Ngợi Ca Sống Chậm
CHƯƠNG MƯỜI – TRẺ EM: NUÔI DẠY MỘT ĐỨA TRẺ KHÔNG VỘI VÃ
Cách giáo dục hiệu quả nhất là một đứa trẻ được chơi giữa các đồ vật đáng yêu.
– PLATO (427-347 TRƯỚC CÔNG NGUYÊN)
Harry Lewis là hiệu trưởng một trường đại học thuộc đại học Harvard. Đầu năm 2001, ông tham dự một cuộc họp tại đó các sinh viên được mời đến để bày tỏ những bất bình của họ về đội ngũ cán bộ ở Hội Đại học Đông Bắc Mỹ. Một sinh viên làm ầm cả lên khiến tôi không quên nổi. Cậu ta muốn học một lúc hai chuyên ngành Sinh vật và tiếng Anh, và nhồi nhét tất tật vào ba năm, thay vì bốn năm như thường lệ. Cậu ta tức giận với vị cố vấn học thuật, người không thể, hoặc không muốn, điều chỉnh thời khóa biểu cho khớp tất cả các khóa học. Trong khi ngồi nghe anh chàng sinh viên than vãn về việc bị ngăn trở, Lewis cảm thấy như có một bóng đèn nhỏ chớp sáng phía trên đầu mình.
“Tôi nhớ lại mình đã suy nghĩ là ‘Chờ một phút, em cần sự giúp đỡ, nhưng không phải theo cách em nghĩ em cần,’” ông hiệu trưởng nói. “Anh cần dành thời gian để nghĩ xem điều gì là quan trọng thực sự, chứ không phải cố tìm cách ra làm sao lèn cho được càng nhiều càng tốt vào một lịch làm việc ngắn nhất có thể”.
Sau cuộc họp, Lewis bắt đầu suy ngẫm việc làm sao mà sinh viên của thế kỷ hai mươi mốt lại trở thành môn đệ của thói vội vàng. Từ đó chỉ còn một bước ngắn tới lên tiếng chống lại tai họa từ những lịch trình nhồi quá mức và các chương trình học cấp tốc. Vào mùa hè năm 2001, ông hiệu trưởng gửi một bức thư ngỏ tới tất cả các sinh viên năm thứ nhất của trường đại học Harvard. Đó là một lời yêu cầu khẩn thiết, xúc động về một cách tiếp cận mới mẻ cuộc sống trên giảng đường đại học và xa hơn nữa. Đó cũng là bản tóm tắt rành mạch những ý tưởng nằm trong cốt lõi triết lý Chậm. Bức thư, ngày nay tới tay những sinh viên Harvard mới nhập trường hàng năm, có nhan đề: Hãy Thong thả.
Trên bảy trang giấy, Lewis đặt vấn đề thu hoạch được nhiều hơn từ trường đại học – và cả đời sống – bằng cách làm bớt việc đi. Ông hối thúc các sinh viên suy nghĩ kỹ càng trước khi chạy đua vì học vị. Cần bỏ thời gian để nắm vững một môn học, ông nói, vừa chỉ ra rằng những trường y, luật và thương mại hàng đầu ngày càng ủng hộ các thí sinh đã trưởng thành có nhiều khả năng hơn là một “học vấn khắc nghiệt và cô đọng”. Lewis cảnh báo vấn nạn chồng chất quá nhiều hoạt động ngoại khóa. Đâu là mấu chốt, ông hỏi, trong việc chơi bóng vợt lacrosse, chủ trì các cuộc tranh luận, tổ chức các hội nghị, diễn kịch và biên tập một mục trên tờ báo của trường, nếu kết cục các em tiêu toàn bộ sự nghiệp Harvard của mình trong quá sức, cố không bị tụt lại sau thời khóa biểu? Tốt hơn hết là làm bớt việc đi để có thời gian tận dụng tối đa từ những công việc ấy.
Còn về cuộc sống trong nhà trường, Lewis ủng hộ quan điểm ít-là-nhiều tương tự. Hãy nghỉ ngơi và thư giãn thật nhiều, ông nói, và đảm bảo trau dồi nghệ thuật không làm gì cả. “Thời gian trống không phải là một chiếc bình rỗng cần phải đổ đầy,” ông nói. “Đó chính là khoảng thời gian cho những việc khác trong tâm trí anh được sắp xếp lại linh hoạt, giống những ô trống trong trò đố 4×4 giúp thực hiện việc di chuyển mười lăm quân khác ở chung quanh.” Nói cách khác, không làm gì, tức chậm, là một phần chủ yếu trong tư duy mạch lạc.
Hãy thong thả không phải là hiến chương dành cho những kẻ lười biếng và đám người lập dị tái-sinh. Lewis cũng là con người say mê công việc gian khổ và thanh công trong học thuật giống như thế hệ kế tiếp các nhân vật có ảnh hưởng lớn ở Havard. Ý ông đơn giản là một sự chậm lại nho nhỏ, có chọn lọc, có thể giúp cho sinh viên sống và làm việc tốt hơn. “Trong khi khuyên các em nghĩ về việc thong thả lại và giới hạn những hoạt động có tổ chức, tôi không có ý can ngăn các em đạt thành quả cao hơn, mà quả thực chỉ ngăn việc theo đuổi sự xuất sắc phi thường,” ông kết luận. “Các em hoàn toàn có thể duy trì nỗ lực mạnh mẽ cần thiết cho hoàn tất công việc ưu tiên hạng-nhất trong một phạm vi nếu như các em tự cho mình một ít thời gian thư nhàn, một ít giải trí và một ít cô đơn nữa.”
Lời kêu gọi tự đáy lòng của ông đến không sớm một phút nào. Trong thế giới tăng tốc tối đa của chúng ta, con virut vội vã đã lan truyền từ người lớn sang lớp trẻ. Những ngày nay, trẻ em ở mọi dạng lứa tuổi đang lớn lên nhanh hơn. Trẻ sáu tuổi đã biết tổ chức cuộc sống xã hội của chúng bằng những chiếc điện thoại cầm tay, và các em thiếu nhi thì biết điều hành công việc kinh doanh từ phòng ngủ của chúng. Mối băn khoăn về vóc dáng cơ thể, tình dục, những nhãn hiệu hàng tiêu dùng và cả sự nghiệp của chúng khởi đầu càng ngày càng sớm. Bản thân thời niên thiếu dường như cũng ngắn lại, với nhiều hơn những em gái dậy thì sớm so với tuổi. Những người trẻ tuổi ngày nay chắc chắn là bận rộn hơn, quy củ hơn, và cũng vội vã hơn nhiều so với thế hệ của tôi hồi trước. Mới đây, một giáo viên tôi quen biết đã đến gặp phụ huynh của một cháu trai trong lớp cô phụ trách. Cô cảm thấy cháu dành quá nhiều thời gian ở trường và đăng ký quá nhiều hoạt động ngoại khóa. Hãy để cháu nghỉ ngơi, cô khuyến nghị. Người cha nổi giận. “Thằng bé phải biết làm việc ngày mười tiếng, giống như tôi,” ông ta ngắt lời. Đứa trẻ mới chỉ bốn tuổi.
Năm 1989, David Elkind, chuyên gia tâm lý học người Mỹ, xuất bản một cuốn sách nhan đề Đứa trẻ vội vàng: Lớn lên quá nhanh quá sớm. Như nhan đề của cuốn sách gợi ra, Elkind cảnh báo về thứ mốt đang thịnh hành là vội vã đẩy trẻ em vào giai đoạn trưởng thành. Có bao nhiêu người để tâm chú ý? Rõ ràng rất ít. Một thập kỷ sau, một đứa trẻ bình thường lại còn vội vàng hơn bao giờ hết.
