Những Bậc Thầy Thành Công

4 – Mục tiêu và tầm nhìn



Nếu bạn có thể mơ thấy một điều gì đó thì bạn cũng có thể thực hiện được nó.

-WALT DISNEY-

Khi tìm hiểu về cuộc đời của những người thành công, chúng tôi phát hiện ra rằng họ điển hình cho những người biết đặt mục tiêu. Họ hiểu rằng họ có thể kiểm soát được những gì họ đạt được nếu họ tập trung vào mục tiêu đã đặt ra. Mọi người đều muốn giành được hay đạt được một thứ gì đó; nhưng những người thành công biết cách biến những điều họ muốn thành những mục tiêu có thể đạt được.

Tất nhiên, tất cả chúng ta đều đặt ra những mục tiêu một cách có ý thức. Thỉnh thoảng mục tiêu của chúng ta chỉ là chịu đựng hết một ngày dài đằng đẵng, về nhà và ăn tối. Thường thì chúng ta có thể đạt được một thứ gì đó bằng cách làm theo một kế hoạch quen thuộc và cũ kỹ. Tuy nhiên, chúng ta không đề cập đến những mục tiêu ngắn hạn khi bàn về những mục tiêu có định hướng. Người thành công rất giỏi đặt mục tiêu cho tương lai: tốt nghiệp trường y, khởi sự công việc kinh doanh hay kiếm hàng triệu đô la. Đặt ra mục tiêu dài hạn có thể khiến họ hành động để đạt được mục tiêu. Ảnh hưởng của việc đặt mục tiêu dài hạn có thể lan tới tất cả các mặt của đời sống, từ tương lai đến cuộc sống hàng ngày. Mục tiêu có thể tác động tới cách sống của mỗi cá nhân.

Mục tiêu có ý thức có thể biến thành mục tiêu vô thức. Chúng ta có thể trở nên vô cùng tận tâm với một mục tiêu dài hạn. Dần dần, mục tiêu này có thể chi phối mọi mặt cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Khi chúng ta ngừng nghĩ về nó, mục tiêu đó sẽ biến thành một bánh lái tự động. Ngược lại, mục tiêu vô thức có thể biến thành mục tiêu có ý thức khi chúng ta nhận thấy sự cần thiết phải điều chỉnh chúng, sau đó bắt đầu lập kế hoạch thực hiện phù hợp. Nếu hoàn cảnh thay đổi – xuất hiện mối quan tâm mới, những thói quen cũ trở thành có hại, bệnh tật hay tai hoạ ập tới – những mục tiêu vô thức có thể bị thay đổi một cách có ý thức.

Thường thường, môi trường chúng ta lớn lên có thể giúp chúng ta định hưởng những mục tiêu có ý thức và những mục tiêu vô thức. Chúng ta phấn đấu để tuân thủ luật lệ, đối xử tốt với mọi người, trưởng thành, lập gia đình, và thành công. Những quy tắc này thường giới hạn sự lựa chọn của chúng ta: khi ai đó nói: “Không được làm việc đó!” thì chúng ta thường bị ảnh hưởng bởi điều đó. Chúng ta chỉ có thể đạt được thành công khi chúng ta học cách đặt ra những mục tiêu đầy sức tưởng tượng và tham vọng có thể khiến chúng ta sống với lý tưởng cao nhất của mình.

Vận động viên, doanh nhân, và các nhà lãnh đạo sau rất nhiều cố gắng đều thừa nhận sức mạnh của những mục tiêu được tính toán cẩn thận. Ghi lại những mục tiêu dài hạn, mục tiêu thay thế, mục tiêu trung gian là một bước đi lớn nhằm khẳng định rằng những mục tiêu đó có thể đạt được. Người đặt mục tiêu có thể hình dung quá trình thực hiện mục tiêu như một hành trình, từ những tưởng tượng về chuyến đi, họ có thể đưa ra những dự đoán tương đối đầy đủ về quá trình đó. Một khi đã đặt mục tiêu và nỗ lực duy trì mục tiêu, một mục tiêu tưởng tượng có thể biến thành sự thật.

Hãy làm tất cả những điều nêu trên và bạn sẽ đạt được mục tiêu của mình.

Con đường dẫn đến thành công không phải lúc nào cũng được đánh dấu rõ ràng, mục tiêu thường bị sương mù che phủ. Đạt thành công cũng có nghĩa là chúng ta phải lựa chọn hướng đi mới cho đến khi mục tiêu trở nên rõ ràng. Khởi đầu chỉ với một khao khát mơ hồ, lộn xộn, cuối cũng Tom Hopkins cũng gặt hái được thành công to lớn: ông trở thành một trong những nhà kinh doanh hàng đầu, đồng thời là đào tạo viên kinh doanh đầu tiên giúp đỡ hơn ba triệu người khác nắm bắt các bí quyết để thành công.

KỸ NĂNG CẦN THIẾT NHẤT

TOM HOPKINS

Nhiều năm rồi mọi người cứ hỏi tôi rằng: “Bằng cách nào mà ông kết nối được tất cả những khao khát của mình lại và đạt được tất cả những thứ này?”. Tôi không nghĩ họ hỏi vậy chỉ vì tò mò vớ vẩn. Tôi tin rằng họ cũng có những lý do giống như tôi hồi 21 tuổi, chúng thôi thúc tôi nêu ra những câu hỏi tương tự với một vị giám đốc cực kì thành công, đó là khao khát chân thành học cách biến ước mơ trở thành sự thật của riêng tôi.

Mọi người đều có khả năng đạt được hầu hết mọi thứ. Đôi khi, vấn đề của chúng ta là thiếu những năng lực cơ bản bởi tất cả chúng ta đều dự trữ một nguồn năng lực chưa được khai thác vô cùng lớn, mà hầu như chúng ta luôn gặp vấn đề trong việc xác định thứ mình thực sự mong muốn. Trước khi chúng ta đi vào chi tiết, hãy để tôi xác định rõ từ “muốn” tôi dùng ở đây. Ở đây tôi không bàn tới những ước muốn thông thường, mà bàn về những mong muốn đã thực sự giày vò tôi.

Nhiều người nghĩ rằng mình chẳng có một mong muốn nào giày vò bản thân cả. Nếu bạn nghĩ vậy, bạn đã làm. Bạn có ước muốn. Nhưng chúng đang giam chân tại nơi bạn không với tới được. Một chút kiến thức và kinh nghiệm non nớt của bạn đã kìm hãm và chặn đường phát triển của chúng. Khi bị che đậy lâu, những ước muốn bị dồn nén lâu ngày dần biến thành những suy nghĩ tiêu cực, lòng đố kỵ và hận thù bùng lên. Dần dần, chúng “rò rỉ” ra ngoài dẫn đến những phản ứng mù quáng, nhưng bạn ngoan cố không chịu thay đổi bản thân và từ chối nỗ lực phấn đấu, ngay lập tức bạn khăng khăng rằng mọi vấn đề của bạn là do người khác gây ra. Thay vì cố gắng kìm nén ước muốn của mình, hãy học cách hiểu chúng. Kiến thức sẽ nảy sinh từ những hiểu biết đó và sẽ chỉ dẫn cho bạn cách sử dụng ước muốn đó để làm động lực thúc đẩy bạn đạt được những điều vĩ đại hơn. Nỗ lực phải xuất phát từ điểm đó, nếu không bạn sẽ không cố gắng được lâu.

Thường thì nỗi sợ thất bại khiến chúng ta kìm nén mong muốn của mình. Nhưng chính nỗi sợ cố gắng chứ không phải thất bại mới là điều tồi tệ nhất. Nếu bạn cố gắng, bạn có thể thành công; nếu bạn không cố gắng, bạn đã thất bại. Bạn đang phải chịu đựng nỗi sợ hãi này? Vậy thì, trước tiên hãy nghĩ rằng bạn đã thất bại, sau đó hãy tiến lên và dùng hết khả năng của mình để cố gắng.

Rất nhiều người trong số chúng ta đã sẵn sàng chấp nhận thất bại, nhưng chúng ta vẫn còn chưa cố gắng. Chúng ta chưa tìm thấy bất cứ lý do nào để cố gắng. Tại sao? Vì nếu chúng ta có thể thành công, chúng ta sẽ chẳng thấy gì thú vị hay vừa ý với thành công đó. Nếu đó là vấn đề của bạn, hãy chú ý xem xét: với bạn thế nào là thành công. Để tìm được câu trả lời bạn phải suy nghĩ rất nhiều. Hãy nâng cao tầm hiếu biết, mở rộng các mối quan hệ và tìm kiếm các hoạt động mới, và những phần thưởng bị lãng quên. Chúng có thể khiến thành công trở nên đáng giá hơn với bạn. Điểm mấu chốt ở đây là bạn phải tìm được động lực thúc đẩy tính cách độc nhất của bạn bộc lộ. Rất nhiều người trong chúng ta bị chính định kiến xã hội và những người xung quanh làm cho mù quáng, chúng ta chỉ quan tâm đến cái họ cho rằng chúng ta nên mong muốn chứ không chú ý lắng nghe tiếng nói của trái tìm mình. Nhận thức về cái tôi thực sự của bản thân phải được đặt ở hàng ưu tiên.

Nếu bạn thật sự muốn một cái gì đó, mong muốn đó sẽ tạo nên điều khác biệt trong cuộc sống của bạn. Bạn sẽ làm việc để thoả mãn mong muốn của mình. Bạn sẽ hi sinh mọi thú vui vì nó. Thậm chí bạn còn sẵn sàng thay đổi bản thân và rèn luyện mình trưởng thành hơn vì mong muốn đó. Trong thực tế, bạn sẽ từ từ thay đổi và trưởng thành để có thể đạt được cái bạn thật sự mong muốn. Nhưng bạn sẽ chẳng làm gì cả chỉ để thực hiện những ước muốn mơ hồ. Đó là lý do tại sao bạn phải viết những điều mà bạn cho là bạn muốn lên giấy. Sau đó, xem xét lại mục tiêu của mình, ghi chúng trên giấy trắng mực đen, và cam kết sẽ thực hiện chúng. Nhưng bạn không được làm thế này: sẽ chẳng có ích gì khi bạn viết hàng trang mục tiêu của bạn vào đâu đó, sau đó tiếp tục đi theo đường cũ như thể chẳng có chuyện gì xảy ra cả.

Hàng ngày, hãy nhìn vào từng mục tiêu. Suy nghĩ xem liệu bạn có đang thực hiện những việc cần làm hay không, liệu bạn có phải trả cái giá mà bạn đang phải trả hay không. ở thời điểm này, bạn không cần quan tâm đến chuyện liệu rằng bạn có đầy đủ tất cả năng lực và sáng kiến mà bạn phải có để đạt được mục tiêu của mình hay chưa, bạn có thể bồi đắp chúng trên đường thực hiện mục tiêu của mình. Nhưng bạn không thể khỏi đầu mà không có lòng khao khát. Bước đầu tiên là phải cam kết thực hiện các mục tiêu dưới dạng văn bản. Phần lớn mọi người trong cả cuộc đời mình trên hành trình đi tới thành công chưa từng thực hiện bước đầu tiên đơn giản này. Chỉ vì lý do này, họ sẽ không bao giờ tiến tới bước đi cuối cùng – bước đi mang đến cho họ những điều họ thực sự ước muốn.

Những người sống thờ ơ với bản thân thậm chí còn ít có khả năng thành công hơn so với những người thiếu năng lực. Trong những năm gần đây, chúng ta còn biết khá ít về những người không thể hiểu chính bản thân họ. Sự lẫn lộn cái mình mong muốn hay không biết mình muốn gì khiến cho hàng triệu người hoạt động kém hơn so với tiềm năng thực của họ và hiện tượng này thu hút sự quan tâm của các nhà phân tích tâm lý học. Một số người thực sự cần tới sự giúp đỡ chuyên môn trong lĩnh vực này. Hầu hết chúng ta sẽ làm việc tốt hơn khi chôn vùi quá khứ và tập trung vào xem xét điều chúng ta thật sự mong muốn cho tương lai.

Vì bạn chỉ có thể thoải mái sáng tạo hay trưởng thành hơn khi bạn đề ra cho mình một mục tiêu, bất cứ mục tiêu rõ ràng nào cũng được, còn tốt hơn việc không có mục tiêu nào. Có thể bạn sẽ phạm rất nhiều sai lầm trước khi phát hiện được hướng đi giúp bạn hạnh phúc trong suốt quãng đời còn lại. Điều đó thật tuyệt vời. Trong suốt thời gian dốc sức theo đuổi những mục tiêu đã được ghi ra giấy của mình, bạn sẽ nhanh chóng trưởng thành, và cũng thu được rất nhiều kinh nghiệm. Cố gắng trên sàn đấu giúp bạn học được nhiều điều hơn so với những người chỉ ngồi trên băng ghế và thờ ơ dõi theo trận đấu. Mỗi thời khác qua đi khi bạn phấn đấu hết mình để với tới mục tiêu đã đề ra, bạn ngày càng hiểu rõ khả năng tốt nhất của mình là gì, đâu là số phận tốt nhất của mình. Cho phép bản thân chôn vùi cuộc sống trong sự thờ ơ là tội ác lớn nhất – đó là tội ác chúng ta phạm phải khi chúng ta cố gắng vì những mục tiêu mình không thực sự mong muốn.

Bạn có thể đạt được hầu hết mục tiêu mà bạn đã có can đảm đặt ra. Nhưng thỉnh thoảng để thắp sáng con đường đi tới thành công, bạn phải trải qua một vài kinh nghiệm đau thương.

Tôi đã từng ở trong trường hợp đó. Khi tôi 17 tuổi, tôi đã làm tan nát trái tim ba tôi. Với số thu nhập ít ỏi của mình, ba đã dành dụm đủ tiền để cho tôi theo học tại trường đại học luật; 90 ngày sau tôi trở về nhà và nói với ba rằng tôi đã bỏ học – và đó cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy ba khóc. Đôi mắt nhỏ lệ, ba nói: “Con trai, ba sẽ luôn luôn yêu con ngay cả khi con không bao giờ đạt được cái gì”.

Đó là lời nói đầu tiên làm động lực thúc đẩy tôi phấn đấu.

Khi tôi bước ra khỏi căn phòng đó, lòng tôi cháy bừng một cảm xúc không phải ai cũng có cơ hội cảm thấy. Tôi không chỉ muốn thành công – mà còn phải thành công.

Nhưng tôi không biết làm sao để đạt được thành công. Tôi trở thành một chuyên viên sàn cẩu và khuân vác thép lên những đoạn đường dốc đang xây dựng trong 18 tháng – và trong suốt thời gian đó những lời của ba luôn gặm nhấm tâm can tôi. Tôi có một công việc kiếm ra tiền nhưng chẳng dẫn tôi đến đâu trừ tuổi già.

