Những Bậc Thầy Thành Công

1 – Thành công đến từ chính bên trong mỗi chúng ta



Tất cả những gì chúng ta cần đều nằm trong khả năng của chúng ta.

– THEODORE ROOSEVELT

Tuổi thọ trung bình của con người là khoảng 75, tương đương với 657.000 giờ – một lượng thời gian cần thiết nhưng cũng ngắn ngủi để chúng ta có thể lập kế hoạch, theo đuổi, đạt được – và nếu may mắn – tận hưởng cuộc sống thành công ấy. Khoảng thời gian đó liệu có đủ cho bất kỳ ai đạt được thành công không?

Câu trả lời là đủ và không đủ. Tất cả chúng ta đều biết rằng có một số người đạt được thành công rực rỡ, một số khác đạt được những thành công khiêm tốn hơn, và còn rất nhiều người không đạt được thành công nào – hay đại loại như vậy. Chúng ta biết nhiều người thành đạt theo cách thông thường, và căn cứ theo những chuẩn mực của việc đề ra mục tiêu và đạt được nó thì tất nhiên họ là những người thành công. Vậy còn những người khác thì sao? Chúng ta chưa bao giờ nghe về bất kỳ thành công nào trong cuộc sống của họ – nhưng chúng ta cũng không thực sự biết rõ họ có thành công hay không?

Tất cả chúng ta sử dụng thời gian theo những cách khác nhau. Những người có tài năng bẩm sinh, cộng với hoàn cảnh ưu đãi, và tràn đầy nhiệt huyết thường được chúng ta biết đến với các câu chuyện ca ngợi họ qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt khi thành công của họ sụp đổ – tuy nhiên nhiều người trong số họ đã thành công bất chấp nghịch cảnh. Bản thân chúng ta cũng biết khá nhiều những cá nhân thành công – những người không quá nổi tiếng trên thế giới, và chúng ta thường không xem đó là “thành công” – đơn giản bà ấy là Norma, bà chủ tiệm sơn móng tay xinh đẹp, có sáu đứa cháu tuyệt vời mà bố mẹ của chúng luôn xuất hiện vào dịp Lễ Tạ ơn. Rồi đến Joe, gã này mất năm năm trong tù và bây giờ đang làm nghề mộc, một người không phải là hình mẫu lý tưởng của bất kỳ ai.

Dẫu gọi nó là gì đi nữa thì tất cả chúng ta đều theo đuổi thành công. Tất cả chúng ta đều có khát vọng và nỗ lực để đạt được nó. Khát vọng của chúng ta có thể khác với mọi người, và có thể chúng ta không xem việc đạt được chúng là “thành công”. Chúng ta để ý đến những người xung quanh mà thành công của họ khiến chúng ta đố kỵ. Jake đã sử dụng thời gian như thế nào mà anh ta lại vượt xa tôi cả về tiền bạc, bạn bè và tầm ảnh hưởng? Tại sao anh ta thành công, còn tôi thì không? Tại sao anh ta đang bay trên con Learjet[1] của anh ta trong khi tôi vẫn đang lọc cọc với con Laguar[2] này? Tại sao cô ta được sống trong ngôi nhà mới, chăm sóc ba đứa con xinh đẹp và thông minh trong khi tôi vẫn đang tìm người yêu? Tại sao đến cả cái hộp các-tông của gã đó cũng lớn hơn của tôi vậy, và gã ta đã kiếm được cái xe mua sắm cỡ lớn đó ở đâu?

Nhưng nếu bạn không biết tất cả sự thật, không hiểu được suy nghĩ của người khác, bạn không thể nói liệu người đó có thành công hơn bạn không. Có thể anh ta có 100 triệu đô la nhưng vẫn không vui vì mục tiêu của anh ta là 40 tuổi sẽ trở thành thống đốc và anh ta đang ngày càng mệt mỏi vì phải điên cuồng theo đuổi quyền lực. Có thể bạn không giàu như bạn mong muốn, nhưng ngược lại, bạn đạt được sự giàu có sau khi đã trải qua vô vàn khó khăn và bạn cảm thấy hài lòng vì đã giữ tài chính của mình ổn định và gia đình của mình trọn vẹn.

