Ngợi Ca Sống Chậm

CHƯƠNG TÁM – LÀM VIỆC: NHỮNG LỢI ÍCH KHI CÔNG VIỆC BỚT NHỌC NHẰN



Người thợ cày không thể hiểu rằng khi bắt cơ thể làm việc quá tải, họ dốc cạn sức lực của họ và của con cái họ, rằng họ bị vắt kiệt và vắt kiệt rất lâu trước lúc họ không còn có thể làm gì nữa, rằng bị lôi cuốn và hành hạ bởi thói tật duy nhất này họ không còn là con người nữa mà chỉ là những mảnh người, rằng họ hủy diệt đi trong họ mọi khả năng tuyệt vời, chẳng để cho cái gì sống sót và nảy nở ngoại trừ mỗi một điều ngu xuẩn là làm việc như điên.

– PAUL LAFARGUE, QUYỀN ĐƯỢC LƯỜI BIẾNG (1883)

Ngày xửa ngày xưa, cũng chưa xưa lắm, cái hồi loài người còn mong chờ một Kỷ Nguyên Thư Nhàn mới. Máy móc hứa hẹn sẽ giải phóng con người khỏi lao động khổ sai. Hẳn nhiên chúng ta vẫn phải bỏ thì giờ vào ca kíp lặt vặt ở văn phòng hay nhà máy, nhấn nút màn hình, xoay núm điều chỉ, ký hóa đơn, nhưng thời gian còn lại trong ngày sẽ để lang thang và vui chơi giải trí. Với nhiều thời gian rảnh rỗi trong tay, thì những từ như “vội vàng” và “hấp tấp” hẳn sẽ ra khỏi vốn ngôn ngữ.

Benjamin Franklin là một trong những người đầu tiên hình dung một thế giới dành cho nghỉ ngơi và thư giãn. Đầy cảm hứng do những đột phá công nghệ vào cuối những năm 1700, ông tiên đoán chẳng bao lâu nữa loài người sẽ làm việc không quá bốn tiếng một tuần. Thế kỷ mười chín đã khiến những lời tiên tri đó có vẻ như ngây ngô, rồ dại. Trong  những nhà máy tối tăm như địa ngục ở thời kỳ Cách Mạng Công Nghiệp, đàn ông, đàn bà thậm chí là trẻ em phải làm việc quần quật mười lăm tiếng một ngày. Thế nhưng cuối thế kỷ mười chín, Kỷ Nguyên Thư Nhàn lại một lần nữa bùng phát trên hệ thống ra đa văn hóa. George Bernard Shaw tiên đoán rằng cho tới năm 2000 chúng ta sẽ làm việc mỗi ngày hai giờ.

Giấc mộng nhàn rỗi vô biên cứ đeo đẳng qua suốt thế kỷ hai mươi. Bị lóa từ những hứa hẹn thần kỳ từ công nghệ, con người trên đường phố mơ tới cuộc đời nằm ườn bên bể bơi, mặc cho robot phục vụ không chỉ ly Martini mà còn cả duy trì nền kinh tế vận hành hoàn hảo. Năm 1956, Richard Nixon bảo người Mỹ hãy sẵn sàng cho một tuần làm việc bốn ngày trong một “tương lai không quá xa”. Một thập kỷ sau, một Tiểu Bang thuộc Thượng Nghị viện Mỹ được báo cáo là vào năm 2000 người Mỹ sẽ chỉ làm việc mười bốn giờ một tuần. Ngay hồi những năm 1980, vài người còn tuyên đoán là rôbot và máy vi tính sẽ khiến ta có nhiều thời gian rỗi rãi hơn nữa đến mức chẳng biết dùng vào việc gì.

Liệu có thể nào họ sai lầm không nhỉ? Nếu ta có thể chắc chắn về một điều gì đó trong thế kỷ hai mươi mốt, thì chính là những báo cáo về “sự cáo chung của công việc” đã bị thậm xưng quá đáng. Ngày nay, Kỷ nguyên Thư Nhàn xem ra cũng khả thi y như văn phòng không giấy tờ. Phần lớn chúng ta làm việc mười bốn giờ một ngày chứ không phải mười bốn giờ một tuần. Công việc đang ngấu nghiến hầu hết số giờ tỉnh táo của chúng ta. Còn mọi thứ khác trong cuộc sống – gia đình và bạn bè, tình dục và ngủ nghê, những sở thích và những ngày nghỉ – thì buộc phải khom lưng xúm quanh lịch làm việc đầy quyền lực.

Trong thế giới công nghiệp, số giờ lao động trung bình bắt đầu đều đặn giảm đi từ giữa những năm 1800, khi mà tuần làm việc sáu ngày trở thành quy chuẩn. Nhưng trong hơn hai mươi năm qua, hai xu thế đối lập bắt đầu có ảnh hưởng chi phối.

Trong khi người Mỹ vẫn làm việc nhiều như hồi năm 1980, thì người châu Âu làm việc ít hẳn đi. Theo một ước tính, hiện nay trung bình một người dân Mỹ làm việc nhiều hơn đối tác châu Âu tới 350 giờ một năm. Năm 1997, Mỹ thay thế Nhật Bản trở thành quốc gia công nghiệp với số giờ lao động lê thê nhất. Bằng vào tương quan so sánh, châu Âu giống như thiên đường của những người nhàn tản. Cho dù ngay tại đó bức tranh vẫn còn nhiều pha trộn. Để heo kịp nền kinh tế toàn cầu nhịp-độ-nhanh, hai-mươi-bốn-giờ-liên-tục, nhiều người châu Âu đã học được cách làm việc nhiều hơn, giống như người Mỹ.

Đằng sau những con số thống kê trung bình, sự thật tàn nhẫn là hàng triệu người làm nhiều giờ hơn và vất vả hơn họ muốn, nhất là tại những nước Ănglô-Xắcxông. Cứ bốn người Canadathì có một người bị hành hạ làm việc tới hơn năm mươi giờ một tuần, so với tỷ lệ một phần mười năm 1991. Cho tới năm 2002, một phần năm số người Anh trong độ tuổi ba mươi làm việc ít nhất sáu mươi giờ một tuần. Ấy là còn chưa tính đến khoảng thời gian dài dằng dặc hàng tiếng đồng hồ dành cho việc đi và về.

Chuyện gì xảy ra với Kỷ Nguyên Thư Nhàn? Vì sao quá nhiều người trong chúng ta phải làm việc vất vả đến thế? Một nguyên do là tiền. Ai cũng cần kiến sống, nhưng sự thèm khát hàng tiêu dùng vô độ có nghĩa là chúng ta càng ngày càng cần nhiều tiền hơn. Vậy nên, thay vì chọn thu lợi từ năng suất cao dưới hình thức có thêm thời gian nghỉ, chúng ta lại chọn thu nhập cao hơn.

Trong khi đó, công nghệ cho phép công việc luồn sâu vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Trong kỷ nguyên siêu tốc thông tin, chẳng nơi nào thoát khỏi thư điện tử, fax và những cú điện thoại. Một khi anh có thể vào cơ sở dữ liệu của công ty khi ở nhà, tiếp cận Internet khi ngồi trên máy bay, hoặc nhận được điện thoại của “sếp” khi nằm trên bờ biển, thì bất cứ ai cũng có thể bị làm việc suốt ngày. Qua kinh nghiệm bản thân, tôi biết rằng làm việc tại nhà có thể dễ dàng biến thành làm việc cả ngày. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Marylin Machlowitz, tác giả cuốn Những kẻ tham công tiếc việc (1980), cho rằng thế kỷ hai mươi mốt sức ép phải “luôn luôn sẵn sàng” sẽ là phổ quát: “Những kẻ ham công tiếc việc thường là những kẻ phải àm việc bất kể giờ giấc nào, bất kể ở đâu. Điểm khác xưa ở chỗ ‘sẵn sàng 24/7’ đã trở thành chuẩn mực.”

Cũng có thêm nhiều việc phải làm hơn ở hầu hết các vị trí công tác. Sau nhiều năm ròng thay đổi cơ cấu và giảm thiểu quy mô, các công ty kỳ vọng đội ngũ nhân viên ra tay gánh vác khối lượng công việc mà các đồng nghiệp bị sa thải của họ để lại. Với nỗi sợ thất nghiệp lơ lửng ở các văn phòng và xí nghiệp, nhiều người coi làm thêm giờ là cách tốt nhất chứng minh giá trị của mình. Hàng triệu người cứ đi làm mặc dù đã quá mệt mỏi hoặc quá ốm yếu để có thể đạt hiệu quả cao. Còn hàng triệu người nữa chẳng khi nào sử dụng trọn vẹn những ngày nghỉ chính đáng của mình.