Tôi bắt đầu kinh doanh và cũng không còn được nhận lương. Tôi chẳng kiếm được gì vì tôi cũng chẳng biết chút gì về việc buôn bán. Sau đó, khi tôi đang thực hiện phi vụ làm ăn thứ ba, một người đàn ông đã tới và giới thiệu cho tôi về khoá đào tạo kinh doanh Edwards. Tôi tham dự khóa học, và khi khoá học kết thúc tôi đã nắm được tất cả phương pháp cần thiết. Tôi không mất nhiều thời gian để áp dụng chúng vào công việc kinh doanh của mình. Chẳng bao lâu sau, tôi bắt đầu được nếm hương vị ngọt ngào của thành công đầu tiên.

Một thời gian sau, tôi nói với ban quản lý của công ty nơi tôi làm việc rằng mong muốn của tôi là được gặp riêng ngài Edwards. Khi ngày đó đến, tôi nói với ông ấy rằng: “Ngài Edwards, mục tiêu của tôi là một ngày nào đó tôi có thể thay thế vị trí của ngài và một ngày nào đó có thể đào tạo mọi người tốt như ngài đã từng đào tạo tôi”.

Cuối cùng, tôi đã đạt được tất cả những điều đó vì tôi đã đặt ra mục tiêu để có thể thực hiện được chúng. Đặt ra mục tiêu là một yếu tố quan trọng. Bạn không thể thành đạt nếu bạn không đặt ra các mục tiêu để có thể giúp bạn vươn lên.

Hãy khởi đầu với những mục tiêu ngắn hạn. Mục tiêu đầu tiên của tôi trong kinh doanh là: đủ ăn và đủ mặc; sau đó tôi sẽ sắm một chiếc ô tô mới. Ô tô sẽ khiến mục tiêu đầu tiên thật tuyệt vời, nhưng đáng tiếc thay chúng thường biến thành mục tiêu cuối cùng. Cuộc sống còn nhiều thứ để quan tâm hơn là chỉ lượn lờ xung quanh với một chiếc xe đắt tiền. Rất nhiều các nhà kinh doanh bậc trung đã đặt ra vài mục tiêu vừa vừa và khi đạt được nó, họ cảm thấy thoả mãn với những gì mình có, và dần trở nên nhạt nhoà trong trạng thái đóng băng. Giống như những con gấu trong mùa đông, họ chỉ biết chui vào hang và sống nhờ lượng mỡ trên cơ thể mình. Một quán quân thực sự luôn đặt ra mục tiêu mới cho mình khi vừa đạt được mục tiêu cũ. Những mục tiêu đã đạt được cũng giống như tờ báo của ngày hôm qua: nó chỉ dùng để quấn quanh cái lồng chim.

Trích từ tác phẩm Để nắm vững nghệ thuật kinh doanh (How to master the art of selling) của Tom Hopkins.

Thường chính chúng ta lại là chướng ngại vật lớn nhất trên đường vươn tới thành công của mình. Tại sao có một số người tài năng đến vậy nhưng không bao giờ khơi dậy được tiềm năng lớn nhất của họ? Từ lâu, các nhà tâm lý học đã nhận thức rất rõ sức mạnh của tiềm thức. Sống giữa thế giới của thể thao và tâm lý học, Don Morgan đã nghiên cứu rất sâu mối quan hệ giữa việc đặt mục tiêu theo tiềm thức và đặt mục tiêu một cách tỉnh táo.

MỤC TIÊU TRONG TIỀM THỨC VÀ MỤC TIÊU THÔNG MINH

DON MORGAN

Những mục tiêu dài hạn dần dần sẽ in sâu vào tâm trí chúng ta, tại đây tiềm thức sẽ chịu trách nhiệm về chúng. Một khi các mục tiêu được xếp vào trong tiềm thức của chúng ta hay những dạng tương tự như vậy, theo thời gian chúng sẽ được biến thành thực tại. Đây là phát hiện của một nhóm các nhà phân tích mục tiêu khi họ xem xét mối quan hệ giữa mục tiêu và tiềm thức của con người, họ đang tìm kiếm một cách hệ thống các cơ hội để đưa chúng ta lại gần đích đến đã định rõ. Khi bàn về mục tiêu, các nhà phân tích này đã làm việc liên tục với chúng tôi để có thể tìm ra các cơ hội giúp chúng tôi lại gần mục tiêu đã đặt ra một cách hệ thống. Công việc thường được tiến hành hiệu quả nhất khi chúng tôi ngủ, các nhà phân tích đã tìm ra câu trả lời chính xác và đưa chúng vào trong ý thức của chúng tôi để sử dụng vào buổi sáng hôm sau.

Thỉnh thoảng, do hay quên hoặc bị choán bởi các hoạt động nghiên cứu khác, những nhà phân tích mục tiêu này cần phải được nhắc nhở về nhiệm vụ quan trọng. Ghi lại mục tiêu của chúng tôi hay là treo một bức tranh biểu tượng hoá mục tiêu đó lên tường là một cách nhắc nhở hình ảnh giúp các nhà phân tích tiềm thức của chúng tôi quay trở lại với công việc trong dự án quan trọng nhất của mình. Các nhà phân tích này hoạt động như một bánh lái tự động, hàng ngày chú ý theo dõi sửa chữa từng biểu hiện nhỏ của chúng tôi.

Với tất cả các hoạt động đó, chúng tôi có thêm nhiều kinh nghiệm và thực hiện phần việc của mình dễ dàng hơn. Sau một thời gian được luyện tập thường xuyên, việc đặt mục tiêu đã trở thành một phần cuộc sống thường ngày của chúng tôi. Để đạt được một mục tiêu mới bước đầu tiên bạn phải hình dung ra hoàn cảnh mới trong tương lai. Vì chúng ta không thể dự đoán chính xác tương lai, nên những hình ảnh chúng ta tưởng tượng có phần mơ hồ, không rõ ràng. Nhưng bằng cách tập trung vào xem xét những ý niệm lờ mờ về tương lai đáng ao ước đó, chúng ta có thể xác định một vài mục tiêu có giới hạn thời gian để theo đuổi tương lai đó; khi chúng ta làm được điều đó, những hình ảnh lờ mờ sẽ hiện lên rõ ràng. Chúng ta nên học cách cụ thể hóa mục tiêu của mình bằng một bức tranh vì hầu hết chúng ta đều suy nghĩ tốt nhất khi liên tưởng đến các hình ảnh. Một bức tranh sẽ giúp tiềm thức của chúng ta hoạt động và dẫn đường cho chúng ta tiến về phía trước.

Những mục tiêu “Thông Minh” là những mục tiêu phù hợp nhất. Đó là những mục tiêu được đưa ra sau khi bạn đã suy nghĩ kỹ lưỡng và tỉnh táo. Mục tiêu của bạn cần phải cụ thể, đo lường được, có thể đặt được, mang tính thực tế và có thời hạn hoàn thành cụ thể.

Nếu mục tiêu của bạn được miêu tả cụ thể và chi tiết thì trí óc của bạn có thể hình dung ra mục tiêu đó dễ dàng hơn. Để đánh giá được tiến trình hiện thực hoá mục tiêu và biết được khi nào bạn đạt được nó, mục tiêu của bạn cần phải đo lường được. Đặt ra những mục tiêu có thể đạt được sẽ khiến bạn có cảm giác triển vọng đạt được mục tiêu là rất lớn. Càng ngày bạn càng cảm thấy tự tin và quý trọng bản thân mình hơn nếu mục tiêu của bạn mang tính thực tế cao. Cuối cùng, bạn phải đưa ra một thời hạn cụ thể để hoàn thành mục tiêu bởi chẳng ai có thể làm việc hiệu quả nếu nhận thấy mình đang cố gắng vì một cái đích có vẻ như không bao giờ đến cả.

Khi thực hiện những mục tiêu Thông Minh, bạn sẽ không phải tìm kiếm thành công nữa mà nó sẽ tự tìm đến bạn. Hãy sẵn sàng. Bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trở ngại trên con đường hiện thực hóa mục tiêu, và trở ngại “khó nhằn” nhất có lẽ chính là bạn: bạn có thể trở thành chướng ngại vật lớn nhất trên đường đi tới thành công của mình. Bộ phim hoạt hình nổi tiếng Pogo có một câu rất hay: “Chúng tôi vừa gặp kẻ thù của mình và hắn chính là chúng tôi!”. Nếu chúng ta luôn sợ thất bại và trốn tránh trách nhiệm của mình, sự thiếu tự tin sẽ có cơ hội phát triển.

Mọi việc tiến triển như sau: Nếu tôi tuyên bố rằng mục tiêu của tôi là X, sau đó tôi cam kết trước mọi người hay ít nhất là với bản thân mình rằng tôi sẽ đạt được mục tiêu đã tuyên bố đó. Nếu tôi không đạt được mục tiêu của mình, ánh đèn thất bại sẽ rọi vào trí óc tôi, khiến cả tâm hồn tôi bị dằn vặt trong nỗi đau khổ vì thất bại.

Khi chúng ta thẳng thắn chấp nhận chịu trách nhiệm về mọi kết quả mình đạt được, việc đặt mục tiêu sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Từng giờ từng phút trôi qua, có hàng trăm triệu người đã đặt ra và đạt được những mục tiêu mới. Mỗi một phát minh, mỗi một tòa nhà, Hiến Pháp và Bản tuyên ngôn nhân quyền của chúng ta, hay bất cứ tài liệu của một công ty nào… cũng có giá trị hàng tỉ đô la, và hầu hết chúng được xây dựng, phát triển từ những ý tưởng của một ai đó khi chú ý xem xét, mường tượng ra một tương lai nhiều thay đổi. Khi tập trung vào những hình ảnh tưởng tượng, những ý tưởng mới có cơ hội nảy sinh, và những mục tiêu mới cũng xuất hiện.

Đặt mục tiêu một cách tỉnh táo sẽ tốt hơn nhiều so với việc chỉ hình dung và tưởng tượng. Khi trí óc tưởng tượng ra mục tiêu, chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ còn lại: áp dụng một phương pháp đúng đắn để hiện thực nó, bao gồm việc xác định lại rõ ràng những hình ảnh tưởng tượng và mục tiêu của mình, lên kế hoạch và nỗ lực hết mình. Quá trình đặt mục tiêu sẽ mang tới cho bạn cảm giác mình đang sống cuộc sống tương lai của mình. Tưởng tượng ra quá trình mình hoàn thành mục tiêu, và bằng cách thực hiện mọi việc như thế, bạn đã nắm tương lai trong tầm tay.

Để thực hiện mục tiêu yêu thích bạn sẽ dành hầu hết sự chú ý và sức lực của mình; bạn chỉ còn rất ít thời gian dành cho những hoạt động khác của cuộc sống. Khi cống hiến mọi niềm đam mê, lòng khao khát cho công việc, bạn làm việc chăm chỉ và tập trung hết sức để hoàn thành một mục tiêu rõ ràng. Bạn sẽ làm chủ được tương lai. Nhưng không loại trừ trường hợp bạn có thể gặp thất bại. Những mặt khác của cuộc sống sẽ phải chịu chung hậu quả. Vì vậy, bạn phải thừa nhận rằng tìm kiếm sự cân bằng giữa các mặt của cuộc sống là vô cùng quan trọng. Nhờ có sự cân bằng này, không chỉ viễn cảnh tương lai cho dự án của bạn tươi đẹp hơn mà bạn còn có thể nghỉ ngơi mỗi khi gặp khó khăn trong công việc.

Không phải tất cả những người có vấn đề về tinh thần hay thể chất đều gặp thất bại. Những người khuyết tật thành công bằng cách tập trung vào việc đặt ra và thực hiện lần lượt từng mục tiêu nhỏ. Chúng ta có thể học được bài học quan trọng nhất từ họ, đó là: đi từ từ, từng bước nhỏ một. Bobbi Kahler đã biến sự ốm yếu, tàn tật của mình thành động lực đưa bà tới thành công: hiện bà là một huấn luyện viên, một tác giả, một cố vấn nổi tiếng.

KHÔNG BAO GIỜ CHO PHÉP NGƯỜI KHÁC QUYẾT ĐỊNH CUỘC ĐỜI BẠN

BOBBI KAHLER

Lúc tôi 6 tuổi, các thầy giáo ở ngôi trường nhỏ thuộc vùng nông thôn Illinois mà tôi theo học đã sắp xếp cho tôi một buổi gặp gỡ với chuyên gia ngôn ngữ nhằm đánh giá khả năng phát âm của tôi và cũng để nói với chúng tôi điều mà mọi người đã biết từ lâu: chẳng ai có thể hiểu nổi một từ mà tôi nói. Điều đó khiến mọi người đặc biệt chú ý đến tôi nhưng tôi thì chẳng cảm thấy đặc biệt tí nào.

Đến ngày đánh giá, tôi gắng hết sức mình để hoàn thành bài kiểm tra. Tôi đánh vần hết bảng chữ cái, kể lại câu chuyện Lời thề Trung thành (The Pledge of Allegiance), và hát bài Ngọn cờ dát sao (The Star-Spangled Banner). Một loạt biểu hiện của các chuyên gia ngôn ngữ: từ sửng sốt và ngạc nhiên đến kinh hoàng, báo hiệu rằng tôi làm bài không tốt lắm. Điều đó khiến tôi còn mất bình tĩnh hơn nữa. Bài kiểm tra của tôi thì tồi tệ hơn bao giờ hết. Tôi đi bộ về nhà với cảm giác trống rỗng, thế giới như sụp đổ dưới chân tôi.

Về đến nhà, tôi còn khó chịu hơn khi không thể giải thích cho mẹ hiểu vấn đề của mình. Tôi phải viện đến cả giấy ghi chép và ký hiệu tay để kể cho mẹ về những gì xảy ra ở trường. Bỗng nhiên, tiếng chuông điện thoại reo vang. Đó chính là ông ta.

Khi chuyên gia về phát âm thông báo tình hình của tôi với mẹ, tôi chỉ có thể nghe được những lời mẹ nói: “Ồ, điều đó thật đáng lo lắng… Vâng, thế thì đáng báo động… Chúng tôi ý thức được rằng có một vài vấn đề cần xem xét…”. Khoảng 15 phút sau, mẹ tôi nói: “Điều đó thật sự là không thể tin được, vì hôm nay khi Bobby đi học, nó là con gái”. Rõ ràng, rằng ông ta nhắc đến tôi như là “Bobby, cậu nhóc” mặc dầu hôm nay tôi đã mặc váy và thắt hai bím tóc rõ đẹp. Thực ra, việc ông ta không nhớ nổi tôi là con gái cũng chẳng khiến cho lòng tự trọng của tôi tăng lên.

