Những Bậc Thầy Thành Công
5 – Nghịch cảnh và đối đầu với nguy cơ
Thước đo giá trị còn lại của một con người không phải là vị trí của anh ta trong những lúc thuận lợi và thoải mái mà là vị trí của anh ta khi phải đối mặt với khó khăn và thử thách.
MARTIN LUTHER KING JR.
Một quy luật tự nhiên của con người đó là luôn muốn có nhiều hơn như: công suất lớn hơn, bình yên hơn, thân thiết hơn với mọi người, nhiều tiền hơn, nhiều quyền lực hơn và sống lâu hơn. Nhưng có nhiều hơn thường mang lại nhiều phiền toái. Để có được quả táo chín nhất, ngon nhất, chúng ta phải leo cao, vươn xa và có nguy cơ bị ngã khỏi thang. Những nguy cơ như vậy có xu hướng mang lại những điều “không thoải mái” về sức khỏe, tiền bạc, xã hội và đặc biệt là tình cảm. Chúng ta mất rất nhiều thời gian cho những cảm giác khó xử, lúng túng và thấy lạc lõng trong xã hội. Nỗi khiếp sợ và niềm vui đan xen và hoạt hoá trong dãy thần kinh của chúng ta.
Tim kiếm nhiều hơn buộc chúng ta phải học tập và học tập khiến chúng ta cảm thấy mình trở lại thời thơ trẻ với tất cả niềm hân hoan, những thắc mắc và nỗi lo âu – những gì làm cho những năm tháng đầu đời của ta trở nên thú vị. Và điều làm nên sự khác biệt không phải là chúng ta đang học cái gì mà là chúng ta bắt đầu từ đâu và đang cố gắng tiến xa đến đâu. Học tập là một sự liên hệ liên tưởng. Kinh nghiệm của một người bị liệt khi khám phá lại một lần nữa sự phức tạp của việc bước đi cũng mạnh như kinh nghiệm của một thanh niên lần đầu học lái xe, một người trượt tuyết học cách trượt qua lòng ống, một người thợ sửa móng tay học cách điều hành cửa hàng của mình. Những điều bình thường của người này lại là thành công ngoài sức tưởng tượng với người khác.
Trong học tập, tất cả chúng ta đều bắt đầu với những khó khăn. Chúng ta không kiếm đủ tiền, không chịu đựng nổi công việc hiện tại, không đủ hiểu biết, không trèo được núi. có thể, những khó khăn ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta chỉ là những điều khiến chúng ta không thoả mãn, một biểu hiện tự nhiên của sự trưởng thành hay ốm đau, tai nạn. Dù trong trường hợp nào đi chăng nữa, chúng ta luôn khao khát mãnh liệt chuyển khó khăn thành chiến thắng. Và trong khi tiến lên, chúng ta bắt gặp những ý tưởng mới, học được những kỹ năng mới, có thêm những niềm tin mới, thái độ, quan điểm mới. Khi đối mặt với khó khăn và vươn mình tới thành công, chúng ta sẽ tiến bộ.
Để tiến bộ, chúng ta phải “nghiêng cán cân” về phía khao khát chứ không phải về phía nỗi đau. Không có hiểm nguy, chúng ta sẽ không đạt được gì cả. Nếu chúng ta chỉ tìm kiếm sự thoải mãi và dễ đàng, chúng ta sẽ bỏ qua phần thưởng của những thành quả. Nhưng nếu chúng ta học bằng cả trái tim những gì mà một vận động viên chuyên nghiệp được hướng dẫn và “hàng ngày làm một việc gì đó khiến bạn sợ hãi đôi chút”, chúng ta sẽ vượt qua ranh giới của chính mình để bước sang một vùng đất mới. Chúng ta sẽ tìm thấy sự tự tin và chính nó giúp ta dễ dàng đẩy lùi những hạn chế và vượt qua những thử thách lớn hơn. Chúng ta biến sự căng thẳng thành động lực. Và không có gì có thể ngăn cản chúng ta được nữa.
Nếu con đường tới thành công là một con đường thẳng thì hầu hết tất cả mọi người đều có thể tới đó như một lẽ đương nhiên và thành công có thể đơn giản chỉ là không phạm sai lầm. Nhưng những sai lầm nhỏ lại là một phần của thành công lớn hơn. Khi bị ngã ta sẽ học được điều gì không nên làm, chướng ngại nào cần tránh là làm thế nào để trở nên tốt hơn. Derek Podorieszach, huấn luyện viên bộ môn trượt tuyết sườn núi của giải Canadian Olympic dành cho nam đã nói với các vận động viên của ông rằng: “Khi chúng ta bắt đầu chiến thắng, đối thủ của chúng ta thì không. Nhưng khi họ thua, họ buộc phải học một chiến thuật tốt hơn chúng ta”.
CÁC CHU KỲ THÀNH TÍCH
DEREK PODORJESZACH
Giữa thế giới thể thao và thế giới kinh doanh có một điểm chung đó là sự luyện tập. Những chuyên gia, dù là vận động viên hay thương nhân, đều luôn kiếm tìm cơ hội để trở nên tốt hơn và tiến về phía trước, giữ phong độ và liên tục cải thiện mình trong suốt quá trình tiến về phía trước đó. Tuy nhiên, luyện tập là một con đường gồ ghề để phát triển kỹ năng. Việc miêu tả sự luyện tập như một loạt những đoạn lên, xuống khi trượt xuống một quả đồi giúp chúng ta hiểu được một quá trình liên tục được gọi là “Các chu kỳ thành tích”.
Có một khái niệm sai lầm về sự luyện tập dài hạn, đó là quan niệm “chỉ cần trèo thẳng lên núi chúng ta có thể tới được thành công” và rằng “mọi sự đi xuống đều là thất bại”. Những vận động viên và doanh nhân thành công đã cho chúng ta thấy một điều khác hẳn. Họ phác họa con đường tới thành công của họ là một cuộc leo núi mà sau mỗi đỉnh cao là một cao nguyên tiếp nối. Thậm chí sau đó có thể là một con dốc khi chúng ta cần học những khả năng mới để đạt những thành công cao hơn.
Những người có thành tích tốt nhất tăng cường sức mạnh của họ thông qua những gì họ đánh bại. Qua thời gian, những kinh nghiệm họ tích luỹ được khi vượt qua những thách thức giúp họ trở nên mạnh hơn.
Các chuyên gia hiểu và chấp nhận các giai đoạn luyện tập này là có giá trị và cần thiết cho sự tiến bộ lâu dài. Trong thế giới của những người ưu tú nhất trong thể thao và kinh doanh, những tiến bộ trên mọi khía cạnh đều phải được sử dụng để đạt thành công.
Thành tích tức là hành động có tính mục đích cao. Ở chặng đầu tiên của “thành tích dài hạn”, chúng ta biến những kế hoạch trò chơi thành hành động. Chúng ta đã được học, được đào tạo và chúng ta đang tiến về phía đích. Sẽ có một chút công việc nặng nhọc và phải đổ một chút mồ hôi trong suốt quá trình chúng ta đi lên. Bằng cách phá bỏ vỏ bọc của chính mình, chúng ta tiến bộ và ngày càng gần với mục tiêu đã đặt ra. Giai đoạn đầu này thật thú vị. Chúng ta nhiệt tình với những gì chúng ta đang làm và trải nghiệm những thành quả. Sự trưởng thành và những gì chúng ta đạt được khẳng định rằng chiến lược của chúng ta sẽ thành công.
Khi tiếp tục, chúng ta sẽ tới đỉnh cao đầu tiên. Đây là giai đoạn thứ hai của thành tích. Tại giai đoạn này, động lực và mức năng lượng rất cao. Chúng ta cảm thấy mình đang ở trên đỉnh của tất cả và dần thấy thoải mái. Phía trước, chúng ta cảm thấy như mình rất đễ dàng vượt qua cao nguyên và gặt hái những thành quả do công việc vất vả và kế hoạch được chuẩn bị cẩn thận của mình mang lại. Nhưng những vận động viên và thương nhân vĩ đại đều biết rằng thành công liên tục chỉ có thể xảy ra khi một người kiếm tìm sự tiến bộ bằng cách luôn tiến về phía trước. Nếu thành công dài hạn là cái mà chúng ta đang kiếm tìm thì những tiến bộ liên tục trong thành tích chính là cái chúng ta cần. Chúng ta sẽ làm tốt hơn nếu theo sát các chiến lược đào tạo mà chúng ta tham gia, sử dụng tất cả những kỹ năng mới cần thiết vừa học được và sử dụng thành thạo các công cụ thích hợp. Nhưng chúng ta chỉ thực sự tiến bộ và phát triển tài năng của mình khi gặp những thách thức mới ở phía trước.
Giai đoạn thứ ba có thể được phác hoạ là một con dốc, một sự trượt dốc về thành tích. Giai đoạn này thường gây ra sự lúng túng, không thoải mái và đôi khi là cả sự sợ hãi. Đây là thời điểm mà chúng ta phải đối mặt với “vùng không thoải mái” của mình. Những thách thức, những cảm giác ngại ngùng và thậm chí có thể là thời gian mà những lúng túng chúng ta bắt gặp cản được nén chặt vì đó là điều cần thiết để tiếp tục quá trình đạt được thành tích và học hỏi của chúng ta.
Đây là giai đoạn khó khăn nhất nhưng cũng là giai đoạn mang lại nhiều lợi ích nhất. Trong giai đoạn này, chúng ta đổi mới, sáng tạo và tiếp thu kiến thức cũng như kinh nghiệm. Trong tất cả các giai đoạn của chu kỳ thành tích, không một giai đoạn nào mà bạn có thể học hỏi được nhiều như trong giai đoạn này. Bị buộc phải rời “vùng thoải mái”, chúng ta phát hiện ra rằng cần phải đối mặt với những thách thức mới và thay đổi phương thức của minh. Đó chính là khi ta phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn nhằm nắm bắt thành thạo những kỹ năng mới và những yếu tố khác giúp chúng ta tới được cao nguyên tiếp theo. Khi phát triển những khả năng và sức mạnh mới, chúng sẽ trở thành thói quen mới của ta, cho phép ta lại bắt đầu một chu kỳ lặp lại tất cả, và chắc chắn với những hiểu biết của bạn, chu kỳ thành tích tiếp theo sẽ làm tăng sức mạnh cũng như thành tích của chúng ta, thậm chí còn hơn thế nữa.
Khi Tiger Woods lần đầu tiên tới với giải Tour PGA[9], mình anh đã buộc cả sân chơi phải bước vào một đợt suy giảm phong độ, khiến họ phải đánh giá lại, suy nghĩ lại và thay đổi cả cách chơi. Những chiến thắng đáng lưu ý của anh buộc họ phải nâng cao khả năng của họ, và tất cả tạo nên một sự thay đổi trong kỹ năng của những người chơi gôn chuyên nghiệp. Thực ra tất cả mọi người đều buộc phải dấn thân vào giai đoạn khó khăn này, hay nói cách khác chúng ta phải tự buộc mình bước vào giai đoạn đó. Trên đỉnh cao của môn thể thao này, Tiger Woods tự buộc mình phải bước vào giai đoạn thay đổi trong cách chơi sau khi đã giành được một số thắng lợi trong các giải đấu và phá rất nhiều kỷ lục, Tiger quyết định rằng đã đến lúc cần phải thay đổi trong kỹ thuật chơi. Điều đó không dễ dàng nhưng anh đã thành công. Anh đã đánh giá lại, suy nghĩ lại và đối mặt với những thách thức để trở nên tốt hơn. Anh đã dạy những đối thủ của mình và cũng sẵn sàng học nhiều hơn nữa.
Những đội mạnh nhất gồm những huấn luyện viên và vận động viên biết cách để không rơi vào bẫy của sự thoải mái. Họ tìm kiếm những thách thức cam go hơn, cải tiến và xác định lại quy trình huấn luyện và liên tục học hỏi từ những lần bị đánh bại và từ những trở ngại. Những người luyện tập đỉnh cao này trở nên yêu thích vùng không thoải mái”. Cũng có những thời điểm, tất cả những doanh nhân và vận động viên thấy cần phải quay lại với chiếc bàn vẽ mà họ vẫn dùng để phác hoạ chiến thuật.