Thật là điên rồ. Trong khi một số người thích làm việc nhiều giờ, và nên được cho phép như vậy, thì kỳ vọng mọi người khác đều theo kịp mình thì quả là chuyện sai lầm. Làm việc quá vất vả hại cho chúng ta và cho nền kinh tế. Một nghiên cứu năm 2002 do Đại học Kyushu ở Fukuoka,Nhật Bản tiến hành đã phát hiện những người làm việc sáu mươi giờ một tuần có khả năng bị đau tim cao gấo hai lần những người làm việc có bốn mươi giờ. Nguy cơ tăng lên gấp ba đối với những ai ngủ dưới năm tiếng một đêm ít nhất hai lần trong một tuần.

Stress ở nơi làm việc không phải hoàn toàn có hại. Với liều lượng hạn chế, nó giúp tập trung tinh thần và nâng cao năng suất. Nhưng, nếu quá nhiều nó có thể trở thành chiếc vé một chiều dẫn tới sự suy sụp cả tinh thần và thể xác. Trong một cuộc thăm dò ý kiến mới đây, có hơn 15% người Canada than thở rằng stress vì công việc đẩy họ tới bờ vực tự sát.

Các công ty cũng phải trả giá cho việc áp đặt thứ văn hóa làm việc nhiều giờ. Hiệu quả sản xuất vốn cực kỳ khó đo lường, nhưng các học giả nhất trí rằng nếu làm việc quá sức cuối cùng sẽ vấp phải ngưỡng giới hạn tận cùng. Đó là lẽ thường tình: Năng suất của chúng ta sẽ thấp đi khi ta mệt mỏi, căng thẳng, không vui vẻ hay không khỏe mạnh. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế thì các công nhân ở Bỉ, Pháp và Na-Uy đều có năng suất lao động tính theo giờ cao hơn công nhân Mỹ. Người Anh để thời gian làm việc nhiều hơn đa phần người châu Âu, và là quốc gia có năng suất làm việc theo giờ thấp nhất. Làm việc ít hơn thường có nghĩa là làm việc hiệu quả hơn.

Bên cạnh sự tranh cãi căng thẳng về năng suất hàm chứa vấn đề có thể là quan trọng nhất trong tất cả: Sống là để làm gì? Đa phần mọi người có lẽ đồng ý rằng lao động là hữu ích cho chúng ta. Lao động có thể vui, thậm chí là cao quý. Rất nhiều người trong chúng ta vui với công việc – sự thách thức về trí tuệ, nỗ lực về cơ bắp, sự giao lưu xã hội, vấn đề địa vị. Nhưng để cho công việc tước đoạt cuộc sống của mình thì thật là ngu dại. Có bao nhiêu thứ khác quan trọng cũng đòi hỏi thời gian, như bạn bè, gia đình, những sở thích cá nhân và nghỉ ngơi thư giãn.

Đối với phong trào Chậm, nơi làm việc là mặt trận chính, khi mà công việc ngốn của chúng ta nhiều thời gian đến vậy, thời gian còn lại cho mọi thứ khác thật là eo hẹp. Ngay những việc đơn giản nhất – đưa con đi học, ăn tối, chuyện gẫu với bạn bè – cũng trở thành cuộc chạy đua với thời gian. Con đường chắc chắn để chậm lại là làm việc ít đi. Và đó chính là điều hàng triệu con người trên thế giới đang mong mỏi.

Ở khắp mọi nơi, đặt biệt là ở những nền kinh tế làm-nhiều-giờ, các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy tồn tại khao khát giảm bớt thời gian cho công việc. Trong một khảo sát quốc tế mới đây do các nhà kinh tế học thuộc trường Đại học Warwick và trường Cao đẳng Darmouth tiến hành, 70% số người tại hai mươi bảy quốc gia nói rằng họ muốn cân bằng hơn giữ vui sống và làm việc. Ở Mỹ, làm sóng phản đối chủ nghĩ tham công tiếc việc đang tập trung sức mạnh. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp có uy tín, từ Starbuck tới Wal-mart phải đối diện với những kiện cáo của các nhân viên bị cưỡng bức làm thêm giờ mà không được trả lương. Nhiều người Mỹ ngày nay ngấu nghiến những cuốn sách chỉ ra do đâu mà sống và làm việc nhàn nhã hơn lại có thể đem đến thành công và hạnh phúc. Vài tựa sách xuất bản mấy năm gần đây gồm có: Con đường lười biếng dẫn đến thành công, Cẩm nang thành công của người lười và Tầm quan trọng của lười biếng. Năm 2003, tại Hoa Kỳ, những người tham gia chiến dịch vận động rút ngắn hơn nữa thời gian làm việc đã tổ chức đại hội quốc gia lần thứ nhất “Hãy Đòi Lại Ngày Giờ Của Bạn” trùng ngày 24 tháng 10, theo một số đánh giá đây chính là ngày người Mỹ đã làm việc bằng người châu Âu làm việc cả năm.

Trong toàn thế giới công nghiệp, các trưởng bộ phận tuyển người cho biết các ứng viên xin việc trẻ tuổi đã bắt đầu đặt những câu hỏi mà cách đây mươi mười lăm năm là không thể hình dung nổi: Tôi có thể rời văn phòng vào một giờ buổi chiều hợp lý không? Liệu có thể bớt thu nhập đổi lấy thời gian nghỉ hè, nghỉ đông không? Liệu tôi có được làm chủ giờ làm việc của mình không? Trong các cuộc phỏng vấn nối tiếp nhau, thông điệp vang lên rõ ràng và dõng dạc: chúng tôi muốn làm việc, nhưng chúng tôi cũng muốn sống nữa.

Phụ nữ đặc biệt hào hứng với sự cân bằng giữa công việc và đời sống. Những thế hệ vừa qua đã được nuôi dạy với niềm tin rằng quyền và nghĩa vụ của họ chính là được có tất cả: gia đình, sự nghiệp, nhà cửa, đời sống xã hội xứng đáng. Nhưng “có tất cả” hóa ra lại là một cốc rượu lễ tẩm thuốc độc. Hàng triệu phụ nữ đã nhận ra hình ảnh mệt nhọc tả tơi của chính mình trong tuyển tập các tiểu luận Con sói cái nội trợ và Tôi chẳng hiểu cô ta xoay sở ra sao, cuốn tiểu thuyết ăn khách của Allison Pearson viết về một bà mẹ công nhân vật lộn để vừa điều hành một Quỹ Tương Hỗ vừa quán xuyến gia đình. Chán ngấy phải nỗ lực trở thành một “nữ siêu nhân”, các bà các cô đang đi đầu đòi đàm phán lại thỏa ước lao động. Mọi quan điểm đều thay đổi. Tại những dạ tiệc xa hoa, những phụ nữ đầu bảng giờ tự hào về thời gian nghỉ đẻ cũng y như quy mô tiền thưởng. Ngay cả những bà, những cô nhiều tham vọng nhưng chưa con cái cũng đang hô hào đòi tuần làm việc bốn ngày.

Janice Turner, nhà báo phụ trách một chuyên mục trên tờ Người Bảo Vệ, mới đây có ghi nhận rằng con đường thong thả có thể là ngọt-đắng-lẫn-lộn cho người phụ nữ hiện đại: “Thật tàn nhẫn biết bao khi cả một thế hệ phụ nữ được đào tạo để thành công, để từng giờ một chứa đầy hoạt động có tầm quan trọng cuối cùng cũng phát hiện ra rằng hạnh phúc không phải ở chỗ nhanh nhất và bận rộn nhất. Thật trớ trêu làm sao khi mà sự hài lòng lại thường ở chỗ lắng mình: vui sướng với câu chuyện trước giờ đi ngủ, không vội vã lật trang để gọi điện cho New York.”

Ở khắp mọi nơi, các chính trị gia thèm-khát-phiếu-bầu vội lao vào phong trào làm việc- vui sống đang rộng khắp. Năm 2003, Đảng Quebec ở Canada đề xuất tuần làm việc bốn ngày cho các cặp bố mẹ có con nhỏ. Liệu những lời hứa hẹn như thế đến bao giờ được đưa vào Hiến pháp hay không thì còn phải chờ xem. Nhiều chính trị gia, cũng như các công ty, chỉ nói đãi bôi với phong trào làm việc – vui sống. Song sự thật họ có định triển khai hay không còn tùy thuộc vào thay đổi lớn lao nào đó về văn hóa.

Sự chuyển biến đặc biệt nổi bật tại Nhật Bản, nơi một thời khiến cả thế giới kinh hoàng vì cung cách làm việc đáng sợ. Một thập kỷ đình trệ về kinh tế đã khiến cho công ăn việc làm trở nên bấp bênh, và kéo theo đó là một cách nghĩ mới về thời gian và công việc. Ngày càng có nhiều người Nhật trẻ tránh những công việc nhiều giờ để có được những khoảng nghỉ thoải mái dài hơn. “Bao nhiêu năm qua các bậc cha mẹ ở Nhật quát tháo con cái cần phải đi nhanh lên, phải làm việc cần cù hơn, nhiều hơn nữa, nhưng ngày nay người ta nói như thế đủ rồi. “Keibo Oiwa, tác giả cuốn Chậm là Tốt đẹp, khẳng định. “Thế hệ mới đang nhận ra rằng chẳng nhất thiết phải làm việc nhiều giờ tới mức khó tin, nhàn tản có gì là xấu.” Thay vì trở thành một bánh răng trong cỗ xe chung – “một người ăn lương” – nhiều bạn trẻ Nhật ngày nay ưa chuyển từ một công việc tạm thời này sang một công việc tạm thời khác. Các học giả nói về một thế hệ Fureeta, một từ mới được ghép từ chữ free trong tiếng Anh (có nghĩa tự do) và chữ arbeitertrong tiếng Đức (có nghĩa là nhân công).

