Ngợi Ca Sống Chậm
DẪN LUẬN – THỜI ĐẠI CỦA SỰ RỒ DẠI
Con người sinh ra rồi kết hôn, sống rồi chết, đều ở giữa vòng náo loạn điên cuồng đến mức bạn tưởng như họ sẽ phát điên.
WILLIAM DEAN HOWELLS, 1907.
Vào một buổi trưa chan hòa ánh nắng hè năm 1985, chuyến du lịch châu Âu thời niên thiếu của tôi tới chặng dừng trên một quảng trường ở ngoại ô Rome. Chuyến xe buýt quay về thành phố đã chậm hai mươi phút và vẫn chưa thấy bóng dáng đâu. Tuy vậy, sự chậm trễ chẳng làm tôi phiền lòng. Thay vì đi đi lại lại trên vỉa hè hoặc gọi điện cho công ty xe buýt để phàn nàn, tôi mở máy nghe Walkman, rồi ngả người trên ghế băng, lắng nghe Simon và Garfunkel hát về nỗi hân hoan được chậm rãi và làm cho thời khắc kéo dài. Từng chi tiết của quang cảnh ấy đã in sâu trong ký ức tôi: hai chú nhóc đá bóng quanh đài phun nước thời Trung cổ; những cành cây lòa xòa quệt trên nóc bức tường bằng đá; một quả phụ già nua xách túi rau về nhà.
Mười lăm năm thoắt trôi qua, mọi sự đều đã thay đổi. Khung cảnh giờ chuyển thành sân bay Fiumicino nhộn nhịp của thành Rome và tôi là một phóng viên nước ngoài đang vội vã bắt chuyến bay về nhà ở Luân Đôn. Thay vì thư thái lấy chân đá sỏi cuội trên đường, tôi lao vội qua phòng chờ khởi hành, thầm nguyền rủa những ai cắt ngang đường mà lại đi chậm hơn. Đáng lẽ nghe dân ca từ chiếc Walkman rẻ tiền, tôi lại nói chuyện bằng điện thoại di động với một biên tập viên cách xa hàng ngàn cây số.
Bên cửa lên máy bay, tôi nhập vào cuối một hàng người dài dằng dặc, ở đấy chẳng có việc gì để làm ngoại trừ, đúng vậy, việc không làm gì cả. Duy có điều tôi không chịu được cảnh không làm gì cả ấy nữa. Để chờ đợi cho hữu ích, cũng là để bớt sốt ruột, tôi đọc lướt một tờ báo. Chính lúc đó, mắt tôi bắt gặp một bài viết sau này gợi cho tôi cảm hứng viết cuốn sách về sự chậm rãi.
Những dòng chữ bắt tôi dừng lại giữa đường ấy là: “Chuyện kể một phút trước giờ đi ngủ.” Giúp các bậc cha mẹ thu xếp ổn thỏa với bọn trẻ mất-thời-giờ, nhiều tác giả đã rút gọn các câu chuyện cổ kinh điển thành những mẩu hoàn chỉnh mất đúng sáu mươi giây. Hãy thử tưởng tượng Hans Christian Andersen mà bắt gặp những mẩu tóm tắt lỗi lạc này thì sẽ ra sao. Phản ứng đầu tiên của tôi là reo lên Eureka! Khoảng thời gian này tôi thường bị kẹt vào một cuộc-chiến-buổi-tối-gay-go với cậu con trai hai tuổi, cháu rất thích những câu chuyện dài đọc bằng giọng trầm bổng êm tai. Tuy vậy, mỗi buổi tối tôi lái cháu sang những chuyện cực ngắn và đọc thật nhanh. Chúng tôi thường cãi cọ. Cháu kêu: “Bố đọc nhanh quá.” Hoặc, trong khi tôi đi ra cửa, “Con muốn chuyện nữa cơ!” Một phần trong con người tôi cảm thấy cực kỳ ích kỷ khi làm qua quít thủ tục trước giờ đi ngủ, nhưng phần kia đơn giản không sao cưỡng nổi mong muốn mau mau chuyển sang các mục còn lại trong thời gian biểu của bản thân – nào là bữa tối, thư điện tử, đọc báo chí, hóa đơn thanh toán, thêm chút ít công việc cơ quan, phần điểm tin quen thuộc trên truyền hình. Làm một cuộc dạo chơi dài dòng, lê thê qua thế giới của Tiến sĩ Seuss[1] không phải là một chọn lựa. Nó quá chậm chạp.
Vì vậy, thoạt nhìn, loạt truyện Một-phút-trước-giờ-đi-ngủ nghe ra tuyệt vời đến khó tin là thật. Đọc một mạch sáu hay bảy “truyện”, chỉ mất chưa tới mười phút – còn gì có thể tốt hơn? Tiếp đó, khi tôi bắt đầu tự hỏi liệu Amazon có thể giao cho tôi cả bộ sách ấy chóng đến độ nào, lập tức cảm giác ăn năn xuất hiện dưới dạng một câu hỏi vặn: phải chăng tôi đã hoàn toàn mất trí? Lúc hàng người rồng rắn tiến đến cửa soát vé cuối cùng, tôi cất tờ báo và bắt đầu suy nghĩ. Toàn bộ cuộc sống của tôi té ra là một cuộc tập luyện trong vội vã, trong dồn nén ngày càng nhiều vào từng giờ. Tôi là một kẻ keo cú kè kè chiếc đồng hồ bấm giờ, bị ám ảnh phải tiết kiệm từng khoảnh khắc thời gian, ở chỗ này một phút, ở chỗ kia vài giây. Và tôi không đơn độc. Mọi người quanh tôi – đồng nghiệp, bạn bè, gia đình – đều bị cuốn vào vòng xoáy ấy.
