Sử Ký Tư Mã Thiên

Cấp Ảm liệt truyện



Cấp Ảm tự là Trường Nhu, người đất Bốc Dương. Tổ tiên ngày xưa được vua nước Vệ yêu quý. Đến Ảm là đời thứ bảy, đời đời vẫn làm khanh, đài phu. Ảm nhờ cha được làm quan (l). Thời vua Hiếu Cảnh, Ảm làm thái tử tẩy mã (2). Ảm người trang trọng được mọi người kính sợ. Vua Hiếu Cảnh mất, thái tử lên ngôi, Ảm làm chức yết giả. Các nước ở Đông Việt đánh lẫn nhau, nhà vua sai Ảm đến xem. Ảm không đi đến nơi chỉ đi đến đất Ngô rồi trở về báo:

Người Việt đánh nhau, đó là cái tục của họ xưa nay vẫn thế, không đáng làm nhục đến sứ thần của thiên tử.

Hà Nội phát hỏa, cháy lan hơn một ngàn nóc nhà, vua sai Ảm đến xem. Ảm trở về báo:

Người nhà để lửa cháy, nhà ở liền nhau nên cùng cháy. Điều đó không đáng lo. Thần qua Hà Nam, Hà Nam người nghèo, hơn một vạn người bị lụt lội hạn hán, có người cha con ăn thịt nhau. Thần nhân tùy tiện lấy cờ tiết (3), bảo mở kho lúa Hà Nam để phát chẩn cho dân nghèo. Thần xin đem cờ tiết về chịu tội đã giả chiếu chỉ của hoàng thượng.

Nhà vua cho Ảm là người hiền, tha tội, đổi làm huyện lệnh ở Huỳnh Dương. Ảm xấu hổ về việc đi làm huyện lệnh, cáo bệnh xin về vườn. Nhà vua nghe vậy mời vào cho làm trung đại phu.Vì Ảm hay can thẳng nên không được ở lâu trong triều, bị đổi đi làm thái thú ở Đông Hải.

Ảm theo đạo Hoàng Đế, Lão Tử; lúc làm quan trị dân thích thanh tĩnh, chọn những người thừa, sử, rồi giao cho họ làm. Trong việc cai trị chỉ xem xét đại thể mà thôi không chú ý đến những chi tiết vụn vặt. Ảm lắm bệnh, nằm ở trong nhà không ra. Được hơn một năm quận Đông Hải rất yên. Mọi người khen ngợi. Nhà vua nghe tin, gọi vào cho làm chủ tước đô úy, đứng vào hàng cửu khanh. Ảm cai trị chỉ muốn “bớt việc” mà thôi cốt đại thể, không câu nệ về văn từ pháp lệnh. Ảm tính kiêu ngạo, ít lễ độ, chỉ trích trước mặt, không chịu tha thứ những sai lầm của người ta. Ai hợp với mình thì chơi, ai không hợp thì không buồn nhìn. Kẻ sĩ cũng vì vậy mà không theo.

Nhưng Ảm thích chơi với người nghĩa hiệp, chú trọng về khí tiết, tự mình cư xử liêm khiết, thích can thẳng, nhiều lần xúc phạm đến sắc mặt nhà vua. Ảm thường khen Phó Bách, Viên Áng (4), chơi thân với Quán Phu (5), Trịnh Dương Thời và Lưu Khí làm chức tông chính (6). Những người này cũng vì hay can thẳng nên không ở chức vị được lâu.

Lúc bấy giờ em trai thái hậu là Vũ An Hầu tên là Điền Phân làm thừa tướng. Các quan từ hai ngàn thạch lương trở lên đều đến bái yết. Phân không đáp lễ. Nhưng Ảm thấy Điền Phân, thường không lạy mà chi vái. Nhà vua mới nhóm họp các nhà văn, nhà nho. Nhà vua nói:

Ta muốn thế này, thế này…

Ảm tâu:

Bệ hạ trong lòng có nhiều ham muốn, bên ngoài lại làm ra vẻ nhân nghĩa muốn bắt chước cách cai trị đời Đường, đời Ngu làm sao được ?

Nhà vua im lặng, nổi giận, biến sắc mặt và bãi triều. Các công khanh đều lo hộ cho Cấp Ảm. Nhà vua lui vào cung bảo các quan hầu:

Thật là quá lắm Cấp Ảm thật là bướng !

