Ngợi Ca Sống Chậm

CHƯƠNG MỘT – HÃY LÀM MỌI VIỆC NHANH HƠN



Chúng ta khẳng định rằng vẻ tráng lệ của thế giới này phong phú thêm nhờ một vẻ đẹp mới: vẻ đẹp của tốc độ.

TUYÊN NGÔN CỦA THUYẾT VỊ LAI, 1909.

Bạn sẽ làm gì đầu tiên khi thức dậy vào buổi sáng? Kéo rèm? Xích lại ôm bạn tình hoặc ôm gối? Nhảy ra khỏi giường, vươn vai làm mười động tác hít đất cho máu lưu thông? Không, việc đầu tiên bạn làm, việc đầu tiên mà ai nấy đều làm, là xem giờ. Chễm trệ trên bàn ngủ cạnh giường, chiếc đồng hồ chỉ cho chúng ta phương hướng, không những cho ta biết mình ở đâu suốt phần còn lại của ngày, mà còn là ứng phó ra sao. Nếu còn sớm, tôi sẽ nhắm mắt lại và cố ngủ. Nếu đã muộn, tôi bật khỏi giường và phi thẳng vào phòng tắm. Ngay từ lúc mới thức giấc, chiếc đồng hồ đã chỉ huy mọi việc. Và cứ như thế, liên tục suốt cả ngày, chúng ta đôn đáo từ nợ việc này sang nợ việc kia. Từng thời khắc đan kết thành lịch làm việc, và nhìn bất cứ nơi đâu – trên bàn cạnh giường, căng tin công sở, góc màn hình máy tính, cổ tay chúng ta – chiếc đồng hồ cứ tích tắc, theo dõi chúng ta tiến hành công việc, thúc giục chúng ta không được rớt lại sau.

Trong thế giới hiện đại chuyển vần nhanh của chúng ta, dường như lúc nào con tàu thời gian cũng rời ga vào đúng cái lúc chúng ta tới sân ga. Bất kể chúng ta nhanh đến chừng nào, bất kể chúng ta lên lịch trình hợp lý tới đâu, vẫn chẳng bao giờ có đủ thời gian trong một ngày. Trong chừng mực nhất định, chuyện vẫn luôn là vậy. Song ngày nay chúng ta cảm thấy sức ép thời gian còn hơn cả trước đây. Vì sao? Điều gì làm chúng ta khác với tổ tiên? Nếu có lúc nào đó chúng ta chậm lại, hẳn chúng ta phải hiểu được vì sao chúng ta tăng tốc lúc ban đầu, vì sao thế giới rú ga đến thế, lịch trình sít sao đến thế? Muốn vậy chúng ta phải bắt đầu từ xuất phát điểm, xem xét quan hệ của chúng ta với bản thân thời gian.

Loài người xưa nay luôn là nô lệ của thời gian, cảm nhận được sự hiện diện và quyền năng của nó, nhưng chưa bao giờ biết chắc phải định nghĩa nó thế nào. Ở thế kỷ thứ tư, Saint Augustine đã suy tưởng, “Vậy thời gian là gì? Nếu chẳng ai hỏi, thì tôi biết; nhưng nếu muốn giải thích cho một ai đó hỏi tôi, thì tôi lại không biết.” Một ngàn sáu trăm năm sau, sau một hồi đánh vật với ít trang viết của Stephen Hawking, chúng ta đều hiểu chính xác ông cảm nghĩ thế nào. Ngay cả khi thời gian vẫn còn là thứ khó nắm bắt, thì mỗi một xã hội đã đúc rút ra được những cách đo lường dòng trôi của nó. Các nhà khảo cổ học tin rằng hơn hai mươi ngàn năm trước, ở kỷ băng hà châu Âu, những tay thợ săn đã biết đếm ngày giữa các tuần trăng bằng cách khắc vạch và đục lỗ vào gậy và xương. Mỗi một nền văn hóa lớn trong thế giới cổ đại – người Sumeri và người Babylon, người Ai Cập và người Trung Hoa, người Maya và người Aztec – đều đã sáng tạo ra lịch riêng. Một trong những tài liệu đầu tiên ra lò từ nhà in Gutenberg chính là “Lịch năm 1448.”

Một khi tổ tiên chúng ta học được cách đo năm, tháng và ngày, bước tiếp theo là chia thời gian thành những đơn vị nhỏ hơn. Chiếc đồng hồ mặt trời của Ai Cập có niên đại 1500 năm trước Công nguyên là một trong những dụng cụ đo lường cổ xưa nhất còn sót lại dùng để chia ngày thành những phần bằng nhau. “Những chiếc đồng hồ” thuở hồng hoang căn cứ trên lượng thời gian nước hoặc cát chảy qua một cái lỗ, hoặc thời gian một cây nến hay một đĩa dầu cháy hết. Đo lượng thời gian có một bước nhảy vọt khi châu Âu sáng chế ra đồng hồ cơ hồi thế kỷ mười ba. Đến cuối những năm 1600, con người đã có thể đo chính xác không chỉ giờ, mà cả phút và giây.

Sinh tồn là một động cơ thúc đẩy việc đo thời gian. Các nền văn minh cổ đại sử dụng lịch để trồng trọt và thu hoạch mùa màng. Tuy vậy, ngay từ ban đầu, đo thời gian đã chứng tỏ là một con dao hai lưỡi. Ở phía tích cực, việc lập trình lịch có thể khiến mọi người, từ nông dân đến các kỹ sư phần mềm, làm việc có hiệu quả hơn. Song ngay từ lúc chúng ta bắt đầu chia nhỏ thời gian, các biểu đồ thay đổi, và thời gian lên tiếp quản tất cả. Chúng ta trở thành nô lệ của lịch trình. Lịch trình cho chúng ta biết hạn tối hậu, và những hạn tối hậu ấy, xét về bản chất, cho chúng ta lý do để vội vàng. Như một câu ngạn ngữ Ý diễn giải: Con người đo thời gian và thời gian đo con người.