Năm 1982, Larry Dossey, một bác sĩ người Mỹ, đã đặt ra thuật ngữ “căn bệnh thời gian” để mô tả một tín điều ám ảnh là “thời gian đang trôi đi, không còn đủ thời gian, và bạn phải nhanh hơn, nhanh hơn nữa mới hòng bắt kịp.” Những ngày này, cả thế giới mắc bệnh thời gian. Tất cả chúng ta đều thuộc cùng một giáo phái tôn sùng tốc độ. Đứng trong hàng người chờ chuyến bay trở về nhà ở Luân Đôn ấy, tôi bắt đầu vật lộn với những câu hỏi nằm ở tâm điểm cuốn sách này: Vì sao chúng ta luôn vội vã như vậy? Đâu là phương thuốc cho căn bệnh thời gian? Liệu có thể, hoặc thậm chí có nên ao ước, chậm lại chăng?
Trong những năm đầu của thế kỷ hai mươi mốt này, mọi người mọi vật đều chịu sức ép phải khẩn trương hơn. Cách đây không lâu, Klaus Schwab, người sáng lập đồng thời là Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đã giải thích rõ nhu cầu tăng tốc bằng những từ ngữ trần trụi sau đây: “Chúng ta đang chuyển từ thế giới cá lớn nuốt cá bé sang thế giới nhanh nuốt chậm.” Lời cảnh báo ấy vang xa tới tận bên kia thế giới thương mại kiểu Darwin. Trong thời đại bận rộn hối hả này, mọi thứ là cuộc chạy đua với chiếc đồng hồ. Guy Claxton, nhà tâm lý học Anh, cho rằng tăng tốc là bản năng thứ hai của con người: “Chúng ta mới phát triển một tâm lý nội tại là tốc độ, tiết kiệm thời gian và tối đa hóa hiệu quả, tâm lý ấy đang mạnh lên từng ngày.”
Nhưng giờ đây, đã đến lúc phải thách thức nỗi ám ảnh của chúng ta rằng làm gì cũng phải nhanh hơn. Tốc độ không phải lúc nào cũng là cách tối ưu. Quá trình tiến hóa tuân theo nguyên lý thích nghi nhất thì tồn tại, chứ không phải là nhanh nhất. Hãy nhớ ai đã thắng trong cuộc đua giữa rùa và thỏ. Trong khi chúng ta hối hả sống, nhồi nhét nhiều hơn cho từng giờ, chúng ta đang tự căng mình đến điểm tới hạn.
Tuy vậy, trước khi đi sâu hơn, cũng xin nói rõ một điều: cuốn sách này không phải là lời tuyên chiến chống lại tốc độ. Tốc độ đã giúp tái tạo thế giới chúng ta theo những cách kỳ diệu và tự do. Liệu có ai muốn sống thiếu Internet và đi lại bằng máy bay phản lực? Vấn đề là tình yêu tốc độ của chúng ta, nỗi ám ảnh của chúng ta muốn sản xuất được ngày càng nhiều trong thời gian ngày càng ít đã trở nên thái quá, đã thành cơn nghiện, thành sự sùng bái. Thậm chí khi tốc độ bắt đầu phản pháo, chúng ta vẫn viện tới tín điều phải-gấp-gáp-hơn. Rớt dài trong công việc ư? Hãy đăng ký một kết nối Internet nhanh hơn. Không có thì giờ cho cuốn tiểu thuyết mua dịp Giáng sinh ư? Học cách đọc nhanh hơn. Chế độ ăn kiêng không tác dụng? Thử hút mỡ. Quá bận rộn không kịp nấu ăn? Hãy mua lò vi sóng. Tuy vậy vẫn có một số việc không thể, và không nên, tăng tốc. Chúng cần thì giờ; chúng cần sự chậm rãi. Khi bạn tăng tốc những gì không nên tăng tốc, khi bạn quên cách chậm lại, bạn sẽ phải trả giá.
Trường hợp phản tốc độ khởi đầu từ nền kinh tế. Chủ nghĩa tư bản hiện đại sản sinh nền thịnh vượng khác thường, nhưng cái giá phải trả là tàn phá các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhanh quá mức Mẹ Thiên nhiên có thể tái tạo. Hàng ngàn dặm vuông rừng mưa Amazon bị đốn chặt hàng năm, trong khi sự đánh bắt vô độ bằng lưới quét đã đưa giống cá tầm, cá mú Chilê và nhiều loài cá khác vào danh sách nguy cơ tuyệt chủng. Chủ nghĩa tư bản phát triển nhanh quá mức, ngay cả vì lợi ích của chính nó, khi áp lực phải tới đích đầu tiên chừa lại quá ít thời gian cho khâu kiểm tra chất lượng. Hãy quan sát ngành công nghiệp máy tính. Trong những năm gần đây các nhà sản xuất phần mềm bắt đầu có thói quen hối hả tung ra thị trường các sản phẩm trước khi cho thử nghiệm đầy đủ. Kết quả là một nạn dịch sự cố, lỗi phần mềm rồi trục trặc phần cứng gây thiệt hại cho các công ty mỗi năm hàng tỉ đô la.
