Phụ Nữ Yêu Như Thế Nào
CHƯƠNG 4: NHU CẦU ĐƯỢC YÊU THƯƠNG
Nàng có trái tim nhân hậu
Yêu chàng, một kẻ điếm trai
Dẫu thế tình vẫn chẳng phai
Mà nào ai lý giải được.
– Cô gái nhân hậu
– Tôi không hiểu làm thế nào cô ấy có thể làm tất cả những chuyện đó. Nếu là tôi, chắc tôi sẽ phát điên mất!
– Vậy mà chẳng bao giờ tôi nghe cô ấy than lấy một tiếng!
– Tại sao cô ấy lại phải chịu đựng tất cả những điều đó kia chứ?
– Không hiểu cô ấy thấy cái gì hay ho ở anh ta nữa? Lẽ ra cô ấy phải có được một cuộc sống tốt đẹp hơn thế nhiều.
Mọi người thường nhận xét về những người phụ nữ yêu mù quáng như thế khi thấy họ nỗ lực vượt bậc để vun đắp cho mối quan hệ không xứng đáng. Nguyên nhân sâu xa của sự tận tụy và lệ thuộc đến quên mình ấy bắt nguồn từ tuổi thơ của họ. Khi lớn lên, đa phần chúng ta sẽ tái hiện vai trò của mình trong gia đình ngày còn bé. Đối với những phụ nữ yêu mù quáng, họ đã đóng vai trò hy sinh trong gia đình: quên đi nhu cầu của bản thân để đáp ứng nhu cầu của các thành viên khác. Có thể vì cha mẹ không đủ sức khỏe hay bận bịu mưu sinh nên họ buộc phải trưởng thành sớm để đảm nhận trách nhiệm lo lắng cho gia đình. Hoặc có thể cha/mẹ mất sớm nên họ phải nỗ lực thay thế vai trò để chăm sóc cho những thành viên còn lại. Hoặc có thể họ có đầy đủ cha mẹ nhưng một trong hai người luôn phiền muộn, cáu gắt, bất mãn và người còn lại thì không sẻ chia, thấu cảm nên họ phải đóng vai trò an ủi, lắng nghe những điều mà họ chưa đủ sức gánh vác.
Các nhu cầu được yêu thương, chăm sóc và bảo bọc của bản thân họ không được đáp ứng trong khi bề ngoài, họ luôn cố tỏ ra mạnh mẽ và chín chắn hơn tuổi đồng thời cũng ít đòi hỏi hơn những trẻ cùng lứa. Chính vì thế, khi lớn lên, họ luôn tìm kiếm cơ hội để thể hiện “năng khiếu” của mình: đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của người khác thay vì nhận ra nhu cầu không được đáp ứng, nỗi đau cũng như sự lo lắng của bản thân. Họ đóng vai người trưởng thành quá lâu, đòi hỏi quá ít và nỗ lực quá nhiều nên giờ đây, họ gần như không thể quay trở lại vai trò thật của mình. Do đó, họ cứ mãi giúp đỡ người khác đồng thời không ngừng hy vọng nỗi lo lắng, sợ hãi trong lòng mình sẽ mất đi và sẽ được nhận về tình yêu.
Câu chuyện của Melanie là một ví dụ điển hình cho thấy việc phải trưởng thành quá sớm để gánh vác trách nhiệm thay cho người lớn đã dẫn đến tình trạng cô chỉ biết sống cho người khác mà quên mất bản thân.
Lần đầu gặp nhau sau buổi thuyết trình cho một nhóm sinh viên trường y, tôi không thể không chú ý đến những nét tương phản rõ rệt trên gương mặt của Melanie. Chiếc mũi hếch nhỏ nhắn cùng đôi má lúm đồng tiền rất sâu trên làn da trắng sữa có vài đốm tàn nhang của cô toát lên vẻ nghịch ngợm và hấp dẫn. Nhưng những đường nét sống động đó ngược hẳn với quầng tối bên dưới đôi mắt màu xám trong veo của cô. Dưới chiếc nón kết hé lộ mớ tóc nâu vàng dợn sóng, trông cô xanh xao và đầy mệt mỏi.
Cô đứng đợi một bên trong khi tôi trò chuyện khá lâu với từng sinh viên còn nán lại sau buổi học. Thông thường, hễ nói về đề tài gia đình nghiện rượu là một số sinh viên lại muốn trao đổi thêm những vấn đề cá nhân có liên quan đến bài giảng của tôi.
Khi sinh viên cuối cùng đã rời khỏi lớp, Melanie chờ tôi nghỉ chốc lát rồi tiến đến giới thiệu về mình, siết chặt tay tôi một cách nồng hậu.