Giai đoạn giúp chúng ta xây dựng sự tự tin nhiều nhất là giai đoạn sau khi chúng ta đã vượt qua giai đoạn ba và bắt đầu lại đi lên một đỉnh cao mới. Giai đoạn ba mang tới cho chúng ta kinh nghiệm và những động lực thúc đẩy cần thiết để đảm bảo cho bản thân có thể hoàn thành được những mức độ cao hơn, khó hơn. Trở nên tốt hơn và tiến bộ có nghĩa là trải qua chu kỳ, liên tục xoay quanh tất cả ba giai đoạn của luyện tập. Con đường đi lên và đi xuống liên tục được ứng dụng rất khác nhau đối với mỗi chúng ta trong từng năm trong suốt cuộc đời.
Sử dụng mỗi giai đoạn của chu kỳ thành tích này để tạo ra lợi thế là một kỹ năng mà chúng ta có thể học được. Bước đầu tiên là phải nhận thức được rằng con đường tới thành công luôn luôn trong quá trình xây dựng và hình thành. Hãy làm việc chăm chỉ trong quá trình phát triển, chúc mừng bản thân mỗi lần chinh phục được một đỉnh cao nào đó, luôn lưu ý để đừng đi trên cao nguyên quá lâu và sau đó hãy sẵn sàng để học hỏi, để thay đổi và để với tới những mục tiêu cao hơn.
Động cơ của thành tựu có thể hoạt động nhờ đốt cháy từ bên trong hay bên ngoài. Phía xa kia là mục tiêu đang vẫy gọi và kéo chúng ta với tới; tham vọng bên trong khuấy động và thúc đẩy chúng ta tiến lên. Và thông thường, chính những thách thức do những người không ủng hộ chúng ta mang tới lại kích thích chúng ta nỗ lực phấn đấu. Một nữ doanh nhân tại Atlanta – Janice Malone – đã khám phá ra thế giới của những nhà vô địch thế giới Thông điệp tinh thần của họ nói với chúng ta rằng chúng ta hãy tiến về phía trước và hãy chỉ tiến về phía trước thôi!”.
QUAN ĐIỂM “CHỨNG MINH RẰNG NGƯỜI KHÁC ĐÃ SAI” CỦA JEAN DRISCOLL
JANICE MALONE
Hãy từ từ nhấc chân phải lên, đưa nó về phía trước 3 hoặc 6cm, và sau đó lại đặt chân xuống đất. ôi! Tôi sẽ ngã nếu tôi không giữ được thăng bằng. Bây giờ thì hãy bình tĩnh. Xem này! Nếu tôi chỉ giữ cho tâm trí tôi tập trung vào việc giữ thăng bằng cơ thể, tôi sẽ không bị ngã… Bây giờ tôi sẽ nhấc chân trái lên và di chuyển nó về phía trước một bước. Hãy nhìn này, tôi đang tiến lên, từng bước nhỏ một.
Chính nhờ quan điểm tích cực này cũng như sự tập trung từ khi còn rất trẻ, Jean Driscoll đã giành được những thành tích phi thường. Bảng phân loại thành tích trong thể thao của nữ giới đã xếp bà ở vị trí thứ 25 trong số 100 vận động viên nữ hàng đầu thế giới thế kỷ XX. Bà đã hai lần giành huy chương bạc trong các thế vận hội Olympic, 12 lần giành huy chương trong các thế vận hội dành cho người khuyết tật và là người duy nhất đã tám lần chiến thắng trong giải Maraton Boston.
Driscoll ra đời vào giữa những năm 1960. Khi mới sinh, bà đã bị mắc chứng hở vòm miệng và nứt đốt sống – một hội chứng thường gây tử vong ở trẻ em. Bà đã sống sót nhưng các bác sĩ chuẩn đoán rằng bà sẽ không bao giờ có thể đi lại bình thường cũng như đi học tại một trường bình thường được.
Khi đó, có một chuyện đặc biệt đã xảy ra: bà bắt đầu chứng minh rằng các bác sĩ đã sai lầm. Khi lên hai, bà bắt đầu đi được. Dù các dây thần kinh bị hỏng và chúng khiến bà gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng, bà vẫn tới trường cùng các anh chị của mình. Bà nói: ‘Tôi có thể đi nhưng các cơ ở phần dưới cơ thể tôi rất yếu, và tôi rất hay ngã. Nhưng mỗi lần ngã, tôi lại đứng lên”. Driscoll đã học được một điều đó là nếu số lần đứng lên của bà nhiều hơn số lần bị ngã tức là bà đã chiến tháng.
“Đột phá lớn nhất của tôi là tôi đã học được cách đi xe đạp. Điều này đã mở ra trước mắt tôi một thế giới hoàn toàn mới. Tôi có thể tự mình đi khắp nơi. Tôi bắt đầu thấy yêu tự do”.
Ngay từ khi còn nhỏ, Driscoll đã khám phá được bí mật của thành công. Bà nhận ra rằng chỉ có bà mới có thể biến những ước mơ của bà thành hiện thực thông qua nhận thức thấu đáo, thái độ tích cực, niềm tin mạnh mẽ và làm việc chăm chỉ.
Bà cũng phải học các bài học khó hơn như phải giải quyết những thất bại không thể tránh khỏi. Trong những năm đầu tại trường phổ thông, bà đã đi “một khúc cua quá gấp và bị ngã”. Sau đó bà phải trải qua năm cuộc phẫu thuật hông, bà phải đối mặt với sự thật. Bà có thể đi lại bằng nạng hoặc suốt đời ngồi trên xe lăn. Một lần nữa, chân trời lại khép lại, bây giờ bà lại ở trong số “những người không thể bước đi”.
Năm 1984, một lần khi đang xem ti vi cùng cha, bà thấy Sharon Hedrick đến từ trường Đại học Illinois giành huy chương vàng dành cho vận động viên tàn tật đầu tiên tại thế vận hội Olympic. Sharone đã giành chiến thắng trong cuộc đua xe lăn cự ly 800m của nữ. Driscoll nói: “Con muốn một ngày nào đó mình cũng có thể làm được như vậy”. Cha của bà trả lời: “Con yêu, đừng bao giờ hy vọng quá viển vông!”.
Đã đến lúc bà chứng minh với cha mình rằng ông đã sai. Chẳng bao lâu sau, một người bạn tàn tật của Driscoll giới thiệu các môn thể thao trên xe lăn với bà. Bà đã thực sự bị lôi cuốn. Bà sống vì những ngày bà có thể chơi môn bóng đá và bóng chày trên xe lăn. Bà đã lấy lại được cảm giác tự do.
Một lần nữa lại được nhìn thấy đường chân trời bao la, bà đăng ký theo học tại trường điều dưỡng thuộc Đại học Wisconsin. Tuy vậy, sau hai năm bà nhận thấy rằng đây không phải là sự nghiệp dành cho mình. Bà bị đuổi học và rơi vào tình trạng suy sụp nghiêm trọng. Cảm thấy minh chỉ là gánh nặng tinh thần và tài chính của cả gia đình, bà tính chuyện tự sát. Trong nỗi tuyệt vọng, bà bắt đầu nghĩ rằng cuối cùng thì những người không ủng hộ bà đã đúng.
Tuy nhiên, lại một lần nữa quan điểm “chứng minh rằng người khác đã sai” trong bà sống dậy và với niềm tin Chúa phục sinh, một lần nữa bà sắp xếp những mảnh cuộc đời của mình lại với nhau. Bà bắt đầu chơi các môn thể thao trên xe lăn ngày càng nhiều. Và lần đầu tiên bà được chú ý và được huấn luyện viên Brad Hedrick tuyển để chơi cho đội của trường đại học Chicago. Chỉ có một điều kiện duy nhất được đặt ra, đó là bà phải nâng cao được trinh độ của mình. Tại nơi đây, bà học được một bài học nửa về thành công: hy sinh bản thân mình cho mục tiêu đã đề ra. Hãy làm mọi việc cần thiết để đạt được nó, kể cả những việc mà bạn không muốn làm.
Huấn luyện viên của Driscoll, Marty Morse, người đã từng huấn luyện Sharon Hedrick, đã dạy bà rằng thành công đòi hỏi những mục tiêu và rằng những ước mơ chỉ thực sự có ích khi kèm theo đó là các kế hoạch và nỗ lực. Ý tưởng sáng tạo mà ông dạy Driscoll cùng với quyết tâm không ngừng của bà bắt đầu mang hơi thở của cuộc sống tới những ước mơ của bà. ông giúp Driscoll lấy lại sự tập trung mà trước đây nhờ nó bà đã có thể bước đi và hướng sự tập trung ấy tới việc tăng cường sức mạnh phần cơ thể phía trên. Và bà học được một bài học nữa về cuộc sống: Bạn không thể làm được điều đó một mình!
Driscoll bắt đầu coi mình như một vận động viên lớn và khát vọng thực hiện những ước mơ trở nên cháy bỏng hơn. Bà cảm thấy mình có thể làm được những điều bà mong muốn. Điều này khiến bà nhận ra một điều mới mẻ là việc mường tượng được thành công là rất quan trọng để đạt được những mục tiêu đã đề ra. Với sự giúp đỡ của Marty Morse, Driscoll không chỉ đạt được những kỹ năng cần thiết mà còn học được cách xây dựng các kế hoạch bao gồm tất cả các bước cần thiết để vươn tới trình độ cao hơn và cao hơn nữa. Một phần của quá trình đó là xây dựng các mối quan hệ nghề nghiệp và những người tài trợ như là một bộ phận của mạng lưới những người ủng hộ bà. Giờ đây, người phụ nữ đã từng nghĩ tới chuyện tự sát đang trên con đường vươn tới những ngôi sao.
Driscoll bất ngờ được thế giới chú ý và nhìn nhận như một vận động viên tầm cỡ thế giới * người gặt hái các tấm huy chương của các thế vận hội Olympic, người giành chiến thắng trong cuộc thi Maraton cho người khuyết tật trong 7 năm liên tiếp. Điều mà cả thế giới không nhìn thấy, đó là hàng thập kỷ bà phải vượt qua nỗi đau và sự suy sụp, hàng năm ròng phải luyện tập khắc nghiệt và nhiều năm ròng phải trèo qua hết bậc này đến bậc khác để tới được đỉnh cao.
Bây giờ, Driscoll dùng thể thao để chứng minh thế giới đã sai lầm về những người tàn tật. Bà đã dạy quân đội Mỹ, Hãng Nike, Hãng Lucent Technologies[10], Easter Seals, và hàng trăm tổ chức khác những bí quyết của thành công – điều đã giúp bà đạt được chức vô địch. Có thể bạn không phải là người phát ngôn của Ocean Spray, United Airlines hay Litehouse Foods giống như Jean Driscoll nhưng nếu bạn lắng nghe thông điệp của bà, thành công có thể sẽ trở nên quen thuộc hơn đối với cuộc sống của bạn.
Bà nói với chúng ta rằng: “Hạn chế lớn nhất trong cuộc sống chính là những hạn chế mà chúng ta tự gán cho mình hoặc là những người khác gán cho ta. Trong suốt cuộc đời mình, luôn có người bảo tôi rằng tôi không thể làm được điều này hay điều kia. Và chính điều đó đã thiêu đốt ngọn lửa của lòng mong muốn được chứng minh bản thân trong tôi và giúp quan điểm chứng minh rằng người khác đã sai của tôi trở nên mạnh mẽ đến vậy”.
“Cuộc sống giống như một trường học. Bạn phải trải qua một kỳ thi rồi sau đó mới được tiếp tục kỳ thi tiếp theo”.
BETTY MORGAN
Trong lúc khẩn cấp, những thủ lĩnh sẽ xuất hiện để thực hiện sứ mệnh. Đôi khi những người anh hùng đó là những người vô danh bị tác động bởi các cơn khủng hoảng. Đôi lúc, đó lại là những con người mà tài năng lãnh đạo của họ đã được những bi kịch không được báo trước kiểm định. Dù trong trường hợp nào, định nghĩa về thành công đều rất gần với sự sống sót. Lance Mead – một người New York – biết rất nhiều về tìm kiếm những con người đặc biệt. Công ty của ông – một công ty chuyên về lĩnh vực tiếp thị thông tin * luôn kiếm tìm rất sát sao những con người tài năng với những câu chuyện phi thường.
