy cùng nhau chon vùi một quan niệm sai lầm phổ biến: nâng tạ[61] không biến ai thành Người Khổng lồ Không tưởng. Siêu Chậm khiến người bình thường khỏe hơn và săn chắc hơn mà không làm đồ sộ thêm cơ bắp. Và do cơ bắp chiếm ít chỗ hơn mỡ khoảng 30%, nhiều người đã đổi áo quần xuống một hai số sau khi cử tạ. Hội chợ Phù Hoa, cuốn kinh thánh dành cho những ai ưa thích cái đẹp hơn cơ bắp, đã mệnh danh Siêu Chậm là một trong những thời kỳ tập luyện cường độ cao “hot” nhất của năm 2002. Các tờ Newsweek, Men’s Health, Sport Illustrated for women, New York Times cũng nhảy lên đoàn xe cổ động.

Khi tôi bắt tay vào sàng lọc một lượt các bài báo, những bằng chứng sinh động nghe quá hay đến khó tin là thực. Cử tạ ở nhịp độ thông thường chưa từng đem lại cho tôi và những người tôi quen biết chừng ấy kết quả. Có lẽ nào chậm lại thực sự đã tạo nên sự khác biệt to lớn đến thế?

Tổng hành dinh của phong trào Siêu Chậm khuất nẻo trong một con phố buôn bán không tên gần sân bay thành phố Orlando, bang Florida. Lúc tôi đến nơi, Ken Hutchins, người sáng lập ra phong trào Siêu Chậm hồi đầu những năm 1980, đang bận điện thoại, giải thích cho ai đó ở Seattle cách làm sao để trở thành một huấn luyện viên có chứng chỉ. Khoảng thời gian chờ đợi cho tôi cơ hội xem xét kỹ những tấm ảnh Trước Tập và Sau Tập treo cả trên mấy bức tường văn phòng. Một ông trung niên, râu quai nón có tên là Ted giảm được 9cm vòng bụng trong mười tuần lễ. Một cô Ann chừng ba mươi bớt được 10,5 cm vòng đùi trong chưa đầu ba tháng. Những tấm ảnh được chụp theo phong cách không-che-đậy-khiếm-khuyết vốn phổ biến trong các sách giáo khoa y học – không làm dáng, không chiếu sáng nghệ thuật, không chỉnh sửa. Phong cách này khiến tôi vững dạ. Nó cho thấy Siêu Chậm đang chinh phục được nhiều người thay đổi chính kiến chờ ở các kết quả chứ không phải do marketing khéo léo.

Bản thân Hutchins là người cao lớn, lại được trời phú cho dáng điệu cứng đơ như ống thông nòng sung của một vị tướng bốn sao (ông từng là kỹ thuật viên phẫu thuật trong Không Lực Mỹ). Người ông cân đối, không vai u thịt bắp. Chúng tôi yên vị trong ghế và bắt đầu nói về cái điên khùng của thứ văn hóa Làm Mọi Việc Nhanh lên. “Tâm lý hiện đại cho rằng làm gì đó mà chậm có nghĩa là không chú tâm hoặc không năng suất – tâm lý đó cũng vận vào cả tập luyện,” Hutchins trình bày. “Người ta cho rằng trừ phi anh thực hiện những động tác điên cuồng như aerobic bằng không anh sẽ chẳng thu được kết quả gì. Nhưng thật ra điều ngược lại mới là chân lý. Chính chậm rãi mới khiến cho các bài tập tác dụng đến vậy.”

Chân lý đó vận động ra sao? Một môn đồ Siêu Chậm nâng tạ lên và đặt tạ xuống mất 20 giây, so với tập quán chỉ 6 giây. Sự chậm lại triệt tiêu quán tính chuyển động, buộc cơ bắp phải làm việc tới mệt lử hoàn toàn. Điều này đến lượt nó lại đồng thời kích thích cơ bắp tái tạo nhanh hơn và đầy đủ hơn. Cử tạ cũng giúp xương chắc khỏe hơn, món lộc trời cho cả người trẻ lẫn người già. Một nghiên cứu công bố trong Tạp chí Y học Thể thao và Vẻ đẹp Thể hình số tháng Sáu năm 2001 kết luận rằng Siêu Chậm tăng cường sức dẻo dai hơn tập luyện cử tạ kiểu truyền thống tới 50%, ít nhất cũng trong thời gian ngắn. Nhưng nội lực chỉ là một phần câu chuyện. Luyện thể hình cũng là một cách làm thon thả hiệu quả vì nó thúc đẩy sự chuyển hóa của cơ thể, buộc cơ thể đốt cháy nhiều calo hơn trong cả ngày. Hãy tập một vài cơ bắp, kiên trì ăn kiêng, và mỡ sẽ tiêu đi.