Hãy xem Nobuhito Abe, một thanh niên hai mươi bốn tuổi tốt nghiệp đại học. Trong khi bố cậu ta làm việc quần quật hơn bảy mươi tiếng một tuần cho ngân hàng, thì cậu chỉ làm nửa ngày ở một cửa hàng tự chọn, thời gian còn lại trong ngày để chơi bóng chày và game hình, hoặc đi bát phố. Abe vừa cười mỉm dưới mớ tóc nhuộm vừa nói rằng cuộc sống bị chi phối bởi công việc không phải là thứ dành cho cậu ta và các bạn bè. “Thế hệ của chúng tôi cuối cùng cũng nhận ra điều mà người châu Âu đã giác ngộ từ lâu – đó là thật hết sức điên khùng khi để cho công việc choáng hết cuộc sống của anh” cậu ta nói “Chúng tôi muốn làm chủ thời gian của chính mình. Chúng tôi muốn được tự do để được nhàn tản.” Thế hệ Fureeta khó lòng là con người tiêu biểu cho tương lai – phần lớn họ bóp nặn tiền của các bậc cha mẹ làm việc cực nhọc để chi tiêu cho cuộc sống nhàn nhã của mình. Nhưng việc họ từ chối bước theo con đường làm việc như điên như dại cho thấy sự thay đổi về văn hóa. Ngay giới viên chức Nhật cũng đang thay đổi chiến thuật. Vào năm 2002, chính phủ đã kêu gọi làm việc ít giờ hơn. Hiến pháp mới cũng đã tạo thuận lợi cho vấn đề chia sẻ – công việc. Nhật Bản còn rất nhiều việc phải làm, nhưng xu thế tiến tới làm việc ít hơn đi đã bắt đầu.

Châu Âu Lục địa đã tiến xa nhất trên con đường cắt giảm giờ làm. Chẳng hạn, một người Đức trung bình ngày nay giảm được 15% giờ làm việc so với năm 1980. Nhiều nhà kkinh tế không công nhận là làm việc ít đi sẽ tạo nên nhiều việc làm hơn do phân chia bớt công việc. Nhưng tất cả đều công nhận rằng cắt giảm giờ làm sẽ tạo được nhiều thời gian hơn cho tiêu khiển, một ưu tiên hàng đầu mang tính truyền thống ở các quốc gia châu Âu Lục địa. Vào năm 1993, Cộng đồng Kinh tế Châu Âu quy định tuần làm việc tối đa bốn mươi tám tiếng, đồng thời công nhân có quyền làm thêm giờ nếu họ muốn. Vào cuối thập kỷ, Pháp tiến hành bước đi táo bạo nhất khi đưa công việc về đúng vị trí của nó bằng cách cắt giảm tuần làm việc xuống còn ba mươi lăm giờ.

Trong thực tế, Pháp quy định rằng không ai phải làm việc trên 1.600 giờ trong một năm. Từ khi việc thực hiện làm việc 35 giờ được thỏa thuận ở cấp công ty, ảnh hưởng đối với người lao động rất đa dạng. Nhiều người Pháp hiện nay thực hiện ngày làm việc ngắn hơn suốt cả năm, trong khi số khác vẫn làm như cũ, thậm chí còn nhiều giờ hơn mỗi tuần, nhưng có thêm ngày nghỉ. Một ủy viên quản trị trung cấp người Pháp có thể thích được chín tuần hoặc hơn để nghỉ hè hàng năm. Dù một vài người thuộc giới nhà nghề – trong đó có những nhà quản trị, bác sĩ, nhà báo và nhà binh – không bị ràng buộc bởi quy định ba mươi lăm giờ, nhưng tác động thực tế là cả cuộc cách mạng vể thư nhàn.

Đối với nhiều người Pháp, thời gian cuối tuần bây giờ bắt đầu từ thứ Năm, hoặc kết thúc vào thứ Ba. Hàng loạt nhân viên văn phòng rời bàn làm việc vào lúc ba giờ chiều. trong khi một số người thời gian rỗi dôi dư ấy một cách vô vị – ngủ hoặc xem ti vi – thì rất nhiều người khác đã kịp mở rộng chân trời của mình. Số người đăng ký tham gia các lớp học ngoại ngữ, học nhạc, học nghệ thuật tăng lên rõ rệt. Các nhà kinh doanh tua du lịch báo cáo một sự bùng phát những chuyến đi chơi ngắn ngày sang Luân Đôn, Barcelona và những địa điểm nổi tiếng khác của châu Âu. Các quầy rượu, hộp đêm, rạp chiếu bóng và câu lạc bộ thể thao đông nghịt người. Chi tiêu nhiều hơn vào các trò tiêu khiển, giải trí đã tiêm cho nền kinh tế một liều thuốc bổ cực kỳ cần thiết. Nhưng có ý nghĩa hơn tất cả mọi con số kinh tế, tuần lễ làm việc ngắn hơn đã làm cuộc cách mạng trong cuộc sống của mọi người. Bố mẹ có nhiều thời gian hơn để chơi với các con, bạn bè thăm nom nhau nhiều hơn, các lứa đôi có nhiều thời gian hơn để mơ mộng, lãng mạn. Ngay trò tiêu khiển ưa thích của người Pháp, món ngoại tình, cũng được lợi. Paul một anh chàng kế toán ở miền Nam nước Pháp đã có vợ, bảo tôi là tuần làm việc ba mươi lăm tiếng đã cho phép anh có thêm một cuộc hẹn hò hàng tháng với người tình. “Nếu cắt giảm gánh nặng công việc lại cho ta nhiều thời gian hơn cho tình yêu, thì quả là một điều tuyệt diệu, n’est ce pas? (phải không nào?)” anh ta nói và cười ré lên.

Hiển nhiên là chẳng khó khăn gì cũng tìm được nhiều người hâm một chế độ mới này. Hãy xem trường hợp Emillie Guimard. Nhà kinh tế học làm việc tại Paris này ngoài sáu tuần nghỉ hàng năm được trả lương còn được hàng tháng nghỉ thêm hai lần, mỗi lần ba ngày cuối tuần. Bà đã tham gia chơi tennis, và bắt đầu đọc tờ Thế giới số xuất bản ngày chủ nhật từ đầu đến cuối. Bà dùng nhiều đợt nghỉ dài cuối tuần để đi thăm các viện bảo tàng khắp châu Âu “Nay thì tôi đã có thời gian để làm cho cuộc sống phong phú hơn, thế là tốt cho cả tôi và các nhân viên của tôi”, bà nói “Khi được thoải mái và hạnh phúc trong cuộc sống riêng tư, ta sẽ làm việc tốt hơn. Tại văn phòng, phần lớn chúng tôi cảm thấy mình làm việc có hiệu quả hơn trước đây.”

Nhiều công ty lớn đâm ra thích tuần làm việc ba mươi lăm tiếng. Bên cạnh được giảm thuế vì thuê nhiều nhân công hơn, chế độ mới còn cho phép họ thương lượng những cách làm việc linh hoạt hơn. Nhân viên ở các nhà máy lớn như Renault và Peugeot đã bằng lòng làm việc thêm giờ khi phải đẩy sản xuất lên mức tối đa và làm việc ít giờ khi sản xuất thu hẹp.

Như vậy các Cassandra cảnh báo rằng tuần làm việc ba mươi lăm tiếng sẽ đẩy kinh tế Pháp vào tình trạng suy sụp ngay lập tức đã thật là sai lầm. tổng sản phẩm quốc nội vẫn tăng trưởng, và nạn thất nghiệp, mặc dù vẫn còn ở trên mức trung bình của EU, đã giảm hẳn. Năng suất vẫn ở mức cao. Quả thật, một số bằng chứng cho thấy nhiều công nhân Pháp nay đạt năng suất cao hơn. Với ít thời gian hơn cho công việc, và có nhiều thú vui giải trí hơn để trông đợi, họ nỗ lực hơn nhiều nhằm kết thúc công việc trước khi hết giờ.