Vậy điều gì bạn cho là thành công hơn? Thực hiện được bất kỳ khát vọng nào của bản thân chính là thành công, theo khái niệm hợp lý, và bạn đã đạt được một số mục tiêu rất quan trọng và tự thấy hài lòng.

Thước đo thành công của bạn nằm ở chỗ bạn phân bố thời gian hiệu quả như thế nào để đạt được những mục tiêu quan trọng với bạn. Không phải là bạn so với người khác thế nào – mà là bạn dùng khả năng và kiến thức của mình để đạt được những mục tiêu phù hợp, tuy có phải khiêm tốn, cho chính bản thân bạn và những người quan trọng với bạn ra sao. Vậy ai biết điều đó? Người muốn trở thành thống đốc đó có thể đang quan sát bạn và tự nhủ rằng, “Ta là một kẻ thất bại thảm hại. Từ lúc nào ta đã quyết định tiền bạc quan trọng hơn niềm đam mê công việc? Tại sao ta không từ bỏ con đường đó và dành nhiều thời gian hơn cho các con ta? Tại sao ta không thể thư giãn và hưởng thụ cuộc sống như George đang làm?”

Từ điển định nghĩa “thành công” là đạt được những gì mình mong muốn, lập kế hoạch, hoặc cố gắng để đạt được. Tuy nhiên trong cuộc sống, thành công là một khái niệm khó nắm bắt, nhất là khi bạn đưa ra khái niệm đó cho riêng mình. Thành công là một khái niệm rất tương đối và mang tính cá nhân cao. Nhiều người đã nỗ lực hết mình và đã đạt được những mục tiêu rất cao chỉ để phát hiện ra rằng đó chỉ là đỉnh cao ảo vọng, rằng đỉnh cao thực sự thì cao hơn nhiều. Những người khác đã đạt được thành công tột đỉnh chỉ để sau đó nhận ra giới hạn và sự trống rỗng trong chính họ, và rằng cách duy nhất để leo xuống đó là… tụt. Nhưng cũng có rất nhiều người mặc dù thành công của họ khiêm tốn hơn nhưng để đạt được thành công đó, họ đã phải trải qua vô vàn khó khăn và cuối cùng họ mới nhận ra giá trị đích thực của thành công. Mỗi ngày làm việc có thể chính là một thành công.

Vì vậy bây giờ khi bạn biết rằng khái niệm thành công thật khó nắm bắt, bạn sẽ đạt được thành công bằng cách nào? Nếu có ý định tìm một công thức chung thì bạn sẽ thất bại – bởi vì không có công thức chung nào cả. Thành công phụ thuộc vào việc bạn sử dụng thời gian, phụ thuộc vào hoàn cảnh, tình hình, và – quan trọng nhất – nhận thức của bạn về thành công là gì. Không có một tiêu chuẩn toán học nào để đánh giá khi nào bạn thành công và bạn thành công đến mức nào. Có nhiều cách để đánh giá thành công, nhưng suy cho cùng, cách mà chính bạn tự đánh giá nó mới là thước đo chân thực nhất.

Không có một phương thức cụ thể nào để đạt được thành công ư? Vậy tại sao chúng tôi lại viết một cuốn sách về nó? Bởi vì mặc dầu trong cuốn sách này không có một bí quyết kỳ diệu nào nhưng vẫn có những chủ đề lập đi lặp lại suốt những câu chuyện về những người thành công. Bằng cách đọc câu chuyện về những người đó, bạn có thể hiểu được những người khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau có thể đạt được những gì mà bản thân họ cho là thành công. Và việc bạn hiểu được điều đó có thể là nền tảng giúp bạn đạt được những gì mình mong muốn.