Giúp cho lịch làm việc hàng ngày khả thi, chiếc đồng hồ hứa hẹn một triển vọng hiệu quả to lớn – nhưng cũng kiểm soát chặt chẽ hơn. Tuy vậy, những dụng cụ đo thời gian thuở ban đầu không còn đáng tin cậy để có thể thống trị loài người theo cách chiếc đồng hồ ngày nay đạt được. Những chiếc đồng hồ mặt trời không tác dụng về đêm, hoặc khi trời nhiều mây, và thời lượng của một giờ đồng hồ mặt trời thay đổi ngày qua ngày theo độ nghiêng của trái đất. Lý tưởng để đo giờ một hành động cụ thể, nhưng đồng hồ cát và đồng hồ nước tuyệt nhiên không thể chỉ ra giờ giấc trong ngày. Vì sao biết bao cuộc quyết đấu, trận đánh và nhiều sự kiện khác trong lịch sử lại diễn ra vào lúc tinh mơ? Chẳng phải vì tổ tiên chúng ta ưa dậy sớm, mà vì rạng đông là thời điểm ai nấy đều có thể nhận biết và dễ thống nhất. Thiếu những chiếc đồng hồ chính xác, cuộc sống bị một thứ mà các nhà xã hội học gọi là Thời Gian Tự Nhiên sai khiến. Con người làm việc khi thấy cần, không phải khi đồng hồ đeo tay bảo họ làm. Họ ăn khi đói bụng, ngủ khi buồn ngủ. Tuy nhiên, ngay từ thuở ban sơ ấy, báo giờ giấc luôn liên quan chặt chẽ với báo cho người ta việc phải làm.

Xa xôi về trước như thế kỷ mười sáu chẳng hạn, các thầy tu dòng Benedict đã sống theo một nền nếp hẳn khiến một nhà quản lý giờ giấc hiện đại cảm thấy tự hào. Dùng những đồng hồ nguyên thủy, họ rung chuông từng chặp đều đặn suốt cả ngày lẫn đêm, giục giã nhau từ việc này sang việc khác, từ cầu kinh sang học tập sang trồng trọt sang nghỉ ngơi, xong quay lại cầu kinh. Khi đồng hồ cơ khí bắt đầu xuất hiện trên các quảng trường thành phố khắp châu Âu, ranh giới giữa tuân thủ giờ giấc và tuân thủ sự quản lý lu mờ hẳn. Thành phố Cologne cống hiến một ví dụ điển hình. Các ghi chép trong lịch sử cho thấy rằng khoảng năm 1370, một đồng hồ công cộng đã được dựng lên tại thành phố này của Đức. Đến năm 1374, Cologne thông báo đạo luật ấn định lúc bắt đầu và kết thúc ngày làm việc cho người lao động, đồng thời giới hạn giờ nghỉ trưa xuống còn “một tiếng đồng hồ và không hơn.” Năm 1391, thành phố áp dụng lệnh giới nghiêm với khách lạ vào lúc 9 giờ tối (8 giờ trong mùa đông), kế tiếp đến năm 1398 là lệnh giới nghiêm phổ thông vào lúc 11 giờ đêm. Trong khoảng một thế hệ, người dân thành phố Cologne tiến từ chỗ chưa từng biết chắc thời gian đến chỗ phó mặc cho một cái đồng hồ điều khiển khi nào họ làm việc, nghỉ ăn trưa bao lâu và tối tối lúc nào được trở về nhà. Thời gian Đồng hồ đã chiếm ưu thế hơn Thời Gian Tự Nhiên.

Theo dấu chân các thầy tu dòng Benedict, những người châu Âu có tư tưởng cấp tiến bắt đầu vận dụng thời gian biểu hàng ngày để sống và làm việc có hiệu quả hơn. Là một nhà triết học, kiến trúc sư, nhạc sĩ, họa sĩ kiêm điêu khắc gia thời Phục hưng Ý, Leon Battista Alberti là người hết sức bận rộn. Để tận dụng tối đa thời gian có được, mỗi ngày ông bắt đầu bằng việc thảo một lịch làm việc: “Buổi sáng thức dậy, trước tiên tôi tự hỏi hôm nay ta phải làm gì. Hàng lô những việc phải làm, tôi liệt kê chúng, suy nghĩ thấu đấo, rồi ấn định giờ giấc thích hợp cho chúng: sáng nay làm việc này, chiều nay làm việc kia, tối nay làm việc nọ.” Bạn thấy ngay Alberti hẳn sẽ yêu quý một Trợ thủ kỹ thuật số Cá nhân biết bao nhiêu.

Lập thời gian biểu trở thành một lối sống suốt cuộc Cách mạng Công nghiệp khi cả thế giới tròng trành tăng tốc. Trước thời đại máy móc, không ai có thể di chuyển nhanh hơn ngựa phi nước đại hoặc thuyền giương buồm đón gió. Công suất động cơ thay đổi mọi thứ. Bất thình lình, chỉ cần bấm nhẹ công tắc, con người, thông tin và dữ liệu có thể băng qua những chặng đường vĩ đại nhanh chưa từng thấy. Một nhà máy trong một ngày có thể sản xuất ra lượng hàng hóa nhiều hơn một thợ thủ công cặm cụi làm suốt cả đời. Tốc độ mới hứa hẹn thịnh vượng và hào hứng phi thường, nên con người say sưa với nó. Năm 1825, khi đoàn tàu khách động cơ hơi nước đầu tiên khởi hành chuyến đầu ở Yorrkshire, Anh quốc, hơn bốn chục ngàn người đã đổ ra hoan hô và bắn hai mươi mốt phát đại bác chào mừng.

