Phụ Nữ Yêu Như Thế Nào

CHƯƠNG 5: VŨ ĐIỆU THÂN QUEN



Vì sao phụ nữ yêu mù quáng lại gắn bó với những người đàn ông tạo điều kiện cho họ tái hiện những suy nghĩ, hành vi tiêu cực khi còn bé? Chẳng hạn, tại sao một phụ nữ lớn lên bên cạnh người cha lạnh lùng lại yêu tha thiết một người đàn ông không bao giờ quan tâm đến cô, dù cô luôn cố gắng hết sức? Tại sao một phụ nữ lớn lên trong gia đình bạo hành lại sống với một anh chàng vũ phu? Tại sao một phụ nữ lớn lên trong gia đình có cha/mẹ nghiện rượu lại dính líu đến người đàn ông đã từng hoặc sớm muộn cũng nghiện rượu? Và tại sao một phụ nữ từng là điểm tựa tinh thần của mẹ lại phải chung sống với một người chồng suốt đời chỉ biết dựa dẫm vào cô?

Trong số những người đàn ông xuất hiện trong cuộc đời người phụ nữ yêu mù quáng, tại sao họ chỉ chọn người có cùng điệu nhảy mà họ đã biết đến trong thời thơ ấu? Và họ đã phản ứng ra sao khi gặp một người đàn ông tử tế, trưởng thành, ít dựa dẫm và lạm dụng họ hơn – những người mà họ nghĩ có bước nhảy không phù hợp với mình?

Trong tâm lý học có một quan điểm quen thuộc đến mức cũ kỹ mà hầu như ai cũng biết, đó là khi trưởng thành, con người thường có xu hướng kết hôn với người giống với hình ảnh cha/mẹ mình khi còn bé. Thật ra, khái niệm này cũng không hoàn toàn chính xác. Không hẳn là chúng ta sẽ chọn người bạn đời y hệt như cha/mẹ mình, mà ta sẽ chọn người nào mang đến cho ta cảm giác tương tự như những gì ta đã từng trải nghiệm thời niên thiếu. Điều đó thường tạo nên cảm giác mà ta vẫn gọi là tình yêu. Khi đó, ta sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu như ở nhà, “hòa hợp và hoàn toàn ăn ý” với người có thể tái tạo cho ta những cảm xúc và vũ điệu thân quen thời bé. Ngay cả trong trường hợp những vũ điệu đó không đẹp mắt hoặc không thoải mái thì chúng vẫn là điều thân quen nhất với ta. Trước những người đàn ông này, ta thường có một cảm xúc hết sức đặc biệt: cảm giác hoàn toàn thuộc về họ. Và điều tất yếu là ta sẽ quyết định cố gắng hết sức để tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với những người đàn ông như thế.

Chẳng có hoạt chất nào hấp dẫn bằng cảm giác thân quen bí ẩn khi một người đàn ông và một người đàn bà đến với nhau mà lại có những suy nghĩ, hành vi, lối sống tương hợp với nhau như các mảnh ghép hoàn hảo. Nếu người đàn ông còn có khả năng tạo cho người phụ nữ cơ hội để níu kéo và nỗ lực chiến thắng những nỗi đau, cảm giác cô đơn, vô dụng thì sự hấp dẫn đó càng trở nên mãnh liệt. Trong thực tế, nỗi đau tuổi thơ càng lớn, người phụ nữ càng có khuynh hướng tái hiện và chế ngự nỗi đau đó rõ rệt hơn khi trưởng thành.

Vậy thì tại sao lại như thế? Câu trả lời là nếu ngày bé, trẻ phải trải qua một cơn chấn động về tinh thần, tình cảm thì trẻ sẽ có xu hướng tái hiện lại những nỗi đau đó nhằm chế ngự, kiểm soát được chúng.

Ví dụ, nếu một đứa trẻ từng bị phẫu thuật thì có thể em sẽ thích chơi trò bác sĩ với các con búp bê hoặc đồ chơi của mình. Trẻ sẽ tưởng tượng mình là bác sĩ hoặc bệnh nhân trong các tình huống tương tự cho đến khi nào không còn sợ cơn phẫu thuật đó nữa. Những người phụ nữ yêu mù quáng cũng hành động tương tự: họ tái hiện và trải nghiệm lại những mối quan hệ bất hạnh nhằm kiểm soát được chúng.

Một điều cần chú ý khác là tình yêu và hôn nhân không phải là do trùng hợp hay ngẫu nhiên. Khi một phụ nữ cho rằng mình “phải kết hôn” với ai đó mà không thể giải thích được lý do – một người mà có thể cô sẽ chẳng bao giờ chọn làm chồng khi cân nhắc kỹ lưỡng – thì trước hết, cần phải hỏi cô xem động cơ khiến cô quyết định chọn và liều lĩnh có con với anh ta. Tương tự, khi một phụ nữ tuyên bố rằng cô đã lấy chồng khi còn quá trẻ nên không hiểu tại sao mình làm như vậy cũng như chưa thể chịu trách nhiệm cho chọn lựa của mình thì rõ ràng, những lý do đó cần được tìm hiểu kỹ hơn.

Thật ra thì cô ấy có chọn lựa, chứ không phải không, dù là chọn lựa trong vô thức. Và thường thì cô đã hiểu rất rõ về người chồng tương lai của mình. Chối bỏ điều đó tức là chối bỏ trách nhiệm đối với những chọn lựa của bản thân cô. Ngoài ra, điều đó cũng sẽ cản trở sự hồi phục của cô để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nhưng tại sao cô lại hành động như vậy? Chính xác thì quá trình bí ẩn đó là gì mà lại có thể khiến cho những phụ nữ yêu mù quáng quyến luyến người đàn ông kia đến thế?

Nói cách khác, thì đâu là tín hiệu hấp dẫn giữa người phụ nữ thích chăm sóc người khác và người đàn ông thích dựa dẫm; giữa người phụ nữ hy sinh bản thân tối đa và người đàn ông cực kỳ ích kỷ; giữa người phụ nữ tự cho mình là nạn nhân và người đàn ông độc đoán; giữa người phụ nữ thích kiểm soát mọi việc và người đàn ông yếu kém? Thực tế, giữa những người tham gia vũ điệu tình yêu luôn phát ra các dấu hiệu nhất định. Hãy nhớ rằng ở những phụ nữ yêu mù quáng luôn tồn tại hai vấn đề chính sau: 1) sự tương thích giữa lối sống, cách suy nghĩ của cô với người đàn ông mà cô chọn; 2) luôn muốn tái hiện và chiến thắng những nỗi đau trong quá khứ. Trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về vấn đề đầu tiên đã góp phần tạo nên đối tượng giúp người phụ nữ yêu mù quáng cảm thấy hòa hợp, ổn thỏa trong mối quan hệ của họ. Những câu chuyện dưới đây cho thấy rõ sự trao đổi thông tin từ trong tiềm thức giữa người phụ nữ yêu mù quáng với người đã lôi cuốn được cô. Đây cũng là nền tảng để mối quan hệ hay vũ điệu chung của họ phát triển về sau.

Chloe: Sinh viên hai mươi ba tuổi, con gái của một người cha bạo hành

Tôi lớn lên trong một gia đình rất khủng khiếp. Giờ thì tôi hiểu được điều đó, nhưng ngày còn bé, tôi chẳng bao giờ nghĩ đến điều đó trừ việc luôn hy vọng sẽ không ai biết về chuyện cha tôi đánh mẹ tôi. Ông đánh cả mấy anh em chúng tôi nhưng tôi nghĩ có lẽ chúng tôi đáng bị đòn. Còn mẹ tôi, bà không đáng để bị đối xử như thế. Lúc nào tôi cũng ước phải chi ông ấy cứ đánh tôi chứ đừng có đụng vào mẹ. Tôi biết mình có thể chịu đựng được nhưng mẹ thì không. Các anh em tôi đều muốn mẹ bỏ đi nhưng bà không chịu. Cha tôi chẳng hề yêu thương mẹ nên lúc nào tôi cũng muốn thể hiện tình thương yêu với bà thật nhiều, để bà có đủ nghị lực thoát khỏi tình cảnh tệ hại đó. Nhưng mẹ tôi không bao giờ làm được điều đó. Năm năm sau, bà chết vì bệnh ung thư. Kể từ đó, tôi chẳng bao giờ về nhà cũng như nói với cha lời nào. Tôi có cảm giác chính ông đã giết chết mẹ chứ không phải căn bệnh ung thư kia. Bà nội có để lại cho anh chị em tôi một ít tiền nên nhờ đó, tôi có thể vào đại học và gặp được Roy.

