Phụ Nữ Yêu Như Thế Nào
CHƯƠNG 9: CHẾT VÌ YÊU
Hút hết điếu nọ đến điếu kia, hai vai nhô cao và cứng nhắc, Margo đung đưa đôi chân bắt chéo của mình, bàn chân thỉnh thoảng lại giật giật. Cô chồm người về phía trước, mắt đăm đăm nhìn ra một trong những khung cảnh đẹp nhất thế giới ngoài cửa sổ phòng đợi. Những mái ngói đỏ thắm của khu Santa Barbara nhấp nhô trên dãy đồi xanh lơ. Tuy vậy, khung cảnh nhẹ nhàng nhuốm sắc hồng và vàng của một chiều hè yên ả đậm phong cách Tây Ban Nha ấy lại không hề ảnh hưởng đến nét mặt Margo. Trông cô đầy vẻ thấp thỏm, lo âu.
Khi tôi vừa bước vào phòng làm việc, cô vội vàng tiến vào theo, khua giày rồi ngồi xuống mép ghế, nhìn tôi với ánh mắt thăm dò.
– Làm sao chắc chắn là chị sẽ giúp được tôi? Tôi chưa từng kể về đời mình với ai cả. Làm sao tôi biết được rằng thời gian và tiền bạc của tôi bỏ ra là xứng đáng? Tôi biết thật ra cô muốn hỏi là: “Liệu tôi có nên tin rằng chị sẽ quan tâm đến tôi nếu tôi phơi bày con người thật của mình?”. Do vậy, tôi cố gắng trả lời cả câu hỏi của Margo như sau:
– Trị liệu đòi hỏi sự cam kết cả về thời gian lẫn tiền bạc. Nhưng mọi người sẽ chẳng bao giờ tìm gặp chuyên viên tư vấn trừ khi trong cuộc sống của họ đang xảy ra điều gì đó rất đáng sợ hoặc đau khổ mà bản thân họ không thể giải quyết được. Chẳng ai vô cớ đến gặp chuyên viên tâm lý cả. Tôi tin chắc là cô cũng đã suy nghĩ rất lâu trước khi quyết định đến đây gặp tôi hôm nay.
Dường như những lời nói chính xác của tôi đã giúp Margo cảm thấy nhẹ nhàng và yên lòng hơn. Cô ngồi sâu vào bên trong ghế, khẽ thở dài.
– Lẽ ra, tôi nên làm điều này cách đây 15 năm hoặc thậm chí là sớm hơn nữa kia, nhưng lúc đó tôi đâu có biết rằng mình cần được ai đó giúp đỡ chứ! Tôi cứ nghĩ là mình rất ổn. Và nói một cách nào đó thì tôi đã và đang ổn cả. Tôi có một công việc tốt và kiếm được khá nhiều tiền. – Margo đột ngột dừng lời rồi lại tiếp tục, vẻ trầm ngâm hơn. – Nhiều lúc tôi có cảm giác như mình đang sống hai cuộc đời vậy. Ở công ty, tôi là một người có năng lực, làm việc hiệu quả và được mọi người nể trọng. Mọi người thường hay tham khảo ý kiến của tôi và giao cho tôi nhiều trọng trách. Điều đó khiến tôi cảm thấy rất tự tin vào năng lực và sự chín chắn của mình. – Cô nhìn lên trần nhà, nuốt nước bọt để kiểm soát giọng nói của mình rồi tiếp tục. – Nhưng khi về đến nhà, cuộc đời tôi chẳng khác gì một tiểu thuyết rẻ tiền dài lê thê. Nó tệ đến mức nếu có in thành sách thì tôi cũng chẳng buồn đọc. Một tác phẩm tồi, chị có hiểu không? Nhưng đời tôi là thế đó. Tôi chỉ mới có 35 tuổi mà đã kết hôn đến bốn lần! Tôi cảm thấy mình già cỗi quá đi mất! Tôi bắt đầu lo sợ rằng mình sẽ chẳng bao giờ có thể sống thật sự, khi mà thời gian thì cứ vụt đi như thế. Tôi đã mất đi vẻ trẻ trung và cũng không còn xinh xắn như trước kia. Tôi sợ sẽ chẳng còn ai thích mình, sợ không còn cơ hội để yêu đương và sẽ mãi mãi cô đơn.
Vẻ sợ sệt toát lên từ giọng nói của Margo tương ứng với những nếp nhăn trên trán khi cô thốt ra những lời này. Cô nuốt nước bọt nhiều lần và chớp mắt liên tục:
– Thật khó để có thể nhận biết được cuộc hôn nhân nào là tệ nhất trong số đó. Lần nào cũng như một thảm họa, chỉ có điều là dưới hình thức khác nhau thôi.
Tôi lấy chồng lần đầu tiên vào năm hai mươi tuổi. Hồi mới quen, tôi đã biết anh ấy là một người phóng đãng. Trước khi cưới, anh ấy hay la cà khắp nơi. Tôi cứ nghĩ cưới nhau rồi thì mọi chuyện sẽ khác, nhưng rồi vẫn cứ đâu vào đó. Khi sinh đứa con gái đầu lòng, tôi hy vọng nó sẽ giữ chân anh ấy ở nhà đôi chút nhưng mọi chuyện thậm chí còn tồi tệ hơn. Những lúc ở nhà, anh ta lại rất hèn hạ. Tôi có thể chịu được cảnh anh ta chửi mắng mình nhưng đến khi anh ta đánh mắng con bé Autumn vô tội thì tôi buộc phải lên tiếng. Khi không thể chấm dứt được sự việc, tôi quyết định mang con ra sống riêng. Nhưng chuyện đó cũng chẳng dễ dàng chút nào, vì Autumn còn quá bé mà tôi thì lại không có việc làm. Anh ta chẳng bao giờ chu cấp hay mua sắm gì cho mẹ con tôi. Nhưng tôi sợ anh ta gây chuyện nên chẳng dám nhờ văn phòng luật sự địa phương hay bất kỳ ai khác. Tôi cũng không thể về nhà mẹ ruột vì ở đó cũng tồi tệ chẳng kém gì nhà tôi. Mẹ tôi đã phải chịu đựng cha tôi rất nhiều, kể cả về mặt thể xác lẫn tinh thần. Cả mấy chị em tôi cũng phải hứng chịu điều đó. Tôi luôn tìm cách ra khỏi nhà và cuối cùng đã chọn việc lấy chồng để được toại nguyện. Vậy nên khi xảy ra chuyện với chồng mình, tôi cũng chẳng thể nào quay trở về nhà.