Chủ nghĩa tư bản công nghiệp sống bằng tốc độ, và được đền đáp chưa từng có. Doanh nghiệp nào chế tạo và giao sản phẩm nhanh chóng nhất sẽ có cơ may hạ mọi đối thủ. Bạn càng biến vốn thành lãi nhanh bao nhiêu, càng tái đầu tư nhanh bấy nhiêu, và đạt lợi nhuận lớn hơn. Không phải ngẫu nhiên mà thành ngữ “kiếm tiền nhanh”[14] đã trở nên thông dụng vào thế kỷ thứ mười chín.

Năm 1748, ở buổi bình minh của kỷ nguyên công nghiệp, Benjamin Franklin[15] đã ban phúc cho cuộc hôn phối giữa lợi nhuận và sự gấp gáp bằng một câu cách ngôn vẫn còn lưu giữ trong khẩu ngữ ngày nay: “Thời giờ là tiền bạc.” Không gì phản ánh, hay củng cố, cho hệ tư tưởng mới này cụ thể hơn việc chuyển sang trả lương công nhân theo giờ thay vì theo sản phẩm. Khi mỗi phút được quy thành tiền, doanh nghiệp tự thấy bị kìm hãm trong cuộc đua bất tận hòng tăng sản lượng. Sản lượng/giờ càng lớn bao nhiêu, lợi nhuận càng nhiều bấy nhiêu. Duy trì địa vị dẫn đầu đồng nghĩa với việc phải lắp đặt công nghệ tiết kiệm thời gian tiên tiến nhất trước khi đối thủ kịp ra tay. Chủ nghĩa tư bản hiện đại đi liền với khẩu lệnh mặc định là nâng cấp, tăng tốc, phải trở nên hiệu quả hơn bao giờ hết.

Đô thị hóa, một đặc trưng khác nữa của kỷ nguyên công nghiệp, cũng góp phần đẩy nhanh thêm tốc độ. Các thành phố xưa nay luôn thu hút những người giàu nghị lực và năng động, nhưng bản thân cuộc sống thành thị là một cỗ máy gia tốc phân tử khổng lồ.

Khi con người chuyển đến thành thị, họ bắt đầu phải làm mọi việc nhanh hơn. Năm 1871, một cuốn nhật ký vô danh viết về thủ đô Anh quốc như sau: “Sự hủy hoại năng lượng thần kinh, chảy máu năng lượng trí não ở Luân Đôn thật to lớn. Người Luân Đôn sống gấp gáp. Ở Luân Đôn, con người chết ngay, còn ở nơi khác họ chết dần mòn… Tâm trí luôn căng ra vì hàng chuỗi vùn vụt những hình ảnh mới và xúc cảm mới. Mọi giao dịch kết thúc với nhịp độ càng lúc càng nhanh. Mua và bán, đo đếm và cân đong, thậm chí cả trao đổi qua quầy hàng, tất cả đều kết thúc với trình độ chóng vánh và thực hành thuần thục vào hàng đẳng cấp… Chậm rãi và tẻ ngắt chẳng mấy chốc phát giác chúng không còn cơ hội; nhưng sau một thời gian, giống con ngựa uể oải trong một cuốc chạy xe nhanh, chúng phát lộ nhịp độ trước nay chưa từng thấy.”

Khi công nghiệp hóa và đô thị hóa lan rộng, thế kỷ mười chín đưa lại cuộc trình diễn bất tận những phát minh giúp con người đi lại, làm việc và thông tin liên lạc nhanh hơn hẳn. Hầu hết mười lăm ngàn máy móc đăng ký ở Cục Sáng chế Mỹ trong năm 1850, như một du khách Thụy Điển nhận xét, đều: “nhằm tăng tốc, tiết kiệm thời gian và lao động.” Luân Đôn khai trương tuyến xe điện ngầm đầu tiên năm 1863; Berlin chuyển sang dùng tàu điện lần đầu tiên năm 1879; hãng Otis khánh thành cầu thang cuốn đầu tiên năm 1900. Đến năm 1913, những chiếc xe Ford Model T lăn bánh rời dây chuyền lắp ráp đầu tiên trên thế giới. Viễn thông cũng phát triển nhảy vọt khi điện tín xuất hiện lần đầu năm 1837, tiếp đó là đường cáp ngầm xuyên Đại Tây Dương đầu tiên năm 1866 và, một thập kỷ sau, đến lượt điện thoại và vô tuyến điện.