Bạn sẽ đọc về những người thành công – một số bạn biết, còn hầu hết bạn chưa nghe đến bao giờ – có người biết được những gì họ muốn từ khi còn là đứa trẻ còn những người khác đạt được thành công gần như do tình cờ hoặc bất ngờ. Bạn sẽ phát hiện ra thành công đạt được như thế nào nhờ cảm hứng và lòng quyết tâm. Bạn sẽ gặp những người đã vượt qua được bất hạnh và tàn tật để đạt được thành công và cả những con người, khi vừa sinh ra thành công đã chảy trong mạch máu của họ. Bạn sẽ khám phá ra những định nghĩa về thành công từ việc khắc phục hoàn toàn những khiếm khuyết cá nhân cho đến việc đạt được thành công tột đỉnh của thế giới. Quan trọng nhất là, bạn sẽ nhận ra điều đó sau những phân tích kỹ lưỡng: thành công đòi hỏi phải áp dụng khác thường những kiến thức thông thường.

Trong các bài viết của toàn bộ chương đầu này, bạn sẽ nhận ra rõ ràng rằng ý niệm về thành công thậm chí phức tạp hơn cả hàm ý của chính những câu chuyện đó. John Gray tranh luận rằng thành công mà bạn đạt được thì không nhiều nhặn bởi vì đó là cách để đánh giá những gì bạn đạt được; Brian Tracy nói rằng, theo quy luật căn bản của nhân quả, “bạn trở thành người mà bạn hay nghĩ đến nhất”.

Khi bạn đọc những câu chuyện và bài viết trong suốt cuốn sách này, hãy hết sức lưu tâm đặc biệt đến không chỉ các tên tuổi bạn đã biết mà cả những cái tên mà bạn chưa từng nghe đến bao giờ. Đó là những người mà cuộc sống của họ gần gũi với bạn và từ những gì đọc được bạn có thể rút ra những điểm chung nhất giữa họ và bạn. Hãy nghĩ xem những mục đích, quan điểm, hành động, nguyên tắc, và kinh nghiệm của họ có thể áp dụng vào cuộc sống, công việc và hoài bão của bạn như thế nào. Hãy nghiên cứu bất kỳ điểm gì tương đồng với suy nghĩ của bạn. Hãy nắm bắt những gì bạn học được từ mỗi câu chuyện thành công, sau đó kết hợp chúng lại, áp dụng linh hoạt trong trường hợp riêng của bạn. và viết lên hồi kết thành công cho câu chuyện của chính bạn.

Sau cùng thì luôn có một phương pháp để đạt được thành công – và chỉ có bạn mới viết ra được phương pháp đó.

Với hơn 15 triệu bản in cuốn sách bán chạy nhất Đàn Ông Đến Từ Sao Hoả. Đàn Bà Đến Từ Sao Kim (Men Are from Mars, Women Are from Venus), tiến sỹ John Gray là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phát triển cá nhân và các mối quan hệ. Việc nhận được nhiều hơn các phần thưởng hữu hình trong cuộc sống chỉ là một phần trong câu chuyện, ông giải thích: phần còn lại là nằm ở tầng cao hơn

THÀNH CÔNG BÊN NGOÀI NÂNG ĐỠ CẢM XÚC CỦA CHÚNG TA

JOHN GRAY

Tiền bạc, danh tiếng, bổn phận, con cái, một công việc tốt, quần áo đẹp, trúng xổ số, hay bất kỳ dạng thành công bên ngoài nào đều giống như một chiếc kính lúp dọi vào cảm xúc bên trong của chúng ta. Nếu bạn đã bình yên thì bạn càng bình yên hơn. Nếu bạn đã hạnh phúc và yêu đời thì bạn càng hạnh phúc và yêu đời hơn. Nếu bạn đã tự tin thì bạn sẽ tự tin hơn.