Tiếp đó là vấn đề chi phí nhân lực trong chủ nghĩa tư bản-tăng tốc. Vào những ngày này, chúng ta tồn tại để phục vụ cho nền kinh tế chứ không phải vì cái gì khác. Nhiều giờ liên miên trong công việc làm chúng ta mất hiệu năng, dễ nhầm lẫn, không vui vẻ và phát ốm. Phòng mạch đông chật những người mắc các chứng do stress gây ra: mất ngủ, đau nửa đầu, cao huyết áp, hen suyễn và rối loạn tiêu hóa. Cung cách lao động hiện nay cũng xói mòn tinh thần lành mạnh của chúng ta. Một hướng dẫn viên đời sống làm việc tại Luân Đôn nói: “Kiệt lực là bệnh ta gặp chủ yếu ở những người ngoài tuổi bốn mươi. Hiện giờ, theo tôi quan sát, cả nam giới lẫn phụ nữ trạc tuổi ba mươi, thậm chí hai mươi tuổi, cũng hoàn toàn kiệt lực.”
Cung cách làm việc đúng đắn, vốn dĩ có thể lành mạnh trong điều độ, đang dần dần vuột khỏi tầm tay. Hãy xem xét tình trạng “ngại đi nghỉ” tràn lan, ác cảm với việc có một ngày nghỉ thực thụ. Trong một điều tra ủa Reed trên năm ngàn công nhân Anh, 60% nói họ sẽ không dùng hết phép trong năm 2003. Trung bình, người Mỹ bỏ quên đến một phần năm số thời nghỉ có đài thọ. Thậm chí ốm đau cũng không còn níu được người lao động hiện đại xa rời nhiệm sở; cứ năm người Mỹ thì có một người gượng dậy đi làm trong khi đáng ra nên yên vị trên giường hay đi khám bác sĩ.
Để có thể hình dung viễn cảnh đáng sợ về hậu quả mà hành vi này gây ra, hãy đừng nhìn đâu xa hơn nước Nhật, nơi người dân bản xứ có một từ – karoshi – vốn có nghĩa “chết vì lao lực.” Một trong những nạn nhân nổi tiếng nhất của karoshi là Kamei Shuji, một nhân viên môi giới nhiều tham vọng thường đều đặn làm việc chín mươi giờ một tuần trong suốt thời kỳ bùng nổ thị trường chứng khoán Nhật Bản những năm cuối thập kỷ tám mươi. Công ty nơi anh làm việc đã tuyên truyền rùm beng về khả năng chịu đựng siêu phàm của anh trong các bản tin, các cẩm nang đào tạo nghề, biến anh thành chuẩn mực vàng cho tất cả các nhân viên noi theo. Trong một phá bỏ nghi thức, việc hiếm khi xảy ra ở Nhật, người ta yêu cầu Shuji huấn luyện cho các đồn nghiệp lão làng về nghệ thuật bán hàng, điều chồng chất thêm stress lên đôi vai đơn độc của anh. Khi quả bong bóng chứng khoán Nhật Bản nổ tung năm 1989, Shuji thậm chí còn làm việc nhiều giờ hơn để cứu vãn kinh doanh ế ẩm. Năm 1990, anh đột tử do một cơn đau tim. Anh lúc ấy mới hai mươi sáu tuổi.
Dầu một số người nêu Shuji ra như câu chuyện cảnh báo, song cung cách làm-việc-chí-chết vẫn ăn sâu bám rễ ở Nhật. Năm 2001, chính phủ báo cáo kỷ lục 143 nạn nhân karoshi. Những người chỉ trích nêu con số người chết hàng năm do lao động quá sức ở Nhật Bản lên tới hàng ngàn.
Tuy vậy, từ trước khi có karoshi dự phần, lực lượng lao động đã kiệt quệ lắm rồi. Hội đồng An toàn Quốc gia ước tính stress trong công việc khiến mỗi ngày hàng triệu người Mỹ chểnh mảng công việc, tiêu hao của nền kinh tế mỗi năm trên 150 tỷ đô la. Năm 2003, stress thay cho bệnh đau lưng trở thành nguyên nhân hàng đầu gây ra nạn vắng mặt không lý do chính đáng ở Anh.
Lao động quá sức còn nguy hiểm cho sức khỏe xét về nhiều phương diện khác. Nó chừa quá ít thời gian và sức lực cho rèn luyện thân thể, khiến chúng ta thích uống quá nhiều cồn hoặc dùng những đồ ăn tiện lợi. Không phải ngẫu nhiên các nước nhanh nhất thường là béo nhất. Có tới môt phần ba người Mỹ và một phần năm người Anh hiện nay mắc chứng béo phì bệnh lý. Thậm chí Nhật Bản cũng đang có tình trạng tăng cân. Năm 2002, điều tra dinh dưỡng toàn quốc cho thấy một phần ba đàn ông Nhật trên ba mươi tuổi bị béo phì.
Để duy trì nhịp độ với thế giới hiện đại, để tăng tốc, nhiều người, ngoài cà phê, còn tìm đến các chất kích thích công hiệu hơn. Côcain vẫn là liều thuốc bổ trợ ưa thích trong giới chuyên nghiệp văn phòng, song amphêtamin, còn có tên gọi khác là “tốc độ”, đang nhanh chóng đuổi kịp. Sử dụng chất kích thích tại công sở Mỹ tăng đột biến 70% kể từ năm 1998. Nhiều nhân viên ủng hộ loại mêthaphêtamin tinh thể, giải phóng mãnh liệt trạng thái hưng phấn và tỉnh táo, kéo dài gần như cả ngày làm việc. Nó cũng tránh cho người sử dụng cảnh ba hoa đáng xấu hổ thường là tác dụng phụ của loại bạch phiến hít. Vấn đề là ở chỗ các dạng ma túy công hiệu thuần tốc độ dễ gây nghiện hơn heroin, kết quả sau một lần hút có thể gây ra suy nhược, kích động và hành vi bạo lực.