Cô đã kiên nhẫn chờ đợi để được nói chuyện với tôi. Vì thế tôi đoán hẳn bài giảng sáng nay của mình đã chạm đến nỗi niềm sâu lắng của Melanie. Để Melanie có dịp chia sẻ nhiều hơn, tôi mời cô cùng tôi đi dạo quanh khuôn viên trường. Trong khi tôi thu xếp đồ đạc và rời khỏi giảng đường thì cô bắt đầu câu chuyện với vẻ rất tự nhiên, thân thiết. Tuy nhiên, khi bước ra ngoài, giữa bầu không khí của buổi chiều tháng Mười một xám xịt thì Melanie bắt đầu trở nên tư lự, lặng lẽ.
Chúng tôi đi dọc con đường mòn vắng vẻ, chỉ có tiếng lá cây sung dâu lạo xạo dưới chân. Melanie nhẹ nhàng nói:
– Mẹ em không phải là một người nghiện rượu, nhưng theo cách nói của cô trong bài giảng về những tác hại của căn bệnh này thì có thể mẹ em đúng là như vậy. Mẹ em bị bệnh tâm thần – điên thật sự và cuối cùng đã tự sát. Bà chịu đựng quá nhiều đau khổ, đến bệnh viện nhiều lần và đôi khi bà bỏ nhà đi rất lâu. Những thứ thuốc họ dùng để “chữa” cho bà thật ra lại càng khiến cho tình hình của bà tệ hại hơn. Từ một người điên còn nhận thức được sự việc, bà trở thành một người hoàn toàn không còn ý thức. Dù đã đuối sức vì các loại thuốc chữa trị nhưng cuối cùng bà đã dùng hết khả năng còn lại để tự tử. Thường ngày, mọi người trong gia đình em luôn cố ở bên bà nhưng hôm đó có việc nên ai cũng đi vắng. Thế là bà đã treo cổ tự tử trong nhà để xe.
Melanie lắc đầu thật nhanh, tựa như đang cố lục tung ký ức tối tăm và tiếp tục kể:
– Em cũng hiểu được nhiều điều mà cô đã nói sáng nay, nhưng việc cô bảo là những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình bất ổn hoặc có người nghiện rượu như gia đình em thường cũng sẽ quan hệ với những người nghiện rượu hoặc ma túy thì không đúng, nhất là với Sean. Nhờ trời, anh ấy chẳng hề quan tâm đến chuyện rượu bia hay ma túy. Nhưng chúng em cũng có những rắc rối riêng.
Melanie nhìn đi chỗ khác, hơi ngước mặt lên.
– Thường thì em luôn tự xoay xở được mọi chuyện… – Melanie khẽ cúi xuống và nói, – nhưng giờ thì em bắt đầu thấy rắc rối…
Đến đây, cô bé nhìn thẳng vào tôi, mỉm cười và nhún vai:
– Em chẳng còn thức ăn lẫn tiền bạc và thời gian. Vậy đó!
Melanie nói như thể đó chỉ là một câu nói đùa, chẳng hề lấy làm nghiêm túc. Tôi buộc phải hỏi từng chi tiết và Melanie đã bộc bạch mọi thứ thật nhẹ nhàng.
– Sean lại bỏ đi. Chúng em có ba đứa con: Susie sáu tuổi, Jimmy bốn tuổi và Peter mới hai tuổi rưỡi. Hiện em đang làm thư ký y khoa bán thời gian và theo học chuyên môn để trở thành y tá đồng thời cố gắng chăm sóc gia đình. Sean, hoặc ở nhà trông chừng bọn trẻ khi không đi học ở trường nghệ thuật, hoặc là anh ấy bỏ nhà đi vắng. – Melanie nói, tuyệt nhiên không lộ một vẻ gì cay đắng.
– Chúng em cưới nhau đã bảy năm nay. Hồi đó, em mười bảy và vừa tốt nghiệp phổ thông còn Sean thì hai bốn, vừa làm diễn viên vừa đi học ngoài giờ. Anh ấy có một căn hộ ở chung với ba người bạn.
Những ngày Chủ nhật, em thường tới đó chơi và nấu nướng cho cả nhóm. Chúng em thường hẹn hò nhau vào tối Chủ nhật, còn các buổi tối còn lại thì anh ấy đi diễn hoặc gặp gỡ người khác. Dù sao thì tất cả những người bạn ở cùng anh ấy đều yêu mến em. Những món em nấu là điều họ chờ đợi nhất trong tuần. Họ thường bảo Sean là phải cưới em nhanh để em còn chăm sóc cho anh ấy. Em đoán Sean cũng thích thế. Anh ấy đã hỏi cưới em và dĩ nhiên là em nhận lời. Em vui không tả xiết. Anh ấy đẹp trai lắm. Cô nhìn này!
Malanie mở ví và lấy ra một xấp hình nhỏ bọc trong bìa nhựa. Tấm đầu tiên là hình của Sean – một anh chàng có đôi mắt sẫm, gò má cao và cái cằm chẻ sâu với vẻ suy tư. Tấm hình nhỏ để vừa chiếc ví được chụp theo kiểu bộ sưu tập của các người mẫu, diễn viên. Tôi bèn hỏi có phải thế không thì Melanie gật đầu. Tấm hình đó do một nhiếp ảnh gia nổi tiếng chụp cho Sean.