Phải mất hai năm sau tôi mới có đủ can đảm để ly hôn với anh ta và chỉ có thể nguôi ngoai nỗi buồn khi gặp được người đàn ông mới. Anh chàng luật sư giúp tôi thực hiện các thủ tục ly hôn cuối cùng lại trở thành người chồng thứ hai của tôi. Anh ta khá lớn tuổi so với tôi và cũng vừa ly hôn. Tôi không nghĩ là mình yêu anh ta, nhưng lúc ấy, tôi cần một người có thể chăm sóc cho bé Autumn và cả bản thân mình. Anh ta nói rất nhiều về việc làm lại cuộc đời, xây dựng lại gia đình mới với một người mà anh ta thật sự yêu thương. Tôi nghĩ mình đã cảm thấy rất hãnh diện về điều đó. Thế là ngay sau khi hoàn tất thủ tục ly hôn, tôi đã làm đám cưới với anh ta. Mọi chuyện diễn ra rất suôn sẻ. Tôi tìm cho Autumn một trường học tốt và bản thân mình cũng đi học trở lại. Hầu như buổi chiều nào mẹ con tôi cũng ở nhà với nhau. Sau đó tôi nấu cơm tối rồi đến lớp học ban đêm, để Autumn ở nhà với Dwayne – chồng tôi. Thế rồi một sáng nọ, khi chỉ có hai mẹ con với nhau, Autumn đã kể cho tôi nghe những điều thật kinh khủng đã diễn ra giữa con bé và Dwayne. Lúc đó, dù ngờ rằng mình đang có thai nhưng tôi vẫn quyết tìm cách giải thoát cho hai mẹ con mình. Tôi cố gắng tỏ ra bình thường cho đến khi anh ta đi làm thì tôi dọn đồ và bế con bỏ đi. Tôi viết cho Dwayne một lá thư, kể rõ những chuyện Autumn đã nói và cảnh báo anh ta đừng cố tìm chúng tôi làm gì, nếu không tôi sẽ tố cáo tất cả mọi chuyện anh ta đã làm với con bé. Tôi rất sợ anh ta sẽ tìm ra mẹ con tôi và buộc chúng tôi trở về nên quyết định rằng, dù có thai thì tôi cũng sẽ tự mình lo liệu mọi thứ. Tôi chỉ muốn rời bỏ hẳn con người đó.
Dĩ nhiên là anh ta cũng tìm ra chỗ hai mẹ con tôi sinh sống và gửi cho tôi một lá thư, nhưng lại không đề cập gì đến chuyện của Autumn cả. Thay vào đó, anh ta đổ lỗi tại tôi, rằng do tôi lạnh lùng, để mặc anh ta mà đi học ban đêm. Điều đó khiến tôi cảm thấy day dứt suốt một thời gian dài vì cứ nghĩ mọi chuyện xảy ra với Autumn đều là do mình cả. Tôi cứ nghĩ mình đang tìm cách mang đến cho con gái một cuộc sống an toàn nhưng thật ra lại đặt cháu vào một tình huống tệ hại hơn.
Nét mặt của Margo toát lên vẻ ám ảnh khi cô nhớ lại khoảng thời gian đó.
– May thay, tôi tìm được căn phòng chung nhà với Susie – một bà mẹ trẻ khác. Giữa cô ấy và tôi có rất nhiều điểm giống nhau. Cả hai chúng tôi đều lấy chồng khi còn quá trẻ và đều lớn lên trong những gia đình bất hạnh. Chúng tôi có những ông bố rất giống nhau và người chồng đầu tiên cũng chẳng khác gì nhau. Tuy nhiên, cô gái đó chỉ mới có một đời chồng. – Margo lắc đầu và nói tiếp. – Thế là chúng tôi giúp nhau trông con để có thể tiếp tục đi học và ra ngoài khi cần. Đó là lúc tôi cảm thấy được tự do hơn bao giờ hết, dù rằng lúc đó tôi đang mang thai. Dwayne vẫn chưa biết chuyện đó và tôi cũng chẳng bao giờ có ý định báo cho anh ta biết. Tôi vẫn còn nhớ tất cả những mẹo mà anh ta vẫn dùng để gây khó khăn cho mọi người nhưng lại hoàn toàn hợp pháp. Và tôi biết rằng anh ta cũng có thể sẽ gây rắc rối cho tôi theo những cách tương tự. Trước khi lấy nhau, những chuyện đó khiến tôi nghĩ anh ta là một người mạnh mẽ. Nhưng giờ thì chúng khiến tôi ghê sợ anh ta.
Susie đã giúp tôi sinh bé Darla, đứa con gái thứ hai của mình. Nghe thật buồn cười nhưng đó lại là một trong những quãng thời gian tốt đẹp nhất của đời tôi. Chúng tôi rất nghèo, suốt ngày chỉ lo đi học, đi làm, chăm sóc con cho nhau, mua sắm quần áo ở những cửa hàng tiết kiệm và mua thực phẩm giá rẻ. Nhưng điều quan trọng là chúng tôi được sống tự do theo ý mình. – Margo nhún vai, nói tiếp. – Tuy vậy, tôi luôn cảm thấy thiếu thốn. Tôi cần có một người đàn ông trong đời. Tôi luôn hy vọng sẽ tìm được một ai đó mang đến cho mình một cuộc sống như mong ước. Thậm chí đến bây giờ tôi vẫn suy nghĩ như thế. Và đó là lý do vì sao tôi đến đây gặp chị. Tôi muốn biết mình phải làm thế nào để tìm được một người đàn ông tử tế. Bởi từ trước tới nay tôi chỉ toàn thất bại.
Gương mặt xinh xắn nhưng đầy căng thẳng của Margo nhìn tôi, vẻ cầu khẩn. Liệu tôi có thể giúp cô ấy tìm được người đàn ông hoàn hảo không? Đó là nỗi trăn trở chính của Margo đồng thời cũng là lý do cô đến đây để được tư vấn và điều trị tâm lý.
Sau đó Margo kể nốt cuốn tiểu thuyết đời mình. Nhân vật tiếp theo trong chuỗi hôn nhân của cô là Giorgio, anh chàng đi chiếc Mercedes Benz mui trần và kiếm sống bằng nghề cung cấp cocaine cho những tay chơi giàu nhất vùng Montecito. Cuộc tình đó là một trò chơi mạo hiểm ngay từ đầu và chẳng mấy chốc Margo đã chìm đắm vào thế giới của ma túy lẫn sự say mê cuồng dại đối với anh chàng nguy hiểm và bí ẩn đó. Đột nhiên, cuộc sống của cô trở nên hào nhoáng và đầy quyến rũ. Mọi thứ trong cô đều thay đổi một cách nhanh chóng, cả thể chất lẫn tinh thần. Cô mất hẳn khả năng chịu đựng thường thấy và rất dễ nỗi cáu. Thậm chí cô có thể la rầy bọn trẻ vì những chuyện cỏn con. Chẳng mấy chốc, những trận cãi vã giữa cô và Giorgio chuyển thành các trận chiến tay chân. Sau khi cứ than phiền không dứt với Susie về những thói hư tật xấu của Giorgio, nào là vô tâm, phản bội và phạm pháp, Margo thật sự sốc khi Susie đưa ra tối hậu thư cho cô: hoặc bỏ Giorgio hoặc dọn ra khỏi nhà. Susie không muốn nghe hay chứng kiến thêm bất kỳ điều gì về vấn đề này nữa. Trong cơn giận dữ, Margo đã sà vào vòng tay của Giorgio. Anh ta cho phép cô và bọn trẻ tạm thời dọn về sống chung trong căn nhà vốn là nơi anh ta tiến hành phần lớn công việc buôn bán phạm pháp của mình. Chẳng lâu sau, Giorgio bị bắt vì tội mua bán ma túy. Trước khi ra tòa, anh ta và Margo đã cưới nhau dù trong thời gian đó, mối quan hệ giữa họ đã xấu đi rất nhiều.