Một lý do khiến chúng ta cần chất kích thích là vì nhiều người ngủ không đẫy giấc. Làm việc nhiều như thế, lại có ít thời gian như vậy, ngày nay trung bình người Mỹ mỗi đêm ngủ ít hơn một thế kỷ trước chín mươi phút. Nam Âu, mảnh đất thiêng của la dolce vita (cuộc sống nhàn dật), giấc ngủ trưa đã nhường chỗ cho công việc theo giờ hành chính: chỉ có bảy phần trăm người Tây Ban Nha còn chợp mắt sau bữa ăn trưa. Ngủ không đủ có thể tổn hại đến hệ tim mạch, hệ miễn dịch, sinh ra bệnh tiểu đường, bệnh tim, gây khó tiêu, cáu bẳn và trầm cảm. Mỗi đêm ngủ ít hơn sáu tiếng có thể làm suy yếu điều phối của hệ thần kinh vận động, ngôn ngữ, phản xạ và óc xét đoán. Sự mệt nhọc dự phần vào một vài trong số những thảm họa tồi tệ nhất của kỷ nguyên hiện đại: Chernobyl[2], Exxon Valdez[3], Three Mile Island[4], Union Carbide[5] và tàu con thoi Challenger[6].
Buồn ngủ gây ra nhiều vụ đụng xe hơi hơn uống rượu. Trong một cuộc thăm dò dư luận mới đây của Viện Gallup, 11% tài xế Anh thừa nhận từng ngủ gật trên vô lăng. Một nghiên cứu của Ủy ban Quốc gia Mỹ về Rối loạn Giấc ngủ quy tội một nửa tai nạn xe cộ là do mệt nhọc. Gộp tất cả với xu hướng say mê tốc độ, kết quả là thảm cảnh trên đường. Tai nạn xe cộ hiện đứng ở mức 1,3 triệu vụ/năm trên toàn thế giới, hơn gấp đôi so với năm 1990. Mặc dù, ở những nước phát triển, các quy chuẩn an toàn đã giúp giảm bớt con số tử vong, Liên hiệp quốc dự báo rằng đến năm 2020 giao thông đi lại sẽ là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ ba trên thế giới. Ngay lúc này, mỗi năm có trên bốn chục ngàn người chết và một triệu sáu người bị thương dọc các tuyến đường bộ châu Âu.
Sự nôn nóng của chúng ta khiến ngay cả vui chơi giải trí cũng trở nên nguy hiểm hơn. Mỗi năm, hàng triệu người trên thế giới khốn khổ vì thương tật liên-quan-đến-thể-dục-thể-thao. Đa phần bởi thúc ép cơ thể quá mạnh, quá nhanh, quá sớm. Ngay cả yoga cũng không miễn nhiễm. Một người bạn của tôi mới đây bị sái cổ do luyện yoga trước khi cơ thể của cô sẵn sàng. Nhiều người khác còn gặp phải những tai nạn trầm trọng hơn. Ở Boston, bang Massachusetts, một giáo viên thiếu kiên nhẫn đã làm vỡ xương chậu một nữ sinh khi ép em này vào tư thế xoạc. Một người đàn ông ngoài ba mươi tuổi hiện giờ bị liệt vĩnh viễn một mảng cơ đùi phải sau khi giãn dây thần kinh xúc giác trong buổi luyện yoga tại một phòng tập thời thượng quận Manhattan.
Điều không tránh khỏi là một cuộc sống vội vã có thể trở nên hời hợt. Khi vội vàng, chúng ta qua quýt bề ngoài, không thiết lập được mối ràng buộc thực sự với thế giới và những người xung quanh. Như Milan Kundera đã viết trong tiểu thuyết ngắn Chậm rãi (1996) của ông: “Khi mọi việc xảy ra quá nhanh, chẳng ai có thể chắc chắn về bất cứ điều gì, bất cứ điều gì hết, ngay cả về chính bản thân mình.” Tất cả những gì ràng buộc chúng ta lại với nhau và làm cho cuộc sống đáng sống – cộng đồng, gia đình, bè bạn – phát triển trên một nền tảng không bao giờ có đủ: thời gian. Trong một cuộc thăm dò dư uận gần đây của hãng ICM, phân nửa số người Anh trưởng thành than thở thời gian biểu dồn dập làm cho họ mất hết liên lạc với bạn bè.
Hãy xem xét tác hại do sống trong làn cao tốc gây ra cho đời sống gia đình. Với ai nấy đi đi về về, những mẩu giấy dán trên cánh tủ lạnh hiện là hình thức thông tin chủ yếu của nhiều gia đình. Theo con số do chính phủ Anh công bố, trung bình các bậc phụ huynh đang làm việc dành thời gian xử lý thư điện tử gấp đôi thời gian chơi cùng con cái. Ở Nhật Bản, các ông bố bà mẹ ngày nay gửi con vào những trung tâm giữ trẻ hai-mươi-bốn-giờ-liền. Khắp thế giới công nghiệp, trẻ em rời trường trở về căn nhà trống trải nơi chẳng có ai lắng nghe những câu chuyện, những tâm tư, thành tích học tập cùng bao nỗi sợ hãi của chúng. Trong một cuộc thăm dò ý kiến thanh thiếu niên Mỹ do tạp chí Newsweek thực hiện năm 2000, 73% nói các bậc cha mẹ dành quá ít thời giờ cho con cái họ.