Nhà vua đặt ra các quan công khanh đâu phải bảo họ a dua nịnh hót, dồn vua đến chỗ bất nghĩa ? Vả chăng đã ở địa vị công khanh mà còn luyến tiếc thân mình làm nhục triều đình sao ?

Ảm lắm bệnh, đau ba tháng liền. Nhà vua mấy lần cho ông ta cứ làm quan nhưng ở nhà chữa bệnh, tuy vậy cuối cùng cũng không bớt. Sau cùng mắc bệnh nặng. Trang Trợ xin cho Ảm được thôi làm quan.

Nhà vua hỏi:

Cấp Ảm là người như thế nào?

Trợ nói:

Nếu cho Ảm giữ chức làm quan thì cũng chẳng có gì hơn người. Nhưng để ông ta giúp ấu chúa thì ông ta giữ vững ý định: gọi không đến, đuổi không đi, dù có người tự chomình là Mạnh Bôn, Hạ Dục cũng không thể thắng được.

Nhà vua nói:

Phải đấy ? Ngày xưa có bầy tôi cùng chung hoạn nạn với quốc gia. Ảm cũng gần được như vậy.

Đại tướng quân Vệ Thanh vào chầu trong cung, nhà vua ngồi xổm bên cạnh giường mà tiếp. Thừa tướng Hoẵng nhân việc vào yết kiến, nhà vua có khi không đội mũ. Còn Ảm vào yết kiến nhà vua không đội mũ thì không tiếp. Nhà vua thường ngồi ở trong trướng võ, Ảm tiến tâu công việc nhà vua không đội mũ, nhìn đằng xa thấy Ảm thì tránh vào trong trướng, sai người chuẩn y lời tâu. Ông được nhà vua kính nể như vậy.

Trương Thang vừa mới được làm đình úy vì đã thay đổi hình luật, pháp lệnh. Cấp Ảm mấy lần chất vấn, trách ông ta trước mặt nhà vua, nói:

Ông làm cửu khanh nhưng ở trên không thể nêu cao công nghiệp của tiên đế, ở dưới không thể ngăn cản lòng tà của thiên hạ, khiến cho nước yên, dân giàu, tù ngục không có người. Cả hai điều đó ông không được lấy một. Không kể việc sai trái, làm khổ người khác, cứ việc làm; không kể việc hỏng chỉ cốt được việc cho mình. Tại sao ông lại thay đổi pháp luật Cao Hoàng đế đã định để làm cho rối loạn ? Ông làm thế sẽ mất nòi đấy !

Ảm có lúc tranh cãi với Thang. Khi tranh luận Thang thường chú ý đến lời văn cho sâu và bới lông tìm vết còn Ảm thì ngay thẳng, nghiêm túc, giữ đúng khuôn phép không chịu thua. Ảm giận mắng:

Thiên hạ nói bọn thư lại không thể làm công khanh, điều đó quả thật là đúng ? Cứ theo Thang thì sẽ khiến thiên hạ chồng chân lên nhau mà đứng liếc mắt nhìn trộm vậy (7).

Lúc bấy giờ, nhà Hán đang đánh Hung Nô, kêu gọi vỗ về tứ di (8). Ảm cốt sao ít sinh sự, nhân lúc nhà vua rảnh thường nói nên hòa thân với Hồ chứ đừng gây binh. Nhà vua đang thiên về đạo Nho, tôn quý Công Tôn Hoằng (9). Đến khi công việc càng nhiều, quan lại lo dùng pháp luật để ràng buộc, dân lo tìm cách trốn tránh. Nhà vua dùng pháp luật để xét xử, bọn Thang thường gây những ngục lớn, đem tội trạng tâu lên để được lòng nhà vua. Trái lại Ảm thường chê bai nhà Nho, trước mặt bọn Hoẵng, trách họ trong lòng giả dối, bên ngoài khéo léo khôn ngoan hùa theo nhà vua để giữ địa vị, bọn thư lại (10) chỉ lo bẻ cong pháp luật khéo tìm cách làm hại người ta, hãm người ta vào tội khiến không được thân oan, lấy việc thắng được dân làm công lao. Nhà vua càng quý bọn Hoẵng, Thang. Hoẵng và Thang trong lòng rất ghét Ảm. Tuy thiên tử không thích nhưng họ muốn tìm việc để giết Ảm. Hoẵng làm thừa tướng nói với nhà vua:

Ở trong hữu nội sử có nhiều quý nhân, tôn thất, khó trị. Nếu không có một vị quan đã từng nổi danh thì không làm được trách nhiệm ấy. Xin cho đổi Ảm làm hữu nội sử. Ảm làm hữu nội sử mấy năm, việc quan không bỏ trễ.

