Sau Tang Lễ

Chương 14



– Cám ơn bà đã rất tử tế – Hercule Poirot nói với Janet – một phụ nữ có bộ mặt ủ ê và cái mồm quàu quạu.

“Hừ những kẻ lạ mặt này! Họ đặt ra những câu hỏi ngớ ngẩn. Thật là láu cá tự nhận là một bác sĩ nghiên cứu bệnh đau tim bất ngờ như là ông Abernethie đã mắc phải. Nhưng cũng có thể là thế thật, ông ấy đã bị đột tử mà, ngay cả ông bác sĩ của ông ấy cũng đã bị bất ngờ. Nhưng tại sao lão lạ mặt này lại phải mò đến tận đây cơ chứ?”

“Và tại sao bà Leo lại hải đích thân nói với tôi rằng: “Hãy trả lời những câu hỏi của ông Pontarlier đây. Ông ấy làm việc vì một lý do chính đáng đấy.”

“Những câu hỏi. Lại những câu hỏi nữa. Vì sao chính phủ lại tò mò vào chuyện riêng tư của người ta như thế? Nhiều khi lại còn hỏi tuổi người ta nữa chứ. Tôi kiên quyết không nói tuổi của mình. Khi người ta cảm thấy mình như là ở tuổi năm mươi tư tại sao lại phải nói là mình già hơn chứ?”

Nhưng ông Pontarlier đã không hỏi tuổi bà ta. Ông chỉ hỏi bà ta về những thuốc mà ông chủ quá cố của bà ta đã dùng, thuốc ấy để ở đâu, và liệu ông ấy có đã uống quá liều vì nhầm lẫn hay không hiểu biết không.

“Làm sao tôi có thể nhớ được tất cả những chuyện nhỏ nhặt ấy chứ? Nhưng ít ra cũng có thể nói là ông chủ biết điều gì ông ấy làm, ông ấy chẳng phải là loại người ít hiểu biết. Thuốc còn lại thì đã vứt rồi còn đâu. Ông ấy đã dùng thuốc trợ tim và một thuốc tên gì đó rất dài mà chẳng thể nào nhớ được.”

Người bác sĩ mạo xưng thở dài và xuống nhà tìm Lanscombe. Ông chẳng biết được thêm gì nhiều từ Janet nhưng ông cũng chẳng mong đợi ở bà ta lắm. Thực ra ông chỉ muốn kiểm ra lại mà không bị nghi ngờ những thông tin mà Helen Abernethie đã cho ông biết là bà đã được biết từ Janet. Hiển nhiên Janet đã nói với Helen một cách thoải mái hơn bởi vì bà ta nghĩ rằng bà Abernethie có quyền được hỏi. Tất nhiên Poirot có thể tin Helen được. Ông cũng nghĩ rằng những thông tin của bà chắc chắn là chính xác. Nhưng vì tính cẩn thận và vì kinh nghiệm nên bao giờ ông cũng chỉ tin chính mình thôi.

Thông tin mà Poirot tìm kiếm cũng chỉ đơn giản là trong đơn thuốc mà Richard Abernethie được cho có những viên nhộng dầu vitamin đựng trong một lọ và lọ này đã gần như trống không khi Richard qua đời. Bất cứ ai cũng có thể lấy một hay nhiều viên nhộng này,dùng kim tiêm bơm thuốc độc vào đó và để chúng lại trong lọ sao cho những viên nhộng đó chỉ được dùng đến một vài tuần sau khi thủ phạm đã rời Enderby. Cũng có thể một kẻ lạ mặt đã lén vào nhà ngày hôm trước ngày Richard Abernethie chết để bơm thuốc vào một viên nhộng hay đánh tráo một viên thuốc ngủ trong hộp đựng cạnh giường bằng một viên giống hệt nhưng chứa chất độc. Cũng có một khả năng khác là thuốc độc đã được cho vào thức ăn hay đồ uống của nạn nhân.