Tuy vậy, không thể khai thác triệt để một công nghệ mới thiếu đồng hồ chính xác. Đồng hồ là hệ thống vận hành của chủ nghĩa tư bản hiện đại, là thứ giúp cho mọi thứ khác khả thi – những buổi hội họp, thời hạn tối hậu, hợp đồng, chu trình sản xuất, kế hoạch làm việc, vận tải chuyên chở và các ca lao động. Lewis Mumford, một nhà phê bình xã hội lỗi lạc, nhận định đồng hồ là “máy chủ” của cuộc Cách mạng Công nghiệp. Nhưng mãi đến cuối thế kỷ mười chín, sáng tạo ra giờ chuẩn mới giải phóng hết tiềm năng của đồng hồ. Trước đó, mọi thành phố đều tính giờ theo mặt trời chính ngọ, thời khắc kỳ lạ khi bóng nắng biến mất và mặt trời chiếu thẳng xuống đỉnh đầu. Kết quả là một mớ hỗn độn các múi giờ khu vực. Đầu những năm 1880, chẳng hạn, New Orleans chậm hai mươi ba phút so với Baton Rouge, cách đó tám mươi dặm về phía Tây. Hồi không người nào có thể đi nhanh hơn ngựa, những điều vô lý ngớ ngẩn như thế chẳng vấn đề gì, nhưng giờ đây tàu hỏa băng qua cảnh quan nhanh đến mức chỉ đủ cho ta kịp liếc nhìn. Để bảng lịch tàu hiệu quả được khả thi, các nước bắt đầu hài hòa chung các loại đồng hồ của họ. Cho đến năm 1855, hầu hết công dân Anh quốc công nhận thời gian mà điện báo truyền về từ Đài Thiên văn Hoàng gia ở Greenwich. Năm 1884, hai mươi bảy quốc gia công nhận Greenwich là kinh tuyến gốc, cuối cùng dẫn đến sự ra đời của giờ chuẩn quốc tế. Đến năm 1911, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã thống nhất về giờ.

Thuyết phục lớp công nhân công nghiệp tiên phong sống theo đồng hồ thật không dễ gì. Nhiều người dốc sức theo tốc độ riêng, giải lao tùy hứng, hoặc tuyệt nhiên không có mặt vì công việc – một thảm họa cho các ông chủ trả lương theo giờ. Để thuyết phục công nhân về kỷ luật giờ giấc mới theo đòi hỏi của chủ nghĩa tư bản hiện đại, giai cấp thống trị tuyên truyền đúng giờ thành một bổn phận công dân, một phẩm chất đạo đức, đồng thời phỉ báng thói chậm chạm và trễ giờ thành tội lỗi cốt tử. Trong danh mục năm 1891 của mình, Hãng Đồng hồ Electric Signal cảnh báo những tai họa bắt nguồn từ việc không duy trì tốc độ: “Nếu có một phẩm chất mà con người cần phải trau dồi hơn tất thảy để có thể thành công trong cuộc sống, thì chính là biết đúng giờ; nếu có một lỗi lầm cần phải tránh, ấy chính là trễ giờ.” Một trong những thế hệ đồng hồ của hàng này mau mắn lấy tên Kẻ chuyên quyền, hứa hẹn sẽ “cách mạng hóa những kẻ tụt hậu, luôn sau đuôi giờ giấc.”

Năm 1876, thói quen đúng giờ được thúc đẩy một bước lớn khi chiếc đồng hồ báo thức lên dây cót gây chấn động thị trường. Vài năm sau, nhiều nhà máy triển khai lắp đặt hệ thống đồng hồ để công nhân tuân theo mỗi lúc vào ca hoặc tan ca, đưa nguyên tắc “thời giờ là tiền bạc” vào nghi thức hàng ngày. Sức ép tăng khiến từng giây thành quý báu, chiếc đồng hồ đeo tay trở thành một biểu tượng của thân thế địa vị. Ở Mỹ, người nghèo tham gia các câu lạc bộ để mỗi tuần quay thưởng mong trúng một chiếc đồng hồ. Các trường học cũng ủng hộ xu thế đúng giờ. Một bài giảng trong bộ sách giáo khoa của McGuffey ấn hành năm 1881 cảnh báo trẻ em về những hậu quả khủng khiếp có thể xảy ra nếu chậm trễ: những vụ đâm tàu hỏa, công việc kinh doanh bất thành, bại trận, hành trình nhầm lẫn và những cuộc tình lãng mạn dở dang: “Nếu cứ liên tục như vậy trong đời, những kế hoạch sắp đặt công phu nhất, những sự vụ quan trọng nhất, vận mệnh của các cá nhân, danh dự, hạnh phúc và bản thân cuộc sống sẽ mất đi hàng ngày chỉ bởi một ai đó trễ giờ.”

Trong khi chiếc đồng hồ xiết chặt vòng cương tỏa và công nghệ giúp thực hiện mọi việc được nhanh hơn, thói vội vàng và hối hả len lỏi vào từng xó xỉnh của cuộc sống. Con người được kỳ vọng suy nghĩ nhanh hơn, làm việc nhanh hơn, nói chuyện nhanh hơn, đọc nhanh hơn, viết nhanh hơn, ăn nhanh hơn và đi lại cũng nhanh hơn. Một nhà quan sát ở thế kỷ mười chín đã châm biếm rằng dân thường New York “luôn bước đi như thể có một bữa tối thịnh soạn chờ anh ta phía trước, và một chấp hành viên tống đạt lệnh bắt giữ phía sau.” Năm 1880, Nietzsche phát hiện ra một văn hóa đang ngày càng phổ biến: “… của sự vội vàng, của sự hối hả khiếm nhã, toát mồ hôi hột, muốn được ‘thấy mọi việc hoàn thành’ ngay lập tức.”

Các nhà trí thức bắt đầu nhận ra rằng công nghệ đang định hướng chúng ta y như chúng ta từng định hướng công nghệ. Năm 1910, nhà sử học Herbert Casson viết: “… cùng với việc sử dụng điện thoại, xuất hiện một thói quen mới của tư duy. Tác phong chậm chạp, uể oải bị vứt bỏ… cuộc sống trở nên căng thẳng, sôi động hơn, và mạnh mẽ hơn.” Casson hẳn sẽ không lấy làm lạ khi biết làm việc quá nhiều giờ trên máy tính có thể khiến con người nóng nảy với bât kỳ ai lỡ nhịp tốc độ phần mềm.