Đại tướng quân Vệ Thanh càng được tôn trọng, chị là hoàng hậu, nhưng Ảm vẫn đối xử ngang hàng. Có người nói với Ảm :

Thiên tử muốn quần thần kính trọng đại tướng quân. Đại tướng quân được tôn trọng lại càng quý, ông nên lạy là phải.

Ảm nói:

Đại tướng quân có người khách vái dài, thế là không được tôn trọng hay sao ?

Đại tướng quân nghe vậy lại càng cho Ảm là người hiền, thường mời hỏi những việc quốc gia triều đình chưa quyết định, đối xử với Ảm hơn hẳn ngày trước. Hoài Nam Vương mưu phản, sợ Ảm, nói:

Ảm thích can thẳng, giữ khí tiết, chịu chết theo chính nghĩa, khó lấy điều phản bội mà dụ dỗ ông ta được. Còn như thuyết phục thừa tướng Hoẵng thì cũng dễ như mở đồ đậy, chọc lá sắp rụng mà thôi.

Sau khi nhà vua nhiều lần đánh Hung Nô thành công, lời nói của Ảm lại càng không được nghe. Trước kia Ảm ở vào hàng cửu khanh, trái lại Công Tôn Hoẵng, Trương Thang là quan lại nhỏ. Đến khi Hoẵng và Thang càng ngày được thăng lên ngang hàng với Ảm. Ảm lại mắng nhiếc chê trách Hoẵng và Thang. Ít lâu sau, Hoẵng làm đến thừa tướng được phong làm hầu, Trương Thang làm đến ngự sử đại phu. Vì vậy trong thời của Ảm, thừa tướng, ngự sử đều cùng ngang hàng với Ảm lại có phần được tôn trọng, tin dùng hơn. Ảm là người hẹp hòi không khỏi oán thán. Khi yết kiến nhà vua, Ảm nói:

Bệ hạ dùng bày tôi như chất củi mà thôi, ai đến sau thì ở trên. Nhà vua im lặng. Một lúc sau Ảm rút lui. Nhà vua nói:

Người ta quả là không thể không có học, xem Ảm nói thì ngày càng quá lắm.

Được ít lâu, vua Hồn Gia của Hung Nô đem dân chúng đến hàng. Nhà Hán đưa ra hai vạn cỗ xe. Nhà vua không có tiền, mua chịu ngựa của dân. Dân có người giấu ngựa đi, số ngựa không đủ. Nhà vua giận, muốn chém quan huyện lệnh Trường An. Ảm nói:

Quan huyện lệnh Trường An không có tội, xin chém một mình Ảm, thì dân sẽ chịu đưa ngựa ra. Vả chăng Hung Nô phản lại chủ của họ, đầu hàng nhà Hán; Hán cứ thủng thẳng đặt các trạm ở các huyện để đưa đến, sao lại làm cho thiên hạ náo động, Trung Quốc mệt mỏi để hầu hạ Di, Địch

Nhà vua im lặng. Đến khi Hồn Gia đến, những người buôn bán và những người ở ngoài chợ phạm tội chết đến hơn năm trăm người. Ảm xin được dịp yết kiến nhà vua ở điện Cao Môn. Ảm nói:

Hung Nô vào xâm lấn đường sá biên giới, cắt đứt hòa thân. Trung Quốc đem binh trừng phạt, người chết và bị thương không kể xiết, hao phí tiền của hàng vạn triệu. Thần ngu dốt cho rằng bệ hạ được người Hồ thì đều cho làm nô tỳ cấp cho những gia đình có người tòng quân mà chết. Tài sản cướp được thì đều cấp cho họ để đỡ cái khổ cho thiên hạ, an ủi lòng trăm họ. Nay lại không làm như vậy, Hồn Gia đem mấy vạn người đến hàng, bệ hạ sai vét rỗng kho để thưởng, bắt dân lành hầu hạ nuôi nấng, như nuôi đứa con cưng ? Dân ngu biết đâu rằng đó là lệnh cấm, nên tùy tiện đến mua những đồ vật ở chợ Trường An. Thế mà quan lại theo pháp luật buộc tội họ là đã đem của cải vật phẩm đưa ra biên giới ! Nếu như bệ hạ không thể có được của cải của Hung Nô để tạ lỗi với thiên hạ, thì lẽ nào dùng lời lẽ khó hiểu mà giết hơn năm trăm người dại dột. Làm như vậy tức là như người ta nói: “Che chở cho lá làm thương tổn đến cành cây vậy”. Thần trộm cho bệ hạ làm như thế là không phải. Nhà vua im lặng, không nghe theo, nói:

– Ta đã lâu không nghe Cấp Ảm nói, đến nay ông ta lại nói bậy.

Mấy tháng sau, Cấp Ảm phạm sai lầm nhỏ, bị tội. Gặp lúc đại xá bị bãi chức, Ảm bèn ở ẩn chốn điền viên.

Cấp Ảm ở nhà được mấy năm, gặp lúc nhà vua thay bằng thứ tiền năm thù, dân nhiều người đúc tiền trộm, ở nước Sở lại càng nhiều nhất (11). Nhà vua cho rằng Hoài Dương là nơi giáp giới nước Sở, bèn gọi Cấp Ảm vào cho làm thái thú Hoài Dương: Ảm lạy từ tạ không nhận ấn. Chiếu mấy lần ép giao ấn, sau đó Ảm mới vâng lời. Chiếu cho Ảm đến yết kiến, Ảm khóc và nói với nhà vua:

Thần tự cho rằng mình chết ở nơi ngòi rãnh không còn có lúc thấy lại bệ hạ, không ngờ bệ hạ lại dùng. Thần thường có cái tật của loài chó ngựa, không đủ sức làm việc ở các quận. Thần xin nguyện làm trung lang (12) ra vào nơi cung cấm, vá những điều sai, lặt những điều sót, đó là nguyện ước của thần.

Nhà vua nói:

Nhà ngươi coi thường Hoài Dương hay sao ít lâu nữa ta sẽ gọi nhà ngươi về. Hiện nay ở Hoài Dương dân và quan không tương đắc, ta chỉ nhờ cái uy sẵn có của nhà ngươi, nhà ngươi cứ nằm mà cai trị (13).

Sau khi Ảm từ giã ra đi. Ảm qua nhà Lý Tức làm đại hành (14), nói:

Ảm bị vứt ra ngoài quận không thể bàn việc triều đình được nữa. Nhưng Trương Thang làm ngự sử đại phu là người có cái trí khôn đủ để chống lại những lời can ngăn, có cái tài gian trá đủ để tô vẽ cho điều sai trái, chỉ cốt khéo ton hót bề trên, bắt bẻ người dưới, không chịu theo điều chính nghĩa để lo việc thiên hạ. Ông ta chỉ lo a dua theo ý vua. Nhà vua không ưa ai thì ông ta nhân đó gièm pha thêm, nhà vua ưa ai thì ông ta nhân đó khen ngợi thêm. Thích sinh sự, múa may trong văn án, trong lòng nghĩ đến việc dối trá để chiều theo ý vua. Bên ngoài dựa vào bọn tặc lại (15) để làm cho uy mình thêm lớn. Ông ở hàng cửu khanh mà không sớm nói điều đó thì ông và hắn đều sẽ bị tội cả đấy.

Tức sợ Thang, cuối cùng không dám nói. Ảm ở quận vẫn cai trị như trước, chính trị Hoài Dương được sáng suốt. Sau đó quả nhiên Trương Thang bị thất bại. Nhà vua nghe lời Ảm nói với Tức, trị tội Tức, cho Ảm ở Hoài Dương được hưởng lương bổng của tướng quốc chư hầu (16). Được bảy năm thì mất.