Tuy nhiên cũng có nhiều con sâu làm rầu nồi canh. Những doanh nghiệp nhỏ thấy rằng tuần làm việc ba mươi lăm tiếng là một gánh nặng thật sự, và có nhiều doanh nghiệp cố trì hoãn thực hiện việc này cho đến kỳ hạn chót là vào năm 2005. Khoản giảm thuế, trụ cột của cả hệ thống, đã tạo ra một lỗ thủng trong ngân sách. Trong khi đó, giới kinh doanh thì rên rỉ là cuộc cách mạng trong vui chơi giải trí làm cho Pháp mất khả năng cạnh tranh. Đúng là về việc này có một phần sự thật. Dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Pháp trong những năm vừa rồi đã giảm đi, vì mọi công ty đều chọn những nước có lao động giá rẻ để đầu tư. Tuần làm việc ba mươi lăm tiếng phải chịu một phần trách nhiệm về lời buộc tội. Quả thật, trường hợp của Pháp cho thấy rõ những mối nguy hiểm khi đơn phương chống lại văn hóa làm việc nhiều giờ trong nền kinh tế toàn cầu.

Chế độ ba mươi lăm tiếng cũng chẳng phải là phước lành đối với toàn thể công nhân. Nhiều người thấy rằng lương của mình bị giảm đi để bù đắp chi phí kinh doanh ngày càng cao. Trong cả hai khu vực công và tư, các giám đốc thường không thuê được đủ nhân viên mới, do vậy, đội ngũ nhân viên hiện tại cứ phải è cổ gánh vác nguyên những công việc như trước đây nhưng với số giờ làm ít hơn, Những người lao động chân tay bị đối xử đặc biệt không công bằng. Quy định hạn chế làm thêm giờ khiến thu nhập của họ bị giảm sút, và nhiều công nhân không còn chủ động được thời gian nghỉ hè. Với những công nhân thực sự muốn làm việc nhiều giờ thì hệ thống này lại là một sự nguyền rủa.

Do đã đầu tư nhiều đến thế vào ý tưởng ba mươi lăm tiếng, nên bản thân quan điểm của Pháp tới thời điểm này đã dẫn đến sự bực mình ám ảnh. Nhà nước thực thi hiệu lực tuần làm việc ba mươi lăm tiếng bằng các thanh tra ưa soi mói, những người sẽ đếm từng chiếc xe trong bãi đỗ xe của công ty và dọ tìm ánh đèn trong các văn phòng sau sáu giờ chiều. Các ông chủ dường như càng cau mày với chuyện nghỉ giữa giờ để uống cà phê hoặc đi vệ sinh. Nhiều cửa hàng Pháp ngày nay đóng cửa sớm để các nhân viên có thể ra về đúng giờ nghỉ chính thức.

Hệ thống còn nhiều điều chưa ổn, mọi người đều biết thế. Vào năm 2002, chính phủ mới thuộc cánh tả thực hiện bước đầu tiên hướng tới thay đổi chế độ ba lăm tiếng bằng việc nới lỏng những hạn chế làm thêm giờ. Trong một cuộc thăm dò ý kiến vào tháng Chín năm 2003, phần đông công dân Pháp cho rằng Pháp nên trở lại chế độ làm việc tuần ba mươi chín tiếng. Ba mươi sáu phần trăm muốn sự thay đổi đó là vĩnh viễn, 18% cho là chỉ nên tạm thời. Nhưng dù những người chỉ trích quả quyết rằng một cuộc chống cải cách đang được tiến hành, việc bãi bỏ toàn bộ chẳng thể diễn ra dễ dàng. Đã để ra hàng năm trời và rất nhiểu tiền bạc nhằm thực hiện tuần làm việc ba mươi lăm tiếng, các công ty Pháp đều rất ghét phải mở lại những vòng thương lượng phức tạp và dễ gây chia rẻ. Hơn nữa, sự ủng hộ cho triết lý nền tảng của hệ thống – làm việc ít, vui chơi nhiều – vẫn còn rất mạnh.

Bài học cho các nước khác, nhất là những nước quen văn hóa chỉ đạo tập trung (dirigiste)là sử dụng một giải-pháp-chung-cho-mọi-tình-huống hòng rút ngắn tuần làm việc sẽ gặp nhiều trở ngại, do vậy mà cuộc chiến cắt giảm giờ làm ở những nơi khác có hình thức khác.

Những nước châu Âu khác đã sử dụng hình thức thương lượng tập thể để giảm bớt giờ làm việc trong từng khu vực riêng biệt của nền kinh tế. Hà Lan thường được nêu lên như mẫu mực của phương pháp từng phần này. Ngày nay, người Hà Lan làm việc ít giờ hơn hầu hết nước công nghiệp nào. Tuần làm việc chuẩn của họ đã giảm xuống ba mươi tám tiếng, với một nửa số lao động làm việc ba mươi sáu tiếng trong năm 2002. Một phần ba người lao động Hà Lan nay làm việc bán thời gian. Cốt yếu trong thay đổi này chính là điều luật được thông qua trong những năm 1990 cho người Hà Lan quyền buộc những chủ sử dụng lao động để họ làm việc ít giờ hơn thì nhận lương ít hơn. Sự can thiệp như vậy vào thị trường lao động khiến cho các nhà kinh tế chính thống phải rùng mình. Nhưng nó lại có tác dụng. Người Hà Lan  kết hợp sự phồn thịnh với chất lượng cuộc sống đáng ganh tị. So với người Mỹ, người Hà Lan tốn ít thời gian hơn cho việc đi lại, mua sắm và xem truyền hình mà để nhiều thời gian hơn cho việc giao lưu xã hội, học hành, chăm sóc con trẻ và theo đuổi các môn thể thao cùng các sở thích riêng. Nhiều nước khác, nhất là Nhật Bản, đã bắt đầu học theo “mô hình Hà Lan”.

Trong thị trường lao động, ngay cả ở nơi các nhà làm luật rất ghét phải can thiệp vào, từng người cũng đang tự mình đứng lên chống lại cung cách làm việc suốt ngày đêm. Vào năm 2002, Suma Chakrabarti, một trong những công chức cao cấp tài năng nhất nước Anh, nhận vị trí công tác gần đây nhất của ông là thư ký thường trực Bộ Phát Triển Quốc Tế với điều kiện sẽ chỉ làm việc với bốn mươi tiếng một tuần, không hơn một giây. Vì sao? Vì như thế ông sẽ có thời gian sáng sáng ăn điểm tâm với đứa cháu gái vừa lên sáu, và tối tối đọc truyện cho cô bé nghe trước khi ngủ. Bên kia bờ Đại Tây Dương, tổng thống George W.Bush chẳng hề có lời xin lỗi nào vì ngày làm việc ngắn ngủi cùng những dịp cuối tuần thoải mái. Và cũng với mỗi nhân vật tham vọng giật tít bắt đầu cắt giảm giờ làm, hàng triệu dân thường lại noi theo. Mặc dù làm việc ít hơn thường có nghĩa là kiếm được ít tiền hơn, ngày càng có nhiều người trong chúng ta cho rằng đó là cái giá xứng đáng. Một cuộc khảo sát mới đây ở Anh cho thấy so với số người thích trúng số, thì số người tán thành làm việc ít giờ đông hơn gấp hai lần. Một nghiên cứu tương tự tại Hoa Kỳ phát hiện khi cho lựa chọn giữa hai tuần nghỉ hè hoặc được lĩnh thêm hai tuần lương, số người Mỹ chọn nghỉ hè đông gấp hai. Khắp châu Âu, làm việc bán thời gian lan tỏa dấu ấn “McJob72[71]” để trở thàn sự lựa chọn lối sống ngày càng phổ biến. Một nghiên cứu năm 1999 cho thấy 77% lao động thời vụ tại EU chọn một cách làm việc ít giờ hơn, để có thêm thời gian cho gia đình, cho sở thích riêng và nghỉ ngơi.

Đúng hàng đầu trong hệ sinh vật cá lớn nuốt cá bé ở các công ty, ngày càng nhiều những người thành đạt cao lựa chọn làm lao động tự do hoặc ký hợp đồng độc lập. Các này cho phép họ làm việc cật lực khi họ muốn và vẫn có thời gian để nạp lại năng lượng, vui hưởng những đam mê cá nhân và đi bát phố với cả nhà. Nhiều người còn tránh né cả cơn bùng phát “chấm com”. Dan Kemp đã để ra ba năm làm việc chín mươi tiếng một tuần với cương vị quản lý dự án cho một công ty phần mềm ở Thung lũng Silicon. Thời gian làm việc dài dằng dặc làm ảnh hưởng căng thẳng tới cuộc sống sống gia đình đến mức vợ anh đã đe dọa bỏ anh và ra đi với hai đứa con gái sinh đôi. Khi công ty phá sản vào năm 2001, và Kemp thấy mình lại phải đứng đường, anh quyết định xuống thang. Bây giờ thì anh làm việc bốn ngày một tuần, giúp các công ty quản lý hệ thống công nghệ thông tin. Anh vẫn lĩnh khoản lương kha khá và còn đủ thời gian cho gia đình cũng như thứ chơi gôn. Cho tới nay anh vẫn chưa có bất lỳ một sự không tán thành hoặc sự coi thường nào từ phía các đồng nghiệp làm việc trọn ngày “Có thể họ còn ghen tị với cách sống của tôi,” anh khẳng định.