Siêu Chậm còn có một cái lợi nữa là tốn rất ít thời gian. Tập luyện với cường độ cao thường căng thẳng tới mức buổi tập thường không thể kéo dài quá 20 phút. Những người mới bắt đầu cần nghỉ từ ba đến năm ngày giữa các buổi tập, những người cử tạ nhiều kinh nghiệm còn nghỉ lâu hơn thế. Do rất ít ra mồ hôi, ấy là nếu có – quạt máy giữ nhiệt độ trong phòng tập luôn thấp – nhiều khách hàng Siêu Chậm tập luyện mà vẫn mặc nguyên quần áo văn phòng. Chậm đi lại hóa nhanh hơn. Mà cũng an toàn hơn: với những cử động uyển chuyển, trong tầm kiểm soát, Siêu Chậm giảm thiểu nguy cơ bị tổn thương.

Tập luyện Siêu Chậm cũng có thể khởi đầu cho hàng loạt lợi ích khác về sức khỏe từ gia tăng lượng HDL, loại cholesterol hữu ích, cho tới các đệm khớp linh hoạt hơn, khỏe hơn. Hutchins cho rằng Siêu Chậm thôi là đủ để giữ một người bình thường được cân đối, khỏe mạnh, rằng thêm bất kỳ môn thể thao nào khác chỉ phản tác dụng. Chỉ cần đả động đến cụm từ “tập tim” (cardio work-out) là ông đã trợn trừng trợn trạc. Tuy vậy, không phải ai cũng nhất trí, Cả Hiệp hội Tim Mỹ lẫn Văn phòng Tổng Phẫu thuật Mỹ đều khuyến nghị kết hợp rèn sức dẻo dai với bài tập aerobic thông thường.

Mặc dù chưa có nghiên cứu lâm sàng dứt khoát về Siêu Chậm, những bằng chứng mang tính giai thoại đang thu hút được đông đảo người dân. Tại Mỹ, có tin những đội thể thao cao đẳng và chuyên nghiệp hiện đan xen nhiều nhân tố của triết lý Siêu Chậm vào các chế độ luyện tập của mình, hệt như cách làm của Lực lượng Đặc Nhiệm, FBI, Cảnh sát dân sự và các cơ quan trợ giúp y tế. Giới bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu thì nổi sung lên về việc này. Khắp Bắc Mỹ, các phòng tập Siêu Chậm đang lôi kéo một bộ phận tiêu biểu của xã hội, từ những người hưởng lương hưu và các cô cậu choai choai, tới lớp thanh niên nhiều hoài bão và các bà, các cô quà vặt suốt ngày. Hầu như ngày nào cũng có người điện thoại tới tổng hành dinh ở Orlando để hỏi cách trở thành huấn luyện viên có chứng chỉ. Nhiều studio đã được thành lập tại Australia, Na Uy, Ấn Độ, Israel và Đài Loan.

Vì sao Siêu Chậm mất 20 năm mới nhập được vào dòng chính thống? Có lẽ vì khó mà yêu được nó. Trước hết, cử tạ ít có khả năng giải phóng endorphin cao như các hình thức luyện tập khác. Nâng tạ với tốc độ sên bò cũng đau chết người. Nếu tuân thủ chế độ Siêu Chậm đến từng li từng tí, tập luyện có thể giống một bổn phận hơn là niềm vui. Hãy nghe Hutchins mô tả một phòng tập Siêu Chậm kiểu mẫu: “…đồ đạc hạn chế phân-tán-tư-tưởng hiệp với màu tường nhàn nhạt, không nhạc, không cây cối, không gương soi, không trò chuyện, ánh sáng lờ mờ, thông gió liên tục, nhiệt độ thấp, độ ẩm thấp… Cũng không thể thiếu với môi trường lý tưởng này là thái độ nghiêm túc như ở trong bệnh viện.”