Có lẽ lũ trẻ là khổ sở nhất vì chứng cuồng tăng tốc. Chúng cũng đang lớn lên nhanh hơn bao giờ hết. Nhiều trẻ em ngày nay bận bịu không kém gì cha mẹ, cố gắng sắp xếp sổ ghi nhớ vốn bị nhồi nhét đủ thứ từ phụ đạo sau-giờ-lên-lớp đến những bài học dương cầm và tập bóng đá. Một bức biếm họa mới đây đã nói lên tất cả: hai cháu gái nhỏ đứng ở bến xe buýt của nhà trường, trong tay mỗi cháu có thời gian biểu cá nhân. Cháu này nói với cháu kia: “Được rồi, tớ sẽ lùi môn ba lê lại một giờ, thay lịch tập thể dục, hoãn cả học dương cầm… còn cậu chuyển giờ học viôlông sang thứ Năm và bỏ buổi tập bóng đi… như vậy chúng mình sẽ rảnh từ 3h15’ đến 3h45’ thứ Tư ngày 16 để đi chơi.”
Sống như những người trưởng thành đầy đủ năng lực chẳng còn đâu thời giờ cho những thú vui làm nên thời thơ ấu: tán gẫu với bạn bè, chơi đùa không có sự giám sát của người lớn, mơ mộng vẩn vơ. Nó cũng gây hại cho sức khỏe, bởi trẻ em ít có khả năng chống chọi với chứng mất ngủ và stress, là cái giá phải trả cho lối sống hối hả. Các bác sĩ tâm lý chuyên điều trị chứng lo âu ở trẻ vị thành niên nhận thấy ngày nay các phòng chờ chật kín trẻ em mới năm tuổi đã khổ sở vì đau dạ dày, đau đầu, mất ngủ, suy nhược và rối loạn tiêu hóa. Tại nhiều nước công nghiệp, số vụ thanh thiếu niên tự tử gia tăng. Và chẳng có gì là lạ, nếu xét tới gánh nặng nhiều trẻ em phải đương đầu ở trường. Năm 2002, Louise Kitching, một thiếu nữ Anh mười bảy tuổi ở Lincolnshire đã nức nở bỏ chạy khỏi phòng thi. Em học sinh xuất sắc này sắp viết bài thi thứ năm trong ngày, mà chỉ được nghỉ giải lao mười phút giữa giờ.
Nếu chúng ta tiếp tục nhịp độ kể trên, nạn sùng bái tốc độ sẽ chỉ càng trở nên tồi tệ. Khi người người lựa chọn sống nhanh, lợi thế của sống nhanh sẽ mất, buộc chúng ta phải sống nhanh hơn nữa. Cuối cùng, còn lại cho chúng ta là một cuộc chạy đua vũ trang trên nền tốc độ, mà chúng ta đều biết cuộc chạy đua vũ trang kiểu ấy rồi sẽ kết thúc ở đâu: trong thế bí tàn nhẫn của Sự Hủy Diệt-Lẫn nhau-Chắc chắn.
Nhiều thứ đã bị hủy hoại. Chúng ta đã quên mất csach hân hoan chờ đợi sự việc, cả cái cách tận hưởng giây phút thành tựu. Các nhà hàng cho biết những thực khách vội vã ngày càng thích vừa thanh toán hóa đơn và gọi taxi vừa ăn tráng miệng. Nhiều người hâm mộ rời các sự kiện thể thao thật sớm, chẳng kể đến tỉ số sít sao, chỉ vì muốn tranh thủ giành đường. Tiếp đến là tai họa của tội ôm đồm nhiều việc cùng một lúc. Làm hai việc đồng thời xem ra có vẻ hết sức thông minh, hết sức hiệu quả, hết sức hiện đại. Song thông thường cái đáng nói là cả hai việc đều không được tốt. Giống nhiều người khác, tôi đọc báo trong lúc xem tivi – rốt cuộc thấy mình tiếp thu cả hai kém hẳn.
Trong thời đại của no-đủ-thông-tin, dồi-dào-dữ-liệu, lướt-kênh-truyền-hình, chơi-game-máy-tính, chúng ta đã đánh mất nghệ thuật tiêu khiển để chậm lại và ngồi một mình với những suy nghĩ của riêng mình. Sự buồn chán – danh từ tự nó khó lòng tồn tại 150 năm trước – lại là một phát minh hiện đại. Mất hết mọi cảm giác phấn hứng, chúng ta bồn chồn, hoang mang, trông chờ điều gì đó, bất kể điều gì, ngõ hầu tận dụng hết thời gian. Lần cuối cùng bạn thấy ai đó chỉ ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ toa tàu là khi nào vậy? Tất cả mọi người đều quá bận đọc báo, chơi game hình, nghe iPod, làm việc trên máy tính xách tay, càu nhàu vào điện thoại di động.
Thay vì suy nghĩ cặn kẽ, hoặc để cho một ý tưởng nung nấu tận đáy lòng, ngày nay bản năng của chúng ta là chộp lấy miếng ngon gần nhất. Trong chiến tranh hiện đại, các phóng viên thực địa và bình luận viên tại trường quay tung ra hàng lô phân tích tức thời những sự kiện vừa mới xảy ra. Thông thường nhận định của họ té ra là nhầm lẫn. Song những ngày này chuyện đó chẳng hề gì: trên mảnh đất của tốc độ, ai phản ứng tức thời sẽ làm vua.
Cùng với việc sử dụng vệ tinh và các kênh thông tin hai mươi bốn giờ liên tục, truyền thông đại chúng điện tử bị chi phối bởi nhân dạng mà một nhà xã hội học người Pháp gán cho cái tên “nhà tư duy nhanh nhạy” – người không để lỡ nhịp có thể gọi ra câu trả lời liến thoắng cho bất cứ câu hỏi nào.