Trẻ em sinh ra vốn không chịu nỗi ám ảnh của tốc độ và năng suất – mà chính chúng ta làm cho các em như thế. Những gia đình chỉ một bố hoặc một mẹ làm gia tăng sức ép lên trẻ nhỏ khiến chúng phải gánh vác những trách nhiệm thuộc về người lớn. Các nhà quảng cáo khuyến khích chúng sớm trẻ thành người tiêu dùng. Trường học dạy chúng sống theo chiếc đồng hồ và dùng thời gian một cách hiệu quả nhất có thể. Các bậc phụ huynh củng cố thêm bài học đó bằng cách nhồi nhét hoạt động ngoại khóa vào lịch sinh hoạt của chúng. Tất cả mọi thứ chuyển tới trẻ em thông điệp rằng bớt không phải là hơn, mà nhanh hơn luôn là tốt hơn. Một trong những câu đầu tiên con trai tôi học nói là: “Nào! Nhanh lên!”
Sự cạnh tranh thúc đẩy nhiều bậc cha mẹ hối thúc con mình. Chúng ta ai cũng muốn con em mình thành công trong cuộc sống. Trong một thế giới bận rộn, điều đó có nghĩa là đặt chúng vào làn cao tốc trong mọi việc – trường học, các môn thể thao, nghệ thuật, âm nhạc. Để bắt kịp con cái nhà Joneses thì không thể nào là đủ; giờ đây những đứa con thân yêu của chúng ta phải vượt trội trong mọi lĩnh vực.
Điều lo sợ rằng con cái ta có thể thua kém bạn bè không có gì là mới mẻ. Ngược về thế kỷ mười tám, Samuel Johnson cảnh báo các bậc cha mẹ chớ dao động: “Trong lúc bạn đang đứng cân nhắc xem con trai mình nên đọc cuốn sách nào trước, thì một cậu bé trai khác đã đọc cả hai cuốn rồi.” Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu 24/7, áp lực phải dẫn đầu tất cả còn tàn bạo hơn từ trước đến giờ, dẫn đến tình trạng mà các chuyên gia gọi là “nuôi dưỡng con cái quá mức”, nỗ lực theo xu hướng cưỡng ép hòng hoàn thiện đứa trẻ của ta. Để cho con cái mình một sự khởi đầu tốt nhất, những ông bố bà mẹ đầy tham vọng còn chơi nhạc Mozart cho chúng nghe trong bào thai, dạy cho chúng ngôn ngữ khi mới sáu tháng tuổi và sử dụng tấm thẻ ghi chú của nhà xuất bản từ điển Webster để dạy từ vựng cho chúng ngay từ lần sinh nhật đầu tiên. Các trung tâm máy tính và những hội thảo có tính chất cổ động ngày nay nhận cả những trẻ em bốn tuổi. Người ta cũng bắt đầu dạy cho trẻ lên hai các bài học về đánh gôn. Với tất cả những ai khác đang hối thúc con cái mình, áp lực phải tham gia cuộc đua thật là to lớn. Một ngày nọ tôi bắt gặp một quảng cáo khóa học ngoại ngữ dành cho trẻ em của đài BBC. “Nói tiếng Pháp lúc lên ba! Nói tiếng Tây Ban Nha năm lên bảy!”, dòng tít như hét lên. “Sẽ quá muộn nếu bạn còn lưỡng lự!” Bản năng đầu tiên của tôi là phải nhanh nhanh gọi điện thoại để đăng ký. Bản năng thứ hai là cảm thấy mình thật tội lỗi nếu không hành động như bản năng đầu tiên mách bảo.
Trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt, trường học là chiến địa, tại đó điều duy nhất quan trọng là phải vươn lên đứng đầu cả lớp. Không ở đâu điều đó lại đúng hơn ở vùng Đông Á, nơi đây hệ thống giáo dục được xây dựng trên nguyên tắc “địa ngục thi cử.” Chỉ để theo kịp chương trình, hàng triệu trẻ em khắp vùng này dành trọn các buổi tối và những dịp cuối tuần theo học tại các cơ sở gọi là “các trường nhồi sọ.” Dành hẳn tám mươi tiếng một tuần cho học tập không có gì là hiếm.
Trong sự hăm hở nông nổi vì điểm số bài thi quốc tế cao hơn, các trường học trong thế giới nói tiếng Anh đặc biệt hứng thú ganh đua với mô hình Đông Á. Trên hai thập kỷ qua, các chính phủ luôn nuôi dưỡng học thuyết “củng cố”, nghĩa là chồng chất thêm áp lực bằng nhiều hơn nứa các bài tập về nhà, các kỳ kiểm tra và một chương trình học khắt khe. Thường thường sự mệt mỏi bắt đầu trước cả khi vào lớp một. Tại một trường mẫu giáo ở Luân Đôn, con trai của tôi bắt đầu học – không được xuất sắc lắm – cách cầm bút và viết chữ ở tuổi lên ba. Việc dạy tư cũng bùng nổ ở phương Tây cho những trẻ càng ngày càng nhỏ tuổi. Các ông bố bà mẹ ở Mỹ hy vọng kiếm được một chỗ trong lớp mẫu giáo ưng ý gửi các con của mình mới bốn tuổi đi luyện những kỹ năng phỏng vấn. Các gia sư Luân Đôn nhận dạy trẻ mới ba tuổi.
Củng cố không chỉ giới hạn trong học hành trường lớp. Giữa các giờ học, nhiều trẻ em lao từ hoạt động ngoại khóa này sang hoạt động ngoại khóa khác, không còn thì giờ đây thư giãn mà tự mình chơi đùa hoặc để cho trí tưởng tượng của chúng được tự do bay bổng. Chẳng thì giờ đâu mà thong thả.
Trẻ em ngày càng phải trả giá cho việc sống vội vàng. Các cháu mới năm tuổi ngày nay đã mắc các chứng đau dạ dày, đau đầu, mất ngủ, kiệt sức và rối loạn ăn uống do stress. Giống như mọi người khác trong một xã hội “luôn luôn sẵn sàng”, ngày nay nhiều trẻ em ngủ quá ít. Tình trạng này khiến chúng ốm yếu, hay hoảng hốt, bồn chồn và nóng nảy. Những đứa trẻ mất ngủ thường khó kết bạn. Chúng cũng dễ bị sụt cân, bởi giấc ngủ sâu kích thích sự giải phóng các hoóc-môn tăng trưởng ở con người.
Nói về chuyện học hành, đặt đứa trẻ vào làn cao tốc thường lợi bất cập hại. Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ đã cảnh báo rằng chuyên vào một môn thể thao nào đó ở lứa tuổi quá sớm có thể gây ra những tổn thương về cơ thể và tâm lý. Cũng tương tự như giáo dục. Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy trẻ em học tốt hơn khi chúng học từ từ. Kathy Hirsh-Pasek, giáo sư khoa tâm lý học trẻ em tại trường Đại học Temple ở Philadelphia, bang Pennsylvania, gần đây kiểm tra trên một trăm hai mươi trẻ em Mỹ ở độ tuổi chuẩn bị tới trường. Một nửa tới những trường mẫu giáo không gây căng thẳng cho giao tiếp xã hội với quan điểm chơi mà học; nửa còn lại học các trường mẫu giáo vội vã thúc giục chúng hướng tới những thành tựu học hành, sử dụng phương pháp các chuyên gia gọi là kiểu dạy học “luyện tập và thủ tiêu.” Hirsh-Pasek nhận thấy các trẻ em ở trong môi trường thư giãn hơn, thong thả hơn hóa ra ít lo sợ, hăng hái hơn trong học tập và có khả năng tư duy độc lập tốt hơn.
