Ngợi Ca Sống Chậm

CHƯƠNG HAI – CHẬM LÀ TỐT ĐẸP



Để giảm stress cấp tốc, hãy cố mà chậm lại.

– LILY TOMLIN, NỮ TÀI TỬ VÀ DIỄN VIÊN HÀI KỊCH MỸ

Wagrain, thành phố nghỉ mát nép sâu vào dãy Alps nước Áo, chuyển mình theo nhịp chậm. Người ta tới đây để trốn cảnh ồn ào huyên náo của Salzburg và Viên. Về mùa hè, họ cuốc bộ qua những nẻo đường rừng, dã ngoại bên những dòng suối núi. Khi tuyết rơi, họ trượt tuyết qua dải rừng, hoặc lao xuống mấy sườn dốc dựng đứng, tơi như bột. Bất kể mùa nào, không khí vùng Alps luôn căng đầy phổi, hứa hẹn một đêm ngon giấc trở về trong căn nhà gỗ nhỏ.

Tuy vậy, mỗi năm một lần, thành phố nhỏ bé này còn hơn cả sống theo nhịp chậm. Nó trở thành bệ phóng cho triết lý Chậm. Tháng Mười, Wagrain chủ trì hội nghị thường xuyên của Hiệp hội Giảm tốc Thời gian.

Ảnh 1 – Wagrain

Đóng trụ sở tại thành phố Klagenfurt nước Áo, lại luôn tự hào về số lượng hội viên trải khắp Trung Âu, Hiệp hội là lá cờ đầu trong phong trào Chậm. Hơn một ngàn hội viên của hội chính là những chiến sĩ bộ binh trong cuộc trường chinh chống lại tín điều làm mọi việc nhanh hơn. Trong đời sống hàng ngày, tín điều đó có nghĩa là chậm lại nếu cần như vậy. Nếu một hội viên của Hội là bác sĩ, ông này có thể dành nhiều thời gian để chuyện phiếm với bệnh nhân. Một cố vấn quản lý có thể từ chối trả lời các cuộc điện thoại công việc mỗi dịp cuối tuần. Một nhà thiết kế có thể đạp xe đến các cuộc gặp thay vì lái xe hơi. Tín đồ Giảm tốc dùng một từ tiếng Đức – eigenzeit – để tóm tắt tín điều của họ. Eigen có nghĩa là “của mình” còn zeit là “thời gian”. Nói sách khác, mỗi một cá thể sống, sự kiện, tiến trình hay khách thể đều có thời gian, hoặc giả nhịp độ riêng của nó, nhịp chuẩn của nó.

Bên cạnh việc xuất bản những tờ báo nghiêm chỉnh về mối quan hệ giữa con người với thời gian, Hội còn gây tranh cãi bằng những trò quảng cáo châm chọc công khai. Các hội viên điều hành qua nhiều trung tâm thành phố, trước ngực hoặc trên lưng đeo những tấm biển đề thật bắt mắt khẩu hiệu “Khẩn trương lên!” Cách đây không lâu, Hội còn vận động Ủy ban Olympic Quốc tế trao huy chương vàng cho những vận động viên nhiều lần về bét.

“Tham gia phong trào Chậm không có nghĩa là bạn luôn phải chậm – chúng tôi vẫn đi máy bay đấy chứ! – Hay bạn luôn phải nghiêm chỉnh, thản nhiên, hoặc giả bạn muốn quấy rối thú vui của kẻ khác,” Michaela Schmoczer, vị thư ký năng động của Hội, nói. “Nghiêm túc là tốt, nhưng không nhất thiết phải mất đi khiếu hài hước”.

Với suy nghĩ đó, Tín đồ Giảm tốc thường xuyên đặt “bẫy tốc độ” ở các trung tâm đô thị. Sử dụng đồng hồ bấm giờ, họ tính thời gian khách bộ hành đi lại làm việc hàng ngày. Ai đi năm mươi mét ít hơn ba mươi bảy giây sẽ bị kéo sang lề, đề nghị cắt nghĩa lý do vì sao vội vã. Hình phạt là vừa đi bộ năm mươi mét vừa điều khiển một con rùa rối phức tạp dọc vỉa hè. “Cách làm như vậy thường thành công ghê gớm,” Jursen Adam, một giáo viên phổ thông tham gia đặt bẫy tốc độ tại thành phố Ulm của Đức, nói. “Hầu hết mọi người thậm chí chẳng buồn nghĩ xem vì sao họ đi nhanh như vậy. Nhưng khi chúng tôi gợi ý nói về tốc độ và thời gian, họ rất quan tâm. Họ thích ý tưởng lắng mình. Một số sau đó còn quay lại trong ngày đòi được dắt con rùa lần nữa. Họ thấy làm như vậy dễ chịu.”