Lý do khiến Margo kết hôn lần thứ ba là vì Giorgio gây áp lực buộc cô phải đồng ý cưới để không thể tố cáo anh ta trước tòa. Khả năng cô sẽ chống lại anh ta trước tòa là điều hoàn toàn có thể xảy ra, bởi giữa họ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Sau khi cưới nhau, Giorgio đã từ chối mọi quan hệ gối chăn với Margo vì cho rằng mình bị mắc bẫy. Cuộc hôn nhân của họ tan rã khi Margo gặp anh chàng thứ tư, một người mãi chẳng chịu trưởng thành, cứ mãi đi học để khỏi phải đi làm kiếm sống. Margo tin rằng anh chàng sinh viên nghiêm túc này chính là người mình cần sau cuộc hôn nhân thê thảm với Giorgio, và nhất là giờ đây cô rất sợ cô đơn. Margo làm việc cật lực để nuôi sống cả hai cho đến khi anh ta bỏ cô để gia nhập một cộng đồng tôn giáo. Trong lần kết hôn thứ tư này, Margo đã thừa hưởng một số tiền khá lớn từ một người thân quá cố và cô đã chia sẻ với chồng, hy vọng anh ta sẽ cảm nhận được lòng tận tụy, trung thành, niềm tin lẫn tình yêu nơi cô (điều mà anh ta luôn đòi hỏi). Anh ta đã sung phần lớn số tiền đó vào tổ chức tôn giáo và rồi thẳng thừng bảo không còn muốn sống chung với cô cũng như không muốn cô hiện diện trong cộng đồng tôn giáo của anh ta. Thậm chí, anh ta còn đổ lỗi rằng sở dĩ cuộc hôn nhân của họ thất bại là do “tính trần tục” của cô mà ra.
Những cuộc hôn nhân đó đã để lại trong Margo những vết thương sâu sắc. Thế nhưng, cô vẫn hăm hở đi tìm người chồng thứ năm của mình, lòng nghĩ thầm lần này mọi việc sẽ ổn nếu tìm được người thích hợp. Cô đến phòng tư vấn tâm lý với gương mặt bơ phờ, đôi mắt trũng sâu và nỗi lo lắng rằng sẽ không thể thu hút được đàn ông với nhan sắc tàn tạ của mình. Cô hoàn toàn không ý thức được những thói quen cố hữu của mình trong mối quan hệ với những người đàn ông thiếu tử tế, những người mà cô không hề tin cậy và thậm chí là cũng không hề có cảm tình. Mặc dù phải thừa nhận là Margo không may mắn trong chuyện hôn nhân, nhưng rõ ràng, chính nhu cầu của bản thân cô đã đẩy cô rơi vào những cái bẫy của hôn nhân.
Hình ảnh hiện tại về con người của Margo đang lên tiếng báo động. Ngoài việc có một số biểu hiện liên quan đến sự căng thẳng quá mức, cô còn rất gầy gò, xanh xao (mà cô khẳng định là do thiếu máu), các móng tay bị cắn trụi và mái tóc thì khô ráp. Không những thế, Margo cho biết cô còn mắc một số bệnh như nấm da, tiêu chảy và mất ngủ. Huyết áp của cô rất cao so với lứa tuổi của cô và mức năng lượng thì thấp đến mức báo động.
– Nhiều lúc, tôi thậm chí còn không thể thức dậy để đi làm nữa. Tôi xin nghỉ ốm và nằm lỳ ở nhà mà khóc. Tôi cảm thấy có lỗi nếu khóc trước mặt các con nên chỉ trải lòng mình khi chúng đã đi học. Những lúc ấy, tôi cảm thấy rất nhẹ nhàng. Thật sự tôi cũng không biết mình có thể tiếp tục sống thế này được bao lâu nữa.
Margo cho biết cả hai con gái của cô đều gặp vấn đề về mặt học hành và giao tiếp với bạn bè ở trường. Trong khi đó, chúng thường xuyên đánh nhau ở nhà. Bản thân cô rất dễ nổi cáu với chúng. Hiện cô vẫn dùng cocaine vào những lúc cần “gia tăng tinh thần”, điều mà cô vốn đã quen khi còn sống với Giorgio.
Tuy vậy, tất cả những khó khăn đó lại không khiến Margo quan tâm bằng tình trạng cô đơn hiện tại. Ngay từ khi còn bé, Margo luôn cần đến một người đàn ông bên mình, bất kể tính chất mối quan hệ của cô với họ ra sao. Lúc nhỏ, cô bất hòa với cha mình; còn khi lớn lên, cô lại bất hòa với những người đàn ông cùng chung sống, dưới hình thức này hay hình thức khác. Sở dĩ cô chịu sống cảnh đơn độc bốn tháng nay là vì quá ám ảnh trước những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Nhiều phụ nữ do đời sống khó khăn nên luôn cần được một người đàn ông chu cấp tài chính, nhưng Margo không thuộc số đó. Cô có được công việc yêu thích, lại có thu nhập cao. Vì vậy, nhu cầu có một người đàn ông của cô bắt nguồn từ một lý do hoàn toàn khác. Cô nghiện các mối quan hệ với đàn ông, mà lại là những mối quan hệ tiêu cực.
Mọi người phụ nữ trong gia đình cô đều bị lạm dụng, từ mẹ cô cho đến các chị em cô. Lúc nào họ cũng gặp rắc rối, cảm thấy bất an và luôn phải sống trong cảnh chịu đựng. Tuổi thơ căng thẳng đã để lại hậu quả nghiêm trọng đối với tinh thần của Margo.
Đầu tiên, cô mắc chứng suy nhược trầm trọng, một triệu chứng thường thấy ở những phụ nữ lớn lên trong hoàn cảnh tương tự. Mỉa mai thay, chính sự suy nhược đó, lẫn các nhiệm vụ giống nhau mà cô đảm nhận khi sống chung với những người chồng của mình, đã khiến Margo luôn bị lôi cuốn bởi những anh chàng không tử tế. Những mối quan hệ đó chỉ toàn cãi vã, thậm chí là đánh nhau, nhất quyết bỏ nhau rồi lại hòa giải.