Năm 2003, Hirsh-Pasek là đồng tác giả cuốn Einstein Không Bao Giờ Dùng Thẻ Ghi Chú: Con em chúng ta thực sự học thế nào… Vì sao chúng cần chơi nhiều hơn và nhớ ít đi. Tác phẩm này tập hợp công trình nghiên cứu lật tẩy huyền thoại cho rằng “học sớm” và “học cấp tốc” có thể phát triển những bộ não giỏi hơn. “Khi chạm đến chuyện nuôi và dạy trẻ em, niềm tin hiện đại rằng ‘nhanh hơn là tốt hơn’ và chúng ta phải ‘làm cho mỗi phút trở nên hữu ích’ đơn giản là sai,” Hirsh-Pasek nói. “Khi bạn nhìn vào bằng chứng khoa học, rõ ràng là trẻ em học tốt hơn và phát triển nhân cách hoàn chỉnh hơn khi chúng học tập theo một phương pháp thoải mái hơn, bớt khuôn phép hơn và bớt phần vội vã.”
Ở Đông Á, cung cách phạt lao động từng khiến các trường học trong khu vực thành mục tiêu ghen tị của cả thế giới nay rõ ràng bị phản pháo. Học sinh đang mất đi ưu thế vượt trội về điểm thi quốc tế và không phát triển được các kỹ năng sáng tạo cần thiết trong nền kinh tế thông tin. Càng ngày các sinh viên Đông Á càng chống đối lại đặc thù học-cho-đến-gục. Tỉ lệ tội phạm và tự tử tăng lên, và nạn trốn học, một thời được xem như vấn đề hết sức phương Tây, đã đạt tới quy mô bệnh dịch. Trên một trăm ngàn học sinh tiểu học và trung học trốn học mỗi năm hơn một tháng. Nhiều học sinh khác còn từ chối hẳn chuyện đến trường.
Tuy vậy, ngay trong thế giới công nghiệp, phản ứng dữ dội đang ngày càng tăng trước quan điểm vội vã với thờ thơ ấu. Bức thư Hãy thong thả của Lewis là một đòn nặng cho mọi người từ các nhà báo chuyên về giáo dục đến các sinh viên và công nhân viên. Các bậc cha mẹ có con ở Havard chia bức thư cho những đứa con nhỏ tuổi hơn. Lewis cho hay: “Rõ ràng, nó như cuốn kinh thánh đối với một số gia đình.” Nhiều ý tưởng nêu trong Hãy Thong thả đang tiến triển trên truyền thông. Các tạp chí nuôi dạy con mở những chuyên mục đều đặn về những nguy hại trong việc hối thúc con trẻ quá mức. Mỗi năm lại có một vụ thu hoạch mới sách của các nhà tâm lý học, và các nhà giáo dục đưa ra chứng cứ khoa học chống lại quan điểm “ngựa phi nước đại” trong nuôi dạy trẻ em.
Cách đây không lâu, tờ New Yorker xuất bản một truyện tranh tổng kết nỗi lo sợ ngày càng tăng rằng con trẻ thời hiện đại đang bị lấy đi tuổi thơ đích thực. Hai cậu nhóc học sinh tiểu học đang đi trên phố, sách kẹp nách, mũ bóng chày đội đầu. Với vẻ buồn chán già trước tuổi, cậu này thì thào với cậu kia: “nhiều đồ chơi lắm – chẳng trống lúc nào.”
Trước đây chúng ta đã từng ở điểm này. Giống như hầu khắp phong trào Chậm, cuộc chiến nhằm đưa trẻ em về lại thời thơ ấu của chúng có nguồn gốc từ cuộc Cách mạng Công nghiệp.” Thực vậy, quan niệm hiện đại về thời thơ ấu như là một thời kỳ ngây thơ và giàu tưởng tượng nảy sinh từ trào lưu Lãng mạn lần đầu tiên tràn qua châu Âu vào cuối thế kỷ mười tám. Cho đến khi đó, trẻ em được coi như những người trưởng thành nhỏ tuổi cần dạy cho biết làm việc càng sớm càng tốt. Trong giáo dục, triết gia người Pháp Jean-Jacques Rousseau đã rung chuông đón chào những thay đổi bằng cách tấn công truyền thống dạy trẻ em như thể chúng là những người trưởng thành. Trong cuốn Emile, một chuyên luận có tính chất bước ngoặt của ông bàn về việc đưa trẻ em đến trường hợp với tự nhiên, ông viết: “Tuổi thơ có cách riêng của chúng khi nhìn nhận, suy nghĩ và cảm xúc, và không có gì điên rồ hơn là ra sức tìm cách thay thế những gì của chúng bằng những gì của chúng ta.” Trong thế kỷ mười chín, các nhà cải cách chuyển sự quan tâm sang những tai họa của nạn lao động trẻ em tại các nhà máy và hầm mỏ vốn dĩ đang nuôi dưỡng nền kinh tế công nghiệp mới. Năm 1819, Coleridge đặt ra thuật ngữ “nô lệ trắng” để mô tả trẻ em đang làm việc quần quật tại các xưởng sản xuất bông ở Anh. Mãi cuối những năm 1800, nước Anh mới bắt đầu chuyển trẻ em ra khỏi nơi làm việc và trở về các lớp học, trả lại cho chúng tuổi thơ đúng nghĩa.
Ngày nay, các nhà giáo dục và các bậc cha mẹ trên khắp thế giới một lần nữa đang từng bước áp dụng những biện pháp để cho các em thiếu niên quyền tự do thong thả, để thực sự là trẻ em. Trong cuộc tìm kiếm đối tượng phỏng vấn, tôi đã gửi các thông điệp lên một số trang web về nuôi dạy con cái. Trong những ngày đó, hộp thư của tôi đầy ắp những thư điện tử từ ba lục địa. Một số thư đến từ các em thiếu niên than phiền cuộc sống cập rập-hối hả của chúng. Một em gái người Úc tên là Jess mô tả mình như một “thiếu niên gấp gáp” và kể với tôi “em chẳng có thì giờ làm gì nữa!” Nhưng hầu hết thư điện tử đến từ các bậc cha mẹ nhiệt tình tán dương cung cách con trẻ của họ đang dần giảm tốc.
Chúng ta hãy bắt đầu từ lớp học, nơi áp lực học theo phương pháp Chậm đang dâng cao. Năm 2002, Maurice Holt, giáo sư danh dự về giáo dục tại Đại học Colorado, bang Denver, công bố cương lĩnh kêu gọi một phong trào rộng khắp thế giới mang tên “Giáo dục Chậm.” Như các phong trào khác, ông lấy cảm hứng từ phong trào Đồ ăn Chậm. Theo quan điểm của ông, nhồi nhét thông tin vào trẻ em nhanh bao nhiêu tốt bấy nhiên cũng tác dụng y như ngấu nghiến nuốt một món ăn nhanh Big Mac. Tốt hơn cả là học tập ở nhịp độ khoan thai, dành thì giờ để tìm hiểu sâu các môn học, thiết lập những kết nối, học cách làm thế nào để tự duy vẫn hơn là học cách làm thế nào vượt qua các kỳ thi. Nếu ăn chậm kích thích vòm miệng, thì học chậm có thể mở rộng và tiếp thêm sinh lực cho trí não.
Holt viết rằng: “Khái niệm học Chậm triệt để xóa bỏ ý tưởng cho rằng đào tạo chỉ là nhồi nhét, kiểm tra và chuẩn hóa kinh nghiệm. Quan điểm Chậm với đồ ăn tạo điều kiện cho khám phá và phát triển sự am hiểu. Những lễ hội Đồ ăn Chậm đề cao các món ăn mới và những nguyên liệu mới. Cũng cùng một cách như vậy, các trường học Chậm tạo thuận lợi cho phát minh và đáp ứng thay đổi về văn hóa, trong khi các trường học nhanh chỉ cho ra lò những thị dân cằn cỗi.”