Trái lại nếu bạn đang không thấy sự yên bình thì niềm vui, tình yêu. niềm tin, hay thanh thản trong cuộc sống của bạn sẽ giảm đi. Nếu bản thân bạn không đạt được những thành công ban đầu thì việc “có thêm” cũng sẽ chỉ làm cuộc sống của bạn phức tạp thêm và nảy sinh nhiều vấn đề. Nếu bạn không hạnh phúc thì tiền bạc cũng không làm bạn hạnh phúc hơn.

Nếu bạn đã hạnh phúc và bạn biết rằng không phải cứ có nhiều tiền mới có hạnh phúc, thì việc giàu có hơn có thể làm bạn hạnh phúc hơn. Không có gì sai khi chúng ta muốn có nhiều tiền hơn. Việc kiếm nhiều tiền hơn chỉ hạn chế chúng ta khi chúng ta quên mất rằng hạnh phúc đích thực là ở bên trong mỗi con người.

Bí quyết để đạt được những gì bạn muốn và muốn những gì bạn đã có trước hết là phải học cách hài lòng, yêu thương, tin tưởng, và hoà nhã bất kể điều gì xảy ra trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nếu đầu tiên bạn hài lòng với những gì bạn đã có thì tiếp theo đó những thành công vật chất sẽ đến như mong muốn của bạn.

Ảo tưởng về thành công bên ngoài

Sự hứa hẹn của tất cả các thành công bên ngoài chỉ là một ảo tưởng. Khi chúng ta không vui, chúng ta cho rằng một chiếc xe mới, một công việc tốt hơn, một người bạn đời đáng yêu sẽ làm cho chúng ta vui hơn. Nhưng khi có chúng rồi thì kết quả lại ngược lại.

Khi chưa được thoả mãn, chúng ta thường mong muốn được đáp ứng nhu cầu “nhiều hơn”. Nhưng không phải như vậy. Không bao giờ là đủ cả. Khi chúng ta tiếp tục cảm thấy không vui “bởi vì chúng ta không được đáp ứng “nhiều hơn”, thì ảo tưởng về vẻ ngoài của thành công càng tăng. Càng ngày chúng ta càng tin rằng chúng ta không thể vui vẻ trừ khi chúng ta được đáp ứng nhiều hơn nữa. Sau đây là một số ví dụ phổ biến:

· “Tôi chưa thể có hạnh phúc cho tới khi tôi kiếm được 1 triệu đô la”.

· “Tôi chưa thể hạnh phúc cho tới khi tôi thanh toán được các hoá đơn”.

· “Tôi không thể hạnh phúc trừ khi vợ tôi thay đổi”.

· “Tôi không thể hạnh phúc trừ khi chồng tôi ân cần hơn”.

· “Tôi không thể hạnh phúc trừ khi tôi có một công việc tốt hơn”.

· “Tôi không thể hạnh phúc trừ khi tôi giảm cân”.

· “Tôi không thể hạnh phúc trừ khi tôi chiến thắng”.

· “Tôi không thể hạnh phúc trừ khi tôi được tôn trọng hoặc được đánh giá cao”.

· “Tôi không thể hạnh phúc khi có quá nhiều lo âu trong cuộc sống”.

· “Tôi không thể hạnh phúc bởi vì có quá nhiều việc phải làm”.

· “Tôi không thể hạnh phúc bởi vì không có đủ việc để làm”.

Ban đầu, đạt được những gì chúng ta muốn sẽ làm chúng ta hạnh phúc nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, chúng ta lại cảm thấy không vui. Như trước đây chúng ta tin tưởng mù quáng rằng có được nhiều hơn sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc hơn. Nhưng thật không may là mỗi khi hướng đến và đạt được thành công bên ngoài, chúng ta lại cảm thấy trong lòng trống rỗng hơn. Thay vì cảm thấy vui vẻ và yên ổn hơn trong cuộc sống, chúng ta lại cảm thấy rối bời và bất mãn hơn.

Không có được những thành công cá nhân thì càng đạt được nhiều thành công bên ngoài chúng ta càng cảm thấy không vui. Tại sao báo chí lại viết nhiều câu chuyện bất hạnh về những người giàu có và những người nổi tiếng? Đối với rất nhiều người nổi tiếng, thanh danh và tiền bạc chỉ mang lại đau khổ, nghiện ngập, ly hôn, bạo lực, phản bội và thất vọng.