Năm 2002 tại hội nghị thường niên của Hội, bảy mươi hội viên từ Đức, Áo, và Thụy Sĩ bất ngờ đến Wagrain để dành ra ba ngày chấn chỉnh thế giới bên rượu vang và món cốt lết bê rán. Trang phục bình thường, đồng hồ cũng vậy. Một khẩu hiệu treo trong phòng họp chính tuyên bố hùng hồn: Khai mạc là khi đến giờ thích hợp. Dịch nghĩa: nhiều hội thảo khai mạc muộn. Do nhầm lẫn trong in ấn, chương trình ngày thứ Bảy trống hẳn ba mươi phút. Khi tôi nêu thiếu sót bất thường này với một đại biểu, ông tỏ vẻ bối rối. Rồi ông nhún vai, mỉm cười và nói: “Ồ, vậy đấy. Dễ đến dễ đi mà.”

Xin đừng hiểu lầm. Tín đồ Giảm tốc không phải là những di vật lạ thường từ kỷ nguyên hippy vương lại. Hơn thế nhiều. Họ là loại công dân ưa để ý mà bạn thấy bên nhà hàng xóm, những người luôn theo sát các cuộc họp quanh thế giới – những luật sư, các nhà tư vấn, bác sĩ, kiến trúc sư, giáo viên. Tuy nhiên, thảo luận trao đổi quan điểm cũng đôi khi chuyển thành trò hề. Tại một hội thảo diễn ra trong sảnh một khách sạn, hai sinh viên triết học đầu tóc bù xù điều khiển cuộc thảo luận về nghệ thuật tuyệt-đối-chẳng-làm-gì. Cả tá hội viên tụ họp chừng mười phút sau giờ khai mạc. Họ ngồi chẳng nói chẳng rằng, thỉnh thoảng ngó ngoáy không yên trên ghế gấp. Chỉ có tiếng vù vù xa xa của chiếc máy hút bụi dội lên lối cầu thang gần đó phá vỡ bầu không khí tĩnh lặng.

Ở góc khác trong khách sạn, các hội viên còn lại tìm hiểu những cách lắng mình thực tiễn hơn. Một ông chủ thầu khoán tổ chức hội thảo giới thiệu bản thiết kế chi tiết khách sạn Chậm đầu tiên trên thế giới của mình. “Hầu hết các kỳ nghỉ ngày nay quá ư căng thẳng,” Bernhard Wallmann, người đàn ông trung niên, to béo có đôi mắt cún con, giải thích. “Bắt đầu là hành trình bằng máy bay hoặc xe hơi, sau đó bạn đôn đáo đi xem sao cho càng được nhiều cảnh quan càng tốt. Bạn kiểm tra thư điện tử trong một quán cà phê Internet, bạn xem kênh VNN hoặc MTV trên ti vi khách sạn. Bạn sử dụng di động của mình để chuyện gẫu với bạn bè hoặc đồng nghiệp ở nhà. Và rồi cuối cùng bạn trở về mệt mỏi hơn cả lúc chưa đi.” Náu mình trong công viên quốc gia Áo, khách sạn Chậm ba trăm giường của ông sẽ khác hẳn. Khách sẽ du hành đến một làng gần đó bằng tàu hỏa hơi nước, xong cuốc bộ về khách sạn hoặc ngồi xe ngựa kéo. Mọi công nghệ gây ra sự vội vàng – truyền hình, điện thoại di động, laptop, máy hỗ trợ cá nhân Palm Pilot, xe hơi – đều bị cấm. Thay vào đó, khách chỉ thưởng thức những thú vui đơn thuần, chậm rãi như làm vườn, đi bộ việt dã, đọc sách, liệu pháp yoga và spa. Các diễn giả đại biểu sẽ đến nói chuyện về thời gian, tốc độ và sự chậm rãi. Trong khi Wallmann trình bày ý tưởng của mình, một vài Tín đồ Giảm tốc ngăn lại. Ý tưởng quá lớn, quá thượng lưu, quá thương mại, họ kêu la. Nhưng Wallmann, mang đôi giày đen bóng loáng của người đàn ông chỉ nói chuyện công việc nghiêm túc, không tỏ ra nao núng. “Thế giới ngày nay đang đói khát sự chậm rãi,” sau đấy ông nói với tôi, giữa lúc miệng đầy táo bọc bột đường. “Tôi cho rằng bây giờ là thời điểm thích hợp có một khách sạn thực sự giúp con người chậm lại toàn phần.”