Hẳn chỉ nghe qua bạn cũng cảm thấy mệt mỏi trước những mối quan hệ như thế? Quả nhiên là vậy. Nhưng nếu xét trong một quãng thời gian ngắn, thì cũng giống như khi dùng ma túy hoặc các chất kích thích khác, những mối quan hệ này cũng giúp mang lại cho người trong cuộc cảm giác giải thoát tuyệt vời, nhất là giúp họ che đậy được sự suy nhược. Bởi khi phấn khích, bất kể là phấn khích tiêu cực hay tích cực, thì con người ta cũng không cảm thấy đau khổ, suy sụp nữa. Khi ấy, cơ thể ta tiết ra chất adrenalin giúp kích thích thần kinh, mang lại cảm giác sảng khoái, dễ chịu. Nhưng quá nhiều cảm giác mạnh có thể khiến cơ thể suy kiệt khả năng phản ứng, dẫn đến tình trạng suy nhược nặng nề hơn trước, và lần này cả trên phương diện tinh thần lẫn thể chất.
Rất nhiều phụ nữ cũng giống như Margo, do suốt thời thơ ấu sống trong không khí căng thẳng (và còn do họ thừa hưởng đặc tính dễ bị tổn thương từ các bậc cha mẹ nghiện ngập hoặc chịu di truyền về sinh hóa) nên thường cảm thấy đau khổ, suy nhược, thậm chí ngay trước khi họ bước vào chuyện yêu đương.
Những người phụ nữ đó có thể vô thức tìm đến sự kích thích mạnh mẽ từ những mối quan hệ đầy bi kịch và trắc trở để đánh thức tuyến tụy tiết ra chất adrenalin. Điều này cũng tương tự như khi ta dùng roi đánh một con ngựa đang kéo nặng để nó cố đi thêm vài dặm đường vậy. Đó là lý do vì sao khi yếu tố kích thích gây nên cảm giác thăng trầm mạnh mẽ trong các mối quan hệ tiêu cực mất đi, hoặc khi người đàn ông bỏ đi hay bắt đầu bình phục và cải thiện các sai lầm của mình, đối xử với người yêu tốt hơn thì những người phụ nữ thuộc tuýp này lại rơi vào trạng thái suy sụp. Khi đó, họ hoặc sẽ tìm cách níu kéo mối quan hệ đau khổ cũ hoặc sẽ điên cuồng tìm kiếm một anh chàng tệ hại khác thay thế.
Ở đây diễn ra một quy trình song song giữa việc sử dụng chất gây nghiện và việc cai nghiện. Để né tránh những cảm xúc của bản thân, người phụ nữ “sửa chữa” bằng cách sử dụng một người đàn ông như chất gây nghiện. Để bình phục, cô lại cần được hỗ trợ để sống với nỗi đau trong lòng và cho phép chúng trỗi dậy. Lúc này, cả cơ thể và cảm xúc của cô đều cần được chữa trị. Chẳng có gì quá khi nói rằng quy trình này chẳng khác gì việc cai nghiện ma túy. Những người phụ nữ thuộc tuýp yêu mù quáng cũng phải trải qua những cảm giác sợ hãi, đau đớn, khó chịu đồng thời phải đối diện với nhu cầu tìm nguồn an ủi từ một người đàn ông khác là rất lớn.
Một người phụ nữ xem các mối quan hệ tình cảm như một chất kích thích sẽ hoàn toàn chối bỏ thực tế nhưng lại vừa lo sợ vừa không muốn chấm dứt suy nghĩ ám ảnh lẫn những cảm xúc thăng trầm trong chuyện yêu đương. Tuy vậy thông thường, nếu biết đối xử nhẹ nhàng nhưng cương quyết đối diện với thực tế và các cảm xúc thật của mình, cô sẽ nhận biết được ở một chừng mực nào đó thực trạng của mối quan hệ tiêu cực đang diễn ra cũng như việc bản thân mình đang mất dần khả năng tự kiểm soát.
Để giúp đỡ những người phụ nữ này, cũng giống như đối với trường hợp nghiện các chất kích thích khác, bước đầu tiên cần làm là phải giúp họ nhận thức về tình hình bệnh tật của họ, rằng nó sẽ trở nên nghiêm trọng nếu không được chữa trị. Và quan trọng hơn, phải cho họ thấy được rằng mọi chuyện có thể khắc phục bằng phương pháp điều trị riêng. Họ cần hiểu rằng họ “nghiện” đau khổ và những mối quan hệ không xứng đáng – mà nguyên nhân sâu xa là do họ đã phải trải qua một tuổi thơ bất ổn, kém hạnh phúc.
Chờ một người phụ nữ như Margo tự nhận ra mình yêu quá mức, rằng căn bệnh của họ ngày càng trầm trọng và thậm chí có thể hủy hoại cả cuộc đời họ chẳng khác gì lắng nghe một bệnh nhân mô tả các triệu chứng của họ rồi đợi họ tự chẩn bệnh và nghĩ ra cách điều trị thích hợp. Nhưng thành thật mà nói thì những người như Margo khó có thể tự chẩn bệnh được, bản thân họ cũng không thể tự bình phục hay chỉ cần có sự giúp đỡ đơn thuần của bác sĩ hay chuyên viên tâm lý. Bởi sự bình phục thật sự đòi hỏi họ phải chấm dứt ngay những chất kích thích hay hành vi mang lại cho họ sự khuây khỏa.
Bản thân việc trị liệu không thể mang lại cho đối tượng sự hỗ trợ cần thiết thay thế chất kích thích mà họ nghiện phải hoặc người đàn ông mà họ lệ thuộc. Khi bắt đầu “cai nghiện”, họ sẽ phải trải qua cảm giác “chân không”, nghĩa là cảm thấy vô cùng trống trải, dù cho họ có gặp chuyên viên tư vấn hàng giờ đồng hồ mỗi tuần. Lúc ấy, họ cần đến sự hỗ trợ của mọi người để thoát khỏi cảm giác sợ hãi cũng như cảm thấy yên tâm và được thấu hiểu. Và những người có thể làm tốt điều này chính là bạn bè cùng cảnh ngộ đã từng trải qua quá trình tương tự.
Một sai lầm của cách trị liệu truyền thống đối với mọi hình thức nghiện là xu hướng xem sự lệ thuộc vào các cơn nghiện chỉ là triệu chứng chứ không phải là nguyên nhân thiết yếu cần được giải quyết đầu tiên. Trong quá trình trị liệu, bệnh nhân thường được phép tiếp tục hành vi nghiện cũ song song với việc tìm kiếm các nguyên nhân gây ra những hành vi đó. Cách điều trị này thường hiếm khi mang lại hiệu quả. Chẳng hạn, khi một người đang lâm vào tình trạng nghiện rượu, thì vấn đề cơ bản nhất ở đây chính là việc nghiện rượu. Đây cũng chính là vấn đề mà chuyên viên điều trị cần phải quan tâm, nghĩa là phải chấm dứt việc uống rượu của bệnh nhân trước khi muốn cải thiện bất kỳ khía cạnh nào khác trong cuộc sống của họ. Việc tìm kiếm các nguyên nhân sâu xa chỉ càng khiến cho việc lạm dụng rượu trở nên trầm trọng và chẳng mang lại kết quả điều trị như mong muốn. “Nguyên nhân” duy nhất của tình trạng uống rượu đó chỉ là đối tượng mắc bệnh nghiện rượu mà thôi. Chỉ khi chọn đương đầu với vấn đề nghiện rượu đầu tiên thì bệnh nhân mới có cơ hội bình phục.