Cuộc sống của họ là ví dụ điển hình rằng thành công bề ngoài chỉ có thể trọn vẹn nếu chúng ta đã có niềm vui ngay trong chính chúng ta. Thành công bề ngoài có thể là thiên đường hay địa ngục, tất cả phụ thuộc vào mức độ thành công nội tại mà chúng ta đạt được.

Thành công cá nhân đến từ bên trong

Thành công cá nhân là từ bên trong mỗi cá nhân và đạt được khi bạn không chỉ là chính bạn mà còn phải biết yêu chính bản thân bạn. Đó là cảm giác tin tưởng, vui vẻ và đầy nhiệt huyết khi thực hiện những điều bạn muốn. Thành công cá nhân bao gồm không chỉ là việc bạn đạt được mục tiêu mà còn là việc bạn cảm thấy vui mừng và hài lòng với những gì bạn đã có sau khi bạn đạt được nó. Nếu bạn không có thành công cá nhân thì dù bạn là ai hay dù bạn có được bao nhiêu đi nữa bạn cũng không bao giờ cảm thấy hạnh phúc.

Để đạt được thành công cá nhân trước hết chúng ta phải nhận thức được rằng chúng ta không được đặt thành công vật chất lên vị trí ưu tiên hàng đầu. Liệu có nên không khi đạt được mục tiêu và sau đó cảm thấy rằng thế vẫn không đủ? Liệu có nên không khi có được những gì bạn đã luôn mong muốn và sau đó không còn muốn chúng nữa? Liệu có nên không khi có hàng triệu đô la và sau đó nhìn vào gương thấy mình thật vô duyên? Liệu có nên không khi bạn hát một bài hát và người khác ra vẻ thích nó nhưng trong lòng lại ghét nó? Để tìm ra hạnh phúc đích thực và bền lâu chúng ta phải có một thay đổi nhỏ nhưng đầy ý nghĩa trong suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta phải cố gắng đạt được thành công cá nhân và không xem thành công vật chất là ưu tiên số một.

Trải nghiệm hạnh phúc

Hạnh phúc bền lâu đến từ chính bên trong bạn. Đạt được những thứ bạn muốn cũng không thể làm bạn hạnh phúc hơn hiện tại. Làm được những việc tốt đẹp và học được những điều mới mẻ cũng không giúp bạn tự tin hơn hiện tại. Tình yêu với người khác chỉ có thể duy trì khi bạn biết yêu chính bản thân. Bạn chỉ có thể tìm thấy sự bình yên, hòa thuận và thời gian thư giãn khi chính bạn đã thư giãn và bình yên. Những cung bậc của tình yêu, của niềm vui, của quyền lực và hòa bình từ thế giới bên ngoài chỉ có thể đến với chúng ta khi chúng ta đã cảm nhận được hạnh phúc từ bên trong.

Khi bạn đã hạnh phúc thì bạn sẽ hài lòng với những gì bạn đạt được trong cuộc sống. Nó cũng như khi chúng ta nằm thư giãn trong bồn tắm ấm áp. Nếu bạn nằm yên, bạn sẽ không nhận ra được sự ấm áp. Nếu bạn xoay người và trở lại vị trị ban đầu, bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được sự ấm áp. Để cảm nhận được sự ấm áp phải có hai điều kiện: Bạn phải ở trong nước ấm và bạn phải chuyển động.

Tương tự như vậy, để cảm nhận được hạnh phúc trong cuộc sống trước tiên bản thân bạn phải hạnh phúc đã và sau đó phải có tác động bởi những gì bạn đạt được. Nếu chúng ta đã hạnh phúc thì không cần thiết phải có những thành công vật chất to lớn mới làm chúng ta vui.