Cuối thế kỷ mười chín, văn hóa vội vã phát triển vượt bậc nhờ một nhà tư vấn tiền-quản lý tên là Frederick Taylor. Tại Công trình Thép Bethlehem ở Pennsylvania, Taylor đã dùng đồng hồ bấm giờ và thước lôga để đo xem mỗi thao tác mất bao lâu, sát tới mỗi phần trăm giây, rồi sau đó sắp xếp chúng sao cho đạt hiệu quả tối đa. Ông ta tuyên bố, như báo điềm gở, rằng: “Trong quá khứ, con người là trên hết. Trong tương lai, Phương pháp là trên hết.” Dẫu cho tác phẩm của ông được cả thế giới hào hứng đọc, bản thân Taylor chỉ thành công được chăng hay chớ khi đưa khẩu hiệu “Quản lý theo phương pháp Khoa học” vào thực tiễn. Tại Công trình Thép Bethlehem, ông hướng dẫn một công nhân khuấy gang nhanh hơn mức trung bình bốn lần. Song, nhiều công nhân khác bỏ cuộc, phàn nàn quá căng thẳng và mệt mỏi. Taylor là con người khắt khe trong cộng tác, nên cuối cùng bị sa thải năm 1901. Dù ông đã sống nốt những năm cuối đời ít người biết đến, là nhân vật bị các tổ chức công đoàn thù ghét, song tín điều của ông – lịch trình trước, con người sau – đã để lại dấu vết không thể gột tẩy trong tinh thần phương Tây. Và không chỉ ở công sở. Michael Schwarz, nhà sản xuất chương trình phim tài liệu truyền hình về chủ nghĩa Taylor năm 1999, nói: “Taylor có thể đã chết trong nhục nhã, nhưng ông mới là người được cất tiếng cười ngạo cuối cùng, bởi những ý tưởng của ông về hiệu quả đã dần dần định đoạt lối sống của chúng ta ngày nay, không chỉ trong công việc, mà trong cả đời tư.”

Vào khoảng thời gian Taylor đang tính xem mất bao nhiêu phần trăm giây để thay xong một bóng đèn, Henry Olerich xuất bản cuốn tiểu thuyết có tựa đề Một Thế giới không Thành phố và Nông thôn, mô tả nền văn minh trên Sao Hỏa, nơi thời gian quý giá đến mức trở thành tiền bạc. Một thế kỷ sau, tiên đoán của Olerich đã hiển nhiên trở thành hiện thực: thời gian giờ đây là tiền bạc hơn bao giờ hết. Thậm chí chúng ta còn bàn về người “giàu thì giờ” hoặc, phổ biến hơn, “nghèo thì giờ.”

Vì sao, giữa cơ man của cải vật chất, căn bệnh nghèo thì giờ lại đặc thù đến vậy? Phần lớn tội lỗi nằm ở tỉ lệ tử vong của chúng ta. Y học hiện đại có thể thêm khoảng một thập kỷ vào bảy chục năm nguyên gốc trong Kinh Thánh, song chúng ta vẫn sống dưới bóng cái thời hạn cuối cùng lấn lướt mọi sự: ấy là cái chết. Chẳng có gì lạ khi chúng ta cảm thấy thời gian ngắn ngủi, và cố gắng biến từng khoảnh khắc thành hữu ích. Nhưng nếu bản năng mách bảo làm như thế là phổ quát, tại sao một số nền văn hóa lại thiên về chạy đua với chiếc đồng hồ hơn những nền văn hóa khác?

Một phần câu trả lời có thể nằm trong cách chúng ta nghĩ về thời gian. Theo một số truyền thống triết học – chỉ xin viện dẫn ba trường hợp Trung Quốc, Hindu và đạo Phật – thời gian là luân hồi. Trên hòn đảo Baffin của Canada, người Inuit sử dụng cùng một từ – uvatiarru – để hàm ý cả “trong quá khứ xa xôi” lẫn “trong tương lai xa xôi.” Ở các nền văn hóa đó, thời gian không ngừng đến và đi Nó liên tục ở quanh ta, tự thân đổi mới, giống như không khí chúng ta hít thở. Trong truyền thống phương Tây, thời gian là tuyến tính, một mũi tên bay thẳng không hối tiếc từ A đến B. Thời gian là nguồn tài nguyên hữu hạn, chính vì thế mà quý giá. Giáo lý Cơ Đốc chồng chất thêm áp lực phải biến từng khoảnh khắc thành ích dụng. Các thầy tu dòng Benedict tuân theo một lịch trình nghiêm ngặt, bởi họ tin quỷ dữ sẽ tìm ra việc cho những bàn tay nhàn rỗi. Trong thế kỷ mười chín, Charles Darwin tổng kết nỗi ám ảnh của phương Tây phải tận dụng từng giây từng phút bằng một lời hiệu triệu nghiêm khắc: “Một con người lãng phí một giờ sẽ không khám phá ra ý nghĩa của cuộc đời.”