Lựa chọn ra khỏi văn hóa tốc độ cần đến cú nhảy của lòng tin – và luôn dễ dàng hơn khi bạn biết nhiều người khác cũng đang cùng nhảy. Erwin Heller, một luật sư ngạch bất động sản đến từ Munich, kể với tôi rằng gặp mặt các thành viên khác của Hội Giảm tốc Thời gian đã giúp ông quyết tâm hơn. “Tôi cũng thấy liên tục đẩy nhanh mọi việc là tồi tệ, tuy vậy khi anh chỉ có một mình, anh thường nghi ngại biết đâu mình có thể sai còn người khác thì đúng,” ông nói. “Biết được nhiều người cũng đang nghĩ như mình, thậm chí còn hành động, giúp tôi vững tâm chậm lại.”

Các thành viên của Hội không đơn độc. Trên khắp thế giới, quần chúng đang liên hiệp lại ủng hộ phong trào Chậm. Trên bảy trăm người Nhật hiện nay tham gia Câu lạc bộ Thư thả, chủ trương sống bớt vội vã, thân thiện với môi trường. Nhóm điều hành một quán cà phê ở Tokyo phục vụ thức ăn hữu cơ, trình diễn hòa nhạc dưới ánh nến, bán áo phông và những tách cà phê mang khẩu hiệu “Chậm là tốt đẹp.” Các bàn được cố ý sắp xếp cách xa hơn bình thường ở Nhật, để khuyến khích khách thư giãn và nán lại lâu hơn. Một phần nhờ Câu lạc bộ Thư thả này mà giảm tốc hiện đang là thời thường ở Nhật Bản. Các nhà quảng cáo của đất nước mặt trời mọc dùng từ tiếng Anh “Slow” (Chậm) để rao bán mọi thứ từ thuốc lá và các tour du lịch đến những căn hộ chung cư. Sự hâm mộ dành cho lối sống vô tư lự kiểu châu Âu Địa Trung Hải đã lan rộng đến nỗi một nhà bình luận từng nói tới “Trào lưu La tinh hóa người Nhật.”

Năm 2001, một trong những sáng lập viên Câu lạc bộ Thư thả, nhà nhân chủng học kiêm hoạt động môi trường Keibo Oiwa, đã xuất bản một báo cáo điều tra các cuộc vận động Chậm khác nhau trên toàn thế giới. Sách có tựa đề Chậm Là Tốt Đẹp và đã in đến lần thứ mười hai. Khi tôi tới thăm Oiwa tại văn phòng của ông ở trường Đại học Meiji Gakuin, ngoại ô Tokyo, ông vừa trở về từ một cuộc hội thảo ba ngày chuyên đề Chậm do quận trưởng Hyogo tổ chức. “Ngày nay có nhiều người Nhật Bản, nhất là lớp trẻ, nhận thức ra rằng Chậm cũng chẳng sao,” ông nói. “Với chúng tôi, đó là cả một thay đổi lớn lao trong quan niệm.”

Ở bên kia bờ Thái Bình Dương, từ tổng hành dinh của mình tại San Francisco, Tổ chức Bây giờ Chậm đang góp tiếng nói ủng hộ. Các thành viên của Tổ chức cảnh báo rằng chúng ta quá bận mở hết tốc lực hòng giữ vững tiến độ công việc hàng ngày đến mức hiếm khi ngước mắt trông xa hơn nowjv tiếp theo, là những con số hoạch định cho từng quý. Họ nói: “Nền văn minh của chúng ta đang quay vòng đến quãng tập trung tư tưởng ngắn một cách bệnh hoạn.” Để giúp chúng ta chậm lại, giúp chúng ta mở mắt thấy bức tranh toàn cảnh rộng dài, Tổ chức đang dựng một số đồng hồ khổng lồ, phức tạp chỉ chuyển động mỗi năm một lần và đo thời gian tới trên mười thiên niên kỷ. Chiếc đầu tiên, con quái thú đẹp đẽ bằng đồng và thép, hiện trưng bày tại Bảo tàng Khoa học Luân Đôn, nước Anh. Chiếc thứ hai, một đồng hồ lớn hơn nhiều sẽ được khắc vào vách núi đá vôi gần Công viên Quốc gia Vịnh Lớn, Đông Nevada.