Hercule Poirot đã tự mình thử tìm cách lén vào nhà. Cửa chính thì khóa nhưng có một cửa bên, mở ra vườn chỉ được đóng vào buổi tối. Vào khoảng 13 giờ 15 phút, khi mọi người đều đang ăn trưa tại phòng ăn, Poirot đã vào nhà qua cửa bên lên đến tận phòng của Richard Abernethie mà không bị bắt gặp. Ông cũng đã thử đi đến tận phòng chuẩn bị đồ ăn, mở cửa bước vào mà cũng chẳng ai biết cả.

Vậy người ta đã có thể làm như vậy, nhưng có thực là thủ phạm đã vào làm theo cách ấy không? Rất ít có khả năng. Thực ra không phải là Poirot tìm bằng chứng, ông chỉ muốn tìm hiểu tất cả những khả năng có thể. Cũng có thể chuyện Richard Abernethie bị đầu độc chỉ là một giả thuyết. Bằng chứng ư? Thực ra chỉ cần tìm bằng chứng cho vụ Cora Lansquenet thôi. Poirot muốn tìm hiểu một cách cặn kẽ tất cả những người đã dự đám tang Richard và sẽ có kết luận sau. Ông đã có kế hoạch nhưng trước hết phải đi gặp Lanscombe đã.

Lanscombe rất lịch sự nhưng giữ khoảng cách.

– Vâng, ông cần tôi, thưa ông? Người đầy tớ già hỏi một cách lịch sự.

Poirot thận trọng ngồi xuống chiếc ghế cao trong bếp.

– Bà Abernethie đã cho tôi biết rằng trước đây ông định sau khi thôi làm sẽ đến ở trong căn nhà gần cổng phía bắc?

– Đúng vậy, thưa ông. Tất nhiên là điều đó bây giờ không thể được nữa rồi. Khi ngôi nhà sẽ bị bán…

Poirot cắt ngang:

– Ông vẫn có thể ở lại được đấy. Có những ngôi nhà dành cho những người làm vườn và hơn nữa có thể là những nguời sẽ đến ở đây sẽ không cần đến ngôi nhà của ông.

– Cám ơn ông. Nhưng thực sự không tin lắm… Họ là người nước ngoài có phải không?

– Đúng, họ là những người nước ngoài. Những người đã rời các nước châu Âu, phần lớn là những người tàn phế. Họ không có tương lai ở nước họ, họ hàng của họ đều đã chết cả. Tổ chức của tôi đã chuẩn bị tiền và các thủ tục mua ngôi nhà này hầu như đã kết thúc.

Lanscombe thở dài:

– Hẳn là ông cũng hiểu tôi đau khổ đến mức nào khi nghĩ rằng ngôi nhà này sẽ trở thành của công. Nhưng tôi cũng hoàn toàn hiểu rằng nó đã có thời của nó – ông già Lanscombe lại thở dài – Đất nước của tôi vẫn luôn mở rộng vòng tay với những người đau khổ, không tài sản và chúng tôi tự hào về điều đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy.

– Cám ơn Lanscombe – Poirot nói nhỏ – Có lẽ là cái chết của ông chủ của ông đã làm cho ông đau đớn lắm.

– Rất đau đớn, quả vậy thưa ông.

– Tôi đã nói chuyện với bạn tôi… người đồng nghiệp của tôi, ông Larraby. Chúng tôi đang tự hỏi hay là ông Abernethie đã gặp chuyện bực mình, chẳng hạn như một người khách khó chịu, hôm trước ngày ông ấy qua đời. Ông có nhớ là hôm đó ông ấy đã có khách hay không?

– Tôi tin rằng không, thưa ông. Tôi nhớ là đã không có khách nào.

– Không ai thật sao?

– Ông phó linh mục đã đến uống trà, ngày hôm trước. Ngoài ông ấy ra cũng có mấy bà sơ đến thu tiền quyên góp và một gã ấn chuông cửa phía sau nhà và hỏi xem Majorie có muốn mua bàn chải của anh ta không, cô ấy đã không đuổi được hắn. Ngoài ra không còn ai khác nữa.