Nếu bạn đang nằm trong một “bồn tắm” của sức mạnh và niềm tin bên trong bạn thì chỉ cần chuyển động bạn sẽ cảm nhận được nó. Khi bạn đang nằm trong một bồn tắm của tình yêu và hòa bình thì chỉ cần tiếp xúc cũng mang lại cho bạn tình yêu và hoà bình.

Còn nếu bạn đang cảm thấy bất hạnh, không được yêu thương, lo âu hoặc căng thẳng thì càng tiếp xúc bạn sẽ càng cảm thấy đau khổ, thất vọng hơn. Thành công bạn đã đạt được cùng chỉ đem lại đau khổ và lo âu.

Nguyên nhân thực sự của đau khổ

Khi bề ngoài của thành công khiến chúng ta cảm thấy đau khổ, chúng ta kết luận rằng nguyên nhân của đau khổ là không đạt được những gì chúng ta muốn. Chúng ta rất dễ phạm phải sai lầm này. Khi chúng ta không vui, chúng ta thường muốn những gì chúng ta chưa đạt được. Đương nhiên chúng ta kết luận rằng chúng ta đau khổ chỉ vì chúng ta không có được những gì chúng ta muốn. Kết luận này không hề chính xác.

Khi cá nhân bạn càng đạt được thành công thì bạn nhận ra mong muốn nhiều hơn và cho dù không đạt được những mong muốn ấy thì bạn cũng không cảm thấy bất hạnh. Thay vào đó, khát vọng nhiều hơn tạo cho bạn những cảm xúc tích cực như đam mê, tin tưởng, quyết tâm, can đảm, hào hứng, nhiệt tình, niềm vui, tình yêu v.v… Muốn nhiều hơn không phải là nguyên nhân của đau khổ. Khi trong lòng bạn hạnh phúc và tin tưởng thì việc muốn nhiều hơn và thực hiện những mong muốn sẽ tạo cho bạn niềm vui, tình yêu, niềm tin và sự yên bình.

Khát vọng hoặc muốn nhiều hơn là bản chất của tâm hồn, trí óc, trái tim và cảm xúc. Tâm hồn luôn muốn được phong phú hơn; trí óc luôn tìm kiếm công việc và hiểu biết hơn; trái tim luôn mong đợi yêu và được yêu nhiều hơn; và cảm xúc luôn muốn hưởng thụ hơn. Nếu chúng ta là chính mình, chúng ta luôn muốn nhiều hơn.

Thật tự nhiên khi trong các mối quan hệ chúng ta muốn được yêu thương hơn. Và cũng tốt khi trong công việc chúng ta muốn thành công hơn. Thật bình thường nếu chúng ta muốn hưởng thụ cuộc sống và còn muốn được hưởng thụ nhiều hơn nữa. Muốn nhiều hơn là tâm trạng tự nhiên của chúng ta. Không có gì sai khi chúng ta có khát vọng. Sự phong phú, phát triển, tình yêu, sự thoải mái và hướng tới những gì tốt đẹp hơn là bản chất của cuộc sống.

Muốn nhiều hơn và đạt được ít hơn không phải là nguyên nhân của đau khổ. Đau khổ đơn giản là ở chỗ thiếu đi niềm vui nội tại và không có gì để làm khi điều kiện bên ngoài cho phép. Nguyên nhân thực sự của đau khổ là thiếu đi niềm vui. Đau khổ cũng giống như là bóng tối. Có bóng tối là vì thiếu ánh sáng. Cách để rời xa bóng tối là hướng đến ánh sáng. Tương tự như vậy, đau khổ của chúng ta vơi dần khi chúng ta biết cách hướng đến ánh sáng trong chính chúng ta.

Khi sống thực với mình tự nhiên chúng ta sẽ thấy hạnh phúc. Tại sao? Bởi vì được là chính mình thì đã là hạnh phúc. Bản chất thực của chúng ta là yêu thương, vui vẻ, tin tưởng và thanh thản. Để khám phá hạnh phúc chúng ta phải bắt đầu một cuộc hành trình nội tâm để phát hiện và nhận ra con người đích thực của chính bản thân. Khi nhìn sâu vào nội tâm, chúng ta sẽ khám phá ra rằng niềm vui, tình yêu, sức mạnh và thanh thản chúng ta đang tìm kiếm đều đã ở đó. Những phẩm chất đó đã có sẵn trong chính chúng ta.