Nhiều người ủng hộ phong trào Bây giờ Chậm làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Danny Hillis, người giúp sáng chế các siêu máy tính, cũng ở trong ban lãnh đạo. Trong số các doanh nghiệp tài trợ có nhiều người khổng lồ công nghệ cao như PeopleSoft, Autodesk và Sun Microsystems Inc. Vì sao những người chơi đến từ ngành công nghệ nhanh nhất quả đất lại hỗ trợ một tổ chức khuyến khích sự chậm rãi? Bởi họ cũng nhận ra rằng nạn sùng bái tốc độ đã ở ngoài vòng kiểm soát.

Ngày nay, các tổ chức ủng hộ Chậm đều theo một truyền thống phản kháng bắt nguồn từ trước kỷ nguyên công nghiệp. Thậm chí trong thế giới cổ đại, tổ tiên của chúng ta cũng từng nổi giận trước sự chuyên chế của chiếc đồng hồ. Năm 200 trước Công nguyên, kịch tác gia La Mã Plautus đã viết những dòng ai oán sau đây:

Thần thánh đã ngăn cản con người ấy, kẻ đầu tiên tìm ra

cách phân biệt các giờ – ngăn cản cả hắn ta nữa

kẻ tại đây dựng chiếc đồng hồ mặt trời

hòng cắt chặt thê thảm ngày tháng của ta

thành mẩu nhỏ!

… Ta không thể (kể cả ngồi xuống ăn) trừ phi mặt trời kia cho phép

Thành phố này sao đầy những đồng hồ mặt trời chết tiệt…

Trong khi đồng hồ cơ lan tràn khắp châu Âu, tinh thần phản kháng ấy cũng chưa hề tụt hậu. Năm 1304, Daffyd ap Gwvillyn, một nhà thơ xứ Wales, cáu kỉnh trình bày: “Tình trạng lộn xộn chỉ vì cái đồng hồ mặt sắt đen xì cạnh ngân hàng đã thức tỉnh tôi! Cầu sao đầu nó, cái lưỡi gà, cặp dây, bánh xe của nó nát mủn; cả quả lắc, rồi những hòn bi ngu đần, lỗ miệng há hốc, búa gõ, những con vịt kêu quàng quạc như thể biết trước ngày giờ và những vòng quay bất tận không ngừng nghỉ của nó nữa.”

Khi mà thói quen duy trì giờ giấc len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống, các tác gia trào phúng đã chĩa ngòi bút vào bệnh sùng bái đồng hồ của châu Âu. Trong Gulliver Du ký (1726), những chú lùn Lilliput một mực cho rằng Gulliver thỉnh thị chiếc đồng hồ quả quýt thường xuyên như thế ắt hẳn nó phải là Thượng đế của ông ta.

Khi công nghiệp hóa lấy đà tăng tốc, cũng đồng thời gây nên phản ứng dữ dội chống lại căn bệnh tôn thờ đồng hồ và sùng bái tốc độ. Nhiều người cực lực lên án việc áp đặt giờ chuẩn toàn cầu, coi đó như một hình thức nô dịch. Năm 1884, Charles Dudley Warner, một biên tập viên kiêm tiểu luận gia Mỹ, nói cho hả nỗi bực tức phổ biến, trong đó có dẫn lời nhà viết kịch Plautus: “Chặt nhỏ thời gian thành từng khúc cứng nhắc là xâm phạm quyền tự do cá nhân, không công nhận những khác biệt trong tính cách và cảm xúc.” Những người khác than phiền máy móc làm cho cuộc sống quá gấp gáp, quá cuồng nhiệt, nhưng lại kém nhân bản đi nhiều. Sau năm 1700, trào lưu Lãng mạn của các họa sĩ, nhà văn và nhạc sĩ rộng khắp châu Âu phần nào chính là chống lại văn hóa hiện đại thuần lăng xăng, hối hả, một sự quay trở về với kỷ nguyên thôn dã đã mất.

Trải qua cuộc Cách mạng Công nghiệp, con người cố thách thức, kìm hãm hoặc thoát khỏi nhịp sống không ngừng tăng. Năm 1776, những người thợ đóng sách ở Paris đình công đòi giảm ngày làm việc xuống còn mười bốn giờ. Sau đó, trong các nhà máy mới, các nghiệp đoàn mở nhiều chiến dịch yêu sách tăng giờ nghỉ. Điệp khúc chuẩn là: “Tám giờ làm việc, tám giờ ngủ, tám giờ cho những gì mình muốn.” Trong một động thái nhấn mạnh mối liên hệ giữa thời gian và quyền lực, các nghiệp đoàn cấp tiến đã đập tan tành những chiếc đồng hồ đặt bên trên các cổng vào nhà máy.