Lanscombe tỏ vẻ khó chịu và Poirot không hỏi thêm nữa.

Với Majorie, ông thám tử người Bỉ đã có thành công ngay tức khắc. Chỉ cần ông lên tiếng bàn luận, với sự hiểu biết thực sự, về một vài món ăn và ông đã có được bản thực đơn cuối cùng của Richard Abernethie không khó khăn gì. “Buổi tối hôm ông Abernethie qua đời tôi đã chuẩn bị cho ông ấy món bánh trứng rán chocolate – tôi đã để dành sáu quả trứng cho việc đó. Ông bán sữa là một người bạn của tôi. Tôi cũng đã dùng cả kem nữa. Thật khó mà nói hết được ông Abernethie đã thích thú đến mức nào.” Những món khác của bữa ăn cũng đã được kể lại không kém phần chi tiết. Và mặc dù cô ta nói liếng thoắng hồi lâu, cô làm bếp cũng chẳng cho được Poirot thông tin gì đáng giá lắm.

Sau đó ông khoác áo choàng và đi ra sân gặp Helen Abernethie đang cắt hoa, không quên mang theo hai chiếc khăn che mũi để chống lại cái lạnh của xứ bắc này.

– Ông có phát hiện ra điều gì hay không?

– Không, nhưng tôi cũng đã đoán trước là như vậy.

– Tôi biết. Từ lúc tôi biết qua ông Entwhistle là ông sẽ đến, tôi đã để ý lục loại tìm kiếm khắp nơi nhưng chẳng có kết quả gì. Có lẽ chẳng có gì để tìm cả.

– Sáu hay tám cú rìu mà bà nói không có gì là sao?

– Ồ, tôi không nói về Cora.

– Còn tôi, chính là về Cora mà tôi nói đấy. Tại sao bà ta lại phải giết bà ấy chứ? Ông Entwhistle đã cho tôi biết rằng lúc Cora lỡ lời, bà đã cảm thấy điều gì đó không bình thường. Đúng vậy không?

– Ờ, đúng là vậy, nhưng tôi không biết…

Poirot tiếp tục hỏi không đợi bà nói hết câu.

– Điều gì “không ổn”? Điều gì đó bất ngờ? Một điều khó chịu? Một mối đe dọa?

– Không, không phải là một đe dọa. Chỉ là điều gì đó không… ồ tôi không biết nữa. Tôi không nhớ nổi, và đó chỉ là một chi tiết nhỏ.

– Nhưng tại sao bà lại không nhớ lại được? Bởi vì có điều gì khác đã làm bà quên chăng? Điều gì đó quan trọng hơn?

– Đúng… đúng. Tôi nghĩ là ông đã nói đúng. Có lẽ là lời nói bóng gió đến vụ ám sát đã làm tôi quên đi những điều khác.

– Có thể là phản ứng của một ai đó khi Cora nói câu đó chăng?

– Có thể. Nhưng tôi không nghĩ là lúc đó tôi đã chú ý nhìn ai đó đặc biệt. Tất cả mọi người đều nhìn vào Cora.

– Có lẽ là bà đã nghe thấy điều gì đó. Cái gì đó rơi, vỡ…

Helen cố gắng lục lọi trí nhớ.

– Không… tôi không nghĩ là như thế.

– Không sao, rồi một ngày nào đó bà sẽ nhớ lại. Giờ, hãy nói cho tôi biết ai là người biết rõ Cora nhất?

Helen nghĩ một lúc rồi nói:

– Lanscombe, tôi nghĩ thế. Ông ấy biết rõ bà ấy lúc còn nhỏ. Janet, bà hầu phòng đã đến đây khi Cora đã lấy chồng và không còn ở đây nữa.

– Sau Lanscombe thì ai biết rõ nhất?

– Có lẽ là tôi. Maude chỉ biết Cora sơ sơ thôi.