TẢNG ĐÁ RUDY
J LANCE MEAD
Tất cả chúng ta đều muốn làm được một điều gì thật khác biệt với những người khác. Một vài người trong chúng ta chưa bao giờ có cơ hội để làm được điều đó; một số khác có được cơ hội là nhờ tác động của hoàn cảnh bên ngoài – và khi làm như vậy họ đã buộc phải chống trả lại ngoại cảnh.
Đối với nhiều người trong số chúng ta, thế giới đã thay đổi vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Một nền móng vững chắc mà từ trước tới nay chúng ta coi nó là đương nhiên đã lung lay. Không một nơi nào trên thế giới người ta có thể cảm nhận được rõ ràng và sâu sắc những tác động của sự kiện này như những người dân sống tại thành phố New York. Sự sụp đổ hoàn toàn của Trung tâm Thương mại Thế giới đã cướp đi sinh mạng nhiều người, phá vỡ hạnh phúc nhiều gia đình, phá huỷ nhiều công ty và vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới cuộc sống của tất cả chúng ta.
Đứng giữa đống đổ nát của Trung tâm Thương mại Thế giới là Thị trường của thành phố New York, ông Rudy Giuliani, ông đã chứng tỏ lòng dũng cảm, bản lĩnh anh hùng và đức hy sinh của những con người phục vụ vì quyền lợi của xã hội. Trong suốt thời gian đó, ông đã luôn có mặt tại hiện trường nơi xảy ra thảm họa. Giuliani, một bệnh nhân ung thư đang trong tình trạng sức khỏe không tốt, đã trở thành tảng đá vững chắc mà tất cả người dân New York dựa vào để có được lòng kiên trì trong suốt những giờ, những ngày, những tuần và những tháng cố gắng sau đó.
Trước đây chưa một người dân nào từng đối mặt với một hành động khủng bố dữ dội như thế này. Nhiệm vụ của Giuliani là làm chậm lại quá trình tiến triển của sự kiện được ví như một cơn lốc xoáy đang xảy ra xung quanh ông; từ đó, truyền cho tất cả những người đang tham gia vào công việc khôi phục lại thành phố sự bình tĩnh của mình. Các biện pháp cần được tiến hành ngay lập tức để sắp xếp một khối lượng công việc khổng lồ do hãng nghìn người thuộc nhiều ban ngành tham gia, các cơ quan chính phủ và các tổ chức tình nguyện. Thông tin được truyền đi không ngừng và từng phút trôi qua, cả thế giới đều hướng về New York.
Giuliani cho rằng hầu hết tất cả những khả năng ông vận dụng để giải quyết các vấn đề trong sự kiện 11 tháng 9 có được là do sự nuôi dưỡng và giáo dục của cha ông. Ông nói rằng: ‘Trước đây tôi thường nghe cha tôi nói rằng: ‘Con trai, nếu xảy ra một cơn khủng hoảng hay một trường hợp khẩn cấp hoặc nếu hỏa hoạn xảy ra và tất cả mọi người xung quanh con đều rất mất bình tĩnh, con phải là người bình tĩnh nhất trong phòng và con sẽ có thể xác định được con đường để thoát khỏi cơn khủng hoảng đó. Hãy luôn bình tĩnh hơn! Nếu con bắt đầu cảm thấy hốt hoảng và sợ hãi. con hãy bắt bản thân mình gạt vấn đè đó ra và hãy tự nhủ: Bây giờ tôi phải thật bình tĩnh để tìm ra lối thoát’”.
Trong cuộc sống của mình, Giuliani đã luôn đối mặt và vượt qua những thách thức mà người khác cho là không thể vượt qua được. Là một ủy viên công tố, ông đã chiến đấu với những tổ chức tội phạm, ông được bầu làm thị trưởng thành phố New York, ông đã giành được thị trường cá Fulton từ tay của Mob. Ông đã điều ứng được những người lái taxi khi họ đe dọa sẽ làm cho giao thông ở Manhattan bị đình trệ. ông cam kết sẽ dành cả cuộc đời mình cho những người phụ thuộc vào ông và ông sẽ không bao giờ làm họ thất vọng.
Trong cuộc trỏ chuyện cuối cùng với cha mình – khi đó cha ông sắp qua đời vì bệnh ung thư – Giuliani đã hỏi trong cuộc đời mình đã bao giờ ông cảm thấy sợ hãi chưa. Cha ông trả lời: “Cha đã luôn luôn sợ hãi. Nhưng vấn đề không phải là con có sợ hãi hay không mà là con vẫn làm những gì con phải làm ngay cả khi con cảm thấy sợ. Đó chính là ý nghĩa đích thực của lòng dũng cảm”. Những lời nói này đã góp phần giúp Giuliani trở thành “người vững chắc như đá”.
Giuliani đã thực hiện được những bài học của cha mình, vượt qua những cú sốc và nỗi kinh hoàng của sự kiện 11 tháng 9 và đã biến thành công của cuộc đời mình thành lời thách thức của thành phố New York đối với những tên khủng bố: Chúng tôi vẫn còn ở đây và chúng tôi vẫn còn mạnh.
Có thể là Giuliani cũng sợ hãi nhưng ông đã có can đảm để làm những việc mà ông phải làm. Ông nói: “Tôi luôn hiểu rằng cần chế ngự được nỗi sợ hãi chứ không phải làm nó biến mất hoàn toàn, nó sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống”.
Với một đất nước đang có chiến tranh, thành công nghĩa là chiến thắng. Với một người lười, thành công nghĩa là sống sót trở về. Việc vượt qua những vết thương cũng là một góc nhìn khác về thành công nhưng thành công lớn nhất chính là trở về, không những không bị suy yếu mà còn mạnh hơn đế tận hưởng cuộc sống, thậm chí là truyền sinh lực, cảm hứng của mình cho những người khác. Andrew Hail, một chuyên gia marketmg tại Vương quốc Anh, kể cho chúng ta nghe câu chuyện về quyết định đi lên trong cuộc sống, vượt qua tất cả những điều, làm con người nản chí của một người đàn ông.
GƯƠNG MẶT NỔI TIẾNG NHẤT TẠI VƯƠNG QUỐC ANH
ANDREW HALL
Đó là năm 1982. và nước Anh đang bị cuốn vào cuộc chiến Falklands[11]. Simon Weston lúc đó là một binh nhì trong quân đội Anh – một tân binh bình thường chiến đấu trên một chiếc tàu đổ bộ có tên Sir Galahad (Ngài Galahad). Khi Weston đang bận rộn trên boong tàu, anh nghe thấy tiếng loa báo động: “Báo động đỏ, có máy bay tán công! Tất cả rời boong tàu! Xuống dưới!” Weston nhìn lên hy vọng trông thấy một chiếc máy bay địch. Bên trên quả đồi xuất hiện một chiếc máy bay phản lực Skyhawk – ban đầu chỉ là một chiếc rồi sau đó là hai, ba và bốn chiếc. Không hề được bảo vệ, tàu Sir Galahad chính là mục tiêu của đợt không kích này. Weston chỉ kịp nhìn thấy một quả bom va mạnh vào con tàu, xuyên qua mạn tàu và trượt cách chỗ anh đang ngồi hơn 300m.
Sau vài tích tắc chỉ còn lại sự im lặng. Và sau đó một quả cầu lửa bùng lên. Trong một khoảnh khắc, tất cả những đầu dây thần kinh của Weston đều bị đốt cháy. Những người đồng đội và những người bạn mà anh vừa nói chuyện chỉ vài giây trước đó thôi đều đang bốc cháy ngay trước mắt anh. Người vệ binh mạnh mẽ, dày dạn kinh nghiệm thường ngày đang nhăn nhó vì đau đớn trước mặt anh, nhưng cánh tay đang chảy ra, vươn dài trăng trối gọi mẹ. Khi cố gắng để giúp đỡ mọi người, Weston nhận ra rằng đôi tay của anh đã trở nên vô dụng, trơn trượt như thể bị nhúng trong xà phòng và da thịt của anh như đang chảy ra vì sức nóng.
Do nửa người bị bỏng nặng, Weston dường như đã tới rất gần cái chết. Câu chuyện của anh đã thu hút sự chú ý của các phóng viên tài liệu từ đài BBC và cả dân tộc đã chia sẻ với anh nỗi đau cũng như niềm vui phục hồi khi anh phải trải qua 75 cuộc phẫu thuật lớn thời gian sau đó.
Cuối cũng thì Weston cũng có thể trở về nhà tại thung lũng Wales, mọi thứ dường như không mấy thay đổi. Nhưng với Weston, do đã bị biến dạng và đôi tay tàn phế, tất cả mọi thứ đều khác xưa. Trước kia anh từng là một người lính đầy lòng tự hào, mạnh mẽ và có năng lực; giờ đây anh cảm thấy mình chỉ là một người phụ thuộc, vô giá trị và sống không có mục đích.
Cũng như những người khác sống sót trong cũng hoàn cảnh với anh, Weston rơi vào tuyệt vọng bất chấp tình yêu và sự ủng hộ mà mọi người trong gia đình dành cho mình. Anh trở thành một người nghiện thuốc giảm đau và tìm đến rượu. Trong cơn suy sụp tinh thần tồi tệ nhất, anh đã tìm cách tự sát.
Và cũng chính thất bại khi cố tự sát bằng nỏ đã lái cuộc đời anh ngoặt sang một hướng khác. Khi anh vật lộn để cầm chiếc nỏ, đôi bàn tay yếu ớt của anh mất hết sức mạnh và không thể nắm lại được. Dây nỏ bật lại rất mạnh và gần như cắt đứt những ngón tay còn lại của anh. Điều này đã gợi cho anh nhớ ra rằng mình vẫn còn rất nhiều thứ để mất.
Như vẫn thường xảy ra trong cuộc sống, khi học sinh đã sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện. Nguồn động viên và động lực lớn nhất đối với Weston khi đó hoá ra lại là một người không khác anh – một người cũng đang phải chịu đựng các vết thương – bạn anh, Jonathan. Một người lính Ireland tại Crossmaglen đã bắn xuyên cổ của Jonathan. Bác sĩ nói với anh rằng anh sẽ không bao giờ có thể đi được nữa và cũng không còn khả năng sinh con. Nhưng
Jonathan lại quyết định ngược lại. Bỏ ngoài tai những chẩn đoán của bác sĩ, Jonathan tới quán rượu cũng Weston để tham gia vào cuộc nhậu đầu tiên kể từ khi bị thương. Được tiếp thêm sức mạnh bởi lòng tự hào, Jonathan lảo đảo, lác lư tiến về phía những người bạn cũ. Weston nói thêm: “Cuối cùng, khi tôi tới bên bàn thì đồ uống cũng đã vơi đi một nửa, và chắc chắn họ cũng đã khá say”. Ngày nay, Jonathan đã là cha của hai đứa trẻ sinh đôi.
Một ý tưởng mới bắt đầu hình thành trong tâm trí Weston. Anh bắt đầu hiểu rằng “điều gì đã xảy ra trong cuộc sống không phải là vấn đề, mà bạn làm gì để giải quyết chuyện đó mới quan trọng”. Thay vì cho rằng khuôn mặt bị biến dạng của mình là một gánh nặng, anh bắt đầu nghĩ rằng đó chính là một trong những tài sản của mình: và bây giờ anh chính là người có khuôn mặt dễ nhận nhất nước Anh! Tất cả mọi người, từ hoàng tử xứ Wales cho đến những người lái xe taxi đều dõi theo từng bước chân của anh. Và anh nhận ra rằng những cơ hội để tạo nên sự khác biệt trên thế giới đều nằm trong tầm với của mình. Tất cả những việc anh phải làm là hành động để nắm lấy những cơ hội ấy.
Kể từ đó, giống như một cầu thủ bóng bầu dục – cầu thủ có nhiệm vụ là giữ bóng và chạy liên tục – Weston cũng đã luôn hướng về phía trước. Sự tàn tật và biến dạng của anh bây giờ chỉ được coi là một tai nạn nhưng cách anh biến bi kịch thành cơ hội chắc chắn không phải là sự tình cờ. Ngày nay, khi tới thăm Weston, bạn sẽ thấy một người đàn ông hoàn toàn làm chủ cuộc đời và số phận của mình.