– Trông Sean đẹp trai cứ như nhân vật Heathcliff trong phim Đồi Gió Hú ấy nhỉ? – Tôi quan sát và nhận xét, khiến Melanie gật đầu tự hào. Chúng tôi cùng nhau xem qua những tấm hình khác. Đó là hình của bọn trẻ ở từng giai đoạn khác nhau: bò, đi lững chững, thổi nến trong ngày thôi nôi. Vì muốn xem một tấm hình khác của Sean với vẻ tự nhiên hơn, tôi bèn hỏi Melanie là vì sao không thấy Sean chụp chung với bọn trẻ.
– Thường thì anh ấy là người chụp hình. Anh ấy biết đôi chút về nhiếp ảnh cũng như trong lĩnh vực diễn xuất và nghệ thuật.
– Thế hiện giờ Sean có làm trong những ngành nghề đó không? – Tôi hỏi.
– À không. Mẹ Sean vừa gởi cho ít tiền vậy nên anh ấy lại đi New York để tìm kiếm cơ hội cho mình rồi. – Melanie xuống giọng chút ít, gần như không nhận ra.
Tôi cứ ngỡ hẳn Melanie phải có chút hy vọng vào chuyến đi của Sean. Vậy nên khi không thấy dấu hiệu đó, tôi bèn hỏi:
– Melanie này, có chuyện gì thế?
Lần đầu tiên tôi trông thấy vẻ mặt trách móc hiển hiện trên gương mặt Melanie. Cô chậm rãi trả lời:
– Vấn đề không phải ở cuộc hôn nhân của chúng em, mà là ở mẹ của Sean. Bà cứ gởi tiền cho Sean mãi. Cứ mỗi lần anh ấy gần như đã yên ổn với mẹ con em hoặc gắn bó với một công việc nào đó thì bà lại gửi đến một ít tiền và thế là Sean lại ra đi. Bà không thể từ chối Sean. Nếu bà ngưng gởi tiền, tụi em sẽ ổn.
– Nhưng nếu bà không bao giờ dừng thì sao? – Tôi hỏi.
– Thì Sean sẽ chẳng bao giờ thay đổi cả. Nhưng em sẽ làm cho anh ấy thấy anh ấy đã làm khổ mẹ con em như thế nào. – Nói đến đây, Melanie bắt đầu khóc, nước mắt rơi trên hàng mi cong dày của cô. – Anh ấy sẽ phải từ chối tiền của mẹ.
– Melanie, nhưng điều đó có vẻ sẽ không hợp với những gì em đã kể cho tôi nghe.
Melanie nhấn giọng đầy quyết liệt.
– Bà ấy không thể phá hỏng mọi thứ. Nhưng Sean sẽ thay đổi. Melanie tiến thêm vài bước và đá văng chiếc lá nằm giữa đường. Tôi bèn im lặng chờ đợi giây lát rồi hỏi:
– Còn gì nữa không?
Vẫn chăm chú nhìn vào chiếc lá, Melanie trả lời: – Anh ấy đã đi
New York nhiều lần và mỗi lần như thế, anh ấy lại gặp gỡ ai đó ở đó. –
Giọng của cô quay lại nhỏ nhẹ như lúc đầu, bình thản như không.
– Một phụ nữ khác ư? – Tôi hỏi và Melanie nhìn ra chỗ khác, gật đầu. – Thế chuyện đó xảy ra bao lâu rồi? – À, thật ra là đã nhiều năm nay. – Đến đây Melanie lại nhún vai, vẻ xúc động thật sự. – Mọi chuyện bắt đầu từ khi em có thai lần đầu. Nhưng lúc đó, em gần như chẳng trách móc gì anh ấy cả, chỉ thấy đau khổ đến phát chết đi được.
Thật ngạc nhiên khi Melanie xem chuyện Sean phản bội là do mình cũng như việc cô phải có trách nhiệm lo lắng cho chồng và ba đứa con trong khi anh ta cứ nhảy hết nghề này đến nghề khác. Tôi bèn hỏi liệu có bao giờ Melanie nghĩ đến chuyện ly hôn hay không.
– Thật ra, chúng em đã từng xa nhau một lần. Nghe cũng buồn cười vì thật ra chuyện đó vẫn xảy ra mỗi khi anh ấy bỏ nhà đi. Nhưng có một lần, em nói em muốn ly thân – chủ yếu là để cho anh ấy một bài học – và chúng em đã không gặp nhau suốt sáu tháng. Thế mà anh ấy vẫn không thèm gọi điện cho em.
Thỉnh thoảng em còn phải gửi tiền cho anh ấy để anh ấy cầm cự cho đến khi có thêm cơ hội mới. Nhưng đa phần là chúng em tự lo cho mình. Nhưng cô biết không, trong thời gian đó, em thậm chí đã gặp gỡ hai người đàn ông khác!