– Vậy thì, bởi vì bà là người biết rõ bà ấy nhất, theo bà tại sao Cora đặt ra câu hỏi ấy?

– Bình thường bà ấy vẫn ăn nói như vậy mà.

– Nhưng tại sao? Bà ấy đã chỉ nói lỡ ra như vậy thôi hay là bà ấy đã cố ý muốn làm cho mỗi người phải suy nghĩ?

Helen ngẫm nghĩ:

– Khó mà có thể đánh giá người khác một cách chắc chắn được, phải không? Tôi chưa bao giờ biết được liệu Cora có phải chỉ là một người nông cạn hay ngược lại bà ấy là một đứa trẻ thích làm mọi người để ý đến. Ông muốn nói đến điều đó dúng không?

– Đúng. Tôi nghĩ có thể là Cora đã tự nhủ: “Họ sẽ phản ứng như thế nào nếu như mình hỏi liệu có thể là Richard đã bị giết không? Có lẽ sẽ thú vị đây.” Liệu theo bà điều đó là có thể hay không?

Helen có vẻ do dự:

– Có thể. Bà ấy vẫn có cái óc hài hước kiểu trẻ con tinh nghịch. Nhưng nếu vậy thì sao?

– Không nên đùa với một vụ giết người. Poirot trả lời cụt lủn.

Helen rùng mình.

– Cora đáng thương.

Poirot đổi chủ đề.

– Bà Timothy đã ngủ lại đây đêm hôm tổ chức đám tang?

– Đúng thế.

– Bà ấy có nói gì với bà về câu nói của Cora không?

– Có. Bà ấy nói rằng đó là một lời nói lố lăng hoàn toàn đúng kiểu Cora.

– Bà ấy đã không coi đó là một chuyện nghiêm trọng?

– Ồ không… không. Tôi tin chắc rằng không.

Poirot cảm thấy từ “không” thứ hai có vẻ không chắc chắn. Nhưng mà thường thuờng khi phải nghĩ lại người ta vẫn thường không dám chắc như vậy.

– Thế còn bà, bà đã để tâm đến điều đó?

Đôi mắt HelenAbernethie có vẻ trẻ đến lạ lùng dưới mái tóc hoa râm vén sang hai bên trán.

– Vâng, ông Poirot. Tôi đã nghĩ nhiều đến câu nói đó.

– Vì cái cảm giác mà bà đã có rằng cái gì đó không ổn?

– Có thể là như thế.

Poirot đợi một lát nhưng Helen không nói gì nữa nên ông tiếp tục:

– Hình như quan hệ giữa bà Lansquenet và gia đình đã lạnh nhạt từ nhiều năm nay?

– Đúng thế. Chúng tôi không ai ưa chồng bà ấy và bà ấy đã nổi giận. Bởi vậy mà quan hệ gần như đã bị cắt đứt.

– Và sau đó, đột nhiên Richard đã đến gặp bà ấy. Vì lý do gì vậy?

– Tôi không biết. Tôi nghĩ rằng ông ấy đã biết, hoặc đã đoán được, rằng ông ấy không còn sống được bao lâu nữa và vì vậy ông ấy muốn hòa giải. Nhưng tôi đã không biết điều đó.

– Ông ấy không nói gì với bà sao?

– Nói với tôi?

– Thì bà đã đến đây ngay trước khi ông ấy đi gặp Cora có phải vậy không? Ông ấy không nói gì với bà về dự định của ông ấy sao?

Lúc đó Poirot nhận thấy Helen có vẻ có ý giữ gìn.

– Ông ấy đã nói với tôi về chuyện đi đến gặp Timothy, và ông ấy đã đi đến đó thật, nhưng ông ấy chưa bao giờ nói trước mặt tôi là sẽ đi gặp Cora. Chúng ta vào nhà thôi chứ? Sắp đến giờ ăn cơm trưa rồi.

Họ đi vào nhà, Helen mang theo những bông hoa vừa hái. Khi đi qua cửa, Poirot lên tiếng hỏi:

– Bà chắc chắn rằng trong những ngày bà ở đây, ông Abernethie không nói gì với bà về ai đó đặc biệt trong gia đình chứ?