Cuối buổi phỏng vấn, Hutchins dẫn tôi vào phòng tập của ông để thử một bài Siêu Chậm. Man mát, tịch mịch và vô trùng, căn phòng trông niềm nở hệt một nhà máy sản xuất con chip silicon. Lăm lăm cặp hồ sơ và đồng hồ bấm giờ trong tay, Hutchins dẫn tôi tới máy đẩy tạ chân. Ông dập ngay ý tưởng manh nha của tôi là tán dóc bằng một giọng nặng như đeo đá. “Chúng ta không ở đây để chuyện gẫu,” ông ngắt lời. “Tất cả những gì ông cần nói là trả lời có hay không khi tôi hỏi.” Tôi im bặt và bắt đầu đẩy tạ. Lúc đầu, tạ có vẻ khá nhẹ, nhưng khi xiết chặt bộ hàm, thì bắt đầu cảm giác nặng không sao chịu nổi. Được nửa chừng lần thứ hai, đùi tôi đã run lên, các cơ bắp đau nhức như chưa khi nào đau nhức đến vậy. Theo bản năng tôi đẩy nhanh để mau chóng kết thúc, nhưng Hutchins thì đâu muốn thế. “Chầm chậm thôi,” ông gắt. “Đừng có cuống lên. Bình tĩnh và thở cho đều. Sẽ dễ thôi chừng nào anh thật tập trung.” Sau sáu lần đấy, các cơ đùi tôi rời rã. Ba cái máy tiếp theo ban phát sự hành hạ tương tự cho bắp tay, bắp chân và cơ ngực tôi. Rồi cũng kết thúc. “Chỉ mất mười lăm phút ba mươi giây,” Hutchins vừa nói vừa bấm cái đồng hồ. “Ông cảm thấy thế nào?” Kiệt lực hoàn toàn. Mệt chết người. Chọn đi. Hai chân tôi nhũn ra, cổ họng khô kiệt. Nhưng là một kiểu mệt mỏi khác lạ – tập luyện – không thở hổn hển hoặc hụt hơi. Đến cả chảy mồ hôi cũng không. Vài phút sau, tôi quay về xe, chân bước nhẹ tênh.

Lúc lái xe đi, tôi tự hỏi: Liệu mình có muốn lặp lại nữa không? Câu trả lời trung thực phải là “không”. Hiệu quả có thể là đáng kinh ngạc, nhưng chung cuộc cho cảm tưởng hệt – hãy cứ dùng chính từ ngữ của ông Hutchins – như ở trong bệnh viện. Tuy nhiên, gần đây tôi có đọc được là các huấn luyện viên Siêu Chậm khác đã áp dụng một phương pháp thư giãn hơn. Tò mò, tôi đáp ngay một chuyến máy bay để tìm hiểu một phòng tập Siêu Chậm rất phát đạt ở New York.

Bảy tầng nhà ở vị trí khang trang trên Đại lộ Madison, trong khu Manhattan giữa lòng thành phố, Trung tâm Huấn luyện Tối ưu trông giống một cung thể dục truyền thống hơn: gương soi trên tường, tiếng nhạc trên hệ thống âm thanh, tiếng cười đùa lan văng vẳng. Ông chủ Trung tâm, Lou Abato, có mái tóc đuôi ngựa và nụ cười thường trực trên môi. Tấm ảnh chụp cuộc gặp gỡ của anh với Arnold Schwarzenegger chiếm vị trí danh dự trên bậu cửa sổ cạnh quầy tiếp tân, ngay bên trên mấy cái giá chất ngất những tạp chí cơ bắp. Abato có thể chất kiểu anh hùng siêu nhân và vẫn thường tranh tài trong các cuộc thi thể hình, vậy nhưng chế độ tập luyện của anh tự nó chỉ ở mức tối thiểu: mỗi tuần một buổi tập Siêu Chậm – không hơn. “Ai cũng thấy thật khó tin, nhưng ấy là tất cả những gì ta cần,” anh bảo tôi.

