Mẹ của Thomas và Annika mời mấy bà bạn đến dùng tiệc ngọt, và bởi bà làm rất nhiều bánh, bà cho rằng Thomas và Annika có thể mời cả Pippi nữa. Bọn trẻ sẽ chơi với nhau và không gây phiền hà ai nữa.
Thomas và Annika cực kỳ vui sướng khi nghe mẹ nói thế, chúng lập tức phóng sang nhà Pippi để mời cô bé. Pippi ở ngoài vườn, đang tưới mấy khóm hoa còn sót lại bằng một cái bình tưới cũ gỉ mèm.
Vì mấy hôm nay mưa như trút, Thomas bảo Pippi có lẽ hoàn toàn chẳng cần thiết phải tưới hoa.
“Phải, cậu nói thì dễ lắm,” Pippi cau có đáp. “Nhưng nếu tớ đã nằm thao thức suốt đêm, khấp khởi mong trời sáng để dậy tưới hoa, thì đừng hòng tớ chịu để cho vài hạt mưa ranh ngăn cản tớ. Cậu nên nhớ như vậy.”
Lúc này Annika mới thông báo cái tin tuyệt vời về bữa tiệc ngọt.
“Tiệc ngọt… tớ ấy à?” Pippi kêu lên, nó bối rối tới mức lẽ ra phải tưới vào bụi hồng như dự định thì nó lại bắt đầu tưới vào Thomas. “Ôi, sẽ như thế nào nhỉ! Trời ơi, tớ bối rối quá! Thử nghĩ mà xem, nếu tớ không biết cách cư xử khéo léo thì sao.”
“Nhưng chắc chắn là cậu biết,” Annika nói.
“Đừng có tin chắc thế,” Pippi nói. “Tớ sẽ cố, cậu có thể tin tớ, nhưng đã bao lần tớ nhận thấy mọi người cho rằng tớ không biết cách cư xử, mặc dù tờ luôn hết sức cố gắng tỏ ra là con người lịch sự. Dạo ở trên biển, bọn tớ đâu có coi trọng những chuyện này đến thế. Nhưng tớ hứa với các cậu, sẽ ăn mặc chỉnh tề, để các cậu không phải xấu hổ vì tớ.”
“Tuyệt lắm.” Thomas nói, đoạn cậu và Annika chạy dưới mưa về nhà.
“Ba giờ chiều nay, đừng quên đấy!” Annika ló ra từ dưới ô, dặn với.
Đúng ba giờ chiều, một cô gái cực kỳ chải chuốt bước lên bậc cửa của biệt thự gia đình Settergren. Đó là Pippi Tất dài. Nhân dịp long trọng này, mớ tóc đỏ được nó bỏ xoã, ôm lấy đôi vai như bờm sư tử. Miệng nó được tô bằng bút chì đỏ, đỏ chót, cặp lông mày bôi đen bằng nhọ nồi trông dữ dằn phát khiếp. Móng tay cũng được tô bằng bút chì đỏ, còn trên giày, nó buộc hai cái nơ to tướng màu xanh lá mạ.
“Mình tin rằng mình sẽ là người bảnh nhất bàn tiệc,” Pippi lẩm bẩm vẻ mãn nguyện khi bấm chuông ngoài cửa.
Trong phòng khác nhà Settergren, ba quý bà sang trọng, Thomas, Annika và mẹ chúng đang ngồi. Một bàn tiệc lộng lẫy bày ra, ngọn lửa cháy trong lò sưởi. Mấy bà chuyện trò khe khẽ, trong khi Thomas và Annkia đang ngồi trên sofa giở xem một cuốn album. Tất cả cực kỳ thanh bình. Nhưng bỗng chốc, sự thanh bình ấy bị phá vỡ:
“Chú ý!”
Một tiếng hô khẩn thiết vọng đến từ hành lang, nháy mắt sau Pippi Tất dài xuất hiện trên ngưỡng cửa. Nó gào to và bất ngờ tới mức mấy bà giật thót cả người.
“Đơn vị tiến lên, bước!” Tiếng hô tiếp theo vang lên và Pippi tiến lại bà Setterglen với bước đi nhịp nhàng, hùng dũng. Nó đưa cả hai tay nắm lấy tay bà, nhiệt thành lắc lấy lắc để.