Trích từ cuốn Cách để đạt được điều bạn muốn và muốn điều bạn đang có (How to get What You Want and Want What You Have).

Là một chuyên gia hàng đầu về ảnh hưởng cá nhân và tiềm năng của con người. Brian Tracy là cố vấn thường xuyên cho Million Dollar Round Table, IBM, McDonnell Douglas, và các tổ chức đa quốc gia khác. Tracy đưa ra những khái niệm quan trọng khi quan sát một quá trình đi đến thành công.

LUẬT NHÂN QUẢ

BRIAN TRACY

Cái gì cũng có nguyên nhân của nó; mỗi kết quả đều có một nguyên nhân cụ thể.

Aristotle khẳng định chúng ta sống trong một thế giới có quy luật chứ không phải ngẫu nhiên. Ông tuyên bố rằng mọi việc đều có nguyên nhân, chỉ có điều chúng ta có biết nó hay không thôi. Mọi nguyên nhân hay hành động đều có một kết quả nhất định, chỉ có điều chúng ta có thể thấy và thích hay không.

Đây là luật cổ xưa, “luật sắt” theo quan niệm phương Tây, triết học phương Tây. Sự tìm kiếm nghiêm túc về sự thật, về quan hệ nhân quả giữa các sự việc đã dẫn đến phát triển của phương Tây về khoa học, công nghệ, y học, triết học, và thậm chí xung đột trong hơn 2000 năm. Ngày nay, việc tìm tòi này đã mang lại những tiến bộ về công nghệ làm thay đổi đáng kể thế giới của chúng ta.

Luật này nói rằng thành tựu, sự giàu có, hạnh phúc, thịnh vượng và thành công trong kinh doanh đều là kết quả hoặc hậu quả trực tiếp và gián tiếp của những nguyên nhân hoặc hành động cụ thể. Điều này đơn giản có nghĩa là nếu bạn có thể xác định được nguyên nhân hay kết quả bạn muốn thì bạn có thể đạt được nó. Bạn có thể học hỏi những người đã đạt được cùng mục tiêu, và bằng cách làm như họ, bạn sẽ đạt được kết quả như họ.

Thành công không phải là ngẫu nhiên

Thành công không phải do phép màu cũng không phải do may mắn. Mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân của nó, tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực. Khi bạn hoàn toàn xác định được những gì bạn muốn, bạn chỉ cần bắt chước người đã đạt được nó trước bạn, và cuối cùng bạn sẽ đạt được kết quả như họ.

Điều này được nói đến trong quy luật “Gieo gió ắt gặt bão” trong Kinh thánh.

Nhà khoa học Isaac Newton gọi nó là định luật vận động thứ ba của định luật 3 Newton, ông nói rằng: “Đối với mỗi lực tác động bao giờ cũng có một phản lực cùng độ lớn”.

Đối với tôi và bạn, quan trọng nhất của luật vạn vật này là: “Những ý nghĩ là nguyên nhân và hoàn cảnh là kết quả”.

Nói cách khác, “Suy nghĩ là sáng tạo”. Suy nghĩ của bạn là sức mạnh sáng tạo trước tiên trong cuộc sống của bạn. Bạn tạo nên toàn thế giới theo cách nhìn của bạn. Tất cả mọi người và hoàn cảnh trong cuộc sống của bạn đều mang ý nghĩa theo cách bạn nghĩ về họ. Và khi bạn thay đổi suy nghĩ thì bạn cũng thay đổi cuộc sống của bạn và đôi khi sự thay đổi ấy diễn ra ngay lập tức!