Weston đã sử dụng lợi thế ảnh hưởng chính trị mà hoàn cảnh có một không hai của ông mang lại. Hiện nay ông là một phát ngôn viên và nhà Vận động xã hội thành công. Ông là tác giả của cuốn tự truyện bán chạy nhất có tên Bước đi ngẩng cao đầu (Walking tall), và cũng là nguồn động viên tinh thần của hàng nghìn thanh niên thông qua hội từ thiện của ông – Tinh thần của Weston. Nếu hỏi ông rằng ngày nay điều gi làm nên sự khác biệt, Weston sẽ nhắc lại lời nhận xét của người bạn thân nhất của ông trên tàu Sir Galahad: “Sự khác biệt giữa cậu và tớ, Simon ạ, chính là cậu cảm thấy may mắn khi sống sót còn tớ thì cảm thấy may mắn khi không bị chết”.
Điểm mấu chốt dẫn tới thành công của Weston không chỉ là cách nhìn đời lạc quan mà còn là sự từ chối việc tham gia vào những sự kiện tiêu cực liên quan đến cuộc chiến tranh Falklands. Weston đã bỏ lại tất cả những vấn đề đó và không theo đuổi bất kỳ sự hận thù nào. Chính thái độ này đã giải phỏng ông, giúp ông rút ra những bài học tích cực từ kinh nghiệm trên và sử dụng chúng như những công cụ để “đảm bảo rằng quá khứ cũng có một tương lai”.
Nhờ ý chí sắt đá và sự hóm hỉnh đến chua cay, Simon Weston đã được thúc đẩy bởi những động lực có một không hai. Một trong những câu chuyện mà ông ưa thích là câu chuyện về một đêm đi chơi của ông và hai người đàn ông bị thương nặng khác. Một người là “Noel” * người đã mất cả hai chân và một cánh tay trong một vụ nổ bom do IRA (Quân đội Cộng hòa Ireland) tiến hành, và người kia là “Speedy” – người đã bị gãy lưng trong một tai nạn khi chơi thể thao. Khi ba người đang trên đường quay về trụ sở, họ nghe thấy một giọng nói phát ra từ bóng tối. Đó là một người ăn mày, trông hoàn toàn bình thường, và người đó nói: “Xin các ngài, hãy cho tôi tất cả số tiền mà các ngài có! Tôi cần tiền của các ngài!”. Ngạc nhiên về sự táo tợn của người ăn mày, cả ba người đàn ông tàn tật đều nhìn anh ta chằm chằm và sau đó quay đi cùng cười với nhau. Nhưng người ăn mày vẫn chưa thôi. Anh ta nói với theo: “Các ngài, hãy nhớ rằng trên đời này luôn có những người còn khổ hơn các ngài nhiều!”
Và đó là câu chuyện mà Simon không bao giờ quên
Tìm kiếm thành công bằng cách làm những việc trong khả năng là việc hoàn toàn có thể kìm được và đáng làm, nhưng điều đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Thử thách khó khăn nhất chính là bạn có thể làm tốt những việc mà bạn không hề được chuẩn bị dù là do ngẫu nhiên hay do tự nhiên mang tới. Là một nhà lãnh đạo kinh doanh tại California, Linda McCarthy tìm kiếm thành công tại những nơi mà người khác cho là không thể có cơ hội.
KHẢ NĂNG CỦA THÀNH CÔNG
LINDA MCCARTHY
Đây là câu chuyện về việc vượt qua những thách thức, làm chính xác những việc mà người khác cho là không
thể làm được. Đây là câu chuyện về bi kịch và những định kiến đã được chuyển thành chiến thắng và tiến bộ.
Carol Leish đã vượt qua rất nhiều thách thức kể từ khi có mới 10 tháng tuổi. Khi đó, một tai nạn xe hơi đã khiến cô bị mắc tật nói lắp, bị bệnh run tay mãn tính và bị mù một mắt. Vào năm 1963, một tài xế say rượu đã lái xe đâm vào chiếc Volkswagon Beetle từ phía sau. Khi đó chưa có luật quy định về thắt dây an toàn chỗ ngồi dành cho trẻ nhỏ. Bé Carol được đặt trong khoang chứa đồ ở phía sau xe, còn hai anh trai của bé ngồi ở ghế sau. Mẹ và hai anh trai của Carol bị thương nhẹ, nhưng Carol, do ở phần xa nhất của đuôi xe, đã phải chịu toàn bộ sức ép của vụ đâm xe này. Carol bị tổn thương não rất nặng và bất tỉnh trong mười ngày. Cuối cùng, khi cô bé tỉnh lại, bác sĩ chuẩn đoán rằng cô bé sẽ không bao giờ có thể hoạt động như người “bình thường” được nữa.
Đúng lúc bạn nghĩ mọi việc thế là hết, thì đó là thời điểm thích hợp để bắt đầu
Khi Leish lớn lên, mọi người trong gia đình và bạn bè đối xử với cô như những đứa trẻ khác. Cha mẹ cô thấy không cần thiết phải gửi cô tới một lớp học đặc biệt vì như vậy chỉ làm giảm sự phát triển của cô mà thôi. Họ muốn cô đạt được những khả năng mà họ nghĩ là cô có để xây dựng lòng dũng cảm và sự tự tin để có được một cuộc sống tốt đẹp, có ích.
Như chúng ta đã biết, một đứa trẻ không bình thường sẽ phải chịu những tác động từ xã hội. Cô cũng bị trêu ghẹo và bị bắt chước điệu bộ như bao đứa trẻ khác nhưng với mức độ thường xuyên hơn. Cô rất khó kết bạn, nhưng do sự nuôi dưỡng của cha mẹ đã hướng cô theo quan điểm “có thể” nên cô chỉ tập trung vào những mặt tích cực trong cuộc sống và trân trọng những người bạn mà cô có.
Dường như cuộc đời chưa đủ trớ trêu với Carol Leish, mẹ cô qua đời sau một trận ốm nặng trước khi Carol tròn 14 tuổi. Điều này là một tổn thất lớn với Carol khiến cô thực sự tuyệt vọng. Cô bắt đầu đi gặp tư vấn, họ đã giúp cô xây dựng tính hài hước như là một biệt dược chống lại sự suy sụp tinh thần và bi quan.
Ở trường phổ thông, Leish tự thử thách sức khỏe của mình bằng cách học pinano, tập điều khiển tay trong khi học cách hợp âm theo khả năng chơi đàn của mình. Cô tham gia đội tuyển bơi của trường và rất nhanh sau đó trở thành người có nhiều tiến bộ nhất đội. Cô bắt đầu làm việc với những tư vấn viên của văn phòng phục hồi chức năng của bang. Họ cho cô luyện rất nhiều bài tập phối hợp tay và mắt nhưng cô đã không vượt qua được những bài kiểm tra đó. Khi cô bắt đầu nghĩ tới việc đi học đại học, mọi người đều khuyên cô không nên làm việc đó mặc dù cô không gặp trở ngại nào về học thức.
Điều thú vị nhất trong cuộc sống là làm những điều mà người khác nói bạn không thể làm được
Sự cố gắng, nỗ lực chính là 100% những việc mà chúng ta làm trong cuộc sống, và một lần nữa quan điểm “có thể’’ của Leish lại trỗi dậy. Bỏ qua những lời khuyên của trung tâm phục hồi, cô đi học đại học. Bệnh run tay làm cô không thể ghi lại bài giảng trên lớp nên cô khắc phục bằng cách ghi âm lại các bài giảng đó và sử dụng một máy chữ xách tay. Một lần nữa Leish lại chứng minh rằng các chuyên gia đã sai, cô tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại B. Cô tiếp tục theo học để lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành giáo dục và tư vấn tại trường đại học bang California, San Bernardino, tốt nghiệp với điểm trung bình 3,6.
Leish nói rằng có rất nhiều người nhầm lẫn tình trạng của cô với căn bệnh bại não – đó là tình trạng không thể điều khiển được các cơ do não đã bị tổn thương trước hoặc trong khi sinh. Họ cũng cho rằng cô bị điếc vì cô nói rất chậm và nói lắp (mà triệu chứng này thể hiện rất rõ), hoặc rằng cô đang không chú ý được vì mắt trái của cô bị đưa đi đưa lại.
Những kết luận đó đã thúc đẩy Leish trở thành một nhà tư vấn cho những người khuyết tật. Bà khai trương công ty của mình – Dịch vụ Hãy Gọi Tôi Là Có Thể (Call Me Capable In-Serâces) vào năm 1997. Bà nhận ra rằng mọi người đều rất thật lòng muốn giúp đỡ và lịch sự với những người tàn tật, vì vậy chương trình của bà hướng dẫn họ cách để trở nên nhạy cảm hơn và mở rộng tầm nhận thức của họ. Bà nói: “Mục tiêu của tôi là xoá bỏ những định kiến mà trước đây mọi người thường áp đặt cho người tàn tật. Tôi tin rằng giáo dục trong lĩnh vực này sẽ giúp mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc với những người tàn tật, và tất cả chúng ta đều trở nên hữu ích hơn”. Tuy nhiên bà cũng nhấn mạnh rằng, những người bình thường không phải là những người duy nhất cần thay đổi quan điểm, cả những người tàn tật cũng nên tập trung vào khả năng hơn là những hạn chế của mình.
Khi tập trung vào những khả năng này, Leish đã ngày càng trở nên nổi tiếng và bà cũng đã nhận được một số giải thưởng cho những thành tựu xã hội đạt được trong việc xây dựng sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Trong các giải thưởng đó phải kể đến: giải Gương mặt tiêu biểu nhất của thanh niên Mỹ (Chung kết tại California), 1998, do Phòng Thương mại Mỹ trao tặng; giải Thanh niên tiêu biểu bang California, 1998, do Phòng Thương mại bang California trao tặng; giải Tinh thần làm việc theo mạng lưới, 1997 – 1998, do Tổ chức liên hiệp Phụ nữ hạt Ventura trao tặng.
Tương lai thuộc về những người tin vào sự tươi đẹp của giấc mơ.
ELEANOR ROOSEVELT
Carol đã tập luyện giọng nói run và chậm chạp của mình để có thể thu hút sự chú ý từ phía người nghe trong các công ty, tại các trường học, bệnh viện, câu lạc bộ và các tổ chức phi lợi nhuận. Bà đã mời các thính giả của mình cùng tham gia những chuyến đi cá nhân của bà nhằm vượt qua những thử thách về khả năng nhìn và nói của mình. Bà vận dụng sự hiểu biết và nhiệt tâm của mình để giải quyết môn học nhạy cảm này sao cho có thể khuyến khích và giáo dục được người nghe. Trớ trêu thay, một trong những khách hàng hiện nay của bà lại chính là người thuộc văn phòng phục hồi chức năng của bang – người mà khi bà còn học phổ thông đã khuyên bà nên từ bỏ ý định học đại học.
Một phần rất quan trọng trong bài thuyết trình của Leish có tên là “Hãy gọi tôi là Có thể”. Đây là một trò chơi bà thiết kế tại trường đại học khi theo học lấy bằng thạc sĩ. Trò chơi thực ra là một cuộc thảo luận không mang tính cạnh tranh cho cả người lớn và trẻ em. Những người chơi sẽ đi quanh một chiếc bàn, nơi họ phải chọn lấy những tấm thẻ viết những câu hỏi đòi hỏi suy nghĩ như “Làm thế nào để tham gia một tiệc khiêu vũ nếu như bạn không thể nghe?” Trò chơi vừa cung cấp những kinh nghiệm thú vị, vừa là cách để thúc đẩy sự chấp nhận và cảm thông đối với những người tàn tật.
Sáng tạo và phổ biến trò chơi này chính là giấc mơ của Leish, và vào tháng 11 năm 2001, giấc mơ này đã trở thành hiện thực. Thông qua sự kết nối mạng lưới, bà đã biết đến Hệ thống Học tập Franklin. Hệ thống này đã “bật đèn xanh” để “Hãy Gọi Tôi Là Có Thể” được giới thiệu trên thị trường toàn nước Mỹ.
Chúa ban cho tôi sự bình thản để chấp nhận những gì tôi không thể thay đổi lòng dùng cảm để thay đổi những gì tôi có thể thay đổi và sự hiểu biết để nhận ra sự khác biệt.
– Lời nguyện cầu cho sự bình thản.