“Quả tình cháu rất nhút nhát,” nó nói, “nếu cháu không tự ra lệnh cho mình, thì có lẽ cháu cứ đứng ngoài hành lang mà chẳng dám vào mất.”
Đoạn nó chạy lên mấy người đàn bà, hôn vào má họ.
“Duyên dáng, duyên dáng quá, rất hân hạnh,” nó nói, vì đã từng nghe một đức ông sang trọng chào một quý bà như vậy. Rồi nó ngồi xuống.
Bà Setterglen vẫn tưởng bọn trẻ sẽ lên phòng của Thomas và Annika, nhưng Pippi vẫn cứ thản nhiên ngồi nguyên chỗ, chống tay lên đầu gối, nhổm dậy nhòm vào bèn tiệc và bảo: “Trông ngon thật đấy! Bao giờ thì ta bắt đầu?”
Đúng lúc đó Ella, chị giúp việc của gia đình, bưng ấm cà phê vào. Bà Settergren nói:
“Xin mời!”
“Cháu trước tiên!” Pippi kêu lên và nhảy hai bước đến bên bàn. Nó ra sức chất đầy bánh ngọt vào đĩa của mình, nén năm viên đường vào một tách cà phê, trút vợi nửa bình váng sữa vào cái tách, đoạn cùng toàn bộ chiến lợi phẩm rút lui về chỗ của mình, trước khi mấy bà kịp ngồi vào bàn.
Pippi duỗi dài hai cẳng chân, kẹp đĩa bánh giữa các đầu ngón chân. Nó tọng bánh đầy mồm đến nỗi không nói được nữa, mặc dù nó cố mở miệng. Loáng cái, nó đã nuốt gọn cả đãi bánh của mình. Nó đứng lên, gõ vào đĩa như gõ mõ, tiến lại bàn xem có còn miếng bánh ngọt nào không. Mấy bà nhìn nó khó chịu, song Pippi chẳng nhận thấy. Vừa nói như khướu nó vừa đảo quanh bàn, nhặt chỗ này một miếng bánh, chỗ kia một miếng bánh.
“Thật đáng yêu là đã mời cháu,” nó nói. “Cháu vui mừng ghê lắm, vì cháu chưa được mời đến tiệc ngọt nào cả.”
Trên bàn có một chiếc bánh kem lớn với miếng mứt màu đỏ ở giữa. Pippi chắp tay sau lưng ngắm chiếc bánh. Bỗng nó cúi xuống, ngoạm vào miếng mứt. Nhưng nó vục mặt xuống hơi vội vàng, khi ngẩng đầu lên, mặt nó trát đầu những kem.
Thomas và Annika ngồi đó, kinh hãi giương mắt lên nhìn Pippi.
“Ha ha ha,” Pippi cười, “bây giờ bọn mình có thể chơi trò bịt mắt bắt dê được đấy. Bọn mình có sẵn người bị bịt mắt rồi. Tớ chẳng nhìn thấy gì sất.”
Nó thè lưỡi, liếm sạch chỗ kem trên mặt.
“Đúng là rủi ro kinh khủng,” nó nói. “Nhưng cái bánh hỏng rồi còn đâu, thôi để cháu ăn nốt cho cũng được.”
Và y như lời, nó cầm đĩa xông vào chiếc bánh, nhoáng cái, chiếc bánh biến mất.
Pippi mãn nguyện vỗ vỗ bụng. Bà Settergren đang ở ngoài bếp nên không hề hay biết chuyện rủi ro xảy ra với chiếc bánh kem. Nhưng những bà khác nhìn Pippi hết sức nghiêm khắc. Họ cũng thèm được nếm bánh kem lắm chứ. Pippi nhận thấy họ có vẻ phật lòng, nó bèn quyết định động viên họ.
“Thôi các bác chẳng nên buồn vì một chuyện không mau cỏn con như thế”, nó nói giọng an ủi. “Cái chính là không ai việc gì. Mà ngồi ở tiệc ngọt thì phải vui vẻ lên chứ.”
Nó nhấc lọ đường khỏi bàn và rắc bao nhiêu đường xuống sàn nhà.
“Các bác nghĩ mà xem, đây là đường bột,” nó nói. “Vậy thì cháu làm đúng quá. Cháu rất muốn biết người ta mua đường bột để làm gì nếu không phải là để rắc?”