Trong đạo Shinto của Nhật Bản, vốn vẫn tồn tại hòa hợp với dòng Phật giáo bản địa hóa, thời gian là luân hồi. Tuy nhiên, sau năm 1868, bằng bầu nhiệt huyết hầu như siêu nhân, Nhật Bản đặt mục tiêu đuổi kịp phương Tây. Để tạo dựng một nền kinh tế tư bản hiện đại, chính thể Minh Trị nhập đồng hồ và lịch phương Tây, cổ xúy cho đức tính đúng giờ và tận dụng tối đa thời gian. Xu hướng sùng năng suất càng ăn sâu bám rễ sau khi Đại chiến Thế giới thứ hai bỏ lại Nhật Bản trong đống đổ nát hoang tàn. Ngày nay, khi bạn đứng ở ga Shinjuku nội đô Tokyo, ngắm nhìn những hành khách đi vé tháng chạy cho kịp chuyến tàu trong khi chuyến khác chuyển bánh chỉ sau đó chừng hai phút, bạn sẽ thấy người Nhật đã thấm nhuần ý niệm thời gian là nguồn tài nguyên hữu hạn đến chừng nào.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà Nhật Bản hết sức quán triệt, là một động cơ mạnh mẽ nữa để tiến nhanh. Xa xôi về trước như những năm 1830, Alexis de Tocqueville đổ tại bản năng mua sắm làm tăng nhịp sống: “Hắn là kẻ dành hết tâm can mưu cầu những thú vui trần tục nên luôn vội vã, vì hắn chỉ có được một khoảng thời gian hạn chế để đạt tới, nắm bắt và hưởng thụ.” Điều phân tích trên ngày nay nghe có vẻ càng đúng hơn, khi cả thế giới là một cửa hiệu và tất cả đàn ông đàn bà đơn thuần là những người mua. Bị dụ dỗ và kích thích ở từng chỗ rẽ, chúng ta ra sức nhồi nhét hàng hóa tiêu dùng và thật nhiều kinh nghiệm. Cũng như đường công danh rực rỡ, chúng ta muốn tham gia các khóa học về nghệ thuật, tập tành ở phòng tập, đọc báo chí và mọi cuốn sách trong danh mục sách ăn khách nhất, đi ăn hàng với bạn bè, tới câu lạc bộ, chơi thể thao, xem tivi hàng giờ, xem nhạc, dành thì giờ cho gia đình, sắm đồ dùng và thời trang hợp mốt nhất, đi rạp chiếu bóng, tận hưởng vuốt ve âu yếm và tình dục tuyệt vời của bạn tình, đi nghỉ ở những miền xa xôi rộng lớn, thậm chí có thể tham gia vài công tác tình nguyện có ý nghĩa. Kết quả là một sự xa rời đầy day dứt giữa điều chúng ta muốn trong đời và điều chúng ta thực có, nuôi dưỡng thêm cảm giác chẳng bao giờ có đủ thời gian.

Cuộc sống riêng của tôi cũng theo mô hình ấy. Con cái đồng nghĩa với hàng núi việc phải làm, và cách duy nhất đẻ sống qua kiếp làm cha mẹ là thu gọn lịch hàng ngày. Song tôi thấy việc này thật khó. Tôi muốn có tất cả. Bởi vậy, thay vì cắt giảm những sở thích riêng, tôi xoay xở cố nhét chúng vào một lịch hàng ngày vốn sắp bục đường biên. Sau khi chuồn khỏi trận tennis, tôi dành trọn phần ngày còn lại vắt chân lên cổ cho kịp thời gian biểu. Tôi lái xe nhanh hơn, tản bộ nhanh hơn và đọc lướt những câu chuyện trước giờ đi ngủ.

Giống như bao người khác, tôi trông chờ công nghệ giành giật giúp tôi chút 

thời gian, để có cơ hội bớt vội vã phần nào. Song công nghệ là một gã bạn phản trắc. Ngay cả khi thực sự tiết kiệm được thời gian, gã cũng phá hỏng kêt quả bằng cách sản sinh ra vô khối những bổn phận và mong muốn mới. Khi máy giặt ra đời đầu thế kỷ hai mươi, nó giải phóng các bà nội trợ khỏi hàng giờ quần quật rã rời. Rồi, qua nhiều năm, khi tiêu chuẩn vệ sinh cao lên, chúng ta giặt quần áo thường xuyên hơn. Kết quả: sọt đựng đồ giặt đầy ắp trở thành một nét đặc trưng của hộ gia đình hiện đại chẳng khác gì đống hóa đơn trên thảm chùi chân nơi cửa ra vào. Thư điện tử là một ví dụ khác. Về mặt ưu việt, nó gắn kết con người lại với nhau chưa từng thấy. Nhưng sử dụng dễ dàng dẫn đến lạm dụng không sao kiềm tỏa được, bởi ai nấy đều đang kích “gửi đi” chỉ trong chớp mắt. Mỗi ngày, siêu xa lộ thông tin truyền đi trên năm tỉ bức thư điện tử, phần nhiều trong số chúng là những memo vô dụng, những câu đùa thô thiển và thư rác. Đối với hầu hết chúng ta, kết quả là một Núi Thư Điện Tử hàng ngày dài dằng dặc.

Với sức ép lớn như vậy lên thời giờ của chúng ta, ngay cả tín đồ tận tụy nhất của phong trào Chậm cũng thấy khó mà không gấp gáp. Như trường hợp Satish Kumar, nguyên trước đây là một thầy tu đạo Jain, người đã đi bộ từ quê nhà Ấn Độ đến Anh trong những năm 1960 và từ đó đi bộ đến nhiều nơi trên thế giới. Hiện nay, ông sinh sống tại Devon, miền Tây Nam nước Anh, làm công việc xuất bản tờ Resurgence (Hồi Sinh), tạp chí số ra hai tháng một kỳ tán thành nhiều ý tưởng gần gũi với phong trào Chậm. Tôi gặp Kumar trong một chiều hè tuyệt đẹp tại Công viên Hyde Park nội đô Luân Đôn. Dáng hình bé nhỏ, gầy gò trong bộ đồ lanh, ông rảo bước thanh thản qua những đám người mệt mỏi đang trượt patanh, chạy bộ và đi bộ nhanh. Chúng tôi ngồi trong bóng mát bên dưới một tán cây. Kumar cởi bít tất và giầy, lùa đôi bàn chân bôn ba vào đám cỏ cao. Tôi hỏi ông về căn bệnh thời gian.