Hóa ra trên thực tế những ai cắt giảm giờ làm việc thường chịu mức tác động tài chính ít hơn dự tính. Đó là do bớt thời gian vào công việc đồng nghĩa với bớt tiền cho những thứ cho phép ta làm việc: đi lại, thuê chỗ đỗ xe, ăn cơm tiệm, uống cà phê, mua thức ăn làm sẵn, thuê người trông trẻ, giặt giũ, chữa bệnh lặt vặt. Thu nhập ít hơn lại cũng đồng nghĩa với đóng thuế ít hơn. Trong một nghiên cứu tại Canada, một số người lao động nhận khoản tiền lương bị cắt giảm do làm việc bớt giờ lại hóa ra có nhiều tiền ở ngân hàng hơn vào lúc cuối tháng.

Nhận thấy gió đang thổi chiều nào, các công ty khắp thế giớ công nghiệp bắt đầu mời chào nhân viên của mình cơ hội thoát khỏi guồng máy làm việc nhiều giờ. Ngay trong những ngành công nghiệp tốc độ cao và sức ép lớn, các ông chủ cũng lập tức hiểu rằng một cách để nâng cao hiệu suất và lợi nhuận chính là tạo ra đội ngũ nhân viên của mình sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống. Tại SAS, một công ty phần mềm hàng đầu có trụ sở tại Cary, bắc California, đội ngũ nhân viên làm việc ba mươi lăm giờ một tuần khi công việc cho phép và hưởng kỳ nghỉ phúc lợi nhiều ngày. Công ty còn cung cấp tiện nghi tại chỗ trọn gói, bao gồm cả trông nom trẻ em, phòng khám bệnh, quán cà phê có nghệ sĩ chơi dương cầm, phòng thể dục – và khuyến khích các nhân viên sử dụng các tiện nghi đó. SAS đều đặn được bầu là một trong những công ty có điều kiện làm việc tốt nhất Hoa Kỳ.

Xa hơn về phía Bắc, ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) cũng được hoan nghênh bởi chấp nhận rằng các nhân viên của mình còn có cuộc sống bên ngoài văn phòng làm việc. Vào một ngày bất kỳ định sẵn, có tới 40% nhân viên RBC được sử dụng chương trình làm việc vui sống ¾ sự chia sẻ công việc, giờ giấc linh hoạt, giờ làm giảm. Tại trụ sở ngân hàng, một tòa nhà chọc trời trắng bóng trong khu Toronto tôi gặp Karen Domarazatki và Susan Lieberman, một cặp ngoài bốn mươi tuổi, thông minh, đầy nghị lực, đã thăng tiến vững chắc từ khi cùng chia sẻ công việc với nhau từ năm 1997. Đến năm 2002, cặp đôi này lên chức phó bộ phận phụ trách bán dịch vụ ngân hàng ra nước ngoài. Chúng tôi gặp nhau vào ngày thứ Tư, ngày duy nhất trong tuần khi công việc của họ chồng chéo nhau. Văn phòng chung của họ giống như ở gia đình. Trên hai chiếc giá là cả một rừng ảnh gia đình. Các tác phẩm nghệ thuật của bọn trẻ được treo trên tường.

Cả hai người phụ nữ này có con đường sự nghiệp tương tự nhau. Sau khi có bằng MBA, họ bắt đầu lên dần trên các bậc thang công việc, và làm việc một tuần sáu mươi tiếng mà không hề phàn nàn. Nhưng một khi bọn trẻ đã bước vào khung hình – mà mỗi người lại có những ba đứa – cuộc sống trở nên một sự vội vã khôn cùng và khó lòng thỏa mãn. Thế là họ quyết định chia sẻ công việc với nhau, mỗi người làm ba ngày một tuần.

Khoản cắt giảm 40% tiền lương hóa ra lại không đến nỗi tai họa như người ta tưởng. Dĩ nhiên, sự thật cả hai, Lieberman và Domarazatki, đều có chồng có thu nhập cao đã giúp ích rất nhiều. Nhưng thời gian rảnh rỗi có thêm mới thật là vô giá. Cả hai người phụ nữ đều có thể dành nhiều thời gian hơn cho bọn trẻ, làm cho cuộc sống gia đình thêm thư giãn và đáng sống. Cậu con trai sáu tuổi của Lieberman gần đây cứ giục giã bố cậu phải chia sẻ công việc. Hai vị giám đốc ngân hàng cũng cảm thấy gần gũi hơn với cộng đồng mình. Bây giờ thì họ đã có thời gian tán gẫu với hàng xóm và các chủ hiệu gần nhà, hỗ trợ trường học của lũ trẻ và tham gia hoạt động tình nguyện. Nấu ăn ở nhà cũng lại xuất hiện trong thời gian biểu. “Trước khi chia-sẻ-công-việc chúng tôi thường chỉ có những món ăn cực kỳ tồi tệ”., Domarazatki nhíu mày ôn lại kỷ niệm cũ.

Cả hai bà đều cảm thấy toàn bộ quan hệ của họ theo thời gian đã mang màu sắc lành mạnh hơn. Niềm khao khát tăng tốc đã qua đi, hoặc chí ít cũng nhạt dần. “Khi ta có nhiều thời gian nghỉ hơn để lắng mình và hồi sức, ta chẳng quá bận tâm vì bất kỳ một điều gì nữa.” Lieberman giải thích. “Toàn bộ mức độ cảm xúc thay đổi, và tựu trung thì ta bình thản hơn”.

Đối với RBC, sự an bình đó cho hiệu quả là năng suất cao hơn – và Tư duy Chậm hơn. “Khi tới làm việc vào ngày thứ Tư, tôi rất sảng khoái. Tôi đã kiểm tra được mọi thứ ở nhà – nhà cửa sạch sẽ, thực phẩm đã mua, quần áo đã giặt, bọn trẻ thì hớn hở sung sướng, Domarazatki giải thích. “Còn trong những ngày nghỉ, tôi không chỉ nghỉ ngơi và lấy lại sức lực, tôi còn nghiền ngẫm suy nghĩ. Công việc diễn ra trong tiềm thức ta, và thường nhờ vậy ta có những quyết định tốt hơn, chính chắn hơn khi ta đến văn phòng. Không phải lúc nào ta cũng chỉ phản ứng tức thời mọi việc.” Năm 2000, RBC tiến hành đề nghị những thỏa thuận làm việc trong thời gian linh hoạt với mười một ngàn nhân viên mới tuyển chọn qua đợt mở rộng vào thị trường Mỹ.

Chính thức cắt giảm giờ làm không phải là con đường duy nhất để làm việc và vui sống tốt hơn. Đôi khi chỉ cần loại trừ khỏi văn hóa cộng đồng cho rằng làm việc lâu hơn luôn luôn có nghĩa là làm được nhiều hơn. Đó là điều Marriot đã thực hiện. Vào năm 2000, chuỗi khách sạn này kết luận rằng các nhân viên quản lý của họ thường ở lại muộn trong văn phòng chỉ đơn giản vì cảm thấy người ta mong chờ họ làm như thế. Kết quả là tinh thần sa sút và sức lực hoang phí.

Để chống lại văn hóa “có mặt”, Marriot đã tiến hành một dự án thí điểm tại ba khách sạn miền bắc Hoa Kỳ. Nhân viên được thông báo là họ có thể rời văn phòng khi đã làm xong việc, bất kể đồng hồ lúc đó chỉ mấy giờ. Đi đầu làm gương, các nhà quản lý cấp cao bắt đầu công khai về nhà vào lúc 5 giờ chiều hoặc sớm hơn. Sau ba tháng, cuộc cách mạng văn hóa đã tiến triển trông thấy. Những nhân viên về sớm hoặc nghỉ giữa giờ vì những lý do riêng không còn bị chê bôi nghiêm khắt bởi sự nỗ lực hoặc hành vi không tán đồng. Thay vào đó, mọi người bắt đầu quan tâm xem các đồng sự của mình thường làm gì trong thời gian rỗi. Trung bình hiện nay các quản lý khách sạn của khách sạn Marriot hàng tuần làm việc ít đi năm tiếng – nhưng có hiệu suất hơn nhiều. Không phải đếm những giờ đồng hồ dài dằn dặt đã tạo thành động lực giúp họ làm việc hiểu rõ hơn và nhanh hơn. Bill Munch, nhà quản lý của Marriot được giao trông coi việc thay đổi chế độ làm việc, rút ra kết luận là nên treo trong phòng giám đốc và trong khắp xí nghiệp câu: “Một trong những điều quan trọng nhất ta học được là con người vẫn có thể làm việc hiệu quả – và thỉnh thoảng còn hiệu quả hơn – khi họ giảm giờ làm.”