REINHOLD NIEPUHR
Leish nhìn thấy trong mỗi thử thách một cơ hội để tìm ra những giải pháp mang tính xây dựng, những con đường để sáng tạo và cả tính hài hước trong từng trường hợp cụ thể. Trong cuộc đời của Leish có nhiều điều trớ trêu: cho dù bị suy sụp tinh thần, bà vẫn hoà nhập vào cộng đồng, vẫn làm những công việc tập thể; chỉ với một con mắt cùng đôi bàn tay run rẩy, bà học cao hơn 90% dân số còn lại; với giọng nói lắp bắp, chậm chạp, bà đã trở thành một người thuyết trình về động cơ của con người.
Sức mạnh và tinh thần bà có được là nhờ vào những tấm gương các anh hùng lịch sử mà bà yêu thích. Kinh thánh, Ex 4:10-16 kể với chúng ta rằng Moses đã có một bài phát biểu ngăn cản hành động này nhưng đó chính là bản thông điệp về cuộc sống mạnh mẽ nhất từng có trong lịch sử. Helen Keller-một người bị mù và điếc – nói: “Tôi cảm ơn Chúa vì tôi đã bị tàn tật. Vì nhờ sự tàn phế, tôi tìm thấy bản thân tôi, công việc của tôi và cả Chúa của tôi”. Thomas Edison cũng có những khó khăn trong học tập; Abe Lincoln phải trải qua sự suy sụp tinh thần nặng nề và Beethoven bị điếc trong khi soạn Bản Giao Hưởng số 9 của ông.
Leish chấp nhận rằng Chúa cũng giao cho bà một nhiệm vụ quan trọng. Bà nói: “Qua những bài học về cuộc sống, tôi nhận ra mục tiêu của tôi chính là giúp đỡ những người khác”. Ralph Waldo Emerson nói: “Cuộc đời là một chuỗi các bài học mà chúng ta phải sống để hiểu những bài học đó”. Tôi đã học và sẽ tiếp tục học những bài học để có thể giáo dục được những người khác, làm cho họ càng nhận biết rõ về khả năng của mọi người. Vì vậy, hãy nhớ gọi tôi là Có thể và gọi chính bạn là Có thể hơn nữa.
Thành công có giá trị nhất khi tất cả những bất lợi đều quy tụ lại để chống đối bạn. Đó là lý do tại sao bạn sẽ cảm thấy hài lòng nhất khi làm tốt một việc mà trước đây bạnlàm rất tồi. Nhưng để nhận ra và đánh giá đầy đủ mức độ thành công của mình, bạn sẽ thấy không thành công nào ngọt ngào hơn thành công đạt được bằng cách luôn làm chủ trong những tình huống hoàn toàn không được mong đợi Marty là một cố vấn tài chính tại Northridge, California, đã biết được những giá trị này một cách trực tiếp.
ĐÔI ĐIỀU CHIA SẺ CỦA LAFF
MARTHA “MARTY” LAFF, CLU
Một vài tuần trước đây tôi đã chứng kiến bạn tôi, Ruth – một doanh nhân trong nhóm của tôi – khổ sở vì việc phải có vài lời phát biểu về người bạn yêu dấu của cô. Cô nhớ anh và muốn thể hiện tình yêu, sự thấu hiểu và tôn trọng của cô đối với anh trước những người tới tham dự lễ truy điệu của anh nhưng ý nghĩ phải nói trước mặt một nhóm nhiều hơn ba hoặc bốn người làm cô thấy sợ hãi. Tôi có thể nhận thấy cô hồi hộp như thế nào và mạnh mẽ như thế nào để bày tỏ lòng ngưỡng mộ của cô đối với người bạn quá cố của mình. Nỗi sợ của Ruth cũng là nỗi sợ mà trước đây tôi đã từng biết rất rõ.
Năm 1978, tôi tham dự một câu lạc bộ phụ nữ có 50 thành viên. Sau lời khai mạc, chúng tôi được thông báo phần tiếp theo của chương trình là tự giới thiệu về mình. Tôi chứng kiến 25 phụ nữ tự giới thiệu về mình trước tôi. Dường như họ rất thoải mái, đĩnh đạc và lịch sự. Dần dần, tôi bắt đầu cảm thấy run. Đầu tiên, tay tôi ướt rượt. Và sau đó miệng tôi khô dần. Cứ sau mỗi lượt giới thiệu mới của mọi người, tôi lại so sánh với mình, nhẩm tính từng lý do khiến tôi có thể thất bại: Tôi không được chuẩn bị, tôi không đưa ra các thông tin phù hợp vào đúng thời điểm phù hợp, mọi việc sẽ không suôn sẻ. Tôi cứ ngồi xem và lo lắng. Đã 20 phút trôi qua và sau đó cũng đến lượt tôi. Ôi, thật là kỳ quặc, đó là lượt của tôi!
Tôi đứng lên, hai đầu gối run lặp cập, nhưng vẫn cố gắng chọn lựa những từ ngữ phù hợp để nói. Hít một hơi thật sâu và tôi bắt đầu mở miệng.
Không một từ nào phát ra.
Tôi đấu tranh với bản thân và cảm thấy nghẹt thở. Nhưng không có một lời nói có nghĩa nào phát ra từ miệng tôi cả. Tôi đã hoàn toàn mất giọng! Tôi ngồi xuống, bối rối và xấu hổ đến mức muốn mình biến mất. Tôi gần như sắp khóc. Sau cuộc gặp mặt, một vài phụ nữ tốt bụng đã tới, nói chuyện với tôi và chúng tôi trao đổi danh thiếp với nhau.
Tối hôm đó là một bước ngoặt với tôi. Ngay lúc đó và tại nơi đó tôi đã quyết định rằng cần cải thiện kỹ năng thuyết trình ngay lập tức vì nếu tôi còn duy trì tình trạng đó trong công việc, tôi sẽ kém thành công hơn rất nhiều. Mục tiêu của tôi là phải nói một cách thoải mái, tự nhiên và thanh thoát trước bất cứ đám đông nào. Nhưng làm sao tôi có thể làm được điều đó khi mà tôi thậm chí không thể thốt ra một câu nào trước mặt mọi người?
Trong những tuần tiếp theo, rất nhiều người trong nhóm phụ nữ đó đến để giúp đỡ tôi. Họ giúp tôi cảm thấy thoải mái và khẳng định với tôi rằng chính họ cũng từng phải đối mặt với những vấn đề tương tự. Khi tôi xin họ lời khuyên, họ nói với tôi rằng tôi nên tập các bài tập hít thở và thư giãn; đồng thời, họ cũng khuyên tôi nên viết ra bài giới thiệu của mình, mường tượng tới sự thành công và tập luyện hàng ngày trước gương. Họ khuyến khích tôi mua một máy ghi âm để tự đánh giá sự tiến bộ của bản thân.
Họ đã rất quan tâm tới tôi. Dưới sự hướng dẫn của họ tôi thực sự cảm thấy mình là một phần trong nhóm. Sau một tháng, tôi quay lại cuộc gặp mặt sau khi đã luyện tập chăm chỉ theo những lời khuyên của họ. Khi tới lượt mình phải giới thiệu, tôi đứng lên và ít nhất cũng đã nói được tên và lĩnh vực kinh doanh của tôi. Với một số người, đó chỉ là bước khởi đầu của sự thành công, nhưng với tôi điều đó có ý nghĩa hết sức to lớn. Điều đó không hề dễ dàng và chắc chắn nó không phải là hoàn hảo, nhưng đó là một bước nhỏ mà tôi đã đạt được trong việc phá bỏ hàng rào cản trở của nỗi sợ hãi trên con đường dẫn tới thành công lớn hơn khi nói trước đám đông.
Tuy nhiên câu chuyện vẫn chưa kết thúc.
Những năm sau, tôi tham gia một số cuộc gặp gỡ của các nhóm khác, xem các diễn giả khác phát biểu trước khán giả. Sau đó, tôi hỏi họ vài câu hỏi, bắt chước phong cách của họ, và tìm kiếm mọi cơ hội để được nói và tiếp tục luyện tập những kỹ năng mới. Tôi học cách tham gia tình nguyện trong các tổ chức, giúp đỡ tổ chức các buổi gặp mặt, tham gia vào các hội đồng, tổ chức những cuộc nói chuyện về tiếp thị, và nói chung làm tăng thêm giá trị cho nhóm bất cứ nơi đâu có thể.
Khoảng 4 năm sau, tôi tình nguyện tham gia xây dựng tổ chức Liên minh các Nhà Bảo hiểm Đời sống Phụ nữ Los Angeles. Trong một năm, tôi trở thành chủ tịch của tổ chức này.
Những năm sau, với tư cách là cựu chủ tịch, tôi tổ chức một cuộc gặp mặt thành viên đặc biệt. Cuộc gặp mặt này được thiết kế nhằm thu hút sự ủng hộ nhiều hơn nữa từ phía các đại lý bảo hiểm khu vực Los Angeles. Có khoảng 70 người tham dự cuộc gặp mặt này. Trong số đó, có cả những giám đốc của các đại lý bảo hiểm và những nhà hợp tác kinh doanh quan trọng nhất tại Los Angeles.
Người phát ngôn từ phía khách mời là một thành viên của Hội Bàn tròn Một triệu Đô la. Chúng tôi đã có các nhà đồng tài trợ và các quầy bán tự động. Buổi sáng hôm đó thời tiết rất đẹp. Chúng tôi đã tạo được một nguồn năng lượng tích cực và mọi người đều cảm thấy thật tốt vì đã có mặt. Người quản lý của tôi ngồi đối diện với tôi. Là người chủ trì, nhiệm vụ của tôi là phải tạo không khí cởi mở.
Khi tôi đứng lên để phát biểu, chiếc váy da lộn rất đẹp và đắt tiền của tôi bị rách cạp và tụt xuống chân. Người quản lý của tôi và tất cả mọi người đều nín thở. Làm sao chuyện này có thể xảy ra? Tôi có thể làm gì đây? Lúc đó, thời gian như ngừng trôi.
Tôi tập trung toàn bộ tinh thần để suy nghĩ xem điều gì sẽ là tốt nhất cho nhóm của tôi. Chúng tôi cần được tôn trọng; chúng tôi cần được họ coi là ngang hàng. Chúng tôi muốn được chấp nhận và công nhận là những người đại diện cho tài năng trong ngành kinh doanh của chúng tôi. Trong tích tắc, tôi đã quyết định được sự lựa chọn của mình. Run ư? Rời bỏ sân khấu ư? Khóc ư? Không! Không một điều gì trong những điều kể trên có thể giúp chúng tôi hướng tới mục tiêu của mình.
Thay vì run sợ, khóc hay bỏ trốn, tôi nhoài người và kéo váy lên, đặt nó trở lại đúng vị trí. Tôi bước lên bục, mỉm cười, nhìn tất cả mọi người trong phòng và bắt đầu nói. Những lời bình luận của tôi về giây phút đó đến với tôi khá dễ dàng với một chút ửng đỏ trên má vì xấu hổ: “Bây giờ thì chúng tôi đã có được sự chú ý của quý vị. Chẳng lẽ quý vị không nghĩ rằng sự việc vừa rồi hoàn toàn xứng đáng với mức phí thành viên hôm nay, và để có thể tiếp tục đến đây vào cuộc họp tháng tới xem sự việc sẽ tiếp tục thế nào. Chẳng lẽ quý vị không nghĩ rằng việc vừa rồi hoàn toàn xứng đáng với số tiền mà quý vị đã bỏ ra để trở thành thành viên trong ngày hôm nay có thể tiếp tục đến với chúng tôi, xem chúng tôi sẽ theo vụ việc này như thế nào trong cuộc gặp tháng tới?’’
Trong tích tắc, một vài tiếng cười cất lên và bắt đầu lớn dần. Thậm chí một vài người còn vỗ tay. Trên thực tế, chuyện này khá buồn cười. Không khí trong phòng đã bớt căng thẳng và tôi bắt đầu bài giới thiệu mười phút của mình. Tôi nghĩ rằng họ đã lắng nghe tôi chăm chú, và cuối cùng tôi đã được mọi người hoan hô nhiệt liệt. Tổ chức của tôi cũng đã nhận được một số đơn đăng ký làm hội viên mới từ các đại lý và kể từ đó, chúng tôi trở nên nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh của mình.