Đối với những phụ nữ yêu mù quáng, căn bệnh cốt lõi của họ chính là nghiện đau khổ và quá quen thuộc với các mối quan hệ không xứng đáng. Chính vì thế, trước hết họ phải đối diện và giải quyết mọi thói quen tiêu cực đó trong hiện tại để có thể bắt đầu quá trình bình phục của mình. Với sự giúp đỡ của bác sĩ hoặc chuyên viên trị liệu, họ phải hiểu được rằng mọi nỗ lực nhằm thay đổi, giúp đỡ, kiểm soát hoặc đổ lỗi cho chồng hoặc người yêu của mình đều là biểu hiện của căn bệnh yêu mù quáng. Đồng thời, họ phải chấm dứt ngay những hành vi, thói quen đó thì mới mong các khía cạnh khác trong cuộc sống họ thay đổi theo hướng tốt đẹp. Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ phác thảo những bước cụ thể mà những phụ nữ này cần làm để có thể bình phục và thoát khỏi các mối quan hệ không tích cực.
Hãy quan sát sự giống nhau của những người nghiện rượu và các phụ nữ yêu mù quáng thông qua bảng so sánh các đặc điểm trước và trong giai đoạn hồi phục của họ. Điều duy nhất mà bảng so sánh dưới đây không thể hiện được chính là nỗ lực đấu tranh nội tại của các đối tượng này. Việc chấm dứt tình trạng lệ thuộc về tình cảm (hay tình trạng yêu mù quáng) cũng khó khăn không kém việc cai rượu. Đối với những người này, sự hồi phục mang ý nghĩa quan trọng như việc họ được sinh ra một lần nữa.
Các đặc điểm trong giai đoạn mắc bệnh
Người nghiện rượu Phụ nữ yêu mù quáng
Bị rượu ám ảnh Bị ám ảnh bởi các mối quan hệ tình
cảm
Chối bỏ thực tế của tệ nạn Chối bỏ thực tế của tệ nạn
Nói dối để che đậy mức độ nghiện ngập Nói dối để che đậy những gì đang xảy
ra trong mối quan hệ
Tránh né mọi người để che đậy các vấn Tránh né mọi người để che đậy các vấn
đề liên quan đến rượu đề của mối quan hệ.
Luôn tìm cách kiểm soát việc uống rượu Luôn tìm cách kiểm soát mối quan hệ
Tính khí thất thường Tính khí thất thường
Cảm thấy giận dữ, đau buồn, tội lỗi, oán Cảm thấy giận dữ, đau buồn, tội lỗi,
hận oán hận
Có những hành vi gây khó chịu Có những hành vi gây khó chịu
Bạo lực Bạo lực
Gặp phải các tai nạn do say xỉn Gặp phải các tai nạn do ưu tư, lo lắng
Căm ghét và phán xét bản thân Căm ghét và phán xét bản thân
Thể chất yếu đuối do lạm dụng rượu Thể chất yếu đối do căng thẳng
Các đặc điểm trong giai đoạn hồi phục
Người nghiện rượu Phụ nữ yêu mù quáng
Thừa nhận sự bất lực trong việc kiểm Thừa nhận sự bất lực trong việc kiểm
soát cơn nghiện soát cơn nghiện
Không đổ lỗi cho người khác trước Không đổ lỗi cho người khác trước
những rắc rối của bản thân những rắc rối của bản thân
Tập trung vào bản thân, chịu trách Tập trung vào bản thân, chịu trách
nhiệm về những hành vi của mình nhiệm về những hành vi của mình
Tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè để bình Tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè để bình
phục phục
Bắt đầu đối diện với những cảm xúc của Bắt đầu đối diện với những cảm xúc của
mình thay vì né tránh chúng mình thay vì né tránh chúng
Xây dựng các mối quan hệ bạn bè tích Xây dựng các mối quan hệ bạn bè tích
cực, quan tâm đến các thú vui bổ ích cực, quan tâm đến các thú vui bổ ích
Để bình phục mỗi khi bị ốm, trước hết chúng ta cần nhận biết rõ căn bệnh của mình. Khi ta đến khám bác sĩ, thì với hiểu biết và kinh nghiệm của mình, họ sẽ giúp chúng ta chẩn đoán bệnh và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp hiệu quả nhất.
Ở đây, tôi muốn sử dụng phương pháp điều trị tương tự cho phụ nữ mắc phải căn bệnh yêu mù quáng. Đây là một nhiệm vụ khó khăn và nếu bạn từ chối đề nghị này thì ít nhất tôi cũng mong bạn sẽ chịu khó nhìn vào những điểm giống nhau giữa bệnh lý của một người nghiện rượu và biểu hiện của người phụ nữ yêu mù quáng. Dĩ nhiên, nguyên nhân gây nên đau khổ cho người phụ nữ yêu mù quáng không giống với quá trình diễn biến của bệnh nghiện nhưng bản chất của tình trạng yêu mù quáng lại chẳng khác gì mấy. Do đó, tình trạng này cần được chẩn đoán lẫn điều trị theo phương pháp thích hợp.
Trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nghĩa đen của từ “bệnh”: Bệnh là hình thức hoạt động rối loạn hay sai lệch của cơ thể, thể hiện qua nhiều triệu chứng khác nhau ở người bệnh và có thể được chữa khỏi nhờ những phương pháp thích hợp.
Như vậy, định nghĩa này không đòi hỏi việc bị bệnh là phải có sự hiện diện của virus, siêu vi khuẩn hay các loại mầm bệnh cụ thể nào đó mà chỉ đề cập đến việc người bệnh có những triệu chứng đặc thù và có thể được chữa trị hoàn toàn khi thực hiện một số phương pháp điều trị thích hợp.
Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn cho các y bác sĩ áp dụng việc điều trị khi căn bệnh đang ở giai đoạn đầu hoặc giữa, nghĩa là đoán bệnh qua biểu hiện của hành vi thay vì thể chất. Đó là một trong những nguyên nhân khiến hầu hết các bác sĩ chỉ nhận ra bệnh nghiện rượu ở bệnh nhân vào giai đoạn cuối, khi mà các triệu chứng bệnh đã biểu hiện rõ nét.