Chúng tôi học chung lớp mỹ thuật cả học kỳ nhưng chưa bao giờ nói chuyện với nhau. Qua học kỳ hai, vài người trong lớp lại tiếp tục học chung với nhau. Ngay ngày đầu tiên, chúng tôi đã thảo luận gay gắt về quan hệ nam nữ. Roy khởi đầu câu chuyện bằng quan điểm rằng phụ nữ Mỹ ngày nay độc đoán, lúc nào cũng muốn mọi thứ theo ý mình và đối xử với nam giới thật tệ hại. Khi nghe anh ta dùng những lời lẽ chua cay với phụ nữ, tôi đã nghĩ: “Hẳn anh ta đã bị tổn thương dữ lắm mới nói như thế. Thật tội nghiệp!”. Thế là tôi bèn hỏi: “Bạn nghĩ thật sự là như thế ư?” ; và bắt đầu chứng minh cho Roy thấy không phải phụ nữ nào cũng thế và bản thân tôi là một ngoại lệ. Rõ ràng tôi đã tự sắp đặt cho con người mình như thế! Về sau, khi đã quen nhau, tôi tuyệt nhiên không bao giờ đòi hỏi hay chăm sóc bản thân mình vì nếu không, tôi sẽ chứng minh những gì anh ấy nói là đúng. Cuối buổi học, anh ấy nói: “Anh sẽ trở lại lớp này. Không nhất thiết anh phải theo học lớp này nhưng anh muốn nói chuyện với em nhiều hơn”. Tôi nhớ khi đó, mọi thứ diễn ra rất nhanh chóng vì rõ ràng, tôi cảm thấy mình đã để lại ấn tượng khác biệt trong anh.

Không đầy hai tháng sau, chúng tôi đã dọn đến sống chung với nhau. Và chỉ bốn tháng sau, tôi đã phải gánh vác tất cả các khoản, từ tiền nhà, hóa đơn đến thức ăn. Nhưng tôi vẫn cố gắng thêm hai năm nữa để chứng tỏ cho Roy thấy sự tử tế của mình, rằng tôi chẳng hề làm anh tổn thương như những người khác. Về phía mình, tất nhiên tôi cũng cảm thấy bị tổn thương đôi chút khi sống chung với Roy. Ban đầu chỉ là tổn thương về tình cảm, nhưng về sau thì cả tổn thương về thể chất. Không có ai dễ nóng giận với phụ nữ bằng Roy. Và dĩ nhiên, tôi cũng cho đó là lỗi của mình. Ngày nọ, tôi gặp người yêu cũ của Roy và cô này đã hỏi tôi: “Anh ta có đánh cậu chưa?”. Tôi bèn trả lời: “À, chưa đến nỗi thế”. Tôi nói như vậy một phần vì muốn bênh vực Roy và một phần là để mọi người không nhìn mình như một con ngốc. Nhưng tôi biết cô ấy hiểu hết vì cũng đã từng ở trong hoàn cảnh của tôi bây giờ. Ban đầu, tôi cảm thấy đau khổ, hệt như cảm giác tôi từng có khi bé và tôi không muốn ai biết chuyện của mình. Tôi cảm thấy mình cần phải nói dối, phải tỏ ra mạnh mẽ và vững vàng. Nhưng cô gái đó đã nhìn tôi với ánh mắt thấu hiểu đến nỗi tôi chẳng thể nào giả vờ được.

Thế là chúng tôi nói chuyện với nhau rất lâu. Cô kể cho tôi nghe về nhóm trị liệu mà cô đã từng tham gia, về những phụ nữ đã từng trải qua các mối quan hệ tiêu cực cũng như việc họ đã cố gắng giúp nhau vượt qua khó khăn để trở lại cuộc sống bình thường ra sao. Cô cho tôi số điện thoại của mình nhưng phải mất đến hai tháng sau tôi mới gọi cho cô ấy. Cô ấy đã dẫn tôi đến nhóm trị liệu và tôi nghĩ, chính điều đó đã cứu vớt cuộc đời tôi. Những người phụ nữ trong nhóm cũng đã từng ở vào hoàn cảnh tương tự tôi. Họ đã quen chịu đựng những nỗi đau vô bờ mà đa phần đều có nguồn gốc sâu xa từ thời thơ ấu.

Tuy vậy, phải mất đến vài tháng tôi mới bỏ được Roy. Và mặc dù có sự giúp đỡ của mọi người, nhưng tôi cũng phải vất vả lắm mới làm được điều đó. Tôi cảm thấy mình có một nhu cầu kỳ lạ là phải chứng tỏ cho Roy thấy anh ta rất đáng yêu. Tôi đã nghĩ rằng nếu được yêu thương đầy đủ, anh ta sẽ thay đổi. Nhưng giờ thì cảm ơn trời là tôi đã vượt qua được chuyện này và trở lại cuộc sống bình thường.

Vì sao Chloe say mê Roy?

Khi Chloe, một sinh viên mỹ thuật gặp Roy – một người căm ghét phụ nữ – thì nó gần như đồng nghĩa với việc cô đã gặp lại câu chuyện của cha mẹ mình. Roy căm ghét và dễ nổi nóng với phụ nữ, cũng giống như cha cô, một người hay cáu gắt và tiêu cực. Chloe muốn thay đổi anh ta bằng tình yêu của mình, như việc cô đã từng cố thay đổi mẹ ngày xưa. Trong mắt cô, Roy là nạn nhân của những cảm xúc tiêu cực hiện hữu trong anh ta. Và cũng giống như những phụ nữ yêu mù quáng khác, cô muốn nỗ lực của mình mang về kết quả như mong muốn. Chính điều đó khiến cho Chloe rất khó chấm dứt được mối quan hệ tiêu cực với Roy.

Mary Jane: Ba mươi năm chung sống với một kẻ nghiện rượu

Chúng tôi gặp nhau trong một buổi tiệc Giáng sinh. Em trai của anh ấy bằng tuổi tôi và rất thích tôi. Anh ấy tên là Peter, ngồi hút ống điếu và mặc một chiếc áo jacket bằng vải tuýt có hai miếng đệm ở cùi chỏ. Ở anh ta toát lên vẻ hấp dẫn của những sinh viên đại học hạng nhất, khiến tôi rất ấn tượng. Bên cạnh đó, ở anh ta vẫn phảng phất nét u buồn và điều đó càng khiến tôi bị thu hút. Tôi đoán hẳn Peter đã từng bị tổn thương sâu sắc nên muốn tìm hiểu về anh ta nhiều hơn để “thấu hiểu”. Thật buồn cười là buổi tối đó, tuy chúng tôi nói chuyện với nhau khá lâu nhưng anh ta gần như không bao giờ nhìn thẳng vào mắt tôi. Lúc nào anh ta cũng nhìn đâu đó, có vẻ như đang bận ngắm nhìn ai. Và mỗi lời anh ta nói ra đều hết sức quan trọng, quý giá với tôi vì tôi cho rằng hẳn anh ta còn nhiều thứ khác phải làm thay vì dành thời gian cho tôi.

Anh ta cũng giống hệt cha tôi vậy. Khi tôi lớn lên, ông hầu như không có mặt ở nhà. Nhà chúng tôi rất nghèo; cha mẹ tôi phải vào trung tâm thành phố làm việc và hầu như luôn để anh em tôi ở nhà một mình. Ngay cả cuối tuần ông cũng đi làm thêm. Cơ hội duy nhất để tôi gặp cha ở nhà là những khi ông sửa chữa đồ đạc trong nhà.