Sau khi mất, nhà vua vì Ảm nên cho người em là Cấp Nhân làm đến cửu khanh. Con Ảm là Cấp Yến làm đến tướng quốc của chư hầu. Người em con cô là Tư Mã An lúc nhỏ cùng làm thái tử tẩy mã với Ảm. An lời văn sâu sắc, khéo làm quan, bốn lần đến chức cửu khanh, khi chết làm thái thú Hà Nam. Bọn anh em nhờ An nên đồng thời có đến mười người lương hai nghìn hộc. Đoạn Hoẵng người Bộc Dương lúc đầu thờ Hạ Hầu tên là Tín. Tín dùng Hoẵng. Hoẵng cũng hai lần làm đến cửu khanh. Những người nước Vệ làm quan ai cũng kinh sợ Ảm, coi Ảm là ở trên mình.

1. Trịnh Đương Thời tự là Trang, người ở đất Trần. Cha là Trịnh Quân đã từng làm tướng của Hạnh Tịch. Tịch chết, ít lâu sau theo về Hán. Cao Tổ sai các quan cũ của Hạng Tịch gọi tên Tịch (17). Riêng một mình Trịnh Quân không nghe theo lời chiếu. Chiếu cho tất cả những người gọi tên Tịch làm đại phu mà đuổi Trịnh Quân. Trịnh Quân chết thời Hiếu Văn Đế.

Trịnh Trang thích làm nghĩa hiệp. Khi đã cứu Trương Vũ khỏi ách thì nổi tiếng ở miền Lương, Sở. Thời Hiếu Cảnh Đế, Trang làm thái tử xá nhân (18). Cứ năm ngày lại tắm rửa, thường đặt ngựa trạm ở ngoại thành Trường An, thăm hỏi những người bạn cũ, đến chơi nhà các tân khách, suốt đêm cho đến sáng hôm sau, thường vẫn sợ không chu đáo, Trang thích học theo lối Hoàng Đế, Lão Tử, hâm mộ những người trưởng giả như là sợ không được gặp mặt (19). Tuy tuổi trẻ, quan thấp, nhưng các bạn bè giao du, đều là hạng cùng lứa với hàng cha, ông, là những kẻ sĩ có danh tiếng trong thiên hạ. Vũ Đế lên ngôi, Trang dần dần làm trung úy ở đất Lỗ, làm thái thú ở Tế Nam, làm tướng quốc ở Giang Tô, làm đến hữu nội sử thuộc hàng cửu khanh. Vì việc Vũ An Hầu và Ngụy Kỳ tranh cãi nhau, An bị giáng chức làm thiêm sự, đổi làm đại nông lệnh (20).

Khi làm thái sử, Trang căn dặn những người môn hạ như sau:

Có khách đến thì không kể cao quý hay hèn mọn đều không được giữ ở ngoài cửa. Trang giữ lễ đối với khách, mặc dầu mình cao quý nhưng đối với người thì khiêm tốn. Trang thanh liêm lại không lo đến sản nghiệp đem tất cả lương bổng cho tân khách, những thức ăn đưa cho khách đều đặt trong những cái quả bằng tre (21). Mỗi lúc đi chầu, có dịp tâu lên, Trang luôn luôn nói lên những người trưởng giả trong thiên hạ. Khi tiến cử các kẻ sĩ và những người thuộc lại thì trình bày thân thiết thú vị thường đề cao tài đức của họ, cho họ hơn mình, không bao giờ gọi họ bằng tên. Khi nói với những quan dưới quyền mình thì cẩn thận như sợ làm tổn thương đến họ. Nghe người ta có lời nói hay thì vội vàng lo tiến lên nhà vua. Kẻ sĩ và những người trưởng giả ở Sơn Đông vì vậy đều khen ngợi Trịnh Trang.

Vua sai Trịnh Trang đi xem cửa sông Hoàng Hà. Trang xin năm ngày để chuẩn bị hành lý, Nhà vua nói:

Ta nghe nói Trịnh Trang đi nghìn dặm không mang lương, tại sao lại xin chuẩn bị hành lý ?