Thậm chí, để có thể nhìn nhận hiện tượng yêu mù quáng như một căn bệnh thật sự cũng không phải là điều dễ dàng, bởi ở đây, đối tượng không nghiện một chất cụ thể nào mà nghiện một người nào đó. Rào cản lớn nhất khiến ta không nhận ra đó là một dạng bệnh lý và cần được chữa trị thích đáng lại chính là do các bác sĩ, các chuyên gia tư vấn cũng như phần lớn mọi người đều nuôi dưỡng niềm tin sâu sắc về phụ nữ và tình yêu. Chúng ta tin rằng có khổ đau và chịu đựng thì mới gọi là tình yêu đích thực, rằng kẻ không thích chịu đựng là kẻ ích kỷ, rằng nếu người yêu có khuyết điểm thì phải giúp họ sửa chữa, thay đổi. Chính quan niệm này đã dung dưỡng cho các căn bệnh đó, cả nghiện rượu lẫn yêu mù quáng.
Ban đầu, cả nghiện rượu lẫn yêu mù quáng đều diễn ra ở mức độ rất nhẹ. Cho đến khi các biểu hiện suy sụp của cơ thể đã xuất hiện rõ rệt thì chúng ta lại tập trung nghĩ đến việc điều trị các bộ phận có liên quan trên cơ thể như gan, tụy ở người nghiện rượu hay thần kinh, huyết áp ở phụ nữ yêu mù quáng mà không chịu nhìn tổng thể bức tranh để đối diện với nguyên nhân sâu xa nhất. Điều cốt lõi là ta phải quan sát tất cả các “triệu chứng” này trong bức tranh toàn cảnh của căn bệnh, đồng thời nhận biết sự tồn tại của căn bệnh sớm nhất có thể để ngăn chặn sự hủy hoại của nó đối với bệnh nhân, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Sự tương ứng giữa diễn tiến của bệnh nghiện rượu và bệnh yêu mù quáng được mô tả rõ nét trong các biểu đồ bên dưới đây. Mỗi biểu đồ sẽ biểu thị rõ cách mà tình trạng nghiện nói chung, dù là nghiện rượu hay nghiện một mối quan hệ đau khổ, lại có thể ảnh hưởng và ngày càng hủy hoại mọi khía cạnh trong cuộc sống của người bệnh. Nó diễn ra cả trong lĩnh vực tình cảm lẫn thể chất, cũng như không chỉ liên quan đến các cá nhân khác (con trẻ, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm) mà còn đi kèm với nhiều triệu chứng như ăn uống vô độ, trộm cắp không kiểm soát hoặc thói tham công tiếc việc. Các biểu đồ còn mô tả sự giống nhau giữa quá trình bình phục của người nghiện rượu và phụ nữ yêu mù quáng. Chỉ có điều, biểu đồ thể hiện diễn tiến cơn nghiện và quá trình bình phục của người nghiện rượu có phần tiêu biểu cho nam giới, trong khi biểu đồ còn lại có phần tiêu biểu cho người phụ nữ yêu mù quáng. Những khác biệt giới tính chỉ đóng vai trò nhỏ và có thể đối chiếu dễ dàng qua hai biểu đồ. Tuy nhiên, tôi sẽ không đi sâu vào từng điểm khác biệt ấy bởi mục đích cốt lõi của cuốn sách này là hiểu rõ vì sao phụ nữ yêu mù quáng lại lâm vào tình trạng bệnh hoạn vì đau khổ và làm thế nào để họ có thể chấm dứt được tình trạng đó.
Ngoài ra, xin bạn nhớ rằng câu chuyện của Margo không hề dựa theo biểu đồ dưới đây đồng thời biểu đồ này cũng không hề được xây dựng dựa trên câu chuyện của cô ấy. Các bước phát triển bệnh tình của Margo cũng chẳng khác gì những phụ nữ yêu mù quáng khác. Và nếu yêu mù quáng có các biểu hiện tương tự bệnh nghiện rượu thì ta hoàn toàn có thể nhận biết các giai đoạn cũng như dự đoán được tiến trình phát triển của nó.
Ở chương sau, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về tiến trình hồi phục của bệnh nhân. Còn trước hết, ta hãy tập trung vào các biểu hiện tình cảm, hành vi được mô tả trong phần biểu đồ thể hiện cả quá trình hình thành lẫn tác hại của căn bệnh yêu mù quáng.
Như đã trình bày ở các câu chuyện trong cuốn sách này, những phụ nữ yêu mù quáng thường xuất thân từ gia đình bất hạnh với tuổi thơ cô đơn, bị chối bỏ hoặc phải đảm nhận những gánh nặng trách nhiệm quá sức. Hoặc họ đã từng trải qua những tình cảnh rối rắm nên có nhu cầu kiểm soát mọi người lẫn mọi tình huống để không phải đối diện với con người thật của mình. Do vậy, lẽ tự nhiên, những người phụ nữ này chỉ có thể làm được điều mình mong muốn khi thiết lập mối quan hệ với người đàn ông ưa thích hoặc mong đợi điều đó. Thế là cô sẽ bắt đầu tìm cách thay đổi anh ta bằng cách sử dụng sức mạnh của tình yêu và sự hy sinh.
Chính sự khởi đầu này đã hé mở cho ta thấy trước tình trạng của mối quan hệ về sau, khi người phụ nữ bắt đầu chối bỏ sự thật của nó. Cần lưu ý rằng sự chối bỏ là một tiến trình vô thức, xảy ra tự động và không thể ngăn cản được. Ước muốn cùng những nỗ lực của người phụ nữ nhằm đạt được điều họ mong muốn đã bóp méo nhận thức của họ về thực trạng của vấn đề. Mỗi sự thất vọng, thất bại và phản bội trong tình cảm đều bị phớt lờ hoặc biện minh, chẳng hạn như: “Cũng đâu đến nỗi tệ”; “Bạn chẳng biết được anh ấy thật sự thế nào đâu”. “Anh ấy cũng đâu cố ý như thế” hoặc “Chẳng phải là lỗi của anh ấy đâu”… Những phụ nữ yêu mù quáng thường dùng những câu nói này để bảo vệ cho người đàn ông lẫn mối quan hệ của mình.
Khi người đàn ông mà họ thương yêu phản bội hoặc làm cho họ thất vọng thì họ lại càng lệ thuộc vào anh ta nhiều hơn. Đó là do họ chỉ còn biết chú tâm vào người đàn ông kia cùng những vấn đề của anh ta. Càng tiếp tục tìm cách thay đổi anh ta thì họ càng bị suy kiệt. Chẳng mấy chốc, người đàn ông kia trở thành nguồn vui, nguồn sống của cuộc đời họ. Nếu mối quan hệ giữa hai người xấu đi, lập tức họ sẽ tìm cách sửa chữa bản thân hoặc người kia để khắc phục. Quá bận rộn với việc tìm cách khắc phục tình cảm của mình, họ chẳng còn thời gian để tìm niềm vui ở những nơi khác. Họ tin rằng chỉ cần họ làm cho người đàn ông họ yêu thương hạnh phúc, thì anh ta sẽ đối xử tử tế hơn với họ và nhờ vậy, họ cũng hạnh phúc. Vậy là họ trở thành người canh gác cần mẫn, luôn tìm cách giữ cho cuộc sống của anh ta được ổn thỏa. Họ cảm thấy có lỗi mỗi khi anh ta không vui, không hạnh phúc hoặc khi anh ta gặp thất bại. Nhưng có lẽ trên hết, họ cảm thấy có lỗi khi bản thân mình không thể sống hạnh phúc.