Holt và những người ủng hộ ông không phải là những phần tử cực đoan. Họ không muốn trẻ em học ít đi, hoặc dành thì giờ ở trường để cư xử ngu xuẩn. Lao động cật lực có chỗ trong lớp học Chậm. Thay vì bị ám ảnh với các bài kiểm tra, các mục tiêu và thời khóa biểu, trẻ em sẽ được tự do yêu thích việc học tập. Thay vì dành cả giờ học lịch sử lắng nghe thầy giáo tuôn ra những ngày tháng và sự kiện về cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba, lớp học có thể tổ chức một cuộc tranh luận theo kiểu Liên-Hiệp-Quốc của riêng mình. Mỗi học sinh sẽ nghiên cứu vị thế của một nước chủ chốt trong cuộc hòa hoãn năm 1962, sau đó trình bày cho các bạn còn lại trong lớp. Học sinh vẫn phải hoạt động cật lực, nhưng không còn là thứ lao dịch của học thuộc lòng như vẹt. Giống như các hoạt động khác của phong trào Chậm, “Giáo dục Chậm” cũng nhắm vào sự cân bằng.
Những quốc gia thực thi quan điểm Chậm trong giáo dục đang gặt hái thành quả rõ rệt. Tại Phần Lan, trẻ em bước vào chương trình giáo dục vỡ lòng ở tuổi lên sáu, rồi chính thức vào lớp một ở tuổi lên bảy. Các em sau đó phải đối mặt với ít hơn những kỳ thi trình độ áp lực cao, vốn là tai họa cho đời sống học trò từ Nhật Bản đến Anh Quốc. Kết quả thế nào? Phần Lan thường xuyên đứng đầu các danh sách uy tín thế giới về việc thực hành giáo dục và tỉ lệ biết đọc biết viết của OECD – Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Các đại biểu từ khắp các nước công nghiệp lần lượt kéo đến để nghiên cứu “Mô hình Phần Lan.”
Ở những nơi khác, các bậc phụ huynh muốn cho con em mình học tập trong một môi trường Chậm đang chuyển sang khu vực tư thục. Tại nước Đức thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh, Rudolf Steiner đi tiên phong trong loại hình giáo dục đối cực với học hành cấp tốc. Steiner tin rằng trẻ em chẳng bao giờ nên bị hối thúc vào chuyện học hành trước khi chúng sẵn sàng, và sẽ phản đối việc dạy chúng đọc trước sinh nhật lần thứ bảy. Thay vào đó, ông tin vậy, chúng nên dành những năm đầu đời chơi đùa, học vẽ, kể chuyện và tìm hiểu thiên nhiên. Steiner cũng tránh cả những thời khóa biểu cứng nhắc ép buộc học sinh phải nhảy từ môn này sang môn kia theo vòng quay của cái đồng hồ, mà ưng để cho chúng xem xét một chủ đề cho tới khi chúng cảm thấy sẵn sàng chuyển sang chủ đề khác. Ngày nay, số lượng những trường học theo-ý-tưởng-của-Steiner trên khắp thế giới đã lên đến con số trên tám trăm, và còn tiếp tục gia tăng.
Học Viện về Trường Thực nghiệm Nghiên cứu Trẻ em ở Toronto cũng áp dụng quan điểm Chậm. Hai trăm học sinh của trường này, tuổi từ bốn đến mười hai, được dạy cách học, cách hiểu và cách thu nạp kiến thức cho bản thân mình, thoát khỏi nỗi ám ảnh chủ đạo của những bài tập, điểm số và lịch trình. Tuy nhiên, khi tham gia các kỳ thi trình độ, điểm số của các em thường rất cao. Nhiều em đã giành được học bổng vào những trường đại học hàng đầu thế giới, khẳng định lòng tin vào quan điểm của Holt rằng “sự mỉa mai cao độ của trường học chậm ở chỗ chính nó đem lại sự nuôi dưỡng tri thức học sinh cần… những kết quả kiểm tra xuất sắc về sau. Thành công, giống như hạnh phúc, tốt nhất nên theo đuổi một cách gián tiếp.” Tuy Trường Thực nghiệm đã hoạt động từ năm 1926, nhưng đặc thù của nó ngày càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Bất kể học phí hàng năm lên tới bảy ngàn đô la Canada, vẫn có tới trên một ngàn trẻ con trong danh sách chờ đến lượt trúng tuyển.
Ở Nhật Bản, các học viện thí điểm liên tục xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu học hành theo quan điểm thoải mái hơn. Một ví dụ là Cây Táo, vốn được một nhóm các bậc cha mẹ tuyệt vọng lập ra năm 1988 tại quận Saitama thuộc Tokyo. Triết lý của nhà trường là tránh xa ngàn dặm kiểu kỷ luật quân sự, ganh đua nghẹt thở và bầu không khí như nhà kính của một lớp học thông thường ở Nhật Bản. Học sinh đến trường và ra về khi nào chúng thích, học những gì chúng muốn vào lúc nào chúng muốn, và không phải thi cử gì cả. Tuy nghe có vẻ như một toa thuốc dành cho tình trạng hỗn loạn, song chế độ thoải mái này thực ra hoạt động rất tốt.
Vào một buổi chiều, hai chục học sinh tuổi từ sáu đến mười chín leo lên những bậc thang gỗ ọp ẹp lên khu học viện nhỏ bé ở tầng. Trông các em không đặc biệt khó bảo – một vài em nhuộm tóc, nhưng không hề có hình xăm hay lỗ xỏ khuyên nào trên mặt. Theo phong cách Nhật Bản, các em cởi giày xếp ngay ngắn ở lối ra vào trước khi quỳ xuống ngồi học bên các bàn thấp xếp rải rác quanh lớp học hình chữ L. Thỉnh thoảng, một học sinh đứng lên pha trà xanh trong bếp hoặc gọi một cuộc điện thoại di động. Còn lại, ai nấy cũng đều làm việc chăm chỉ, ghi chép vào sổ tay hoặc trao đổi ý kiến với thầy giáo hay các bạn trong lớp.
Hiromi Koibe, một thiếu nữ mười bảy tuổi có vẻ dịu dàng trong bộ đồ jean và mũ vải bông chéo, thao thao kể cho tôi nghe vì sao những trường học như Cây Táo lại là của trời cho. Không thể theo kịp sức ép liên miên và nhịp độ nhanh của giáo dục công truyền thống, em bị tụt hậu trong lớp và trở thành mục tiêu cho những trẻ em hay bắt nạt bạn trên sân trường. Khi em từ chối thẳng thừng việc đến lớp học, bố mẹ đăng ký cho em vào trường Cây Táo, tại đây em hiện đang học tập để lấy được bằng phổ thông trung học, mất bốn năm thay vì ba năm như thường lệ. Em nữ sinh này kể tiếp: Ở trường thông thường, chúng tôi luôn bị áp lực quá lớn là phải thật nhanh, phải làm mọi thứ trong giới hạn thời gian đã định. Tôi rất thích theo học ở trường Cây Táo, vì tôi chủ động được thời khóa biểu của mình và học theo tốc độ của cháu. Ở đây, chậm không phải là một tội.”
Những người chỉ trích cảnh báo rằng Giáo dục Chậm chỉ thích hợp cho những trẻ có năng lực thuần về học thuật, hoặc xuất thân từ những gia đình coi giáo dục có tầm quan trọng đặc biệt. Nói như vậy cũng có phần đúng sự thật. Nhưng những yếu tố của học thuyết chậm cũng có thể phát huy hiệu quả trong một lớp học trung bình, và đó là lý do vì sao một số nước nhanh nhất đang bắt đầu thay đổi phương pháp giảng dạy. Trên khắp vùng Đông Á, các chính phủ đang xúc tiến giảm bớt gánh nặng cho học sinh. Như thế có nghĩa tự do hơn trong các lớp học, thêm thời gian cho tư duy sáng tạo và giờ học ngắn hơn. Năm 2002, cuối cùng chính phủ đã hủy bỏ việc học vào ngày thứ Bảy – vâng, chính là ngày thứ Bảy. Chính phủ cũng bắt đầu giảm bớt sự kiểm soát đối với số lượng ngày càng tăng các trường tư thục chọn phương pháp chậm cho việc học hành. Trường Cây Táo cuối cùng được chính phủ ủng hộ hoàn toàn năm 2001.