Nguyên tắc quan trọng nhất của thành công cá nhân hay thành công trong kinh doanh đơn giản là: Hãy dành nhiều thời gian nhất để suy nghĩ về bản thân.

Đây là phát hiện quan trọng mà tất cả các tôn giáo, triết học, siêu hình học, các trường phái tư duy và lý thuyết về tâm lý học đều dựa vào. Nguyên tắc này có thể được áp dụng cho những cá nhân cũng như nhóm cá nhân và các tổ chức. Bất kỳ những gì bạn chứng kiến hoặc trải nghiệm đều là suy nghĩ của bạn về mọi người dưới các hiện tượng. Ralph Waldo Emerson nhận ra điều này khi ông viết: “Mọi tổ chức lớn chỉ là cái bóng giãn ra của một người duy nhất”.

Đó không phải là điều diễn ra đối với bạn mà là cách bạn nghĩ về những gì diễn ra với bạn. Điều đó xác định cách bạn cảm nhận và phản ứng. Đó không phải là thế giới bên ngoài tạo ra hoàn cảnh hoặc điều kiện của bạn; mà chính là thế giới bên trong bản thân bạn tạo ra các hoàn cảnh trong cuộc sống của bạn.

Lựa chọn của bạn, cuộc sống của bạn

Bạn luôn luôn được tự do lựa chọn. Suy cho cùng không ai buộc bạn phải suy nghĩ, cảm nhận, hoặc cư xử theo cách bạn làm. Đúng hơn là bạn đã chọn cảm xúc và cách cư xử để nghĩ về thế giới quanh bạn và về những gì xảy ra với bạn.

Tiến sĩ Martin Seligman của trường Đại học Pennsylvania gọi phản ứng này là “phong cách lý giải” của bạn. Đó là cách bản thân bạn hiểu và lý giải mọi điều. Đó là yếu tố quyết định bạn là ai và bạn muốn mình như thế nào.

Tin tốt là phong cách lý giải có thể học được. Điều này có nghĩa là nó cũng có thể không học được. Cách lý giải sự việc của chính bạn do bạn làm chủ. Bạn có cảm nhận những gì bạn trải qua một cách vui vẻ và lạc quan thay vì tức giận và thất vọng. Bạn có thể quyết định phản ứng bằng thái độ tích cực và hiệu quả. Bạn luôn luôn có quyền tự do lựa chọn.

Dòng suy nghĩ và cảm xúc của bạn thay đổi không ngừng. Chúng dễ bị tác động bởi các sự việc xung quanh bạn. Ví dụ khi bạn nhận được một tin tốt lành, ngay lập tức bạn sẽ thấy vui vẻ thấy mọi thứ xung quanh như đang bừng sáng. Nhưng nếu bất ngờ bạn nhận được tin xấu thì ngay lập tức bạn sẽ cảm thấy phiền muộn, tức giận và nóng nảy, ngay cả nếu tin đó không chính xác và không có thực. Đó là cách chính bạn nhận thức về sự việc, điều sẽ quyết định cách phản ứng của bạn.

Làm thế nào để bạn có thể áp dụng nguyên tắc này ngay lập tức

1. Xem xét lại những yếu tố quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn – gia đình, sức khỏe, công việc, tình trạng tài chính của bạn – và quan sát mối quan hệ nhân quả giữa những gì bạn nghĩ, nói, cảm thấy và thực hiện với những kết quả mà bạn đạt được. Hãy trung thực với chính mình.

2. Phân tích cách bạn thực sự nghĩ về mình trong mối quan hệ với cuộc sống quanh bạn. Hãy hết sức trung thực. Hãy xem xét trong từng phạm vi bằng cách nào để dẫn đến suy nghĩ của bạn tạo ra duy trì những gì diễn ra quanh bạn ra sao. Bạn có thể thay đổi suy nghĩ của mình như thế nào để cải thiện cuộc sống của bạn?

Theo 100 quy luật nghiêm ngặt để thành công trong kinh doanh (The 100 Absolutely Unbreakable Laws of Business Success) của Brian Tracy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.