Về một phương diện nào đó, ngày nay tất cả chúng ta đều là những nhà tư duy nhanh nhạy. Sự nôn nóng của chúng ta không thể nguôi dịu đến mức, như nữ nghệ sĩ-tác gia Carrie Fisher châm biếm, ngay “hài lòng tức thời cũng quá mất thì giờ.” Điều này phần nào lý giải tâm trạng phẫn nộ kinh nghiệm sôi sục ngay bên dưới bề mặt cuộc sống hiện đại. Bất kỳ ai, hoặc bất cứ thứ gì bước vào con đường chúng ta đi, khiến chúng ta chậm lại, ngăn chúng ta đạt được đúng thứ mình cần khi mình muốn, đều trở thành địch thủ. Vì vậy, thụt lùi dù nhỏ nhất, trì hoãn dù chớp nhoáng nhất, một thoáng chậm trễ chẳng đáng kể chút nào, ngày nay cũng có thể gây ra xung nộ vỡ-mạch-mà-chết ở những người lúc khác rất bình thường.
Những bằng chứng kiểu giai thoại nhan nhản khắp mọi nơi. Tại Los Angeles, một người đàn ông gây sự đánh nhau ngay tại quầy thu tiền của siêu thị chỉ vì khách hàng đằng trước ông ta gói buộc hàng quá lâu. Một phụ nữ cào xước sơn chiếc ô tô đụng phải bà ta trong bãi đỗ xe ở Luân Đôn. Ủy viên quản trị một công ty lao bổ vào tiếp viên hàng không khi chuyến bay của ông này buộc phải lượn vòng phi trường Heathrow thêm hai mươi phút trước khi hạ cánh. “Tôi muốn hạ cánh ngay bây giờ!” Ông ta quát to, hệt một đứa trẻ hay quấy nhiễu: “Bây giờ, bây giờ, bây giờ!”
Một chiếc xe giao hàng dừng bên ngoài nhà hàng xóm của tôi, buộc xe cộ phía sau phải đợi trong khi anh tài xế dỡ một chiếc bàn con. Chỉ trong phút chốc, nữ doanh nhân trạc tứ tuần trong chiếc xe đầu tiên đập ghế thình thình, tay khua khoắng, đầu lắc tới lắc lui. Tiếng rền rĩ khàn khàn từ yết hầu vuột ra cửa xe để ngỏ. Giống một cảnh trong bộ phim Người trừ tà[7]. Cho rằng cô ta lên cơn động kinh, tôi chạy xuống dưới nhà toan giúp đỡ. Nhưng lúc tôi đến vỉa hè, thì hóa ra cô chỉ cáu bẳn vì tắc đường. Cô nhoài người ra ngoài cửa xe, gào lên với không ai cụ thể. “Anh mà không rời cái xe tải chết tiệt ấy di, tôi sẽ giết chết anh.” Người giao hàng nhún vai tỏ vẻ đã quen chứng kiến cảnh ấy, đoạn trượt vào sau vô lăng và lái xe đi. Tôi mở lời định khuyên Cô To Mồm nguôi giận, nhưng lời nói của tôi chìm nghỉm trong tiếng lốp xe của cô ta xiết trên lớp đường nhựa.
Đây là đích đến cho nỗi ám ảnh của chúng ta với sự nhanh và tiết kiệm thời gian. Giận dữ đường bộ, cáu kỉnh đường không, tức tối khi mua bán, bực bội trong quan hệ, khó chịu ở văn phòng, tức giận trong kỳ nghỉ và rồ dại trong phòng tập. Nhờ ơn tốc độ, chúng ta sống trong thời đại của sự rồ dại.
Sau lần giác ngộ bất ngờ với câu-chuyện-trước-giờ-đi-ngủ tại phi trường thành Rome, tôi quay trở về Luân Đôn với một sứ mệnh: tìm hiểu cái giá của tốc độ và triển vọng chậm lại trong một thế giới bị ám ảnh phải ngày một nhanh hơn. Tất cả chúng ta đều than phiền về các kế hoạch làm việc điên rồ, nhưng liệu đã có ai thực sự làm gì chống lại nó hay chưa? Có, ấy thế mà có. Trong lúc phần còn lại của thế giới tiếp tục rú ga om sòm, một thiểu số đáng kể ngày càng tăng đang lựa chọn không làm gì ở công suất tối đa. Trong mỗi một nỗ lực con người bạn có thể nghĩ tới, từ tình dục, lao động, rèn luyện thân thể đến ăn uống, chữa bệnh, thiết kế đô thị, những nổi loạn này đang làm điều không tưởng – chúng đang dọn chỗ cho sự chậm rãi. Và tin tức tốt lành chính là nhiều việc đang dần giảm tốc. Bất chấp những lời cằn nhằn bất mãn kiểu Cassadran[8] từ giới doanh nhân yêu tốc độ, chậm hơn lại thường có nghĩa tốt hơn – sức khỏe dồi dào hơn, lao động hiệu quả hơn, kinh doanh thành công hơn, cuộc sống gia đình êm đẹp hơn, tập luyện dẻo dai hơn, nấu nướng ngon hơn và tình dục hạnh phúc hơn.