“Cô đã lần nào nhận thấy đi trên sàn rắc đầy đường là hết sức kỳ cục chưa?” Các bà khách hỏi nó.
“Cố nhiên còn nhộn hơn nữa nếu đi chân đất,” nó tiếp tục, cởi tuột cả tất lẫn giày. “Cháu nghĩ là các bác cũng nên thử xem, vì không thể tưởng tượng nổi cái gì thú hơn nữa đâu, các bác cứ tin lời cháu đi.”
Nhưng vừa hay bà Settergren bước vào, khi nhìn thấy đường tung toé, bà nắm chặt tay Pippi dẫn nó lại ngồi ghế sofa với Thomas và Annika. Đoạn bà quay lai chỗ mấy bà khách, mời họ dùng thêm cà phê. Chuyện cái bánh kem biến mất khiến cho bà vui sướng, vì bà ngỡ nó vừa miệng các vị khách tới mức họ đã chén sạch sành sanh.
Pippi, Thomas và Annika chuyện trò khe khẽ trên ghế sofa. Lửa bập bùng trong lò sưởi. Các bà uống thêm cà phê, và tất cả trở lại yên tĩnh, thanh bình. Rồi vẫn như thường diễn ra quanh các bàn tiệc ngọt, các bà bắt đầu kể lể về những người giúp việc của mình. Hẳn những chị giúp việc không hài lòng về họ, và các bà nhất trí rằng thực ra chẳng cần có người giúp việc. Có lẽ tốt hơn hết là cứ tự làm lấy cả, bởi như vậy ít nhất cũng biết chắc mọi việc sẽ được chu tất đâu ra đấy.
Pippi ngồi trên ghế sofa lắng nghe, sau khi các bà đã kể lể một hồi, nó nói:
“Một dạo bà nội cháu có một chị ở gái tên là Mali. Ngoài hai bàn chân nẻ nứt nẻ toác, chị ta chẳng có nhược điểm gì. Điều ngu ngốc nhất là hễ cứ có người lạ đến, chị ta lại chạy ra và bắt đầu sủa. Ồ, chị ta sủa mới ghê chứ! Khắp vùng đều nghe thấy. Nhưng chị ta làm thế chẳng qua để đùa chơi. Mặc dù những người lạ chẳng phải lúc nào cũng hiểu cho. Lần nọ có một bà già vợ mục sư tới thăm bà nội, đúng sau khi Mali vừa vào làm trong nhà ít bữa, và khi Mali chạy đến bắt đầu sủa thì cái bà mục sư ấy rú lên một tiếng khủng khiếp, khiến Mali sợ hết hồn, đến nỗi sau đó chị ta phải nằm liệt giường. Hôm ấy bà nội phải tự gọt khoai tây mới được một lần gọt chu tất đâu ra đấy. Bà gọt khéo đến nỗi hầu như chẳng còn tí khoai tây này, khi bà gọt xong thì chỉ còn rặt những vỏ! Nhưng bà vợ mục sư không bao giờ còn đặt chân tới nhà bà nội. Bà ta không biết thế nào là đùa, cũng không hiểu Mali, chị người ở thích đùa và vui tính đến thế!”
Pippi ngó quanh, cười thân thiện.
“Phải, đấy là Mali, chính thế.” Và nó ngoáy ngón tay cái. Các bà làm ra vẻ không hề nghe thấy gì. Họ tiếp tục câu chuyện.
“Giá như ít ra chị Rôda nhà tôi là một người sạch sẽ,” bà Bergin nói, “thì có lẽ tôi cũng giữ chị ta lại đấy.”
“Thế thì nhẽ ra bác phải trông thấy Mali,” Pippi xen vào. “Mali bẩn tới mức hoá ra lại trở thành niềm vui thật sự, bà nội bảo vậy. Một thời gian dài bà nội cứ đinh ninh chị ta là một người da đen, vì da chị ta đen thui thủi, nhưng thực ra đó chỉ là lớp ghét lưu cữu. Và một lần, trong một cuộc hội hè ở khách sạn thành phố, chị ta còn được nhận giải nhất vè móng tay móng chân bẩn. Phải, nói có trời đất chứng giám, chị ta mới bẩn làm sao!” Pippi thích thú nói.