Tôi rất vinh dự khi giám đốc chi nhánh của tôi cũng tham gia vào sự kiện sáng hôm đó với tư cách cá nhân. Luôn luôn là một người đàn ông lịch thiệp, ông không bao giờ bình luận với tôi về những gì đã xảy ra, ngay cả khi ông đã nghỉ hưu vài năm trước đây. Gần đây, một trong số thành viên trong nhóm của tôi nói với tôi cách mà ông đã chia sẻ câu chuyện về điều gì đã xảy ra. Ông nói rằng tôi là một quý bà và ông biết chắc tôi sẽ thành công. Đây là phần thưởng lớn nhất tôi được nhận từ trước tới nay. Tôi đã sống sót sau một sự kiện mà có lẽ đó là cơn ác mộng khủng khiếp nhất của mọi người về việc nói trước đám đông.
Khi nghĩ lại, tôi khó có thể tin được rằng một người từng mất giọng chỉ vì cố gắng nói tên của mình trước đám đông lại có thể giải quyết được một tình huống gây lúng túng một cách thành công đến vậy. Tất nhiên là trong cuộc sống cũng có một vài ngày dễ dàng hơn những ngày khác nhưng những bài học mà tôi đã học được trên suốt chặng đường đã giúp tôi trở thành một người phát ngôn trước công chúng hết sức thành công. Và tôi cũng học được rằng nên luôn mang theo một ghim băng dự trữ.
Đôi khi thành công đến từ việc bạn cứ liên tục làm việc này nối tiếp việc khác và không để ý tới những lời la ó từ phía những người khác, như một con ngựa kéo đeo một miếng da che mắt. Những câu chuyện về thành công, chẳng hạn như câu chuyện sau đây – câu chuyện đã khích lệ những người chủ của các doanh nghiệp nhỏ phấn đấu để đạt được những thành công lớn hơn, là nghệ thuật của nhà báo Jim Blasingame, được tạp chí Fortune small business đánh giá là một trong những nguồn tài nguyên lớn nhất của các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ. Blasingame là tác giả của cuốn Doanh nghiệp nhỏ giống như một buồng chuối (Small business is like bunch of bananas) và là phát thanh viên của chương trình Người ủng hộ các Doanh nghiệp nhỏ (The small-business advocate show) trên sóng radio và trên Internet.
DAVE LÀ MỘT CON NGỰA
JIM BLASINGAME
Dave là con thứ năm trong gia đình có 12 anh chị em, ra đời khi cuộc đại khủng hoảng kinh tế Mỹ xảy ra. Cha ông làm việc tại một xưởng cưa và kiếm thêm bằng nghề đan rổ. Bản thân Dave cũng có nhiều vấn đề cá nhân: bị bệnh nói lắp, bệnh động kinh và tiếp thu chậm, tất cả những điều đó khiến ông không thể tốt nghiệp trung học trước năm 21 tuổi.
Vậy bạn hy vọng Dave sẽ có cơ hội gì trong cuộc sống?
Dave gặp cơ hội
Dave là một nhân viên gương mẫu. Ông vừa là nhân viên bán hàng tại cửa hàng Fuller Brush vừa là nhân viên giao hàng của hai hiệu bánh. Và sau đó, vượt qua những trở ngại của bản thân, Dave đã rất thành công trong hai lĩnh vực kinh doanh, đó là kinh doanh một khách sạn và một cửa hàng rau xanh.
Chắc hẳn bạn còn nhớ công việc làm thêm của cha Dave là đan rổ? Vậy là Dave cũng bắt đầu bán rổ. Những chiếc rổ đầu tiên mà ông bán là do cha ông làm và sau này chúng được sản xuất tại nhà máy của Dave, ông đã phải bán khách sạn và cửa hàng rau để mua lại nhà máy này. Hóa ra là trong Dave cũng có nhận thức nghiêm túc về nghề thầu khoán.
Bạn bè, gia đình Dave và ngân hàng tỏ ra hoài nghi hành động của Dave. Tại sao lại bỏ công việc kinh doanh đang rất thành công và chắc chắn để sản xuất rổ? Nhân đây cũng xin nói thêm, họ đều biết rằng bản thân Dave cũng chẳng biết đan một cái rổ như thế nào.
Nếu là bạn. bạn có đầu tư cho Dave không?
Dave có tầm nhìn
Hoá ra là Dave cũng có khả năng nhìn xa trông rộng. Dave nhìn thấy thị trường sẽ cần rổ – rất nhiều rổ. Và Dave Longaberger muốn đáp ứng nhu cầu đó.
Trong suốt 25 năm tiếp theo, hãng Longaberger Basket đã phát triển từ chỗ bán các sản phẩm làm bằng tay do cha của Dave sản xuất tới chỗ hàng năm thu được hơn 1 tỉ đô la nhờ bán các sản phẩm đan này. Điều này quả không xoàng với con của một người thợ cưa, nói lắp, mắc bệnh động kinh, tiếp thu chậm trong học tập và mất tới 15 năm để tốt nghiệp phổ thông.
Dave Longaberger đã bù đắp những thiếu sót trong học vấn của mình bằng bản năng phi thường. Những thiếu hụt về vận động của ông đều được đền bù bằng khả năng lãnh đạo bẩm sinh, điều này khiến nhân viên yêu mến ông và khách hàng muốn hợp tác kinh doanh cùng ông.
Con gái của ông, cô Tami, người hiện nay đang điều hành công ty, nói với tôi điều mà cha cô thường hay nói: “Thành công còn lại của con sẽ phụ thuộc vào các mối quan hệ mà con xây dựng được với mọi người’’. Tôi biết một vài người có học vấn rất cao vẫn cần phải học bài học này.
Giáo dục là quan trọng. Nhưng một doanh nhân có học vấn mà thiếu khả năng lãnh đạo và bản năng cũng giống như một chiếc yên ngựa Tây Ban Nha trang trí ngọc mà không có con ngựa nào để thắng chiếc yên đó cả. Khi chúng ta nói về một người nào đó có khả năng đáng kinh ngạc thì Dave chính là một con ngựa của kinh doanh.
Trong tương lai nếu bạn cảm thấy thiếu vì bạn không có một bằng cử nhân kinh doanh, hãy tự hỏi bản thân liệu Dave sẽ làm gì nếu ở vị trí của bạn. Khi bạn cảm thấy mình đang có một bữa tiệc không vui vẻ vì bạn thấy mình bị đối xử thô bạo, hãy tưởng tượng Dave sẽ nói gì nếu bạn có một thái độ thô bạo đối với ông.
Hiện nay công ty Longaberger vẫn là một công ty do tư nhân nắm giữ. Trong tương lai, nếu công ty này mở rộng với tất cả mọi người, tôi sẽ tham dự. Chắc bạn cũng muốn như tôi có phải không?
Hãy viết điều này lên đá
Dave Longaberger đã được bang Ohio ca ngợi như sau: “Có lẽ cũng giống như bất kỳ một công ty hay xí nghiệp nào, Dave Longaberger là đại diện của bang Ohio về cách thức kinh doanh tại Ohio”.
Nhưng hãy để Dave là người nói lời cuối cũng trong bài viết này: “Thành công của bạn sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào mối quan hệ với mọi người mà bạn xây dựng được”.
Đối với hầu hết tất cả chúng ta, vượt qua những bi kịch của bản thân chính là những thử thách cay đắng nhất cuộc đời. Thành công, xét trên khía cạnh này, chỉ đơn giản là vượt qua những nỗi đau buồn quá lớn và tiếp tục lên trong cuộc sống. Nhưng thành công huy hoàng nhất chính là khi bạn vượt qua những mất mát trong cuộc sống bằng cách vực dậy tinh thần – ngọn đèn định hướng tới tương lai. Niraj Shah. một doanh nhân có tầm nhìn xa, người nói và viết về tâm trí vô thức. tâm lý thành công, thành công đỉnh cao, đã phải đối mặt với một tai hoạ và đã tìm ra một cách nhìn khác đối với cuộc sống.
“CHÚNG TA KHÔNG THỂ ĐỔI ĐƯỢC HƯỚNG GIÓ NHƯNG CÓ THỂ ĐIỀU KHIỂN ĐƯỢC CÁNH BUỒM”
NIRAJ SHAH
Có một vài khoảnh khắc mà chúng ta sẽ ghi nhớ suốt đời. Thời điểm khó khăn nhất và dài nhất chính là khi chúng ta phải đối mặt với những nghịch cảnh, chống lại những khó khăn luôn theo sát chúng ta nhằm thay đổi hoàn cảnh. Những khoảnh khắc nói trên là những khoảnh khắc chúng ta nhớ rõ nhất trong suốt cuộc đời. Mỗi chúng ta đều sẽ có một cáo phó, trên đó xuất hiện hai ngày: ngày chúng ta được sinh ra và ngày chúng ta chết. Chỉ có một cái gạch đơn giản phân cách hai ngày này. Cái gạch nối này thể hiện chúng ta đã sống như thế nào từ lúc được sinh ra cho tới khi qua đời. Chiếc gạch nối này chủ yếu thể hiện chúng ta đã hành động như thế nào khi phải đối mặt với những nghịch cảnh khắc nghiệt và chúng ta trở thành người như thế nào.
Thời điểm khó khăn của tôi đến vào ngày 15 tháng 5 năm 2001, một ngày mà tôi phải đối mặt với những điều không thể tưởng tượng nổi. Ngày hôm đó khép lại câu chuyện cổ tích của tôi và mở ra một cơn ác mộng. Nó bắt đầu khi tôi và vợ tôi, Sheetal, rời văn phòng tại Nairobi khoảng 6 giờ tối. Ra ngoài vào khoảng thời gian đó luôn rất nguy hiểm. Xung quanh rất vắng người vì tất cả các công ty đều đóng cửa vào khoảng từ 5h đến 5h30. Do đặc điểm bố trí của các con đường, an ninh ở đây không tốt. Vào thời điểm đó, chúng tôi phải cảnh giác hơn đối với bất cứ điều gì đáng nghi.
Chúng tôi mới chỉ đi được 100m. Các ổ gà trên đường vô cùng tồi tệ và chúng tôi bị ngập trong nước bùn. Phía trước, cách chúng tôi khoảng 15m có một ki-ốt ở phía tay phải. Tôi quyết định rẽ trái, cắt qua một ổ gà, từ từ tiến về vỉa hè bên tay trái.
Đột nhiên tôi thấy một người đàn ông đang giơ cái gì đó về phía chúng tôi. Điều này khiến tôi chú ý. Và tôi nhận ra người đàn ông này đang chĩa súng thẳng vào chúng tôi. Ngay lập tức, tôi chuyển sự chú ý của tôi qua bên phải và nhìn thấy một tay súng khác cách chúng tôi khoảng 10 mét. Tôi nhìn thấy nhiều người đàn ông khác đang chạy ra từ ki-ốt và hò hét. Lúc đó có khoảng tám đến chín người đàn ông và tất cả họ đều có vũ khí. Chúng tôi đã bị phục kích. Tôi dừng xe và cố gắng quay xe lại. Họ bắt đầu nổ súng. Tôi nghe thấy tiếng nổ phát ra từ phía người đàn ông ở bên trái. Cùng lúc đó, người đàn ông bên tay phải cũng nổ súng và tôi nhìn thấy viên đạn xuyên qua kính chắn gió của xe.
Tất cả những gì xảy đến sau đó dường như diễn ra trong một thước phim quay chậm. Tôi nhìn thấy một viên đạn bay thẳng về phía vợ mình. Viên đạn bay thẳng vào phía dưới cổ họng vợ tôi khiến cô ấy đổ người về phía trước. Dây an toàn phát huy tác dụng và nó giật mạnh cô ấy về phía sau. Tôi chứng kiến cảnh kinh hoàng đó mà không thốt nên lời. Máu bắt đầu phun ra. Đầu của cô ấy ngả về trước và cô ấy bắt đầu co giật. Cô ấy không hề nói một lời nào. Thậm chí cô ấy cũng không có đủ thời gian để thét lên một tiếng.
Giây phút đó, tôi mặt đối mặt với nỗi sợ lớn nhất của mình. Sheetal, người yêu dấu, người bạn thân nhất, người bạn tâm hồn của tôi đã chết trên tay tôi. Tôi cảm thấy một nỗi đau lớn đang thấm rất sâu trong tâm hồn mình. Tôi khóc cho tới tận khi tôi không thể khóc được nữa. Bỗng nhiên tôi cảm thấy vô cùng cô đơn. Chúng tôi sẽ không bao giờ có thể chia sẻ với nhau những chuyện nho nhỏ làm chúng tôi vui vẻ và làm tất cả những điều mà chúng tôi từng mơ ước được làm cùng nhau.