Trong khi đó ở Mỹ, nhóm học giả được biết đến với cái tên Nhóm Tiên Nghiệm lại đề cao khía cạnh mộc mạc, nhẹ nhàng của cuộc sống bén rễ từ trong thiên nhiên. Một trong số họ, Henry David Thoreau, năm 1845 đã lui về ở ẩn trong căn nhà gỗ nhỏ bên bờ Hồ Walden gần Boston, từ đây ông công khai chỉ trích cuộc sống hiện đại là guồng quay đơn điệu toàn “những hối hả vô cùng tận… không gì khác ngoài công việc, công việc và công việc.”

Năm 1870, phong trào Thủ công và Mỹ nghệ có trụ sở tại Anh quay lưng lại với sản xuất hàng loạt để đi theo lối làm việc bằng tay tỉ mỉ, chậm rãi của thợ thủ công. Trong các đô thị khắp thế giới công nghiệp, đám thị dân mệt mỏi tìm khuây khỏa nơi thú vui điền viên thôn dã. Richard Jeffries làm nên sự nghiệp nhờ viết nhiều tiểu thuyết và hồi ký về những vùng đất xanh tươi của nước Anh, trong khi các họa sĩ Trường phái Lãng mạn như Caspar David Friedrich ở Đức, Jean-François Miller ở Pháp và John Constable ở Anh hăm hở thể hiện phong cảnh đồng quê yên ả. Khát khao của dân thành thị được dành thời giờ nghỉ ngơi cho lại sức tại Arcadia[17] đã thúc đẩy sự ra đời ngành du lịch hiện đại. Cho đến năm 1845, khách du lịch nhiều hơn cả số cừu tại Quận Lake, nước Anh.

Cuối thế kỷ mười chín, các bác sĩ và chuyên gia tâm thần học bắt đầu nhắc nhở đến những tác hại của tốc độ. Năm 1881, George Beard tiếp tục đẩy bóng lăn với cuốn Những người Mỹ bồn chồn, đổ lỗi cho sống gấp gây nên mọi thứ, từ nhức dây thần kinh đến sâu răng và rụng tóc. Beard lập luận rằng ám ảnh thời hiện đại phải đúng giờ, phải tính đến từng giây khiến cho người ta e “chậm vài phút có khi hủy hoại những hoài bão của cả một đời.”

Ba năm sau, Sir James Crichton-Browne đổ lỗi cho nhịp sống hiện đại làm tăng đột biến số ca tử vong ở Anh do bại thận, đau tim và ung thư. Năm 1901, John Girdner đặt ra thuật ngữ “Newyorkitis” (hội chứng New York) để mô ta căn bệnh gồm những triệu chứng như cáu kỉnh, đi lại vội vã, bốc đồng. Một năm sau, một người Pháp tên là Gabriel Hanotaux tiên báo thuyết môi trường hiện đại bằng lời cảnh tỉnh rằng sự theo đuổi tốc độ khiến nguồn trữ lượng than đá của thế giới cạn kiệt nhanh chóng: “Chúng ta đang đốt cháy đường mình đi để mong được nhanh hơn.”

Một vài trong số những lo sợ vốn được chắp nối từ vô số chỉ trích quá sớm về tốc độ thì hiển nhiên là xuẩn ngốc. Các bác sĩ cho rằng hành khách đi xe lửa động cơ hơi nước sẽ bị ảnh hưởng áp suất, hoặc nội cảnh đầu máy lao nhanh cũng khiến những kẻ quan sát phát bệnh tâm thần. Khi xe đạp trở nên phổ biến những năm 1890, một số người sợ rằng đạp xe trong gió mạnh sẽ gây ra biến dạng mặt mày vĩnh viễn, còn gọi là “mặt xe đạp.” Các nhà luân lý học báo động rằng xe đạp sẽ làm đồi bại lớp trẻ, do tạo điều kiện cho chúng hẹn hò yêu đương cách xa con mắt xét nét của những người bảo trợ. Dù cho những mối nghi ngại này có tức cười đến đâu, thì vẫn cứ rõ ràng là cho đến cuối thế kỷ mười chín tốc độ đã thực sự gây thiệt hại. Hàng ngàn người chết mỗi năm do tai nạn liên quan đến các phương tiện đi lại cải tiến tốc độ, xe đạp, xe hơi, xe buýt, tàu điện, tàu hỏa và tàu thủy.