Tuy thế bất kỳ một động thái nào chống lại văn hóa làm việc nhiều giờ đều phải đối diện với những trở ngại khủng khiếp. Một CEO có thể tạo nên một chế độ làm việc – vui sống huy hoàng nhất, nhưng nếu những nhà quản lý ở cấp thấp hơn trong chuỗi mệnh lệnh lại không thông cảm, thì mọi chuyện sẽ hỏng bét. Mới đây một công ty ở Mỹ đã giới thiệu hàng looạt biện pháp mà ban giám đốc ủng hộ hoàn toàn. Mặc dù vậy, sau một năm, số nhân viên tham gia hưởng ứng lại thấp hơn nhiều so với mong đợi. Một cuộc điều tra đã phát hiện thấy một vài al4nh đạo bộ phận đã ngăn trở nhân viên với lời đe dọa rằng ký kết hưởng ứng chương trình sẽ ảnh hưởng xấu tới chuyện thăng tiến của họ. “Có nhiều người vẫn còn nghi ngờ các giải pháp làm việc – vui sống.” một trưởng bộ phận nhân lực của một công ty phát biểu. “Thay đổi các quy tắc mới chỉ là bước đầu – còn phải htay đổi cả tâm lý con người nữa.”

Thông thường, hàng rào cản trở sự cân bằng làm việc – vui sống là do ta dựng nên.  Nhiều người vẫn hoài nghi vấn đề này. Trong phần lớn các công ty, phụ nữ và trẻ em là những người sử dụng chính yếu chế độ cân bằng làm việc – vui sống. John Atkins, người quản lý bán hàng của một hãng bán lẻ lớn ở Luân Đôn, mới đây vừa lên chức “bố”. Anh rất muốn giảm bớt số giờ làm nhưng không thể quyết tâm tới mức ký kết tham gia chương trình này. “Cứ mỗi lần tôi nghĩ tới thì lại có một tiếng nói nhỏ trong đầu nhắn nhủ tôi rằng “Nếu mi mà không trụ vững thì bếp ăn sẽ nguội lạnh”.” Anh tâm sự.

Một trở ngại khác cho việc thiết lập được sự cân bằng làm việc – vui sống là mỗi người lại một khác. Một anh chàng độc thân hai mươi lăm tuổi sẽ thấy dễ dàng chấp nhận làm nhiều giờ hơn là một bà mẹ ba mươi sáu tuổi có bốn đứa con. Anh ta thậm chí còn muốn dành nhiều thời gian hơn nữa cho công việc. Các công ty cần phải tìm được một cơ chế thưởng cho người làm việc nhiều hơn mà lại không phạt những người làm việc ít hơn. Họ cũng phải kiểm soát tình trạng ganh ghét có thể bùng phát giữa các đồng sự. Những nhân công chưa có con thường bực bội với những nhân nhượng thời gian lao động dành cho những người có con. Tại nhiều công ty, những phòng ban khác nhau đơn giản không thể chấp nhận cùng điều kiện làm việc – vui sống như nhau cho nhân viên của mình – và điều này có thể gây ra xung đột. Ở RBC, phòng Thị Trường Vốn đưa ra những sắp xếp làm việc kém phần linh hoạt chỉ vì cần có nhiều nhân viên túc trực trong thời gian thị trường mở cửa.

Đối với nhiều công ty, lợi ích dài hạn của chính sách làm việc – vui sống, như năng suất cao hơn và duy trì được đội ngũ nhân viên, có thể bị lu mờ trước sức ép giảm ngay chi phí trong ngắn hạn. Chế độ phúc lợi cho một số ít làm việc quá giờ đỡ tốn hơn thuê thêm nhân công. Cạnh tranh cũng thuyết phục được nhiều ông đặt công việc lên trên vui sống. Một nhà quản lý Anh phát biểu thẳng thừng: “Chúng ta ở trong môi trường kinh doanh khắc nghiệt, và nếu như các đối thủ của ta bóp nặn được của họ từ nhân công của họ mỗi tuần bảy mươi tiếng, thì chúng ta tối thiểu cũng phải đạt cỡ đó mới mong có thể đứng được trong sân chơi.” Luật pháp có lẽ là con đường duy nhất để chấm dứt “cuộc chạy đua vũ trang” về giờ lao động.

Tuy nhiên, làm việc ít hơn chỉ là một phần của chương trình Chậm. Mọi người cũng muốn chủ động khi nào thì làm việc. Họ muốn kiểm soát thời gian của chính mình – và những ngành kinh doanh nào cung cấp được cho họ điều này thì đang gặt hái được lợi lộc. Trong văn hóa “thời gian là vàng bạc” của chúng ta, việc trao cho người lao động quyền thống trị chiếc đồng hồ là đi ngược lại quy luật. Ngay từ thời kỳ Cách mạng công nghiệp, chuẩn mực vốn đã trả lương theo thời gian làm việc chứ không phải là trả cho những gì họ sản xuất ra. Nhưng những thời gian biểu cứng nhắc đã không còn đồng điệu với nền kinh tế thông tin, khi ranh giới giữa chơi và làm đã trở nên mập mờ hơn nhiều so với thế kỷ mười chín. Nhiều việc làm hiện đại phụ thuộc vào kiểu tư duy sáng tạo vốn hiếm khi nào xuất hiện bên bàn giấy và lại càng không thể bóp nặn theo một lịch làm việc cố định. Để cho mọi người lựa chọn thời gian làm việc của mình, hoặc đánh giá họ dựa vào những gì họ làm ra chứ không dựa vào việc sử dụng thời gian bao nhiêu lâu để hoàn thành công việc, có thể mang lại mức độ linh hoạt mà nhiều người trong chúng ta đang khao khát.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người cảm thấy làm chủ được thời gian của mình thường thoải mái hơn, sáng tạo hơn và có hiệu suất hơn. Vào năm 2000, một công ty năng lượng Anh đã thuê các cố vấn hợp lý hóa hệ thống ca kíp ở trung tâm điều khiển. Hầu như ngay sau đó, hiệu quả sản xuất sụt giảm nghiêm trọng, khách hàng than phiền tứ khắc và nhân viên bắt đầu bỏ việc. Bằng việc phủ nhận quyền của các nhân viên được tham gia quyết định khi nào họ làm việc, chế độ mới làm cho tinh thần suy sụp. Nhân biết sai lầm, công ty ngay lập tức trao cho nhân viên thêm quyền điều hành các ca kíp của họ, và chẳng bao lâu sau trung tâm điều khiển hoạt động hiệu quả hơn bao giờ hết. Nhiều công nhân nói rằng việc có “quyền tự chủ thời gian” trong công việc giúp họ thấy ít bị hối thúc và căn thẳng cả khi đang làm lẫn khi đã rời công việc. Domarazatki xác nhận điều đó ở RBC: “Khi làm chủ được thời gian của chính mình, anh sẽ cảm thấy an bình hơn trong mọi việc anh làm.”

Tôi biết đó là sự thật qua kinh nghiệm bản thân. Năm 1998, sau nhiều năm làm phóng viên tự do, tôi gia nhập đội ngũ nhân viên một tờ báo Canada với tư cách phóng viên thường trú tại Luân Đôn. Thế là loáng một cái, tôi mất quyền làm chủ thời gian của mình. Bởi tôi đã không ấn định giờ làm, cho nên về lý thuyết, tôi phải sẵn sàng 24/7. Ngay cả khi các biên tập viên của tôi không gọi, thì vẫn luôn tồn tại khả năng họ có thể gọi. Sự chênh lệch về múi giờ có nghĩa là nhiệm vụ giao cho tôi thường nằm trên bàn làm việc vào buổi chiều, khiến cho tôi chỉ còn vài giờ đồng hồ trước khi đến lúc phải cho con đi ngủ. Điểu này có nghĩa là cũng phải hăm hở làm như điên cho xong công việc, hoặc đọc Tiến sĩ Seuss trong khi công việc vẫn lơ lửng trên đầu. Thật là khốn khổ. Chính vào lúc ấy, tôi đã tìm thấy những nguyên do khác để cắt nghĩa vì sao một công việc tôi yêu thích đến vậy lại trở thành một trách nhiệm nặng nề. Biên tập viên của tôi là một người đầu óc hẹp hòi. Tờ báo thì toàn những bài viết không đúng cách. Những giờ làm việc dài lê thê. Tuy nhiên, khi tôi bắt đầu điều tra tỉ mỉ phong trào Chậm, tôi mới thấy rõ rằng vấn đề cơ bản là ở chỗ tôi đã đánh mất quyền quyết định khi nào thì làm việc. Vậy tại sao tôi lại mắc kẹt vào đó tới ngót nghét ba năm? Lý do của tôi cũng giống hệt lý do đã ngăn cản nhiều người trong chúng ta từ bỏ những công việc khiến chúng ta không vui: nỗi lo sợ mất khoản tiền lương hậu hĩnh, sợ hủy hoại sự nghiệp, sợ làm người khác thất vọng. Cuối cùng thì quyết định bỏ việc cũng chín muồi trong tôi. Khi tờ báo tuyên bố sa thải hàng loạt thì tôi cũng nằm trong danh sách – thật sung sướng vô ngần.