Melanie tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy mình vẫn có sức hấp dẫn đối với những người đàn ông khác. Cô bối rối nói:
– Cả hai đều rất tử tế với bọn trẻ, đều muốn giúp em chăm lo công việc nhà cửa, sửa chữa lặt vặt trong nhà khi cần và thậm chí còn mua sắm cho em những món đồ nho nhỏ nữa. Được người khác quan tâm như thế thật là vui. Nhưng với họ, em chẳng bao giờ có được cảm giác như đã từng có với Sean – cảm giác thu hút kỳ lạ. Vì thế, cuối cùng em lại quay về với Sean. – Melanie mỉm cười. – Và phải giải thích với anh ấy vì sao mọi thứ trong nhà vẫn ổn thỏa như thế.
Chúng tôi đã đi được nửa khuôn viên trường và tôi muốn biết thêm về tuổi thơ của Melanie, để hiểu được tác động của chúng đối với những khó khăn hiện tại của cô.
– Thế bây giờ nghĩ lại thời bé, em còn nhớ gì không ? – Tôi hỏi và theo dõi từng nét nhíu mày của Melanie khi cô hồi tưởng về quá khứ.
– Ồ, ngày đó vui lắm ạ! Em nhớ mình mặc chiếc tạp dề, đứng trên cái ghế đẩu trước bếp và khuấy cái nồi. Em là con giữa trong gia đình có năm người con và khi mẹ mất, em mới mười bốn tuổi nhưng đã biết nấu nướng và dọn dẹp từ rất lâu. Mẹ em không khỏe mạnh nên bà chẳng bao giờ rời khỏi căn phòng phía sau nhà. Hai người anh trai của em sau khi học xong đều đi làm để giúp đỡ gia đình, còn em thay mẹ đảm đương mọi việc trong nhà. Hai đứa em gái nhỏ hơn em từ ba đến năm tuổi nên gần như em phải cáng đáng hết mọi việc. Nhưng rồi mọi chuyện cũng đâu vào đấy. Lúc nào nhà em cũng thiếu tiền nhưng chúng em cũng sống được. Cha em làm việc cật lực, thường nhận hai công việc cùng lúc nên hầu như lúc nào ông cũng vắng nhà. Em nghĩ, ông không ở nhà thường xuyên một phần vì công việc và một phần là để tránh gặp mẹ. Tất cả chúng em đều hạn chế gặp mẹ càng nhiều càng tốt. Mẹ khó tính vô cùng.
Rồi cha em lấy vợ kế khi em vào năm cuối trung học. Mọi việc trở nên dễ chịu hơn vì mẹ kế cũng đi làm và có một đứa con gái mười hai tuổi, bằng tuổi với đứa em út của em. Mọi thứ diễn ra rất suôn sẻ.
Tiền bạc không còn là một vấn đề đau đầu nữa. Cha em cũng hạnh phúc hơn. Lần đầu tiên mọi việc trong nhà em trông có vẻ ổn thỏa và không còn cảnh thiếu trước hụt sau nữa.
– Thế em cảm thấy thế nào khi mẹ em mất? – Tôi hỏi. Melanie nghiến chặt hai hàm khi trả lời.
– Người đó đã không còn là mẹ của em nhiều năm rồi. Bà chẳng khác chi một người xa lạ, một người chỉ biết ngủ vùi, la hét và gây phiền phức. Em vẫn còn nhớ hình ảnh của bà khi còn là mẹ em, nhưng cũng mờ nhạt lắm. Đó là một người nhẹ nhàng, dịu dàng và thường hay hát mỗi khi bà làm việc hoặc chơi đùa với các con. Mẹ em là người Ai-len và bà thường hát những giai điệu buồn buồn… Em nghĩ mọi người cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi bà mất đi. Nhưng dù sao thì em cũng thấy mình có lỗi, vì nếu em hiểu mẹ nhiều hơn hoặc chăm sóc bà tốt hơn thì có lẽ bà cũng không đến nỗi như thế…
Chúng tôi đã về gần tới văn phòng và trong vài phút còn lại, tôi hy vọng mình có thể giúp Melanie nhìn thấy cội nguồn của những rắc rối trong hiện tại.
– Thế em có nhận thấy có điểm nào tương đồng giữa tuổi thơ của mình và ngày nay không, Melanie? – Tôi hỏi.
Cô gái gượng cười, trả lời:
– Hơn bao giờ hết ạ. Giờ đây, em thấy mình cũng đang chờ đợi Sean giống như đã từng đợi cha mỗi khi ông ấy đi xa. Em thấy mình chẳng bao giờ trách móc Sean về những gì anh ấy đang làm vì cứ nghĩ rằng anh ấy đi xa để tìm kiếm cơ hội chăm lo cho gia đình, giống như cha em ngày xưa. Em biết là hai chuyện này khác nhau, tuy nhiên em vẫn có cảm giác rất giống nhau và thấy mình cần phải chịu đựng, xoay xở sao cho tốt nhất.