Những lúc ấy, dù cha không mấy quan tâm đến tôi nhưng tôi cũng không lấy làm buồn vì chỉ cần ông ở nhà là tôi vui lắm rồi. Tôi thường quanh quẩn bên cha, hỏi ông vô số thứ để cố thu hút sự chú ý của ông.

Và đến khi lớn lên, trong buổi tiệc tối hôm đó, tôi cũng đang làm y như thế với Peter, nhưng dĩ nhiên là khi đó tôi không nhận ra. Giờ nghĩ lại, tôi nhớ mình đã cố gắng thu hút để Peter nhìn thẳng vào mắt mình nhưng anh cứ luôn quay đi để phà hơi xì gà, để nhìn đâu đó, nhìn lên trần nhà hoặc bỏ lửng câu chuyện để đốt thuốc. Lúc đó, tôi thấy anh ta thật chín chắn với đôi mày nhíu lại và cái nhìn xa xăm. Tôi cứ lao đến anh ta như bị thôi miên vậy.

Vì sao Mary Jane say mê Peter?

Tình cảm của Mary Jane dành cho cha không hẳn giống với phần đông phụ nữ yêu mù quáng. Cô yêu quý cha, ngưỡng mộ ông và luôn khao khát được ông quan tâm, chú ý. Peter, với vẻ ngoài lớn tuổi và bận rộn, đã khiến Mary nhớ đến hình ảnh người cha của mình; từ đó dẫn đến ý muốn giành bằng được sự quan tâm của anh ta. Với Mary, ý muốn đó quan trọng hơn mọi thứ vì cũng giống như cha cô, Peter quá bận rộn và khó tiếp cận. Những người đàn ông sẵn lòng ngồi nghe Mary nói, quan tâm và thể hiện sự yêu thương với cô lại không khơi dậy được trong cô cảm giác xao xuyến và khát khao được yêu thương như đã từng có với cha. Sự lạnh lùng của Peter trở thành thách thức đối với Mary Jane, đồng thời mang đến cho cô cơ hội giành lấy tình yêu từ một người luôn tỏ ra xa cách với cô.

Peggy: Sống với người bà khắt khe và người mẹ thiếu tình thương, hiện là người mẹ đơn thân với hai cô con gái

Tôi chưa bao giờ biết mặt cha mình. Cha mẹ tôi ly dị từ trước khi tôi sinh ra. Mẹ tôi đi làm để nuôi nấng cả nhà, còn tôi thì ở nhà với ngoại. Giờ kể lại thì cũng không đến nỗi tệ nhưng hồi đó với tôi, cuộc sống quả thật bất hạnh. Bà ngoại tôi là người cực kỳ cay nghiệt. Tuy không đánh đập, nhưng mỗi ngày bà đều không ngớt lời chửi rủa hai chị em tôi. Bà mắng nhiếc chúng tôi thậm tệ, nào là chúng tôi là những đứa hư đốn, chỉ tổ mang lại phiền phức và vô tích sự. Mỉa may thay, càng nghe bà chửi rủa chị em tôi lại càng cố gắng tỏ ra tử tế hơn, xứng đáng hơn. Mẹ tôi thì không bao giờ đứng về phía chúng tôi cả. Mẹ sợ bà bỏ đi thì không ai coi sóc bọn tôi để mẹ đi làm. Vì vậy, mỗi lần bà chì chiết bọn tôi thì mẹ chỉ nhìn đi chỗ khác. Tôi lớn lên với nỗi cô đơn khủng khiếp trong lòng, luôn sợ hãi và thấy mình vô dụng nên cố gắng để không trở thành gánh nặng của mọi người. Tôi thường sửa chữa các thứ đồ hư hỏng trong nhà vì muốn tiết kiệm tiền cho mẹ và nhờ đó có thể được mọi người coi trọng.

Năm mười tám tuổi, tôi lấy chồng vì lỡ có thai. Nhưng ngay khi mới chung sống, tôi đã rất khổ sở. Lúc nào anh ta cũng chỉ trích tôi, ban đầu còn nhẹ nhàng, càng về sau càng nặng nề. Thật ra, tôi biết mình chẳng hề yêu anh ta nhưng vẫn cứ lấy vì nghĩ mình không còn lựa chọn nào khác. Tôi sống với anh ta đến mười lăm năm mới đủ can đảm nhìn thẳng vào sự thật, vào nỗi thống khổ của mình để tiến hành ly dị.

Chấm dứt cuộc hôn nhân đó, tôi khao khát được ai đó yêu thương nhưng đồng thời lại nghĩ rằng mình không xứng đáng cũng như không có gì để thu hút một người đàn ông tử tế.

Rồi tôi gặp Baird trong một buổi tối đi nhảy ở vũ trường. Đó là lần đầu tiên tôi đi khiêu vũ mà không hề hẹn hò với ai cả. Hôm đó, tôi đi mua sắm với một người bạn gái. Cô ấy mua một mớ đồ mới, từ áo quần đến giày dép và muốn diện chúng đi chơi. Thế là chúng tôi đến một vũ trường. Có vài doanh nhân trong thành phố có mặt ở đó và họ đã đãi chúng tôi thức uống, mời chúng tôi nhảy. Không khí rất thân thiện, dễ chịu nhưng không có gì phấn khích cho lắm. Thế rồi tôi trông thấy một người đàn ông ngồi sát bức tường bên kia. Anh ta trông cao lớn, ăn mặc sành điệu và đẹp trai. Nhưng ở anh ta toát lên vẻ gì đó rất lạnh lùng. Tôi nhớ hôm đó mình đã tự nhủ: “Đây là người đàn ông lịch lãm, kiêu ngạo nhất mà mình từng gặp. Nhất định mình sẽ làm cho anh ta trở nên gần gũi hơn!”.

Tôi bỗng nhớ lại lần đầu gặp chồng mình. Lúc đó, chúng tôi đang ở trong trường trung học; anh đi thơ thẩn giữa khuôn viên trường và tôi đã tự nhủ: “Nhìn anh chàng này thật ngang tàng. Nhất định mình sẽ quy phục được anh chàng”. Vậy đó, lúc nào tôi cũng cố gắng thay đổi mọi thứ. Dù vậy hôm đó, tôi cũng tiến đến gặp Baird và mời anh nhảy. Baird tỏ vẻ rất ngạc nhiên và có phần hơi khoái chí. Chúng tôi nhảy được một lúc thì anh mời tôi và cô bạn đi chỗ khác chơi. Dù rất thích thú nhưng tôi vẫn từ chối và ở lại đó theo ý muốn của mình. Tôi tiếp tục nhảy với vài người khác và một lát sau, anh ta lại mời tôi nhảy. Và chúng tôi lại nhảy cùng nhau. Hôm đó quán bar rất đông người, khách ra vào liên tục. Một lúc sau, tôi cùng cô bạn ra về thì thấy anh ta ngồi chơi với vài người khác ở một chiếc bàn trong góc phòng. Anh ta ra hiệu kêu tôi lại gần và nói: “Em có số điện thoại của anh trên người rồi đó!”. Thật tình là tôi không hiểu anh ta nói gì. Thế là anh ta chồm tới và rút từ trong túi áo thun của tôi một chiếc danh thiếp. Hôm đó tôi mặc chiếc áo thun có túi phía trước bụng và anh ta đã nhét danh thiếp của mình vào lúc nào tôi không rõ. Tôi cảm thấy hết sức bất ngờ và xúc động về điều đó. Và tôi cũng trao danh thiếp của mình cho anh ta.