Hệ thống trường học ở Anh quốc cũng đang tìm cách giảm sức ép đè nặng lên các em học sinh chịu nhiều stress. Năm 2001, xứ Wales xóa bỏ kỳ kiểm tra đánh giá trình độ đối với các học sinh bảy tuổi. Năm 2003, Scotland cũng bắt đầu tham khảo những cách nhằm bỏ bớt trọng tâm trong kiểm tra chính khóa. Theo một kế hoạch mới, các trường tiểu học ở Anh sẽ hướng tới làm cho học tập trở nên thú vị hơn.
Các bậc cha mẹ cũng bắt đầu nghi ngờ kiểu học tập như trong nhà kinh đang thịnh hành tại nhiều trường tư thục ở Anh. Một số người đang vận động các thầy hiệu trưởng cho ít bài tập về nhà và thêm nhiều thời giờ hơn cho nghệ thuật, âm nhạc hoặc chỉ để suy nghĩ. Những người khác đơn giản kéo lũ trẻ nhà mình ra khỏi trường rồi chuyển chúng vào học tại những trường có quan điểm bớt cấp tập.
Đó là những gì Julian Griffin, một người môi giới việc làm tại Luân Đôn đã thực hiện. Giống như mọi phụ huynh thành đạt khác, anh muốn cho con trai mình nền giáo dục mà anh nghĩ là tốt nhất có thể. Thậm chí gia đình anh còn chuyển nơi ở, để chỉ cách trường tiểu học hàng đầu phía Nam Luân Đôn có một đoạn đi bộ. Tuy vậy, chẳng bao lâu, James, một đứa trẻ ưa nghệ thuật và hay mơ mộng, bắt đầu lúng túng. Mặc dù giỏi vẽ và khéo tay trong mọi việc, cậu học trò nhỏ này vẫn phải đánh vật để theo kịp nhịp độ học tập – những giờ kéo dài trên lớp, hàng lô bài tập về nhà, cùng những kỳ thi sát hạch. Hầu hết các bậc phụ huynh thấy thật khó khăn cho con em của họ phải cày qua hàng núi bài tập về nhà, nhưng cuộc chiến đặc biệt khốc liệt trong gia đình Griffin. James bắt đầu bị những cơn hoảng loạn, và òa khóc khi bố mẹ thả cậu ở trường. Sau hai năm khốn khổ, và một khoản kha khá chi cho các nhà tâm lý học, gia đình Griffins quyết định tìm một trường học khác. Tất cả các trường tư thục đều từ chối. Một bà hiệu trưởng còn hồ nghi rằng James có thể bị tổn thương não. Cuối cùng chính bác sĩ của gia đình đã tìm ra giải pháp. “James chẳng làm sao cả,” cô nói. “Tất cả những gì cháu cần là được yên tĩnh. Hãy gửi cháu đến một trường công.”
Trường công lập ở Anh không theo lối nhà kinh. Vì vậy vào tháng Chín năm 2002, gia đình Griffins đăng ký cho James vào một trường tiểu học công lập được nhiều bậc cha mẹ thuộc tầng lớp trung lưu giàu tham vọng phía Nam Luân Đôn ưa chuộng. Ngôi trường chính là nguyên nhân sự tiến bộ của James. Tuy em vẫn đôi lúc mơ màng, nhưng đã tỏ ra ham học và hiện giờ được xếp vào hạng trung bình của lớp. Em thường ngong ngóng được đến trường và làm bài tập về nhà – khoảng một tiếng một tuần – mà không thấy thái quá. Ngoài ra hàng tuần James cũng tham gia một lớp đồ gốm. Trên hết, James cảm thấy sung sướng và tự tin trở lại. “Tôi cảm thấy như có lại được đứa con trai của mình,” Julian nói. Thất vọng với văn hóa nhà kính trong những trường tư thục, gia đình Griffins dự kiến gửi đứa con trai thứ, là Robert, đến học cùng trường với anh cậu bé. Julian cho biết: “Robert khác hẳn tính James và tôi tin chắc cháu có thể theo kịp nhịp độ ở các trường tư thục, nhưng tại sao cháu lại phải cố như vậy? Làm cho bọn trẻ học tập căng thẳng đến độ chúng bị kiệt sức để làm gì?”
Ngay cả khi bọn trẻ thích ứng tốt, các bậc cha mẹ khác cũng kéo các cháu ra khỏi trường tư để cho chúng có thêm không gian co duỗi các cơ bắp linh hoạt. Khi mới lên bốn, Sam Lamiri đã phải qua kỳ thi sát hạch để được vào một trường tư hàng đầu Luân Đôn. Jo, mẹ của em, lấy làm tự hào và vui sướng. Nhưng dù Sam hoàn thành khá tốt việc học hành, chị vẫn cảm thấy nhà trường đã thúc bách học sinh quá mức. Điều đặc biệt đáng thất vọng là trường không chú trọng môn nghệ thuật. Học sinh được học một giờ vào chiều thứ Sáu trong tuần – và chỉ khi nào giáo viên thấy thích. Lamiri nghĩ Sam đang bỏ lỡ cơ hội. “Đầu óc của cháu dày đặc những sự kiện và kiến thức đã học, và cháu chịu quá nhiều áp lực phải tiến bộ trong học tập, đến nỗi chẳng còn chỗ nào trong đầu cho trí tưởng tượng,” cô nói. “Đó hoàn toàn chẳng phải những gì tôi mong các con tôi thu nhận được – tôi muốn chúng phải có đầu óc bao quát, ham học hỏi và giàu tưởng tượng.”
Khi một số biến cố về tài chính khiến gia đình không đủ tiền đóng học phí, Lamiri bỗng nhiên có cớ để thay đổi mọi sự. Giữa năm học 2002, chị chuyển Sam sang một trường công được nhiều người biết tiếng, và hài lòng với nhịp độ thư thả hơn ở đây cũng như sự nhấn mạnh khám phá thế giới thông qua nghệ thuật. Bây giờ Sam vui sướng hơn và hoạt bát hơn. Em ngày càng bộc lộ mối quan tâm sâu sắc đối với thiên nhiên, nhất là với loài rắn và báo gêpa. Lamiri cũng cảm thấy khả năng sáng tạo của con trở nên sắc bén hơn. Một hôm, Sam muốn biết sẽ ra sao nếu chúng ta có thể xây dựng một cầu thang thực sự khổng lồ bắc lên vũ trụ. Mẹ em nhận xét: “Trước đây Sam sẽ chẳng bao giờ hỏi những câu tương tự. Bây giờ cháu nói chuyện theo lối giàu tưởng tượng hơn nhiều.”
Tuy vậy, chống lại xu thế nhà kính có thể tổn hại thần kinh. Các bậc phụ huynh cho phép con em mình lúc nào cũng chậm triền miên lo sợ rằng biết đâu mình đang đánh lừa con trẻ. Ngay cả như vậy, ngày càng có nhiều người quyết tâm làm theo. “Khi quá nhiều người khác quanh anh theo kiểu nhà kính, đôi khi anh cũng tự hỏi mình làm việc đó có đúng không,” Lamiri nói. “Rốt cuộc, anh chỉ phải tuân theo bản năng của mình.”
Các phụ huynh khác thấy rằng bản năng mách bảo họ phải kéo con em ra khỏi trường. Giáo dục tại nhà đang tăng lên và Mỹ là nước dẫn đầu phong trào. Con số thống kê ở các nơi còn chưa đầy đủ, nhưng Viện Nghiên cứu Giáo dục Tại Nhà Toàn quốc ước tính rằng có hơn nửa triệu trẻ em đang học tại gia đình. Các ước tính khác gồm có hàng trăm ngàn trẻ ở Canada, chín chục ngàn ở Anh quốc, ba chục ngàn ở Australia và tám ngàn ở New Zealand.