Khi cuộc nói chuyện kết thúc, mẹ tôi thuật lại ý chính. Chuyên gia thông báo rằng tôi không thể phát âm đến gần 18 âm, thường xuyên nói lắp, và líu nhíu. Vấn đề của tôi vô cùng nghiêm trọng và ông chẳng thể làm gì để giúp tôi. Ông còn nói thêm tôi sẽ phải chịu khuyết tật suốt đời.

Tôi đứng như trời trồng giữa bếp, nhìn chằm chằm xuống sàn nhà lát đá xanh. Tôi cảm thấy vô cùng tuyệt vọng. Trong tâm trí non nớt của một cố bé 6 tuổi lúc đó: tôi thật sự là đồ bỏ đi.

Mẹ bước lại gần và ngồi thấp xuống trước mặt tôi. Mẹ nhẹ nhàng đặt tay lên vai tôi và lắc nhẹ khiến tôi phải ngước mắt lên nhìn. Khá chậm rãi nhưng kiên quyết, mẹ nói: “Chúng ta không việc gì phải nghe lời ông ta cả. Đừng bao giờ để người khác nói với con về điều con có thể làm và không thể làm”.

Câu nói đó là lời khuyên tuyệt vời nhất mà tôi từng nhận được. Bạn không thể đoán được cuộc sống của tôi sẽ khác thế nào nếu mẹ tôi cũng đồng tình với tất cả những nhận xét của chuyên gia đó, lắc đầu và tuyệt vọng vì không thể chữa trị cho tôi nữa. Thay vào đó, mẹ đã dạy tôi cách tận dụng nghịch cảnh như một nguồn nhiên liệu tiếp sức cho tôi vươn lên. Những khó khăn, trở ngại mà chúng tôi gặp lại trở thành động lực lớn nhất cho chúng tôi tiến lên phía trước. Không ngày nào qua đi mà tôi không nhớ tới những lời mẹ nói ngày hôm đó với lòng biết ơn vô hạn.

Tôi phải mất tới vài năm để có thể vượt qua trở ngại và nói năng rõ ràng. Khi học hết năm nhất ở trường trung học, tôi cảm thấy rằng mọi người không còn nhìn tôi chằm chằm với ánh mắt ghê sợ mỗi khi tôi nói nữa. Trong suốt những năm học cấp ba, tôi tự ép mình tham gia vào các cuộc diễn thuyết và tranh luận vì tôi nghĩ rằng những lần tham gia đó sẽ giúp tôi trở thành một nhà hùng biện giỏi và vượt qua nỗi sợ hãi tôi gặp phải mỗi khi nói chuyện với mọi người. Điều đó dằn vặt tôi rất nhiều. Tôi đã vô cùng bối rối và lóng ngóng. Tôi luyện tập mỗi ngày để có thể phát âm chính xác mọi từ. Cuối cùng, tôi đã tiến bộ, thậm chí tôi còn chiến thắng trong một vài cuộc thi. Tuy nhiên, kể cả khi giành chiến thắng tôi cũng không cảm thấy mình là một nhà hùng biện giỏi vì tôi đã phải làm việc vô cùng chăm chỉ để có được điều đó. Có lẽ do luôn sợ hãi rằng tôi chưa giải quyết được tận gốc vấn đề mà chỉ tạm thời giấu chúng đi thôi. Trong tâm trí tôi luôn vang lên một giọng nói nhỏ nhưng vang vọng, chúng la hét chê bai sự yếu kém của tôi.

Tôi tin rằng cách chúng ta đối mặt với trở ngại luôn nằm trong tâm trí chúng ta. Liệu trở ngại đó sẽ đánh bại chúng ta? Liệu chúng ta có vượt qua được trở ngại đó? Tin tưởng vào kết quả đạt được sẽ quyết định những gì chúng ta đạt được. Vấn đề của tôi là, bất chấp những chiến thắng tôi giành được trong các cuộc tranh luận ở trường trung học hay những thành công sau này của tôi ở trường đại học, tôi đã không còn tin tưởng vào bản thản mình. Nhưng chắc chắn là tôi đã không cho phép ai đó hạn định thành công của mình – tôi cũng không cần điều đó. Tôi đã đạt được mọi thứ bằng khả năng của mình.

Vì bố mẹ tôi không đánh giá cao trường đại học nên khi còn đi học tôi đã đi làm cho một hãng luật. Sau khi tốt nghiệp, tôi tiếp tục làm ở hãng luật đó và quản lý các chương trình đào tạo và phát triển của họ. Không lâu sau tôi cảm thấy không bằng lòng với công việc hiện tại và cả gan bỏ việc để xây dựng một công ty đào tạo và phát triển của riêng mình. Đến lúc đó, tôi vẫn bị ám ảnh bởi sự thiếu tự tin của bản thân, tôi luôn tự hỏi: Tôi đã được hưởng thành công chưa? Tôi phải là người thế nào thì mới được gọi là người thành công.

Suy nghĩ của tôi đã thay đổi khi tôi có cơ hội gập gỡ Roger Anthony khi ông tới phát biểu tại một hội nghị. Tôi nói với ông rằng tôi rất ngưỡng mộ công việc của ông và muốn trở thành một nhà hùng biện như ông. Trong nhiều năm, tôi chịu trách nhiệm phát triển và cung cấp các chương trình đào tạo cho công ty nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ về mình với tư cách là một diễn giả (tôi đoán rằng tôi từng nghĩ mình đang sử dụng một con rối sau lưng, chứ không phải tôi). Ông đã nói với tôi rằng: “Có vẻ như cô đã là một diễn giả rồi nhưng trong tâm trí của cô, cô chỉ chưa chấp nhận điều đó thôi”. Tất nhiên, ông ấy đã đúng. Chúng ta từng nghe câu này trước đó, đó là bạn phải “xác định nó để khẳng định nó”. Tôi thì cho rằng câu này hay hơn: “Khi bạn đã định rõ được điều gì đó, bạn phải khẳng định nó”. Sau đó, tôi liên lạc với Hiệp hội diễn giả Quốc gia và nộp đơn đăng ký làm thành viên của hội. Và tôi đã rất hân hoan, sung sướng khi được chấp nhận trở thành thành viên chính thức của hội. Khi tôi chấp nhận điều đó, mọi suy nghĩ của tôi về bản thân mình đều thay đổi.

Tôi đã trở thành diễn giả và đào tạo viên chuyên nghiệp hơn mười năm qua trong lĩnh vực luật và kinh doanh. Tôi là giám đốc đào tạo và phát triển của công ty marketing (Mạng lưới kinh doanh Quốc tế – BNI) ở Oregon và phía Tây Nam Washington, và là một đào tạo viên được cấp phép hoạt động của Chương trinh đào tạo qua mạng có cấp chứng chỉ. Tôi đã đào tạo hàng trăm chuyên viên nhà nghề và các doanh nhân nắm được nghệ thuật sử dụng sức mạnh của ngôn ngữ và làm việc nhóm hiệu quả. Tôi là tác giả của cuốn sách Hãy làm doanh nghiệp của bạn nổi bật (Bring Your Business into Focus) và tôi đang viết cuốn sách tiếp theo Vâng, tôi có thể làm được điều đó! Lời khuyên cho các doanh nhân để có thể theo đuổi ước mơ của mình (Yes, I Can Do That! The Entrepreneur’s Guide to Pursuing Your Passion), cuốn sách này được ông Barry Spilchuk – đồng tác giả cuốn Hạt giống tâm hồn (A Cup of Chicken Soup for the Soul) rất ủng hộ.

Tôi không bao giờ quên được những trớ trêu, khó khăn tôi gặp trong suốt sự nghiệp của mình. Từ một cô gái bé nhỏ khó có thể thốt ra một lời dễ nghe, dễ hiểu, tôi đã trở thành một phụ nữ sống bằng “diễn thuyết”. Và mặc dù mất khá nhiều năm để đạt được điều đó, luyện tập vô cùng gian khổ và kiên nhẫn, nhưng tôi chưa từng nghĩ rằng tôi không thể nói, diễn thuyết tốt như bất cứ người nào khác. Tôi không nói rằng chưa bao giờ tôi thấy nản lòng. Nhưng tôi không bao giờ có ý nghĩ sẽ từ bỏ và chìm đắm trong nỗi tuyệt vọng. Tôi biết rằng tôi có thể vượt qua nó từ từ, từng bước một. Tôi vẫn luôn vận dụng bài học mẹ dạy trong căn bếp từ nhiều năm trước đó và tôi không bao giờ cho phép bất cứ ai quyết định cuộc đời tôi. Con đường đi đến thành công nằm trong tay bạn!

David Lega mới 29 tuổi. Khi nói chuyện với chúng tôi, ở anh toát lên sự khôn ngoan của một người đàn ông lớn tuổi nhưng cũng không che giấu nổi vẻ tò mò của một đứa trẻ với cuộc sống. Đây là câu chuyện về một chàng trai còn rất trẻ nhưng đã phải đối mặt với những khó khăn của riêng mình và anh cũng là người chỉ cho chúng ta thấy rằng có những điều không thể chỉ tồn tại trong suy nghĩ của con người. Gunnar Selheden, chuyên gia về marketing đồng thời là một doanh nhân, đã kể câu chuyện này như một món quà gửi đến những ai cho rằng mình, sẽ phải đối mặt với khó khăn và thách thức. Gunnar, cùng với họ và gia đình thích dùng thời gian để phát triển mọi mặt đời sống của mình qua việc kết hợp giữa những chuyến du ngoạn trên thuyền, công việc kinh doanh và cuộc sống gia đình.

“NẾU TÔI CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC ĐIỀU ĐÓ, BẠN CŨNG CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC!”

GUNNAR SELHEDEN

David Lega sinh năm 1973 – bị liệt hoàn toàn. Sau vài tháng theo dõi, các bác sĩ chẩn đoán rằng cậu bé không thể giao tiếp với thế giới bên ngoài được nữa. Nhưng David bé nhỏ thật sự là một chiến binh và cậu bé quyết tâm chứng minh rằng các bác sĩ đã lầm. Bố mẹ David thấy cậu bé nhúc nhắc đầu lần đầu tiên khi cậu bé 6 tháng tuổi, và khi cậu bé được hai tuổi rưỡi, cậu đã có thể nâng cao đầu mà không cần ai giúp đỡ. Vào khoảng 6 tuổi, David đã tự xoay xở tập nằm xuống rồi ngồi dậy thẳng lưng lần đầu tiên bằng cách lúc lắc người về phía trước và phía sau.

Hiện giờ, David Lega có thể sống một mình trong căn hộ hiện đại ở trung tâm Goteborg trên bờ biển phía Tây Thuỵ Điển. Tay của anh vẫn còn bị liệt nhưng đã hồi phục được 30% chức năng của chân.

Lega là một trong những người may mắn. Anh thuộc vào thế hệ trẻ em Thuỵ Điển khuyết tật đầu tiên được áp dụng những phương pháp điều trị và luyện tập đúng đắn. Từ những ngày đầu hoà nhập tại trường bình thường, Lega đã luôn được thầy cô giáo ủng hộ, giúp đỡ, đồng thời đặt ra những yêu cầu đòi hỏi anh phải hoàn thành. Lega kể lại:

“Tôi được mọi người xung quanh đề nghị, yêu cầu tôi làm gì đó nhưng cũng luôn tán dương mỗi khi tôi làm tốt. Nhận được lời khen ngợi cho tiến bộ mình đạt được là một liều thuốc tốt giúp củng cố lòng tự tin của bản thân. Điều đó cùng giúp bạn nâng cao lòng tự trọng và mong muốn duy trì sự tiến bộ đó. Rất ít người gặp phải thất bại liên tiếp như tôi. Nhưng sau mỗi lần thất bại, tôi lại tiến gần hơn đến thành công”.

Khi Lega còn là một đứa trẻ, bố anh thường đặt anh trên một cái ghế và đẩy anh khỏi ghế để Lega có thể học được phản xạ nâng đầu lên trước khi chạm mặt sàn. Không quan tâm đến thời gian, chỉ khi nào Lega tự trèo lên ghế ngồi thì bữa tối mới được dọn. Ở trường học, cô giáo không ngần ngại nói thẳng rằng bài viết của cậu thật tồi tệ mặc dù cô biết cậu bé – bởi cây bút ngậm trên miệng – sẽ phải mất ít nhất 40 phút để có thể viết lại bài đó. Mặc dù gặp nhiều thất bại, nhưng Lega vẫn quyết tâm cố gắng, Lega không chấp nhận những thiếu sót của mình, cậu luôn đòi hỏi yêu cầu mình phải phấn đấu hết mình, chính điều đó đã giúp cậu liên tục tiến bộ và mang tới cho cậu những điều tốt đẹp nhất.

Khi Lega được 6 tuổi, cậu được chơi thể thao với tác dụng như vật lý trị liệu. Chơi Bocce[5] là lựa chọn đúng đắn cho một cậu bé mới học nằm xuống rồi ngồi dậy thẳng lưng như cậu. Thú vui tiếp theo của cậu là chơi súng hơi được gắn vào một cây gậy, Lega đã mất hàng giờ để chơi với khẩu súng này và cũng là để rèn luyện trạng thái cân bằng. Cậu kéo cò súng bằng lưỡi của mình. Mỗi lần thành công sau khi cố gắng chơi một trò mới, Lega như được tiếp thêm sức mạnh và can đảm để đối đầu với thách thức mới.

Từ được giúp đỡ để phục hồi sức khỏe đến chức vô địch thế giới

Mùa hè năm 1986, giải cúp thế giới dành cho vận động viên bơi lội khuyết tật đã được tổ chức tại Goteborg[6]. Trong số 30 khán giả, có cậu bé David Lega 12 tuổi và một số bạn bè khuyết tật của cậu. Sau khi hoàn thành đường đua của mình, vận động viên bơi lội người Anh – Peter Hull đã ra chơi với lũ trẻ và cho chúng xem tất cả huân chương mà ông đạt được. Lega nhớ lại: “Tôi vừa nhìn cơ thể không chân, không tay của Peter vừa lắng nghe ông nói: ‘Nếu chú có thể làm được điều này, các cháu cũng có thể làm được!’”. Khi bạn nhìn vào ai đó còn thê thảm hơn bạn gấp mười lần nhưng lại làm mọi việc tốt hơn bạn gấp mười lần, bạn sẽ chẳng còn lý do gì biện hộ cho sự kém cỏi của mình nữa. Tôi không thể cho phép câu nói: “Nói thì dễ hơn làm nhiều” có cơ hội trở thành hiện thực. Khoảng thời gian ngắn ngủi ở bên Peter Hull đã đánh dấu bước khởi đầu cho sự nghiệp vận động viên bơi lội 16 năm qua của tôi.