Khi nhịp sống tăng, nhiều người không ngần ngại nói toạc ý kiến của mình phản đối những tác động vô nhân tính của tốc độ. Octave Mirbeau, một nhà văn Pháp, năm 1908 nhận xét: “Mọi suy nghĩ, cảm xúc và tình yêu (của chúng ta) thảy đều là cơn lốc xoáy. Khắp mọi nơi, cuộc sống đang vội vã đến điên rồ giống như cuộc tấn công dữ dội của các kỵ binh… Mọi thứ xung quanh như một con người nhảy nhót, múa may, phi nước kiệu trong một dòng chuyển động lệch pha với chính bản thân anh ta.” Xuyên suốt thế kỷ hai mươi, những phản kháng chống căn bệnh sùng bái tốc độ tăng lên và bắt đầu kết hợp lại thành nhiều phong trào xã hội rộng khắp. Dư chấn phản-văn hóa của những năm 1960 gợi hứng cho hàng triệu người lắng mình chậm lại và sống giản dị hơn. Một triết lý tương tự cũng sản sinh ra trào lưu Giản dị Tự nguyện. Cuối những năm 1980, Viện Nghiên cứu Lối sống đóng trụ sở tại New York nhận dạng một hiện tượng được biết đến với cái tên sang số, tức là chuyển từ lối sống tốc độ cao, thu nhập dồi dào, sức ép lớn sang dạng tồn tại bớt tiêu dùng, tăng nhàn tản. không giống những tín đồ giảm tốc thế hệ hippy, những người-sang số ít bị các đắn đo, tính toán về chính trị hoặc môi trường chi phối mà thường chỉ vì tham vọng hướng tới cuộc sống viên mãn hơn. Họ sẵn sàng thôi kiếm tiền để đổi lấy thời gian và thư thái. Datamonitor, một hãng nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Luân Đôn dự đoán con số những-người-sang-số ở châu Âu sẽ tăng từ mười hai triệu năm 2002 lên trên mười sáu triệu năm 2007.

Những ngày này, nhiều người đang tìm kiếm nơi ẩn tránh tốc độ trong bến cảng bình yên của tâm linh. Trong khi các nhà Cơ đốc giáo dòng chính thống đương đầu với thực trạng nhiều giáo đoàn teo nhỏ, thì các địch thủ của họ thuộc phái Phúc âm lại đang cực thịnh. Đạo Phật cũng đang bùng phát khắp phương Tây, cùng với các hiệu sách, phòng chat và các trung tâm chữa bệnh theo thuyết chiết trung, siêu hình của Trào lưu Kỷ Nguyên Mới. Tất cả đều đáng kể ở thời điểm con người khao khát được chậm lại. Tinh thần về bản chất là chậm. Dù anh có cố gắng bao nhiêu, anh cũng không thể vì vội vàng mà được khai sáng nhanh hơn. Mỗi một tôn giáo đều rao giảng sự cần thiết phải thư thái để tương đồng với chính mình, với người khác và với đấng ở trên. Trong Thánh thi 46, Kinh Thánh dạy rằng: “Vậy hãy tĩnh lặng, để biết ta là Thượng đế.”

Đầu thế kỷ hai mươi, các giáo sĩ Cơ đốc và Do thái, những người dốc lòng ủng hộ phần hồn cho chiến dịch vì một tuần làm việc ngắn hơn, lập luận rằng người lao động cần có thêm thời gian rỗi rãi để nuôi dưỡng linh hồn. Ngày nay, lập luận tương tự một lần nữa lại vang lên từ những bục giảng kinh trên khắp thế giới. Công cụ tìm kiếm Google cho ra hàng chục bài thuyết pháp xỉ vả bóng ma tốc độ. Tháng Hai năm 2002, tại Nhà thờ Nhất thể Đầu Tiên ở Rochester, New York, Đức Cha Gary James cống hiến một ví dụ hùng hồn cho triết lý Chậm. Trong bài thuyết pháp nhan đề “Chậm chậm thôi!”, ông cảnh báo giáo đoàn rằng “cuộc sống đòi hỏi nhiều lúc phải nỗ lực vô cùng và khẩn trương hơn… Song nó cũng đòi hỏi thỉnh thoảng phải nghỉ ngơi – có một khắc Sabbath để đánh giá xem chúng ta đang đi về đâu, chúng ta muốn tới đích nhanh đến mức nào – và quan trọng hơn, là vì sao. Chậm có thể là tốt.” Khi Thích Nhất Hạnh, một hòa thượng đạo Phật nổi tiếng, đến viếng thăm Denver, Colorado năm 2002, hơn năm ngàn người đã tới nghe ông thuyết giảng. Ông giục họ chậm lại “để có thời gian sống sâu hơn.” Những người có uy tín về Kỷ Nguyên Mới cũng rao giảng một thông điệp tương tự.