Melanie dừng lời, đăm chiêu như thể nhìn sâu hơn vào những điều đang trải ra trước mắt mình.
– Em thấy mình vẫn y như ngày nào, vẫn là một Melanie bé nhỏ dũng cảm, đảm đương mọi thứ, khuấy nồi trên bếp và chăm sóc bọn trẻ. – Đôi má trắng sữa của Melanie ửng hồng khi nhìn vào hình ảnh của chính mình. – Vậy là cô đã nói đúng về những đứa trẻ có hoàn cảnh như em. Khi lớn lên, chúng em luôn tìm đến những người tạo cho mình điều kiện để tái hiện vai trò đã từng đảm đương thời bé!
Khi chúng tôi chia tay nhau, Melanie đã ôm tôi thật chặt và nói rằng:
– Cảm ơn cô đã lắng nghe em. Em nghĩ mình chỉ cần được chia sẻ giây lát thôi. Giờ em cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều, nhưng vẫn chưa sẵn sàng để chấm dứt mọi chuyện, chưa thể được! Hơn nữa, Sean cũng cần phải trưởng thành hơn. Và anh ấy sẽ làm được. Anh ấy phải thế thôi, đúng không cô?
Rồi không đợi tôi trả lời, Melanie đã quay lưng sải những bước dài trên con đường ngập lá vàng. Melanie có những suy nghĩ khá sâu sắc nhưng thật ra, vẫn còn nhiều điểm tương đồng giữa tuổi thơ và hiện tại mà cô chưa thấu hiểu hết.
Vì sao một cô gái thông minh, quyến rũ và đầy năng lực như Melanie lại cần đến mối quan hệ đầy đau khổ, khó khăn như mối quan hệ giữa cô và Sean? Bởi vì đối với những người như Melanie hoặc các cô gái lớn lên trong những gia đình bất thường, khi phải đối đầu với những gánh nặng tinh thần và trách nhiệm quá lớn, họ không thể phân biệt rõ cái nào là tốt và cái nào là xấu. Chúng nhập nhằng với nhau để rồi cuối cùng trở thành một thứ như nhau.
Chẳng hạn, trong gia đình của Melanie thiếu hẳn sự quan tâm giữa các thành viên với nhau bởi cả nhà hầu như chỉ tập trung vào việc đối phó với tình trạng tồi tệ của người mẹ. Cuộc sống trong nhà hầu như cũng nằm ngoài tầm kiểm soát của mọi người. Những nỗ lực của Melanie trong việc quán xuyến gia đình được đền bù bằng sự lệ thuộc đầy biết ơn của người cha đối với cô, điều mà cô xem đó như là biểu hiện của tình yêu thương. Thay vì phải cảm thấy lo âu, sợ hãi trước gánh nặng gia đình như những đứa trẻ bình thường khác, Melanie lại cảm thấy tự hào về khả năng của mình do người cha luôn cần đến sự giúp đỡ của cô cũng như người mẹ hoàn toàn bất lực trong việc chăm sóc gia đình. Melanie buộc phải tỏ ra mạnh mẽ hơn cha mẹ và trở thành điểm tựa không thể thiếu của gia đình. Thật là một việc quá sức đối với cô! Chính trách nhiệm từ khi còn bé này đã hình thành nên tính cách của Melanie ngày nay, một người cứu rỗi luôn vượt lên mọi khó khăn để cứu giúp những người chung quanh mình.
Thật ra, “người cứu rỗi” nghe có vẻ tích cực hơn bản chất thật của sự việc trong thực tế. Thật ra, để có được sự tán dương của người khác vì đã tỏ ra mạnh mẽ trong những tình huống khó khăn, Melanie cũng như những phụ nữ lớn lên trong hoàn cảnh tương tự luôn cần đến một cuộc sống xáo trộn, khó khăn để chứng tỏ khả năng của mình. Nếu không có những thăng trầm, căng thẳng hoặc tình huống tuyệt vọng cần được kiểm soát, xoay xở, thì những cảm xúc thời thơ ấu vốn bị chôn vùi của họ sẽ trỗi dậy và khiến họ lo lắng. Khi còn bé, Melanie là cánh tay phải của cha lẫn của mẹ và các em. Nhưng đồng thời, cô cũng là đứa trẻ khát khao tình thương yêu và sự chăm sóc của cha mẹ. Do người cha luôn phải đi làm ăn xa và người mẹ thì ốm đau, không tỉnh táo nên nhu cầu tình cảm của cô đã không được đáp ứng. Những đứa trẻ khác trong gia đình còn được Melanie chăm sóc, lo lắng, còn bản thân cô thì chẳng được ai quan tâm, chia sẻ. Chẳng những cô không có được tình thương yêu của mẹ mà còn phải tập suy nghĩ và hành động như người lớn. Melanie không có nơi nào và cũng không có thời gian để bộc lộ nỗi niềm của mình. Và chẳng mấy chốc, cô không còn khả năng cảm nhận đúng đắn về bản thân mình nữa. Chính vì thế, việc đóng vai một người trưởng thành mạnh mẽ ít ra cũng giúp Melanie quên được sự yếu đuối, sợ hãi trong lòng mình. Thế là, Melanie không chỉ xoay xở tuyệt vời trong những tình huống khó khăn mà còn cần đến những tình huống đó để được sống. Gánh nặng hàng ngày giúp cô né tránh được sự đau đớn, khổ sở của mình. Như vậy, gánh nặng đó vừa đè nặng trên vai cô vừa giúp cô khuây khỏa.