Bạn phải hiểu được ý nghĩa của việc gắn liền với những sự kiện kinh khủng như vậy vì các sự kiện đó sẽ tiếp tục định hình cuộc sống của bạn sau này. Khi những rủi ro như vậy xảy ra, tâm trí chúng ta chỉ tập trung vào điều đang xảy ra mà thôi. Tại thời điểm đó, toàn bộ tâm trí chúng là ngay lập tức bị kích thích và nó chụp lại hay ghi lại tất cả những gì có liên quan đến cảnh tượng đang diễn ra. Do sức nặng của cảm xúc về sự kiện, trí não của chúng ta trở nên gắn bó với cảnh tượng mà nó ghi lại được và nó tiếp tục chiếu lại những thước phim đó. Hầu hết tâm trí của tôi khi đó đều tập trung vào thước phim mà não tôi đã ghi lại, và do đó, tôi còn rất ít khả năng tập trung vào bất cứ việc nào khác. Cuộc đời thực của ta khi đó chính là những suy nghĩ của ta lúc bấy giờ.
Một thời gian sau sự kiện đó, một buổi sáng tôi thức dậy với một ấn tượng rất mạnh mẽ về từ “Anekantvad” (ane- kant-vad). Từ này tạm thời làm tôi xao nhãng thói quen chiếu lại “bộ phim” trong trí nhớ của mình. Tôi không biết từ này nghĩa là gì vì nó không phải là một từ tiếng Anh.
Tối hôm đó, một người họ hàng tình cờ đến thăm tôi. Tôi liên kết sự kiện này với sự kiện bất bình thường vào buổi sáng và rất vui khi biết rằng vị khách của tôi biết “Anekantvad” nghĩa là gì! Tôi biết được rằng đó là một từ trong tiếng Phạn, được dùng trong đạo Jana, Ấn Độ. Anh giải thích cho tôi ý nghĩa của từ “Anekantvad” qua một câu chuyện ngụ ngôn rất tuyệt vời:
Có một con voi tới một ngôi làng. Chưa một ai trong làng đó từng thấy một con voi và tất cả mọi người đều rất thích thú. Trong làng có năm người đàn ông mù và khi nghe nói về con voi, họ cùng rất hào hứng. Do đó, họ cùng nhau tới nơi mà mọi người tụ tập để xem con voi. Mọi người tách ra, nhường lối cho năm người đàn ông mù để họ có thể tới gần và chạm vào con voi. Sau khi đã hài lòng với việc “xem” con voi, họ bắt đầu bàn về nó trên đường trở về nhà.
Người đàn ông đầu tiên nói: “Con voi giống như một con rắn dài to. di chuyển liên tục”.
Người thứ hai nói: “Ông bạn, có lẽ là ông nhầm rồi. Con voi rất giống một sợi dây Lì lừng ngấu và bé”.
Người thứ ba phản đối: “Cả hai ông cùng sai. Con voi rất mỏng, dẹt di chuyển chậm chạp. Nó tạo ra một luồng gió nhẹ khi di chuyển. Con voi giống một cái quạt lớn và dẹt”.
Người thứ tư lên tiếng: “Hoàn toàn không phải! Con voi giống một bức tường vững chắc!”
Người thứ năm nói: “Này các ông, những gì mà các ông cảm nhận được nhờ xúc giác không phải là cái vốn dĩ như nó tồn tại. Con voi rất tròn và chắc chắn như một cái cột vậy”,
Tất nhiên là tất cả bọn họ đều đúng. Vì mỗi người chỉ “xem” được một bộ phận của con voi. Ngay lập tức tôi hiểu ý nghĩa của từ “Anekantvad”. Nó có nghĩa là: hãy mở rộng tầm nhận thức của bạn!
Tôi nhận ra rằng cảm giác mất mát có cũng một kết quả như cái chết. Bản thân mất mát không chỉ đơn giản có nghĩa là mất mát. Đôi khi, chúng ta chạm vào chiếc vòi và nghĩ rằng đó là cả con voi. Đôi khi chúng ta ở quá gần để hiểu hết ý nghĩa của sự việc xảy ra.
Trong suốt quá trình tìm kiếm của mình, tôi đã tìm ra một cách rất thiết thực để mở rộng tầm nhận thức của mình, điều sẽ giúp tôi xoá đi “bộ phim” gắn liền trong tâm trí và hướng tôi tới sự sáng suốt đã giúp tôi định hình cuộc đời mình. Tôi bắt đầu tận dụng mọi giác quan để trở về với thực tại và nhận thức được mọi việc xảy ra xung quanh mình. Tói nhận thấy rằng bước qua thời điểm hiện tại chính là lối vào hiện thực cuộc sống. Tôi bắt đầu tập để sống trong hiện tại.
Một cách đơn giản để tôi có thể sống trong hiện tại đó là làm những việc mà tôi thực sự yêu thích. Tôi cảm nhận bản thân mình lại một lần nữa đang bước vào dòng chảy của cuộc đời. Tâm tri tôi đã thảnh thơi hơn và do đó nhận thức của tôi cũng được mở rộng. Lại một lần nữa tôi phát hiện thêm các tiềm năng của mình do đó tôi càng có khả năng làm được những việc quan trọng trong cuộc sống hơn là bị giam cầm trong một thực tại ảo được tạo ra bởi “bộ phim” trong tâm trí. Sống trong hiện tại giúp bạn thoát ra khỏi dòng suy nghĩ của mình và đưa bạn về với thực tại. Nó cho phép bạn trải nghiệm được những điều đang thực sự diễn ra chứ không phải là những gì mà bạn nghĩ nó đang xảy ra.
Nói “Hãy sống trong hiện tại” thật đơn giản nhưng tôi biết rằng rất khó thực hiện được điều này khi tâm trí của bạn đã chìm đắm trong bộ phim quá khứ. Cách mà tôi tạo ra sự thay đổi trong cuộc sống và giảm bớt sự thống trị của bộ phim quá khứ trong ý nghĩ của mình là nhờ vào may mắn.
Một hôm, khi đang dọn dẹp phòng, tôi bắt gặp cuốn nhật ký của Sheetal. Nội dung của cuốn nhật ký làm tôi sửng sốt. Trong một phần, vợ tôi đã viết những dòng sau:
Sự thích hợp về cảm xúc. Cuộc đời tôi tràn ngập những niềm vui, tiếng cười, hạnh phúc tột độ, tình yêu sâu sắc, lòng kính trọng và lòng trắc ẩn với tất cả mọi người. Tôi là một người luôn tươi cười – người làm cho tất cả mọi người cảm thấy phấn chấn – và điều này mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui.
Tình bạn vĩnh cửu. Hãy là người được mọi người yêu mến, một người ủng hộ người khác, một bạn đồng hành vui vẻ, một thiên thần khi người khác cần đến, và một người bạn trung thành. Hãy mở rộng lòng mình và tiếp xúc với một ai đó.
Cuộc sống tinh thần. Để tôn vinh những đặc ân mà Chúa đã ban tặng cho tôi, tôi xin dâng tặng thời gian và cuộc sống của tôi tới Người, dành chút thời gian trong bài nguyện cầu hàng ngày để tạ ơn Người vì mỗi ngày đã qua.
Những lời của vợ tôi lay động tôi sâu sắc. Tôi thấy rất tự hào về vợ tôi vì cô ấy thực sự là người đã nói là làm! Tôi nghĩ rất nhiều về những lời trong cuốn nhật ký và nhận ra rằng đó cũng chính là những phẩm chất mà tôi khao khát. Bỗng nhiên tôi cảm thấy một cảm giác yên bình đang dâng trào khắp người tôi. Tôi không hiểu rõ lắm chuyện gì vừa xảy ra. Tôi biết chắc rằng tôi đã hiểu một điều gì đó rất sâu sắc nhưng tôi vẫn chưa nhận thức được hết ý nghĩa của nó.
Khi tôi tiếp tục tìm kiếm câu trả lời, cuối cùng tôi cũng hiểu hết ý nghĩa đó. Bây giờ tôi đã hiểu rằng một phần của mỗi chúng ta đều được chuyển vào những người mà chúng ta yêu quý. Khi chúng ta càng yêu một ai đó, chúng ta càng thấy mình giống họ.
Sau này khi tôi bông đùa về khái niệm ấy, tôi bắt đầu hiểu ra một sự thật lớn hơn, và tất cả mọi việc đều trở về đúng vị trí của nó. Khi chúng ta đau buồn, chúng ta mất hai thứ. Mất mát đầu tiên là mất mát về vật chát. Mất mát này ảnh hưởng trực tiếp lên những suy nghĩ của chúng ta. Mất mát thứ hai có ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều nhưng đó là mất mát mà chúng ta không thể ngay lập tức nhận ra được.
Thực chất, mất mát thứ hai chính là chúng ta tự đánh mất chính mình. Chung ta hiểu rất ít về mất mát này.
Đây là lý do tại sao nỗi đau buồn lại có thể ảnh hưởng tới chúng ta sâu sắc đến như vậy, đặc biệt là khi chúng ta mất đi người rất gần gũi với chúng ta.
Nó cùng giống như khi chúng ta soi gương mà không thấy hình ảnh phản chiếu của chính mình. Điều này giống như là chúng ta đã đánh mất chính mình vậy. Nhưng tất nhiên là chúng ta không bao giờ đánh mất mình cả. Cảm giác này chỉ là hội chứng quên tạm thời do tác động của cú sốc về cái chết của một người thân yêu. Chúng ta bị gắn chặt với bộ phim trong tâm trí. Chúng ta không nhận ra rằng chúng ta cũng đang mất đi chính bản thân mình. Những đặc điểm cá nhân giúp chúng ta hiểu được mình là ai và nó chính là các nhân tố quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta.
Cuối cùng, tôi phát hiện ra một cách để chuyển đổi nỗi đau buồn sao cho có thể hồi phục lại những cá tính của mình đồng thời vẫn thể hiện được sự tôn trọng với người đã mất.
Chìa khoá để chuyển đổi và hoà nhập với nỗi đau
Chìa khóa đầu tiên đó là nhận ra những phẩm chất ở người đó mà bạn thấy rất yêu quý và đó cũng chính là những phẩm chất mà bạn khao khát có được. Khi tôi đọc nhật ký của Sheetal, tôi bắt đầu hiểu điều này.
Chìa khoá thứ hai chính là hãy biến những phẩm chất đó thanh một phần của con người bạn. Khi làm như vậy, bạn sẽ thể hiện được những điều tốt đẹp nhất của người ấy trong cuộc sống thường ngày của mình.
Đó là một cách khác thường để tôn vinh người mà chúng ta yêu. Bây giờ những phẩm chất tốt nhất của Sheetal đã trở thành một phần trong con người tôi và những phẩm chất ấy vẫn sống trong tôi mỗi ngày. Từng ngày qua, tôi bắt đầu gặt hái được những niềm vui, hạnh phúc, tình yêu và lòng trác ẩn của cô ấy. Tôi bắt đầu đưa những phẩm chất đó vào cách sống và cách tiếp xúc của tôi với mọi người. Bằng cách làm như vậy, bây giờ tôi đã là một người tốt hơn. Một khi bạn đã hiểu nỗi đau buồn theo cách này, bạn sẽ không hiểu nó theo một cách nào khác. Khi bạn tìm thấy một điều gì đó có giá trị lớn hơn nỗi đau của mình, bạn sẽ bỏ rơi nỗi đau. Đây là cách của loài phượng hoàng. Giống như một nhà giả kim biến các kim loại bình thường thành vàng, phượng hoàng biến nỗi đau thành sức mạnh và sự khai sáng.