Vài ngày sau, Baird gọi cho tôi và chúng tôi đi ăn trưa. Khi tôi đến nơi, anh ta nhìn tôi với vẻ không hài lòng chút nào. Tôi đi xe đời cũ và ngay lập tức cảm thấy mình không xứng với anh ta. Tuy vậy, ngay sau đó tôi thấy nhẹ nhõm khi nghĩ rằng dẫu sao anh ta cũng sẽ đi ăn trưa với mình. Baird tỏ ra rất lạnh lùng, cứng nhắc và tôi cứ nghĩ mình phải có trách nhiệm làm cho anh ta cảm thấy dễ chịu hơn, dù tôi chẳng hề có lỗi trong chuyện đó. Cha mẹ Baird tới chơi nhưng anh ta không hòa hợp được với họ. Anh ta không ngớt than phiền về họ và dù rằng những chuyện đó chẳng hề liên quan gì đến tôi, tôi vẫn lắng nghe với lòng thương cảm cao độ. Bữa trưa hôm đó, tôi cảm thấy không thoải mái và chẳng thưởng thức được chút nào. Tôi cảm thấy anh ta quá khác biệt với mình. Hai ngày sau, khi anh ta gọi lại và mời tôi đi chơi tiếp, tôi mới cảm thấy nhẹ nhõm đôi phần vì nghĩ rằng nếu anh ta vẫn liên lạc với mình thì có nghĩa là mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp.

Hầu như chúng tôi chưa bao giờ được thoải mái bên nhau. Giữa chúng tôi thường xảy ra điều gì đó trục trặc và tôi luôn là người dàn xếp mọi chuyện. Tôi cảm thấy rất căng thẳng khi gặp mặt Baird và chỉ cảm thấy dễ chịu đôi chút khi không khí đôi bên dịu bớt. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn bị anh ta thu hút một cách mãnh liệt.

Tôi biết nói ra thì có vẻ không bình thường nhưng tôi đã cưới Baird mà không hề yêu anh ta.

Trước khi cưới, chúng tôi có vài lần xảy ra tranh cãi và anh ta đòi chấm dứt mối quan hệ đôi bên vì không thể ở bên tôi. Những lúc đó, tôi cảm thấy suy sụp ghê gớm. Tôi năn nỉ Baird nói rõ ràng lý do để tôi biết mình phải làm gì để anh dễ chịu hơn. Baird chỉ trả lời rằng: “Em tự biết mình phải làm gì mà!”. Nhưng tôi nào có biết phải làm gì đâu chứ. Tôi gần như điên dại vì phải cố sức suy đoán. Cuộc hôn nhân của chúng tôi chỉ tồn tại được có hai tháng. Baird bỏ đi vĩnh viễn sau khi bảo với tôi rằng tôi chỉ khiến cuộc đời anh ta bất hạnh. Từ đó về sau, tôi chỉ tình cờ gặp lại Baird một lần trên phố. Lúc đó, anh ta giả vờ như không hề quen biết tôi.

Tôi không biết phải tả thế nào về sự nhớ nhung trong lòng mình. Cứ mỗi lần Baird có ý định rời xa tôi, tôi lại càng níu kéo. Đến khi quay lại, anh ta bảo rằng anh ta muốn được tôi chăm sóc như xưa. Đối với tôi, chẳng có gì quan trọng hơn điều đó! Thế là tôi lại ôm anh ta vào lòng, để cho anh ta khóc lóc và bảo rằng mình là một thằng ngốc. Nhưng cảnh đó thường chỉ tồn tại được một đêm và mọi chuyện lại quay về trạng thái cũ. Tôi lại phải cố gắng hết sức để làm cho anh ta hạnh phúc rồi anh ta lại bỏ tôi đi.

Lúc anh ta dứt khoát rời bỏ cuộc hôn nhân này, tôi hầu như tê liệt hoàn toàn. Tôi không thể làm việc, chỉ có thể ngồi thừ ra, ngẫm nghĩ và khóc. Tôi cảm thấy dường như mình đang chết dần đi vậy. Tôi cần được giúp đỡ để không phải liên lạc lại với anh ta. Tôi biết rằng mình không thể tiếp tục chịu đựng được thêm một cơn bão lòng nào như vậy nữa.

Vì sao Peggy say mê Baird?

Peggy không biết thế nào là cảm giác được yêu thương vì cô lớn lên không có cha và cũng không nhận được tình thương của mẹ. Cô cũng không hiểu biết gì về nam giới, nhất là những người đàn ông tử tế, yêu thương mọi người. Thế nhưng, qua những năm tháng sống với bà ngoại, cô lại rất quen thuộc với cảm giác bị chối bỏ và bị phê phán một cách thậm tệ. Cô cũng biết phải cố gắng thế nào để có thể giành được tình yêu thương của một người mẹ vì hoàn cảnh riêng mà không thể bày tỏ lòng yêu thương, thậm chí là bảo vệ con cái mình. Cuộc hôn nhân đầu tiên của cô diễn ra với một người cũng có thói quen chỉ trích như bà ngoại cô ngày xưa. Nhưng trong cuộc hôn nhân này, cô cũng có chút tình cảm với chồng mình. Tình dục trở thành công cụ để cô có được sự chấp nhận của anh ta hơn là biểu hiện của sự quan tâm. Cuộc hôn nhân mười lăm năm này càng khiến cô tin rằng mình là một người hoàn toàn vô dụng.

Bên cạnh đó, cô cũng tha thiết mong tái hiện sự cay nghiệt trong gia đình mình thời bé để có dịp giành lấy tình yêu thương của người khác, dù họ chẳng thể mang đến cho cô điều đó. Vì thế, cô luôn cảm thấy bị thu hút trước những người đàn ông lạnh lùng, xa cách và hững hờ. Đối với Peggy, đây là cơ hội để biến đổi một người lạnh lùng thành người yêu cô. Và khi đã thành một cặp, những lần bỏ đi rồi trở lại của Baird khiến cô cảm thấy những nỗ lực của mình đang dần có kết quả. Thế là Peggy càng cố gắng nhiều hơn dù điều đó ngày càng hủy hoại cuộc sống của cô. Cô mong muốn thay đổi Baird (người đại diện cho hình ảnh của bà ngoại và mẹ cô năm xưa) một cách mãnh liệt.

Eleanor: Sáu mươi lăm tuổi, con của một phụ nữ ly hôn và thích chiếm hữu người khác.

Mẹ tôi không thể sống hòa hợp với bất kỳ người đàn ông nào. Bà đã hai lần ly dị giữa cái thời chẳng có ai ly dị. Tôi có một người chị gái lớn hơn tôi mười tuổi và một lần, mẹ đã nói với tôi rằng: “Chị con là con riêng của bố, vì thế mẹ quyết định có một đứa con của riêng mình”. Đó là lý do khiến bà sinh tôi – một sự sở hữu và là một phần của bản thân bà. Thậm chí mẹ chẳng bao giờ nghĩ rằng chúng tôi là hai con người khác nhau.

Sau khi cha mẹ tôi ly dị, tôi nhớ cha ghê gớm. Nhưng mẹ chẳng bao giờ cho cha đến gần tôi và bản thân ông cũng không muốn tranh cãi với bà. Chẳng ai có ý kiến gì về chuyện đó. Lúc nào tôi cũng có cảm giác mình bị mẹ cầm tù nhưng đồng thời phải có trách nhiệm làm cho bà hạnh phúc. Tôi không thể nào bỏ mẹ một mình dù lúc nào cũng thấy nghẹt thở khi sống với bà. Lên đại học, tôi ở trọ tại nhà một người họ hàng trong thành phố. Mẹ tôi tức giận đến độ bà không bao giờ nói chuyện với họ nữa.