Các phụ huynh lựa chọn giáo dục con cái tại gia đình vì hàng loạt lý do – để che chở chúng khỏi những chuyện bắt nạt, ma túy và các cư xử khó chịu khác; để nuôi dạy chúng theo một truyền thống luân lý hoặc tôn giáo riêng biệt nào đấy; hoặc để tạo cho chúng một nền giáo dục tốt hơn. Nhưng nhiều người coi giáo dục tại nhà như một cách để giải phóng con em khỏi sự chuyên chế của thời khóa biểu, để chúng được học và sống theo nhịp độ riêng. Để chúng được thong thả. Ngay cả những gia đình khởi đầu công cuộc đào tạo tại nhà bằng một chương trình cả ngày chặt chẽ cũng thường kết thúc bằng một chiến thuật cơ động và nới lỏng hơn. Tùy ở sự thôi thúc của tình thế, nếu trời có nắng, các em có thể ra ngoài đi dạo hoặc đến thăm viện bảo tàng. Ở phần trước, chúng ta đã thấy bằng cách nào mà chủ động kiểm soát thời giờ của riêng mình giúp con người thấy bớt hối hả tại nơi làm việc. Điều tương tự cũng áp dụng trong giáo dục. Cả phụ huynh lẫn học sinh đều cho biết rằng được quyền ấn định lịch trình riêng của mình hoặc lựa chọn nhịp riêng, giúp kìm nén phản xạ vội vã. “Một khi ta tự chủ được trong giờ giấc của mình, thì áp lực vội vã giảm đi rất nhiều,” một nhà giáo dục tại gia đình ở Vancouver nói. “Ta sẽ tự động chậm lại ngay.”
Giáo dục tại nhà thường buộc toàn thể gia đình tuân theo quan điểm chậm trong cuộc sống. Nhiều phụ huynh thấy thứ tự ưu tiên của họ thay đổi, khi họ dành ít thời gian cho công việc nhưng lại nhiều hơn thời gian cho quán xuyến việc học hành của con cái. Roland Meighan, chuyên gia người Anh về giáo dục tại nhà cho biết: “Một khi người ta bắt đầu đặt câu hỏi về giáo dục, anh sẽ thấy họ bắt đầu đặt câu hỏi về mọi thứ – chính trị, môi trường, công việc. Thật giống như ông thần đèn ra khỏi cái vỏ chai.”
Trung thành với triết lý chậm, việc giáo dục tại nhà không có nghĩa là sút kém đi hay tụt hậu. Ngược lại học ở nhà thực tế lại hiệu quả hơn. Như ai cũng biết, các trường học phí phạm rất nhiều thời gian: học sinh phải đi đi về về chỗ này chỗ kia, nghỉ giải lao khi ai đó bảo chúng nghỉ, ngồi thông bài giảng những phần chúng đã làu thông; vất vả với các bài tập về nhà không thích đáng. Khi các em học ở nhà một mình, thời gian có thể được sử dụng hữu ích hơn. Các công trình nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ được giáo dục tại nhà học nhanh hơn và giỏi hơn đối thủ tại các lớp thông thường. Các trường đại học thích chúng vì chúng kết hợp được lòng ham học hỏi, khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng với sự chín chắn cùng óc thực tế trong tự lực tiếp cận một chủ đề.
Mối lo sợ trẻ em sẽ thiệt thòi về mặt giao tiếp xã hội khi chúng không tham gia lớp cũng được giải tỏa. Các phụ huynh dạy dỗ con cái tại gia đình thường thiết lập những hội trong vùng để cùng nhau chia sẻ việc dạy dỗ và tổ chức các chuyến đi thực tế, cũng như bố trí các buổi họp mặt giao lưu. Và chính vì trẻ học tại nhà hoàn thành khóa học nhanh hơn, nên chúng có nhiều thời gian rảnh để vui chơi, như tham gia các câu lạc bộ, các đội thể thao toàn các bạn cùng lứa ở trường học chính quy.
Beth Wood, em học sinh chuyển sang học tại nhà vào đầu năm 2003, lúc đó em mười ba tuổi, chẳng bao giờ mong quay trở lại lớp học ở trường. Những năm đầu, em theo học trường Steiner ở gần nhà tại Whitstable, một cảng cá nhỏ cách Luân Đôn năm mươi dặm về phía Đông. Là một đứa trẻ thông minh, sớm phát triển, Beth nhanh chóng nổi bật trong một môi trường ít khắc nghiệt. Nhưng khi quy mô lớp học phình ra, và nhiều em học sinh quậy phá nhập học, em trở nên chán nản đến mức mẹ em, bà Claire, quyết định chuyển em khỏi lớp. Vì các trường tiểu học công lập trong vùng đều ở trình độ thấp, gia đình em bắt đầu thăm dò một loạt các trường tư trong khu vực. Vài trường còn mời Beth suất học bổng, hứa hẹn đưa em lên thẳng trình độ “học cấp tốc.” Không muốn đặt con gái mình vào làn cao tốc, mẹ em bất ngờ quyết định chuyển em về học tại gia đình. Dẫn dắt Beth trên con đường chậm hơn phản ảnh một bước chuyển trong cuộc sống của chính Claire: trong năm 2000, bà từ bỏ công việc nhiều giờ dài căng thẳng với tư cách một chuyên gia phân bổ tổn thất chung trong bảo hiểm hàng hải, để thành lập một xưởng sản xuất xà phòng ở nhà.
Giáo dục tại nhà đã mang lại cho Beth những điều kỳ diệu. Em thoải mái và tự tin hơn, cũng ưa thích tự do học tập theo nhịp độ riêng của mình. Nếu em không thấy muốn học bài địa lý vào thứ Hai thì có thể lui lại tới cuối tuần. Và khi một chủ đề khiến em vui thích, em đọc to lên một cách háo hức. Lịch học cơ động, và thực tế là em đã hoàn thành chương trình nhanh gấp đôi so với hồi học ở trường, cũng tạo cho em vô số thời gian dành cho các hoạt động ngoại khóa: em có thêm nhiều bạn, rồi chơi đàn viôlông trong dàn nhạc trẻ, tham dự một lớp nghệ thuật hàng tuần và là cô gái duy nhất tham gia đội bóng nước tại bể bơi khu vực. Có lẽ điều quan trọng nhất đối với Beth, cô gái giờ đã cao hẳn lên và trông chững chạc hơn tuổi, ấy là em không còn thấy bị vội vã hoặc lệ thuộc vào chiếc đồng hồ nữa. Chủ động thời gian của mình giúp cô gái miễn dịch với căn bệnh-thời gian. “Các bạn em ở trường luôn vội vã, căng thẳng hay chán nản, còn em chẳng bao giờ cảm thấy như vậy cả,” cô nói. “Em thực sự thấy thích học.”
Chịu sự giám sát nhẹ nhàng của mẹ. Beth đang theo chương trình học quốc gia, thậm chí còn vượt trước ở một số môn. Lịch sử là đam mê của em và em còn đặt ra mục tiêu nghiên cứu ngành khảo cổ học tại Oxford hay Cambridge. Chẳng bao lâu nữa em sẽ sẵn sàng cho kỳ tốt nghiệp giáo dục phổ thông, kỳ thi mà tất cả học sinh Anh quốc phải trải qua ở tuổi mười sáu. Chị Claire nghĩ con gái mình có thể vượt qua tất cả các kỳ thi này trong một năm, thay vì hai năm như thường lệ, song dự tính phải kiềm chế con mình. “Con bé có thể học trối chết, nhưng tôi không thấy có lý do gì mà phải vội vàng. Nếu cháu cứ thong thả thoi, và duy trì một sự cân bằng lành mạnh giữa học và chơi, cháu sẽ còn học được nhiều hơn nữa.”