Nay thì mọi việc đã khá lên rất nhiều. Số giờ làm việc của tôi vẫn thế, thỉnh thoảng còn nhiều hơn, nhưng mối quan hệ giữa tôi và thời gian thì lành mạnh hẳn. Giờ khi mà tôi làm chủ thời gian biểu của mình, tôi đi qua ngày làm việc mà không cảm giác hối hả và phẫn uất.  Những lúc không ở bên bàn làm việc, dù là đọc truyện trước giờ đi ngủ hay đang chuẩn bị bữa tối, chẳng mấy khi tôi tìm cách làm cho mau chóng. Đúng là thu nhập của tôi có giảm, nhưng đó chỉ là một cái giá cỏn con trả cho việc một lần nữa tận hưởn công việc – và cả cuộc sống. Điều duy nhất tôi tiếc nuối là đã không quay về làm phóng viên tự do sớm hơn.

Dĩ nhiên, cho mọi người quyền làm chủ thời gian của mình tại chỗ làm sẽ đòi hỏi một thay đổi kinh thiên động địa trong tư duy. Nhưng một khi thiết thực, điều này có thể, và nên thực hiện. Nếu được triển khai theo đúng tinh thần, công nghệ thông tin có thể giúp ta thực thi. Thay vì sử dụng các Blackberry, máy tính xách tay, điện thoại di động để kéo dài ngày làm việc, ta có thể sử dụng chíng để sắp xếp ngày làm việc ấy. Nhiều công ty đã đang nhường quyền làm chủ thời gian cho nhân viên. Chẳng hạn như ở Anh, British Telecom, Bayer và Lloyds TSB hiện cho phép các nhân viên tùy ý sắp xếp lịch làm việc: ví dụ như làm việc tại nhà, hoặc thoải mái giờ giấc đến và rời văn phòng. Mặc dù như thế cố nhiên là thích hợp hơn với công việc của nhân viên văn phòng, nhưng tự quản về thời gian cũng đang xâm nhập vào giới lao động chân tay. Một số nhà máy đồng hồ Thụy Sỹ đã tổ chức lại sản xuất để cho phép các công nhân cùng ca có thể xe dịch giờ bắt đầu và kết thúc công việc sớm muộn tới ba tiếng. Ở Gloucestershire, một nhà máy nilong cho công nhân tùy ý tự sắp xếp giờ làm miễn sao lúc nào cũng có ít nhất hai công nhân đứng máy.

Những lợi ích của làm việc giảm giờ, và làm việc khi nào thuận tiện, là quá rõ ràng, nhưng giờ hãy xem vì sao đôi khi làm việc thong thả lại có ý nghĩa quan trọng. Tại một công sở hiện đại, hết sức đúng giờ, tốc độ xem ra là cực kỳ quan trọng. Thư điện tử và điện thoại di động đòi hỏi phải trả lời tức khắc , và thời hạn tối hậu ẩn núp loanh quanh ở mọi ngóc ngách. Một khảo sát điều tra trong năm 2001 tiến hàng bởi Quỹ châu Âu về Cải thiện điều kiện Sống và Làm việc dã nhận thấy người lao động châu Âu hiện nay chịu sức ép thời gian lớn hơn nhiều so với một thập kỷ trước đây. Có tới một phần ba số công nhân phải sử dụng toàn bộ hoặc gần như toàn bộ thời gian của mình để hối hả đáp ứng những thời hạn tối hậu. Hẳn nhiên là tốc độ có vị trí quan trọng tại công sở. Mốc thời gian tối hậu giúp tập trung tinh thần và khuyến khích chúng ta hoàn thành những kỳ công. Sự phiền toái ở chỗ nhiều người trong chúng ta thường xuyên sa lầy vào lức tối hậu, chẳng còn thừa lại thời gian cho thư thái và hồi sức. Những thứ cần thong thả như lập kế hoạch, tư duy sáng tạo, xây dựng mối quan hệ, bị nhận chìm trong sự điên cuồng hòng duy trì nhịp độ, hoặc thậm chí chỉ  để ra vẻ bận rộn.

Erwin Heller, một hội viên của Hội Giảm Tốc Thời Gian, thích thú trước những lợi ích do làm việc chậm rãi hơn tại hãng luật của mình ở Munich. Giống như nhiều luật sư khác, ông từng vộ vã cho xong những buổi gặp mặt làm quen với khách hàng – mười phút để tìm hiểu hồ sơ rồi đi thẳng vào xử lý vụ việc. Mặc dù chỉ sau đó ít lâu, ông nhận thấy luôn phải gọi lại cho khách hàng, hoặc đôi khi triển khai không đúng hướng rồi phải lần ngược lại. “Đa số khách hàng tới gặp luật sư với những mục đích sẵn sàng nói ra, như được thừa nhận hoặc đòi công lý hoặc trả thù.” Ông kể “Cần có thời gian để thấu hiểu những động cơ sâu kín đang thúc đẩy khách hàng, và phải biết để phục vụ khách hàng được tốt nhất.” Bây giờ thì những buổi gặp mặt đầu tiên của ông kéo dài tới hai tiếng đồng hồ, ông cố tìm hiểu cặn kẽ cá tính của khách hàng, hoàn cảnh, nguyên tắc sống, những mục tiêu và lo sợ. Kết quả là Heller, một người đàn ông năm mươi sáu tuổi với chòm râu dê và cái cười tinh quái, làm việc hiệu quả hơn hẳn, và công việc kinh doanh của ông phất lên trông thấy. “Các khách hàng thường bảo tôi rằng với tất cả các luật sư khác họ chỉ có năm phút để trình bày điều họ muốn, rồi trao giấy tờ thế là ra khỏi cửa”, ông nói “Mặc dù xem ra có vẻ rề rà và cổ lỗ, nhưng lắng nghe là chính sách tối ưu. Dở nhất chính là chưa chi đã xông vào làm.”

Hiện nay, nhiều công ty đang cố cân bằng giữa nhanh và chậm trong công việc. Thông thường, điều này có nghĩa là công nhận những hạn chế của công nghệ. Thư điện tử, dẫu cho nhanh đến thế nào, cũng không thể nắm bắt được sự châm biếm, sắc thái hoặc ngôn ngữ cử chỉ, nên thường dẫn tới hiểu lầm và sai sót. Những phương pháp thông tin liên lạc chậm hơn – đến văn phòng và nói chuyện trực diện chẳng hạn – lại có thể tiết kiệm thời gian và tiền bạc, và về lâu dài gây dựng được tình đồng đội. Đó chính là một lý do khiến các công ty bắt đầu hối thúc nhân viên suy nghĩ kỹ trước khi ấn vào phím “gửi”.  Vào năm 2001, Nestlé Rowntree trở thành một trong nhiều doanh nghiệp Anh triển khai các ngày thứ Sáu tự do e- mail.  Một năm sau, hãng Hàng không quốc gia Anh cho chiếu một loạt quảng cáo truyền hình  với chủ đề “chậm là tốt đẹp”. Trong một đoạn quảng cáo, một nhóm doanh nhân nghĩ rằng họ đã giành được một đơn hàng của một doanh nghiệp Hoa Kỳ bằng cách fax sang một bản kế hoạch. Nhưng cuối cùng đối thủ của họ đã nẫng mất vụ làm ăn nhờ thu xếp bay sang chào hàng trực tiếp.

Nhiều công ty cũng đang tiến tới làm cho công việc bớt đơn điệu 24/7. Ernst & Youth, một hãng kế toán, mới đây cho các nhân viên Hoa Kỳ của mình biết là không kiểm tra thu điện tử hoặc hòm thư thoại trong những ngày nghỉ cuối tuần cũng không sao. Cũng trong dòng chảy đó, những nhà quản trị đã kiệt sức áp dụng biện pháp ngoại đạo là tắt điện thoại di động khi ở bên ngoài văn phòng. Jill Hancock, một giám đốc ngân hàng đầu tư dám nghĩ dám làm ở Luân Đôn, từng kè kè bên mình chiếc Nokia mạ crôm thời thượng mọi nơi mọi lúc, và thậm chí còn trả lời những cuộc gọi trong kỳ nghỉ hoặc giữa một bữa tối lãng mạn. Thế nhưng, cô đã phải trả giá, bởi suy sụp và mệt mỏi triền miên. Khi chuyên gia tâm lý chẩn đoán “bệnh nghiện điện thoại di động” và cố thuyết phục cô thỉnh thoảng nên tắt máy, Hancock đã rất kinh hoàng. Rốt cuộc, cô cũng thử làm theo, đầu tiên là bắt chiếc Nokia phải im tiếng lúc ăn trưa, rồi sau đó vào buổi tối và những ngày cuối tuần, khi ít có khả năng có những cuộc gọi khẩn cấp. Trong vòng hai tháng, cô đã bỏ được thuốc chống suy nhược, nước da sáng hẳn lên, và cô hoàn thành nhiều việc hơn mà không tốn thời gian như trước. Tại ngân hàng, các đồng nghiệp của cô thừa nhận không còn lúc nào cũng có thể gặp Hancock được nữa. Có một số người thâm chí còn theo gương cô, “Lúc ấy tôi đâu có nhận ra, nhưng cứ phải lúc nào cũng túc trực, lúc nào cũng sẵn sàng, đã hành hạ tôi ghê gớm.” cô tâm sự “Tất cả chúng ta đều cần thời gian cho bản thân mình”. Giảm tốc trong công việc cũng thúc bách Hancock dành thêm thời gian cho những hoạt động theo đuổi sự thong thả suốt quãng đời còn lại. Cô đã chọn yoga và bây giờ ít nhất hai buổi tối cuối tuần nấu bữa tối đích thực, thay cho đồ ăn hâm nóng bằng lò vi sóng.