Khi ra trường, tôi làm thư ký trong văn phòng cảnh sát tại một thành phố lớn. Một hôm, có một anh chàng cảnh sát rất đẹp trai mặc sắc phục đến hỏi tôi chỗ để nước trong văn phòng. Tôi bèn chỉ cho anh ta. Rồi anh ta lại hỏi tôi chỗ để ly tách. Thế là tôi cho anh ta mượn tách của mình để uống aspirin. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh anh ta ngửa đầu ra sau khi uống mấy viên thuốc đó. Sau đó, anh ta nói như thanh minh với tôi: “Chà, tối qua tôi uống dữ quá!”. Ngay lập tức, tôi tự nhủ: “Ôi tội nghiệp! Có lẽ do cô đơn quá nên anh ta mới uống quá nhiều như thế”. Anh ta chính là người tôi cần – một người cần đến sự chăm sóc của tôi. Và tôi nhớ mình đã nghĩ như thế này: “Mình sẽ thử làm cho anh ta hạnh phúc hơn xem sao!”. Hai tháng sau, chúng tôi cưới nhau và suốt bốn năm sau đó, tôi đã không ngừng “thử”. Tôi nấu những món thật ngon với hy vọng sẽ giữ được anh ở nhà. Thế nhưng, anh chỉ bỏ đi uống rượu và đến khuya lắc mới về. Khi anh ta về, chúng tôi cãi nhau, đánh nhau và sau đó thì tôi bắt đầu khóc lóc. Lần sau, mỗi khi anh ta về trễ, tôi cho đó là lỗi tại mình vì đã tỏ vẻ không vui lần trước và tự nhủ: “Chẳng trách vì sao anh ấy không muốn về nhà!”. Cứ thế, mọi chuyện diễn ra ngày càng tồi tệ cho đến một ngày, tôi phải bỏ anh ta. Chuyện đó xảy ra cách đây đã ba mươi bảy năm nhưng mãi đến năm ngoái, tôi mới biết anh ta là một người nghiện rượu. Trước kia, tôi cứ nghĩ đó là tại mình đã không mang lại hạnh phúc cho anh ta.

Vì sao Eleanor say mê chồng đến vậy?

Nếu mẹ bạn căm ghét đàn ông và luôn dạy bạn rằng đàn ông rất tồi tệ; trong khi bản thân bạn lại rất yêu mến cha mình và cảm thấy đàn ông thật hấp dẫn, thì rất có thể khi lớn lên, bạn sẽ luôn lo sợ bị người yêu bỏ rơi. Vì vậy, có khả năng bạn sẽ tìm một người đàn ông cần đến sự giúp đỡ của mình để được đóng vai trò “đảm đương” trong mối quan hệ đó. Đó là những gì Eleanor cảm thấy khi bị anh chàng cảnh sát đẹp trai thu hút. Dù có vẻ công thức này sẽ giúp bạn tránh được tổn thương và người đàn ông đó sẽ phải lệ thuộc vào bạn, nhưng vấn đề nằm ở chỗ: điều đó chỉ xảy ra khi người đàn ông đó có vấn đề! Nói cách khác, anh ta vốn đã thuộc dạng người “rất tồi tệ”. Eleanor muốn đảm bảo mình sẽ không bị bỏ rơi (như cha mẹ bà đã đối xử với nhau cũng như mẹ bà từng nhận xét về đàn ông), bà đã tự nguyện chăm sóc cho người đàn ông của mình. Thế nhưng, bản chất của người đàn ông thuộc tuýp này thường là “rời bỏ nhiều hơn ở lại”.

Sau khi kết hôn, thay vì cảm thấy đảm bảo chẳng bao giờ bị bỏ rơi, Eleanor lại phải đối diện với thực tế hoàn toàn trái ngược. Mỗi đêm người chồng không về nhà lại củng cố cho bà thấy nhận định của mẹ bà về đàn ông là chẳng sai. Và cuối cùng, cũng giống như mẹ, bà đã ly dị với người đàn ông thuộc tuýp người “rất tồi tệ”.

Arleen: Hai mươi bảy tuổi, lớn lên trong gia đình bạo hành nên phải đóng vai trò bảo vệ mẹ và các em

Chúng tôi làm việc chung trong công ty biểu diễn chuyên diễn tại một sân khấu kiêm nhà hàng. Ellis nhỏ hơn tôi bảy tuổi và chẳng có điểm nào hấp dẫn tôi về mặt hình thể. Tôi cũng chẳng hề có ấn tượng gì đặc biệt về cậu ấy cho tới hôm chúng tôi cùng đi mua sắm rồi ăn tối chung. Trong buổi nói chuyện, tôi bỗng nhận thấy Ellis có một cuộc đời rất rối rắm và rõ ràng không được ai quan tâm, chăm sóc. Khi nghe chuyện của Ellis, tôi bỗng cảm thấy có điều gì đó thôi thúc mình phải tìm hiểu và giúp Ellis giải quyết mọi chuyện. Ngay buổi tối hôm ấy, Ellis đã cho tôi biết cậu là người lưỡng tính. Mặc dù chẳng hề thuộc tuýp người đó nhưng tôi vẫn biến chuyện ấy thành một trò đùa và tự nhận mình cũng như thế, rằng hễ khi có ai đó tỏ ra gần gũi quá mức thì tôi sẽ tránh xa. Mà quả thật, tôi cũng rất sợ những người đàn ông tấn công mạnh bạo. Người chồng cũ của tôi thường hay lạm dụng tôi và một người bạn trai khác cũng thế. Nhưng Ellis có vẻ an toàn đối với tôi, khiến tôi nghĩ mình sẽ không bị tổn thương như với những người đàn ông trước. Thế mà chẳng bao lâu sau, mối quan hệ giữa chúng tôi đã trở nên nặng nề. Mới sống chung được vài tháng, tôi đã có cảm giác như đang sống trong địa ngục trần gian, lúc nào cũng cảm thấy căng thẳng và sợ hãi. Tôi cảm thấy như thể mình đang ban ơn cho anh ta đến độ bản thân đang trở nên “thân tàn ma dại”. Cả lòng tự trọng của tôi cũng bị sứt mẻ. Anh ta say mê nam giới hơn tôi. Có một đêm tôi nằm bệnh viện vì viêm phổi nặng đến sắp chết mà anh ta cũng chẳng thèm đến thăm tôi vì còn bận đi lại với một gã đàn ông khác. Ba tuần sau khi ra viện, tôi đã chấm dứt mối quan hệ với anh ta với sự giúp đỡ của rất nhiều người. Tôi đau khổ đến mức không thể tưởng tượng và thật lòng mà nói, tôi không hề muốn phải làm như thế chút nào. Tôi vẫn có cảm giác anh ta cần đến mình và tôi nghĩ chỉ cần mình cố gắng đôi chút là cả hai lại có thể hòa hợp với nhau.

Khi còn bé, tôi cũng thường cảm thấy y như thế. Lúc nào tôi cũng tìm cách sửa chữa, sắp đặt sao cho mọi thứ đều có vẻ ổn thỏa.

Gia đình chúng tôi có năm người và tôi là con gái lớn nhất trong nhà. Lúc nào mẹ tôi cũng cố làm cho cha vui lòng dù luôn thất bại. Tôi chưa từng thấy người đàn ông nào kém cỏi bằng cha mình. Và cuối cùng thì họ ly dị nhau cách đây mười năm. Có lẽ cha mẹ tôi nghĩ rằng họ nên sống vì con cái, đợi đến khi chúng tôi trưởng thành và ra ở riêng thì mới ly hôn. Nhưng thực tế thì việc lớn lên trong bầu không khí gia đình như thế quả thật khổ sở. Cha tôi đánh đập tất cả mọi người trong nhà, kể cả mẹ. Ông đặc biệt đối xử thô bạo với em gái tôi và thường chửi rủa em trai tôi rất thậm tệ. Ông phá hủy cuộc sống của từng chị em chúng tôi theo nhiều cách khác nhau. Trước tình cảnh đó, tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất là phải làm điều gì đó để mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn dù chẳng biết phải làm gì. Tôi cố nói chuyện với mẹ nhưng bà quá thụ động. Thế là tôi tìm cách chống đối lại cha nhưng cũng không làm được mấy vì điều đó khá nguy hiểm cho tôi. Tôi dạy các em mình phải tránh mặt cha và không trả lời ông. Thậm chí, đi học về là chị em chúng tôi lùng sục khắp nhà để xem liệu điều gì có thể khiến ông bực mình hay không và cố gắng sắp xếp lại trước khi ông đi làm về. Hầu như lúc nào chúng tôi cũng sống trong sợ hãi và bất hạnh như thế.

Vì sao Arleen say mê Ellis?