Nhưng Trịnh Trang ở trong triều thường a dua phụ họa theo ý muốn nhà vua không dám trình bày rõ ràng là đúng hay sai. Đến khi già, nhà Hán đánh Hung Nô, chiêu hàng tứ di, thiên hạ hao phí nhiều, của cải dùng càng thiếu. Trang tiến cử người và tân khách làm việc vận chuyển dưới quyền đại nông lệnh, nhiều người ăn bớt của công. Tư Mã An làm thái thú Hoài Dương tố giác việc ấy. Trang vì vậy bị tội, chuộc tội làm thường dân. Ít lâu sau tạm quyền chức trưởng sử của thừa tướng. Nhà vua thấy Trang già nên cho làm thái thú Như Nam. Được mấy năm thì chết trong lúc làm quan.

Trịnh Trang, Cấp Ảm lúc đầu vào hàng cửu khanh, người thanh liêm bản thân lo gìn giữ trong sạch. Hai người này giữa chừng bị bỏ, nhà nghèo khách khứa càng ít. Khi làm việc ở quận chết đi nhà không có của thừa. Anh em con cháu Trang nhờ có Trang nên sáu bảy người lương đến hai nghìn thạch.

2. Thái sử công nói:

Người hiền như Ảm và Trang thế mà khi có thế lực thì khách khứa đông gấp mười lần, khi không có thế lực thì chẳng có một ai, nữa là người thường ! Địch Công ở Hạ Quê nói: Lúc đầu Địch Công làm đình úy thì khách khứa chật cửa. Đến khi bãi quan thì ngoài cửa có thể đặt lưới bắt chim sẻ. Khi Địch Công lại làm đình úy, khách khứa muốn đến. Địch Công viết mấy chữ lớn ở ngoài cửa: “Một sống một chết, tình bạn mới biết; một nghèo một giàu, mới rõ lòng nhau; một hèn một sang, tình bạn rõ ràng”. Câu đó cũng đúng với Cấp Ảm, Trịnh Trang. Thương thay !

………………………………………………..

(1). Theo quan chế nhà Hán nếu ở địa vị từ 2.000 thạch trở lên thì sau ba năm được cử một người trong số anh em ruột hay còn làm lang.

(2). Chức quan lương 600 thạch, khi nào thái tử đi ra thì cưỡi ngựa đi trước.

(3). Nhà vua sai người đi thay mình làm việc gì thì cầm cờ tiết.

(4). Xem Quý Bố, Loan Bố liệt truyện.

(5). Xem Ngụy Kỳ, Vũ An Hầu liệt truyện.

(6). Chức ở địa vị cửu khanh.

(7). Đứng hai chân đặt lên nhau, ý nói không còn lối nào mà đi, liếc mắt nhìn trộm ý nói không dám nhìn thẳng. Nếu theo pháp luật hà khắc thì thấy cái gì cũng sợ phạm pháp, có chân không dám đi, có mắt không dám nhìn.

(8). Hán Vũ Đế tham lam muốn đánh Hung Nô, bình định Đông Việt Nam Việt, Tây Nam Di v.v… gây nên chiến tranh, nhân dân điêu đứng.

(9). Bấy giờ Hoẵng làm thừa tướng. Hoẵng theo đạo Nho, người giả dối, tàn nhẫn.

(10). Chỉ Trương Trang.

(11). Xem Bình chuẩn thư.

(12). Chức quan thấp lo việc canh phòng. Ý Ảm muốn ở cung để được can ngăn nhà vua dù là chức quan thấp chứ không muốn đi ra các quận.

(13). Vũ Đế rất biết tài của Ảm cho nên nói “nằm mà cai trị”, nhưng rất ghét Ảm nên cho đi ra các quận để khỏi can gián lôi thôi.

(14). Chức quan ngoại giao cấp cửu khanh coi việc đối xử với các nước ngoài.

(15). Quan lại ăn cướp.

(16). Nhưng vẫn không cho về kinh đô. Vũ Đế ghét Ảm nhưng không giết được vì sợ dư luận dù biết Ảm là trung thần cũng không dùng. Đúng như nhận xét “trong lòng nhiều ham muốn, bên ngoài ra vẻ nhân nghĩa”.

(17). Gọi vua bằng tên là phạm tội bất kính.

(18). Chức rất thấp ở dưới chức thái tử tẩy mã.

(19). Ý nói vội vàng.

(20). Thiêm sự coi công việc trong cung Hoàng Đế và cung thái tử. Đại nông lệnh thuộc hàng cửu khanh coi thóc lúa và hàng hóa cả nước.

(21). Ý nói không sắm sửa gì.

o0o


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.