Phụ Nữ Yêu Như Thế Nào

PHỤ LỤC: LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC MỘT NHÓM HỖ TRỢ CỦA RIÊNG BẠN?



Trước hết, hãy tìm hiểu xem nơi bạn sinh sống có các tổ chức xã hội nào có thể hỗ trợ bạn không. Bạn có thể tra cứu thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet hoặc gọi đến các tổng đài. Tuy vậy, bạn cũng đừng quá hy vọng rằng một cú điện thoại đến đơn vị hữu quan sẽ mang đến những thứ bạn cần bởi có thể họ không nắm bắt đầy đủ mọi thông tin về lĩnh vực bạn quan tâm.

Hãy tự thân vận động. Hãy gọi điện đến những địa chỉ cần thiết như hội phụ nữ hoặc các tổ chức xã hội. Hãy tham gia các khóa huấn luyện cùng những buổi họp mặt của tổ chức. Điều đó sẽ giúp ích cho bạn. Nếu sau khi đã tìm hiểu kỹ lưỡng mà vẫn không tìm thấy tổ chức nào phù hợp với vấn đề của mình, bạn có thể tự thành lập một tổ chức riêng bằng cách đăng trên báo hoặc internet. Một nhóm lý tưởng nhất thường có khoảng 7 đến 12 thành viên. Tuy nhiên, bạn cũng có thể bắt đầu với số lượng ít hơn.

Hãy nhớ rằng, những phụ nữ có mặt trong buổi gặp gỡ đầu tiên đó đều đang gặp phải một vấn đề nghiêm trọng cần được giúp đỡ. Vì thế, đừng mất nhiều thời gian cho việc sắp đặt kế hoạch hoạt động trong tương lai, dù điều đó cũng không kém phần quan trọng. Để bắt đầu, bạn hãy kể câu chuyện của chính mình, bởi điều đó sẽ tạo nên mối dây liên hệ giữa các thành viên và góp phần đưa mọi người đến gần nhau hơn. Những người phụ nữ yêu mù quáng thường gặp phải nhiều vấn đề giống nhau nên họ sẽ nhanh chóng cảm nhận được ngay điều đó. Vì vậy, điều quan trọng nhất là bạn phải chân thành kể câu chuyện của chính mình.

Bạn có thể dùng lịch trình sau cho buổi gặp mặt đầu tiên của bạn.

Chú ý, đừng kéo dài buổi gặp mặt đầu tiên quá một giờ đồng hồ.

1. Bắt đầu đúng giờ. Điều này sẽ giúp mọi người hiểu rằng họ phải nhanh nhẹn trong các cuộc họp mặt tiếp theo.

2. Giới thiệu những thông tin cần thiết về mình, chẳng hạn như bạn chính là người đã đăng thông tin thành lập nhóm cũng như giải thích rõ bạn muốn cả nhóm sẽ hỗ trợ nhau vượt qua những vấn đề của mỗi người.

3. Nhấn mạnh rằng mọi điều được bàn luận trong buổi gặp đều phải được giữ kín đồng thời mọi người không được bàn bạc gì thêm sau khi kết thúc buổi họp mặt. Đề nghị những người có mặt giới thiệu tên của họ.

4. Hãy giải thích để mọi người hiểu về lợi ích của việc tự giới thiệu sơ lược lý do vì sao họ tham gia nhóm hỗ trợ cũng như hãy dành ra năm phút để họ nói về điều đó. Hãy xung phong làm mẫu bằng cách giới thiệu tên và kể câu chuyện của chính bạn một cách ngắn gọn.

5. Khi mọi người đã chia sẻ câu chuyện của mình, hãy trở lại với những người còn chưa muốn kể về câu chuyện của họ và nhẹ nhàng đề nghị họ đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, đừng buộc họ phải nói. Hãy thể hiện cho tất cả thấy rõ rằng dù có nói hay không thì ai cũng được hoan nghênh cả.

6. Và sau đây là những nguyên tắc mà bạn nên trình bày với nhóm. Bạn có thể ghi lại những điều sau và phát cho các thành viên trong nhóm:

• Không khuyên bảo. Hoan nghênh việc các thành viên chia sẻ kinh nghiệm bản thân cũng như những việc làm đã giúp cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, không ai được khuyên bảo người khác phải làm gì. Nếu ai đó sa đà vào điều này, hãy nhẹ nhàng nhắc nhở người ấy.

• Vai trò trưởng nhóm nên được thay đổi hàng tuần. Người trưởng nhóm có nhiệm vụ phải bắt đầu đúng giờ, chọn đề tài trao đổi cho buổi gặp mặt cũng như dành thời gian tổng kết lại những điều đã làm được và chọn ra người trưởng nhóm cho buổi họp mặt sau.

• Cuộc họp chỉ nên kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định, mà theo đề nghị của tôi là một tiếng đồng hồ. Chẳng ai có thể giải quyết được mọi vấn đề của mình chỉ trong một buổi và cũng không nên cố gắng như thế. Mỗi cuộc họp nên bắt đầu và kết thúc đúng giờ (thà kết thúc sớm chứ không nên kéo dài hơn dự định. Sau này, mọi người trong nhóm có thể quyết định kéo dài thời gian hơn nếu cảm thấy cần thiết).