Do cảm thấy mình mạnh mẽ, trưởng thành và thực tế hơn Ellis, Arleen hy vọng mình sẽ đóng vai trò chủ đạo trong mối quan hệ với anh ta và nhờ thế sẽ tránh bị tổn thương. Arleen si mê Ellis vì một yếu tố rất quan trọng có liên quan đến tuổi thơ cơ cực của mình. Sự sợ hãi và chán ghét của Arleen đối với cha đã khiến cô nhìn thấy ở Ellis một hình ảnh hoàn toàn trái ngược: một người luôn nhẹ nhàng với cô. Không may là sau vài tháng chung sống, Arleen đã phải nếm trải tổn thương và những cơn đau tim chẳng khác gì những người đàn ông khác mà cô từng quen biết.

Nỗ lực để thay đổi cuộc sống của một người đàn ông đồng tính khó khăn chẳng kém những gì Arleen đã từng trải qua trong thời thơ ấu. Kể cả sự đau khổ trong mối quan hệ này cũng trở nên thân thuộc đối với cô: lúc nào cũng chờ đợi để bị tổn thương hoặc bị xúc phạm trong khi lẽ ra cô phải được quan tâm, chăm sóc. Chính suy nghĩ thay đổi Ellis thành con người mà mình mong muốn đã khiến Arleen khó lòng dứt bỏ mối quan hệ đó.

Suzannah: Hai mươi sáu tuổi, hai lần ly hôn những ông chồng nghiện rượu; là con gái của một người mẹ sống lệ thuộc tinh thần vào người khác

Lần đó, tôi tham dự một buổi hội thảo đào tạo ba ngày tại San Francisco để chuẩn bị thi lấy giấy phép hành nghề hoạt động xã hội của hội đồng bang. Trong giờ giải lao chiều ngày thứ hai, tôi nhìn thấy một anh chàng rất đẹp trai. Khi tình cờ giáp mặt nhau, tôi đã tặng cho anh một nụ cười tươi tắn nhất. Sau đó, tôi ra ngoài và ngồi nghỉ. Một lúc sau, anh tiến lại gần và hỏi tôi có muốn đi uống tách cà phê không. Tôi đồng ý ngay và khi đến quán, anh hỏi tôi với vẻ hơi chần chừ: “Anh có thể đãi em món gì không?”. Đoán là anh không đủ tiền nên tôi đáp: “Ồ không. Không cần đâu ạ!”. Và tôi tự mua cho mình ly nước trái cây rồi chúng tôi trở về lớp, trò chuyện cho đến hết giờ giải lao. Chúng tôi giới thiệu sơ về bản thân mình như nhà cửa, công ăn việc làm. Anh tỏ ý muốn đi ăn tối cùng tôi. Thế là chúng tôi hẹn sẽ gặp nhau ở tiệm Fisherman’s Wharf. Buổi tối hôm đó, trông anh thật khổ sở. Anh bảo với tôi rằng anh đang phải quyết định xem nên sống lãng mạn hay thực tế vì chỉ đủ tiền để mời tôi ăn tối hoặc là chở tôi đi chơi khắp vùng vịnh. Dĩ nhiên, tôi chọn ngay chuyến đi chơi và bảo: “Còn em, em sẽ đãi anh buổi tối nay”. Và chúng tôi quyết định sẽ làm như thế, riêng tôi lại cảm thấy mình thật mạnh mẽ và thông minh vì đã tính toán vẹn cả đôi đường.

Hôm đó, thời tiết trên vịnh rất đẹp. Mặt trời đang lặn dần và chúng tôi ngồi bên nhau trò chuyện thân mật. Anh tâm sự rằng anh rất sợ gần gũi với người khác, rằng nhiều năm trước đã từng yêu một người nhưng cả hai không hợp nhau. Sở dĩ anh không dứt áo ra đi là vì quá yêu thương đứa con trai sáu tuổi của người kia, sợ đứa bé thiếu vắng sự dạy dỗ của người đàn ông. Ngoài ra, anh cũng tiết lộ rằng chuyện chăn gối giữa anh với người phụ nữ kia không tốt đẹp cho lắm bởi anh không thấy sự quyến rũ của người kia.

Lòng tôi cứ rộn lên khi nghe những tâm sự thầm kín của anh. Tôi thầm nghĩ: “Đây quả là một người đàn ông tuyệt vời, đầy lòng trắc ẩn và trung thực. Vấn đề là anh ta chưa gặp đúng người mà thôi”.

Chuyện anh đã ba mươi bảy tuổi và có thể đã từng có nhiều mối quan hệ chẳng khiến tôi bận lòng. Rất có thể, chỉ là có thể thôi, rằng anh có vấn đề gì đó.

Lúc đó, tôi đã nhìn thấy ở anh nhiều khuyết điểm, chẳng hạn như thụ động, né tránh tình cảm và gặp khó khăn về tài chính. Thế nhưng, cái ý nghĩ sẽ thay đổi cả cuộc đời anh đã làm lu mờ lý trí của tôi, khiến tôi chẳng còn cảnh giác trước những gì anh nói.

Đến khi đi ăn, dĩ nhiên tôi là người trả tiền. Anh phản đối vì cho rằng làm như thế chẳng phải phép chút nào. Tuy nhiên, tôi khẽ nháy mắt và bảo rằng nếu muốn thì lần sau anh có thể đến thăm và mời tôi đi ăn để bù lại. Anh bảo đó là một ý tưởng hay vì anh cũng muốn biết tôi sống thế nào và chỗ tôi có cơ hội việc làm gì không… Anh cho biết mười lăm năm trước anh đã từng là giáo viên và sau nhiều lần thay đổi công việc, mà mỗi lần thu nhập và uy thế đều ít đi, thì giờ đây, anh đang làm tại phòng tư vấn ngoại trú dành cho những người nghiện rượu. Chà, thật tuyệt vời! Trước đây, tôi đã từng yêu những người nghiện rượu và chịu đựng không ít đau khổ; nhưng anh chàng này là một người hoàn toàn khác, một người không thể nghiện rượu vì chính anh đang giúp người khác cai nghiện kia mà. Anh nói người bồi bàn lớn tuổi có giọng nói rắn rỏi khiến anh nhớ đến mẹ mình, vốn là một người nghiện rượu. Tôi biết những đứa con lớn lên trong các gia đình có cha mẹ nghiện rượu rất có khả năng trở thành kẻ nghiện rượu khi lớn lên. Thế nhưng suốt buổi tối, anh chẳng hề uống lấy một chút rượu bia nào, ngoại trừ không ngừng gọi nước khoáng có ga Perrier. Tôi cứ thầm nghĩ: “Đây chính là một nửa của mình”. Tôi chẳng hề quan tâm đến việc anh đã làm rất nhiều nghề và càng ngày càng xuống dốc, vì cho rằng đó chẳng qua là do vận đen mà thôi. Dường như số phận của anh không được may mắn cho lắm và điều đó càng khiến anh trở nên hấp dẫn đối với tôi. Tôi cảm thấy tội nghiệp anh.

Anh luôn bảo rằng tôi rất hấp dẫn, rằng ở bên tôi thật dễ chịu và chúng tôi thật xứng đôi vừa lứa với nhau. Tôi cũng cảm thấy như thế. Tối hôm đó, chúng tôi chia tay nhau đầy lãng mạn: anh ấy cư xử lịch thiệp không chê vào đâu được còn tôi thì dành cho anh một nụ hôn thật ấm áp. Trong lòng tôi trào dâng cảm giác an toàn. Người đàn ông này chẳng hề tỏ ý đòi hỏi gì về chuyện tình dục, anh chỉ thích được ở bên tôi, tận hưởng những khoảnh khắc bên nhau. Tôi không để ý rằng đó có thể là dấu hiệu cho thấy anh ta có vấn đề về tình dục. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng nếu có cơ hội, chắc chắn tôi sẽ giải quyết được mọi khó khăn nho nhỏ của anh ta.