Bà Settergren ném sang nó một cái nhìn nghiêm khắc.
“Các chị thử tưởng tượng,” bà Granthee nói, “mới đây, tối hôm nọ, chị Brigitte nhà tôi đi chơi, chị ta cứ thản nhiên lấy cái áo dài lục xanh của tôi ra mà diện. Các chị bảo thế có quá đáng không?”
“Đúng, thật là quá đáng,” Pippi nói. “Cứ như cháu nghe thấy, thì chị chàng có vẻ cùng một giuộc với chị Mali lắm. Bà nội có một cái áo lót màu hồng mà bà rất quý. Nhưng chết một nỗi Mali cũng mê cái áo. Thế là sáng nào bà nội và Mali cũng cãi nhau xem ai được mặc nó. Rốt cuộc hai người đi đến thoả thuận là để cho công bằng, họ sẽ thay nhau diện cái áo. Nhưng các bác thử tưởng tượng xem, Mali mới cứng cổ cứng đầu làm sao! Có lần không phải lượt chị ta, chị ta cũng chạy đến và bảo: Hôm nay sẽ không có món củ cải nghiền, nếu như cháu không được mặc cái áo lót bông màu hồng! Chà, bà nội biết làm sao đây? Củ cải nghiền là món ưa thích nhất của bà. Bà chả có cách nào khác là đưa áo cho Mali. Và sau khi đã sung sướng diện cái áo vào, chị ta nhanh nhẹn và hăm hở vào bếp, ra tay đánh củ cải, hăng đến nỗi bắn tung toé cả lên tường.”
Im lặng hồi lâu. Nhưng rồi bà Alexanderson nói:
“Tôi không hoàn toàn chắc chắn, nhưng tôi rất bất ngờ rằng chị Hunda nhà tôi ăn cắp. Quả thật tôi đã nhận thấy một số đồ dùng không cánh mà bay.”
“Mali…” Pippi lên tiếng, nhưng bà Settergren đã cương quyết bảo:
“Trẻ con đi lên phòng trẻ trên gác, lên ngay!”
“Vâng, nhưng cháu chỉ muốn kể rằng chị Mali cũng từng ăn cắp,” Pippi nói. “Ăn cắp như ranh! Tất cả những gì không đóng chắc ghim chặt đều mất. Thường cứ nửa đêm là chị ta dậy thó một cái gì đó, nếu không chị ta không sao ngủ yên được, chị ta bảo thế. Một lần chị ta thó cái đàn piano của bà nội, tha xuống dưới nhà giấu vào ngăn kéo tủ trên cùng của chị ta. Mali tắt mắt cực kỳ, bà nội bảo thế.”
Lúc này Thomas và Anika túm cánh tay Pippi lôi nó lên cầu thang. Các bà lại tiếp tục uống cà phê, bà Settergern kể:
“Tôi thật không muốn ca cẩm gì về chị Ella nhà tôi, nhưng chị ta đánh vỡ không biết bao nhiêu là bát đĩa, đúng, tôi phải công nhận như vậy.”
Một cái đầu tóc đỏ bất ngờ ló ra trên cầu thang.
“Lại nói chuyện chị Mali,” Pippi nói, “chị ta đã đập vỡ bao nhiêu là đồ sứ! Chị ta ra tay đập vào một ngày cố định trong tuần. Thứ Ba hàng tuần, bà nội bảo thế. Cứ đều đều năm giờ sáng thứ Ba là có thể nghe tiếng chị ở gái tuyệt vời ấy phang đồ sứ ở trong bếp. Chị ta bắt đầu với đám tách cà phê, cốc sứ, những đồ nhè nhẹ trước, để rồi tiếp tục với đám đĩa sâu, rồi đĩa nông, và chị ta kết thúc bằng tô canh, liễn xúp. Suốt buổi sáng, trong bếp không dứt tiếng vỡ xoang xoảng, nghe đến là vui tai, bà nội bảo thế. Và hễ buổi chiều mà Mali vẫn còn thời gian rảnh, chị ta bèn cầm một cái búa nhỏ, vào trong phòng khách đập nốt những chiếc đĩa cổ Đông An treo trên tường rơi xuống đất. Thứ Tư nào bà nội cũng đi mua sắm bát đĩa mới,” dứt lời, Pippi mất dạng trên cầu thang, hệt như đầu con rối thò ra rồi lại rụt ngay vào hộp.