Helen trả lời với đôi chút trách móc:

– Ông nói như là một cảnh sát vậy.

– Ngày xưa tôi đã là cảnh sát a9ấy chứ. Tất nhiên, tôi không có quyền thẩm vấn bà, nhưng bà cũng muốn biết sự thực, nếu như tôi đã hiểu đúng.

Họ vào căn phòng khách màu xanh. Helen thở dài.

– Richard rất thất vọng vì bọn trẻ của gia đình. Người già là như vậy đấy. Ông ấy đã nhận xét bọn trẻ thậm tệ về nhiều mặt nhưng không có gì – không có gì ông hiểu chứ – có thể lý giải một vụ giết người.

– A! Poirot chỉ nói có vậy.

Helen lấy một chiếc bình Trung Hoa và bắt đầu cắm hoa vào đó. Khi đã vừa ý bà liếc nhìn quanh tìm một chỗ thích hợp.

– Bà cắm hoa thật là đẹp. Hercule Poirot nhận xét. Tôi tin chắc rằng bà làm rất tốt tất cả những gì bà làm.

– Cám ơn. Tôi rất thích cắm hoa. Tôi nghĩ là bình hoa sẽ rất đẹp trên chiếc bàn đá xanh kia.

Trên chiếc bàn ấy đã có một bó hoa giả dưới một quả địa cầu bằng thủy tinh. Trong lúc Helen đang nhấc quả địa cầu lên, Poirot nói với một giọng lãnh đạm:

– Đã có ai nói cho ông Abernethie biết rằng chồng cô cháu gái Suzan của ông ấy đã suýt nữa đánh thuốc độc chết một khách hàng vì đã nhầm khi bán thuốc chưa? A! Xin lỗi!

Poirot nhảy vội phía trước. Tác phẩm nghệ thuật thời Victoria vừa tuột khỏi tay Helen, nhưng cái đỡ của Poirot đã không kịp thời. Quả địa cầu thủy tinh rơi xuống nền nhà và vỡ tan. Helen lộ rõ vẻ bực mình:

– Tôi thật là vụng về. Nhưng mà ít ra những bông hoa cũng đã không bị nát. Tôi sẽ cho làm một quả địa cầu khác. Bây giờ tôi phải dọn dẹp đống vỡ này xuống cái tủ dưới gầm cầu thang.

Poirot giúp bà một tay, và khi trở lại trong phòng khách ông xin lỗi:

– Đó là lỗi của tôi. Lẽ ra tôi không nên làm bà giật mình với câu hỏi của tôi như thế.

– Ông đã hỏi gì ấy nhỉ? Tôi đã quên mất rồi.

– Ồ, không có gì quan trọng đâu. Chính tôi cũng đã quên tôi muốn hỏi gì rồi.

Helen bước lại gần Poirot và đặt tay lên cánh tay ông.

– Ông Poirot. Cuộc thẩm vấn này có mục đích gì vậy? Những người sống có bắt buộc phải bị liên quan đến vụ này không nếu như họ không dính dáng gì đến… đến…

– Đến cái chết của Cora Lansquenet? Tất nhiên là có chứ, vì một lý do đơn giản là phải tìm hiểu kỹ càng mọi việc. Câu châm ngôn xưa thật đúng: Mỗi người đều giấu điều gì đó. Điều đó đúng với tất cả mọi người, có thể là cũng đúng với bà nữa, thưa bà. Nhưng tôi nhắc lại là tất cả đều phải được làm sáng tỏ, và chính vì lý do này mà ông bạn của bà, ông Entwhistle đã tìm đến tôi. Bởi vì tôi không phải là người của cảnh sát. Những gì mà tôi muốn biết không liên quan gì đến tôi, nhưng tôi phải biết. Và chính bởi vì trong chuyện này vấn đề chủ yếu là con người chứ không phải là bằng chứng, tôi quan tâm đến con người. Tôi muốn, thưa bà, gặp tất cả những người đã có mặt tại đám tang ông Abernethie và, dĩ nhiên, tốt nhất là cuộc họp mặt được tổ chức chính tại nơi đây.