Hôm sau đã là ngày cuối cùng của cuộc hội thảo, vì thế chúng tôi bàn đến chuyện gặp lại nhau. Anh đề nghị sẽ đến thăm tôi vào tuần trước khi thi và sẽ ở lại chỗ tôi nhưng nhấn mạnh là anh chỉ muốn dùng thời gian đó để học bài thi. Tôi có vài ngày nghỉ phép nên đó sẽ là dịp tốt nhất để chúng tôi cùng đi chơi, ngắm cảnh với nhau. Tuy vậy, kỳ thi của anh ta quan trọng hơn! Thế là chẳng mấy chốc, tôi quên mất những điều mình muốn làm và chỉ cốt sao anh được vui. Thậm chí, tôi còn lo là anh sẽ không đến mặc dù nghĩ đến việc tôi đi làm còn anh ở nhà học bài thì cũng chẳng có gì vui. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn làm anh vui lòng và sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn. Và đây là dịp đặc biệt để tôi thể hiện điều đó. Anh đã tỏ ra rất say mê tôi, vậy nên nếu giờ đây tôi để anh cảm thấy mất hứng thú thì thật tệ hại. Vì thế, tôi nhất định phải giữ anh cho bằng được.

Thế là chúng tôi chia tay mà vẫn chưa thu xếp được việc gặp lại nhau, dù tôi đã cố gắng vạch ra kế hoạch khả quan nhất. Tôi cảm thấy buồn sau khi chia tay nhau mà không hiểu vì sao, chỉ cảm thấy thật tệ vì mình đã không thu xếp được vấn đề và làm anh vui.

Chiều hôm sau, cú điện thoại của anh ấy khiến tôi sung sướng đến phát khiếp. Tôi cảm thấy như mình đã chuộc được lỗi lầm vậy.

Tối hôm sau, anh gọi điện cho tôi lúc mười giờ rưỡi và hỏi tôi là anh nên làm gì với người bạn gái hiện tại. Tôi không biết phải làm sao và bắt đầu cảm thấy khó chịu. Tôi bỗng nảy sinh ý nghĩ phản đối và lần đầu tiên, tôi không hành xử theo thói quen thường tình là nhảy vào tìm cách giải quyết sự việc. Rồi anh bắt đầu lớn tiếng với tôi và cúp máy đột ngột. Tôi sững cả người. Sau đó, tôi bắt đầu nghĩ rằng có thể là tại mình đã không giúp ích được gì nên anh ấy mới như vậy. Tôi thấy mình cần phải gọi lại cho anh ấy để xin lỗi và làm cho anh bớt giận. Nhưng vì đã từng tham gia một số buổi huấn luyện dành cho những người có quan hệ với người nghiện rượu nên tôi kiên quyết từ bỏ ý định đó và chấp nhận mọi lời đổ lỗi của anh. Vài phút sau, anh ấy gọi lại cho tôi và xin lỗi vì đã cúp máy giữa chừng. Nhưng rồi anh lại nhắc đến câu hỏi khi nãy và tôi không biết phải trả lời thế nào. Anh lại lớn tiếng và cúp máy. Lần này, tôi nhận ra anh đã uống rượu nhưng vẫn muốn gọi lại cho anh và giải quyết êm đẹp mọi việc. Nếu đêm đó tôi làm như thế và nhận lấy mọi trách nhiệm về mình thì có lẽ hôm nay, chúng tôi vẫn còn quan hệ với nhau. Nhưng cứ nghĩ đến điều đó là tôi lại thấy rùng cả mình! Vài ngày sau, tôi nhận được bức thư với lời lẽ rất lịch sự của anh. Trong thư, anh bảo rằng mình chưa sẵn sàng để xây dựng một mối quan hệ mới vào thời điểm này, đồng thời không hề nhắc gì đến chuyện đã la hét hay cúp máy đột ngột hôm nọ. Thế là mọi chuyện chấm dứt từ đó.

Nếu là một năm trước đây, có lẽ tôi sẽ lại bắt đầu mối quan hệ với một người như thế. Anh là người đàn ông hấp dẫn đến mức tôi không thể nào cưỡng lại được: đẹp trai, quyến rũ, nghèo, chứa nhiều tiềm năng. Trong những buổi huấn luyện dành cho người từng quan hệ với đối tượng nghiện rượu, hễ nghe ai đó nói rằng mình bị thu hút bởi tiềm năng thay vì con người thực tại của đối tượng thì chúng tôi lại cười, bởi đó là điều mà tất cả đều đã từng trải qua. Tất cả chúng tôi đều cảm thấy cuốn hút trước những người cần được giúp đỡ và động viên mới có thể phát huy hết tiềm năng của họ. Tôi đã từng cố gắng hết sức để giúp đỡ, làm vui lòng và đảm nhận mọi trách nhiệm trong một mối quan hệ. Thuở bé, tôi đã từng làm điều đó với mẹ ruột của mình và sau đó là với những người chồng của mình. Mẹ và tôi chưa bao giờ hòa hợp được với nhau. Bà quen hết người đàn ông này đến người đàn ông khác; và mỗi khi có bạn trai mới, bà lại gởi tôi vào trường nội trú để không phải bận tâm chăm sóc. Nhưng mỗi khi bị người tình bỏ rơi, bà lại đến trường đón tôi về nhà để có người quanh quẩn, lắng nghe bà khóc lóc và ca cẩm. Những lúc ở bên mẹ, nhiệm vụ của tôi là an ủi, làm cho bà cảm thấy khuây khỏa. Nhưng hầu như là chẳng bao giờ tôi làm cho bà quên đi nỗi đau khổ và thế là bà lại cáu giận vì cho rằng tôi không thật lòng quan tâm đến bà. Và khi có người mới, bà lại quên khuấy tôi đi. Do vậy, khi lớn lên, tôi quyết định làm trong ngành hoạt động xã hội để giúp đỡ mọi người. Chỉ khi giúp ích được cho ai đó, tôi mới cảm thấy mình có giá trị và không ngừng cảm thấy phải làm cho mọi việc được tốt đẹp hơn. Vì thế, kiềm chế được cảm giác muốn chinh phục một người đàn ông chẳng có khả năng gì ngoài việc tạo cơ hội cho tôi quan tâm, chăm sóc quả là một kỳ tích đối với tôi.

Vì sao Suzannah say mê anh chàng ở San Francisco?

Suzannah chọn ngành hoạt động xã hội là điều tất yếu bởi cô chỉ quan tâm đến những người cần sự động viên và an ủi nơi cô. Dấu hiệu đầu tiên mà cô nhận thấy ở người đàn ông gặp tại buổi hội thảo chính là tình trạng khó khăn về tài chính của anh ta. Khi cô hiểu ý và tự trả tiền nước cho mình, giữa hai người đã trao đổi một thông tin quan trọng: anh ta là một người khá nghèo và cô tự trả tiền để không làm anh ta tổn thương – vốn là một hình thức bảo vệ cảm xúc của anh ta. Và điều này được lặp lại trong lần hẹn hò của đôi bên khi cô trả tiền bữa tối. Lẽ ra, đây phải là những dấu hiệu cảnh báo để cô nhớ lại mối quan hệ với những người đàn ông lệ thuộc vào mình trước kia. Nhưng chúng lại càng khiến cô cảm thấy bị cuốn hút bởi đã gợi lên ở cô lòng trắc ẩn, bản tính thích chăm sóc, bảo bọc người khác. Thật khó để Suzannah làm ngơ trước chi tiết “cám dỗ” mãnh liệt này: hình ảnh một anh chàng tuy chưa được hoàn hảo nhưng có vẻ sẽ khá hơn và trở thành một người đặc biệt nếu được cô quan tâm, giúp đỡ. Ngay từ lúc ban đầu, Suzannah đã không hề tự hỏi: “Mình sẽ được gì từ mối quan hệ này?”; nhưng nhờ đang trong quá trình điều trị tâm lý và dần lấy lại cân bằng nên cuối cùng cô cũng nhận ra thực tế của vấn đề. Lần đầu tiên, cô đã biết tập trung vào việc dứt khỏi mối quan hệ này thay vì cứ chú tâm vào việc tìm cách giữ cho anh ta luôn cần đến mình.