“Căn bệnh trầm kha của phương Tây là bó buộc thời gian, sau đó áp đặt tốc độ lên mọi khía cạnh của đời sống,” ông nói. “Mẹ thường bảo tôi: ‘khi Chúa Trời tạo ra thời gian, Người tạo ra thừa đủ’ – và bà đã đúng.”

“Nhưng bà cụ cả đời sống ở vùng nông thôn Ấn Độ”, tôi nhắc. “Chắc chắn trong thế giới hiện đại sức ép phải tăng tốc, phải hoàn thành trước thời gian đã định, là không thể cưỡng lại.”

“Vâng, đúng thế, trong chừng mực nhất định. Sống ở đây, tôi cũng không tránh khỏi vội vàng, gấp gáp. Đôi khi, không còn các nào khác để kịp thời hạn ra tạp chí. Sống ở phương Tây, con người liên tục chống chọi sao cho không bị đồng hồ chế ngự.”

Một chiếc máy bay ầm ầm rền rĩ trên đầu. Kumar liếc nhìn đồng hồ. Cuộc hẹn tiếp sau của ông, một buổi ra sách, sẽ bắt đầu trong mười lăm phút nữa. Ông nói với nụ cười yếu ớt: “Đã đến lúc tôi phải đi. Tôi không muốn đến muộn.”

Căn bệnh thời gian còn có thể là triệu chứng của một thực trạng bất ổn sinh tồn sâu xa hơn thế. Ở giai đoạn cuối trước khi kiệt quệ, con người thường tránh đối mặt với vận rủi của mình Kundera cho rằng tốc độ giúp chúng ta phác họa nỗi kinh hoàng và sự cằn cỗi của thế giới hiện đại: “Thời đại của chúng ta bị ám ảnh bởi mong muốn lãng quên, vì đáp ứng mong muốn ấy mà bán mình cho con quỷ tốc độ; lấy đà tăng tốc để tỏ cho chúng ta thấy nó không còn muốn được ai nhớ đến, nó mệt mỏi vì bản thân nó, phát ốm vì bản thân nó; nó muốn thổi tắt ngọn lửa nhỏ run rẩy kia của ký ức.”

Nhiều người nghĩ rằng tốc độ là một cuộc chạy trốn, không phải khỏi cuộc sống mà chạy trốn khỏi cái chết. Mark Kingwell, giáo sư triết học tại Đại học Toronto, Canada từng viết về nạn sùng bái tốc độ thời hiện đại rất sâu sắc. Khi chúng tôi gặp nhau bên tách cà phê, ông lái câu chuyện ra khỏi chủ đề động cơ tên lửa và Internet bằng băng thông rộng. “Bất kể người ta có nghĩ gì chăng nữa, bàn luận về tốc độ chưa bao giờ là về thực trạng công nghệ hiện thời,” ông nói. “Nó sâu xa hơn thế, nó quay về với mong muốn được siêu nghiệm của con người. Thật khó mà nghĩ đến sự thật là chúng ta sẽ chết; chẳng thú vị gì, vậy nên chúng ta liên tục tìm cách sao lãng nhận biết về cái chết của mình. Tốc độ đem lại cảm giác cuốn đi, là một chiến lược sao nhãng.”

Muốn hay không, bộ não con người vẫn tư duy thiên về tốc độ. Chúng ta thích hiểm nguy, thích được phấn chấn, hồi hộp, rộn ràng, dâng trào cảm xúc sinh ra từ chuyển động nhanh. Tốc độ giải phóng hai hóa chất – epinephrine và norepinephrine – cùng lan tỏa khắp cơ thể ta trong lúc làm tình. Kudenra đã đúng khi nói tới “trạng thái xuất thần tốc độ.”

Và không chỉ thích sống nhanh, chúng ta đâm quen thôi, chúng ta bị “vận tốc hóa”. Lần đầu tiên lái xe trên đường cao tốc, bảy mươi dặm một giờ có vẻ là nhanh. Thế rồi, sau vài phút, cảm thấy bình thường. Sang đoạn đường nhánh, hãm xuống 30 dặm một giờ, tốc độ thấp có vẻ chậm không chịu nổi. Vận tốc hóa khích động nhu cầu tăng tốc liên miên. Khi đã quen với bảy mươi dặm một giờ, chúng ta có xu hướng nhân ga thêm một chút, đẩy công tơ mét lên tám, chín mươi dặm một giờ hoặc cao hơn. Năm 1899, một kỹ sư người Bỉ lắp ráp chiếc ôtô đầu tiên thiết kế chuyên đề để phá các kỷ lục tốc độ. Hình thù giống như quả ngư lôi, có hai động cơ điện, chiếc xe mang cái tên tóm tắt khát khao của chúng ta ngày càng nhanh và nhanh hơn nữa: La Jamais Contente – Không Bao Giờ Thỏa Mãn.

Tai họa của vận tốc hóa vượt ra khỏi phạm vi đường sá. Lấy việc lướt web làm ví dụ. Chưa bao giờ chúng ta hài lòng với tốc độ kết nối Internet. Khi tôi lần đầu lướt Net với chiếc modem băng thông rộng, có vẻ nhanh như chớp. Bây giờ cảm thấy giống như chạy quanh cối xay, thậm chí còn rề rề. Khi một trang không tải xuống được, tôi hết cả kiên nhẫn. Chậm trễ hai hay ba giây thôi cũng đủ khiến tôi liên tục kích chuột để thúc cho nhanh hơn. Câu trả lời duy nhất là phải kết nối nhanh hơn.