Tuyệt vọng vì những lời than phiền nhỏ nhặt và các rắc rối vặt vãnh, họ tha thiết muốn được nói chuyện với người mình yêu thương. Thế là sẽ có một cuộc thảo luận dài (trong trường hợp anh ta chịu trò chuyện) nhưng lại không hề đề cập đến các vấn đề cần thiết. Nếu anh ta mắc tật uống rượu quá nhiều, họ, với thói quen chối bỏ thực tế, cứ tìm cách hỏi anh ta vì sao buồn bã đồng thời cho rằng tật uống rượu đó không quan trọng bằng việc anh ta đang buồn. Nếu anh ta ngoại tình, họ sẽ hỏi anh ta mình phải làm gì để hấp dẫn hơn đồng thời tự đổ lỗi cho bản thân vì sự việc đã xảy ra.
Mọi chuyện dần trở nên tệ hại hơn. Nhưng do anh chàng kia lo sợ sẽ mất đi chỗ hỗ trợ về mặt tình cảm, tài chính, xã hội hay trong mọi vấn đề của cuộc sống hàng ngày, hoặc lo người phụ nữ nản lòng, nên anh ta sẽ bảo mọi chuyện đều vẫn rất ổn thỏa, rằng cô chỉ tưởng tượng quá mức, rằng anh ta vẫn yêu cô và mối quan hệ của họ đang dần cải thiện. Và thế là cô sẽ tin lời anh ta bởi chính bản thân cô cũng đang mong điều đó vô cùng. Cô đồng tình với anh ta rằng mình đã phóng đại các vấn đề của họ và vì thế, cô lại càng rời xa thực tế.
Thế là người đàn ông kia trở thành phong vũ biểu, là ra-đa, là thước đo cảm xúc của cô. Còn cô sẽ không ngừng theo dõi từng cử chỉ, động thái của anh ta. Mọi cảm xúc của cô đều xuất phát từ những gì anh ta đã làm. Trong khi cho phép anh ta cái quyền xoay chuyển và chi phối đời sống tình cảm của mình, cô cũng đồng thời tích cực can thiệp vào cuộc sống của anh ta. Cô cố gắng cải thiện vẻ ngoài của anh ta và luôn chứng tỏ mình là một đôi hạnh phúc trước mắt mọi người. Cô biện minh cho những thất bại của anh ta lẫn những thất vọng của bản thân. Trong lúc che giấu sự thật với mọi người, cô đồng thời che giấu sự thật đối với bản thân mình. Do không thể chấp nhận được thực tế con người của người đàn ông mình yêu thương cũng như sự thật rằng rắc rối của anh ta không hề liên quan đến mình, cô cảm thấy hoàn toàn thất bại trong việc nỗ lực nhằm thay đổi anh ta. Sự thất vọng và đau buồn đó sẽ dấy thành cơn giận dữ, dẫn đến các cuộc tranh cãi và thậm chí ẩu đả do cô khởi xưởng. Cũng như đã từng biện minh cho những lỗi lầm của anh ta, giờ đây, cô lại tự gánh lấy mọi trách nhiệm. Cô cảm thấy chỉ có mình là người duy nhất phải nỗ lực vun đắp cho mối quan hệ của đôi bên. Cô cảm thấy có lỗi và không ngừng tự hỏi tại sao mình lại giận dữ như thế và tại sao mình lại không đủ đáng yêu để anh ta phải thay đổi vì mình.
Với thiết tha muốn thay đổi người mình yêu thương, người phụ nữ sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được điều đó. Họ bắt đầu hứa hẹn với nhau, rằng cô sẽ không càm ràm nếu anh không say xỉn, về khuya hoặc lăng nhăng nữa. Thế nhưng, chẳng ai trong số họ giữ được những lời hứa và cô lờ mờ nhận ra rằng mình hoàn toàn mất kiểm soát, chẳng những đối với anh ta mà còn đối với chính bản thân mình. Cô không thể ngăn mình khỏi việc tiếp tục đánh nhau, la mắng, dụ dỗ và năn nỉ anh ta. Lòng tự trọng của cô hoàn toàn tuột dốc.
Có thể họ vẫn tiếp tục mối quan hệ và cho rằng nguyên nhân của mọi rắc rối là các yếu tố bên ngoài chi phối, chẳng hạn như gia đình, bạn bè hay công việc. Cũng có thể mọi chuyện sẽ khá hơn trong một thời gian, nhưng chỉ là một thời gian ngắn mà thôi. Và chẳng mấy chốc, chuyện cũ sẽ lại tái diễn.
Đến lúc này thì người phụ nữ đã cạn kiệt mọi năng lượng lẫn thời gian. Khi đó, nếu họ có con cái thì đứa trẻ sẽ thiếu sự quan tâm của người lớn, thậm chí là bị bỏ rơi. Do vậy, mọi thứ đều trở nên ngừng trệ. Cuộc sống của họ chất đầy cay đắng và việc giữ thể diện trước mọi người trở thành một thử thách lớn. Việc thiếu tiếp xúc với thế giới bên ngoài càng khiến người phụ nữ yêu mù quáng trở nên cô độc hơn. Họ đã đánh mất mối dây liên kết quan trọng với thực tế cuộc sống. Và chính vì thế, mối quan hệ với người đàn ông kia lại càng có dịp chiếm lĩnh toàn bộ cuộc sống của họ.
Ngày xưa, chính lối sống vô trách nhiệm và nhu cầu được giúp đỡ của người đàn ông kia đã khiến họ say mê. Lúc ấy, họ tin rằng mình hoàn toàn có thể thay đổi được anh ta. Còn giờ đây, họ nhận ra mình đang phải đảm đương những gánh nặng của anh ta. Dù cảm thấy oán giận anh ta ghê gớm nhưng họ vẫn cảm thấy thích thú khi được kiểm soát mọi thứ, từ tài chính cho đến con cái trong gia đình.