Để tránh kiệt lực, và để phát huy tư duy sáng tạo, bậc thầy kinh doanh, các bác sĩ chuyên khoa và các nhà tâm lý học ngày càng kê nhiều những đơn thuốc “thư thả” cho công việc. Trong cuốn sách bán chạy nhất năm 2002, Làm thế nào thành công trong kinh doanh mà không phải làm việc quá vất vả, Robert Kriegel gợi ý là trong ngày làm việc, nên điều đặn nghỉ giải lao mười lăm – hai mươi phút. Bác sĩ Donald Hensrud, giám đốc Chương trình Sức Khỏe Giám Đốc tại bệnh viện tư Mayo, khuyên: “Hãy thử đóng cửa văn phòng anh lại và nhắm mắt lấy mười lăm phút. Hãy ngã lưng xuống và hít thở thật sâu.”

Ngay trong những ngành công nghiệp tốc độ cao, sức ép lớn, nhiều công ty đang có những bước đi nhằm giúp nhân viên của mình chậm lại. Một số nơi trợ cấp những đợt nghỉ phép du khảo với hy vọng rằng một đợt nghỉ phép kéo dài sẽ làm các nhân viên tỉnh người lại và khuấy động những tinh hoa sáng tạo. Số khác thì cho tập yoga, mát-xa và xoa bóp bằng dầu thơm trong giờ làm việc, hoặc khuyến khích công nhân ăn trưa cách xa bàn giấy. Một vài hãng còn lắp nhiều phòng tĩnh tâm. Tại văn phòng Tokyo của Oracle, người khổng lồ về phần mềm máy tính, các nhân viên được tùy ý sử dụng một thiền phòng cách âm có sàn bằng gỗ viền quanh là mã não trong suốt và các đồ mỹ nghệ phương Đông. Căn phòng được chiếu sáng dìu dịu, với thoáng hương trầm lơ lửng trong không gian. Khẽ bật công tắc thì những tiếng dịu êm của một dòng suối đang rì rào vang lên từ dàn âm thanh nổi.

Takeshi Sato là một người cực kỳ hâm mộ thiền phòng tầng tám. Với cương vị phụ trách văn phòng giám đốc điều hành, ông làm việc ngày mười hai tiếng, vừa làm xiếc với thư điện tử, các cuộc gặp, điện thoại và các báo cáo tài chính. Khi nhịp độ công việc trở nên quá nhộn nhạo, ông rời bàn giấy để dành ra mười phút trong thiền phòng. “Đôi lúc trong ngày, tôi bỗng nhiên cảm thấy mình cần chậm lại, cần thư giãn, để cho thời gian được tĩnh lặng.” ông bảo tôi “Vài người có thể nghĩ đó là mười phút lãng phí, nhưng tôi coi đó là mười phút cực kỳ tuyệt vời. Để có được hiệu suất làm việc cao thì hết sức quan trọng là phải có khả năng linh hoạt lúc làm lúc nghỉ, lúc nhanh lúc chậm. Từ thiền phòng quay ra, tâm trí tôi sắc bén hơn và điềm tĩnh hơn, giúp tôi có những quyết định chính xác.”

Nhiều người khác thì đưa việc giảm tốc tới những kết luận tối thượng và thực sự chợp mắt tới bốn chục bận trong giờ làm việc. Mặc dù ngủ trong giờ làm việc là điều cực kỳ cấm kỵ, nghiên cứu cho thấy một giấc ngủ ngắn – chừng hai mươi phút là lý tưởng – có tể tăng cường sức lực và hiệu suất công tác. Một nghiên cứu mới đây của NASA kết luận rằng hai mươi bốn phút chợp mắt tạo nên những điều kỳ diệu cho hiệu suất và sự nhạy bén của các phi công. Nhiều người trong số những nhân vật thành công nhất và mạnh mẽ nhất trong lịch sử là những tay ngủ ngày có hạng: John F. Kennedy, Thomas Edison, Napoleon Bonaparte, John D. Rockefeller, Johannes Brahms. Winston Churchchill đã cực kỳ hùng hồn biện hộ cho giấc ngủ trưa: “Đừng có nghĩ rằng anh làm được ít việc hơn bởi vì anh ngủ ngày. Đó là một quan niệm điên rồ bởi những kẻ đầu óc thiếu tưởng tượng. Anh sẽ có thể hoàn thành được nhiều hơn. Anh có được hai ngày trong một – không thì cũng một ngày rưỡi.”

Những ngày này chợp mắt có thể là cực kỳ hữu ích, khi rất nhiều người trong chúng ta không ngủ đẫy giấc ban đêm. Được sự cổ vũ của những nhóm ủng hộ giấc ngủ, từ tổ chức Ngủ Ngày Thế Giới tới Hiệp Hội những Người Bạn Ngủ Trưa Tây Ban Nha, giấc ngủ giữa ngày làm việc đang được phục hưng. Tại sáu nhà máy của mình tại Hoa Kỳ, Yarde Metals  khuyến khích nhân viên chợp mắt trong giờ giải lao. Công ty đã xây dựng những “phòng ngủ ngày” đặc biệt là mỗi năm một lần tổ chức nguyên một buổi ngủ ngày tập thể có ăn trưa tự chọn và quần áo nhố nhăng. Vechta, một thị trấn nhỏ ở miền bắc nước Đức, thuyết phục các công chức của mình nên làm giấc ngủ trưa trên ghế văn phòng hoặc ở nhà. Từ sàn nhà một xí nghiệp Mỹ tới hội trường một thị trấn Đức, kết quả là như nhau: những nhân viên sung sướng hơn, tinh thần phấn chấn hơn, hiệu suất cao hơn. Ngủ trong giờ làm sắp tới còn phổ biến hơn nữa. Vào năm 2001, Sedus, nhà sản xuất hàng đầu châu Âu đồ nội thất văn phòng, đã triển khai một kiểu ghế mới có thể ngã ra cho phép mọi người khò khò chớp nhoáng ngay tại bàn làm việc. Trong khi đó, ở Tây Ban Nha, giấc ngủ trưa đang trở lại với kiểu cách hiện đại. Do phần lớn người Tây Ban Nha không còn có thời gian để về nhà ăn trưa, ngủ trưa, nên Masejes a 1000 (Mát xa giá 1000), mạng lưới toàn quốc các “salon ngủ trưa”, hiện nay chào mời tất cả mọi người, từ các ông chủ ngân hàng tới những nhân viên phục vụ quầy rượu, cơ hội có được giấc ngủ trưa hai mươi phút chỉ với bốn euro.

Tại một chi nhánh này trên đường Mallorca ở Barcelon, từng chi tiết được thiết kế phục vụ cho thư giãn. Các bức tường sơn màu đào phai êm dịu, các phòng ấm áp và chiếu sáng mờ ảo. Nhạc Kỷ Nguyên Mới khe khẽ thì thầm từ những chiếc loa giấu kín. Choàng kín khăn, và cúi đầu quỳ gối trên những chiếc ghế kiểu cách phù hợp, các khách hàng tận hưởng mát xa đầu, cổ và lưng. Khi họ mơ màng chìm vào giấc ngủ, nhân viên mát xa đắp cho họ tấm chăn len dày và chuyển sang người khác. Lúc tôi yên vị trên ghế, ít nhất đã có ba người trong phòng nhè nhẹ ngáy. Mấy phút sau, tôi cũng nhập bọn.

Sau đấy, trên vỉa hè ngoài phố, tôi bắt chuyện với một người bán hàng trẻ tuổi tên là Luis. Anh đang nắn lại chiếc cravat sau giấc ngủ trưa mười lăm phút. Trông anh cũng sảng khoái như tôi. “Thế này tốt hơn đến phòng tập nhiều” anh vừa nói vừa đóng tách chiếc cặp lại. “Tôi thấy hoàn toàn sung sức. Tôi thấy sẵn sàng làm mọi việc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.