Vào thời điểm đó, Lega vẫn còn cần được giúp đỡ để phục hồi sức khỏe, vì vậy cậu phải mất tới 6 tháng sau đó để học bơi; như những thách thức trước đó, cậu cũng cống hiến hết mình để vượt qua thách thức mới này. Lega nhớ lại: “Trong suốt giai đoạn này, tôi phá được rất nhiều kỷ lục của cá nhân mình, và lần nào cũng vậy tôi cảm thấy vô cùng vui sướng, tôi đã chiến thắng chính bản thân mình!”. Những người hay đua tranh với người khác có thể gặp rất nhiều thất bại. Điều đó thường giết chết lòng nhiệt tình, hăng hái của một sinh viên, vận động viên hay doanh nhân trẻ tuổi. Nhưng khi bạn chỉ chú ý đến sự tiến bộ của riêng bạn – hôm nay tôi đã làm một điều gì đó tốt hơn tuần trước. Điều này sẽ giúp công việc của bạn trên đường tiến triển tốt hơn.

Mười sáu năm qua David Lega liên tục rèn luyện để có thể trở thành vận động viên bơi lội tàn tật xuất sắc. Từ năm 1993 đến năm 2000, anh trở thành tuyển thủ của đội tuyển quốc gia Thuỵ Điển. Ngày nay, anh đã có thể nghỉ ngơi và xem lại tất cả những thành tích anh từng đạt được: rất nhiều huy chương giành được trong các giải vô địch châu Âu và thế giới từ cuối những năm 1990. Hiện anh vẫn giữ kỷ lục thế giới ở đường bơi 7 lượt bể[7] (hạng S1). Trong Thế vận hội dành cho người khuyết tật tổ chức ở Atlanta, anh đã được trao tặng Giải thưởng Whang Youn Dai (Thắng lợi vẻ mặt tinh thần) cho vận động viên nam có thành tích xuất sắc nhất.

Lega phát biểu: “Tôi đã nhận được rất nhiều thứ từ rất nhiều người. Giờ là lúc tôi trả ơn mọi người. Cuộc đua mà tôi tham gia ở Sydney năm 2000 vừa qua cũng chính là cuộc đua của cuộc đời tôi. Trong lòng tôi hiểu rõ rằng sự nghiệp của tôi đã đạt tới đỉnh cao, và đây cũng là lúc tôi phải tiến lên. Ý thức được rằng mình có thể tiến bộ, phát triển chính là động lực thúc đẩy tôi làm mọi thứ tôi từng làm. Nếu tôi ngừng tiến bộ, phát triển, tôi sẽ đánh mất động lực của chính mình”.

Vòng quay cuộc đời

Lega đã tự xây dựng triết lý sống cho riêng mình, và một phương pháp để đạt được những mục tiêu mới. Bản chất của triết lý sống của anh đó là mỗi phần của cuộc sống chính là một cái nan hoa của vòng quay cuộc đời mỗi người. Lega từng nói: “Tôi nghĩ rằng mọi người cần phải đạt tiến bộ trong nhiều lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực cơ bản mà họ có khả năng hay đã bộc lộ. Nếu bạn làm được như vậy, bạn sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn và tiến xa hơn. Hãy tập trung vào tìm kiếm những lĩnh vực quan trọng với bạn”.

Dưới đây là danh sách những lĩnh vực quan trọng với Lega:

  • Thể thao: cả luyện tập và thi đấu.
  • Học tập và vào đại học.
  • Công việc: xây dựng một chiến lược để kiếm được việc làm bạn mong muốn.
  • Gia đình và bè bạn.
  • Các tổ chức.
  • Sở thích và thời gian giải trí.
  • Giải quyết những bất lợi.

Luật sư và nhà diễn thuyết

Sự nghiệp thể thao của David Lega có thể đã chấm dứt, nhưng bằng cách chia sẻ triết lý sống của bản thân với mọi người qua những buổi nói chuyện được yêu thích rộng rãi trên toàn thế giới của mình, anh vẫn tiếp tục khuyến khích những người xung quanh mình phấn đấu. Anh là một thành viên của Uỷ ban Thế vận hội dành cho người khuyết tật và chịu trách nhiệm tổ chức những buổi nói chuyện và hội thảo chuyên đề dành cho các vận động viên chuẩn bị tham gia đội tuyển Olympic Thụy Điển. Luôn luôn thi đấu, anh coi những buổi diễn thuyết của mình là một cuộc thi đấu và những đánh giá anh nhận được là kết quả cuộc thi. Được đề cử giải “Nhà diễn thuyết xuất sắc nhất” của năm 2001 và 2002 là một huân chương lớn mà anh rất vinh hạnh được nhận.

Lega kể rằng: “Tôi có phụ tá riêng luôn ở bên tôi 24 giờ mỗi ngày, nhờ đó tôi có thể tập trung vào công việc của mình, điều đó giúp tôi trở thành một phần hữu ích của xã hội. Tôi có thể tự mặc quần vào mỗi sáng, nhưng tôi sẽ mất gần 15 phút để làm việc đó. Tôi thà dành số thời gian đó để phục vụ mọi người, bạn bè và xã hội còn hơn”.

Từ năm 2001, anh bắt đầu điều hành Quỹ tài trợ David Lega, hiện giờ quỹ đã phát triển thành một chương trình viện trợ nhân đạo lớn dành cho trẻ em khuyết tật ở Albania. Và, cứ như thể là mình chưa đủ bận, Lega còn đi học và vào mùa xuân này anh sẽ trở thành luật sư sau khi tốt nghiệp trường Đại học Goteborg. Mục tiêu của anh không phải là trở thành luật gia mà mong muốn trở thành nguồn cảm hứng cho những ai ở vào hoàn cảnh tương tự như anh phấn đấu thực hiện ước mơ học tập lên cao của mình.

Tàn tật khiến Lega phải đối mặt với rất nhiều trở ngại, nhưng qua những lần cố gắng vượt khó đó anh đã phát hiện thêm nhiều khả năng của chính bản thân mà anh chưa từng tưởng tượng thấy. Trên chặng đường phấn đấu của mình, Lega đã định nghĩa lại khái niệm thành công: “Khi tôi 6 tuổi, tôi đã có thể tự mình tập nằm xuống rồi ngồi dậy thẳng lưng. Khi tôi là một vận động viên bơi lội tích cực, tôi được nhận phần thưởng là một tấm huy chương vàng. Trong cả hai trường hợp đó tôi đã làm được những thứ mà tôi chưa từng làm được trước đó – đó chính là thành công! Còn có hàng triệu thứ mà tôi sẽ không bao giờ có thể làm được. Vì vậy tôi chỉ tập trung vào những thứ tôi thực sự có khả năng. Mỗi người đều có thể rất giỏi về một cái gì đó – họ chỉ cần tìm hiểu xem đó là cái gì!”

MỘT SỐ SỰ KIỆN THỂ THAO LIÊN QUAN ĐẾN DAVID LEGA

  • 14 lần phá kỷ lục thế giới bộ môn bơi lội (hạng S1).
  • Hiện đang giữ kỉ lục của Thuỵ Điển ở đường bơi 11 lượt bể (hạng S1).
  • Được bầu chọn là thành viên Uỷ ban Thế vận hội dành cho người khuyết tật, năm 2000.
  • Giành được 1 huy chương vàng, 3 bạc, 1 đồng trong Giải vô địch châu Âu tổ chức tại Đức năm 1999.
  • Giành được 3 huy chương vàng, 2 bạc trong Giải vô địch thế giới tổ chức tại New Zealand năm 1998.
  • Giành được 1 huy chương vàng và 3 bạc trong Giải vô địch châu Âu tổ chức tại Tây Ban Nha năm 1997.
  • Giành được Giải thưởng Whang Youn Dai (Thắng lợi về mặt tinh thần) tại Atlanta năm 1996.

NHỮNG THÀNH TÍCH KHÁC

  • Năm 2002, được bầu vào Uỷ ban Đạo đức của Hội đồng Khoa học Thụy Điển.
  • Năm 2001, được trao Huy chương của Hoàng gia Thuỵ Điển, số 8 với ruy băng màu xanh.
  • Năm 2000, được bầu vào Viện Điền kinh Thuỵ Điển.

Lần cuối cùng bạn cố gắng động viên, khuyến khích một ai đó là khi nào? Bạn có thể phát hiện ra rằng mọi người xử lý mọi việc thật là khéo léo, tài tình khi họ không muốn làm những điều bạn muốn họ làm. Tiến sĩ Wayne Dyer, thường được nhắc đến với cái tên “cha đẻ của sự động viên, khuyến khích” đã viết một cuốn sách được nhiều người yêu thích và phát hành băng đĩa với cùng chủ đề đó, đồng thời ông cũng xuất hiện trên hàng ngàn chương trình ti vi và phát thanh.

Bí MẬT ĐỂ THÀNH CÔNG VÀ GIỮ TÂM HỒN THANH THẢN

DR. WAYNE W. DYER

Hãy đối xử với bản thân như thể bạn đúng là người mình mơ ước.

Bất cứ điều gì bạn hình dung về bản thân mình – dù hiện giờ điều đó có xa vời và bất khả thi đến mức nào – thì tôi cũng khuyến khích bạn hãy bắt đầu hành động như thể những điều bạn tưởng tượng đã trở thành hiện thực. Đây là một cách tuyệt vời giúp bạn có thêm động lực hành động nhằm biến giấc mơ thành hiện thực. Để có thể kích hoạt năng lượng sáng tạo còn ngủ yên trong con người mình, bạn cần phải đi tới một thế giới vô hình, thế giới vượt xa khỏi thế giới cảm xúc của bạn. Bạn có thể tưởng tượng ra thế giới đó theo cách này: ở dạng cảm xúc thông thường, bạn chỉ nhận được thông tin. Khi thông tin in sâu vào ý nghĩ của bạn, bạn nhận được nguồn cảm hứng sáng tạo. Đó là thế giới của cảm hứng sáng tạo, thế giới đó sẽ dẫn bạn đến với tất cả những điều bạn mong ước có trong cuộc đời.

Sáng tạo có nghĩa là gì

Một số lời khuyên ý nghĩa nhất mà tôi từng được đọc đó là lời khuyên của một thầy giáo thời cổ đại có tên là Patajanli từ cách đây 2000 năm. Ông chỉ dẫn cho những người ngưỡng mộ mình cách để trở nên sáng tạo. Bạn có thể nhớ lại rằng từ truyền cảm hứng sáng tạo là kết hợp của hai từ trong và tinh thần. Patanjali cho rằng để phát triển năng lực sáng tạo cần có một tinh thần dám vượt qua tất cả trở ngại, giới hạn; một suy nghĩ dám phá bỏ những mối ràng buộc; và sự tỉnh táo cần thiết để xem xét mọi vấn đề. Dưới đây là một vài cách bạn phát triển năng lực sáng tạo của mình.

Hãy hướng suy nghĩ của mình đến hình ảnh mình mơ ước – một hoạ sĩ, một nhạc sĩ, một lập trình viên máy tính, một nha sĩ, hay bất cứ công việc nào bạn mong muốn được làm. Trong suy nghĩ của mình, hãy hình dung ra những kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc yêu thích đó. Không còn nghi ngờ gì nữa, việc này chỉ đòi hỏi sự hiểu biết của cá nhân bạn. Sau đó, hãy hành động như thể suy nghĩ đó đã trở thành hiện thực. Bằng sức tưởng tượng của mình, hãy hình dung là một hoạ sĩ mình sẽ phải làm gì: bạn sẽ vẽ, đi thăm bảo tàng nghệ thuật, nói chuyện với các nghệ sĩ nổi tiếng và đắm mình trong thế giới của nghệ thuật. Nói cách khác, bạn bắt đầu hành động như một hoạ sĩ trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Bằng cách này, bạn đã thoát khỏi con người của mình và chịu trách nhiệm về số phận của chính bạn, đồng thời bạn cũng trau dồi thêm sức sáng tạo của bản thân.

Bạn càng coi mình giống với thần tượng bao nhiêu, năng lực sáng tạo của bạn càng phát triển bấy nhiêu. Năng lượng ngủ yên mà Pataniali từng mô tả đã được đánh thức và bạn phát hiện ra rằng thậm chí mình còn tuyệt vời hơn so với những gì bạn từng mơ ước về bản thân. Hãy hình dung thế này: năng lượng ngủ yên đó đã chết hoặc không tồn tại, bỗng nhiên nó xuất hiện trong bạn và kết hợp với bạn chỉ vì khả năng tưởng tượng của bạn tăng lên và bạn hành động như thể những điều bạn muốn đều đã có cả.

Khi có đủ can đảm để tự nhủ với bản thân mình rằng bạn đang ở đúng vị trí mình mong muốn, bạn sẽ ép mình hành động theo một kiểu mới, đầy say mê và sáng tạo. Bạn cũng có thể áp dụng nguyên tắc này vào những lĩnh vực khác ngoài thiên hướng lựa chọn của bạn. Nếu bạn đang sống hơi khó khăn, chật vật; bạn không có nhiều điều tốt đẹp như những người khác, có thể đây là lúc bạn phải thay đổi suy nghĩ của mình và hành động như thể tất cả những thứ bạn mong muốn hiện đã có đủ.

Hãy hình dung ra hình ảnh chiếc xe mơ ước của bạn và dán một bức tranh có hình chiếc xe đó lên cửa phòng ngủ của mình, hay lên cánh cửa tủ lạnh cũng được, đồng thời dán một bức nữa lên mặt đồng hồ của chiếc xe ô tô bạn đang lái! Hãy đi dự một triển làm ô tô nào đó, sau đó ngồi trong chiếc xe của bạn, và ghi nhớ những hình ảnh của chiếc xe ô tô mới và đẹp tuyệt vời vừa xem. Lướt bàn tay dọc theo ghế xe, và cầm lấy vôlăng. Dạo quanh chiếc xe của bạn, thưởng thức từng đường nét của nó. Lấy xe của bạn đi lái thử một vòng, và hãy tưởng tượng rằng bạn thật sự sung sướng khi được lái chiếc xe đó, bạn bị thu hút bởi vẻ đẹp của nó và nó đang dần trở thành một phần cuộc sống của bạn. Dù gì đi chăng nữa, đó cũng là ô-tô của bạn. Hãy nói với mọi người về tình yêu của bạn dành cho chiếc xe. Đọc các thông tin liên quan đến nó. Đưa lên màn hình máy tính hình ảnh chiếc xe của bạn để bạn có thể chiêm ngưỡng nó mỗi khi sử dụng máy tính.

Tất cả những điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn với bạn, nhưng khi trí tưởng tượng của bạn tăng lên, và bạn hành động như thể mình đã có tất cả những điều mong ước thì bạn có thể kích hoạt năng lượng ngủ yên đó, năng lượng này sẽ kết hợp với bạn để biến mơ ước của bạn thành hiện thực.