Hãy quay lại biểu đồ trước, bạn sẽ nhận ra rằng chúng ta đang ở vào “giai đoạn trọng yếu”, nghĩa là thời điểm của sự hủy hoại – đầu tiên là về mặt tình cảm và sau đó là đến mặt thể chất. Trong giai đoạn này, có thể người phụ nữ mắc phải chứng rối loạn ăn uống mà trước đây họ chưa từng bị. Nhằm tưởng thưởng cho những nỗ lực của bản thân cũng như để đè nén cơn giận và sự oán hận sôi sục trong lòng, cô bắt đầu sử dụng thức ăn như một chất gây nghiện nhẹ. Hoặc cũng có thể cô sẽ quên hẳn việc ăn uống do các chứng bệnh liên quan đến dạ dày cũng như thái độ sống “tôi chẳng còn thời gian để ăn”. Hoặc cũng có thể cô sẽ quan tâm đặc biệt đến chế độ ăn uống của mình để bù lại trạng thái mất kiểm soát đối với những cảm xúc cá nhân. Đến đây, những người phụ nữ này có thể bắt đầu lạm dụng rượu hoặc “các chất gây nghiện có tính tiêu khiển” khác, và các loại thuốc an thần sẽ thường xuyên có mặt trong cuộc sống của họ nhằm đối phó lại những tình huống mà họ cảm thấy hoàn toàn bất lực. Khi không thể chẩn đoán được nguồn căn chứng rối loạn của họ, các bác sĩ có thể càng làm cho tình huống trở nên trầm trọng hơn bằng cách cho họ uống các loại thuốc an thần nhằm dập tắt nỗi lo lắng trong họ. Việc làm này chẳng khác gì cho họ uống vài hớp rượu mạnh. Cả rượu mạnh lẫn thuốc an thần đều có tác dụng thuyên giảm cơn đau trong chốc lát nhưng sẽ để lại những hậu quả đáng tiếc trong khi chẳng hề giải quyết được gì.
Ở giai đoạn này, người phụ nữ thường khó tránh khỏi sự suy sụp, cả về thể chất lẫn tinh thần. Các rối loạn đi kèm với tình trạng căng thẳng kéo dài hoặc trầm trọng bắt đầu lộ diện. Họ có thể sẽ bị lệ thuộc vào thức ăn, rượu hoặc một chất gây nghiện nào đó. Song song đó, họ cũng có thể sẽ bị các rối loạn thể chất như loét dạ dày, các bệnh về da, huyết áp cao, co giật thần kinh, mất ngủ và các chứng bệnh về đường ruột. Các triệu chứng này đánh dấu giai đoạn suy sụp của họ. Hoặc trong hầu hết các trường hợp, một khi đã xảy ra, các triệu chứng này đều kéo dài và trở nên trầm trọng đến mức báo động.
Và khi cơ thể bắt đầu suy kiệt vì căng thẳng, họ bắt đầu chuyển sang giai đoạn nguy kịch. Dấu hiệu nhận biết giai đoạn này rõ nhất chính là việc họ mất hẳn khả năng tư duy. Theo đó, họ không còn khả năng nhận định tình thế của mình được nữa. Lúc này, sự quẫn trí của người phụ nữ yêu mù quáng bắt đầu phát triển ở mức cao. Họ không còn khả năng đưa ra những chọn lựa của mình trong cuộc sống. Hầu hết những gì họ làm chỉ nhằm phản ứng lại người yêu của mình. Đáng buồn thay, đối với họ, việc chuyển mối bận tâm sang người khác hoặc các thú vui khác cũng mang đầy sự ám ảnh.
Họ bắt đầu cay đắng và ghen tị với những người không phải chịu những tình cảnh như họ. Càng ngày, họ càng cảm thấy khó chịu đối với mọi điều xảy ra trong cuộc sống, thể hiện qua các mối xung đột ngày càng gia tăng với người bạn đời hoặc con cái trong gia đình. Rõ ràng khi ấy, cả bản thân họ lẫn mọi người bên cạnh họ đều đang sống trong tình trạng bệnh hoạn thật sự, cả về mặt tình cảm lẫn thể chất.
Một điều mà chúng ta không nên bỏ qua chính là tác động tiêu cực của người phụ nữ lên con cái. Như bạn đã thấy, rất nhiều phụ nữ trong cuốn sách này đều lớn lên trong những gia đình như thế.
Khi một người phụ nữ yêu mù quáng nhận ra rằng dù đã làm mọi thứ để thay đổi người đàn ông của đời mình nhưng vẫn thất bại, họ sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ một người nào đó, chẳng hạn như một nhà chuyên môn, để thay đổi được người họ yêu. Và điều quan trọng nhất ở đây là, nhà chuyên môn đó phải giúp họ nhận ra rằng, người cần được giúp đỡ và thay đổi chính là bản thân họ chứ không phải ai khác.
Điều này rất quan trọng bởi yêu mù quáng là một căn bệnh có quá trình tiến triển hẳn hoi. Với trường hợp của Margo, ta thấy rằng cô đang tiến dần đến cái chết. Rất có thể, cô sẽ chết vì đau tim, đột quỵ hoặc các chứng bệnh khác do căng thẳng gây nên. Hoặc cũng có thể cô chết vì nạn bạo lực vốn luôn hiện diện trong cuộc sống của cô, vì tai nạn giao thông khi không ngừng bị ám ảnh. Cũng có thể cô chết dần chết mòn trong suy kiệt. Dù nguyên nhân gì chăng nữa thì điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: Yêu mù quáng có thể sẽ giết chết con người chúng ta.
Bây giờ, chúng ta hãy trở lại trường hợp của Margo. Thật sự lúc này, Margo chỉ có hai chọn lựa. Và cô cần phải nhận biết rõ hai chọn lựa này để có thể đi đến quyết định cuối cùng.
Cô có thể tiếp tục tìm kiếm người bạn đời hoàn hảo. Với thói quen của mình, cô sẽ lại bị cuốn hút trước những người đàn ông hung bạo và không đáng tin cậy như trước đây. Hoặc cô phải bắt đầu thực hiện một nhiệm vụ đầy khó khăn, đó là phải nhận thức rõ thói quen tiêu cực của mình trong các mối quan hệ, đồng thời xem xét kỹ lưỡng các yếu tố giúp gia tăng “sự hấp dẫn” giữa bản thân với những dạng đàn ông khác nhau. Cô có thể tiếp tục tìm kiếm người đàn ông mang đến cho mình cảm giác hạnh phúc hoặc chọn lấy quá trình học cách yêu thương và nuôi dưỡng bản thân đầy gian khổ nhưng cuối cùng sẽ mang lại phần thưởng nhiều hơn.
Đáng buồn thay, phần lớn những phụ nữ như Margo sẽ chọn phương án đầu tiên và tiếp tục thói quen cũ của mình, tìm lấy một người đàn ông kỳ diệu khiến họ cảm thấy hạnh phúc đồng thời không ngừng tìm cách kiểm soát và cải tạo người đàn ông ấy.
Rõ ràng, việc tìm kiếm nguồn hạnh phúc bên ngoài bản thân có vẻ dễ dàng và thân thuộc hơn so với việc nghiêm túc xây dựng thế giới nội tâm cũng như khỏa lấp những khoảng trống trong tâm hồn mình. Tuy vậy, những ai thật sự muốn thay đổi chính mình, thì hãy cùng tôi tìm hiểu các bước để đạt được sự bình phục trong chương sau đây.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.