Chỉ mất ba bước cơ bản để trở thành phượng hoàng:
1. Mở rộng tầm nhận thức của bạn.
2. Biến chuyển những ý nghĩ tiêu cực (các ý nghĩ đã được gắn chặt trong tâm trí) thành những ý nghĩa mạnh mẽ, tích cực.
3. Hoà nhập với những ý nghĩa mới đó sao cho cuộc sống của bạn trở nên đầy đủ, trọn vẹn.
Trước khi kết thúc, tôi muốn kể cho các bạn nghe một sự ẩn dụ đáng ngạc nhiên, điều đã giúp tôi trong công cuộc tìm kiếm câu trả lời của mình:
Tôi đang đọc một tiểu thuyết sử thi trong đó người nữ anh hùng vừa hy sinh, chỉ còn nam anh hùng sống sót. Chúng ta
đều biết rằng người anh hùng này đang đương đầu với sự kiện này rất tốt và đã học được nhiều bài học tinh thần kể từ khi người yêu dấu của anh qua đời. Tôi lật sang trang tiếp theo và nhận thấy đó là một trang trắng. Trên thực tế thì tất cả các trang về sau đều trắng, trừ trang đầu tiên có một mảnh giấy đánh dấu màu vàng với dòng chữ:
Kết thúc như thế nào là tùy thuộc vào bạn!
Dựa theo Sự tìm kiếm của Phượng hoàng: Một cách mới đầy hiệu lực để vượt qua nỗi buồn (The Quest of the Phoenix: A powerful New Way to Grieve) của Niraj Shah.
Điều kiện tiên quyết để đạt được thành công là phải nhìn thấy mục tiêu. Tin tưởng vào mục tiêu và biết chắc chắn rằng bạn đang tiến tới mục tiêu là cách đạt được thành công vượt lên trên tất cả những khó khăn, thử thách. ít người biết được điều này rõ ràng như Lou Holtz, một huấn luyện viên rất nổi tiếng vì số lượng đáng kinh ngạc các trận thắng trước hàng loạt đối thủ trong 30 năm sự nghiệp của mình.
HÃY NGẮM MỤC TIÊU TRƯỚC KHI BẮN
LOU HOLTZ
Những người chơi gôn cừ khôi nhất mà tôi biết thường nhìn thấy sự thành công trước khi nó xảy ra. Họ không bao giờ ấp ủ những mối nghi ngờ. Nếu đánh trượt một quả, họ sẽ luôn có hành động đập tay thật mạnh vào không trung. Hành động này tạo cho bạn cảm giác đó không phải là lỗi của họ. Để có được trình độ của họ, bạn cũng phải có một lòng tự tin tương tự. Tôi không quan tâm bạn làm gì, và cũng không bao giờ nghi ngờ về khả năng của bạn. Hãy làm tất cả những gì có thể để nâng cao khả năng của bạn, nhưng khi thi đấu, hãy làm chủ trận đấu và nghĩ rằng bạn là người giỏi nhất.
“Con rùa” này có thể chơi
Khi con người đã lựa chọn hạnh phúc và thành công thì không gì có thể ngăn cản họ. Những điều tốt đẹp sẽ đến. Ví dụ như trong những năm đầu khi tôi tới Notre Dame, chúng tôi có một cầu thủ tới từ Baltimore tên là Mike Brennan. Anh chơi ở hàng tiền đạo. Mike cao hơn 1m9, nặng 95kg, một mức cân nặng trung bình so với chiều cao. Nhưng có lẽ anh ta là vận động viên chậm chạp nhất mà tôi từng huấn luyện. Theo lẽ tự nhiên, biệt danh của anh là “rùa”. Điều này thật mất thể diện cho… những con rùa. Ý tôi là so với Mike thì loài bò sát này cũng vẫn còn nhanh chán. Trời đất, tôi đã từng nhìn thấy rất nhiều người chấp anh ta chạy trước 5 mét nhưng vẫn thắng anh ta trong một cuộc chạy đua nước rút.
Sau mùa thi đấu đầu tiên của Mike tại câu lạc bộ, tôi nghi ngờ liệu anh ta có thể tiếp tục chơi cho chúng tôi nữa hay không nhưng tôi vẫn muốn có Mike trong đội. Anh ta có một tinh thần tuyệt vời và luyện tập chăm chỉ hơn bất cứ ai trong đội. Mike có thể chỉ chú ý vào các điểm yếu của mình và từ bỏ đội bóng. Ai có thể trách anh được? Nhưng thay vào đó, anh lựa chọn tự tin vào bản thân. Mike luôn là người đầu tiên tới bãi tập và cũng là người cuối cùng ra về. Anh tập đi tập lại các bài tập cho tới khi thành thục mới thôi. Lòng tự tin cùng với những nỗ lực của anh đã tạo nên sự khác biệt. Mike không chỉ cùng với chúng tôi chiếm lĩnh vị trí ngôi sao mà còn tiếp tục chơi với chúng tôi trong 4 mùa bóng tại vị trí tiền vệ cánh. Anh đã cho chúng tôi thấy những bằng chứng tốt nhất về sức mạnh của suy nghĩ tích cực
Đừng chùn bước
Năm 1987, tôi lái xe tới Chicago để ăn trưa với Carl Pohlad. Trong bữa ăn, Carl nói với tôi rằng: “Những người thành công không bao giờ chùn bước”.
Trong mắt bão
Những người chiến thắng bao giờ cũng toát ra vẻ tự tin. Khi xem một trận đấu bóng, bạn thường sẽ đoán được ngay từ rất sớm đội nào sẽ chiến thắng chỉ thông qua việc quan sát cách thể hiện của từng đội bóng. Có những đội vào trận cứ như thể họ biết họ không thể bị đội bạn đánh bại ngay cả khi trận đấu chưa thực sự bắt đầu. Một câu lạc bộ như vậy sẽ đánh bại tinh thần của bất cứ đối thủ nào.
Khi đội Notre Dame thi đấu với đội Đại học Miami Hurricanes của huấn luyện viên Jimmy Johnson, họ có một cầu thủ nhận bóng rất xuất sắc tên là Michael Irvin.
Bất cứ khi nào Michael có một trận đấu tốt – đây là điều anh thưởng làm – anh làm khán giả kích động bằng những trò khôi hài mà hầu hết chúng ta gọi là “trò trời ơi”. Bạn thấy rằng các cầu thủ luôn làm những trò như vậy. Họ chạy vào khu vực cuối sân để làm một cú “đập bóng”[12], đập mạnh quả bóng xuống sàn đồng thời trình diễn một vũ điệu chớp nhoáng. Một vài cầu thủ thể hiện vũ điệu này chỉ để thu hút sự chú ý của khán giả về phía họ nhưng với Michael, “trò trời ơi” này lại là một vũ khí. Anh ta dùng nó để thách thức và đe dọa, để cho đối thủ của anh biết rằng anh sẽ đánh bại.
Ngày hôm đó, Michael và đội của anh ta đã thắng chúng tôi. Tuy nhiên, những năm sau, đội của chúng tôi đã xây dựng được niềm tin rằng chúng tôi có thể đánh bại bất cứ đối thủ nào. Chắc chắn Jimmy và đội Hurricanes cũng cảm thấy như vậy. Họ đấu với chúng tôi lượt hai vào năm 1988, sẵn sàng bảo vệ vận đỏ lâu nhất của mình trong các mùa bóng trước những đội bóng của các trường đại học khác trong cả nước.
Trong trận đấu đó, chúng tôi có lợi thế là đội chủ nhà. Đêm trước khi cuộc thi đấu diễn ra, tôi có một bài phát biểu trước 25.000 sinh viên của trường. Tôi trình bày thật ngắn gọn những đánh giá của minh. Tôi đề nghị những người hâm mộ đội bóng làm cho chúng tôi ba việc. Đầu tiên, tôi muốn họ cổ vũ cho đội Notre Dame thật lớn, lớn hơn cả những lần họ từng làm từ trước tới nay. Thứ hai, tôi yêu cầu họ hãy xử sự đúng mực như họ đã luôn luôn làm. Thứ ba, tôi muốn họ thể hiện cho Jimmy và đội của ông ta thấy rằng chúng tôi sẽ đánh bại họ như đánh bại một con chó già trong sân vậy.
Khi tôi phát biểu xong thì cũng đã muộn và tôi không hề hy vọng những lời phát biểu của tôi sẽ xuất hiện trên mặt báo ngày hôm sau. Tôi đã nhầm! Ngày hôm sau tôi thức dậy và nghe thấy những tít báo được rao om sòm: “Lou Holtz dự đoán chiến thắng trước đội Hurricanes”. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là tôi đang tự rước về những sai lầm ngớ ngẩn nhất mọi thời đại. Miami là một đội quá xuất sắc. Họ đâu cần tôi giúp đỡ để chuẩn bị tinh thần cho trận đấu này. Lúc đó tôi chỉ có thể tưởng tượng ra quang cảnh những lời nói của tôi được dán khắp phòng thay đồ của họ.
Sau đó, tôi nghĩ rằng: “Quỉ quái, điều này thì thay đổi được cái gì cơ chứ? Đội Hurricans sẽ vẫn tới để thi đấu với chúng tôi cho dù tôi có nói gì đi chăng nữa”. Có thể Jimmy cũng có các bài huấn luyện nhằm tăng động lực thi đấu với Dale Camegie. ông ta đã và vẫn là một huấn luyện viên xuất sắc, người luôn chuẩn bị đầy đủ tinh thần trước bất kỳ trận đấu nào có tầm cỡ như thế này. Càng suy nghĩ về những tít báo đó, tôi càng thấy chúng chẳng làm tôi quan tâm nữa.
Ngoài ra, tôi đã đạt được chính xác những gì tôi muốn. Những lời bình luận kỳ lạ của tôi tại cuộc gặp mặt động viên – kỳ lạ vì chúng hoàn toàn không tiêu biểu cho tính cách của tôi – không nhằm vào những người hâm mộ hay thậm chí là đội bóng bầu dục Miami. Mục tiêu của tôi là trận đấu của đội Notre Dame. Tôi muốn tất cả các cầu thủ của tôi nhận ra rằng tôi tin tưởng vào họ như thế nào. Không phải tôi tung hoả mù mà trong từng thớ thịt của tôi, tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ chiến thắng.
Đầu tiên, các cầu thủ của tôi không biết tôi đang định làm gì. Thật lòng mà nói, ngay chính bản thân tôi cũng không hoàn toàn hiểu được. Nhưng khi chúng tôi họp đội, tôi đã giải thích tại sao tôi nghĩ rằng đội chúng tôi có thể thắng. Tôi chỉ cho họ thấy đội chúng tôi đã tiến bộ như thế nào kể từ mùa bóng năm ngoái. Không ai có thể tranh cãi về vấn đề này. Sau đó, tôi hỏi các cầu thủ tấn công của tôi có bao nhiêu người còn lóng ngóng với quả bóng và có bao nhiêu người ném bóng mà bị chặn. Không có ai giơ tay. Tôi hỏi các cầu thủ hàng phòng ngự của tôi.
Có bao nhiêu người có thể chặn bóng và cướp bóng. Có một vài cánh tay giơ lên. Chúng tôi liệt kê các nhiệm vụ. Mỗi lần có một bàn tay giơ lên, tôi viết tên cầu thủ đó lên trên bảng, bên cạnh đó là nhiệm vụ mà anh ta hứa sẽ đảm nhận. Một bài tập như thế khuyến khích các cầu thủ của chúng tôi tạo được những cam kết chiến thắng. Khi cuộc họp kết thúc, đội của chúng tôi tin tưởng rằng chúng tôi không thể bị đánh bại.
Ngày hôm sau, hai đội bóng ra sàn thi đấu. Không một cầu thủ nào của cả hai đội đánh vần được từ “đầu hàng”. Cuối hiệp một, hai đội có tỉ số hòa và đổi sân. Khi đi qua nhau, một cầu thủ cản của đội Miami nói với cầu thủ biên của chúng tôi, Frank Stamms, rằng: ‘Trận đấu
Cũng quyết liệt đấy nhỉ?”, đội Miami luôn vào trận với niềm tin đội mình sẽ chiếm ưu thế. Nhưng bây giờ họ phải đối mặt với một đội cũng tự tin như vậy. Suốt buổi chiều hôm đó, chúng tôi tiếp tục cuộc chiến quyết liệt của chúng tôi. Đó là một trận đấu quyết liệt và những giây phút cuối cùng của trận đấu cũng tới. Chúng tôi đã đánh bại họ chỉ với một điểm duy nhất. Đó là một chiến thắng không thể tới theo một cách nào khác vì cả hai đội đều không biết chùn bước.
Trong cuộc sống, hãy là người tham gia, đừng là người đứng ngoài quan sát.
LOU HOLTZ
Trích từ cuốn Chiến thắng mỗi ngày (Winning every day) của Lou Holtz.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.