Trong khi chúng ta không ngừng tăng tốc, mối quan hệ của chúng ta với thời gian trở nên căng thẳng và khác thường hơn bao giờ hết. Bất cứ cuốn sách giáo khoa y học nào cũng cho bạn biết rằng ám ảnh tỉ mẩn về tiểu tiết chính là một triêu chứng cổ điển của bệnh rối loạn thần kinh. Chính nỗ lực không ngừng hòng bào thời gian thành những mẩu nhỏ chưa từng thấy – thí dụ, bật ngón tay mất năm trăm triệu nano giây[16] – đã khiến chúng ta ý thức hơn về dòng trôi qua của nó, háo hức tận dụng nó triệt để hơn, và loạn thần kinh hơn.

Ngay bản chất của thời gian hình như cũng đã thay đổi. Ngày xưa, Kinh Thánh dạy rằng: “Với vạn vật có một mùa và một thời khắc cho mọi mục đích dưới gầm trời này” – thời khắc để chào đời, để chết, để chữa lành bệnh, để thương khóc, để vui cười, để yêu, vân vân. Trong Don Quixote, Cervantes ghi nhận rằng “Que no son todos los tiempios unos” – “không phải các thời khắc đều như nhau.” Tuy nhiên trong một thế giới 24/7, mọi thời khắc đều như nhau: chúng ta thanh toán hóa đơn vào thứ Bảy, đi mua hàng vào Chủ Nhật, mang máy tính xách tay lên giường, làm việc suốt cả đêm và ăn ngon lành những bữa sáng no-cả-ngày. Chúng ta chế nhạo các mùa bằng việc ăn dâu tây nhập khẩu vào giữa mùa đông, ăn bánh nhân nho nóng hổi suốt quanh năm thay vì chỉ một lần vào lễ Phục Sinh. Với điện thoại di động, Blackberrys, máy nhắn tin và Internet, mọi người và mọi vật ngày nay thường trực sẵn sàng.

Một số người lập luận rằng văn hóa “suốt ngày đêm” có thể giúp con người thấy bớt vội vàng, do để họ thoải mái làm việc và chạy lặt vặt bất cứ khi nào họ muốn. Ấy là mơ tưởng. Một khi ranh giới bị xóa bỏ, sự ganh đua, tham lam và lo sợ khuyến khích chúng ta áp dụng nguyên tắc thời gian là tiền bạc vào mỗi một thời khắc ngày đêm. Đó là lý do vì sao giác ngủ cũng không còn là nơi ẩn náu khỏi sự vội vã. Hàng triệu người nghe băng trong khi ngủ lơ mơ mục đích để ôn thi, học ngoại ngữ và ôn tập các kỹ năng quản lý. Trên mạng web Học Trong Giấc Ngủ, cuộc tấn công vào lúc thường khi chúng ta có thể lo lắng mình mà không cảm thấy tội lỗi gì được tô vẽ như một cơ hội tự tu thân: “Những giờ không thức giấc – chiếm phần ba cuộc đời của bạn – hiện còn đang vô ích. Hãy khai thác tiềm năng khổng lồ ấy để tăng tiến sự nghiệp, sức khỏe và hạnh phúc.”

Chứng loạn thần kinh chức năng thời gian của chúng ta nặng đến mức phải sinh ra cả một thế hệ những chuyên gia trị liệu kiểu mới hòng xử lý vấn đề. Họ chính là đội ngũ những cố vấn quản lý thời gian đầy uy tín. Một số lời khuyên của họ, nhan nhản trong các sách và hội thảo, tỏ ra có lý. Nhiều người khuyến nghị làm bớt đầu việc để có kêt quả tốt hơn, nguyên lý cốt lõi của triết lý Chậm. Tuy nhiên đa số quên tấn công căn nguyên tật bệnh: chính là nỗi ám ảnh phải tiết kiệm thời gian. Thay vào đó, họ lại hùa theo. Năm 2000, David Cottrell và Mark Layton xuất bản 175 cách làm được nhiều việc hơn trong ít thời gian. Viết liền mạch, văn phong nghẹt thở, cuốn sách là một cẩm nang hướng dẫn tối đa hóa hiệu quả va tăng tốc. Lời khuyên số 141 thật giản đơn: “Hãy làm mọi việc nhanh hơn!”

Chỉ bằng mấy từ ấy, hai tác giả đã tóm gọn vấn đề của thế giới hiện đại. Hãy ngẫm một chút: Làm mọi việc nhanh hơn. Liệu đọc lướt Proust, làm tình nửa thời gian hay nấu ăn bằng lò vi sóng thực sự có nghĩa gì chăng? Hẳn là không, song thực tế ai đó có thể viết ra dòng chữ “Hãy làm mọi việc nhanh hơn” chỉ khẳng định thêm là chúng ta đã lầm lạc biết chừng nào, và chúng ta cần xét lại toàn bộ lối sống của mình khẩn cấp ra sao.

Chưa quá muộn để lập lại trật tự. Thậm chí trong kỷ nguyên của câu chuyện một phút trước giờ đi ngủ, vẫn có một lựa chọn khác thay cho làm mọi việc nhanh hơn. Và, tuy nghe có vẻ ngược đời, phong trào Chậm quả thật đang trưởng thành nhanh chóng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.