Trước đây chúng ta đã từng như vậy. Vào thế kỷ mười chín, dân chúng đã cưỡng lại sức ép tăng tốc theo những cách quen thuộc với chúng ta ngày nay. Các nghiệp đoàn đòi thêm nhiều giờ giải trí. Cư dân thành thị bị stress tìm nơi trú ẩn và phục hồi sức khỏe ở chốn thôn quê. Các họa sĩ và nhà thơ, nhà văn và thợ thủ công tìm kiếm nhiều cách hòng bảo tồn giá trị thẩm mỹ của sự chậm rãi trong thời đại máy móc. Tuy vậy, ngày nay, phản ứng dữ dội với tốc độ đang chuyển sang xu hướng chủ đạo khẩn cấp hơn bao giờ hết. Mệt mỏi tận gốc rễ, trong các nhà bếp, nơi công sở, phòng hòa nhạc, nhà máy, phòng tập thể dục, phòng ngủ, nhà hàng xóm, phòng trưng bày nghệ thuật, bệnh viện, trung tâm giải trí và trường học gần nhà bạn, ngày càng có nhiều người không chịu chấp nhận mệnh lệnh vô lý nhanh hơn luôn luôn là tốt hơn. Và trong nhiều hành động giảm tốc đa dạng của họ ẩn chứa mầm mống của Phong trào Chậm Toàn Cầu.
Giờ là lúc phải định nghĩa thuật ngữ của chúng ta. Trong cuốn sách này, Nhanh và Chậm hàm ý rộng hơn nhiều, chứ không chỉ miêu tả sự thay đổi tốc độ đơn thuần. Chúng chính là giản lược về cách sinh tồn, hoặc triết lý sống. Nhanh là bận rộn, kiểm soát, xông xáo, vội vàng, phân tích nhanh nhạy, stress, hời hợt, nôn nóng, tích cực chủ động, số-lượng-trên-chất-lượng. Chậm có nghĩa ngược lại: thư thái, cẩn trọng, tiếp thu, điềm tĩnh, trực giác, không vội vàng, kiên nhẫn, suy nghĩ thấu đáo, chất-lượng-trên-số-lượng. Tức là tạo lập những kết nối thực sự và có ý nghĩa – với con người, văn hóa, công việc, dinh dưỡng và mọi thứ. Nghich lý là ở chỗ Chậm không phải lúc nào cũng có nghĩa là chậm. Như chúng ta sẽ tìm hiểu, thực hiện một nhiệm vụ theo cách Chậm thường mang lại kết quả nhanh hơn. Cũng có thể tiến hành công việc nhanh trong lúc vẫn duy trì một khuôn khổ tư duy chậm. Một thế kỷ sau khi Rudyard Kipling[9] viết hãy giữ lý trí của bạn trong khi hết thảy chung quanh đang loạn trí[10], con người mới học cách giữ điềm tĩnh, cách duy trì nội tâm thư thái, ngay cả khi họ phải vắt chân lên cổ cho kịp thời hạn công việc hoặc đưa bọn trẻ đến trường đúng sít giờ. Một trong những mục đích của cuốn sách này là chỉ ra cách làm sao được như vậy.
Bất chấp phát ngôn của một vài người chỉ trích, phong trào Chậm không nhằm tiến hành mọi việc theo tốc độ sên bò. Cũng không phải một nỗ lực bột phát kiểu Luddite[11], hòng kéo toàn thể hành tinh trở về thời kỳ tiền công nghiệp không tưởng nào đó. Trái lại, phong trào tập hợp những người như các bạn và tôi, những người muốn sống tốt hơn trong một thế giới hiện đại, tốc-độ-cao. Chính vì thế, triết lý sống Chậm có thể tóm tắt chỉ trong một từ duy nhất: cân bằng. Hãy nhanh khi đáng để nhanh, chậm khi cần chậm. Hãy cố gắng sống ở cung bậc mà các nhạc sỹ gọi là tempo giusto – nhịp chuẩn.
Người đề xướng hàng đầu việc giảm tốc là Carlo Petrini, sáng lập gia người Ý của Phong trào Đồ ăn Chậm, một phong trào quốc tế chuyên tâm cho quan niệm rất văn minh là những thứ ta ăn nên được trồng cấy, chế biến và tiêu thụ ở nhịp độ khoan thai. Tuy bàn ăn là mặt trận chủ yếu, song Đồ ăn Chậm vượt xa một lời bào chữa cho những bữa trưa kéo dài. Tuyên ngôn của nhóm là lời hiệu triệu chung tay chống lại căn bệnh sùng bái tốc độ dưới mọi hình thức: “Thế kỷ của chúng ta, vốn dĩ đã khởi đầu và đang phát triển dưới biển hiệu của văn minh công nghiệp, thoạt tiên phát minh ra máy móc sau lấy máy móc làm chuẩn mực cho đời sống. Chúng ta thành nô lệ của tốc độ và thảy đều chịu thua con vi rút âm ỉ kia: Cuộc sống Gấp gáp, nó phá vỡ thói quen của chúng ta, len vào đời sống riêng tư của nhà chúng ta và buộc chúng ta ăn Đồ ăn Nhanh.”
Vào một chiều hè nóng bức ở Bra, thị trấn nhỏ Piedmontese, vốn là đại bản doanh của phong trào Đồ ăn Chậm, tôi gặp Petrini để chuyện phiếm. Đơn thuốc của ông dành cho đời sống là một gợi ý hiện đại rất đáng hoan nghênh. “Nếu lúc nào anh cũng chậm, thì anh là xuẩn – và đó hoàn toàn không phải là mục tiêu chúng tôi nhắm tới,” ông nói với tôi. “Chậm nghĩa là anh làm chủ nhịp sống của mình. Trong từng hoàn cảnh cụ thể, chính anh quyết định phải nhanh đến cỡ nào. Nếu hôm nay, tôi muốn nhanh, thì tôi nhanh; ngày mai tôi muốn chậm, tôi sẽ chậm. Cái mà chúng tôi đang đấu tranh giành giật chính là quyền định đoạt nhịp sống của riêng mình.”