Tuy nhiên, Trung tâm Huấn luyện Tối ưu không phải là thánh địa Mecca cho những người hùng cơ bắp. Khách hàng của Abato hầu hết là giới chuyên nghiệp tại Manhattan. Có mặt đầu tiên, lúc tám rưỡi sáng, là một luật sự trung niên chuyên về lĩnh vực xây dựng, một “cựu binh” Siêu Chậm đã ba năm tên là Jack Osborn. Anh ló ra khỏi phòng thay quần áo, vận sơmi trắng cụt tay, quần sooc xanh. Ngoài cái bụng hơi phệ, trông anh khá cân đối. Abato đẩy anh vào máy tập chân cùng kiểu với chiếc mà tôi đã thử với Hutchins, rồi buổi tập bắt đầu. Osborn làu bàu và nhăn nhó suốt những lần đẩy tạ. Anh thở gấp, mắt lồi ra, môi run rẩy. Tôi cảm thấy sự đau đớn của anh. Abato nhắc anh đừng có lẩn tránh bằng tốc độ: “Chậm lại, chậm lại ngay. Đừng có vội.” Và cứ thế tiếp tục. Khoảng hai mươi phút sau, Osborn đã quay lại trong bộ comple màu than, vừa bảo tôi Siêu Chậm đã giúp anh bỏ đi 5,45 cân, khắc phục được chứng đau lưng kinh niên, và cho anh năng lượng dự trữ dồi dào. “Cứ y như là tôi có một cơ thể hoàn toàn mới,” anh tâm sự. Với một linh cảm, tôi hỏi anh liệu có phải cử tạ thật chậm cũng cho hiệu quả về tâm lý hay không. Nó có dạy cho anh cách xử trí cuộc vật lộn về kế sinh nhai ở New York theo khuôn khổ tinh thần Chậm hay không? Mặt anh tươi lên. “Đó không phải là lý do tôi bắt đầu tập Siêu Chậm, nhưng rõ ràng là một trong những lợi ích nó đem lại,” anh nói. “Sự tĩnh lặng thiền định tôi đạt được ở đây duy trì suốt cả ngày. Nếu tôi có một cuộc gặp gỡ quan trọng hoặc phiên hẹn của tòa án, tôi thu xếp để vẫn tập luyện Siêu Chậm, như vậy tôi sẽ bước vào cuộc hẹn tập trung hơn, với tinh thần sáng suốt và tự chủ.” Mới đây Osborn đã tỏ ra xuất sắc trong vụ kiện rất lắt léo, nên dù sao anh cũng thổ lộ vài lời khen cho môn cử tạ chậm. “Ngay cả khi mọi việc trở nên rối tung rối mù, như thường xảy ra trong các phiên tòa, tôi vẫn thấy tập trung và bình thản. Tôi có thể “lái” được khách hàng, chánh án và các thẩm phán của phiên tòa,” anh nói. “Cũng giống như những lợi ích về thể chất, Siêu Chậm đã giúp tôi thành công hơn tại tòa.”

Đấy thực sự là một lời xác nhận. Liệu những khách hàng khác của Abato có thể nào cũng sốt sắng như vậy chăng? Vâng, té ra cũng vậy. Sauk hi Osborn quay trở lại văn phòng, Mike Marino, cố vấn quản lý 55 tuổi, kể tôi nghe Siêu Chậm đã giúp ông giảm tới non lượng mỡ trên cơ thể trong vòng chin tháng ra sao. Cao ráo, gọn gang và rám nắng, ông có vẻ như vừa bước ra từ một catalogue trang phục nam. Cũng giống Osborn, ông xem Siêu Chậm như vắcxin ngừa căn bệnh hối hả bẩm sinh của người New York. “Nó rõ ràng đã gỡ bỏ được vài phần cơ bản trong lối sống vội vã của tôi,” ông nói. “Giả sử trong cuộc sống tôi gặp phải vấn đề quan trọng, bản năng tôi từ trước đến nay là luôn cố giải quyết nhanh, vượt qua càng sớm càng tốt. Bây giờ tôi tiếp cận mọi vấn đề theo cách có cân nhắc hơn, vốn có lợi cho công việc tư vấn.”

Hết khách hàng nọ đến khách hàng kia kể cùng câu chuyện về thân thể khỏe mạnh, căng tràn hơn, không còn đau đớn – nhiều người còn ca ngợi Siêu Chậm ở chỗ cho họ nội tâm tĩnh lặng để duy trì lý trí sáng suốt giữa đời sống Manhattan xô bồ. Siêu Chậm thành ra Chậm với đầy đủ ý nghĩa của từ này.

Sauk hi cảm ơn Abato vì sự giúp đỡ của anh, tôi đi thang máy xuống phố. Bên ngoài, trên vỉa hè, một quý cô trẻ tuổi, tóc chải cầu kỳ tốn kém, đang say sưa ca ngợi Siêu Chậm qua điện thoại cầm tay. Tôi vờ lục lạo túi xách để nghe lỏm vài câu. “Tin tớ đi, cậu sẽ thích mà,” cô thì thầm. “Chậm bây giờ là nhanh thời thượng đấy!”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.