• Địa điểm họp mặt nên ở bên ngoài thay vì tại nhà một thành viên nào đó. Bởi vì nếu tổ chức tại nhà, có thể các bạn sẽ bị nhiều yếu tố chi phối như trẻ con, điện thoại đồng thời lại thiếu tính riêng tư, đặc biệt là đối với chủ nhà. Bạn có thể liên hệ với các tổ chức để mượn phòng vào buổi tối.

• Không nên ăn uống trong buổi họp mặt để tránh bị chi phối. Nếu muốn, các bạn có thể ăn uống trước hoặc sau giờ họp mặt. Không bao giờ được uống rượu bia bởi nó sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc cũng như phản ứng của các thành viên và làm mất tác dụng của buổi họp mặt.

• Tránh nói về “anh ấy”. Đây là điều rất quan trọng. Các thành viên trong nhóm cần học cách tập trung vào chính bản thân mình, những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của mình thay vì vào con người luôn ám ảnh họ. Có thể sẽ không tránh khỏi việc nhắc đến người ấy vào lúc đầu nhưng khi chia sẻ câu chuyện của mình, mỗi người cần ý thức rõ và hạn chế tối đa việc nhắc đến “anh ấy”.

• Không nên chỉ trích bất kỳ ai trong nhóm về những hành động mà họ đã làm hoặc không làm, dù họ đang hiện diện hay vắng mặt. Mọi người được tự do tham khảo ý kiến của nhau nhưng không vì thế mà cố tình thuyết phục hay phê phán nhau. Chỉ trích và khuyên bảo là hai điều tối kỵ trong những cuộc họp mặt như thế này.

• Bám sát chủ đề đã đưa ra và tránh nói về những vấn đề liên quan đến tôn giáo, chính trị hoặc ngoài đề như bàn về các sự kiện đương thời, các nhân vật nổi tiếng… Tuyệt đối không gây tranh cãi hoặc chia rẽ nội bộ trong buổi họp mặt. Hãy nhớ rằng các bạn gặp nhau không phải để than phiền về những người đàn ông mà nhằm phát triển bản thân mình. Dưới đây là một vài chủ đề gợi ý mà bạn có thể sử dụng:

– Vì sao tôi tham gia nhóm này?

– Tội lỗi và sự oán giận

– Những nỗi sợ hãi của đời tôi

– Những điều tôi thích và ghét nhất về bản thân mình

– Cách chăm sóc và thỏa mãn những nhu cầu của bản thân

– Sự cô độc

– Cách đối diện với đau khổ

– Thái độ của tôi về tình dục: nguồn gốc và hiện trạng

– Sự giận dữ: cách tôi kiềm chế bản thân và những người khác

– Cách xử sự của tôi với đàn ông

– Mọi người nghĩ gì về tôi

– Xem xét lại các động cơ cá nhân

– Trách nhiệm của tôi đối với bản thân và những người khác

– Thế giới tâm linh (đây không phải nơi để bàn về những niềm tin tôn giáo mà phải là những trải nghiệm của mỗi người về các khía cạnh tinh thần của mình)

– Bỏ thói quen đổ lỗi, kể cả đổ lỗi cho bản thân

– Các nếp sống của tôi

Mỗi tháng, nhóm nên dành thêm mười lăm phút để giải quyết các vấn đề về nội dung hay cơ cấu họp mặt, để đánh giá xem các nguyên tắc đưa ra đã tốt hay chưa hoặc có vấn đề nào cần giải quyết không. Còn bây giờ chúng ta hãy quay trở lại nội dung của buổi họp mặt đầu tiên:

7. Cùng nhau thảo luận các nội quy chung của nhóm

8. Hỏi xem ai xung phong làm trưởng nhóm trong lần gặp mặt kế tiếp.

9. Bàn bạc rõ về địa điểm của buổi gặp mặt lần sau và quyết định xem sẽ tiến hành các hoạt động vui chơi, thư giãn trước hay sau khi gặp nhau.

10. Kết thúc cuộc họp mặt bằng cách đứng thành vòng tròn, nắm chặt tay nhau và nhắm mắt lại trong giây lát.

Xin chốt lại các vấn đề quan trọng liên quan đến nguyên tắc của nhóm hỗ trợ, đó là mọi thành viên đều phải tuyệt đối tuân thủ tính bảo mật, luân phiên nhau làm trưởng nhóm, không chỉ trích, không khuyên bảo, không thảo luận về các vấn đề có khả năng gây tranh cãi hoặc các vấn đề không liên quan, và điều quan trọng nhất là phải giữ được hòa khí trong nhóm. Các thành viên không được vi phạm nguyên tắc vì lợi ích chung của nhóm. Lợi ích chung của nhóm phải luôn được đặt lên hàng đầu.

Như vậy, trên tinh thần đó, bạn đã có được những công cụ cơ bản để bắt đầu tạo dựng một nhóm hỗ trợ cho những phụ nữ cũng có vấn đề trong tình cảm như mình. Đừng đánh giá thấp hiệu quả của những buổi gặp gỡ ban đầu bởi cùng với thời gian và sự gắn bó, các bạn sẽ mang đến cho nhau cơ hội để bình phục. Chúc các bạn may mắn!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.