Vậy, phải chăng như thế nghĩa là chúng ta cần duy tâm, hoặc “theo Kỷ Nguyên Mới” thì mới Chậm lại được? Trong thế giới trần tục, bất cần đạo lý của chúng ta, đó chính là một câu hỏi quan trọng. Nhiều người, trong đó có cả tôi, dè chừng bất cứ phong trào nào hứa hẹn mở cánh cửa lên cõi niết bàn tâm linh. Tôn giáo chưa bao giờ là phần quan trọng trong cuộc sống của tôi, vả lại nhiều hành vi của Kỷ Nguyên Mới đối với tôi chỉ như thứ lễ bái lố lăng. Tôi muốn được chậm mà không phải tìm đến với Thượng Đế, hoặc tin vào những viên đá pha lê hay chiêm tinh học. Rốt cuộc, thành công của phong trào Chậm sẽ còn tùy thuộc vào cách nó có thể điều hòa ổn thỏa ra sao những người như tôi với cái tín đồ giảm tốc thiên về duy tâm.

Cũng còn tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế để nói không với tốc độ. Chúng ta phải hy sinh bao nhiêu của cải vật chất, nếu có, của cá nhân và tập thể, để được sống chậm lại? Liệu chúng ta có thể, hoặc sẵn sàng, trả giá? Và ở mức độ nào thì Chậm trở thành món hàng xa xỉ dành cho giới thượng lưu? Đây là những câu hỏi lớn mà phong trào Chậm cần giải đáp.

Nếu muốn đạt được tiến bộ, những cá nhân tham gia chiến dịch ủng hộ sự Chậm rãi cần phải triệt tận gốc định kiến sâu xa chống ngay ý tưởng lắng mình. Trên nhiều lĩnh vực, “Chậm” vẫn còn là một từ mang nghĩa xấu. Hãy xem Từ điển Anh ngữ Oxford định nghĩa từ này ra sao: “chậm hiểu, tối dạ, không đáng chú ý, chậm tiếp thu, chán ngắt, bê trễ, chậm chạp.” Bạn khó có thể cho những từ loại ấy vào sơ yếu lý lịch của mình. Trong dòng văn hóa kích-động, nhanh-hơn-là-tốt-hơn của chúng ta, một cuộc sống nhanh như hỏa tiễn vẫn là chiếc cúp chiến thắng đẹp nhất đặt trên bệ lò sưởi. Khi có người than vãn “Ôi, tôi bận quá đi mất, tôi chạy rã cả cẳng, đời tôi mờ mịt, tôi chẳng còn thời giờ làm gì nữa,” thì có nghĩa là họ muốn nói “Nhìn tôi đây: Tôi quan trọng lắm, năng động lắm, nghị lực lắm.” Tuy đàn ông có vẻ ưa tốc độ hơn phụ nữ, song cả hai giới đều thỏa mãn với thuật giành lợi thế bằng cách nhanh-hơn-kẻ-khác. Tự hào xen lẫn thương hại, người dân New York kinh ngạc trước nhịp sống chậm hơn ở các bang khác của Mỹ. “Lúc nào họ cũng như đang đi nghỉ,” một phụ nữ Manhattan sụt sịt. “Giá thử họ sống như ở New York, họ sẽ bị nướng chín.”

Có lẽ thách thức lớn nhất của phong trào Chậm là cần ổn định mối quan hệ vốn dễ gây loạn trí của con người chúng ta với bản thân thời gian. Cần giáo huấn chúng ta, theo từ ngữ của Golda Meir, một cự lãnh tụ Israel, làm thế nào để “… điều khiển chiếc đồng hồ, chứ đừng để đồng hồ điều khiển lại.” Thực tế này co thể đã và đang xảy ra, bên dưới tầm ra-đa kiểm soát. Với tư cách người chuyên trách mảng Thời gian ở Viện bảo tàng Khoa học Luân Đôn, David Rooney trông nom một bộ sưu tập tuyệt vời gồm năm trăm thiết bị tính giờ, từ đồng hồ mặt trời và đồng hồ cát cổ xưa cho đến những chiếc đồng hồ đeo tay thạch anh và đồng hồ nguyên tử hiện đại. Không có gì là lạ, chàng thanh niên hai mươi tám tuổi luôn đeo kính này đạt đến một mối quan hệ khép kín với thời gian. Trên cổ tay, anh đeo một chiếc đồng hồ điều khiển bằng tín hiệu radio cính xác đến kinh hoàng. Một ăng-ten giấu trong dây đeo tiếp nhận mọi cập nhật hàng ngày từ Frankfurt. Nếu đồng hồ mất tín hiệu, con số 1 hiện ở góc trái bên dưới màn hình. Nếu mất tín hiệu của ngày hôm sau, con số chuyển sang 2 và cứ thế tiếp tục. Tất cả những chính xác này khiến Rooney vô cùng lo lắng.