Nhưng giờ đây bà Setterglen không kiềm chế nổi nữa. Bà chạy lên cầu thang, xộc vào phòng trẻ, tiến về phía trước Pippi đúng lúc nó vừa bắt đầu dạy Thomas trồng cây chuối.
“Cháu sẽ không bao giờ được phép đặt chân vào nhà này nữa,” bà nói, “nếu như cháu cư xử thiếu lễ độ như vậy.”
Pippi ngạc nhiên nhìn bà, những giọt nước mắt từ từ dâng đầy mắt nó.
“Cháu đã biết ngay từ đầu rằng cháu không biết cách cư xử mà. Có cố gắng đến mấy cũng vô ích thôi, cháu vẫn sẽ chẳng bao giờ học được cả. Lẽ ra cháu cứ ở lại trên biển mới phải.”
Đoạn nó nhún chân chào bà Settergren, tạm biệt Thomas và Annika, rồi chậm rãi bước xuống cầu thang.
Nhưng lúc này các bà khách cũng đang rục rịch chuẩn bị ra về. Pippi ngồi trong sảnh ngoài nhìn họ đội mũ và mặc áo khoác.
“Thật đáng tiếc là các bác không hài lòng với các chị ở gái nhà các bác,” Pippi khẽ nói. “Lẽ ra các bác phải có được một chị như Mali. Bà nội luôn luôn nói rằng một người ở gái hoàn hảo như Mali không có đến lần thứ hai. Các bác thử nghĩ, lần nọ vào dịp Giáng sinh khi Mali phải bưng hẳn một con lợn sữa quay ra bàn tiệc, các bác có biết chị ta đã làm gì không? Chị ta đọc được trong sách dạy nấu ăn rằng lợn quay tiệc Giáng sinh phải được bưng ra với hai tai nhét giấy loăn xoăn, mồm ngậm quả táo. Và Mali đáng thương không hiểu được rằng chính con lợn mới cần phải ngậm quả táo ở mõm, lại nhét giấy quăn. Giá mà các bác thấy tận mắt bữa tối Giáng sinh ấy, khi chị ta bước vào với giấy xốp loăn xoăn nhét đầy tai, còn mồm tọng một quả táo to tướng. Bà nội bảo chị ta: “Ôi Mali, cô điên rồi!” Và Mali không sao nói nổi một lời để thanh minh, mà cứ lúc lắc hai tai, khiến hai túm giấy xoăn kêu loạt xoạt. Chị ta cố nói một câu gì đó, nhưng chỉ nghe thấy “blub, blub, blub.” Phải, đó là một tối Giáng sinh chẳng vui vẻ gì cho Mali đáng thương.” Pippi buồn rầu nói.
Các bà khách đã mặc xong áo, chào tạm biệt bà Settergren. Còn Pippi chạy lại bên bà, thì thầm: “Xin bác tha lỗi cho là cháu đã không biết cách cư xử! Chào bác!”
Đoạn nó chụp cái mũ to tướng lên đầu, theo gót các bà khách.
Nhưng ra đến cổng vườn thì họ phải chia hai ngả. Pippi đi về Biệt thự Bát nháo, còn mấy bà đi theo hướng khác.
“Các bá có thể tin cháu, bà nội rầu rĩ héo hon khi bà để mất Mali. Các bác nghĩ xem, mọt sáng thứ Ba nọ, chưa đập vỡ hết một tá tách trà, Mali đã ra ngoài, rồi đi ra biển. Và hôm đó bà nội phải tự phang vỡ bát đĩa. Bà đã quen làm công việc đó đâu, bà tội nghiệp, nên tay bà phồng rộp cả lên. Bà chẳng bao giờ thấy chút tung tích gì của Mali. Thật đáng tiếc, một cô gái tuyệt vời đến thế, bà bảo.”
Đoạn Pippi quay gót, mấy bà khách rảo bước đi tiếp. Nhưng đi được vài trăm mét, họ nghe thấy tiếng Pippi gào vọng lại to tướng, tưởng chừng như xé phổi:
“Chị – ta – không – bao – giờ – chịu – quét – gậm – giường – cả