Thêm vào đó, cảm nhận về giá trị bản thân của Melanie bắt nguồn từ việc đảm nhận những trách nhiệm của người lớn vượt ngoài khả năng của một đứa trẻ như cô. Để được thừa nhận, cô phải làm việc cật lực, chăm sóc mọi người và hy sinh cả những nhu cầu lẫn mong muốn của bản thân. Vì vậy, chịu đựng trở thành một phần tính cách của cô và cộng với phức cảm cứu rỗi, cô trở thành nam châm thu hút những người chỉ mang đến rắc rối, chẳng hạn như Sean.
Việc điểm lại những khía cạnh quan trọng trong quá trình trưởng thành của Melanie rất có ý nghĩa vì nó giúp ta hiểu hơn về động cơ dẫn đến cuộc sống hiện tại của cô. Thông thường, những bé trai sẽ mong được hưởng trọn vẹn tình yêu thương và sự quan tâm của mẹ, còn những bé gái sẽ mong muốn có được vị trí đặc biệt trong trái tim cha. Có lẽ, rất nhiều bậc cha mẹ đã từng nghe con trẻ nói những câu nói đại loại như: “Lớn lên con sẽ cưới người như mẹ!”. Những mong muốn rất đỗi bình thường này phản ánh cảm xúc mạnh mẽ nhất của trẻ. Thế nhưng, nếu điều đó xảy ra thật, chẳng hạn như khi cha mẹ phải vắng nhà hoặc gặp phải vấn đề nào đó, trẻ sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề.
Chẳng hạn, khi người mẹ bị rối loạn tình cảm, đau ốm mãn tính, nghiện rượu hoặc chất kích thích nào đó (hoặc vì lý do gì đó không thể ở nhà hoặc chăm sóc con cái) thì đứa con gái (thường là đứa lớn nhất) phải đảm nhiệm vai trò đó thay mẹ. Melanie là một minh họa rõ nét cho trường hợp “thăng chức” này. Do người mẹ bị suy nhược thần kinh, Melanie phải thay mẹ đảm nhận vai trò của người phụ nữ lớn nhất trong nhà để coi sóc mọi việc. Trong giai đoạn hình thành tính cách của mình, hầu như Melanie đóng vai trò người vợ nhiều hơn là người con đối với cha cô. Trong những lúc phải bàn bạc để xoay xở chuyện nhà, họ phải hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề chung. Ở một góc độ nào đó, mối quan hệ giữa hai cha con cô khác hẳn với các chị em gái còn lại trong gia đình. Cô gần như là bạn đồng hành, tâm giao của ông. Và sau nhiều năm, cô càng trở nên mạnh mẽ, vững vàng hơn mẹ mình rất nhiều. Điều đó có nghĩa là, mong muốn được sở hữu cha cho riêng mình từ lúc còn bé của Melanie đã trở thành hiện thực.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi điều ấy trở thành hiện thực? Có ba hậu quả diễn ra một cách vô thức nhưng sẽ có tác động rất sâu sắc đến việc hình thành tính cách của trẻ.
Thứ nhất là cảm giác tội lỗi.
Melanie cảm thấy tội lỗi khi nhớ lại chuyện tự tử của mẹ. Đó là cảm giác tội lỗi tự nhiên của mọi thành viên trong gia đình khi phải đối diện với bi kịch đó. Nhưng đối với Melanie, cảm giác tội lỗi này còn trầm trọng hơn vì cô tự cảm thấy mình phải có trách nhiệm với tất cả mọi người trong gia đình. Bên cạnh cảm giác tội lỗi có ý thức đó, Melanie còn mang trong lòng một cảm giác tội lỗi khác nặng nề hơn.
Đó chính là việc mong ước chiếm hữu cha cho riêng mình của Melanie đã trở thành hiện thực.
Chính vì thế, cô cảm thấy mình cần phải chuộc lỗi bằng cách gánh chịu mọi khó khăn. Điều đó, cộng với việc Melanie vốn đã quen với vai trò chịu đựng đau khổ, đã làm nảy sinh trong cô đặc tính ưa khổ nhục. Vì thế, cô cảm thấy thoải mái trong mối quan hệ đầy đau khổ, cô độc và trĩu nặng trách nhiệm với Sean.