Triết lý sống hết sức giản đơn ấy đang góp tiếng nói trong nhiều lĩnh vực. Tại các công sở, hàng triệu người đang cố gắng – và sắp đạt tới – mức cân bằng hợp lý hơn giữa công việc và đời sống. Trong phòng ngủ, người ta khám phá thú vui của tình dục chậm, thông qua Tantra[12]và các dạng khác nhau của giảm tốc làm tình. Quan niệm Chậm hơn là tốt hơn tạo nền móng cho sự bùng nổ các chế độ tập luyện – từ yoga đến Thái Cực quyền – và y học thay thế – từ thảo dược đến liệu pháp vi lượng đồng căn – dùng phương pháp nhẹ nhàng toàn diện tiếp cận cơ thể con người. Khắp mọi nơi, các thành phố sửa sang cảnh quan đô thị để khuyến khích dân chúng giảm lái xe và tăng cường đi bộ. Nhiều trẻ em cũng sửa soạn rời làn cao tốc, vì các bậc cha mẹ bớt dần lịch học cho chúng.
Rõ ràng, phong trào Chậm phần nào trùng khớp với cuộc thập tự chinh chống toàn cầu hóa. Những người đề xướng cả hai phong trào đều tin rằng chủ nghĩa tư bản tăng tốc chào mời chiếc vé một chiều tới kiệt lực, cho hành tinh này và nhân loại sống trên đó. Họ cho rằng chúng ta có thể sống tốt hơn nếu chúng ta tiêu dùng, sản xuất và làm việc với một nhịp độ hợp lý hơn. Tuy nhiên, cùng với những người chống toàn cầu hóa ôn hòa, các nhà hoạt động vì sự lắng mình Chậm lại cũng không khăng khăng xóa bỏ sạch trơn chế độ tư bản. Đúng hơn, họ cố tìm cho nó một khuôn mặt nhân bản. Bản thân Petrini cũng nói về “toàn cầu hóa đúng mực.” Dù vậy phong trào Chậm sâu sắc và rộng khắp hơn nhiều cải cách kinh tế đơn thuần. Lấy đích nhắm là vị chúa tốc độ giả hiệu, phong trào dò đến cốt lõi những gì cần có để làm người trong kỷ nguyên của con chip silicon. Tín điều Chậm có thể sinh lợi khi áp dụng theo lối dần dần. Nhưng để có được lợi ích toàn diện từ phong trào Chậm, chúng ta cần phải tiến xa hơn nữa, và triệt để cân nhắc phương pháp tiếp cận mọi vấn đề. Một thế giới Chậm đích thực không gì khác hơn một cuộc cách mạng về lối sống.
Phong trào Chậm mới đang hình thành. Nó chưa có tổng hành dinh hoặc trang web, chưa có lãnh tụ duy nhất, chưa có đảng phái chính trị để chuyển tải các thông điệp. Nhiều người quyết định lắng mình mà không hề cảm thấy là bộ phận của một trào lưu văn hóa, chưa nói gì đến một cuộc thập tự chinh toàn cầu. Tuy thế, cái đáng kể là một thiểu số ngày càng tăng đang lựa chọn chậm thay vì tốc độ. Mỗi một hành động giảm tốc chính là tạo thêm cú hích cho phong trào Chậm.
Giống quần chúng chống toàn cầu hóa, đám đông chủ trương chậm lại đang rèn những mắt xích, tạo đà và mài giũa triết lý của họ thông qua các hội nghị quốc tế, Internet và truyền thông đại chúng. Các Nhóm Chậm-Nhà-Nghề đang mọc lên khắp mọi nơi. Một số, chẳng hạn Đồ ăn Chậm, tập trung chủ yếu vào một lĩnh vực của đời sống. Các Nhóm khác mở rộng hơn triết lý Chậm. Trong số này có Câu lạc bộ Thư Thả ở Nhật, Quỹ Bây giờ Chậm trụ sở tại Mỹ và Hiệp hội châu Âu về Giảm tốc Thời gian[13]. Phần lớn phát triển của phong trào Chậm khởi phát từ phối kết hợp. Nhóm Đồ ăn Chậm hiện đã cho ra các nhóm con kế tiếp. Dưới ngọn cờ của các Đô thị Chậm, trên sáu chục thành phố Ý đang nỗ lực chuyển mình thành những ốc đảo êm đềm. Thị trấn Bra cũng là quê hương của Tình dục Chậm, một xu hướng nhằm xua đuổi sự hùng hục vội vã ra khỏi phòng ngủ. Tại Mỹ, học thuyết Petrini đã gợi hứng cho một nhà giáo dục hàng đầu phát động phong trào “Giáo dục Chậm ở nhà trường.”
Mục đích của tôi trong cuốn sách này là giới thiệu phong trào Chậm tới đông đảo độc giả, giải thích phong trào bênh vực cái gì, hiện tiến triển ra sao, vấp phải những trở ngại nào và vì sao đem lại điều gì đó cho tất cả chúng ta. Tuy nhiên, những động cơ của tôi không hoàn toàn vị nhân sinh. Tôi là người say tốc độ, vì vậy cuốn sách này cũng là một cuộc hành trình hết sức cá nhân. Ở phần cuối hành trình ấy, tôi muốn tìm lại vài cảnh êm đềm cảm nhận được lúc chờ chuyến xe buýt nọ tại thành Rome. Tôi muốn có thể đọc sách cho con trai mà không phải liếc đồng hồ.
Giống hầu hết mọi người, tôi muốn tìm ra con đường để sống tốt hơn nhờ vào tạo lập thế
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.