Hãy sáng tạo ở mọi nơi

Thường xuyên cư xử theo cách trên có thể biến sáng tạo trở thành thói quen trong cuộc sống của bạn. Xử sự như vậy chẳng có gì là lừa dối, kiêu ngạo và cũng không làm ảnh hưởng tới người khác. Nó chỉ là một thoả thuận ngầm giữa bạn và Chúa rằng bạn sẽ rất thận trọng và khéo léo khi kết hợp với nguồn năng lượng mà vũ trụ ban cho đó để có thể biến giấc mơ của mình thành hiện thực. Điều này đòi hỏi bạn phải hiểu rằng thành công và thanh thản tâm hồn không phải là đặc quyền của bạn; bạn chỉ là một con chiên của Chúa; và theo đúng nghĩa thì bạn có quyền được hưởng một cuộc sống vui vẻ, được thương yêu và hạnh phúc.

Còn đối với các mối quan hệ của bạn: với người yêu, đồng nghiệp, gia đình; bạn hãy hành động như thể các mối quan hệ đó đã được như những điều bạn mong muốn. Nếu bạn muốn có cảm giác hòa thuận ở nơi làm việc, hãy luôn luôn hi vọng và tưởng tượng về sự hoà thuận đó. Sau đó, mỗi ngày đi làm hãy tưởng tượng rằng 5h chiều hôm nay khi mọi người đi làm về tất cả đều cảm thấy vui vẻ và thoải mái, mặc dù lúc đó mới chỉ là 7h30 sáng. Mỗi khi bạn gặp rắc rối với một ai đó, hình ảnh 5h chiều yên bình bất ngờ xuất hiện trong đầu bạn, và bạn cố gắng cư xử nhẹ nhàng, hòa thuận nhất có thể để không làm hỏng hình ảnh yên bình đó. Thêm nữa, bạn cần đối xử với tất cả mọi người như thể họ đang có được tất cả những gì đáng mong ước.

Vì bạn trông cậy và tin tưởng vào mọi người nên bạn sẽ nói: ‘Tôi tin rằng anh hoàn thành mọi việc vào chiều hôm nay,” thay vì nói rằng: “Anh luôn luôn không đúng hẹn. Tôi hi vọng anh sẽ nhanh hơn”. Khi bạn đối xử với mọi người theo cách này, họ cũng sẽ cố gắng đạt được những điều bạn kỳ vọng ở họ.

Đối với gia đình của mình, đặc biệt là với lũ trẻ, hãy luôn luôn nhớ điều này: tìm ra điểm tốt và hợp lý trong mỗi việc chúng làm.

Trích từ cuốn Mười bí mật để thành công và thanh thản tâm hồn (Ten secrets for success and inner peace) của tiến sĩ Wayne W. Dyer.

Bạn có thể khởi đầu sự nghiệp với một tầm nhìn nhưng tầm nhìn đó phải chiến lược, có phương pháp để phát triển. Nếu tầm nhìn được xây dựng dựa trên một nguyên tắc nhất định, theo thời gian khả năng hiện thực hóa ý tưởng đó sẽ ngày càng lớn. Khi bạn tập trung vào xem xét thực hiện ý tưởng của mình, tầm nhìn chiến lược của bạn có cơ hội mở rộng. Trong 18 năm, Amy Tưrley-Brown đã làm việc cùng với một người có tầm nhìn chiến lược của mình đã phát triển thành công một hệ thống kinh doanh có thị trường ở hơn 16 nước trên toàn thế giới

BNI: THÀNH CÔNG NHỜ Ý TƯỞNG VÀ KẾ HOẠCH

AMY TURLEY-BROWN

Người Sáng lập ra Mạng lưới kinh doanh Quốc tế (BNI) – hiện là tổ chức cung cấp tin tức và các mối quan hệ kinh doanh lớn nhất và được tín nhiệm nhất thế giới – đã phát biểu rằng: “Bạn có thể nói rằng BNI ra đời là vì tôi cản nó. Ngân hàng rất khó chịu với những khoản vay thế chấp nhà, và tôi cảm thấy mình nên trả họ hàng tháng”.

Vào giữa những năm 1980, Tiến sĩ Ivan Misner – Giám đốc công ty tư vấn AIM – thường xuyên cung cấp các dịch vụ quản lý cho một loạt các tổ chức, từ các trường dạy lái xe ở California và nhà băng Wells Fargo đến Hải quân Mỹ. Công việc kinh doanh tiến triển rất tốt, nhờ đó năm 1984 Misner mua một ngôi nhà mới cho gia đình ngày càng đông của mình, bất ngờ khách hàng lớn nhất của ông gặp vấn đề về tài chính và quyết định không ký hợp đồng với Misner nữa.

Misner kể lại: ‘Tôi biết rằng mình phải hành động ngay lập tức nếu không tôi sẽ mất tất cả: gia đình và công việc làm ăn. Tôi nghĩ tới hai lựa chọn: phát biểu trước công chúng và kinh doanh tin tức”.

‘Tôi từng kiếm được chút đỉnh tiền với việc phát biểu, diễn thuyết ở vài nơi, và tôi biết rằng tôi có thể làm được nhiều hơn thế. Nhưng kinh doanh tin tức dường như có nhiều tiềm năng phát triển hơn. Tôi nảy ra ý tưởng là nếu tôi xây dựng một mạng lưới các mối quan hệ rộng lớn và chắc chắn, tôi có thể bảo vệ được công ty tư vấn của mình, thậm chí còn phát triển thịnh vượng”.

“Sau khi tiến hành nghiên cứu thị trường, tôi quyết định thực hiện ý tưởng thành lập một hội kinh doanh chỉ gặp nhau một lần mỗi tuần, hội được tổ chức chặt chẽ, mọi người trao đổi tin tức cho nhau vào bữa sáng trước khi đi làm. Các thành viên sẽ được giới hạn chỉ chấp nhận một người, ngành nghề. Mỗi thành viên phải thường xuyên thể hiện mình nếu không anh ta sẽ bị đối thủ giành mất vị trí. Những người còn lại sẽ được tập hợp vào một nhóm vững chắc và ổn định, đây sẽ là hạt nhân của một mạng lưới ngày càng mở rộng. Trong mạng lưới này có bạn bè, đối tác kinh doanh, khách hàng, nhà cung cấp, thậm chí đối thủ của tất cả các thành viên”.

Misner nhận thấy rằng một nhóm như vậy cần phải được xây dựng trên tinh thần tin tưởng lẫn nhau và cùng có lợi. Ông phát biểu rằng: “Đó cũng là lúc tôi phát hiện ra triết lý sống cốt lõi của chúng tôi: ‘người biết chia sẻ sẽ được đền đáp’”.

“Đó là một quan niệm có từ rất lâu. Bạn đã từng nghe câu tục ngữ này chưa? “Bạn sẽ nhận được những gì bạn đã cho đi.” Triết lý sống của chúng tôi khá giống câu nói này nhưng nó không có ý giễu cợt, hay chỉ trích như thế. Nó giống Nguyên Tắc Vàng hơn: “Hãy chia sẻ với mọi người””.

‘“Người biết chia sẻ sẽ được đền đáp có nghĩa là những điều tốt bạn đã làm sẽ quay trở lại giúp đỡ bạn theo cách mà bạn không thể đoán được”.

Triết lý sống này đã khuyến khích mọi người trong nhóm vì các thành viên khác, điều đầu tiên họ nghĩ tới là họ có thể làm được gì cho các thành viên khác – giúp đỡ mọi người, cung cấp những thông tin có giá trị, giải quyết vấn đề – mà không đòi hỏi hay hy vọng sẽ được trả ơn.

Misner giải thích rằng: “Bạn sẽ cảm thấy hài lòng mỗi khi làm được việc tốt cho mọi người. Bạn sẽ có tiếng là người tốt bụng, hào phóng và hữu ích. Bạn sẽ được nhiều người biết đến như là một người hiểu biết và có nhiều thông tin giá trị, một người có thể giải quyết các vấn đề, một người có những hàng hoá hay dịch vụ tốt nhất. Nói tóm lại, là một người mà mọi người yêu thích và sẽ tìm đến khi cần”.

“Khi bạn làm việc tốt với cả tấm lòng mình, mọi lợi ích cuối cùng sẽ đến với bạn. Trong kinh doanh, điều này có nghĩa là công ty của bạn sẽ rất phát triển”.

Bạn bè làm ăn của Misner đã đồng ý thực hiện ý tưởng của ông, và họ đã tổ chức buổi họp chính thức đầu tiên vào tháng 1 năm 1983.

Tin tức lan nhanh giữa các thương nhân rằng BNI – tên hội tự đặt cho mình – là một nơi tốt để quảng cáo, giới thiệu các hình thức kinh doanh. Quy định mỗi ngành nghề chỉ có một người cũng có nghĩa là hội đầu tiên nhanh chóng đạt tới giới hạn của mình. Các chủ doanh nghiệp kêu gào đòi gia nhập BNI, nhưng hội đã quá tải. Mọi người muốn phát triển BNI, nhưng mở rộng hội cùng có nghĩa là phải cơ cấu lại các thành phần tổ chức cần thiết. Misner nhận ra rằng phương pháp giải quyết duy nhất là giúp đỡ những người khác phát triển các tổ chức mới.

Biện pháp khôn ngoan này nhanh chóng được thực hiện. Nhiều hội mới nhanh chóng xuất hiện trên khắp Nam California. Mỗi nhóm mới đều giúp các nhóm khác mở rộng phạm vi hoạt động; doanh nhân ở các nhóm khác nhau có thể trao đổi tin tức, triển vọng kinh doanh với nhau chứ không cạnh tranh với nhau; tin tức về các loại hàng hóa và dịch vụ trong mỗi nhóm ngày càng nhiều và đa dạng hơn.

Chẳng bao lâu sau Misner nhận thấy rằng mình cần có một trụ sở chính để điều hành hoạt động của mạng lưới những nhóm, hội cung cấp tin tức quản lý bị lỏng lẻo và nằm rải rác khắp nơi này. Để chuẩn bị mở rộng mạng lưới ra ngoài khu vực Nam California, ông quyết định xin cấp phép hoạt động ở khu vực có thể là cơ sở phát triển mạng lưới ra toàn nước Mỹ và thế giới trong tương lai.

Mục tiêu đầu tiên là khu vực Vịnh San Francisco. Misner nhớ lại: “Tôi đã tiến hành tìm hiểu và thấy nơi đây rất phù hợp, nhưng tôi không tìm được người có đủ khả năng thành lập và điều hành khu vực mới này. Nó chính là mặt hạn chế của chúng tôi. Tôi bắt đầu hiểu ra rằng: chìa khoá để giải quyết vấn đề này là phải đào tạo thêm nhiều nhà quản lý mới để họ phát triển khu vực riêng của họ chứ không phải là chú ý tìm kiếm những khu vực địa lý mới”.

“Khu vực mới đầu tiên của chúng tôi cuối cùng lại là Arizona chứ không phải là San Francisco. Thật tự nhiên, nó được một người cung cấp tin thành lập. Tuy nhiên, mối liên lạc đầu tiên đó không điều hành khu vực này mà chính là một phụ nữ tham gia buổi họp đầu tiên đã đảm trách nhiệm vụ này”.

Khi BNI được công nhận thì những buổi họp tương tự bắt đầu được tiến hành khắp đất nước. Công ty phát triển nhanh chóng hơn bao giờ hết và vào khoảng năm 1989 Misner phải đối mặt với một vấn đề khó xử: ông không thể cùng lúc điều hành cả công ty tư vấn của ông và BNI được nữa. Ông phải lựa chọn một trong hai thứ đó. Ông tâm sự: “Mạng lưới cung cấp tin tức thì thú vị, nhiều thách thức hơn và có đầy đủ điều kiện giúp tôi có thể trở nên vô cùng thành công. Tôi đã bán công ty tư vấn AIM và cống hiến toàn bộ thời gian của mình cho công việc kinh doanh mới này”.

Giống như các công việc kinh doanh khác, đi cùng với tăng trưởng là rất nhiều vấn đề cần được giải quyết. Tiếng tăm được thừa nhận là một điều rất quan trọng, nó cũng chính là một công cụ marketing. Khi Misner đề nghị lấy tên đầu tiên của công ty để đăng ký thương hiệu, “Mạng lưới” đã phản đối, ông đã tận dụng cơ hội này để chọn một cái tên mới có thể phản ánh tầm cỡ quốc tế của tổ chức: BusinessNetwork International (Mạng lưới Kinh doanh Quốc tế), cũng được biết đến với tên gọi tắt BNI.

Misner xin cấp phép kinh doanh khu vực mới của BNI ở Arizona, Montana, Hawaii, và Connecticut. Vào năm 1991, mở rộng đến New York. Đến giữa những năm 1990, khu vực Vùng vịnh cũng gia nhập vào mạng lưới. Sau khi mở rộng sang Canada và Anh, BNI đã thực sự vươn tới tầm cỡ quốc tế.

Misner phát biểu rằng: “Tôi rất ngạc nhiên là tin tức có thể lan truyền nhanh đến vậy. Từ chuyện Steve Lawson ở Canada kể với anh trai anh ta – Martin ở Anh về BNI, chúng tôi đã lập thêm một hội mới ở đây. Khi đến London, tôi đã gặp Graham Southwell, lúc đó ông ta đang chuẩn bị chuyển đến New Zealand, nên tôi đã giới thiệu Graham với người quản lý của tôi ở Australia, sau đó người quản lý đó đã giúp đỡ Graham mở một hội mới ở New Zealand.

“Có nhiều chuyện khôi hài xảy ra. Như chuyện một người California mà tôi có quen nắm được thông tin về BNI trong một chuyến đi thăm hội của chúng tôi ở Singapore. Anh ta ấn tượng về hội đến mức mà khi trở về nhà, anh ta tìm ngay một hội ở Nam California để gia nhập”.

Misner đã viết một vài cuốn sách về kinh doanh mạng lưới, trong đó đầy ắp thông tin quảng cáo cho BNI. Ông giải thích rằng: “Giới truyền thông không muốn phỏng vấn mọi người về công việc kinh doanh nhưng họ sẽ phỏng vấn bất cứ ai viết sách”.

Sau gần 20 năm thành lập, BNI đã thực sự lớn mạnh trên toàn cầu với hơn 3.000 hội nằm rải rác trên 16 nước ở Bắc Mỹ, châu Âu và khu vực Thái Bình Dương. Từ năm 1985, BNI đã cung cấp được hơn 12 triệu tin tức kinh doanh cho các thành viên của mình với trị giá hơn 4 tỉ đô la. Misner đã đóng góp những gì vào sự phát triển của mạng lưới này?