Hậu quả thứ hai là cảm giác không thoải mái về giới tính một cách vô thức của Melanie khi chiếm hữu được người cha cho riêng mình. Thông thường, sự hiện diện của người mẹ (hoặc mẹ kế, bạn gái của cha trong những gia đình ly hôn) là bức bình phong an toàn cho mối quan hệ giữa cha và con gái. Khi đó, người con gái được tự do phát triển những cảm nhận cá nhân về sự quyến rũ, đáng yêu của bản thân trong mắt người cha mà vẫn được an toàn.
Dĩ nhiên, giữa Melanie và cha cô không hề nảy sinh mối quan hệ loạn luân nhưng môi trường gia đình họ rất dễ tạo điều kiện để điều đó xảy ra. Khi một người mẹ, vì lý do gì đó từ bỏ vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình và để cho con gái thay mình đảm nhận trách nhiệm đó thì vô tình, bà đã đẩy con đến nguy cơ bị người cha lạm dụng. (Thoạt nghe, điều này dường như hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của người mẹ, nhưng nếu xét kỹ thì trách nhiệm đó hoàn toàn nằm ở người cha. Bởi vì, với vai trò của một người cha, nhiệm vụ của ông là phải bảo vệ con mình chứ không phải là xâm hại và lợi dụng nó).
Ngoài ra, ngay cả khi người cha không bao giờ lạm dụng tình dục ở con gái thì sợi dây gắn bó lỏng lẻo giữa cha mẹ lẫn việc cô con gái thay mẹ đảm đương mọi việc trong gia đình cũng góp phần gia tăng cảm giác hấp dẫn giới tính giữa người cha và con gái. Do có mối quan hệ hết sức mật thiết với nhau, người con gái có thể nhận thấy mối quan tâm đặc biệt của cha đối với mình phảng phất bóng dáng của vấn đề tình dục ở một mức độ nào đó. Hoặc cũng có thể tình cảm yêu thương hơn mức bình thường của người cha sẽ làm xuất hiện ở đứa con gái những cảm xúc không nên có. Và khi đó, để điều đáng tiếc không xảy ra cũng như không chạm vào điều cấm kỵ, cô gái có thể tự chai hóa mọi cảm xúc về giới tính của mình một cách vô thức. Và vì điều đó xảy ra trong vô thức nên cô gái đã quyết định mà không hề suy xét và cũng khó thay đổi về sau.
Kết quả là khi trưởng thành, người con gái đó sẽ cảm thấy không thoải mái đối với những cảm xúc về giới tính. Khi đó, họ thể hiện tình yêu của mình bằng cách chăm sóc và nuôi dưỡng đối phương.
Trong cuộc hôn nhân của mình, Melanie gắn bó với Sean là do cô cảm thấy mình phải có trách nhiệm với cuộc sống của anh ta. Theo cô nghĩ, đó là cách biểu lộ cảm xúc và tình yêu.
Khi Melanie lên mười bảy tuổi, cha cô đã “thay” cô bằng người vợ kế. Melanie cảm thấy hết sức nhẹ nhõm trước cuộc hôn nhân đó. Việc cô gần như cảm thấy bình thường dù mất đi vai trò làm chủ trong gia đình có thể là do khi ấy, cô đã gặp Sean và những người bạn cùng phòng của anh ta – những người luôn hoan nghênh và tạo điều kiện cho cô chăm sóc họ.
Nếu lúc đó không kết hôn với Sean, hẳn Melanie sẽ bị khủng hoảng tinh thần. Khi cưới nhau rồi, Melanie nhanh chóng có thai để tái tạo vai trò chăm sóc của mình, trong khi ngay từ đầu, Sean đã tái hiện vai trò của bố cô, người luôn vắng mặt trong gia đình.
Mỗi khi xa nhau, cô lại gửi tiền cho Sean, cạnh tranh với mẹ của anh ta để chứng tỏ không ai chăm sóc anh ta tốt bằng mình. (Ngày xưa, Melanie cũng từng cạnh tranh với mẹ mình và đã thành công trong việc chiếm hữu tình cảm của cha).
Trong thời gian xa Sean, những người đàn ông khác mà Melanie gặp đã không cần đến sự chăm sóc như người mẹ chăm con của cô. Trong thực tế, họ đóng vai trò ngược lại, nghĩa là luôn thể hiện sự quan tâm đối với cô. Chính vì thế, cô không có cảm tình với họ.
Mối dây gắn bó giữa Melanie và Sean không hề được xây dựng trên cơ sở yêu đương, hấp dẫn lẫn nhau mà lại dựa trên nhu cầu cần được chăm sóc của Sean. Thực tế, sự phản bội của Sean càng giúp Melanie nhớ đến những trải nghiệm của mình ngày xưa. Hình bóng của mẹ cô dần trở nên mờ nhạt trong gia đình và trở thành một người phụ nữ xa lạ với cô. Sau này, khi Sean ngoại tình với một người phụ nữ khác, vốn cũng xa xôi và mờ nhạt nên Melanie vẫn bình thản, chẳng khác gì cái cảm giác trước sự tồn tại của mẹ đối với quan hệ gắn bó giữa hai cha con cô ngày xưa. Bạn hãy lưu ý rằng hành vi của Sean không phải là bộc phát. Trước khi cưới, anh ta đã có quan hệ với nhiều phụ nữ trong khi vẫn để Melanie chăm lo cho mình. Melanie biết điều đó nhưng vẫn kết hôn với anh ta. Sau khi cưới, cô bắt đầu công cuộc thay đổi Sean bằng tình yêu và ý chí của mình. Điều đó đã dẫn đến hậu quả thứ ba: Niềm tin vào quyền năng tuyệt đối của cô đã thành hiện thực.