Rõ ràng, những người phụ nữ yêu mù quáng mà ta được biết trong cuốn sách này đều tìm kiếm người có khả năng giúp họ tái hiện những thử thách mà họ đã từng trải qua thời bé và mang đến cho họ cảm giác thoải mái khi được là chính mình. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng chẳng có ai trong số họ nhận ra điều gì đã thu hút mình như vậy. Bởi vì nếu nhận ra được nguyên nhân, họ sẽ chọn lựa một cách tỉnh táo hơn trước khi quyết định dấn thân vào những mối quan hệ đầy khó khăn, thử thách đó. Cũng có khi họ cảm thấy hấp dẫn trước những người có tính cách hoàn toàn trái ngược với cha mẹ mình, chẳng hạn như trường hợp của Arleen. Cô bị cuốn hút bởi một anh chàng lưỡng giới có thân hình mảnh dẻ và nhỏ tuổi hơn mình rất nhiều – người luôn hành xử nhẹ nhàng, mang đến cho cô cảm giác an toàn, khác hẳn với người cha thô bạo của cô.

Có những cặp đôi thậm chí còn khắng khít hơn, chẳng hạn như chuyện của Chloe – cô sinh viên mỹ thuật – và anh chàng bạo lực vốn căm ghét phụ nữ. Từng biểu hiện trong cuộc nói chuyện lần đầu tiên đã cho thấy rất rõ ràng con người và suy nghĩ của anh ta. Thế nhưng, nhu cầu đón nhận thử thách của Chloe quá lớn nên thay vì nhận biết anh ta thuộc tuýp người hung hăng, nguy hiểm thì cô lại xem anh ta như một nạn nhân cần được chia sẻ, cảm thông. Trong khi đa phần phụ nữ đều tránh xa anh ta thì Chloe lại bóp méo sự thật và thiết lập mối quan hệ với anh ta. Thế thì tại sao những mối quan hệ này lại thường khó chấm dứt như vậy? Ở đây, có một nguyên tắc rất cơ bản là, một mối quan hệ càng chứa đựng và tái hiện nhiều yếu tố khó khăn quen thuộc thời thơ ấu đối với người phụ nữ trong cuộc bao nhiêu thì nó càng khó chấm dứt bấy nhiêu. Sở dĩ họ yêu mù quáng là vì họ cố khắc phục những nỗi sợ hãi, giận dữ, phiền muộn và đau đớn đã trải qua khi còn bé cũng như cố chứng tỏ bản thân mình.

Dù nền tảng tâm lý vô thức đã khiến những phụ nữ yêu mù quáng bị cuốn vào các mối quan hệ đau thương, nhưng chúng lại không hề giúp họ nhận định được những xúc cảm mãnh liệt từ trải nghiệm ý thức.

Có thể nói, gánh nặng mà những mối quan hệ này đặt lên vai người phụ nữ thật khó diễn tả hết. Khi cố dứt khỏi mối quan hệ đó, họ cảm thấy như có một luồng điện đau thương đang chạy khắp người mình! Cảm giác trống rỗng ngày xưa trỗi dậy và không ngừng ám ảnh họ.

Gánh nặng tình cảm đó, bao gồm cảm xúc hưng phấn, say mê lẫn cảm giác thôi thúc phải tìm đến người đàn ông thuộc tuýp cần được chăm sóc, bảo vệ và ý nghĩ phải thay đổi anh ta, khiến cho mối quan hệ dù có trở nên tốt đẹp cũng không hề giống những mối quan hệ bình thường. Chính ý muốn điều chỉnh, sửa đổi mọi thứ cho đúng hơn, tốt hơn cùng tham vọng giành lại tình yêu đã mất thời thơ ấu cũng như đạt được sự thừa nhận của người khác là những lý do vô thức đã khiến họ, những người phụ nữ yêu quá mức, lao vào tình yêu.

Đó cũng là lý do vì sao họ không cảm thấy thú vị trước những người đàn ông tử tế, yêu thương họ, chăm lo cho hạnh phúc của họ. Rõ ràng, những người đàn ông như thế có xuất hiện trong cuộc đời của họ chứ không phải không. Những khách hàng của tôi đều có thể nhớ lại ít nhất là một người đàn ông tử tế mà họ đã gặp trong đời, những người “thật dễ thương… tử tế… thật sự quan tâm đến tôi…”; để rồi cuối cùng họ mỉm cười mỉa mai và tự hỏi: “Vậy mà không hiểu tại sao mình lại không yêu anh ta nhỉ?”. Và thường thì chính họ sẽ tự trả lời được câu hỏi đó: “Tôi cảm thấy không hứng thú khi ở bên anh ta, dù anh ta cũng dễ thương”.

Câu trả lời chính xác nhất là vì những điều mà người ấy làm và phản ứng của họ không tương thích với nhau, nên không thể tạo nên một vũ điệu hoàn hảo. Dù rằng việc làm quen với người đàn ông tử tế có thể mang lại cho họ cảm giác dễ chịu, chắc chắn và thoải mái nhưng họ vẫn không đánh giá cao mối quan hệ này cũng như có ý muốn tiến xa hơn. Những người đàn ông tử tế này thường bị lãng quên hoặc bỏ rơi nhanh chóng, hoặc nếu may mắn hơn thì được xếp vào danh sách “chỉ là bạn” vì họ không có khả năng khơi dậy trong người phụ nữ yêu mù quáng cảm xúc rạo rực, háo hức, hồi hộp khi nói đến tình yêu.

Đôi khi, những người đàn ông đó chỉ đóng vai trò “làm bạn” với họ trong suốt nhiều năm, thỉnh thoảng gặp nhau, đi uống nước, trò chuyện để rồi chia sẻ, lắng nghe họ khóc lóc, kể lể về sự đau khổ, phản bội, xúc phạm mà họ gặp phải trong mối tình hiện tại. Đó là vì những người đàn ông đầy cảm thông, chia sẻ đó không thể nào mang đến cho họ những tình cảm đầy kịch tính, đau đớn, căng thẳng lẫn những cảm xúc hưng phấn. Đó là vì ở những phụ nữ yêu mù quáng, khái niệm đúng đắn và sai lệch đã hoán chỗ cho nhau. Những điều lẽ ra rất tệ hại lại mang đến cho họ cảm giác tốt đẹp, thân quen trong khi những điều thật sự tốt đẹp lại khiến họ cảm thấy xa lạ, nghi ngờ và không thoải mái. Kinh nghiệm sống cùng những trải nghiệm lâu dài trong quá khứ đã khiến họ cảm thấy gần gũi với sự đau khổ. Một người đàn ông bình thường, biết quan tâm, yêu thương sẽ không bao giờ đóng vai trò quan trọng trong đời của họ trừ khi họ rũ bỏ được nhu cầu tái hiện những khó khăn đã qua để chứng tỏ bản thân mình.

Một người phụ nữ lớn lên trong gia đình bình thường, hạnh phúc sẽ có những phản ứng và mối quan hệ khác hẳn. Đó là vì những người này vốn xa lạ với việc phải chịu đựng, phải nỗ lực và chưa từng trải qua đau khổ lúc còn nhỏ nên họ sẽ cảm thấy khó bề chấp nhận những mối quan hệ tiêu cực đó. Nếu gặp phải người đàn ông khiến họ cảm thấy tổn thương, lo lắng, thất vọng, cáu giận, ghen tuông hoặc phải chịu đựng những cảm xúc tiêu cực khác, họ sẽ lập tức cảm thấy bất bình và do vậy, sẽ tránh né mối quan hệ đó thay vì theo đuổi nó. Mặt khác, họ sẽ tìm cách thiết lập những mối quan hệ mang lại cho mình cảm giác thoải mái, được quan tâm, chăm sóc và dễ chịu. Có thể nói, sự quyến rũ giữa hai con người có khả năng tạo nên một mối quan hệ tích cực có nền tảng từ những tương tác lành mạnh, dù sự mãnh liệt và thú vị của nó có thể không hấp dẫn bằng mối quan hệ của những người phụ nữ yêu mù quáng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.