Bất cứ khi nào người ta nói về sự cần thiết phải để cho trẻ em được thong thả lại, thì vui chơi luôn quan trọng trong chương trình nghị sự. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy thời gian vui chơi không bị câu thúc giúp trẻ phát triển các kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp xã hội. Vui chơi không bị câu thúc là mặt đối lập của “thời gian chất lượng”, cụm từ ý chỉ sự siêng năng, lập kế hoạch, lên chương trình và mục đích. Không phải là một bài học balê hay một buổi tập bóng đá. Vui chơi không bị câu thúc là đào giun ở trong vườn, bày bừa đồ chơi trong phòng ngủ, xây lâu đài bằng các mẩu lego, cưỡi ngựa dạo quanh với các trẻ em khác trong sân, hoặc chỉ nhìn hút ra ngoài cửa sổ. Đó chính là khám phá thế giới, và phản ứng của bản thân các em trước sự khám phá ấy, theo nhịp độ riêng của chúng. Với một người trưởng thành quen tính toán từng giây đồng hồ, vui chơi không bị câu thúc có vẻ như phung phí thời gian. Và phản xạ của chúng ta là lấp đầy những chỗ “trống” đó trong lịch ghi nhớ bằng những hoạt động phong phú và thú vị hơn.
Angelika Drabert, bác sĩ trị liệu bằng lao động, đến thăm các vườn trẻ ở Munich để nói chuyện với phụ huynh về tầm quan trọng của việc dành thời gian cho vui chơi không câu thúc. Bà thuyết phục họ không nên vội vã hay nhồi nhét lịch trình của con em mình. Drabert nhận được rất nhiều thư cảm ơn từ các bà mẹ. “Một khi anh chỉ cho các bậc cha mẹ thấy rằng họ không cần phải chuẩn bị trò vui và các hoạt động cho mọi thời điểm trong ngày, mọi người đều có thể thư giãn, điều này vốn là có lợi,” bà nói. “Đôi khi cuộc sống phải lắng lại không thì sẽ tẻ nhạt cho bọn trẻ.”
Nhiều phụ huynh đi đến kết luận đó mà không cần sự trợ giúp của bác sĩ trị liệu. Ở Mỹ, có hàng ngàn người tham gia các hội, chẳng hạn như Gia đình Trước nhất, một cuộc vận động chống lại nạn dịch lên lịch quá mức. Năm 2002, Ridewood, thị trấn có hai mươi lăm ngàn dân thuộc bang New Jersey, bắt đầu tổ chức một sự kiện thường niên Sẵn sàng, Bắt đầu, Thư giãn! Vào một ngày lựa chọn trong tháng Ba, các giáo viên địa phương nhất trí không giao bất cứ một bài tập về nhà nào, còn mọi buổi tập thể thao, mọi buổi dạy kèm và gặp gỡ tại câu lạc bộ đều bị hủy. Các phụ huynh thu xếp công việc để trở về nhà sớm kịp ăn tối với bọn trẻ và dành thì giờ với chúng cả buổi tối. Sự kiện này giờ đã trở thành bất di bất dịch trong lịch hoạt động của Ridgewood, và một số gia đình bắt đầu áp dụng tín hiệu Chậm cho thời gian còn lại trong năm.
Cảm hứng chậm lại thông thường xuất phát từ bản thân trẻ em. Hãy lấy gia đình Barners sống ở phía Tây Luân Đôn làm ví dụ. Người mẹ tên là Nicola làm việc bán thời gian cho một công ty nghiên cứu thị trường. Chồng chị, Alex, là giám đốc tài chính của một nhà xuất bản. Họ là những người bận rộn với lịch hàng ngày đầy ắp công việc. Cho đến gần đây, Jack, cậu con trai lên tám tuổi của họ, cũng ở tình trạng tương tự. Jack chơi bóng đá và cricket, học bơi và tennis, lại còn nhận vai trong một nhóm kịch. Vào những ngày cuối tuần, gia đình đi tham quan các phòng trưng bày nghệ thuật và viện bảo tàng, dự các buổi hòa nhạc dành cho trẻ em và đến thăm trung tâm nghiên cứu thiên nhiên ở ngoại vi Luân Đôn. “Chúng tôi điều khiển cuộc sống của mình, kể cả Jack cũng vậy, y như một chiến dịch quân sự,” Nicola nói. “Tính đến từng giây.”
Rồi một chiều cuối xuân, mọi sự thay đổi. Jack muốn ở lại nhà và chơi trong phòng của cậu thay vì đi đến lớp học tennis. Mẹ cậu nài nỉ cậu đi. Trong khi xe của họ tăng tốc qua phía Tây Luân Đôn, vừa rít lên chói tai quanh các góc phố vừa vượt đèn vàng để tránh muộn giờ, Jack tự dưng không nói gì ở ghế sau. “Tôi nhìn vào trong gương, thấy cháu đang ngủ gật – và đó chính là lúc tôi chợt thức tỉnh,” Nicola nhớ lại. “Tôi bất giác nghĩ” ‘thật điên rồ, mình đã lôi con mình đến việc mà bản thân thằng bé không thực sự muốn làm. Mình đang khiến con mình kiệt lực.'”
Chiều tối hôm đó, gia đình Barnes quây quần quanh chiếc bàn bếp để giảm tải lịch hàng ngày của Jack. Họ đi đến quyết định là Jack không tham gia quá ba hoạt động ngoại khóa tại thời điểm hiện thời. Cuối cùng, Jack chọn bóng đá, bơi lội và diễn kịch. Cả gia đình cũng nhất trí cắt bớt cá cuộc đi chơi dã ngoại cuối tuần theo lịch. Kết quả là giờ Jack có thêm thời gian để đi thơ thẩn trong vườn, gặp gỡ bạn bè trong công viên gần đó và chơi trong phòng riêng của cậu. Vào các ngày thứ Bảy, thay vì mệt mỏi đổ sập lên giường sau bữa tối, giờ cậu chủ trì những bữa tiệc qua đêm[83]. Sang buổi sáng Chủ nhật, Jack cùng với bạn làm bánh rán và rang ngô. Chuyển tốc độ xuống một số như vậy thực sự cũng phải quen dần, ít nhất là về phần bố mẹ. Chị Nicola lo ngại rằng Jack sẽ chán và bồn chồn, nhất là vào những ngày cuối tuần. Alex, chồng chị, sợ rằng con trai mình có thể nhớ cricket và tennis. Thế nhưng, Jack lại tươi như hoa trước cái lịch trình nhẹ bớt. Cậu hoạt bát hơn, hay chuyện hơn và đã thôi cắn móng tay. Huấn luyện viên bóng đá của Jack nghĩ đường chuyền của cậu sắc sảo hơn. Trưởng nhóm kịch thấy Jack hoạt bát hơn. “Tôi nghĩ cháu sẽ chỉ tận hưởng mọi thứ trong cuộc sống của cháu nhiều hơn,” mẹ cậu nói. “Giá mà chúng tôi vợi bớt gánh nặng cho cháu sớm hơn.”
Giờ đây, chị Nicola cảm thấy gần gũi hơn với con trai nên hai mẹ con họ dành nhiều thì giờ đi ra ngoài cùng nhau. Người mẹ cũng thấy cuộc sống của chính mình bớt hối hả. Tất cả những qua lại như con thoi thoi từ hoạt động này sang hoạt động kia quả là căng thẳng và tốn thời gian.
Gia đình Barners còn đang dự định sẽ cắt giảm căn nguyên của mọi hoạt động ngoại khóa khác: vô tuyến truyền hình. Ở phần trước, tôi đã mô tả các thành phố như là những cỗ máy gia tốc phân tử khổng lồ. Đó là một phép ẩn dụ dễ dàng áp dụng cho truyền hình, nhất là đối với giới trẻ. Truyền hình thúc đẩy trẻ em bước vào thế giới của người lớn bằng cách phô bày trước chúng những vấn đề của tuổi trưởng thành và biến chúng thành những người tiêu dùng ở tuổi nhỏ. Do trẻ em xem quá nhiều truyền hình – trung bình lên tới bốn giờ trong một ngày tại Mỹ – nên chúng phải vội vã nhồi nhét mọi thứ khác vào lịch hàng ngày. Năm 2002, mười tổ chức y tế hàng đầu, bao gồm cả Hiệp hội Dược phẩm Mỹ và Viện Hàn Lâm Trị liệu Mỹ, đã ký một bức thư cảnh báo rằng xem truyền hình quá nhiều khiến trẻ em hung hăng hơn. Một số công trình nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em quen với truyền hình bạo lực hay trò chơi vi tính dễ bị bất an, còn không thể ngồi yên tĩnh và tập trung được.