Con trẻ thường tin rằng bản thân, suy nghĩ và ước muốn của mình có một sức mạnh diệu kỳ. Chính điều đó đã dẫn đến nhiều sự kiện nổi trội trong cuộc đời của chúng. Tuy nhiên, dù một bé gái có khao khát được thay thế vai trò của mẹ đến mấy đi nữa thì cuối cùng, nó cũng sẽ nhận ra đó là điều không thể. Đây là một bài học lớn trong cuộc đời của trẻ, giúp trẻ hiểu rằng không phải lúc nào mọi mong muốn của chúng cũng thành hiện thực. Bài học đó giúp trẻ rũ bỏ được niềm tin vào quyền năng tuyệt đối của mình và chấp nhận những giới hạn của ý chí cá nhân.
Tuy vậy, trong trường hợp của Melanie thì ước muốn đó lại gần như trở thành hiện thực. Ở nhiều khía cạnh khác nhau, cô đã thay thế vai trò của mẹ mình. Rõ ràng, với sức mạnh kỳ diệu của ý chí và niềm khao khát, cô đã chiếm hữu được sự quan tâm và tình cảm của cha. Để rồi từ đó, với niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của ý chí, Melanie luôn cảm thấy bị thu hút trước những tình huống khó khăn và không ngừng cố gắng hòng thay đổi chúng. Khi lập gia đình, cô phải đối diện với vô vàn thử thách, chẳng hạn như một người chồng vô trách nhiệm, phản bội, một mình nuôi ba đứa con, vừa học vừa làm, thiếu hụt tiền bạc. Thế nhưng cô vẫn bình thản đối mặt, một mình xoay xở với vũ khí duy nhất là ý chí của bản thân.
Đến đây, ta nhận ra rằng Melanie không hề là nạn nhân của cuộc hôn nhân bất hạnh mà dường như ngược lại. Cô và Sean đã giúp nhau thỏa mãn những nhu cầu tâm lý sâu xa nhất. Họ quả là “đôi lứa xứng đôi”. Rõ ràng, việc mẹ Sean đều đặn gửi tiền cho anh ta đã ảnh hưởng không tốt đến cuộc hôn nhân của họ nhưng không đến mức sâu xa như Melanie nghĩ. Vấn đề thật sự chính là hai con người này, với thái độ sống không đúng đắn, không lành mạnh và dù rất giống nhau, hòa hợp với nhau nhưng lại đang tạo thành một cái vòng luẩn quẩn mà không ai thoát ra được.
Hãy tưởng tượng Sean và Melanie là hai vũ công trong một thế giới mà tất cả đều là vũ công với những điệu nhảy quen thuộc của mình. Với trải nghiệm và tính cách riêng, đặc biệt qua những điệu nhảy đã thực hành suốt trong thời thơ ấu, Sean và Melanie đã phát triển dần từng bước chuyển động và điệu bộ đặc trưng cho vũ điệu tâm lý của mình.
Thế rồi, một ngày nọ, họ tình cờ gặp nhau và phát hiện ra rằng các vũ điệu của họ tuy có khác nhau nhưng nếu ghép lại sẽ tạo thành cặp đôi hoàn hảo. Mỗi chuyển động của người này sẽ được người kia hòa điệu, tạo nên sự ăn khớp đồng bộ và điệu nhảy của họ diễn ra thật trôi chảy.
Hễ mỗi lần Sean rũ bỏ trách nhiệm thì Melanie lại nhanh nhẹn đảm trách. Khi đó, anh ta để mặc cô thoải mái thực hiện vai trò người chăm sóc. Khi anh ta đi tìm người phụ nữ khác, Melanie lại thở dài, khuây khỏa trong chốc lát rồi lại tiếp tục khiêu vũ nhanh hơn để lãng quên. Và khi anh ta biến khỏi sàn nhảy thì cô lại trình diễn vũ điệu chờ đợi. Mọi chuyện cứ thế xoay tròn, xoay tròn không dứt…
Đôi khi đối với Melanie, đó là một vũ điệu thú vị nhưng lại cô độc. Có lúc vũ điệu ấy khiến cô mệt mỏi đến kiệt quệ nhưng cô không hề muốn chấm dứt nó. Những bước nhảy, chuyển động, dáng vẻ, điệu bộ… đều quá ổn và cô tin rằng mình đang sống trong vũ điệu của tình yêu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.