“Đầu tiên, BNI phát triển dựa trên một triết lý sống và sứ mệnh lành mạnh. Nguyên tắc chủ đạo vô cùng đơn giản: Người biết chia sẻ sẽ được đền đáp. Sứ mệnh của chúng tôi là giúp đỡ mọi người phát triển công việc làm ăn qua một hệ thống marketing truyền miệng, chuyên môn, đáng tin cậy, kết cấu chặt chẽ; hệ thống này cho phép phát triển những mối quan hệ kinh doanh ý nghĩa và lâu dài.

“Hãy hỏi xung quanh xem. Bạn sẽ thấy rằng rất nhiều thành viên, người quản lý và nhân viên của chúng tôi có thể nói chính xác những điều tôi vừa mới nói với bạn. Điều quan trọng là phải có một ý tưởng, cống hiến hết mình và tập trung vào việc thực hiện ý tưởng đó”.

‘Tất nhiên là ý tưởng của chúng tôi đã được phát triển; và nó phát triển khi tổ chức của chúng tôi mở rộng và vượt trội hơn những ý niệm ban đầu. Và ý tưởng đó sẽ tiếp tục phát triển vì chúng tôi vẫn tiếp tục lớn mạnh”.

Theo Misner, một trong những chìa khoá để thành công nữa là đào tạo. Ông giải thích rằng: “Đào tạo và giáo dục cho một mạng lưới ngày càng mở rộng này là điều không thể thiếu cho hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi đã đào tạo hàng trăm quản lý và hàng ngàn thành viên trên cả hai lĩnh vực: làm thế nào để điều hành một hội, và làm thế nào để có thể phát triển công việc kinh doanh của họ nhờ hình thức marketing truyền miệng này”.

“Cuối cùng, một yếu tố bí mật: hãy ở bên cạnh những người chu đáo, hiểu biết, chính trực và đáng tin cậy. Nhưng tôi đoán là nó chẳng bí mật tẹo nào, đúng không?”

Từ ngày mới thành lập, khi mà ông còn đang điều hành Công ty tư vấn AIM, Misner nhanh chóng nhận ra là ông thấy hài lòng, thích thú với “thú vui” điều hành BNI của mình hơn. Nhưng lúc đó, ông không nghĩ rằng BNI sẽ trở thành công việc chính thức của ông. Ông thừa nhận rằng: “Tôi ước là mình có thể nói rằng tôi đã nhìn thấy tương lai của BNI ngay từ khi nó bắt đầu phát triển – điều đó có nghĩa là tôi đã hình dung được hình ảnh một doanh nghiệp lớn mạnh toàn cầu như bây giờ, một mạng lưới gồm hàng trăm hội nằm rải rác trên toàn thế giới. Nhưng tôi không thể nói điều đó”.

“Tôi không phát minh ra hình thức kinh doanh nhờ tin tức và các mối quan hệ, và tôi cũng không phát minh ra mạng lưới. Tôi chỉ tìm cách biến chúng trở nên hữu ích hơn, từ đó dẫn đến sự phát triển như bây giờ. Nhưng sự thực là, tôi chỉ tìm cách để trả món nợ cầm cố nhà trong khi vẫn làm những thứ tôi thích thôi”.

Đúng là cái khó ló cái khôn.

Là thuyền trưởng của một thuyền buồm đua rất thành công, Don Morgan hiểu rất rõ công nghệ đánh dấu chính xác giá trị của một ai đó ở bất cứ nơi nào trên thế giới bằng cách sử dụng Hệ thống Định vị Toàn cầu (Global Posilionug System – GPS). Hơn 20 năm qua, với vai trò của người chữa bệnh bằng liệu pháp tâm lý, Morgan đã dạy cho số khách hàng của mình cách để mở ra một hướng đi mới cho cuộc đời của họ bằng cách sử dụng một vài nguyên tắc chung được lựa chọn cẩn thận từ các ngành khoa học xã hội.

QUÁ TRÌNH ĐẶT MỤC TIÊU

DON MORGAN

Chúng ta đã từng biết đến một vài bí quyết của nghệ thuật đặt mục tiêu, cho phép mọi người có thể đạt được những mục tiêu cao nhất và cải thiện cuộc sống của họ một cách đáng kể. Trong hai thập kỷ qua, tôi đã tư vấn cho rất nhiều người bất mãn với cuộc sống của mình. Rất nhiều trong số đó cảm thấy bị rối loạn vì có quá nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau, những người này có biểu hiện khá giống với những người mắc triệu chứng “cảm thấy mọi thứ đều trống rỗng”; một số khác có biểu hiện trầm trọng hơn như nghiện rượu hay nghiện thuốc; tất cả những người này đều được tôi đặc biệt chú ý. Nhiệm vụ quan trọng của tôi là giúp những bệnh nhân này xác định: (1) điều họ không thích trong cuộc sống của họ, (2) cái họ muốn nhận được từ cuộc sống, (3) cách để đạt được những mong ước của họ. Bỏ qua tất cả những gì dính đáng đến kiến thức chuyên môn về tâm thần học, công việc chính của tôi là đi theo một chương trình dễ hiểu nhưng khó thực hiện có liên quan đến việc gặt hái thành công trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Bí quyết đầu tiên là đánh giá xem cuộc sống của bạn đang đi đến đâu. Hãy xem xét hướng đi hiện tại của bạn. Có thực sự là những mục tiêu trong tiềm thức đang dẫn bạn đi đúng đường? về mặt lý thuyết, một người có thể hoàn toàn thoả mãn với tất cả mọi mặt trong cuộc sống của mình. Thực tế lại khác, hầu hết chúng ta luôn có mong muốn cầu tiến. Khi thành thực xem xét bản thân, chúng ta có thể phát hiện một vài điểm không còn cảm thấy hài lòng nữa. Lúc đó, bạn bỗng nhận thấy mình đang đứng giữa ngã ba cuộc đời.

Thời điểm quyết định này thu hút sự chú ý của rất nhiều chuyên gia tâm lý. Bởi vào thời điểm này, mọi người rất dễ xúc động và dễ có phản ứng như: tự cảm thấy bất mãn mơ hồ, đến hoảng loạn, suy sụp tinh thần trầm trọng, thậm chí còn tự tử. Đây là lúc mục tiêu cũ không còn thoả mãn nhu cầu của bản thân họ nữa, mục tiêu mới lại chưa xuất hiện. Triệu chứng cảm thấy mọi thứ đều trống rỗng là một ví dụ điển hình cho hiện tượng này. Bỗng một ngày, người trông coi trẻ của gia đình thích thú với ý tưởng tìm kiếm những đứa trẻ đã lớn để chăm sóc và sống một mình. Mục tiêu chăm sóc đứa trẻ trước chẳng còn liên quan đến họ nữa, và mục tiêu thay thế cũng chưa xuất hiện. Hậu quả là họ cảm thấy vô cùng chán nản; họ chỉ có giải pháp duy nhất là nhanh chóng đặt ra mục tiêu mới.

Ở bước đầu tiên, mục đích là bạn phải xác định xem những mục tiêu cũ, thường là mục tiêu tiềm thức ảnh hưởng thế nào đến hướng đi hiện giờ của bạn, đồng thời tìm hiểu xem có gì không ổn với hướng đi đó.

Nhiệm vụ thứ hai là bạn phải nhận biết và nắm rõ ý tưởng xây dựng cuộc sống mới được lên kế hoạch một cách tỉnh táo. Khi vượt qua những biểu hiện nghiêm trọng như nghiện ngập hay tự huỷ hoại bản thân, một vài bệnh nhân đến điều trị chỗ tôi muốn được tham gia vào các hoạt động giải trí lành mạnh hơn; một số khác thích được giao tiếp nhiều với bè bạn; số khác lại dành thời gian để xem xét, hoà nhập hệ thống giá trị và niềm tin của mình với những cảm xúc dành cho gia đình và người yêu thương; số còn lại cần sự ổn định trong sự nghiệp.

Nhờ phát hiện đó, tôi giúp khách hàng của mình nhận thức rõ những thứ họ đang mất và đưa ra cách để xác định hướng đi mới. Ngay lập tức, chuyện này dẫn đến sự trấn an tinh thần ở bệnh nhân, họ bắt đầu hiểu rằng chủ tâm đặt mục tiêu cũng có nghĩa là họ phải chịu trách nhiệm đạt được nó.

Vì vậy, mục đích thứ ba là bạn phải nắm quyền sở hữu và kiểm soát quá trình xác định và thực hiện hướng đi mới của mình. Sau khi đi theo hướng dẫn để đặt ra một mục tiêu thông minh, hãy trình bày cụ thể về hướng đi tới cuộc sống mới mơ ước của mình, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và quyết tâm đạt được cuộc sống đó. Những lời như: “Tôi không biết mình thực sự muốn làm gì” cũng chỉ là bình phong che đậy cho sự vô trách nhiệm của bản thân: ‘Tôi không biết là liệu tôi có muốn chịu trách nhiệm với phần đời này của tôi không”.

Khi bạn xác định rõ cuộc đời mới yêu thích của mình và bắt đầu sống cuộc đời đó, bạn sẽ cảm nhận được rằng khả năng đạt được mục tiêu của mình lớn hơn. Chúng ta đang được tận hưởng rất nhiều điều kỳ diệu từ thế giới đầy màu sắc này, trong đó có cả những thành tựu về văn hoá và xã hội như: con người, cảnh vật, sự kiện, những cơ hội, sự lựa chọn…. Và trong bối cảnh văn hoá này, bạn có thể dễ dàng tìm thấy một hình ảnh thành công nào đó khiến bạn mong ước theo đuổi, tuy nhiên việc thực hiện nó không phải dễ dàng, để đạt được thành công bạn cần phải thận trọng kiểm soát mọi mặt đời sống của mình.

Tại phòng tư vấn, tôi và các đồng nghiệp của mình khuyên bệnh nhân nên chia nhỏ quá trình thực hiện mục tiêu của họ. Điều đó giúp họ cảm thấy dễ dàng hơn khi đánh dấu hành trình đi tới cuộc đời mới của mình. Không phải quốc tịch hay hoàn cảnh xuất thân của mỗi cá nhân mà là kinh nghiệm sống thể hiện ở bảy lĩnh vực tới quan trọng dưới đây sẽ quyết định thành công của mỗi người. Khi ý thức được tầm quan trọng của những lĩnh vực này, chúng ta sẽ thận trọng hơn khi đặt mục tiêu, những mục tiêu đó sẽ rõ ràng và có khả năng thành hiện thực hơn. Bảy lĩnh vực sau sẽ bao hàm hầu như tất cả các vấn đề liên quan đến một con người.

Sức khỏe

Sức khỏe là một nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất tới cuộc sống của chúng ta. Không có sức khỏe, mọi tiền bạc,của cải trên thế giới này đều vô giá trị. Có sức khỏe không có nghĩa chỉ là không có bệnh tật hay ốm yếu, mà nó còn bao hàm sự lành mạnh về thể chất, cảm xúc, quan hệ xã hội và tâm lý. Thậm chí chỉ một chút biểu hiện mơ hồ của sự bất mãn cũng được coi là không hoàn toàn khỏe mạnh. Những người thành công ý thức rất rõ rằng sức khỏe liên quan đến năng lực thể chất, tinh thần và cảm xúc của mỗi người, mỗi yếu tố đó đều tác động đến sự thành công của chúng ta. Có thể cơ thể chúng ta hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng tâm trí chúng ta có sự dao động và do dự, chúng ta sẽ thất bại trong những cuộc đấu có tính cạnh tranh cao như: thể thao, kinh doanh, hay tình huống đòi hỏi sự quyết đoán cao.

Gia đình

Gia đình là hạt nhân đầu tiên cho ta những hiểu biết về thế giới và vị trí của chúng ta ở trong đó. Chúng ta lớn lên trong gia đình mình và có nhiệm vụ sinh con đẻ cái để duy trì dòng giống. Gia đình có thể là điểm tựa vững chắc nhất cho ta sức mạnh vượt qua khó khăn, thử thách của cuộc đời. Thiếu sự động viên, khuyến khích từ gia đình, mục tiêu và hướng đi của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Gia đình – nền tảng cơ bản của xã hội định hướng rất nhiều mục tiêu đầu tiên của chúng ta, những mục tiêu này sẽ mãi in dấu trong tâm trí chúng ta và sẽ tác động đến cách xử sự của chúng ta trong những năm đầu đời. Nhờ gia đình chúng ta có được rất nhiều hiểu biết và liên hệ với sáu mặt khác của cuộc sống.

Hệ thống niềm tin

Tất cả niềm tin thầm kín của chúng ta về mục đích của mình, ý nghĩa cuộc sống, và cách để giao tiếp với mọi người đều được hình thành từ lĩnh vực này. Những niềm tin thầm kín này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quan điểm của chúng ta, đến lượt quan điểm tác động đến những quyết định trong cuộc sống, đến những lựa chọn về mục tiêu theo đuổi trong tương lai. Nếu niềm tin tinh thần của chúng ta được gắn với một hệ thống vững chắc, có ảnh hưởng (ví dụ như tôn giáo) để đưa ra những lựa chọn trong cuộc sống, thì chúng ta có thể định trước rất nhiều việc cho tương lai của mình: chúng ta sẽ đi theo tiếng gọi của hệ thống niềm tin của bản thân. Nếu niềm tin tinh thần của chúng ta không liên kết chặt chẽ với hệ thống tôn giáo hiện thời, thì chúng ta nên tìm một số niềm tin thầm kín khác có thể chỉ dẫn cho chúng ta đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong cuộc đời.

Sự nghiệp

Sự nghiệp có ý nghĩa rộng hơn so với công việc. Sự nghiệp là nghề nghiệp của bạn, là cách bạn kiếm sống và đóng góp cho xã hội. Những công việc mà bạn giành được trong suốt cuộc đời có thể thay đổi, nhưng cách bạn đóng góp cho xã hội như một sợi chỉ xuyên suốt tất cả công việc của bạn. Sợi chỉ chung này chính là sự nghiệp của bạn. Công việc của bạn có thể là công việc ở nhà, cũng có thể là việc buôn bán hay công việc đòi hỏi hiểu biết chuyên môn, cảm giác hài lòng khi hoàn thành những công việc đó là thước đo giá trị sự nghiệp của bạn. Số tiền bạn kiếm được từ sự nghiệp của mình là một cách để đo sự thành công, nhưng bản thân tiền không phải là công cụ thoả mãn mong ước thành công trong tất cả các mặt đời sống của bạn.