Trong các lớp học trên khắp thế giới, nơi ngày càng nhiều trẻ em bị chẩn đoán rối loạn thiếu tập trung, các giáo viên ngày càng hay trỏ ngón tay vào chiếc vô tuyến. Tốc độ hình ảnh cao trên chiếc màn hình nhỏ chắc chắn có một tác động nhất định đối với những bộ não non nớt. Khi truyền hình Nhật Bản phát sóng băng video Pokémon năm 1977, những ánh sáng nhấp nháy rực rỡ đã gây ra những cơn động kinh cho gần bảy trăm trẻ em ngồi xem tại nhà. Để đề phòng những vụ kiện cáo, các công ty phần mềm ngày nay kèm những cảnh báo sức khỏe cho các trò chơi của họ.
Điều này giải thích vì sao nhiều gia đình nói đủ rồi là đủ rồi. Trong các gia đình bận bịu và nhằng nhịt dây điện trên khắp thế giới, các bậc cha mẹ đang hạn chế con em tiếp cận với màn ảnh nhỏ – và thấy rằng cuộc sống bớt đi sự điên rồ khi không có nó. Để trực tiếp tìm hiểu khu vực không sử dụng truyền hình, tôi thu xếp đến thăm nhà Susan và Jeffrey Clarke, đôi vợ chồng bận rộn trạc tuổi bốn mươi hiện sống với hai con nhỏ ở Toronto. Cho đến gần đây, vô tuyến truyền hình vẫn là trung tâm thu hút sự chú ý của gia đình này. Ngồi bắt rễ như những kẻ dở sống dở chết trước màn hình, cậu con trai mười tuổi Michael và cô con gái tám tuổi Jessica thường xuyên quên mất giờ giấc, rồi rốt cuộc hối hả để khỏi bị muộn. Cả hai đứa trẻ nuốt vội nuốt vàng bữa ăn để được quay lại với chiếc tivi.
Sau khi đọc được tin về phong trào chống vô tuyến truyền hình, gia đình Clarke quyết định thử xem sao. Họ quyết làm triệt để, bèn cất chiếc tivi Panasonic 27 inch vào một tủ bát dưới gầm cầu thang. Một khi những phản kháng ban đầu tan biến, kết quả thật đáng ngạc nhiên. Trong vòng một tuần, bọn trẻ đã phủ kín sàn tầng hầm bằng những tấm thảm và bắt đầu đặt lịch tập luyện cùng nhau các động tác nhào lộn và trồng cây chuối. Giống như những gia đình không dùng vô tuyến khác, người nhà Clarke bỗng thấy họ có thời gian trong tay, các giúp loại bỏ sự vội vã ra khỏi đời sống hàng ngày. Nhiều tiếng đồng hồ trước đây dành xem tivi giờ dành hết cho những thú giải trí thong thả hơn – đọc sách, đánh cờ, cưỡi ngựa dạo quanh sân sau, nghiên cứu âm nhạc hoặc đơn giản chỉ chuyện phiếm. Cả hai đứa trẻ xem ra khỏe mạnh hơn, và học khá hơn ở trường. Jessica thấy ngủ dễ hơn vào buổi tối. Michael, cậu bé từng gặp rắc rối trong tập trung suy nghĩ và đọc sách, thì nay tự mình ngấu nghiến những cuốn sách.
Vào một buổi tối thứ Năm rất gần đây, gia đình Clarke thanh bình đến phát thèm. Susan làm mì ống trong bếp. Michael đọc truyện Harry Potter và Chiếc Cốc Lửa trên chiếc so-fa trong phòng khách. Bên cạnh đó, Jeffrey đang lướt qua tờ báo Địa cầu và Thư Tín. Trên sàn nhà, Jessica đang viết thư gửi cho bà nội.
Gia đình Clarke không đạo đức đến phát chán như có vẻ thế. Giờ đây, chiếc vô tuyến đã được kê lại trong phòng khách, còn trẻ con chỉ được phép xem các chương trình lặt vặt. Jeffrey đảm bảo với tôi rằng căn nhà của họ thường trông hỗn độn hơn lúc tôi đến thăm. Song việc cắt giảm xem vô tuyến đã thay đổi nhịp sống vốn có của gia đình từ hối hả đến điên rồ sang một cung bậc khoan thai có giá trị hơn. “Rõ ràng có một sự yên tĩnh mà trước đây chưa từng xuất hiện ở nhà chúng tôi,” Susan nói. “Chúng tôi vẫn sống sôi động và thích thú. Khác là ở chỗ bây giờ chúng tôi không còn lăng xăng như gà không đầu nữa.”
Tuy vậy, trong một thế giới bị ám ảnh làm cái gì cũng phải nhanh hơn, một số sẽ thấy dễ dàng hơn số khác trong việc nuôi dạy con cái theo Mốt Chậm. Một số hình thức giảm tốc kèm theo cái giá mà không phải ai cũng có thể đáp ứng. Bạn cần tiền để gửi đứa trẻ đến một trường tư thục có áp dụng quan điểm Chậm trong việc học hành. Để có thời gian cho giáo dục tại nhà, ít nhất một trong hai bố mẹ phải giảm bớt công việc, điều không phải lựa chọn cho mọi gia đình. Tuy nhiên, nhiều cách đưa trẻ em vào con đường thong thả là hoàn toàn miễn phí. Chẳng hạn, giảm thời gian xem truyền hình hoặc những hoạt động ngoại khóa chẳng tốn phí gì cả.
Tuy vậy, hơn cả tiền bạc, cản trở chính trong việc nuôi dạy trẻ Chậm – thực ra cho bất cứ hoạt động Chậm nào – chính là tư duy hiện đại. Thôi thúc phải nhanh chóng giáo dục đứa trẻ vẫn còn ăn sâu trong đầu óc. Thay vì hoan nghênh những nỗ lực chính thức hòng giảm bớt gánh nặng tại các lớp học, nhiều bậc phụ huynh Nhật Bản vẫn bắt con em mất thì giờ tại các trường nhồi sọ trong vùng. Trên khắp thế giới công nghiệp, các ông bố bà mẹ cùng các chính trị gia vẫn còn lệ thuộc vào các kết quả thi.
Cứu giúp thế hệ kế tiếp thoát khỏi sự bùng bái tốc độ đồng nghĩa tái tạo toàn bộ triết lý của chúng ta về thời thơ ấu như những người theo trào lưu Lãng mạn đã làm hai thế kỷ trước. Tự do hơn và linh hoạt trong giáo dục, nhấn mạnh hơn đến học tập như một thú vui, nhường chỗ cho vui chơi không câu thúc, bớt ám ảnh bởi việc tính toán từng giây và bớt áp lực phải bắt chước người lớn. Những người trưởng thành chắc chắn có thể làm trọn bổn phận của mình bằng cách kiềm chế cái thôi thúc làm cha làm mẹ thái quá và đề ra một hình mẫu chậm cho cuộc sống của chính họ. Chẳng có biện pháp nào là dễ thực hiện cả. Nhưng bằng chứng hiển nhiên là rất đáng làm theo.
Nicola Barnes lấy làm sung sướng con trai mình, cậu bé Jack, không còn phải hối hả làm cho được thật nhiều bài tập từng phút trong ngày. “Đó là một bài học quan trọng cần phải học, cho cả bọn trẻ cũng như người lớn,” chị nói. “Cuộc sống sẽ tốt hơn khi bạn biết cách lắng mình chậm lại.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.