– Tôi e rằng, Helen trả lời nho nhỏ, điều đó sẽ hơi khó đấy.

– Không khó đến vậy đâu. Tôi đã nghĩ ra một lý do có thể chấp nhận được. Ngôi nhà đã được bán, và ông Entwhistle sẽ là người thông báo tin đó. Ông ấy sẽ mời tất cả các thành viên gia đình đến đây để mỗi người chọn một đồ đạc hay một thứ gì đó mà họ muốn trước cuộc bán đấu giá. Cuộc họp gia đình có thể sẽ được tổ chức vào một ngày cuối tuần. Bà thấy đấy, cũng không đến nỗi khó đấy chứ.

Helen nhìn ông, đôi mắt bà lóe lên một tia lạnh lùng.

– Ông có ý định gài bẫy ai đó chăng, ông Poirot?

– Không, đáng tiếc. Giá mà tôi đã có đủ thông tin để làm điều đó. Không, tôi vẫn còn đang nghiên cứu tất cả các khả năng. Nhưng cũng có thể là tôi sẽ bố trí một vài thử thách…

– Thử thách? Thử thách kiểu gì?

– Tôi chưa quyết định gì cả, nhưng tôi nghĩ, thưa bà, rằng tốt hơn hết là bà không biết trước điều gì.

– Để có thể thử thách cả tôi nữa ư?

– Bà đã được loại khỏi những người tình nghi, thưa bà.

– Bọn trẻ chắc chắn sẽ đến, Poirot tiếp tục. Nhưng bà có nghĩ rằng sẽ khó mà đảm bảo được sự có mặt của ông Timothy Abernethie không? Hình như ông ta chẳng ra khỏi nhà bao giờ.

– Về vấn đề Timothy, tôi nghĩ rằng ông sẽ gặp may đấy. Helen nói nhanh với một nụ cười. Hôm qua tôi đã nói chuyện với Maude. Họ đang cho sơn lại nhà của họ, và Timothy nói rằng mùi sơn làm cho ông ta khó chịu. Tôi tin chắc rằng họ chẳng mong gì hơn được đến đây một hay hai tuần. Chân của Maude vẫn chưa khỏi hẳn, ông đã được biết là bà ấy bị ngã vỡ gót rồi chứ?

– Không, tôi không biết. Thật không may!

Nhưng họ đã có cô Gilchrist, cô hầu gái của Cora, đến giúp đỡ. Hình như là cô ta làm việc tốt lắm.

– Sao? Giọng Poirot lộ rõ vẻ ngạc nhiên. Sao họ lại cho gọi cô ấy? Ai đã có ý này vậy?

– Suzan, hình như thế, Suzan Banks.

– A! Poirot vẫn còn giọng lạ lùng. Thì ra đó là ý của cô bé Suzan. Cô ta rất thích dàn xếp mọi chuyện.

– Suzan vẫn luôn tạo cho tôi cảm giác cô ấy là một cô gái tài giỏi.

– Rất giỏi giang, quả đúng vậy. À bà biết không, cô Gilchrist vừa suýt chết vì một miếng bánh ngọt tẩm thuốc độc.

Helen giật nảy mình.

– Không. Maude đã nói với tôi là cô Gilchrist vừa ra viện nhưng tôi đã không hỏi tại sao. Một miếng bánh ngọt tẩm thuốc độc! Nhưng, ông Poirot… tại sao?

– Bà hỏi tôi “tại sao” ư?

Helen không trả lời mà nói một cách dứt khoát:

– Được rồi. Hãy tập trung tất cả mọi người tại đây. Hãy tìm ra sự thật! Không thể cho phép có những vụ giết người khác tiếp diễn.

– Bà sẽ hợp tác chứ?

– Vâng… tôi sẽ hợp tác.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.