“Tôi có cảm giác thực sự mất mát khi không nhận được tín hiệu,” anh kể khi chúng tôi dạo quanh gian trưng bày Thiết bị Đo Thời gian của bảo tàng, vừa cố nói to để át những tiếng tích tắc tích tắc liên hồi. “Khi bộ phận đếm trên mặt đồng hồ lên đến số 2, tôi thấy lo. Khi nó chuyển sang số 3, tôi phải cất đồng hồ trong ngăn kéo ở nhà. Chỉ cần thấy có sai số một phần ngàn thôi, tôi đã căng thẳng.”

Rooney biết đó không phải là một khu xử lành mạnh, nhưng anh nhìn ra hy vọng cho tất cả chúng ta. Xu hướng lịch sử tiến tới sử dụng những công cụ đo thời gian chính xác hơn bao giờ hết cuối cùng cũng đến hồi chung cuộc với chiếc đồng hồ đeo tay điều khiển bằng tín hiệu radio, thứ đã không thể trở thành mốt với tư cách một sản phẩm tiêu dùng. Người ta thà đặt thời trang lên trước tính chính xác, và đeo một chiếc Swatch hay Rolex còn hơn. Rooney cho điều này phản ánh một chuyển đổi tinh tế trong cảm nhận của chúng ta về thời gian.

“Trong Cách mạng Công nghiệp, khi công việc bao trùm cuộc sống, chúng ta mất kiểm soát trong sử dụng thời gian,” anh nói. “Những gì chúng ta đang thấy hôm nay là khởi đầu của chuỗi phản ứng chống lại hiện tượng đó. Dường như con người đã tiến tới cái giới hạn khi mà họ không còn muốn thời gian của mình bị chia cắt thành những mẩu ngày càng nhỏ, với độ chính xác ngày càng cao. Họ không muốn bị thời gian ám ảnh hoặc nô lệ cho chiếc đồng hồ. Đó có lẽ là một hiện tượng kiểu như ‘ông chủ quản lý thời gian, nên tôi không muốn đúng giờ[18]’.”

Vài tháng sau cuộc gặp của chúng tôi, Rooney quyết định khắc phục tình trạng bị thời gian ám ảnh. Thay vì lo lắng tới từng phần ngàn giây, bây giờ anh đeo một chiếc đồng hồ vặn dây cót model những năm 1960, thường sai số tới năm phút. “Đây là phản ứng của riêng tôi chống lại bệnh chính xác quá mức,” anh bảo. Rooney đã cố ý chọn chiếc đồng hồ đeo tay vặn dây cót tượng trưng cho việc giành lại thế thượng phong trước thời gian. Anh nói: “Nếu anh không lên dây cót hàng ngày, đồng hồ chết, vậy là anh kiểm soát nó. Tôi cảm thấy như bây giờ thời gian làm việc cho tôi, chứ không phải ngược lại, nên tôi thấy bớt đi sức ép. Tôi không việc gì phải quá vội vã.”

Một số người thậm chí còn đi xa hơn nữa. Trong một chuyến sang Đức, người phiên dịch của tôi say sưa nói về những lợi ích của việc tuyệt đối không đeo đồng hồ. Anh ta vẫn đúng giờ nhờ có chiếc đồng hồ trên điện thoại di động, nhưng nỗi ám ảnh với từng phút từng giây đã nhạt dần. “Không còn chiếc đồng hồ trên cổ tay rõ ràng khiến tôi thư thả hơn nhiều,” anh tâm sự. “Bây giờ tôi dễ dàng chậm lại hơn, bởi vì thời gian không còn lúc nào cũng ở trong tầm mắt tôi mà lải nhải ‘Không, anh không được chậm, anh không được phí phạm tôi, anh phải nhanh lên.’”

Những ngày này, thời gian chắc chắn là một chủ đề nóng hổi. Chúng ta nên dùng thời gian như thế nào? Ai kiểm soát thời gian? Làm sao để chúng ta bớt phát điên vì nó? Jeremy Rifkin, nhà kinh tế học Mỹ, cho rằng đó có thể là vấn đề nan giải của thế kỷ hai mươi mốt. “Một cuộc chiến tranh giành thời gian đang nhen nhóm,” ông viết trong cuốn Những cuộc chiến Thời gianxuất bản năm 1987. “Kết cục ra sao có thể quyết định lộ trình chính trị tương lai trên thế giới trong thế kỷ tới.” Chắc chắn nó sẽ giúp xác định tương lai của phong trào Chậm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.