Giải trí

Từ xa xưa, con người luôn tìm cách để giải trí, chơi thể thao hay chạy theo thú vui riêng của mình. Chức năng thực sự của chúng là tạo cân bằng hay phút nghỉ ngơi hoàn toàn cho chúng ta sau những phút căng thẳng, lo lắng vì các lĩnh vực khác của cuộc sống. Tham gia vào việc theo đuổi các thú vui sẽ giúp nâng cao và củng cố các mặt khác của đời sống. Theo một nghiên cứu sức khỏe, tập thể dục thể thao đều đặn là yếu tố vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Khi chúng ta tham gia vào các đội, nhóm chơi thể thao, cơ hội gặp gỡ và mở rộng các mối quan hệ sẽ tăng lên, nhờ đó sự nghiệp của bạn được củng cố. Hiện thời, chúng ta đã phát triển hẳn một ngành công nghiệp khổng lồ chuyên cung cấp các hình thức giải tri cho con người. Vì vậy, lĩnh vực này giữ một phần quan trọng và cốt yếu trong sự thành công của cuộc sống.

Sự thân mật

Đối xử thân ái, thân mật với mọi người hay với nhiều người là chất keo gắn kết mọi người lại với nhau. Sự thân mật giúp ta duy trì sự ổn định trong xã hội và làm tăng lòng tự tin và tự trọng của chúng ta. Những người thiếu lòng tự tin sẽ không thể lên tới đỉnh cao vinh quang. Những người thiếu lòng tự trọng sẽ không cảm nhận được ý nghĩa to lớn của việc đóng góp cho xã hội. Nhờ những mối quan hệ quen thuộc và thân mật với một vài người nào đó, lòng tự trọng của chúng ta sẽ tăng dần lên, nhờ đó chúng ta sẽ tiến về phía trước và đạt được mục tiêu của mình, điều đó củng cố thêm lòng tự tin của bản thân và khuyến khích bạn hăm hở tiến lên xây dựng thành công cho mình.

Cộng đồng

Chúng ta có thể tìm thấy bạn bè, đối tác và khách hàng… từ cộng đồng. Các mối quan hệ sẽ giúp chúng ta xác định rõ ràng và bổ sung vào hệ thống niềm tin thầm kín của chúng ta. Bạn bè cũng là người cùng giải trí và hỗ trợ cho sự nghiệp của chúng ta. Trong một số trường hợp, một vài người bạn còn trở thành một phần trong mối quan hệ thân mật, gắn bó của chúng ta. Tình bạn được hình thành từ những lần ta vui chơi, giải trí hay tham gia một cách tích cực vào sáu lĩnh vực còn lại của cuộc sống. Bạn bè chơi với nhau có thể xây dựng thành một nhóm hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi cần thiết. Điều đó tạo điều kiện giúp chúng ta thành công dễ dàng hơn.

Các chuyên gia nghiên cứu về thành công rất đề cao vai trò của cuộc sống cân bằng và phân bổ hợp lý thời gian dành cho sự nghiệp, thú vui, gia đình, và cộng đồng. Nhiều lúc, chúng ta có thể tập trung nhiều hơn

vào một hay hai lĩnh vực vì chúng ta đang cần phải nắm vững lĩnh vực đó. Nhưng để duy trì tiến độ đi tới thành công của mình, chúng ta phải phân bố lại thời gian nhằm khôi phục vị thế cân bằng và đạt được triển vọng xa hơn. Cuộc sống là một chuỗi những tác động qua lại phức tạp của một vài mục tiêu tiềm thức đã bị loại bỏ quay trở lại tác động vào những mục tiêu mới xuất hiện. Một vài mục tiêu được ghi vào trong tiềm thức, một số khác được đề ra một cách thận trọng và tỉnh táo. Trong thời gian cố gắng gặt hái thành công trong một lĩnh vực nào đó, chúng ta buộc phải giảm sự chú ý tới các lĩnh vực khác. Khi chúng ta đạt được thành công trong lĩnh vực đó, cảm giác không hài lòng với các lĩnh vực khác có thể xuất hiện, và có thể đó chính là khởi đầu của một con đường đi tới thành công mới trong tương lai. Vấn đề nghe có vẻ hơi khó hiểu, và thực sự thì nó đúng là khó hiểu thật.

Tuy nhiên, quá trình đặt mục tiêu được ghi lại rất rõ ràng. Tất cả những gì chúng ta phải làm là xem xét lại những phát minh, những kỷ lục thi đấu của con người, và cả những khái niệm mới vừa được thực hiện hay công bố trong thời gian gần đây. Bạn không nên xem nhẹ quá trình đặt ra những mục tiêu một cách tỉnh táo và cần cân nhắc thận trọng nếu mục tiêu của bạn là đạt được thành công. Xác định ước muốn lớn nhất của bạn, vạch rõ mục tiêu tương lai, và sau đó lập một kế hoạch để đạt được tương lai mơ ước đó.

Bạn phải làm gì tiếp theo? Hãy tiến hành theo những bước trên.

Thành công được xây dựng từ chính nó. Chúng ta học được nhiều điều từ những kinh nghiệm bước đầu và sử dụng chúng làm cơ sở thực hiện những nhiệm vụ tiếp theo phức tạp hơn. Chúng ta có thể sử dụng tất cả những điều từng học hay tình cờ bắt gặp cho những công việc sau này của mình, đặc biệt cần chú ý là những người chúng ta gặp trên hành trình của mình. Jerry Schwartz và Dotty White cũng là tư vấn viên về marketing ở Baitunore, Maryland, với hơn 600 khách hàng. Khi xem xét những thành công đáng kinh ngạc của Brian Tracy, hai tác giả một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc chú ý tới những người chúng ta gặp trên đường đời.

CÙNG BRIAN TRACY THỰC HIỆN HÀNH TRÌNH ĐI TỚI THÀNH CÔNG

JERRY SCHWARTZ và DOTTY WHITE

Hãy tưởng tượng rằng xung quanh bạn toàn là cát. Bạn quay đầu tứ phía và dõi mắt nhìn về phía chân trời nhưng bạn chẳng thể thấy gì ngoài những cồn cát nhấp nhô. Một cơn gió thổi tới, cát bay mù mịt, cát tạt vào má, chui vào mắt, bịt đầy hai lỗ mũi. Thật là khó thở. Thật là khó chịu.

Bạn đang băng qua sa mạc, hành trình ngày càng gian khổ hơn so với dự đoán của bạn. Mỗi bước đi là một trở ngại mới.

Bạn có thể tìm được đường để thoát khỏi cái nơi quái quỉ này hay không? Bạn nên đi theo hướng nào để đến đích? Bạn sẽ làm gì nếu bạn kiệt sức ở ngay giữa biển cát mênh mông này?

Brian Tracy đã phải đối mặt với cảnh tượng thê thảm đó khi anh vật lộn, đấu tranh để băng qua sa mạc Sahara. Anh cùng người bạn đường 21 tuổi của mình biết rằng họ muốn tới châu Phi. Hai người đã khởi hành từ châu Âu, vất vả đi bộ qua Pháp và Thuỵ Sĩ, và đều hiểu rằng Sahara là điểm nằm giữa họ và đích đến cuối cùng.

Từ bỏ không phải là một giải pháp. Đầu hàng ở Sahara đồng nghĩa với tự sát. Anh vẫn tiến lên.

Chính xác thì không có đường ở Sahara. Tracy giải thích rằng Pháp đã cho lắp đặt một vài thùng dầu, mỗi cái có trữ khoảng 55 gallon[8] dầu và được đặt cách nhau 5 km để làm pháo sáng tại những khu vực sa mạc mà họ kiểm soát. Anh và người bạn của mình phải tập trung tìm kiếm những cái thùng đó. Mục tiêu cuối cùng của họ đang ở rất xa, nhưng họ phải tập trung vào mục tiêu trước mắt: tìm kiếm những cái thùng đó.

Bài học ăn sâu mãi mãi vào tâm trí Tracy và có ảnh hưởng tới quan điểm về cuộc sống và thành công của Tracy, đó là: Đặt ra hướng đi của bạn và đi theo nó. Một khi bạn nhận ra nơi mình muốn đến, hãy kiên trì cho tới khi đến đích.

Ở một nơi đầy cát, nóng bức, cô độc và đầy gió cát đó, Tracy đã học được sức mạnh của việc nhắm vào một đích đến và từng bước từng bước một đi về phía đó. Anh cũng học được rằng kỹ năng tập trung có thể được bổ sung nhờ khả năng linh hoạt với mọi hoàn cảnh và chấp nhận sự giúp đỡ. Linh động khi đối mặt với những thách thức trước mắt không có nghĩa là bạn phải vứt bỏ sứ mệnh tối quan trọng của mình.

Tracy nhớ lại rằng ở bất cứ nơi nào trên hành trình của mình, họ được giúp đỡ: những lời khuyên, thức ăn, tiền bạc từ những tấm lòng vô cùng ấm áp, tốt bụng, và hào phóng. Đó là những công nhân cơ khí giúp họ sửa ô-tô ở Morocco và Algeria. Đó là những người Pháp tốt bụng đã tặng họ chiếc bản đồ vô cùng quý giá, chiếc bản đồ đó đã cứu sống Tracy và bạn mình khi họ đi sâu vào trong sa mạc.

Rất lâu sau khi sống sót trở về từ chuyến đi băng qua sa mạc Sahara, Tracy vẫn luôn cởi mở với tất cả những người anh gặp trên hành trình của mình. Anh đã gặp rất nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội ở gần 90 đất nước mà anh từng tới thăm. Mặc dù nhiều người có xu hướng lờ đi những người mà họ cho rằng không có ích cho sự thành công của họ, nhưng Tracy lại học được nhiều điều từ những người anh gặp – tất cả mọi người từ tiến sĩ Albert Schweitzer đến những người sống trong lều cỏ.

Anh khuyên mọi người rằng: “Hãy tổng hợp những ý kiến tốt từ mọi nguồn trên thế giới. Và luôn luôn sáng suốt nhìn vào bản chất của mọi sự vật, hiện tượng”.

Chàng trai trẻ Tracy có thể đã cho phép bản thân đầu hàng, thoái chí trong hoàn cảnh đó, anh có thể đã ném hình ảnh những thùng dầu ra khỏi đầu thay vì theo đuổi tìm kiếm chúng. Anh có thể đã đánh mất mục tiêu của mình và bị chìm trong gió, cát; từ chối sự giúp đỡ, động viên và những lời khuyên bảo của mọi người.

Thay vì vậy, anh đã kiên trì, cố gắng vượt khó khăn gian khổ để tiến tới mục tiêu phía trước của mình. Nhờ đó, anh đã gặt hái được nhiều thành công đáng kinh ngạc: anh là một trong mười tác giả và diễn giả thuyết phục nhất trên toàn thế giới. Anh trở thành tổng giám đốc điều hành của một công ty phát triển có số vốn là 256 triệu đô la; anh còn lên ý tưởng thành lập, xây dựng, quản lý hay bán lại hơn 22 doanh nghiệp khác; anh đã viết hơn 26 cuốn sách và sản xuất gần 300 chương trình bằng video và audio. Anh thậm chí còn tham gia tranh cử chức thống đốc bang California trong suốt chiến dịch bầu cử năm 2003.

Hãy tưởng tượng rằng bạn đang nhắm đến mục tiêu như Brian Tracy. Sau đó hãy tưởng tượng đến những thành công bạn có thể đạt được, bất kể bao nhiêu cát sa mạc cuộc đời có thể bay vào mặt bạn. Đừng bao giờ từ bỏ mục tiêu của mình.

Không biết bao nhiêu lần chúng ta phải lựa chọn giữa điều chúng ta có thể làm và điều chúng ta nên làm. Với một chút may mắn và sáng suốt, chúng ta sẽ chọn được một hướng đi có thể giữ cuộc sống của mình cân bằng. Igor Khmelnitsky đã theo đuổi niềm đam mê cờ vua của mình, từ rất lâu và đã có đủ khả năng trở thành một Kiện tướng Quốc tế và một huấn luyện viên cờ vua chuyên nghiệp, nhưng ông đã từ bỏ tiềm năng lên tới đỉnh cao sự nghiệp đó để lựa chọn một cuộc sống bình thường.

LỰA CHỌN CỜ VUA VÀ MỘT CUỘC SỐNG CÂN BẰNG

IGOR KHMELNITSKY

Khi tôi mới 5 tuổi, ba tôi – Naum – đã dạy tôi cách chơi cờ. Trong bài học đầu tiên, ba dặn tôi phải luôn luôn suy nghĩ tỉnh táo trước khi đi một nước mới, chứ không chỉ đơn thuần là di chuyển quân cờ, vì những quyết định này sẽ ảnh hưởng tới cục diện bàn cờ về sau. Sau ván chơi đầu tiên, ba yêu cầu tôi phải giải thích lý do tôi chọn tất cả những nước đi đó. Ba đã khen ngợi những nước đi tốt và chỉ cho tôi lý do tại sao những nước đi khác lại không hay. Đó là bài học đưa ra lựa chọn đầu tiên của tôi.

Nhưng ba không biết rằng cờ vua sẽ ảnh hưởng lớn tới cuộc đời của tôi sau này. Trong suốt những năm học trò chơi vĩ đại này, tôi đã phát hiện ra rằng quá trình vạch kế hoạch và di chuyển quân cờ trong những trận đấu của tôi cũng rất hữu ích cho tôi khi đưa ra quyết định và giải quyết các vấn đề hàng ngày.

Quyết định đơn giản nhất mà tôi từng đưa ra đó là đến Mỹ. Là một người Do Thái sống ở Ukraine, chúng tôi bị phân biệt đối xử trong tất cả các mặt của đời sống. Vì là người Do Thái nên tôi gặp nhiều khó khăn khi vào đại học, tìm kiếm việc làm, thậm chí là gia nhập vào một nhóm cờ bậc thấp. Vì vậy, khi bác Sam của tôi (đây là tên thật của bác, bác đã di cư sang Mỹ từ năm 1978) gọi điện cho chúng tôi và đề nghị giúp đỡ đưa gia đình tôi sang Mỹ, không một chút do dự, tôi đã đồng ý ngay. Ba mẹ tôi (ba Naum và mẹ Polina), em gái Valeria của tôi và tôi đã sang Mỹ tị nạn vào năm 1991. Chúng tôi không mang theo thứ gì ngoài kinh nghiệm cuộc sống, sự hiểu biết, và nhiệt tình lao động chân thành nhằm biến ước mơ trên đất Mỹ của chúng tôi thành hiện thực.

Đối mặt với một quyết định khó khăn

Hồi 23 tuổi, tôi đã phải đưa ra một quyết định vô cùng khó khăn? Tôi nên làm gì với cuộc sống của tôi? Vào lúc đó, tôi đã là một kỳ thủ có tiếng, và giành chiến thắng trong một vài giải cờ quốc tế tổ chức ở châu Âu. Tôi cũng từng học hai năm ở một trường cao đẳng địa phương ở Ukraine.

Tôi quyết định sẽ áp dụng những gì tôi học được khi chơi cờ vào cuộc sống. Tôi xác định mục tiêu ưu tiên của mình (một chiến lược trong ván cờ của tôi), tôi muốn có một gia đình hạnh phúc với những đứa con xinh xắn, và một cuộc sống thoải mái. Tôi biết mình cũng thích đi du lịch, gặp gỡ những người thú vị, dạy cờ cho bọn nhóc, viết, và tất nhiên là được tiếp tục thi đấu cờ vua. Nhưng chuyện gì sẻ xảy ra nếu những mục tiêu đó là giấc mơ không tưởng và không thể đạt được?

Tôi đã xác định hai khả năng có thể xảy ra (hay những nước đi tiềm năng). Tôi có thể theo đuổi sự nghiệp cờ vua của mình, đó là niềm đam mê của tôi, tôi đã dành gần 15 năm cuộc đời cho niềm đam mê này; hoặc tôi có thể đi học đại học và có một nghề nghiệp thực sự, đặc biệt là được gia nhập vào giới tài chính, công việc này cũng rất thu hút tôi. Tôi cân nhắc, xem xét giữa mặt có lợi và mặt không có lợi, cuối cùng công việc đã chiến thắng. Tôi biết rằng với sự chăm chỉ và một chút may mắn, tôi có thể trở thành một trong năm kỳ thủ hàng đầu ở Mỹ trong vòng 3 hoặc 5 năm tới, nhưng tôi không thích số tiền ít ỏi nhận được từ việc chơi cờ. Tôi cũng biết rằng tôi có rất nhiều lợi thế cạnh tranh trên thương trường nhờ vào kỹ năng chơi cờ mà tôi có – đặc biệt là khả năng đưa ra những quyết định chắc chắn, sắc bén và nhanh chóng.

Trong thâm tâm, tôi nhận thấy rằng nếu tôi làm việc chăm chỉ hơn tôi có thể xoay sở để vừa không đánh mất kỹ năng chơi cờ vừa tập trung vào sự nghiệp của mình. Khi đang theo học tại trường Đại học Temple, tôi bắt đầu mở một lớp cờ tư, ở đó tôi giảng giải về niềm đam mê tuyệt vời này của tôi. Điều này rất hữu ích với tôi, về phương diện tài chính cũng như tình cảm. Tôi không chỉ chu cấp đầy đủ cho gia đình mình mà còn có cơ hội chia sẻ những hiểu biết về cờ của mình với người khác. Qua những thành công mà học sinh của tôi đạt được trong các cuộc đấu cờ, tôi cảm nhận được kinh nghiệm thi đấu và chiến thắng mà tôi luôn sợ mất đi.

Tôi rất ngạc nhiên khi nhận thấy rằng mọi người có những tiêu chuẩn đánh giá về thành công khác nhau. Một số học sinh của tôi cảm thấy vui khi giành chiến thắng trong giải đấu và nhận được tiền thưởng. Một số khác thấy thoả mãn khi nhận được điểm đánh giá cao hơn và nâng vị trí của chúng ở bảng xếp hạng trong nước và ngoài nước. Nhưng học sinh gây cho tôi ngạc nhiên lớn nhất hoá ra lại là anh chàng sau nhiều năm bị bạn bè trêu chọc và dè bỉu vì luôn luôn thất bại trong các trận đấu đã tỏ ra vô cùng hạnh phúc khi đánh bại người bạn thân của mình trong một ván cờ vào giờ nghỉ giải lao.

Trong lúc đó, tôi luyện tập chăm chỉ để duy trì được kỹ năng chơi cờ của mình. Ở trường đại học và trong suốt vài năm đầu làm việc tại một công ty tư vấn bảo hiểm hàng đầu – Công ty Milliman và Robertson, khó khăn của tôi là không có nhiều thời gian để choi cờ. Cuộc sống của tôi trở thành ví dụ điển hình của việc giữ cân bằng giữa những mục tiêu ưu tiên quan trọng: gia đình, sự nghiệp, huấn luyện viên cờ vua, viết lách, và giải quyết các vấn đề hàng ngày. Nghĩa vụ với gia đình và trách nhiệm với công việc đòi hỏi nhiều cố gắng luôn được đặt lên ưu tiên hàng đầu. May mắn thay, trước đó tôi từng luyện tập rất nhiều và đã nắm được rất nhiều bí quyết chơi cờ khá hiệu quả nhờ đó tôi có thể theo kịp những cao thủ cờ vua hàng đầu của Mỹ – những người chơi cờ chuyên nghiệp. Vào năm 1995 và 1996, hai lần tôi được mời tham dự giải đấu cờ uy tin nhất trong nước – Giải vô địch Mỹ. Đây là một giải đấu chuyên nghiệp chỉ có 14 kỳ thủ tham gia, và tôi là kỳ thủ nghiệp dư duy nhất trong số đó. Những người khác thường xuyên rèn luyện từ 5 đến 10 tiếng mỗi ngày và thi đấu thường xuyên. Tôi thường chỉ dành được 5 tiếng luyện cờ mỗi tuần, nhưng trong cả hai lần thi đấu đó tôi đều ghi được điểm 5 đáng nể và đánh bại một vài đấu thủ khá nặng ký.

Giải quyết những thách thức mới

Cùng thời gian đó, tôi cố gắng phát triển sự nghiệp của mình. Nhờ chơi cờ, kỹ năng tư duy phân tích của tôi khá phát triển và giúp ích nhiều cho công việc của tôi. Nhưng công việc đòi hỏi tôi phải chú ý nhiều hơn, thời gian dành cho gia đình và cờ của tôi dần dần giảm bớt. Thứ hạng cờ vua của tôi ngày càng giảm sút, từ vị trí được xếp vào trong số 20 người chơi cờ hàng đầu ở Mỹ, tôi bị tụt xuống vị trí cuối cùng của danh sách top 50.

Sự ra đời của con trai còn gây áp lực hơn nữa cho quỹ thời gian eo hẹp của tôi. Có khả năng là tôi sẽ không kiểm soát được mọi việc nữa. Tôi phải thực hiện một vài “nước đi” mới nhằm giúp tôi cân bằng cuộc sống tốt hơn. Sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, tôi quyết định thực hiện một “đòn phối hợp”. Bên phía nghề nghiệp, tôi bỏ việc ở công ty tư vấn (công việc ở đây khá là thú vị nhưng thời gian thì hơi lộn xộn) và gia nhập vào công ty Aetna, một công ty hàng đầu trong lĩnh vực bảo hiểm sức khỏe. Với thời gian làm việc từ 9h sáng đến 5h chiều, tôi có thể cân bằng được lịch trình hàng ngày của mình. Sử dụng những kỹ năng ngày một phát triển của mình, tôi tiếp tục luyện tập và huấn luyện cờ. Tôi về nhà rất đúng giờ, dành thời gian vui chơi với gia đình và hàng đêm học chơi cờ trong không gian tĩnh lặng và yên bình.

Tôi đã giành lại được sự cân bằng, nhưng hai năm sau tôi bắt đầu bị thua trong nhiều trận đấu cờ. Với quá nhiều việc xảy ra ở nơi làm việc và ở nhà, tôi không biết chắc mình phải làm gì để vượt qua những chuyện này.

Một tai hoạ lớn giáng xuống đầu tôi: ba tôi qua đời vì bệnh ung thư, hưởng thọ 58 tuổi, ông là người hâm mộ và người ủng hộ lớn nhất của tôi trong lĩnh vực cờ vua. Thật là khủng khiếp khi phải chứng kiến cảnh ông chiến đấu với bệnh ung thư dạ dày trong gần một năm trời, mỗi ngày qua đi bệnh tình của ông càng tồi tệ hơn, ông đau đớn cho đến tận ngày ra đi. Trong tâm trí của ông, bao giờ tôi cũng là người chơi cờ giỏi nhất. Ngay lúc đó, tôi quyết định rằng mình phải luyện cờ chăm chỉ hơn nữa và trở lại với các giải đấu.

Quay trở lại

Tôi phải mất gần hai năm tập dượt và rèn luyện để có thể sẵn sàng tham gia thi đấu cờ vua lần nữa. Lúc đó, tôi vẫn chưa tìm lại được sự cân bằng cho cuộc sống của mình, tôi phải dành thời gian chăm sóc mẹ và bà ngoại ốm yếu. Tôi có quá nhiều việc để lo lắng. Xử lý tất cả mọi việc không phải là điều dễ dàng, nhưng vào năm 2001, sau hơn 5 năm không chơi cờ, tôi đã quay trở lại.

Thật là sung sường làm sao khi lại được đấu cờ. Kết quả thật đáng ngạc nhiên. Tôi đã chia sẻ vị tri thứ nhất với hơn mười kiện tướng cờ vua nữa trong một giải đấu quốc tế lớn, và tôi đã đủ tiêu chuẩn tham gia thi đấu tại Giải vô địch Mỹ. Gia đình, bạn chơi cờ, đồng nghiệp, và các sếp đều hết lòng ủng hộ tôi. Tôi đã có một giải đấu thật tuyệt vời. Trong ván thứ hai, tôi đã hạ đo ván một đối thủ khá nặng ký – nguyên quán quân cờ vua Mỹ. Tôi còn gặp một vài đối thù nặng ký hơn, và đôi lúc vượt lên kiểm soát trận đấu. Cuối cùng, tôi kết thúc với một trận hòa và đứng ở vị trí thứ 16.

Khi nhìn lại những quyết định tôi đã đưa ra trong những năm qua, tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng tập dượt cờ vua là lý do chính dẫn tới thành công của tôi hôm nay. Khi xem xét để đưa ra một quyết định cho cuộc sống, cờ vua là hình ảnh tái tạo cuộc sống tốt nhất. Trong ván cờ cuộc đời của mình, quyết định là những nước đi. Dưới đây là những gì tôi thường làm:

– Đánh giá tình hình: Tìm hiểu ưu thế, điểm yếu, và những vấn đề chính, lục lại trí nhớ của mình để xem liệu mình đã từng gặp tình huống tương tự chưa, sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của mình nếu đó là một tình huống mới toanh.

– Xây dựng một kế hoạch: Trước mắt, tôi suy nghĩ nhanh và quyết định xem liệu tôi nên tấn công hay phòng thủ. Sau đó, xây dựng một hướng tiếp cận lâu dài vơi mục đích tạo lợi thế cho mình. Kinh nghiệm và hiểu biết rộng giúp tôi đưa ra những đánh giá chính xác và lựa chọn một kế hoạch tốt nhất.

– Xác định những nguy hiểm hay mối đe dọa mà tôi đang phải đối mặt.

– Xem xét một vài nước đi tiềm năng cụ thể: Dựa vào những bước đi trước, tôi xác định tất cả những trường họp có thể xảy ra, sau đó lần lượt xem xét cẩn thận từng trưởng hợp một và đưa ra lựa chọn. Tôi cân nhắc rủi ro, tính toán những khả năng có thể xảy ra trong những trường hợp khác nhau. Phương pháp tôi thích dùng nhất là phép loại trừ. Chiến lược này đặc biệt hiệu quả khi bạn phải đối mặt với nguy hiểm hay mối đe dọa. Tôi xem xét tất cả các giải pháp khác nhau có thể dùng để xử lý những rủi ro và trường hợp có thể xảy ra: tôi có thể chạy, phòng vệ, phản công, hay là tảng lờ.

– Theo sát kế hoạch: Ba tôi thường nói rằng: “Nói B sau khi con đã nói A”. Tôi luôn thực hiện một nước đi với tất cả sự tự tin của một quá trình lựa chọn chính xác.

– Lặp lại: Sau khi tôi thực hiện nước đi của mình, đối thủ đáp trả, tôi lại tiếp tục thực hiện từng bước một.

Quá trình không chỉ dừng lại ở đó. Nó cũng diễn ra tương tự trong cuộc sống thực. Chỉ cần thay từ “chơi cờ” bằng ‘cuộc sống hàng ngày” trong những lời hướng dẫn trên này của tôi và xem liệu rằng bạn có thể sử dụng chúng để đưa ra lựa chọn cho cuộc sống của mình hay không. Tôi sử dụng chúng mọi lúc mọi nơi, và chúng phát huy khá hiệu quả trong các lĩnh vực khác của cuộc sống. Quyết định càng quan trọng, tôi càng theo sát quá trình trên.

Phân tích những lựa chọn của tôi

Khi chơi cờ, tôi học được cách phân tích ván cờ thật chi tiết để phát hiện những lỗi tôi đã mắc phải và xác định hướng để khắc phục cho những lần sau. Trong cuộc sống, điều đó cũng không có gì khác lắm. Tôi luôn luôn xem xét lại những lựa chọn quan trọng tôi từng đưa ra và cố gắng phân tích chúng thật chi tiết để có thể rút ra được bài học tốt nhất cho bản thân. Ba tôi thường nói: “Điều quan trọng là phải học từ chính những sai lầm của con,” và tôi luôn nhớ đến lời dạy đó của ba. Ba còn thêm vào một hệ quả rất thú vị: “Học tập từ những lỗi lầm của người khác thậm chí còn quan trọng hơn”. Đó là lý do tại sao tôi đặt ra khẩu hiệu của riêng mình: “Không bao giờ ngừng học”. Tôi đọc không ngừng những loại sách khác nhau như: sách về cờ, tài chính, sức khỏe, marketing, và nhiều loại sách khác nữa để có thể học được nhiều nhất có thể. Học tập giúp tôi có hiểu biết sâu hơn về những tình huống tôi phải giải quyết và đưa ra những quyết định sáng suốt hơn.

Hiện giờ, tôi có một gia đình tuyệt vời với người vợ xinh đẹp của tôi, Svetlana, và con trai tôi – Alec. Tôi có một công việc khác vừa ý – nhân viên tư vấn bảo hiểm cho Công ty Aetna, và công ty Fortune 500. Tôi duy trì khả năng tư duy nhanh khi chơi cờ, làm huấn luyện viên, và nhà văn. Tôi đã đi du lịch nhiều nơi trên thế giới và gặp rất nhiều người thú vị. Một vài học sinh cũ và hiện giờ của tôi đã trở nên nổi tiếng. Vài người trong số họ đã trở thành bạn của tôi.

Tôi tin rằng lý do chính khiến tôi thành công là khả năng đưa ra những quyết định chính xác vào những thời điểm quan trọng và cố gắng để giữ cân bằng cuộc sống giữa rất nhiều vấn đề khó khăn trong cuộc đời. Tôi cho rằng bạn phải gặt hái thành công trong mọi mặt của cuộc sống, chứ không chỉ trong một lĩnh vực đặc biệt nào. Tôi cũng cho rằng mình phải cảm ơn cờ. Đó là công cụ tốt nhất giúp tôi duy trì một cuộc sống cân bằng và thành công. Tôi biết rằng mỗi ngày sẽ mang tới những thách thức mới và bạn phải đưa ra những lựa chọn và những quyết định hoàn toàn mới. Nhưng tôi không cảm thấy lo sợ. Tôi đã được rèn luyện để tìm ra nước đi tốt nhất!

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.